Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
Thiền và cái biết
Ty Lê hỏi; Thích Giác Hoàng trả lời

 

Nguyên văn câu hỏi

 Nam mô A Di Đà Phật.

Kính chào Thầy và Ban phụ trách Hộp Thư Phật Học.

Con đang thực hành thiền qua cách quán xét hơi thở và động tác hằng ngày. Trong lúc ngồi thiền thì con có thực tập thêm phép quán tưởng về thân, vô thường, và vân vân. Con chỉ thực hành thiền một mình dựa vào kinh điển chủ yếu từ Kinh Tứ Niệm Xứ, sách của Thầy Thanh Từ và các tài liệu Phật học khác và chưa tìm ra một vị thiền sư  hướng dẫn. Con cũng nhận ra được tại sao đó là con đường hạnh phúc nhất và trong lòng rất mang ơn Đức Phật Thích Ca.

Đôi lúc con cảm thấy tu nhưng thực sự không phải tu vì đó cũng là lối sống riêng của một con người. Tuy nhiên, con có rất nhiều câu hỏi trong lúc thiền định và con không biết câu trả lời. Con mong chư Thầy và các đạo hữu chỉ dẫn giùm. Sau đây là những khúc mắc con dính phải:

1. Giả sử hành giả đạt được sơ thiền và thường trú tâm vào hơi thở hoặc trú tâm vào từng hành động, nhưng vẫn chưa đạt vào tứ thiền hoặc đại định, nếu lỡ hành giả chết đi thì phải trú tâm vào đâu vì hơi thở và thân thể đều không còn?

2. Khi nói chuyện hay là ngay bây giờ con đang đánh máy đặt câu hỏi, trong đầu con đang suy nghĩ để viết ra câu hỏi, con đang có ý niệm suy nghĩ hay là nói chuyện, ý niệm này phải là vọng tâm phải không Thầy? Vì nó cũng là ý! Nếu là vọng tâm thì lúc xưa khi Phật nói Kinh, cho dù thân khẩu ý đều thanh tịnh  nhưng liệu Ngài có cần suy nghĩ để giảng giải không? Nếu có suy nghĩ thì Ngài cũng rơi vào vọng tâm rồi? Hay là Ngài trụ vào chơn tâm để giảng Kinh, nói chuyện? Nhưng làm cách nào để biết mình đang trụ vào chơn tâm trong lúc nói chuyện suy nghĩ vì khi có ý niệm đã rơi vào vọng tâm rồi.?...Con trông quán chiếu được điều đó! Xin Thầy chỉ điểm.

3. Trong lúc kinh hành, cho dù tâm con rất định, nhưng khi chân con bước đến góc tường hết lối đi và tự nhiên tự động cặp chân BIẾT dừng lại hoặc xoay trở lại. Không biết cái BIẾT  đó là cái gì hả Thầy? Có phải đó là cái BIẾT mà trong Kinh Phật thường nhắc đến không? Cái BIẾT đó có thuộc về chơn tâm không Thầy? Cũng như vừa sau khi xả thiền, tâm các thiền sinh rất định như tự động BIẾT đứng dậy hoặc là xoa bóp.

4.  Khi con trụ tâm vào những hành động hằng ngày, khi ngồi quán tưởng thì thấy phức tạp quá. Ví dụ, như  khi khát nước vì cơ thể thiếu nước nên hệ thống thần kinh truyền lên bộ não báo rằng thân cần nước. Rồi cái BIẾT khát nước tự động điều khiển thân mình ra lấy nước khi đến hết khát thì dừng lại, không uống nữa và thôi. Suy xét ra đó là phản xạ tự nhiên của thân tứ đại để điều hoà “đất nước gió lửa” trong cơ thể này. Những cái phản xạ hằng ngày đó có phải là cái BIẾT không Thầy? Và những cái BIẾT đó dùng để duy trì cơ thể; nếu vậy nó có thuộc về bản ngã không, vì nó cũng là một dạng muốn. Nếu như vậy thì nguy to, vì khát nước mà không uống thì chết !!!

5. Nếu có thể, xin Thầy giúp con tìm một vị Thiền Sư đỡ đầu.

Xin Thầy chỉ rõ những điểm sai của con!

Nam mô A Di Đà Phật!

Cám ơn Thầy nhiều!

Ty Lê.


 

Câu trả lời:

Quý Phật tử quý mến,

Ban phụ trách Hộp Thư Phật Học xin gởi đến Phật tử lời tán thán tinh thần tu tập và học hỏi giáo pháp giải thoát  của Phật tử. Cầu chúc Phật tử thân tâm thường lạc và tinh tấn trên con đường học hỏi giáo pháp  cao thượng  và tu tập tâm nhiều hơn nữa.

