Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
Cha mẹ hưởng được bao nhiêu phần công đức khi con hồi hướng ?
Thùy Ngọc hỏi, Thích Giác Hoàng trả lời

 

Nam Mô A Di Ðà Phật

Kính thưa Sư Giác Hoàng !

Trước hết con xin kính chúc Sư được nhiều sức khỏe để đem Phật Pháp đến với chúng sanh.

Con có câu hỏi này xin Sư hoan hỉ giải đáp dùm con.

Trong gia đình nếu cha mẹ không có nhân duyên với Phật Pháp, nếu người con hết sức cố gắng làm những việc phước thiện để hồi hướng công đức cho cha mẹ mình hiện tiền được giảm bớt những nghiệp bất thiện, xin Sư cho con biết vậy cha mẹ hiện còn sống có được hưởng phước và giảm được những nghiệp mà người con đã thành tâm hồi hướng hay không và cha mẹ hưởng được bao nhiêu phần ?

Kính,

Phật tử Thùy Ngọc

*******

 

Cô Thùy Ngọc quý mến,

Trước nhất, Sư có lời chúc lành đến Phật tử, cầu chúc Phật tử luôn tinh tấn trong giáo pháp và làm các thiện sự nhiều hơn nữa để vun bồi cây đức cho mình, cũng như góp phần làm đẹp và lợi ích cuộc đời.

Vấn đề Phật tử trình bày, nếu cha mẹ không có nhân duyên với Phật Pháp, người con làm các thiện sự chí thành hồi hướng cho cha mẹ, vậy thì cha mẹ hưởng được bao nhiêu phần ?

Theo Kinh Ðịa Tạng, phẩm Lợi Ích Của Kẻ Còn Lẫn Người Mất (thứ 7), đức Phật có dạy nếu người đã khuất, thân nhân vì người đó mà thiết trai cúng dường đúng pháp thì công đức người sống hưởng được 6 phần và người chết hưởng được một phần. Sư nghĩ trường hợp thân nhân của người sống vì người đó mà làm các thiện sự để hồi hướng thì người đó cũng chỉ nhận được một phần là tối đa.

 Thật ra, công đức có được là do tâm, tội cũng do tâm. Các việc phước thiện mình làm được thể hiện qua lời nói, qua hành động là biểu hiện của tâm. Cho nên, phải đích thân người kia làm mới có phước, có đức được. Nhưng tại sao trong Kinh điển thường nhắc chúng ta phải hồi hướng công đức đến với chúng sanh? Vì để cho tâm từ bi, vị tha của mình được tăng trưởng, luôn luôn nghĩ đến người khác, trong đó có những người thân thương của mình, như cha mẹ, chồng vợ, anh em, rộng ra là những người mình quen biết, rộng nữa là hết thảy muôn loài vạn vật. Còn khi mình hồi hướng đối tượng kia được hưởng hay không, còn tùy thuộc đối tượng ấy nữa. Nếu đối tượng đó, ví dụ là cha mẹ mình, cũng có tâm hướng về mục đích đó, nhưng không có khả năng thực hiện được, nhờ sự giúp đỡ của mình, mình vì cha mẹ mình thực hiện thì cha mẹ hưởng cũng rất nhiều. Ví dụ, khi cha mẹ mình bịnh, nhưng vì một nguyên nhân nào đó, cha mẹ mình không uống thuốc, thì mình dù có thiện chí muốn giúp cha mẹ dứt bệnh sớm cũng không được. Nhưng nếu cha mẹ mình chịu uống thuốc, ăn uống đúng cách với sự giúp đỡ của mình thì  bệnh sớm được thuyên giảm. Cũng như thế, việc hồi hướng phước đức cho cha mẹ, có thọ hưởng được hay không cũng tùy thuộc vào  cha mẹ nữa. Ví dụ, mình đi chùa, tụng kinh, lễ Phật, ăn chay, làm các việc phước thiện, nhưng cha mẹ không hài lòng, khinh chê Tam Bảo mãi thì dù mình có hồi hướng cho mấy thì phước đức cũng khó san sẻ với cha mẹ được. Trường hợp cha mẹ mình không đi chùa, không tụng kinh, không làm các việc phước thiện v.v.. nhưng cha mẹ  mình làm lơ,   sao sao cũng được, trường hợp như vậy, mình hồi hướng công đức thì cha mẹ mình có thể hưởng chút đỉnh, vì dù sao cũng không có tâm khinh chê Tam Bảo.  Thật ra, không phải phước đức mình san sẻ cho cha mẹ mình như chuyện tiền bạc, nhà cửa vật chất thế gian, mình có mười đồng, cho 5 đồng thì trong túi mình còn 5 đồng, không phải vậy. Khi mình hướng tâm về cha mẹ, nếu cha mẹ mình có đủ thiện duyên thì phước đức của mình tác động vào tâm cha mẹ mình, tâm của cha mẹ mình phát sinh những tư tưởng thiện, như giúp đỡ người khác, thương người nghèo khó, tôn kính các bậc trưởng thượng, đạo đức v.v... chính nhờ những tư tưởng, những hành động thiện này giúp ông / bà tạo phước. Sự phân chia một phần trong 7 phần phước đức như trong  Kinh Ðịa Tạng đề cập cũng để cho người đọc tụng dễ hình dung thôi.

