Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
QUÉT    KHÔ BAY
Minh Mẫn

 

Tuấn cố quét thêm vài chổi nữa, ngồi xuống ghế đá trong sân chùa, nhìn thấy khuôn viên mênh mông mà ngao ngán!

 Từ 5 giờ sáng, sau thời công phu khuya, Tuấn đã cầm chổi tàu cau đi từ đầu sân chánh điện, quét qua trai đường, xuống đến các phòng Tăng, rồi  các lối đi trong vườn cây, hơn một tiếng mà vẫn chưa đâu vào đâu. Hằng ngày bắt đầu công việc như thế cho đến cúng ngọ; chiều 3 giờ cho đến 6giờ. Bác Sáu tay cầm kéo và dao cắt tỉa từng nhánh hoa,  lá sâu, héo úa, cũng bắt đầu vào thời điểm như thế; Các tiểu và quý sư cô chăm sóc từng luống rau. Sau giờ tiểu thực, mọi người ai vào việc nấy như công nhân lao vào công trường, nó khác với công trường là không có kẻng lao động mà hòan tòan do tự giác.

 Tu viện Viên Giác tọa lạc trên  đồi miền Trung, bốn mùa gió lộng. Có mùa, gió biển thổi vào nghe hơi mặn của muối, có mùa gió Lào, đem đến cái nóng khô khốc của dãy Trường sơn. Tu viện xưa kia là ngôi chùa cổ, thời chiến tranh, bom làm sập, sau ngày hòa bình, Hòa Thượng Huyền Đức về trùng tu; quý tu sĩ tử nạn được nhập tháp. Chánh điện xây dựng bằng vật liệu nhẹ; hai dãy nhà Tăng cũng tre lá đơn sơ, nhưng do óc thẩm mỹ, tóat hiện được nét thiền vị. Đạo chúng mỗi ngày một đông, tuy trên 200 vị thường trú, vẫn còn nhiều tu sĩ xin gia nhập thiền viện. Chùa không có đất ruộng, hàng ngày các chú phải đưa rau xuống chợ đổi gạo; mâm cơm mỗi bửa chỉ có tương chao rau củ, thỉnh thỏang được thêm vài miếng đậu hủ, cũng do chùa sản xuất. Quanh vách nhà Tăng là những vại nước mưa để cúng Phật và pha trà. Một góc sân có hai cái lu bằng đất nung, to như thớt tượng, đậy kín mít, quý thầy làm tương hột. Đa phần tự chế nên sinh họat nội viện ít tốn kém.Một ít sư cô, vốn là nhà giáo phát tâm xuất gia, hướng dẫn lại cho các chú tập sự về văn hóa. Một số thầy xưa kia là kiến trúc sư, họa sĩ, nhà thơ nhà văn, thậm chí là sĩ quan, nay là những tu sĩ  có năng lực giúp tu viện tổ chức sinh họat khá nề nếp; Bác Sáu là nghệ nhân bonsai, tạo một  hòn giả sơn thật đẹp; Một hôm, bác sáu phát động phong trào trồng cây lấy bóng mát cho chùa,  nhờ chia nhiều tổ chăm sóc mà cây ổi, cây me, cây mít, cây xòai đua nhau phát triển; nhờ thế, chùa giảm được cái nắng của đồi cát vào Hạ. Hoa dạ lý hương trước chánh điện cũng phả mùi thơm thoang thỏang hàng đêm. Gần trai đường, mấy cội ớt mọi cũng xanh tốt, trái mọc chi chít.

 Nhờ cảnh trí và không khí thông thóang mà  những người ở đây ít bệnh tật. Mỗi tuần Hòa Thượng có buổi pháp đàm và khai thị ngòai sân vườn, quanh khóm tre xanh um. Mỗi thân tre no tròn đầy đặn, vươn cao nên tỏa bóng chung quanh che mát một vùng khá rộng. Đêm giao thừa, quý thầy đốt lửa trại, ai cũng sợ làm cháy tán tre, nhưng, hơi ấm của thiền sinh, hơi nóng của lửa đã thêm sức cho tre tươi tốt hơn, mạnh hơn.

