Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
PHẬT GIÁO VỚI VĂN HOÁ VIỆT NAM

 

Phật nói: “Tất cả chúng sanh đều có Phật tính” hay “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sắp thành, ai cũng sẽ thành Phật”. Do đó Phật giáo Đại thừa chủ trương nhập thế để phổ độ chúng sanh và khai “tri kiến Phật” vốn có sẵn trong tâm của mọi người (Kinh Pháp Hoa). Về luân lý thì đại thừa trọng nhất là từ bi, khác với đạo du-già (Yoga) và đạo phật nguyên thủy; hai đạo ấy lấy từ bi làm phương tiện, mà đại thừa lấy từ bi làm mục đích, đó cũng chính là nền tảng cơ bản của Phật giáo đại thừa trong việc kết hợp chặt chẽ giữa việc đạo với việc đời.

Khi vào Việt Nam, Phật giáo đã tiếp xúc ngay với các tín ngưỡng truyền thống của dân tộc, do vậy, đã tổng hợp chặt chẽ ngay với chúng, thể hiện ở các mặt sau:

1. Tư tưởng từ bi.

Trước khi Phật giáo vào Việt Nam, ở nước ta đã có tính thương người, tính thương người này không phải xuất phát từ Nho giáo hay Phật giáo; nó xuất phát chính từ cuộc sống của người Việt Nam cổ đại và phát triển theo sự phát triển của lịch sử dân tộc Việt Nam. Tinh thần đoàn kết, tinh thần dân chủ, dưới dạng khác nhau, đã tồn tại qua nhiều thời gian trong khuôn khổ của cộng đồng nông thôn. Ở đó nét đẹp của cuộc đời là lá lành đùm lá rách, bầu ơi thương lấy bí cùng, tối lửa tắt đèn có nhau...

Tư tưởng từ bi của đạo Phật nguồn gốc vẫn là một tình thương rộng lớn đối với giai cấp lao động và hạ tiện trong xã hội. Chống lại thành kiến quý tộc muốn bảo vệ sự cao quí của giai cấp mình bằng ranh giới khắc nghiệt, vô nhân đạo. Phật dạy: “Mọi người đều có thể thành Phật”. Đó là cống hiến lớn của đạo Phật. Phật đã bao dung mọi người trong tình thương bao la, hiền diệu. Có khi những tình thương ấy lại vươn tới hành động hi sinh thân mình, dũng cảm cứu vớt kẻ hoạn nạn. Tình thương đó được thể hiện qua Quan Âm thị Kính, hay Phật mẫu là một vị thần hộ mệnh của cư dân khắp vùng sông núi, vốn là địa bàn của văn hóa Nam –Á.

Tư tưởng từ bi của đạo Phật vào nước ta thì tình thương người vốn có của ta được mở rộng. Nó có thêm lòng vị tha, lo lắng cho người khác hơn cả mình, bất kể quen hay lạ, gần hay xa. Nó chẳng những là tình thương người bao la mà còn là tình thương muôn vật. Cấm sát sanh và bố thí bắt nguồn từ đó. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Thương người như thể thương thân” có thể là sự xuyên thấm của hai nguồn tình thương. Ông Bụt trong “Tấm Cám”, trong các truyện cổ tích là hình tượng hóa bằng màu sắc Phật tấm lòng cưu mang của người Việt. “Quan Âm Thị Kính” là tư tưởng từ bi hóa thân thành một kiếp người khốn khổ trong hàng ngũ nhân dân lao động Việt Nam. Câu Thúy Kiều cám ơn hai bà già: “Nhớ khi lỡ bước xẩy vời, Non vàng chưa dễ đền bồi tấm thương” là một bằng chứng kết hợp nhuần nhuyễn giữa từ bi của nhà Phật với tình thương của dân gian thành chung một “tấm thương” đằm thắm. Sự tiếp thụ ở dạng này mới là sự tiếp thụ mở rộng và thấm sâu.

