Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
Những chuyến đò ngang
Tâm Đàn

Con Hà và con Hạnh rất chăm học. Ngoài những giờ giải trí như tập thể dục, xem những phim ảnh lành mạnh, hoặc đôi khi đi chợ nấu ăn giúp cha mẹ, chúng dành hết thì giờ vào việc học tập. Sống trong một xã hội tiêu thụ như xã hội ngày nay, thanh thiếu niên rất dễ bị hư hỏng. Hầu như anh chàng hay cô nàng choai choai nào cũng có điện thoại cầm tay để chuyện phiếm với bạn bè bồ bịch. Mạng vi tính tuy rất hữu dụng nhưng cũng chứa đựng không biết bao nhiêu tệ hại khiêu gợi sự tò mò của lứa tuổi mới lớn. Nạn trộm cắp cướp giựt thì như cơm bữa. Hút xách là một tò mò nguy hiểm khác của lứa trẻ. Chỉ từng đó cũng đủ làm cho gia đình tan nát, xã hội suy đồi. Thế hệ trẻ là rường cột của gia đình, của xã hội, và của cả nhân loại. Phận làm cha mẹ ai cũng cố gắng giúp đỡ vẽ vời, hầu mong con cái nên người hữu dụng. Nhưng yếu tố quyết định then chốt có lẽ vẫn do chính bản thân. Tất cả đều tùy duyên. Ông cha chúng ta thường nói “Con hơn cha là nhà có phúc.” Từ ngữ “hơn” ở đây không hẳn phải có mảnh bằng cao hơn, không hẳn phải giàu có hơn. Hiểu biết hơn, trí huệ hơn, đạo đức hơn mới thực sự là “hơn.” Với ý nghĩa đó, con hơn cha mới quả thật nhà có phúc, trẻ hơn già mới quả thật xã hội và nhân loại có phúc.

Ông Lâm hài lòng nhìn hai cô con gái ngày càng lớn khôn, ngoan ngoãn, và có nề nếp. Sống tha phương ở một nước có nền văn minh vật chất đầy cám dỗ như ở đây mà có được hai đứa con ngoan như con Hà và con Hạnh thì không còn gì an ủi hơn cho ông. Nhưng thật ra sự lớn khôn của hai đứa con đồng thời cũng là một mất mát của ông. Ông cảm thấy cô đơn hơn. Chúng nó đã lớn khôn, bận rộn học hành, không còn nhiều thì giờ để cha con chuyện trò huyên thuyên vui vẻ như trước đây. Bây giờ, sau những bữa cơm tối, ông thường sót lại một mình trong bàn ăn, có lẽ do ông ăn uống chậm chạp hơn. Bầu bạn của ông là cây nến thơm trên bàn, từ từ ngắn dần. Ngọn nến lung linh tỏa hương thơm nhè nhẹ dễ chịu thường đưa ông trở lại những năm tháng khi mấy đứa con còn thơ dại…

 Patch vừa dời về chỗ ở mới. Tuy nơi đây không đẹp và rộng rãi bằng chỗ cũ, nhưng dường như nó thích hơn. Chỗ cũ rất đông người qua lại. Mỗi lần đi ngang, người ta dừng chân nhìn qua, miệng lí nhí những câu nói nó không hiểu. Rồi họ bỏ đi, hững hờ. Ăn uống thì mỗi ngày như mọi ngày, lúc nào cũng cùng một món như nhau. Thật nhàm chán. Chỗ ở mới tuy không đẹp và hẹp hơn, nhưng chỉ một mình nó, nên nó có cái cảm giác rộng rãi hơn. Nơi đây yên tĩnh hơn nhiều, và chỉ thấy có mấy người qua lại. Nhưng họ rất thân thiện với nó. Ban đầu nó bỡ ngỡ, cọng thêm một chút lo âu. Nó khép nép vào một góc. Hễ có người tiến gần, nó bèn chạy sang góc khác. Nhưng dường như nó đang có linh cảm mọi người ở đây đều thương yêu nó. Nên nó rất yên tâm.

