Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
Niệm Phật, đọc chú, phóng sanh
có thay đổi được số mạng không?
Kim Oanh hỏi, Thích Giác Hoàng trả lời

Kính gởi quý Thầy,

Xin vui lòng cho con hỏi có phải phóng sanh sẽ làm giảm bớt nghiệp bệnh tật của mình hay không? Niệm Phật, đọc chú, phóng sanh có thể thay đổi được số mạng của mình hay không?

Ðỗ Thị Kim Oanh

***

 Xin chào Phật tử,

1. Phóng sanh có giảm bớt nghiệp bệnh tật của mình không?

Chắc chắn có. Bệnh tật có nhiều nguyên nhân. Theo Ðại Sư Trí Khải trong cuốn Pháp Yếu Tu Tập - Tọa Thiền Chỉ Quán  được HT. Thích Thanh Từ dịch ra Việt văn,  ghi rằng có ba nguyên nhân khiến người mắc bệnh như sau:

1. Tứ đại bất hòa, ngũ tạng lục phủ bất mục .

2. Quỉ thần  bắt bớ, quở phạt

3. Nghiệp báo đeo đuổi.

Những bệnh phát sinh từ những nguyên nhân này khi mới mắc phải, sớm trị thì   rất dễ được lành, nếu để qua thời gian lâu bệnh thành mãn tính, thân gầy bệnh nặng chữa trị rất khó lành.

Nguyên nhân thứ nhất liên hệ trực tiếp đến thân bệnh là do ăn ở thiếu vệ sinh, thực phẩm thiếu dinh dưỡng, môi trường bị ô nhiễm, v.v... Những nguyên nhân gây bệnh hoạn như trên kể ra rất nhiều. Nếu bệnh do những nguyên nhân như thế, người bệnh phải đến bác sĩ Ðông y hoặc Tây y để điều trị, bồi bổ. Tự thân người bệnh phải biết ăn uống hợp thời, ăn những thức ăn có đầy đủ lượng dinh dưỡng, v.v..  Trường hợp bệnh thuộc nguyên nhân thứ nhất này, dù chúng ta có “phóng sanh” cũng không tránh khỏi bệnh.

Nguyên nhân thứ hai của bệnh tật do quỷ thần quở phạt. Trường hợp này chỉ xảy ra trong một vài trường hợp xuất phát từ oan trái, duyên nợ với quỷ thần mà bị ma, quỷ thần bắt bớ.  Nếu bệnh rơi vào nguyên nhân thứ hai, người bệnh phải nhờ đến chư Tôn Ðức có đức độ lớn, có đạo hạnh cao chú nguyện, thuyết giảng đạo lý cho đối tượng quỷ thần đó.  Nhờ nghe được đạo lý cao thượng, các quỷ thần phát khởi các tâm niệm thiện, dứt bỏ những oan khiên túc trái bao đời mà tha cho người kia.

Nguyên nhân thứ ba tạo nên bệnh hoạn là do nghiệp báo theo đòi. Nguyên nhân này quá tế nhị khiến chúng ta khó có thể thấy được, phạm vi của nó cũng khá rộng. Nhưng ý của Ngài Trí Khải muốn nói những oan nợ từ nhiều kiếp về trước, như sát sanh hại mạng, ăn quá nhiều huyết nhục của chúng sanh, đến kiếp này thường bệnh hoạn, dù đã bồi dưỡng đúng mức, hợp vệ sinh, v.v... Có rất nhiều người gặp phải trường hợp này, ngay cả giới tu sĩ.  Người bệnh hết đi bác sĩ Ðông y, rồi lại Tây y, thế mà khám không ra bệnh, nhưng khi về trú xứ đau không thể kể xiết.  Trường hợp như vậy gọi là “bệnh nghiệp.”

Trong trường hợp đó, những vị có đức tin mãnh liệt nơi sự gia trợ của chư Phật, chư Bồ-tát, thiện thần thường nhiếp tâm tụng kinh, lạy Phật, sám hối nghiệp chướng, quán tưởng tôn nhan của đức Phật hoặc trì niệm danh hiệu của chư Phật, chư Bồ-tát thì thấy có phần thuyên giảm. Các vị đó càng tu bố thí, cúng dường, phóng sanh, tụng kinh, lạy Phật, trì chú, niệm Phật nhiều chừng nào thì bệnh nặng chuyển thành nhẹ nhanh chừng nấy, và nhiều khi bớt hẳn. Ðiều này có vẻ như là mê tín dị đoan, nhưng trên thực tế nhiều vị đã thoát chết  nhờ công đức chí thành sám hối, hoặc làm các công hạnh lớn.