Nhân đây, Sư kể cho Phật tử  một câu chuyện thật của một Sư Cô có liên quan đến sự mầu nhiệm của công đức hồi hướng. Có một  Sư Cô đang học tại Ấn Ðộ, nhân một dịp đặc biệt đã kể cho chư Tăng nghe những câu chuyện huyền bí do công đức hồi hướng. Chuyện kể rằng, khi thân mẫu của  Sư Cô bị bệnh ... (Sư không nhớ rõ bệnh gì), phải  chuẩn bị ăn uống cho đầy đủ để tuần sau đi mổ. Trong một tuần đó,  vị Sư Cô này (lúc bấy giờ còn là  một cư sĩ) hết lòng tụng kinh để sám hối và cầu nguyện cho thân mẫu, nguyện nhờ thần lực của chư Phật, chư Bồ-tát, chư Thiên gia hộ cho thân mẫu cô được an vui, nhẹ nhàng khi lên giường mổ. Nhưng kỳ diệu thay, tới ngày đi mổ, bác sĩ tái khám để chuẩn bị đưa lên giường mổ,  không thấy bệnh gì cả. Cả hội đồng bác sĩ, y tá phải hội chẩn một lần nữa, nhưng kết quả cho thấy vẫn không có bệnh hoạn, trong khi trước đó một tuần thì bác sĩ đã chụp X-ray và xác quyết rằng bệnh trạng không thể nào không mổ. Lý do gì căn bệnh kia biến mất? Ðó là một câu hỏi lớn cho cả hội đồng y khoa, nhưng dù có nói gì đi nữa, cũng không có câu trả lời thỏa đáng đối với họ.

Ở đây, cũng cần nói thêm bản thân Sư cô ấy là một y tá mẫu mực, hết lòng lo cho bệnh nhân, đi chùa, thường làm các việc phước thiện. Trong thời gian mẹ cô bệnh, cô đã chí thành tụng kinh sám hối để hồi hướng công đức cho thân mẫu. Còn riêng thân mẫu của Sư Cô ấy cũng là một bà mẹ hiền, một Phật tử thuần thành, năng đi chùa cúng dường, làm phước.

Quả thật sự cầu nguyện và hồi hướng có tác dụng chuyển hóa nghiệp bất thiện. Tuy nhiên, điều này phải được hiểu như vầy: Khi chúng ta sinh ra trong một gia đình, trong một dòng tộc tức chúng ta có nhân duyên với nhau nhiều đời nhiều kiếp, có thể vì thương nhau mà gặp, hoặc vì oán ghét nhau mà gặp. Cho nên những người đó có chung một nghiệp nào đó, nhà Phật gọi đó là “cộng nghiệp”. Ngoài ra, còn có những nghiệp đặc biệt riêng của mỗi người, gọi là “biệt nghiệp”, nên trong trường hợp một mình làm một mình chịu, mà cũng có những trường hợp một mình làm nhưng cả dòng họ, cả quốc gia đều chịu. Do đó, người ta nói “một người làm quan, cả nhà được hưởng” cũng đúng một phần nào trên thực tế, và trên phương diện nhân quả cũng không sai. Phật giáo cũng có một câu tương tự: “Nhất nhơn thành đạo, cửu huyền thăng” là ý nầy vậy.

Cùng sinh ra trong một gia đình, cùng một khuynh hướng sống, chắc chắn cha mẹ và con cái cùng có một số nghiệp tương đồng, nên khi con cái hoặc cha mẹ hồi hướng cho nhau thì dễ cảm nhận. Ngược lại, gặp nhau để vay trả nợ lẫn nhau thì đúng là “ai ăn nấy no, ai tu nấy đắc”.

Lời cuối, Sư cầu chúc Phật tử luôn tinh tấn làm mọi thiện sự, trước là trang nghiêm tự thân, sau để hồi hướng đến thân nhân, và sau nữa là những ai hữu duyên với mình.

 Chúc Phật tử vô lượng an lạc, vô lượng kiết tường.

http://www.buddhismtoday.com/viet/hopthu/huongcongduc.htm

 


Vào mạng: 11-5-2002

Danh sách các câu hỏi Phật học

Đầu trang