Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
Đau khổ có phải là nghiệp ác theo mình?
Làm sao giải thoát?
Huynh Đệ hỏi; Thích Giác Hoàng trả lời

 

Câu hỏi: Xin cho biết phiền não và đau khổ hoài có phải nghiệp ác đang theo mình? Làm sao mới giải thoát được?

Trả lời:

Phật tử "Huynh Đệ" mến,

Trước nhất người viết xin chia xẻ tâm trạng bất an và đau khổ của Phật tử mà chắc có lẽ kiếp người chẳng ai tránh khỏi! Người viết không biết đối tượng mình trả lời là ai, ở độ tuổi nào, nam hay nữ, ở đâu và hiện nay tâm trạng đau khổ thế nào? v.v… những câu hỏi như vậy thoạt đầu xuất hiện làm cho người viết nghĩ rằng giả như mình biết rõ đối tượng đó, thì có lẽ câu trả lời sẽ có phần thoả đáng hơn. Nhưng có lẽ vấn nạn này không phải dành riêng cho một cá nhân nào, mà đã từng làm boăn khoăn khoắc khoải bao tâm hồn, nếu có khác chăng chỉ là cường độ mà thôi.

Nguyễn Công Trứ có lần đã bày tỏ quan điểm của mình trước nhân sinh thế thái:

"Đã mới sinh ra đà khóc choé
Trần có vui sao chẳng cười khì"

Không phải một mình ông mới có lối tư duy nhìn nhận bản chất thật cuộc đời như vậy, mà trong chiều hướng đó, nhiều tâm hồn đồng điệu khác đã buộc phải cất tiếng than:

" Bể khổ mênh mông sóng ngập trời
Khách trần chèo một chiếc thuyền chơi
Thuyền ai ngược gió ai xuôi gió
Xem lại cùng trong bể thảm thôi"

Thì ra, ai ngược hay xuôi đều khổ cả, ngoại trừ các bậc đạt đạo thường an trú trong Pháp lạc hay Thiền lạc. Cái khổ nằm ở mọi nơi, ở mọi người. Chữ Khổ (Dukkha) trong Pali có nội hàm rất lớn. Những gì không được toại ý, thoả lòng về nhu cầu vật chất, tình cảm hay ý nguyện đều làm cho con người trôi dạt trong bể khổ. Đứng trên lập trường tương đối, thì có kẻ hạnh phúc, người đau khổ; kẻ giàu sang, người nghèo hèn; kẻ bất hạnh người may mắn; v.v… nhưng với tuệ nhãn của Đức Phật thì khi chúng ta còn trong vòng luân hồi là còn đau khổ, còn xác thân ngũ uẩn này đều chịu thọ khổ. Căn bản của khổuất phát từ cảm thọ, hay do các trạng thái nhận thức nhị nguyên và không đúng đắn của con người. Cũng một hoàn cảnh, môi trường giống nhau, có người cho là hạnh phúc, có người cho là đau khổ, có người thoả mãn, hài lòng, có người lại bất mãn rồi lại đi săn lùng một thứ gì đó để thoả mãn các nhu cầu tâm sinh lý của mình. Do đó, người Phật tử nên nhận chân thật sự về tình trạng hiện nay của mình và nhìn thẳng vào các trạng thái tâm lý ấy bằng trí tuệ của chính mình. Từ đó truy nguyên được diện mục của đau khổ như thế nào. Nhiều khi ta đang được thừa hưởng một niềm hạnh phúc trong một hoàn cảnh tốt đẹp, một môi trường tiện nghi mà chúng ta không hề biết, lại cho rằng chúng ta đang sống trong trói buộc, trong đau khổ, trong thiếu thốn…. Ta nào có biết xung quanh ta bao nhiêu người thèm khát được hoàn cảnh, hay điều kiện như ta. Do đó, khổ đau hay hạnh phúc cũng do cách nhìn nhận vấn đề và cách cảm thụ của mỗi người. Khéo nhìn nhận vấn đề và khéo cảm thụ thì hạnh phúc sẽ đến tức khắc, không khéo nhận thức và cảm thụ thì có lẽ không bao giờ có được niềm hạnh phúc, dù đó là hạnh phúc nhỏ bé. Nhưng có lẽ, khổ đau lớn nhất của loài người là khi con người còn có lòng tham muốn thoả mãn tất cả những gì mình ao ước. Làm sao có được, khi mọi vật chất thế gian hay mọi đáp ứng nhu cầu của xã hội cho mình đều có giới hạn, trong khi lòng tham muốn của con người thì vô hạn? Dừng lại lòng mong mỏi quá mức đó, và chấp nhận với thực tế là cách làm cho mình được hạnh phúc an vui. Điều này được Đức Phật dạy rất nhiều lần trong kinh điển là thiểu dục và tri túc, nghĩa là ít muốn và biết đủ. Sau khi mình đã biết vừa phải trong mọi hoàn cảnh rồi mà những nghịch cảnh, những chướng duyên cứ đến với mình hoài thì cũng làm cho mình khó chịu, làm cho mình khốn đốn thì mình hãy xét lại các nguyên nhân sau:

1. Chuyện phiền não đau khổ đó có phải do mình tạo, ví dụ làm ác giết người, cướp của, lường gạt, sống trên đau khổ của người khác, v.v…rồi lại bị toà án lương tâm hành hạ, cắn rứt?

2. Do người khác đem đến cho mình, ví dụ: bị người khác vu khống, lừa đảo, cáo buộc, v.v…

3. Hoặc do cả hai tạo nên, ví dụ cả hai đều lừa dối lẫn nhau để mưu cầu lợi nhuận hay một danh vị nào trong xã hội.

4. Chẳng có ai làm buồn lòng mình, tự nhiên ra thẩn vào thơ, buồn rầu mà "không hiểu vì sao tôi buồn"

Thông thường những điều bất trắc ập đến do nguyên nhân thứ 2 và 3, có lẽ phần lớn người ta không đủ bình tĩnh để tìm hiểu vấn đề tồn tại ở đâu, hay không đủ sức đối mặt với những ai bi khổ não đó mà vội cho là ác nghiệp đã đến và cứ buông xuôi, mặc cho "con tạo xoay vần" và chỉ có "nhắm mắt đưa chân"!

Thế là họ đầu hàng trước cái họ gọi là "định mệnh an bài"!. Có người không đủ bình tĩnh sáng suốt còn trách cứ quỷ thần, ngay cả đến chư Phật, Bồ-tát. Có người hiểu đạo lý hơn thì tin vào luật Nhân Quả Nghiệp Báo, nhưng không hiểu thấu đáo giáo lý huyền diệu này lại để cho thế cuộc đẩy đưa, không hề nỗ lực để vượt qua.

Phật dạy Nghiệp có nghiệp cũ và nghiệp mới. Mình thọ quả đau khổ hôm nay có thể có nhiều nguyên nhân, mà nguyên nhân đáng quan tâm nhất là các nguyên nhân gần. Các nguyên nhân này tác động mạnh mẽ lên đời sống mà chúng ta đang tồn tại và có thể buộc phải nhận những quả báo bất như ý mà ta nào có muốn. Do đó, người Phật tử thuần thục trong chánh pháp mầu nhiệm của Đức Phật khéo lưu tâm về cách phát biểu, tỏ thái độ và những ngôn ngữ không lời mà mình biểu hiện trong cuộc sống. Chính phong cách sống của mình làm thức ăn cho nghiệp trong hiện tại.