1. Như Phật tử hỏi: giả như hành giả đạt được sơ thiền  và tâm thường an trú vào hơi thở hoặc chú tâm vào từng hành động, nhưng chưa đạt được Tứ Thiền hoặc đại định, thì khi thân hoại mạng chung, hành giả phải trú tâm vào đâu  vì hơi thở và thân thể đều không còn?

Bản thân người trả lời câu hỏi này xin thú thật chưa đạt vào  cảnh giới thiền chứng nào cả. Tuy nhiên, dựa theo lời Phật dạy thì xin trả lời như sau. Trong Kinh Phúng Tụng có mô tả sơ lược về các trạng thái thiền chứng của các thiền giả như sau:

“Thành tựu Sơ Thiền, các dục tưởng bị đoạn diệt; thành tựu Đệ Nhị Thiền, các tầm tứ bị đoạn diệt; thành tựu Đệ Tam Thiền, hỷ bị đoạn diệt, thành tựu Đệ Tứ Thiền, hơi thở vào hơi thở ra bị đoạn diệt [1]; thành tựu Hư Không Vô Biên Xứ Thiền, sắc tưởng bị đoạn diệt; thành tựu  Thức Vô Biên Xứ [Thiền], Hư Không Vô Biên Tưởng bị đoạn diệt; thành tựu Vô Sở Hữu Xứ [Thiền]; Thức Vô Biên Tưởng bị đoạn diệt; thành tựu Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ [Thiền], Vô Sở Hữu Xứ Tưởng bị đoạn diệt; thành tựu Diệt Thọ Tưởng (Định), các Tưởng và Thọ bị đoạn diệt.[2]

 Như vậy, căn cứ vào đoạn Kinh trên, khi các thiền giả đạt được trạng thái Sơ thiền thì chỉ mới đoạn trừ các dục tưởng, chưa chứng được thánh vị nào cả, do đó khi thân hoại mạng chung rồi thì tuỳ theo tái sanh vào cõi trời hoặc người, rồi từ đó mà tu tập thêm hướng đến giải thoát, chứng nhập Niết-bàn.

Có lần Đức Phật đưa ra ví dụ, như một cái cây đã nghiêng về một hướng nào rồi, thì khi bị đốn, chắc chắn cây ấy sẽ ngã về phía đó. Tương tự, một  khi tâm hành giả đã hướng về con đường chơn chánh thì dẫu chết bất ngờ (bất đắc kỳ tử) đi nữa, tâm hành giả cũng hướng về con đường chơn chánh và được tái sanh vào cõi lành. Nói tóm lại, khi thân hoại mạng chung, hành giả phải chịu sự chi phối của nghiệp báo và định luật nhân quả (Kamma Niyama) mà đi tái sanh, chứ không trú tâm vào hơi thở hay bất cứ đối tượng nào như  khi còn xác thân tráng kiện được.

2. Câu hỏi thứ hai của Phật tử xin chia thành các phần nhỏ sau để dễ trả lời.

i. Sao gọi là vọng tâm? Vọng tâm là cái tâm phân biệt không đúng thời, không đúng chánh pháp, không lợi ích cho mình và người. Theo tinh thần các Kinh Luận Đại Thừa, như Kinh Lăng Nghiêm cho rằng vạn pháp đều do chúng sanh vọng tâm tưởng tượng phân biệt. Hoặc Khởi Tín Luận nói rằng hết thảy chúng sanh đều có vọng tâm, luôn luôn phân biệt. Đứng trên phương diện tuyệt đối, những suy tưởng của chúng ta vừa khởi lên đều xuất phát từ vọng tâm cả.

ii. Khi xưa Đức Phật thuyết pháp giảng kinh có phải xuất phát từ “vọng tâm” không, vì Ngài cũng phải suy nghĩ để diễn giải, trình bày? Hay Ngài hằng trụ vào chơn tâm để quảng diễn và hành xử?

