Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
Các câu hỏi về chú Lăng Nghiêm
Trần Trung hỏi, Thích Giác Hoàng trả lời

Kính thưa quý vị,

Xin vui lòng cho biết chú Lăng Nghiêm có phải đọc vào buổi tối hoặc bất cứ lúc nào trong ngày, và cần có Thầy chứng minh để đọc tụng thì mới không bị tội “trộm pháp”. Lại nữa, tụng chú Lăng Nghiêm thì có thể trừ ma quỷ, “không vào đạo tràng cũng như vào đạo tràng, dù có phạm giới cũng được các bậc Bồ-tát và quỷ thần vương coi như giữ giới, và cầu gì được nấy, bịnh tật tiêu trừ...” như trong phần giải thích của đức Phật Thích-ca.

Tôi có đôi điều thắc mắc trên đây, xin quý vị vui lòng giải đáp.

Cảm ơn rất nhiều và kính chúc quý vị được nhiều may mắn.

Trần Trung.

*******

 

Xin chào Phật tử Trần Trung,

Xin lần lượt trình bày từng vấn đề một mà Phật tử đã nêu:

1) Tụng chú Lăng Nghiêm có giờ giấc quy định không?

Không có giờ nào quy định để tụng chú Lăng Nghiêm, Ðại Bi, hoặc Thập Chú gì cả. Có thể tụng buổi sáng, tối hoặc bất cứ lúc nào trong ngày cũng được. Tuy nhiên trong Chùa thường tụng chú Lăng Nghiêm khi vừa thức giấc, nghĩa là bốn giờ sáng.

2) Tụng chú phải có Thầy chứng minh để khỏi tội “trộm pháp”?

Không cần có Thầy chứng minh khi đọc tụng. Không ai có thể “trộm pháp” của Phật. Nếu  người nào “trộm pháp” đem phổ biến cho đời, đem lại nguồn an lạc cho quần sanh thì công đức thật vô lượng.

3) Tụng chú có thể trừ ma quỷ, không vào đạo tràng cũng như vào đạo tràng?

Không phải vậy. Trừ được tà ma quỷ mị hay không chủ yếu là do tâm của hành giả, chứ không phải do chú. Các bậc đại hành giả thì dù không tụng chú nhưng với tâm thanh tịnh, giữ giới đức nghiêm trang thì nhân thiên kính phục, quỷ thần phải sợ. Nhân gian còn nói: “Tài cao long hổ phục, đức   trọng quỷ thần kinh” huống hồ các bậc Bồ-tát, Thánh Tăng hoặc các bậc chân tu. Còn các người phàm phu, tâm loạn động  thì dù tụng đã mấy ngàn biến vẫn không điều phục nổi quỷ thần, mà ngược lại bị quỷ thần điều phục nữa là khác.

4) Tụng chú Lăng Nghiêm dù có phạm giới cũng như không phạm giới?

Không phải vậy. Nếu chú có công năng như vậy thì có lẽ đức Phật đã bảo chư Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni cũng như nam nữ Phật tử đã tụng chú hết rồi, cần gì phải giữ giới, tu thiền định?

5) Tụng chú Lăng Nghiêm, cầu gì được nấy, bịnh tật tiêu trừ?

Không phải vậy. Nếu chú Lăng Nghiêm mà linh ứng như vậy thì có lẽ chư Tỳ-kheo thời Phật không ai thiếu thực phẩm để độ nhật và không có ai bệnh hoạn nữa rồi, đặc biệt chúng sanh bao đời không còn đau khổ vì miếng cơm manh áo.

***

Quan điểm riêng của bản thân người trả lời: dù có chỗ nào ghi đó là lời dạy chân thực của đức Phật Thích-ca hay của chư vị Bồ-tát, thì riêng bản thân không dám nhận định, nhưng quyết không tin theo được. Vì chú cũng chỉ là một phương tiện xưng tụng các danh hiệu của chư Phật, chư Bồ-tát hoặc chư thiên, các vị thần linh có oai lực lớn mà thôi. Bản thân người viết thừa nhận năng lực của các loại thần chú, không riêng gì chú Lăng Nghiêm hoặc chú Ðại Bi mà bất cứ chú nào, dù đó là chú của tà ma ngoại đạo đi nữa. Nhưng phải nói thêm là năng lực của các loại thần chú cũng có giới hạn, đặc biệt không có giá trị trong quá trình thay đổi nghiệp quả của con người. Chú chỉ có thể trợ giúp một phần nào tinh thần của người đương niệm hoặc một phần nào sự gia trợ của chư thiên, chư thần, nhưng công năng của chúng tuyệt đối không thể nào như các trường hợp mà chúng ta đề cập ở trên.

Vấn đề có lẽ không đơn giản và khó lòng mà dứt điểm ngang ở đây. Do đó, chúng ta sẽ có dịp trở lại vấn đề này sau trong một câu hỏi của một Phật tử đã đặt vấn đề  cho HTPH.

Chúc quý Phật tử thân tâm thường an lạc.

http://www.buddhismtoday.com/viet/hopthu/chu-thulangnghiem.htm

 


Vào mạng: 1-4-2002

Danh sách các câu hỏi Phật học

Đầu trang