Cơ thể chúng ta cần thực phẩm, oxy và môi trường để sống thì nghiệp cũng cần thức ăn: những hành động, ngôn ngữ hay biểu lộ có chủ ý (cetaanaa) để nuôi dưỡng. Qủa báo của chúng ta thọ nhận hôm nay có thể là do nghiệp cũ trổ sanh từ quá khứ, có thể do nghiệp hiện tại phát tán. Trên thực tế, ít có và nhiều khi không thể nào có một cuộc sống hành thiện, đạo đức tốt đẹp của mình đối với mọi người mà luôn luôn nhận những những quả báo đớn đau. Dĩ nhiên, có nhiều trường hợp những điều ngoài ý muốn đến với mình hoàn toàn do hoàn cảnh khách quan, không hề có một tác nhân nào của người chịu quả nghiệp đó thực hiện trong hiện tại, thì lúc đó ta mới có thể kết luận là do đời sống quá khứ ta tạo nhiều tội lỗi, nên đời này ta mới chịu quả báo như vậy. Con người có lẽ vì quá yếu đuối, không đủ sức giáp mặt với những tâm thức đen tối của chính mình, những hành động hay những ngôn ngữ của mình vừa tạo tác, mà luôn luôn đổ lỗi cho kẻ khác hoặc cho rằng hoàn cảnh tạo nên như vậy, hoặc giả cho rằng đó là do nghiệp xấu quá khứ nên hôm nay ta mới bị đau khổ như vậy, đó là tâm trạng của một người đang bị đau khổ, tâm trạng bất ổn, một hình thức lừa dối, chạy trốn chính mình mà mình không hề hay biết.

Trở lại vấn đề, tuỳ theo trường hợp cụ thể mới có thể phán đoán là do nghiệp quá khứ hay nghiệp hiện tại. Nỗi khổ này là do quá khứ hay do hiện tại gây nên. Chất xúc tác (duyên) nào để dẫn đến nỗi thống khổ như vậy. Người viết bài này đã từng chứng kiến những cảnh anh em sống một nhà mà không hoà thuận, vợ chồng sống bên nhau đã mấy mặt con rồi mà thỉnh thoảng còn ghét nhau hơn là kẻ thù. Họ gặp nhau trong thù hận, buộc phải sống bên nhau để hằn học lẫn nhau, gây đau khổ cho nhau. Có lẽ nguyên nhân chủ yếu là không hiểu nhau và không hề tha thứ nhau. Họ sống bên nhau mà họ không hề hiểu tâm trạng của người bên cạnh mình, họ thấy mình là quan trọng hơn tất cả, người khác là như vậy, như vầy, là sai, là quấy,v.v… bao nhiêu đó quá đủ để tạo nên cuộc đời đau khổ rồi. Cho nên quý Phật tử hỏi là có phải đau khổ, phiền não là do nghiệp ác đang theo mình không, thì xin trả lời là không phải như vậy. Vấn đề đau khổ chính yếu tuỳ thuộc vào cách sống hiện tại chứ không phải nghiệp theo nghĩa như một "hồn ma bóng quế" luôn luôn theo bên mình để đòi nợ. Nhưng trên mức độ hiểu ác nghiệp như là những điều xấu xa, tội lỗi mình vừa tạo và đã tạo lâu rồi thì bây giờ những điều mình không được vui, không muốn mà cứ đến hoài thì quả là ác nghiệp đang theo "như bánh xe lăn theo chân con vật kéo" (Kinh Pháp Cú, kệ số 1).