Theo Kinh điển truyền thống của Đại Thừa thì Đức Phật có 18 điều hết sức đặc biệt, mà các hàng Bồ-tát, Thanh Văn đều không thể có được, gọi là “Thập Bát Bất Cộng Pháp”. Một trong 18 bất cộng pháp này, là Đức Phật dù đi đứng nằm ngồi, ăn mặc nói làm đều luôn luôn ở trong thắng định, âm Hán Việt gọi là “Vô bất định tâm”. Mặc dầu Ngài cũng phải suy nghĩ để quảng diễn chánh pháp, nhưng không phải dùng cái ý thức phân biệt của kẻ phàm phu mà sử dụng nhuần nhuyễn “Diệu Quan Sát Trí” (theo Duy Thức Học) để chuyển pháp luân. Trạng thái suy tư của kẻ phàm phu rất khác với trạng thái suy tư của bậc đã giác ngộ hoàn toàn. Trạng thái suy tư của kẻ phàm phu dính liền với các trạng thái tâm sở thiện, bất thiện hoặc vô ký. Còn cái đại dụng tâm của bậc Thánh đã thoát ly mọi ái nhiễm, triền phược, không có bóng dáng của ngã si, ngã kiến, ngã mạn và ngã ái nữa. Đó là điểm khác biệt căn bản của hàng phàm phu và bậc Thánh Giả hoặc bậc Giác Ngộ.

iii. Làm thế nào để biết là mình đang trụ vào chơn tâm để nói chuyện, vì khi có ý  niệm là đã rơi vào vọng tâm rồi? Xin được chỉ điểm thêm.

Đứng trên phương diện tuyệt đối thì tất cả hàng phàm phu đều ở trong trạng thái tâm vọng động. Nếu tâm chưa hoàn toàn thanh tịnh một cách rốt ráo, thì làm gì có chơn tâm xuất hiện? Do đó, một khi tự thân chứng được thánh quả thì tự khắc biết rõ trạng thái tâm thanh tịnh hoàn toàn như thế nào.

Thật ra, vọng hay chơn đều từ một thể mà ra. Ví như sóng với nước là hai hiện tượng khác biệt, nhưng có cùng một bản chất như nhau. Hễ gió yên thì sóng lặn, nước với sóng là một! Do đó, khi hành giả tu tập cần phải giác tỉnh trong mỗi phút giây, hằng quán chiếu tự tâm mình như kẻ chăn trâu thường coi ngó con trâu của mình, không để cho nó ăn lúa mạ của người vậy. Rất nhiều  bài Kinh thuộc hệ Nikàya, Đức Phật hằng nhắc nhở các vị đệ tử thường trú niệm và luôn giác tỉnh với mọi động tác hằng ngày như khi đi đứng nằm  ngồi, ăn mặc nói làm, (Sammà Sati: chánh niệm). Đây là điều kiện cần và đủ của giai đoạn tiến vào Chánh Định (Sammà Samàdhi).

Ở đây, cũng cần lưu ý rằng, không phải vì muốn đạt được trạng thái “chơn tâm” mà hành giả cắt đứt hết mọi suy tư, vì cho rằng hễ còn có suy tư là còn có vọng niệm, thì như vậy chúng ta phải trở thành gỗ đá hết sao? Để giúp cho hành giả ngăn ngừa vọng niệm, trong nhà Thiền có bài kệ như sau:

“Học đạo quý vô tâm
Làm nghĩ nói không lầm,
Sáng trong và lặng lẽ
Giản dị mới uyên thâm”.

3. Khi  kinh hành trong trạng thái tỉnh thức, vừa lúc đến góc tường hết lối thì tự động cặp chân quay trở lại,  cái “BIẾT”  quay trở lại đó là  cái gì? Có phải cái “BIẾT” trong Kinh Phật thường nhắc đến không? Cái “BIẾT” đó có thuộc về chân tâm hay không?

Cái biết của Phật tử trong lúc kinh hành khi hết đường tự động quay trở lại đó là cái “BIẾT” của hệ thần kinh thuộc chức năng của thân (tiền ngũ thức) hoặc là của ý thức. (vì các căn hoạt động có mối liên hệ mật thiết với nhau, qua quá trình suy tư phân tích, nó có thể là cái biết của ý thức). Cái “biết” ở đây rất tự nhiên, ai cũng có cả. Cái biết này là cái biết phân biệt của ý thức do 5 căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân) tiếp nhận 5 trần  (hình sắc,  âm thanh, mùi thơm hôi, vị ngon dở, xúc chạm) làm duyên. Do đó, cái “BIẾT” trong trường hợp này là chức năng của tiền ngũ thức hoặc của ý thức, (tiếng Sanksrit, thức được viết: vi~n~naana; tiếng Anh dịch là conciousness).

