Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
Tâm và cảnh qua lăng kính Pháp Giới Duyên Khởi
GS. Định Huệ

Pháp giới duyên khởi là học thuyết chính của tông Hoa Nghiêm về các hiện tượng tâm lý và vật lý trùng trùng vô tận trong vũ trụ. Nhất đa vô ngại là nội dung thực tế của Pháp giới duyên khởi và đồng thời cũng từ đây sanh ra phạm trù tâm cảnh dung thông trong khi giải thích về sự quan hệ giữa tâm và cảnh.

Tâm cảnh dung thông vô ngại được xây dựng trên lý luận tất cả các hiện tượng tâm lý và vật lý đều có sẵn tánh đồng nhất. Loài người có tri giác và vật vô tình không có tri giác. Từ hai phương diện này hình thành thực tại khách quan của muôn vật trong vũ trụ. Người và vật vô tình trên tác dụng có tri giác và không tri giác thì bất đồng, do đó mà bản tánh cũng chia ra thành Giác tánh và Pháp tánh. Cũng từ đó sanh ra sự phân biệt hữu tình gọi là Phật tánh, vật vô tình gọi là Pháp tánh. Nhưng Giác tánh và Pháp tánh không phải hoàn toàn phân cách với nhau mà giữa chúng có mối liên hệ không thể chia cắt, và tại phương diện này, chúng còn có tánh đồng nhất.

Tánh đồng nhất này chính là Vô tánh, như TÔNG CẢNH LỤC nói : " Tại tâm gọi là Phật tánh, tại cảnh gọi là Pháp tánh. Theo duyên tuy khác, chủ thể, khách thể dường như có phân chia, nhưng vô tánh vốn đồng, nhất thể không khác".

TÔNG CẢNH LỤC nêu ra sự đối lập của cảnh và tâm, là muốn nói "cảnh" hoặc "vật vô tình" chỉ cho thực tại khách quan. "Vô tánh" là muốn nói "các hiện tượng tâm lý, vật lý đều do đối đãi nhau mà hiện hữu, hữu tình và vô tình đều không có tánh cố định" và chỉ ra "duyên khởi cho nên không, chứ không phải là rỗng không". Vô tánh cho nên Không, chứ không phải không có một vật gì cả. Nay chỉ nói "duyên sanh vô tánh", nên không phải là không có một vật gì cả. Vậy "vô tánh" và "duyên sanh" là hai mặt của một sự kiện.

Vô tánh đã không phải là không có vật gì cả, do đó, nó chính là Đệ nhất nghĩa không, và cũng là Chân tánh được nói trong các kinh luận Đại thừa. Từ duyên sanh mà luận, thì do duyên sanh vô tánh nên duyên khởi tức là chân tánh. Do tức là chân tánh nên nói là vô tánh.

Chúng ta cần phải lưu ý Đệ nhất nghĩa không hoặc Chân tánh không phải là "nguyên tố" hay "thực chất" bất biến tối hậu của mọi sự vật, mọi hiện tượng. Quan niệm "nguyên tố" hay "thực chất" nầy mâu thuẫn với khái niệm "duyên sanh vô tánh", vì Phật pháp không chủ trương bản thể luận. Tánh của vô tánh chỉ biểu thị tính liên hệ phổ biến và nương tựa lẫn nhau của mọi sự vật, mọi hiện tượng, hay nói cách khác nó biểu thị tính thống nhất hay tính chỉnh thể của thế giới khách quan. Theo KINH HOA NGHIÊM, mỗi đại (yếu tố hợp thành vạn vật), mỗi hạt bụi, mỗi lỗ lông, mỗi thân tâm đều trùm khắp pháp giới. Đây không phải thể tích của mỗi cái có thể nở to ra hoặc giả chúng có tính lưu động mà nhờ đó chúng đạt đến trùm khắp pháp giới, thật ra do chúng đều là "nhất thể". Nhất thể cũng không phải là có một cái gì đó có khả năng cấu thành cái bản thể cố định bất biến của mọi sự vật, mọi hiện tượng. Thực tế chỉ là tính thống nhất hay tính chỉnh thể của thế giới khách quan.

Trong KINH HOA NGHIÊM nói "mỗi thân đều trùm khắp pháp giới" cho thấy cái "nhất" của nhất đa vô ngại chẳng phải chỉ là tâm của một người, cũng chẳng phải là tâm của mọi người, mọi vi trần, mọi lỗ lông v.v... Trên mỗi một cái "nhất" này mà nói thì đều là "nhất", nhưng chỉnh thể của chúng là "đa". Do đó, không nên hiểu lầm đoạn văn trích trong TÔNG CẢNH LỤC sau đây rồi cho rằng tâm và vạn pháp (cảnh) là đối lập, chỉ có tâm mới là "nhất", là "tánh", còn vạn pháp ngoài tâm mới là "đa", là "tướng".