Vừa đến chỗ ở mới, Patch đã được thết đải những món ăn rất ngon miệng, những món ăn nó chưa hề được thử qua ở chỗ cũ. Nó ăn ngấu nghiến, quên cả những người trong nhà đang vây quanh nhìn nó. Có bàn tay vuốt ve vào đầu nó. Nó không bỏ chạy như lần trước. Nó tiếp tục ăn. Bây giờ tất cả những nỗi lo lắng trước đây hoàn toàn tan biến. Người ta nhìn nó. Nó nhìn lại. Mắt đối mắt, không chút ngại ngùng. Nó chắc chắn mọi người đang thương yêu nó. Nó cảm thấy hạnh phúc tràn trề. Nó biết những mánh khóe để mọi người biết nó đang đòi ăn. Và người ta đem đồ ăn cho nó ngay. Đồ ăn vẫn thường được thay đổi. Khi món này khi món khác. Nên bữa ăn nào cũng cảm thấy ngon miệng.

 Tám năm về trước, sau một buổi chiều tan trường, con Hà hấp tấp đến một tiệm bán gia súc cạnh trường, mua một con chuột lang (guinea pig.) Nó và con Hạnh em nó đã năn nỉ biết bao nhiêu lần ông Lâm mới đồng ý cho chúng nó nuôi một con. Con Hạnh đòi nuôi hai con, một cho chị nó và một cho nó. Ông không đồng ý. Nuôi hai con phải tốn hai cái chuồng. Công săn sóc phải gấp đôi. Thức ăn phải gấp đôi. Cái gì cũng phải gấp đôi. Hai chị em nó lập luận: Nuôi hai con trong cùng một chuồng tốt hơn. Chúng nó có thể chơi với nhau. Không chừng chúng nó có thể sinh thêm nhiều con cái. Sẽ vui nhộn lắm! Ông lập luận: Hai con cùng phái ở chung một chuồng sẽ cắn nhau suốt ngày. Nếu hai con khác phái, chúng nó sinh nở nhiều, không thể kham nổi. Hai chị em nó phản đối: Chỉ cần có một cái chuồng đủ lớn, chúng ta có thể nuôi bao nhiêu con cũng được. Chúng nó sẽ không bao giờ cắn nhau. Ông Lâm: Thôi được, cách hay nhất là trước hết hãy đến thư viện mượn sách tham khảo về loài chuột lang xem sao.

Hai chị em nó náo nức đi mượn mấy quyển sách ngay vào ngày hôm sau. Sách nói rằng hai con cùng phái nhốt chung một chuồng sẽ cắn nhau. Ông Lâm thắng! Chị em chúng nó miễn cưỡng đồng ý chỉ nuôi một con. Thật ra tuổi thọ của loài chuột lang chỉ trong vòng năm hay sáu năm. Ông e ngại chị em chúng nó sẽ buồn vì mới quen nhau đã phải xa nhau. Thật ra ban đầu chúng nó đề nghị ông nuôi một con chó. Chúng nó có vẻ thích chó lắm. Con Hà thu thập rất nhiều tranh ảnh chó. Trong phòng nó, tường dán đầy những bức tranh đủ loại chó. Những lần cha con ông trò chuyện tiếu lâm với nhau, con Hà thường chỉ những bức tranh chó trên tường, bảo với ông rằng “They’re you, dad!” (Chúng nó là ba đó ba à!) Nhân cơ hội này ông từ chối nuôi chó: “Very well, you’ve got one, no need buy another one!” (Hay lắm, chúng con đã có một con, không cần phải mua con khác!) Chúng nó phản đối um sùm. Ông đành phân trần: Thật ra nuôi chó phải có rất nhiều trách nhiệm săn sóc chu đáo. Nếu rủi ro chó cắn người ta, mình phải chịu trách nhiệm. Do đó muốn nuôi chó phải đăng ký phiền phức lắm. Hơn nữa nuôi chó phải cho ăn thịt mới đầy đủ dinh dưỡng. Daddy chỉ thích nuôi những loài động vật ăn cây cỏ. Chúng nó đành nhượng bộ, đề nghị nuôi thỏ. Ông đồng ý. Thế là gia đình ông có Jan, một con thỏ trắng.