Như Phật tử thấy, một người nghèo khó, không đủ điều kiện kinh tế lo cho con cái, gia đình thì lấy tiền đâu ra mà có thể mua vật phóng sanh? Nếu vậy thì ngàn đời vĩnh kiếp vị kia không thoát khỏi số phận hẩm hiu, nghèo túng hoặc số phận đớn đau bệnh tật? Không phải vậy ! Tất cả   những tâm tư, tình cảm tốt được thể hiện qua lời nói, qua hành động đều có giá trị thay đổi nghiệp cũ của mình, chứ không hẳn độc nhất chỉ mãi vật phóng sanh, tụng chú hoặc trì kinh hay trì danh hiệu của chư Phật, chư Bồ-tát.

Như vậy, không hẳn chỉ có phóng sanh mới có thể làm giảm nghiệp bệnh tật của mình, mà người bệnh còn có thể tu tập nhiều pháp môn khác nữa để chuyển đổi nghiệp xấu của mình.

Trên thực tế, có nhiều bệnh tật như đau kinh niên, bị mãn tính, hoặc do di truyền, thì xếp vào loại nào ? Theo quan điểm nhà Phật, chúng cũng bị xếp vào loại thứ ba. Loại bệnh này theo người bệnh như bóng theo hình, nếu người bệnh biết bố thí, cúng dường, phóng sanh, v.v... thì bệnh thuyên giảm nhưng rất ít. Nếu đã là vậy, chúng ta nên vui vẻ chấp nhận nghiệp bệnh. Ðã tới thời kỳ trái đã chín thì phải rụng thôi ! Hãy an nhiên đón nhận nghiệp bệnh là thái độ  trí tuệ  nhất.

Trên đây là phân tích sơ lược về ba nguyên nhân gây bệnh theo Ngài Trí Khải Ðại Sư, ngoài ra còn một bệnh nữa do tâm lý phát sinh. Loại bệnh này tuy không được nhắc đến trong 3 loại kể trên, nhưng chúng ta có thể xếp vào loại thứ nhất.  Các chứng bệnh tâm lý này ảnh hưởng rất lớn đến thân người bệnh. Các trạng thái tâm bệnh hoạn thường dẫn đến thân bệnh. Loại bệnh này cần phải được chữa trị ngay từ tâm. Xin đưa ra một vài thân bệnh do tâm bệnh gây ra: đau nhức ở mặt vì lúc nhỏ bị nhiều sợ sệt khổ tâm; đau đầu, ói, mửa vì gặp điều trái ý hay nổi giận dữ[1]; đau gan túi mật là bị oan ức mà người đó không giải bày với ai được; đau lưng nhiều là do bị xài xể, danh dự bị mất mát, chưa có cơ hội phục hồi; đau bao tử là vì quá lo đến một công việc nào đó rất khó giải quyết; đau  thận vì tình cảm bất thường, thương ghét thái quá, vv... [2]

Trong  Mười Ðiều Biện Ma Cho Người Tu Thiền của Thiền sư Siêu Minh, phần thứ 8 có nói đến nguyên nhân bệnh khổ cũng như cách phòng trị bệnh như sau:

Đây là khổ chướng. Thân có nhiều bệnh tật là do nghiệp nặng. Hoặc tự mình làm mất sự điều hòa, biến sanh các thứ bệnh, làm cho người học đạo tu hành chẳng an, chẳng thọ dụng được pháp lạc thù thắng. Nay xin nêu dẫn một vài điều thiết yếu để người tu hành đề phòng.

Trước hết phải điều hòa tì vị, chỉ nên dùng những thức ăn thích hợp với cơ thể. Bớt ăn những vị quá đậm đà. Chớ ăn đồ sống và lạnh, khi đói chớ tụng đọc, khi no chớ làm việc nặng, sau khi ăn không nên ngủ liền. Về đêm chớ ăn no quá.

Tóm lại người ưa ăn những thứ nhừ nát, hoặc thích những thứ rang nấu, khoái ăn đồ ướp ngũ vị, dùng nhiều những thứ không hợp với thân; lại, ngồi thiền chỗ đất thấp, ngủ nghỉ chỗ gió nhiều; lúc ra mồ hôi mà xuống nước; đang dang nắng mà dùng đồ lạnh mát; tắm rửa ngoài trời trống gió, ngủ nghỉ dưới chỗ nhiều sương; cùng các trường hợp: no quá, đói quá, mừng quá, giận quá, nóng quá, lạnh quá; chỗ mưa nhiều, sương nhiều, trong thương ngoài cảm, tất cả tại lỗi không biết điều hòa, nên hay sinh các chứng thương nhọt, thân không làm sao an được. Kẻ tu học đời sau phải biết để phòng bị đó.

2) Niệm Phật, trì chú, phóng sanh có thay đổi được số mạng của mình hay không?

Những vị có công phu tu tập như niệm Phật, trì chú, phóng sanh đều có khả năng hoán chuyển số mạng cả. Tuy nhiên, nhân quả có thể đến chậm hay mau tùy nhân gieo trong hiện tại và sự nỗ lực để thúc đẩy các duyên. Ăn chay, phóng sanh, trải tâm từ đến tất cả chúng sanh, không phân biệt kẻ sơ người thân, kẻ ghét người thương, nếu thực hành như vậy thì số mạng mình chắc chắn thay đổi. Cũng nên lưu ý ở đây là khái niệm “số mạng” nên được hiểu như “nghiệp cũ” của mình có liên hệ đến thọ mạng. Nếu nói theo nghĩa rộng, “số mạng” cũng có nghĩa là những gì có liên hệ đến thân tướng, gia sản, vợ con, v.v... của mình.