 Tuấn về đây được hai tháng, tuy quen với mọi sinh hoạt, ngòai nhiệm vụ quét sân, Tuấn còn phụ giúp nhà trù chẻ củi, lấy nước mà chùa gọi là  “ban sài vận thủy” quét sân vẫn là  việc làm mà Tuấn cảm thấy nhàm chán, vô nghĩa.

  Từ  cuộc sống bon chen lừa gạt nhau của thế tục, để cung phụng bản thân, nuôi dưỡng gia đình, chàng cũng đã thấy chán ngán. Suốt mấy mươi năm làm thân người, tâm hồn và hành động không ra người, thế mà ai cũng tưởng mình đang làm người. Hôm nào đi chơi với bạn gái, về nói dối vợ là làm ăn thua lỗ, hết tiền. Cá độ một trận bóng, phải vay nợ  nặng lãi, chàng bán chiếc xe 81, bảo vợ đưa thêm ba lạng vàng để đổi chiếc dream đời mới, vợ cả tin khi chàng đem chiếc xe second hand về để ngay trước sân như hãnh diện khoe với lối xóm, vài hôm sau công an đến tịch thu vì xe không có giấy tờ, số tiền bán chiếc 81  và ba lạng vàng dư để trả nợ cá độ.

 Những chuyến đánh hàng qua biên giới, trúng mánh, bạn bè hả hê trên bàn tiệc, anh quên rằng vợ  đang bán xôi kiếm từng đồng cho con ăn học. Những khi cháy túi, chàng nằm ở nhà cả tháng để vợ bố thí cho hai bữa cơm dưa muối, và ly cà phê sáng, chàng nhớ đến những món hải sản, thịt rừng trong nhà hàng sang trọng ngày nào để cố nuốt trôi chén cơm đạm bạc. Những lúc hẩm hiu, chả có thằng bạn nào đến giúp chàng vài ngàn bạc  tiêu xài. Ăn kham khổ, chàng buộc vợ mua đồ ngon, không đủ tiền cung ứng theo yêu cầu, Tuấn sân si chửi mắng vợ, nàng cải lại liền bị trận đòn không nương tay; Đứa con trai lớn vừa lên lớp 9 đã phải nghỉ học phụ mẹ, đứa bé gái đang học lớp 5, đã biết giặt đồ, dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm khi mẹ đi bán. Con không muốn có mặt cha ở nhà, những lúc vắng cha là lúc chúng rất hạnh phúc bên mẹ; chúng không bị đánh đòn hay buộc phải đi mua rượu. Mỗi lần chàng say là mẹ con phải khốn khổ.

 Trong chuyến đánh hôi, mấy đứa bạn kịp nhảy tàu ở Mang Cá, Tuấn không  thóat, bị bắt đưa vào trại Mai Lâm, rồi đi lao cải; những lúc nằm trong biệt giam, chàng nhớ đến vợ con, biết rằng gia đình không thể vượt hàng trăm cây số để thăm nuôi mình. Những lúc có tiền, chàng cũng không hề nghĩ đến gia đình, nhưng chàng cũng viết thư về để mong nhận được cái gì đó từ vợ con; Đêm về nghe gió hú, chàng cảm thấy cuộc đời nổi trôi vô nghĩa, từ lúc trưởng thành, cha mẹ ly dị, cũng là lúc Tuấn vào đời theo bè bạn bụi đời.Trên bước giang hồ, chàng làm quen với Thúy, cô gái nghèo bán nước chè tươi trên tàu, không bao lâu, họ là đôi bạn đời nhiều đau khổ cho nhau.

 Nằm chung phòng giam với chàng là một nhà tu đức độ, người gần 70, không biết chữ nhưng quần chúng Mũi Né tôn kính người như Phật sống.Tâm hồn chất phác, lời nói thật thà. Một đêm tối trời, người vượt biển vào chùa xin tá túc, ngài vì long từ mà chấp nhận, khi họ bị bể, khai là cư trú tại chùa Linh Long, thế là chùa bị tịch thu, thầy bị bắt. Phong cách trầm tĩnh, hồn nhiên, ít nói của thầy đã giúp Tuấn thấy rõ bản chất xôn xao giao động của mình; như đứng trươc tấm kính “chiếu yêu”, lộ diện rõ bao cái tội lỗi mà chàng tự cảm thấy kinh tởm. Vài tháng sống chung với thầy, chẳng biết từ lúc nào mà chàng đã ngoan ngõan, tính gàn bướng giảm rõ; mỗi lần tâm sự, chuyện trò, chàng như đứa con ngoan trước vị cha hiền. Bạch thầy, con vô cùng hối hận những thái độ của con đối với gia đình, hành động vị kỷ tàn bạo đối với xã hội. Làm sao con chuộc lại được những lỗi lầm đó!