Jan trông thật dễ thương, nhưng vì vấn đề vệ sinh, ông đề nghị để chiếc lồng của Jan ở vườn sau. Chúng nó không chịu. Vậy là phải để trong nhà, cạnh chiếc cầu thang. Mỗi lần tan trường về, chị em chúng nó chơi với con thỏ nhiều hơn đến làm nũng với ông như trước đây. Ông thầm nghĩ: Giá như con thỏ không dễ thương như vậy, mấy đứa con sẽ quấn quít với mình hơn. Nhưng con thỏ trông quá xinh xắn, ai mà không thương. Ông mỉm cười tự trách mình mang lòng ganh tị như một đứa bé. Và ông bắt đầu mến con thỏ, san sẻ niềm vui của hai chị em chúng nó. Nhưng có một điều về thỏ ít ai chịu nổi, kể cả hai chị em chúng nó: Nước tiểu thỏ hôi hám khó chịu. Ông bèn đề nghị đem chuồng thỏ ra vườn sau. Chúng nó chần chừ e ngại. Ông cương quyết, lấy lý do vệ sinh. Chúng nó đành vâng lời. Tuy cảm thấy tội nghiệp, nhưng đành phải để con thỏ ngoài vườn.

Nhưng dường như được ở ngoài, con thỏ có vẻ thích thú hơn, hoạt bát hơn. Nó bắt đầu cắn chuồng nhiều hơn. Ông không nghĩ con thỏ có thể cắn đứt lưới thép. Nhưng ông đã lầm. Chỉ vài hôm sau, vào một buổi sáng, hai chị em phát hiện con thỏ đã tẩu thoát. Nó đục một đường hầm xuyên qua hàng rào. Tìm đâu cũng không thấy. Con Hà và con Hạnh chia nhau đi tìm. Nhưng vô ích. Con thỏ trắng không có duyên với ba cha con ông Lâm. Và đây là đầu dây mối dợ về sự xuất hiện của Patch trong gia đình ông.

Thật ra ban đầu bà chủ tiệm bán gia súc không chịu bán con chuột lang cho con Hà. Bà chủ hỏi nó bao nhiêu tuổi. Nó chỉ 13. Thiếu tuổi, không được mua gia súc. Nó năn nỉ. Bà chủ nhất định không chịu. Nó rơm rớm nước mắt định bỏ cuộc thì một bà lão đứng bên cạnh, thấy con Hà tội nghiệp, đứng ra bảo đảm cho nó. Nó mừng rỡ cám ơn bà lão. Thế là Patch đã trở thành bạn nó. Tối hôm đó, cả hai chị em quên cả học bài. Chúng nó thì thầm to nhỏ với nhau một hồi thật lâu. Cuối cùng chúng nó cho ông biết rằng tên của con chuột lang là Patch. Lý do: Lông con chuột mầu đen xen kẻ vài vệt trắng. Một vệt trước sóng mũi và vài vệt khác ở hai bên hông. Trông rất dễ mến. Patch đã nhanh chóng làm quen với chị em chúng nó và trở thành một phần tử được nuông chìu trong gia đình.

Mấy tháng sau đó, vợ ông phát hiện Patch đang mang thai. Con Hà và con Hạnh vui mừng lắm. Chúng nó hình dung một bầy chuột lang đang nô đùa vui nhộn. Ông thì nghĩ đến chuyện phải kiếm thêm bao nhiêu chiếc lồng nữa đây? Nếu nó sinh sản nhiều quá, có lẽ phải cho người khác nuôi bớt.

Mỗi chiều tan trường về, hai chị em chúng nó đều chơi với Patch. Ông được phân công cho Patch ăn. Vợ ông lo vệ sinh. Ngoài rau cần tây, cà rốt, xà lách, dưa leo, vợ chồng ông thường hái cỏ cho Patch. Nuôi một bà mẹ mang thai quả tốn nhiều công phu. Nhưng cũng xứng đáng lắm, bởi vì có con chuột lang trong nhà, hai đứa con ông vui nhộn hẳn lên. Và do đó ông cũng vui lây. Bây giờ cứ mỗi lần ba cha con chuyện trò đều có Patch tham dự. Tuy Patch chỉ phát biểu ý kiến bằng những âm thanh khừ khừ hoặc quít quít, nhưng dường như cha con ông Lâm hiểu hết! Nhiều khi con Hà diễn dịch thế này, con Hạnh thế kia, và ông thế khác. Thay vì tranh cãi ai là người diễn dịch đúng nhất, bọn ông thường đồng ý với nhau rằng cả ba lời diễn dịch đều đúng. Nghĩa là, mỗi câu nói của Patch thường mang nhiều ý nghĩa khác nhau!