Trì chú là một trong nhiều pháp môn của nhà Phật. Tụng chú là phương tiện để nhiếp tâm, giữ tâm được luôn thanh tịnh, ngăn chặn các tạp niệm điên đảo. Do đó, nếu tụng chú mà tâm không chuyên nhất, tụng chú mà vẫn còn nhiều vọng tưởng điên đảo, tụng chú mà vẫn còn nhiều tâm bất thiện thì dù có tụng trăm ngàn vạn ức biến chú thuật thượng thừa gì cũng không thể thay đổi được mạng số của mình. Có chỗ nói rằng tụng chú có năng lực tăng trưởng tâm từ bi của hành giả. Tuy nhiên, nếu hành giả xem chú như là nguyên nhân chính yếu có năng lực thay đổi số mạng của mình thì không phải.

Niệm Phật cũng tương tự. Mục đích của niệm Phật là buộc tâm mình vào một đối tượng, đối tượng đó là danh hiệu đức Phật. Nhờ công phu chế tâm này mà tâm mình dứt bớt những tạp niệm, những vọng tưởng. Niệm Phật cũng là để tưởng nhớ công hạnh của chư Phật mười phương đã vì chúng sanh không tiếc thân mạng. Niệm Phật là để nhắc nhở mình noi theo công hạnh của Phật, mà hướng đến quả vị giác ngộ giải thoát cho mình và cho người. Do đó, niệm Phật cùng với các công hạnh khác có thể thay đổi được một phần nào nghiệp cũ của mình mà thôi.

Thiền định cũng để giúp hành giả chứng đạt bốn thiền hoặc cửu định, chứ không phải nhắm đến mục tiêu là tiêu trừ nghiệp cũ. Nhưng tác dụng phụ của nó như bệnh tật được thuyên giảm, sắc diện được thay đổi, quả báo xấu được hạn chế, v.v.. cũng phát sinh.

Như trên đã trình bày sơ lược, không chỉ niệm Phật, trì chú, phóng sanh  mới là tiêu chuẩn để chuyển hóa nghiệp số của mình. Ngoài ra, các công đức khác như bố thí, trì giới, nhẫn nhục, thiền định cũng có thể thay đổi nghiệp quả của mình.

Phật giáo không chấp nhận có một “tiền định” hay “định mạng” nào gán cho con người từ khi mới lọt lòng. Vẫn biết rằng có những nghiệp rất nặng, giống như trái chín đã đến lúc phải rụng, thì chúng ta không thể bảo trái kia hãy ở mãi trên cành, đừng rụng! Những nghiệp như vậy cần có công phu đặc biệt mới có thể hóa giải từ từ, có những nghiệp nhẹ thì tuy tu ít mà vẫn có thể hóa giải được.

 Phật giáo tin vào khả năng chuyển hóa nghiệp của con người. Bệnh tật là một loại nghiệp. Có nhiều duyên để tạo nên nghiệp, thì trong Phật Pháp cũng đưa ra nhiều cách để chuyển hoá nghiệp ấy. Ði bác sĩ để nhận thuốc uống hoặc châm cứu cũng là một cách tốt để lành bệnh, tự tập thể dục thường ngày cũng là một cách tốt để khắc phục con bệnh. Ăn kiêng cũng là một cách để ngăn chặn bệnh. Ăn chay cũng là một cách tốt để trị bệnh. Tu tâm sửa tánh cũng là một cách điều trị bệnh thân lẫn bệnh tâm.

Tóm lại, theo quan điểm của đạo Phật, nghiệp cũ  hay số mạng có thể được thay đổi, hoặc được hoán chuyển tùy theo khả năng của mỗi người bằng cách bố thí, phóng sanh, trì giới, tụng kinh, niệm Phật, trì chú.

Cầu chúc Phật tử bố thí, phóng sanh, trì giới, tụng kinh, niệm Phật, làm các việc phúc lợi xã hội để mỗi ngày  lột bỏ dần nghiệp xấu mà mình đã gieo tạo từ vô lượng kiếp.

Chúc Phật tử thường tinh tấn và nhiều an lạc.


[1] Trích từ cuốn Châm Cứu Học của TT. Thích Tâm Ấn, (không thấy nhà XB), trang 15.

[2] Ðoạn sau chúng tôi lấy tài liệu từ  cuốn Ðạo Gì ?  của Thầy Trí Siêu đã được đăng trong mạng Ðạo Phật Ngày Nay.

http://www.buddhismtoday.com/viet/hopthu/niemPhatvadocchu.htm

 


Vào mạng: 11-5-2002

Danh sách các câu hỏi Phật học

Đầu trang