Có thể ở một ngữ cảnh nào đó,  cái “BIẾT” này đồng nghĩa với  “THỨC”. Trong một số trường hợp khác, cái “BIẾT”  này chỉ cho cái “TRÍ”,  hoặc là “MINH” (trong PàliSansk.rit đều dùng từ: ~nàna,  tiếng Anh dịch là: Knowledge như Tam minh hoặc Tam trí. Thỉnh thoảng, khái niệm “BIẾT” còn dùng để chỉ cho cái “TRÍ” (Jnàna) mà trong Thành Duy Thức Luận nói: Căn bản trí (còn gọi là Như lý trí, Vô phân biệt trí, Chân trí, Thắng nghĩa trí: nghĩa là cái trí chứng ngộ, khế hợp với chân như) và Hậu đắc trí (còn gọi là Như lượng trí, Phân biệt trí, Tục trí).

Khi toạ thiền xong, các thiền sinh thường tự xoa bóp chân cho máu huyết lưu thông, đó cũng nhờ do cái BIẾT đã được học hỏi, huân tập tích luỹ của ý thức. Nhờ lúc trước quý Hoà Thượng hay vị nào đó hướng dẫn, hoặc nghiên cứu trong sách vở ghi như vậy thì bấy giờ tâm của hành giả nghĩ rằng cần phải xoa bóp nên vị ấy thực hiện. Do vậy, cái BIẾT này rõ ràng là cái BIẾT của ý thức (vi~n~naana).

4. Khi toạ thiền quán tưởng có nhiều vấn đề trở ngại. Ví dụ, khi khát nước mà không uống thì bị chết, mà nếu uống thì bị rơi vào bẫy sập của bản ngã, vì muốn uống nước cũng là một dạng của bản ngã? Những phản xạ có điều kiện có phải là cái “BIẾT” không?

Như đã trình bày sơ lược ở trên, cái “BIẾT” khát nước là cái “BIẾT” của thân thức, hoàn toàn khác với cái “ Trí” hoặc cái “Minh” của bậc giác ngộ.

Câu chuyện của Đức Thế Tôn khi sắp nhập Niết-bàn vì ăn phải nấm mộc nhĩ  (Sùkara-maddave)  có chứa độc tố do cư sĩ Thuần Đà cúng dường mà bị bệnh tháo dạ đến nỗi   thân thể cần nước rất nhiều. Đức Phật đã bảo tôn giả Ànanda đi lấy nước cho Ngài uống đến 3 lần ?[3] cái “biết” khát nước của Đức Phật như vậy có khác gì cái “biết” khác nước của chúng ta không? Trên căn bản cái “BIẾT” ấy cũng xuất phát từ xác thân vì nhu cầu điều hoà của thân giả hợp.

Một điều cần lưu tâm, cái “biết” khát nước của chúng ta không được kiểm soát, nó đòi hỏi không phải là vì nhu cầu của thân năm uẩn mà vì lòng tham. Do đó, người ta có thể gây gỗ, cướp giựt để thoả mãn lòng tham của mình. Còn cái “BIẾT”  xuất phát từ  nhu cầu của cơ thể của Đức Phật đã chuyển thành “Thành Sở Tác Trí” nên nhận thức các sự vật hiện tượng đúng như bản chất thật của nó và hoạt động thuần thục, không cần kiểm soát và điều phục như  chúng ta nữa.

Trở lại vấn đề, cái “biết”  theo Phật tử đã trình bày là cái biết của hệ thần kinh dựa trên cơ sở của thân này, hoặc cái ý thức (phân biệt), hoặc của bản năng sinh tồn hay còn gọi là phản xạ tự nhiên (chấp ngã). Nó vốn không tội cũng không phước, nếu chúng ta hướng dẫn đúng cách thì “công vi thủ” (công hàng đầu) hoặc nếu không đúng cách thì “tội vi khôi” (tội trước hết), tuỳ theo chỗ hoạt dụng của chúng ta. Như vậy, những phản xạ có điều kiện hay không có điều kiện chỉ là chức năng của hệ thần kinh,  hoặc của ý thức, chứ tuyệt đối không có nghĩa của cái “BIẾT” (TRÍ) như phần 3 đã trình bày.

Còn Phật tử hỏi: cái “biết” dùng để duy trì cơ thể như khát nước thì cái “biết khát nước” có phải nó thuộc về bản ngã hay không, vì nó cũng là một dạng “muốn”?  Nếu chúng ta cho rằng “bản ngã” là một tổ hợp gồm năm yếu tố thì cái muốn này là một thuộc tính của bản ngã, vì nó thuộc về một bộ phận của cơ thể và điều động cho sự sinh tồn của con người. Tuy nhiên, khi chúng ta nhìn thân năm uẩn này như Đức Phật phân tích: sắc như  bọt nước, thọ như  bong bóng, tưởng như ráng nắng, hành như  bẹ chuối, thức như  trò ảo thuật thì rõ ràng “cái biết khát nước” không còn là “bản ngã” của con người nữa.