 Một thời gian ngắn sau đó, vào một buổi trưa thứ bảy, Patch đã sinh nở hai đứa con thật xinh xắn. Cả hai đều là con trai. Một đứa có lông giống mẹ nó, đứa kia lông màu nâu nhạt xen kẻ những vệt trắng. Chúng chỉ có thể di chuyển từng bước đi vụng về. Chúng muốn bước đến vùng khô ráo hơn, nhưng không được. Mẹ nó cũng không thể giúp chúng nó được. Ông phải đem từng đứa đến cạnh mẹ chúng. Hai đứa giành nhau rúc vào lòng mẹ trông rất dễ ghét. Con Hà và con Hạnh đi hái những cọng cỏ non về. Chúng đã có thể ăn, và nhai gặm có vẻ ngon lành. Con Hạnh nói chuột con khôn nhanh như vậy bởi vì tuổi thọ trung bình của chúng chưa bằng một phần mười tuổi thọ của người. Chuột một tuổi khôn bằng người mười mấy tuổi.

Con Hà và con Hạnh lại to to nhỏ nhỏ với nhau có vẻ bí mật quan trọng. Nhưng lần này chúng không qua mặt được ông Lâm. Ông buộc miệng: Đã tìm được tên đặt cho chúng nó chưa? Bị bật mí, hai chi em đành cho ông tham gia tìm tên hay nhất đặt cho hai con chuột con. Ông không có ý kiến. Thật ra nếu ông có thể đưa ra một ý kiến nào cũng sẽ bị chị em chúng nó bác bỏ. Phán quyết cuối cùng: Con đen tên Shine, do con Hạnh làm mẹ đở đầu. Con nâu tên Twinkle, do con Hà làm mẹ đở đầu. Ông lẩm bẩm: Màu đen làm sao có thể chiếu sáng, và màu nâu đâu có thể lấp lánh. Chúng nó hỏi ông đang lẩm bẩm những gì. Ông trả lời: Tên Shine và Twinkle nghe hay lắm. Ông hỏi nguyên nhân nào chúng đã nghĩ ra những tên đó. Chúng cho biết do mấy câu nhạc nhi đồng đã gợi ý:

 Twinkle twinkle little stars

How I  wonder what you are

Up above the sky so high

Shine like diamonds in the sky …

 

(Lấp lánh những vì sao nhỏ bé

Tôi lặng nhìn với nỗi vấn vương

Lung linh như những hạt kim cương

Sáng soi một khung trời xa ấy …)

 Chị em chúng nó rất hài lòng. Còn ông chẳng có phần gì hết. Có chăng là từ nay phải nuôi ăn tới ba con chuột lận! Vợ ông cũng chẳng hưởng được gì ngoài việc phải làm vệ sinh nhiều hơn. Tội nghiệp nhất là Patch. Dường như nó đã bị tước chức làm mẹ mà không hề hay biết!