Làm sao giải thoát được đau khổ ? câu hỏi trên vẫn là vấn nạn cho bao hành giả đang đi trên con đường hướng đến giác ngộ, giải thoát. Câu hỏi như vẫn còn âm ỉ và đốt cháy bao giấy mực của bao nhiêu nhà nghiên cứu. Mặc dầu mẫu số chung đã được Đức Phật đưa ra, nhưng đáp án của phương trình giải thoát cho từng cá nhân vẫn còn là ẩn số. Có người mong mỏi một đời sống tương đối của một người cư sĩ bình thường, có gia đình, có con ngoan, có vợ hiền, có chồng tốt, có công ăn việc làm ổn định, được bà con quý mến, tiêu chuẩn họ đơn sơ giản dị lắm, nhưng thực hiện được những điều đơn sơ như vậy, mấy người làm được? Đức Phật dạy nhiều cách để gieo trồng một đời sống hạnh phúc, bàng bạc trong kinh, nhưng bài kinh có lẽ có nhiều tiêu chuẩn giúp cho một người cư sĩ tại gia sống an bình và hạnh phúc là Kinh Giáo Thọ Thi Ca La Việt (Sigaalovaada Sutta), số 31, thuộc Trường Bộ Kinh II [ xem chú thích 1]. Trong bài kinh này, Đức Phật đưa ra các tiêu chuẩn cần có của người cha, của người mẹ đối với con cái và ngược lại bổn phận của con cái đối với cha mẹ, tương tự bổn phận của vợ và chồng, của anh và em, của thầy và trò, của chủ và thợ, của tu sĩ và tín đồ. Đức Phật khẳng định, nếu mỗi thành viên trong xã hội đều thực hiện đúng chức năng của mình, chắc chắn tạo nên sự hoà hợp tương ái lẫn nhau, tạo nên sự hạnh phúc và an lạc ngay kiếp sống hiện tại này. Đức Khổng Phu Tử bên Trung Hoa, tương tự, cũng đưa ra quan điểm của mình về cách tổ chức một xã hội có trật tự, an ninh. Khi Vua Tề Cảnh Công hỏi Khổng Tử về cách cai trị, Khổng Tử đáp rằng: Vua ra vua, tôi ra tôi, cha ra cha, con ra con" (Luận Ngữ, XII. 11). Ở đây xin giới thiệu thêm một bài kinh nữa có mối quan hệ mật thiết đến đời sống của một cư sĩ tại gia, đó là Kinh Hạnh Phúc trong Kinh Tập (Sutta Nipaata) [chú thích 2]. Kinh nầy Đức Phật trả lời cho một vị Thiên về cách làm thế nào để chặn đứng các trạng thái đau khổ hay nói cách khác là con đường đẫn đến hạnh phúc và thịnh vượng nhất. Đức Phật đưa ra có tất cả là 38 điều dẫn lối cho thế giới chư thiên và loài người được an lạc, hạnh phúc và thịnh vượng. Còn nhiều bài Kinh khác nữa, nhưng người viết nghĩ là những bài kinh chỉ nam này cho Phật tử này đủ để cho một người đệ tử cư sĩ tại gia theo đó mà tu tập.

Khi tu tập thuần thục các thiện pháp này thì tự nhiên các vấn đề rắc rối trong cuộc đời tự nó hoá giải, nạn nhân của những rối rắm đó không cần phải bận tâm nữa, ngược lại các thiện nghiệp sẽ theo người đó như bóng theo hình (Kinh Pháp Cú, kệ số 2). Đây là cách giải thoát các ác nghiệp tốt nhất mà một người cư sĩ có thể đạt được.

Người có duyên được phúc đáp cho nỗi boăn khoăn trên không muốn đưa đẩy vấn đề càng lúc càng xa hơn, nhưng chỉ vì muốn trình bày như thế nào cho viên dung vấn đề. Do đó, có lẽ nhiều điểm như phần đầu của bài viết dường như không đi thẳng vấn đề, nhưng thực chất là để đi sâu vấn đề và hy vọng may mắn sẽ gợi cho người đọc một giải pháp nào đó mà người đặt vấn đề mong mỏi.

Người viết xin thành tâm cầu nguyện cho "Huynh Đệ" mau chóng được gặp thuận duyên trên con đường đời - đạo, đầy đủ nghị lực để vượt qua những chướng ngại vật mà đời người ai cũng phải một lần hoặc hơn một lần kinh qua!

Một lần nữa, cầu chúc tất cả chư vị độc giả tạo nhiều thiện sự lợi ích cho nhân quần, xã hội và tự làm hành trang cho chính bản thân mình cho con đường độc hành phía trước.

 

Chú thích

1. Kinh Giáo Thọ Thi Ca La Việt thuộc Trường Bộ Kinh II (Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam ấn hành, 1991).

2. Kinh Hạnh Phúc (Mahaa mangala Sutta) nằm trong Kinh Tập (Sutta Nipaata) thuộc Tiểu Bộ Kinh (Khuddhaka Nikaaya) đã được đưa vào trang Đạo Phật Ngày Nay tại Phụ Chú A của Đức Phật và Phật Pháp do Phạm Kim Khánh dịch.

http://www.buddhismtoday.com/viet/hopthu/6-giachoang-daukho.htm

 


Vào mạng: 1-5-2001

Danh sách các câu hỏi Phật học

Đầu trang