Thân con người được kết hợp bởi sắc chất (rùpa), và bốn yếu tố thuộc về tâm (thông thường trong ngôn ngữ Pàli gọi là namà: danh)   nên nhu cầu vật chất là điều không thể tránh khỏi. Đói ai cũng cần ăn, khát ai cũng cần uống. Thật ra, bản thân trạng thái “muốn” vốn  có tính chất trung tính, nó chỉ thiện hay ác là tuỳ theo động cơ, hay mục đích của con người. Nhưng điểm khác biệt của một bậc giác ngộ và một kẻ phàm phu là ở chỗ làm chủ nhân ông hay làm nô lệ cho nó. Do đó, khi Phật tử khát nước thì quán sát rằng thân thể cần nước và đi lấy nước trong chánh niệm và biết rằng uống nước là vì lợi ích duy trì thân ngũ uẩn giả hợp này để tu tập, chứ không phải thích uống những loại nước ngọt ngon chỉ vì “lòng tham” uống nước. Đây cũng chỉ là một ví dụ điển hình về khát nước, trong đời sống hàng ngày còn có vô số  trường hợp tương tự như thế.

5. Còn việc tìm giúp cho Phật tử một vị Thầy đỡ đầu thì quả thật là khó. Vì  căn cơ và nhân duyên của người mỗi khác. Trong thiền sử Trung Hoa kể rất nhiều câu chuyện các hành giả  đi tìm Sư Phụ, các vị ấy nghe vị nầy đạt ngộ, nghe vị kia chứng đắc, khi đến nơi thì các vị lỗi lạc ấy không nhận và khuyên bảo đi nơi khác, tới gặp các vị khác thì dễ khai ngộ hơn. Do đó, chuyện “tầm sư học đạo” là chuyện nhân duyên. Theo người viết bài này thì các Phật tử nên tự tìm Sư Phụ là tốt nhất. Và như vậy, quý Phật tử sẽ có tín tâm kiên cố đối với vị Thầy mà mình ngưỡng mộ hơn.

Lời cuối, xin cầu chúc Phật tử  đạo tâm luôn tăng trưởng, luôn an trú trong Tứ Niệm Xứ và mau chóng gặp được bậc Minh Sư  hướng dẫn trên con đường  học hỏi và tu tập tâm linh tốt hơn nữa.

Thân chúc Phật tử  quý Phật tử vô lượng an lạc và thường an trú trong chánh pháp.

 

CHÚ THÍCH

[1] Ơ+? đây, "hơi thở vào hơi thở ra bị đoạn diệt" nghĩa là nó quá vi tế, nhẹ nhàng đến độ ta không còn thấy hơi thở ra vào nữa, chứ không phải hoàn toàn không còn hơi thở.

[2]  Kinh Phúng Tụng trong Kinh Trường Bộ, tập II, số 33 (Hoà Thượng Thích Minh Châu dịch, Viện Nghiên Cứu Phật Học VN ấn hành, 1991) tr. 644. Kinh này trong www.Buddhismtoday.com/  tại địa chỉ www.buddhismtoday.com/viet/kinh/pali/Truongbo33.htm. Vì   lý do  kỹ thuật in ấn bỏ soát, nên cả đoạn sau: "thành tựu  Thức Vô Biên Xứ [Thiền], Hư Không Vô Biên Tưởng bị đoạn diệt" không được ghi trong văn bản. Người viết có đối chiếu với bản dịch tiếng Anh The Long Discourses of the Buddha của Maurice Walshe (Boston, Wisdom Publications, 1987, 1985) và nguyên bản Pàli do Hội The Pàli Text Society  ấn hành năm 1975).

[3] Sự kiện này được ghi lại trong Kinh Đại Bát Niết-Bàn (Mahaaparinibbaana) trong Trường Bộ Kinh (Hoà Thượng Thích Minh Châu dịch, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam ấn hành 1991). Bài Kinh này được đưa vào mạng tại địa chỉ www.buddhismtoday.com/viet/kinh/pali/Truongbo16.htm

http://www.buddhismtoday.com/viet/hopthu/9-thienvacaibiet.htm

 


Vào mạng: 8-8-2001

Danh sách các câu hỏi Phật học

Đầu trang