Chỉ mấy ngày sau, Shine và Twinkle đã bắt đầu nô đùa nghịch ngợm. Chúng nó bắt đầu cắn nhau. May vợ chồng ông đã chuẩn bị sẵn mấy chiếc lồng. Bây giờ mỗi đứa chúng nó đều có nhà riêng. Không được ở cùng một chuồng để nô đùa cắn nhau, không biết chúng nó có trách móc gia đình ông không. Ngoài những tiếng khừ khừ và quít quít, chúng nó không hề tỏ một thái độ nào khác nên ông khó có thể đoán tính tình của mỗi đứa. Tuy nhiên trông vào diện mạo, hình như tính tình chúng nó không giống nhau. Shine có khuôn mặt lấm lì như một tên du đãng, trong lúc Twinkle trông có vẻ hiền từ như một thư sinh. Rõ ràng nhìn vào ai cũng thích Twinkle hơn. Có lẽ vì vậy nên con Hà đã chọn Twinkle làm con nuôi của mình. Con Hạnh không có đường chọn lựa, bởi vì nếu nó không chịu chấp nhận Shine, con Hà sẽ “dọa” không thèm chơi với nó nữa! Con Hà lớn hơn con Hạnh đến bảy tuổi nên thường tự xem mình như người lớn, không thèm chơi với con nít. Trong lúc con Hạnh thì cần có bạn. Thế là con Hạnh phải lép vế mỗi khi hai đứa có tranh chấp. Và thông thường ông phải hơi nghiêng về phía con Hạnh một tý để có thể đạt được hài hòa.

Shine và Twinkle khôn lớn thật nhanh. Mới mấy tháng mà chúng nó đã to con hơn hẳn. Nhưng tin buồn đến, đến nhanh hơn ông tưởng: Patch trở bệnh bất ngờ, và đã chết vào ngày hôm sau. Con Hà buồn nhất nhà. Patch do nó chọn, và phải năn nỉ, và nhờ có một bà lão đảm bảo mới có thể mua con chuột. Nó không hề ngờ Patch rời nó một cách nhanh chóng như thế. Cả nhà đều buồn theo nó, và ông phải tìm cách đánh trống lảng để nó bớt buồn. May còn có Twinkle và Shine.

 Mỗi buổi sáng thức dậy ông Lâm đều được Shine và Twinkle đón chào nồng nhiệt. Chỉ cần chuyển mình xuống giường cũng đủ gây tiếng động làm chúng kêu lên ríu rít. Hai chiếc chuồng đặt phía hành lang cách phòng ngủ của ông cũng đến bảy tám thước, thế mà chúng vẫn nhận ra bước chân của ông. Và ông đã có một thói quen mới: Ra khỏi giường là đến “nựng” hai con chuột lang vài câu, nhặt vài cọng rau cần tây cho chúng nó. Con Hà và con Hạnh cưng chúng nó lắm. Mỗi buổi chiều tan học, chúng thường bồng mấy con chuột lang lên vai, nâng niu trìu mến. Ông nằm xem truyền hình. Con Hạnh để con chuột lang phía cuối giường. Nó chạy ngay đến ông, nằm trọn trên lồng ngực, trở đít về phía ông, đầu hướng về chiếc máy truyền hình, với tiếng kêu khừ khừ như thầm trách móc sao chỉ xem truyền hình một mình, không gọi nó xem với. Mỗi buổi sáng vợ chồng ông thường cắt cỏ tươi cho Shine và Twinkle. Chúng nó ăn ngon lành lắm. Dần dần quen đi, mỗi lần hái cỏ về, chúng nó đều reo lên ầm ỷ. Chúng nó chẳng khác gì ông hồi còn bé, cứ trông mẹ về với những trái quít thơm tho ngọt ngào.

Nhiều láng giềng nhà ông là những bà già Úc. Có lẽ phong tục tập quán Âu Tây khác với Việt Nam nên đa số sống một mình khi về già. Cũng vì vậy họ rất niềm nở với hàng xóm láng giềng. Đặc biệt họ rất mến những loài gia súc. Từ khi có hai con chuột lang, nhà ông đã thu hút họ đến chơi nhiều lần, và lần nào cũng mang theo quà, không xà lách thì mấy cọng cần tây. Có lần vợ chồng ông vắng nhà, khi trở về thấy để một bao xà lách với vài chữ nguệch ngoạc báo đến thăm mà không gặp, và không quên nhắc nhủ gói xà lách cho mấy con chuột lang.

Shine và Twinkle ngày càng trở nên đáo để: Chúng nó trở thành hai ông chủ từ hồi nào không hay! Mỗi lần chúng nó đòi ăn thì ra lệnh quít quít. Nếu đến chậm một tí là bị quở trách bằng những tiếng khừ khừ như đang chế nhạo vợ chồng ông rằng

Tụi bây buộc phải làm người

Nuôi tao khôn lớn để cười tụi bây!