Con à, quan trọng không phải là vấn đề tội lỗi, mà là giác ngộ, thấy được sai trái, dứt khóat với nó. Hãy làm lại từ đầu, làm mới từ ngày hôm nay.

 Sau khi lãnh án, ra lao động, Hòa Thượng còn ở lại để “Tập trung cải tạo”, Tuấn lao động rất nhiệt tình và có tinh thần trách nhiệm, được  đồng đội thương mến.Đàn em tội phạm hình sự nể mặt nên không dám càn quấy trong các sam tập thể. Không như những lần tù trước, luôn bất mãn, gây rối trong trại, đâm chem đồng phạm và tìm cách trốn trại. Bổng dưng, chàng cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa và thích an phận; muốn giúp đỡ mọi người.

 Một sáng sớm, như mọi khi, sau điểm danh tòan trại, Tuấn được đội trưởng và quản giáo phân công vào rừng tìm gỗ. Trại nằm rất xa khu dân cư sắc tộc bằng nửa ngày đường, mà vào rừng còn xa hơn thế. Từ ngày lập trại tù, đất nơi đây khai hoang cho các nông trường, trở thành vùng khô cằn trơ trọi nắng cháy; có lẽ vào gần đến chân Trường sơn mới tìm được gỗ, Tuấn ngẫm nghĩ thế, tìm bóng mát nghỉ chân, ngã lưng vào gốc cây, nhìn chòm mây bạc lững lờ trên nền trời trong vắt, bên tai chàng thoang thỏang nghe tiếng chuông rất xa, vọng lại, chàng lắng nghe thật kỷ, không  lẫn đâu được giữa không gian bốn bề tĩnh mịch. Chàng đứng dậy hướng về phía có tiếng chuông mà đi. Hơn một giờ đường bộ,Tuấn thấy được ngôi thảo am của vị sư già nằm lọt thỏm giữa rừng tre.

Mô Phật, tín chủ cần gì? Vị sư hỏi, tuy biết chàng là trại viên của trại lao cải, bộ áo quần đang mặc đã cho biết như thế.

Bạch thầy, con nghe tiếng chuông nên tìm đến lễ Phật, con không cần gi hết.

Cậu độ  ngọ chưa?

Bạch thầy, con có mang theo lon cơm đây ạ!

Vậy chúng ta cùng dùng nhé. Vừa nói, vị sư vừa bày chén đủa, dĩa rau luộc và chén nước muối lên nền đất trải tấm manh loang lổ rách.

Phong thái từ tốn, ánh mắt hiền hòa và giọng nói nhẹ nhàng của nhà sư, chàng cảm nhận nguồn an lạc đã làm lộ diện cuộc sống xô bồ mà chàng đang chìm đắm.

Sau bửa cơm, chàng không vào rừng tìm gỗ mà nằm trên chiếc võng  rách cột dưới tán tre, nghe tiếng chim rừng trốn nắng và nhìn những lọn mây lững thững trên bầu trời xanh. Chim không bon chen tích lũy mà vẫn sống, mây không có chốn định cư mà vẫn an nhàn, tại sao ta phải bon chen chụp giựt để rồi tay trắng, thân gửi nơi chốn tội tù! ta phải làm lại cuộc đời, phải thay đổi cách sống. Chàng đứng dậy, kiếu chào  nhà sư , vác dao vào rừng; Một mình, đứng giữa đất trời mênh mông, chàng tâm nguyện xin Trời Phật giúp đỡ để chàng vượt thóat mọi cám dỗ lầm lỗi đã qua. Những ngày sau đó, Tuấn làm việc thật năng nổ; anh em tù nghĩ rằng Tuấn chứng tỏ lao động tốt để tạo niềm tin cho cán bộ quản giáo, thực hiện một âm mưu trốn trại!

