Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
Cây Vô Ưu trong sự kiện Đản Sanh là có thật
trong lịch sử hay là huyền thoại?
Thường Duy hỏi; Thích Giác Hoàng trả lời

 

Nam-mô A-di-đà Phật!

Con xin hỏi:

1. Cây Vô Ưu trong sự kiện Đản Sanh là có thật trong lịch sử hay là huyền thoại? Hiện giờ cây đó còn ở Ấn Độ không? Việt Nam có chùa nào trồng cây hoa này chưa?

2. Các vấn đề xã hội trong kinh Nikàya như vợ đối với chồng, con cái đối với cha mẹ, bạn bè đối với bạn bè…. thuộc về kinh nào? Kinh số mấy? Trang mấy ?

Phật tử Thường Duy

Sài Gòn -Việt Nam

 

*******

Chào Phật tử Thương Duy,

1) Cây Vô Ưu trong sự kiện Đản Sanh là có thật hay là huyền thoại?

Cây này có thật chứ không phải cây huyền thoại. Cây này tiếng Pàli viết là Asoka, Sanskrit viết là A’soka, tên khoa học là Jonesia Asoka. “Vô Ưu” là dịch sát nghĩa của chữ Asoka. Theo chỗ của quý Thầy biết, cây này chưa có trồng ở Việt Nam. Hiện nay tại Ấn Độ, cây này cũng không được trồng nhiều, vì gỗ của nó không được tốt, phần lớn nó mọc ở trong rừng.

Nhân tiện trình bày vài điểm liên quan đến cây này.

Từ Điển Phật Học Hán Việt, được Hoà thượng Kim Cương Tử chủ biên, Phân viện nghiên cứu Phật học xuất bản, Hà Nội 1992, mục A-du-già thụ ghi:

Cây A-du-già (thực). Phiên Phạn ngữ, q.9: “Cây A-thức-ca, phải nói là A-du-ca, dịch là Vô Ưu. Thái tử Tất-đạt-đa sinh ra ở dưới gốc cây này. Cây này còn có tên là Tất-lợi-xoa (Vrksa). Tức là cây Vô Ưu ở vườn Lâm-tì-ni (Lumbini).

Thật ra, thuật ngữ V.rk.sa là danh từ chung để chỉ cho các loại thực vật, không phải là một danh từ riêng để chỉ cho tên của một loại cây nào.

Cũng nên lưu ý hiện nay tại Ấn Độ trồng rất nhiều loại cây Asoka. Cây này rất giống với cây Asoka mà đức Phật   ra đời dưới đó. Cả hai loại cây Asoka đều không có hoa. Tại Lumbini, nơi Phật đản sanh, có một vài cây được nói là loại cây Vô Ưu (Asoka) chính hiệu. Cây này rất giống với cây Asoka  hiện đang trồng phổ biến ở Ấn Độ, nhưng khác nhau ở chỗ là cây này thân có nhiều nhánh ngang và có tàng lớn, còn cây Asoka mới ít nhánh ngang và thân thẳng hơn.

Tác phẩm Đức Phật Lịch Sử (The Historical Buddha) của H.W. Schumann do cô Nguyên Tâm Trần Phương Lan dịch ra tiếng Việt, phần Nguồn gốc Thái tử Sĩ-đạt-ta và sự Đản sanh của Ngài, có đoạn ghi đức Phật đản sanh dưới cây tên là Sàla (tên khoa học Shorea Robusta).

Tài liệu giáo trình English Reading của Học Viện Phật giáo Việt Nam dành cho chương trình Đại học Phật giáo do cô Nguyên Tâm Trần Phương Lan soạn năm trang 32   ghi rằng đức Phật được sinh ở dưới gốc cây Sàla đang trổ hoa.

Người viết nghĩ rằng có lẽ hai tác giả của hai cuốn sách đề cập ở trên  đã nhầm. Vì dựa theo sử liệu trong Kinh tạng cũng như trong các từ điển, chưa có chỗ nào ghi rằng đức Phật đản sanh dưới gốc cây Sàla cả. Thứ hai, cây Sàla là một loại cây tương đối dễ trồng, trổ rất nhiều hoa, trong khi sự kiện đức Phật đản sanh dưới gốc cây Vô Ưu là một loại cây ít ra hoa, chỉ ra hoa khi có sự kiện hy hữu nào trong đời. Do đó, chúng ta có thể suy ra rằng đức Phật sinh ở dưới gốc cây Asoka (Vô Ưu) thì chính xác hơn.

Cuốn The History of Buddhism (Together with the Life and Teachings of the Buddha) của Manmatha Nath Shastri được nhà xuất bản Aryan Books International tại New Delhi ấn hành năm 1996 ghi rằng đức Phật sanh dưới “fire-producing tree” (cây tạo hoả) (trang ii). Tác giả không có chú nguyên tác chữ Sanskrit hoặc Pàli, hoặc tên khoa học, mà chỉ ghi như vậy. Cách dịch trên hoàn toàn mang tính chủ quan của tác giả, chứ vốn cây ấy không có nghĩa gì là “tạo hoả” cả.  

2) Các vấn đề xã hội trong Kinh Nikàya như cha mẹ đối với con cái, con cái đối với cha mẹ, vợ đối với chồng,v.v… và ngược lại

Các vấn đề  này được ghi  khá chi tiết trong Kinh Giáo Thọ Thi - Ca - La - Việt (số 31) thuộc Kinh Trường Bộ (tập II) của  ấn bản Đại Tạng Kinh Việt Nam, từ trang 529 đến 548.  Quý Phật tử có thể đọc và đối chiếu Kinh Thiện Sanh (số 16), thuộc Trường A-hàm (tập I), trang 555 đến 574.

Chúc Phật tử thấm nhuần giáo pháp của đức Thế Tôn, làm cho cuộc sống của mình thăng hoa, đem lại nguồn an lạc cho tự thân và tha nhân.

http://www.buddhismtoday.com/viet/hopthu/cayvouu.htm

 


Vào mạng: 1-7-2002

Danh sách các câu hỏi Phật học

Đầu trang