 Chuột lang thật dễ mến. Những tiếng kêu quít quít thánh thót rất dễ ghét. Vào những lúc khác chúng nó lại phát tiếng khừ khừ trầm trầm cũng rất dễ ghét. Cho chúng nó ăn trể chúng nó cũng khừ khừ, vuốt ve chúng nó, chúng nó cũng khừ khừ. Khó có thể phân biệt được tiếng khừ nào là hờn dỗi tiếng khừ nào là nũng nịu.

 Thế là Shine, Twinkle và gia đình ông Lâm đã cùng dưới một mái nhà được 5 năm. Chuyện phải đến đã đến. Twinkle đã phát bệnh và chỉ mấy ngày sau đã bỏ gia đình ông ra đi. Tất nhiên con Hà buồn nhất. Twinkle không ăn uống gì hết. Suốt mấy ngày bệnh con Hà cứ ngồi bên cạnh vuốt ve. Mỗi lần ông đi ngang Twinkle đều cố gắng đứng dậy bước đến gần ông. Tưởng nó đòi ăn, ông bỏ vài cọng rau. Nó chỉ nhìn, không ăn. Ông đoán nó đang cần sự vuốt ve. Ông bèn đặt nó trong chiếc khăn và bồng trên tay. Dường như nó cảm thấy thoải mái, mắt lim dim nhìn ông, miệng kêu những tiếng khừ khừ yếu ớt. Và Twinkle đã từ biệt mấy cha con ông vào tối hôm đó. Ông chôn Twinkle trong mảnh đất sau vườn, bên cạnh Patch, mẹ nó.

Bây giờ ở cạnh hành lang chỉ còn một chiếc lồng dành cho Shine. Shine cũng đã gần 6 tuổi, nghĩa là đã bước vào tuổi già. Nó ít hoạt bát hơn trước đây. Có lẽ bây giờ nó cảm thấy lẻ loi. Nó cũng kém ăn hẳn đi. Con Hạnh phát hiện Shine có cái bướu mọc dưới cổ họng. Con Hạnh cố ép nó ăn nhiều hơn bằng cách thái mỏng những cọng rau. Mấy ngày sau đó, cái bướu tự nhiên bắt đầu teo lại. Con Hạnh mừng lắm. Shine từ từ bình phục, trở nên chảu lảy hơn chút đỉnh.

Từ ngày Twinkle mất đi, con Hạnh dường như săn sóc cho Shine nhiều hơn. Có lẽ nó đã cảm nhận được sự sống mong manh của Shine. Ông đề nghị với hai chị em từ rày không nên nuôi thêm con vật nào nữa. Chúng nó đồng ý. Ông biết chúng nó sẽ đồng ý, bởi vì ông tin chúng nó đã hiểu yêu thương cũng là nguồn gốc của đau buồn. Và chỉ một tháng sau, Shine cũng theo gót Twinkle ra đi. Cả 3 con chuột lang đều chôn ở vườn sau. Suốt cả tuần sau đó, cứ mỗi lần tan trường về, con Hà và con Hạnh thường yên lặng đứng ở cửa sổ nhìn ra vườn sau. Nhưng duyên đã tận.

Để hai đứa con quên chuyện buồn, ông Lâm thường trò chuyện với chúng nó. Đủ thứ chuyện. Chuyện hài hước. Chuyện huyền thoại Lạc Long Quân và Âu Cơ. Chuyện hai bà Trưng, bà Triệu. Chuyện Phù Đổng Thiên Vương. Rồi ông kể sang chuyện tuổi thơ của ông. Nhưng dường như những câu chuyện ông kể không đúng lúc. Chúng nó nghe một cách hững hờ. Nét mặt trầm tư. Bỗng con Hà hỏi một câu rất người lớn: Tại sao có sự sống? Để phù hợp với tuổi thơ của chúng, ông trả lời nôm na rằng sự sống chỉ là một trò chơi của tạo hóa, của vạn vật. Ông đùa với chúng nó rằng trong trò chơi này, tạo hóa thách thức con người làm sao biết biến buồn thành vui, biến xấu thành tốt, biến ác thành thiện, v.v. Tuy chúng nó ngờ vực câu trả lời của ông, nhưng dường như chúng hiểu ông muốn khuyên chúng điều gì. Nỗi buồn của chúng dường như có vơi đi.