2. Tính dân tộc.

Đạo phật vốn chia nhiều tông phái trong đó có Thiền tông, Tịnh độ tông và Mật tông là những phái có ở nước ta. Nhưng Thiền tông giản dị về nghi thức tu hành, chỉ dùng cách tọa thiền trực giác mà giác ngộ. Tu cốt ở tâm, tâm tức Phật, Phật tại tâm, chính được tâm mới được Phật. “Thiền tông chỉ nam” của Trần Thái Tông khẳng định: “Núi vốn không có Phật, Phật ở ngay trong lòng, lòng lặng lẽ mà sáng suốt, đó là Phật đấy. Nay nhà vua nếu giác ngộ về chữ “tâm” thì lập tức ra thành Phật, có cần gì phải đi cầu ở đâu”. Như vậy Thiền tông chủ trương nhập thế, gánh vác việc đời, hơn thế nữa ra sức cống hiến cho đời theo tinh thần đại từ bi thì phải đại hùng đại lực. Trong hoàn cảnh nước ta, khi tư tửng nhân đạo Việt Nam gắn liền với vận nước và thân phận nhân dân, thương người đồng thời là thương dân, thì người tu theo đạo Thiền làm việc cứu nước lo dân là việc dĩ nhiên. Các nhà sư thời Đinh, Lê, Lý, Trần, Tây Sơn, nhiều nhà vua Lý Trần đều đi theo con đường ấy, tham gia hết mình vào công cuộc giữ nước và dựng nước. Năm 971, vua Đinh phong cho Khuông Việt đại sư Ngô Chân Lưu làm tăng thống. Thời tiền Lê, đại sư Khuông Việt và pháp sư Đỗ Thuận được giao tiếp sứ thần nhà Tống; trước khi xuất quan đánh Tống, vua Lê Đại Hành hỏi ý kiến sư Vạn Hạnh. Thời, Lý, thiền sư Vạn Hạnh trở thành cố vấn về mọi mặt cho vua Lý Thái Tổ. Thời Trần, các sư Đa Bảo, Viên Thông... đều tham gia chính sự.

Vẫn với truyền thống gắn bó đạo đời, đầu thế kỷ 20, Phật tử Việt Nam hăn hái tham gia vào các hoạt động xã hội. Thời Diệm-Thiệu, Phật tử Miền Nam đã tham gia tích cực vào phong trào đấu tranh đòi hòa bình và độc lập dân tộc, đặc biệt là sự kiện Phật tử xuống đường đấu tranh chống lại nền độc tài chuyên chế của gia đình họ Ngô năm 1963.

3. Tính kết hợp.

Phật giáo Việt Nam tổng hợp chặt chẽ với các tôn giáo khác: Phật với Nho, với Đạo. Xưa nay lý giải việc dung hòa Phật và Nho, cả Đạo nữa, người ta hay nhìn vào cơ sở đạo đức hoặc triết học của ba hệ tư tưởng ấy. Ở Trung Quốc đã có vậy, sang Việt Nam nhiều người cũng vậy. Sự kết hợp Thích với Nho được biểu hiện cao hơn ý nghĩa bên đạo bên đời như nhiều người đã nhận định, đó là sự phát huy mạnh mẽ trong điều kiện của Việt Nam phía tích cực của đạo Thiền, phía Việt hóa của phái Phật ấy: cứu nhân độ thế là sống con người lịch sử của mình, biết nước biết dân, làm việc với tinh thần vô ngã, hết mình với một bản lĩnh đại hùng đại lực. “Quốc sư xem xong tán thưởng rằng: Tấm lòng của các Phật đều ở trong bài này cả rồi. Sao không khắc vào bản kinh để khai đạo cho người đời sau? Trẫm nghe lời sư nói, bèn say người chép lại, hạ sắc lệnh cho ấn hành, không những chỉ dẫn đường mê cho đời sau, lại cốt nối công nghiệp to lớn của thánh nhân đời trước” (Thiền tông chỉ nam). Lời nói đó của Trần Thái Tông là sự thống nhất làm một cái “chỉ dẫn đường mê” (tức tu hành) “và nối công nghiệp của thánh nhân” (tức hoạt động giữa cõi đời).

Ngô Thì Nhậm là con người hăng hái theo Tây Sơn và làm nên những công trạng không nhỏ như thế nào, ai cũng biết. Nhưng con người ấy là người từng nghiên cứu Phật thiền đến chổ tinh vi, được coi là ông tổ thứ tư của dòng Trúc Lâm, và đã cùng đệ tử của mình toàn là những bật khoa giáp viết nên cuốn “Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh”.  Nói về ông tổ thứ nhất của Trúc Lâm, ông viết: “Người ta thấy Điều Ngự đệ nhất tổ ở chùa Hoa Yên thì bảo ngài là xuất gia. Ta biết rằng Đức ngài lúc bấy giờ biết xem thiên hạ là công, trong nước vô sự, nhưng ở phía bắc vốn có nước láng giềng mạnh mẽ, nên chưa được an tâm. Cái ý ấy không tiện nói ra, sợ người ta dao động, cho nên nhắm được núi Yên Tử là cao nhất, phía đông nhì về Yên Quảng, phía bắc liếc sang hai tỉnh Lạng, dựng nên ngôi chùa, thời thượng dạo chơi để xem động tĩnh, cốt để ngừa cái mối lo nước ngoài xâm phạm. Thật là một vị Vô Lượng Đại Thế Chí Bồ Tát”. Không cứ lời khẳng định về hành vi của Trần Nhân Tông phải đúng sự thật, câu nói ấy vẫn là đầy đủ ý nghĩa nhất về tư cách Việt Nam của đạo Thiền ở đất nước này.