 Ngày nhận giấy ra trại, chàng cũng an nhiên như những ngày đang lao động trong tù, không mừng vui, không phiền muộn, chàng từ giả anh em, lên tàu hỏa, không phải xuôi Nam, mà chàng nhảy tàu dọc đường; Cảnh rừng núi hoang vu đã lôi cuốn chàng như từng bị lôi cuốn bởi phồn hoa thị tứ trước kia. Nơi đây, có lần chàng hôi của một khách hàng trên tàu, nhảy vội vào rừng lá, tá túc ngôi chùa hoang qua đêm.

 Đường lên dốc đồi cát, trời chiều xế bóng, tiếng Đại Hồng chung vang vọng góc rừng; Mới 10 năm mà nơi đây đã  biến đổi; dân lập nghiệp khắp nơi biến khu rừng thành vùng kinht tế mới trù phú, vào sâu hơn vài cây số, ngôi chùa hoang năm xưa nay biến thành tu viện đông đúc. Tuấn vứt bộ đồ tù dưới chân đồi, thay bộ âu phục trước khi lên tu viện. Ngôi tháp cổ vẫn còn đó, nhưng chiếc cổng mới còn đậm nước vôi vàng, hiện rõ ba chữ chùa Viền Giác màu đỏ, cổng không có cửa; từng bậc đá dẫn lên chánh điện, ngôi chùa lợp lá, bốn bề trống vách. Hàng trăm tu sĩ đang sinh họat dưới tán tre già, một vị sư già vận bộ đồ vàng ngôi giữa. Chàng vái chào chư Tăng, ngồi cách xa lắng nghe buổi pháp thoại.

 Thoáng đã hơn 10 tháng, chàng tham dự nhiều lần pháp thoại, nhưng phải nhờ chú Tiểu Tâm hướng dẫn thêm, mới hiểu được phần nào thuật ngữ nhà Phật và sinh họat tâm linh xa lạ đối với chàng.

 Từ xa, Tiểu Tâm đến gần chàng, chắp tay vái chào: Thưa chú, chú nghĩ gì mà ngồi thừ ra như vậy? Chú đã quen với nếp sống thiền môn chưa?

Tuấn chợt tỉnh, lộ vẻ bối rối như vừa phạm lỗi: Thưa chú, thiền môn  thì tôi rất thích, nhưng những chiếc lá khô hàng ngày bay lã chã thì tôi ngán quá, cứ quét đàng nầy thì lá bay đàng kia, quét hòai sao hết.

Tiểu Tâm tuổi mới 17, tỏ ra đỉnh đạc, nhỏ nhẹ nói với Tuấn: Chú không nhớ lời Hòa Thượng trong buổi Pháp thọai hôm trước nói rằng – tâm người như giòng sông chảy mãi, vọng tưởng nầy diệt thì vọng tưởng khác phát sanh, nhờ vọng tưởng sanh diệt mà ta có cơ hội chú tâm theo dõi, nhờ có chánh niệm như thế tâm mới có chánh định; cũng vậy, nhờ có lá khô bay, chú mới quét dọn đặng sanh phước đức và chú tâm vào công việc mới sanh chánh niệm, có công đức. Ăn vào có đói mới ăn những bữa kế, nếu không đói không ăn thì lấy gì nuôi thân mạng. Huệ mạng hay Thân mạng cũng đều cần sự nuôi dưỡng của công phu. Quét lá cũng là lọai công phu lao tác chú ạ!

  Tiểu Tâm mỉm cười nhìn vào đôi mắt bối rối của Tuấn. Như chợt tỉnh, chàng cảm nhận  việc quét lá khô bay cũng quan trọng như quét vọng tưởng của tâm. chấp tác cũng là một pháp tu; Chàng vái chào Tiểu Tâm đã khai ngộ cho mình, chàng đưa những nhát chổi không còn nặng nề như trước, trước mắt chàng, những chiếc lá mang dáng dấp của những cánh hoa tung bay khắp nơi.

 

                                                                                          MINH MẪN

                                                                                               25/3/09

       

http://www.buddhismtoday.com/viet/truyen/quyetlakhobay.htm

 


Vào mạng: 24-4-2009

Trở về mục "Truyện Phật giáo"

Đầu trang