 

Ông Lâm rời bàn ăn, ra vườn sau ngắm sao trời. Nhìn những vì sao lấp lánh đang tô điểm vẻ đẹp bầu trời đêm, ông liên tưởng đến Patch, Twinkle, Shine, mấy đứa con ông, và tất cả sự sống. Ông hình dung những chuyến đò ngang đã kéo dài qua bao nhiêu tỷ năm từ những mảnh vụn của những vì sao khổng lồ hóa kiếp cho đến sự sống hôm nay. Ông hình dung sự sống biến hóa từ những loài vi trùng vi khuẩn tí hon đến những loài động vật cây cỏ, rồi đến con người, có trí khôn, có nhận thức hiểu biết để nhìn lại cái quãng thời gian dài đăng đẳng đó, và để suy tư về một tương lai tốt đẹp. Ông Lâm nghĩ đến niềm vui của mấy đứa con ông khi bầu bạn với Patch, Twinkle và Shine. Rồi ông nghĩ đến nỗi buồn thương tiếc khi chúng phải xa lìa những con vật yêu quý đó. Dường như niềm vui thì ngắn ngủi, trong lúc nỗi buồn như vẫn dằng dai. Dường như đó là hiện thực của cuộc đời. Hiện thực của cuộc đời là trầm luân. Ông Lâm đang nghĩ đến một chuyến đò ngang mà ông cho là duy nhất để có thể được cứu vãn: Học theo con đường Thái Tử Tất Đạt Đa đã đi qua hơn 25 thế kỷ trước đây.

 Thái Tử Tất Đạt Đa sinh ra trong một gia đình quyền uy giàu sang phú quý. Không như đa số người ta phải làm lụng vất vả để có thể đạt được những thứ mà người ta cho là có thể mang lại hạnh phúc, Thái Tử đã có tất cả những thứ đó ngay sau khi lọt lòng mẹ. Ngài được nuông chìu, muốn gì được nấy. Thân phụ Ngài chỉ muốn Ngài sẽ kế vị ngôi vua của mình. Nhưng Ngài không cảm thấy đó là hạnh phúc thực sự. Những biến cố xảy ra trong cuộc đời niên thiếu của Ngài đã làm Ngài cảm thấy đam mê trong quyền uy nhung lụa chỉ là nguồn gốc của khổ đau. Sự đam mê này chẳng khác gì một thái cực hỗn loạn.

Có lẽ cái đau khổ đầu tiên Ngài phải trải qua là thân mẫu Ngài đã qua đời sau khi sinh Ngài chỉ được mấy ngày. Ngài hẳn đã mang cái cảm giác chua xót rằng mẹ Ngài đã hy sinh vì sự sống của Ngài. Ở cánh đồng cày ruộng, Ngài đã chứng kiến côn trùng bị những lưỡi cày cắt thành từng mảnh. Rồi chim chóc sà cánh vồ lấy những mảnh côn trùng đó. Ngài, trong những dịp xuất thành du ngoạn, cũng đã chứng kiến những khổ đau của sinh lão bệnh tử. Người ta có thể dửng dưng trước đau khổ của kẻ khác, cứ tiếp tục với dục vọng, cứ tiếp tục tranh giành và tận hưởng giàu sang phú quý quyền cao chức trọng. Nhưng Thái Tử Tất Đạt Đa thì khác hẳn. Đau khổ của chúng sinh đè nặng lên Ngài. Ngài xem sự đau khổ của chúng sinh như của chính mình vậy. Sẽ có một ngày, rất gần, khổ đau sẽ đến với Ngài, sẽ đến với mọi người, mọi sinh linh. Giàu sang quyền quý chỉ là tạm bợ, chỉ thoáng qua. Ngày “vui” qua mau! Do đó, Ngài phải rời cung điện ra đi.