Trên cơ sở vững chắt của một cái vốn dân tộc, phục vụ cho yêu cầu đời sống dân tộc là một điều rất quan trọng, một chân lý Việt Nam.

4. Tính linh hoạt và hiện thực.

Vốn có đầu óc thiết thực, người Việt Nam coi trọng việc sống phúc đức, trung thực hơn là đi chùa: “Thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa” hay “Dù xây chín bậc phù đồ, không bằng làm phúc cứu cho một người”. Coi trọng truyền thống thờ cha mẹ ông bà hơn là thờ Phật: “Tu đâu cho bằng tu nhà, thờ cha kính mẹ mới là chân tu”; đồng nhất ông bà cha mẹ với Phật: “Phật trong nhà không thờ đi thờ Thích ca ngoài đường”.

Vào Việt Nam đạo Phật kết hợp với đạo dân tộc thờ ông bà tổ tiên mà đề ra thuyết tứ ân

-                      Ân tổ tiên cha mẹ: sinh ra ta là nhờ có cha mẹ, sinh ra cha mẹ là ông bà tổ tiên, nên khi biết ơn cha mẹ cũng phải biết ơn tổ tiên. Nhờ có tổ tiên cha mẹ, ta mới có được thân này phục vụ cho xã hội, nên ân tổ tiên cha mẹ được đặc lên đầu.

-                      Ân đất nước: Sanh ra, ta phải nhờ tổ tiên cha mẹ, sống ta phải nhờ đất nước quê hương. Hưởng tất đất, ăn những ngọn rau cũng đều nhờ đất nước quê hương. Ta có bổn phận phải bảo vệ đất nước khi bị kẻ xâm lăng giày đạp. Ráng nâng đỡ xứ sở quê hương lúc nghiên nghèo và làm cho được trở nên cường thịnh. Ráng cứu cấp nước nhà khi bị kẻ ngoài thống trị. Bờ cõi vững lặng thân ta mới yên, quốc gia mạnh giàu mình ta mới ấm.

-                      Ân tam bảo: tức là thọ ân Phật, Pháp, Tăng đã đem đến cho mình lối sống đạo đức và lành mạnh.

-                      Ân đồng bào nhân loại: Vừa mở mắt chào đời đã thấy mình phải nhờ đến sự giúp đỡ của những kẻ ở xung quanh. Nhờ hột cơm của họ mới sống, nhờ miếng vải của họ mới ấm thân. Vui sướng ta đồng hưởng với họ. Hoạn nạn họ cùng chịu với ta. Họ với ta cùng một màu da, cùng một thứ tiếng, những người mà ta thường gọi là đồng bào. Ta và họ có mối liên hệ mật thiết không thể chia nhau. Thế nên ta phải giúp đỡ họ hầu đáp đền cái ơn mà ta đã thọ hưỡng. Còn nhân loại là những người đang sanh sống với chúng ta trên quả địa cầu này. Nếu không có nhân loại, thử hỏi dân tộc ta ra như thế nào? Ta có đủ vật liệu để dùng chăng? Ta có thể tự túc một mình chăng? Thế nên dân tộc ta cũng phải nhờ đến nhân loại, nghĩa là ta phải nhờ đến dân tộc khác và phải biết ơn họ…

Tính hiện thực của Phật giáo Việt Nam còn thể hiện hiện ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong cuộc sống hàng ngày ta thường thấy các hội từ thiện, những tổ chức xây dựng cầu đường nông thôn, cứu trợ và giúp đỡ những người nghèo khổ… là những hình ảnh được thể hiện qua màu sắc của Phật giáo Đại thừa mang đậm tính Việt Nam.

http://www.buddhismtoday.com/viet/vh/pgvn.htm

 


Vào mạng: 1-5-2003

Trở về mục "Văn hoá Phật giáo"

Đầu trang