Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
Ðức Phật thuyết Kinh Hoa Nghiêm khi chưa có Tăng đoàn,
làm sao Kinh được ghi chép lại?
Diệu Thuần hỏi, Thích Giác Hoàng trả lời

 

Ðức Phật thuyết Kinh Hoa Nghiêm sau khi đắc đạo, lúc đó Ngài chưa có thiết lập Tăng đoàn và có các đệ tử thì làm sao Kinh được ghi chép lại bởi các vị đại đệ tử của Ngài ?.

Diệu Thuần

*******

Chào Phật tử Diệu Thuần,

 Theo như sách sử ghi lại Kinh Hoa Nghiêm xuất hiện rất muộn vào thời kỳ Phật giáo Ðại Thừa hưng khởi. Có phải chính đức Phật thuyết Kinh Hoa Nghiêm hay không, quý Phật tử tham khảo thêm bài Giới Thiệu Kinh Hoa Nghiêm của Cao Quán Như được cư sĩ Ðịnh Huệ dịch sang Việt ngữ, Ðức Phật trong Kinh Hoa Nghiêm và Ðức Phật Lịch Sử của người viết.

Tương tự như câu hỏi của Phật tử, cũng có  người nghi vấn rằng theo như sử liệu ghi lại thì chính tôn giả Ànanda (A-nan // A-nan-đa) trùng tuyên lại toàn bộ những gì đức Phật giảng dạy, vậy khi tôn giả Ànanda chưa xuất gia, đức Phật thuyết Kinh Chuyển Pháp Luân  (Dhammacakkappavattana sutta)  cho năm tôn giả Kiều Trần Như tại Varanasi,  thuyết Kinh Tất cả Ðều Bị Thiêu Ðốt (Aditta-pariyaya Sutta) cho 3 anh em Ca-diếp thờ lửa, hoặc nhiều pháp thoại khác được đức Phật nói khi tôn giả Ànanda chưa xuất gia thì làm sao tôn giả Ànanda có thể trùng tuyên lại được? Nói cụ thể là trong 45 hành hóa của đức Phật, tôn giả Ànanda chỉ làm thị giả có  25 năm   sau, vậy  20 năm đầu làm sao tôn giả Ànanda biết để ghi lại? Ði xa hơn nữa, bài kệ mà đức Phật thốt ra đầu tiên khi vừa chứng được đạo quả vô thượng được ghi lại trong Kinh Pháp Cú (số 153-154), làm sao chư đại đệ tử hoặc tôn giả Ànanda biết được để mà trùng tuyên?

Trong trường hợp này, khi tôn giả Ànanda  gia nhập Tăng đoàn, Ngài được cử làm thị giả chính thức của đức Thế Tôn, lúc ấy Ngài có 8 thỉnh nguyện, trong đó có một thỉnh nguyện cuối cùng rất quan trọng, đó là xin  đức Thế Tôn thuyết lại những bài pháp khi tôn giả Ànanda vắng  mặt.

Chúng ta có thể suy đoán thêm, không phải vì lời thỉnh cầu của tôn giả Ànanda như vậy mà đức Phật phải lập lại nguyên văn những pháp thoại như xưa, mà chỉ kể đại lược hoặc chư Trưởng Lão như Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên, Phú-lâu-na, v.v... trùng tuyên lại.

Theo như sử ghi lại, với trí nhớ siêu việt của tôn giả Ànanda, những gì đức Thế Tôn tuyên thuyết hoặc chư Thánh đệ tử nói ra  lúc bấy giờ Ngài đều nhớ rõ, không sai sót chữ nào giống như nước từ bình này rót sang bình kia vậy.

Chính nhờ vậy mà chúng ta có kinh để đọc, học và tụng ngày nay.

Hy vọng câu trả lời ngắn gọn này giúp Phật tử hiểu được vấn đề mà Phật tử đã nêu ra. Chúc Phật tử thân tâm an lạc và tinh tấn trong các thiện sự.

http://www.buddhismtoday.com/viet/hopthu/kinhHoaNghiem.htm

 


Vào mạng: 11-5-2002

Danh sách các câu hỏi Phật học

Đầu trang