Con đường tìm đạo thời bấy giờ là con đường tu khổ hạnh. Nếu sự tận hưởng giàu sang phú quý là nguồn gốc của khổ đau thì khổ hạnh có thể là con đường dẫn đến hạnh phúc! Người ta quan niệm như vậy. Thái Tử Tất Đạt Đa đang mò mẫm trên con đường tìm Đạo. Ngài chưa tìm thấy. Nhân có con đường khổ hạnh người ta đang đi, tại sao không thử? Ngài đã thử. Kết quả là Ngài đã kiệt sức. Ngài đang ở ranh giới của sự sống thoi thóp và cái chết hầu như chắc chắn. Và con đường Ngài muốn tìm vẫn đang mịt mù.

 Sujata, một cô bé ngoan và nhân từ, vâng lời mẹ mang phẩm vật lên núi cúng thần. Thấy Ngài lâm nạn, Sujata dâng sữa và thức ăn cho Ngài. Ngài nhận lời. Bằng sự tiếp nhận này, Ngài muốn nói lên sự thất bại của con đường khổ hạnh mà tất cả những tu sỹ thời bấy giờ vẫn cho là con đường đứng đắn duy nhất để tìm chân lý. Ngài nhận ra rằng chìm đắm trong hưởng thụ vật chất là sa đọa, là một thái cực hỗn loạn dẫn đến khổ đau. Và tự hũy diệt sự sống của mình bằng con đường tự hành hạ khổ nhục là một thái cực khổ đau khác. Cả hai đều lạc đường. Con đường Ngài đi phải là con đường dung hòa giữa hai thái cực đó, là Trung Đạo. Một mặt không để vật chất hưởng thụ lôi cuốn mình, mặt khác, phải nương nhờ vào vật chất đủ để duy trì sự sống, có đủ sáng suốt minh mẩn để tầm Đạo. Cơ duyên đã đến với Ngài.

Sujata tiếp tục dâng sữa và cơm lên Ngài cho đến khi Ngài trở lại bình phục. Bây giờ tịnh tọa dưới cây Bồ Đề, Ngài có thể hiểu thấu mọi biến hóa của vạn vật. Ngài tịnh tọa suốt đêm, xem xét mọi sự vật hiện lên trong tâm trí Ngài. Đủ thứ hình ảnh và cảm xúc của thế giới trầm luân như đang tấn công cám dỗ Ngài. Bạo lực cưỡng bức có. Cám dỗ dục vọng có. Không những Ngài không bị khuất phục và không bị cám dỗ, trái lại, Ngài nhận ra được chân tướng thực sự của tất cả những hiện tượng đó: tạm bợ, không bền vững và không có thực chất. Những hiện tượng hư ảo đó, như những thứ bùa ngải, đã và đang mê hoặc tâm trí chúng sinh. Ngài đã gạt bỏ được cái ống kính mê hoặc đó.

Những hiện tượng tạm bợ và không có thực chất đó vẫn tiếp tục biến hóa. Chúng như những ngọn lửa, sẵn sàng bùng cháy một cách hỗn loạn khi có cơ hội. Nhưng Ngài đã không cho chúng những cơ hội đó. Trái lại, Ngài đã biến những ngọn lửa đó trở thành những ngọn lửa nhuần nhuyễn hữu dụng, có nề nếp. Lòng nhân từ của Sujata là một tượng trưng của sự hữu dụng và nề nếp đó.

Ông Lâm trở vào bàn ăn. Cây nến thơm đã gần tàn. Ngọn nến thấp hơn miệng ly nên thiếu dưỡng khí, chỉ tỏa ánh sáng lung linh yếu ớt. Ông thả hồn hình dung nét hân hoan của những người đã và đang vượt chuyến đò ngang Trung Đạo. Bổng ngọn nến bừng sáng lên như muốn nói với ông điều gì. Ông liên tưởng đến niềm tin Phật mãnh liệt của mẹ ông. Ông sung sướng mỉm cười. Và ngọn nến tắt.

Sydney, Mùa Thành Đạo, 2007       

http://www.buddhismtoday.com/viet/truyen/do_ngang.htm

 


Vào mạng: 1-1-2007

Trở về mục "Truyện Phật giáo"

Đầu trang