"Thế nên biết, nhất tâm là tánh của vạn pháp, vạn pháp là tướng của tâm. Tướng tức là tướng của tánh, là "đa" ở trong "nhất". Tánh là tánh của tướng, là "nhất" ở trong "đa". Nếu chẳng rõ tánh, cũng chẳng rõ tướng thì tướng ấy là vọng. Nếu chẳng biết tướng, cũng chẳng biết tánh thì tánh ấy bị cô lập. Do đó, cần phải thông cả tánh tướng thì mới được sự lợi ích cho cả mình lẫn người". (TÔNG CẢNH LỤC)

Khảo sát về tâm cảnh dung thông vô ngại, chúng ta có thể lấy bất cứ tâm của một người nào đó làm chủ, thì cái tâm ấy "trùm khắp pháp giới", nghĩa là một cái tâm phát sanh liên hệ với tất cả vạn pháp. Nhất và đa, tánh và tướng chỉ là sự chia cắt tương đối mà thôi. Đồng thời, tâm và vạn pháp (cảnh) đã là liên hệ với nhau, nếu quan sát độc lập về bản thân tác dụng của tâm, hoặc vạn pháp là đối tượng bị tâm tiếp xúc thì không thể nào hiểu được mối quan hệ tồn tại giữa chúng, cũng không thể nào "tánh tướng đều thông", do đó mà "tướng của nó là vọng", "tánh của nó bị cô lập". Tâm cảnh dung thông cũng không có nghĩa là đem tâm và cảnh trộn lẫn vào nhau, càng không thể nhân đây phủ nhận thực tại khách quan, mà yêu cầu duy nhất của nó là phải có trí huệ thông đạt tính nhất thể vô chướng ngại.

Tâm cảnh dung thông không chỉ chiếm một ý nghĩa căn bản đối với nhận thức lý luận, mà đồng thời còn mang một ý nghĩa quan trọng trong sự tu hành giải thoát. Nói một cách đơn giản, sự khác biệt giữa chúng sanh và Phật chẳng phải do cảnh mà do tâm giác ngộ hay không giác ngộ mà thôi. Hễ tâm trụ nơi pháp, bị cảnh làm chướng ngại, chính là biểu hiện của tâm cảnh đối lập, không dung thông. Đó là do không thấu rõ thế giới khách quan (vạn vật) là một chỉnh thể thống nhất. Tâm chúng ta không thể tách rời cái chỉnh thể thống nhất này. Nếu để cho tâm bị cảnh trói buộc vào các tình cảm yêu ghét, thì không thể từ trong sự liên quan mật thiết giữa tâm và cái chỉnh thể thống nhất này thấu rõ và làm chủ được tất cả mọi hoạt động tâm lý của chúng ta.

Căn bản của vô minh yêu ghét là do vọng tâm không thấu rõ pháp giới nhất tướng mà sanh, chứ không phải dựa vào cảnh mà sanh. Cảnh không sanh vô minh, đủ thấy bị cảnh làm chướng ngại chỉ tại "tình" của vô minh yêu ghét. Trái lại, nếu biết rõ tánh tướng của vạn pháp một cách thông suốt là tại nơi "trí". Vì thế, các loại kiến giải như : "Tâm tùy cảnh chuyển, cảnh chánh thì tâm chánh, cảnh tà thì tâm tà", hoặc "chìm trong trạng thái tịch tịnh, thích tĩnh lặng, ghét náo động", hay "phá tướng", "tích trần" (phân tích trần cảnh để đạt đến Tánh không) đều không phù hợp với giáo lý Đại thừa thuộc tông Pháp tánh của Kinh Hoa Nghiêm.

Sự sai biệt giữa chúng sanh và Phật đã chẳng phải tại cảnh, mà là tại "tình" và "trí". Do đó, muốn giải thoát, cần phải tu tập pháp môn Pháp giới duyên khởi để phát sanh trí huệ, đạt đến kết quả tâm cảnh dung thông vô ngại thì tâm chẳng bị cảnh chuyển, chẳng bị cảnh trói buộc, mà trái lại, còn có khả năng chuyển vật (cảnh), như KINH LĂNG NGHIÊM dạy : "Tâm chuyển được vật tức đồng Như Lai".


(Theo : Tông Cảnh Lục Như Hà Dĩ Pháp Giới Duyên Khởi Xiển Thích Tâm Hòa Cảnh Đích Quan Hệ của Phó Chấn).

http://www.buddhismtoday.com/viet/triet/018-tamcanh.htm

 


Cập nhật: 24-9-2000

Trở về thư mục "Triết học Phật giáo"

Đầu trang