Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
ĐỨC PHẬT VÀ HÀO QUANG CHÂN LÝ
Nguyên tác tiếng Anh: Giảng sư LOKANATHA
Dịch giả: TT. Thích Giải Thông

 

NỘI DUNG
1. LỜI GIỚI THIỆU
2. BẰNG CÁCH NÀO TÔI TRỞ THÀNH PHẬT TỬ.
3. BỐN CHÂN LÝ CAO CẢ.
4. THÔNG ÐIỆP CỦA ÐỨC THẾ TÔN.
o       Học giới thứ nhất.
o       Học giới thứ hai.
o       Học giới thứ ba.
o       Học giới thứ tư.
o       Học giới thứ năm.
5. BẤT BẠO ÐỘNG.
6. PHẬT GIÁO: TÔN GIÁO CỦA BIỆN CHỨNG VÀ KHOA HỌC.
7. CON ÐƯỜNG PHẬT ÐƯA ÐẾN PHÚC LẠC.
8. SẮC ÐẸP VÀ KHÔN NGOAN.
9. LÀM SAO ÐỂ CÓ HÒA BÌNH TRÊN THẾ GIỚI.
10. TINH HOA CỦA PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY.
11. GIÁO PHÁP TẤT YẾU.
12. TỰ THẮNG NHỜ HIỂU BIẾT SỰ THẬT.
13. CHÁNH BÁO THANH TỊNH Y BÁO TRANG NGHIÊM.

 


LỜI GIỚI THIỆU
Của Ðại Lão Hòa Thượng THÍCH GIẢI AN
(TV. HỘI ÐỒNG CHỨNG MINH T.Ư./GHPGVN)
Trưởng Ban Trị Sự GHPGVN Tỉnh Quảng Ngãi

Như Ðức Phật đã dạy: “Ai thấy Chánh Pháp là thấy Ðức Như Lai”. Lành thay! Những đóa hoa “Tuệ giác” của năm 2000 dâng cúng Tam Bảo- chào mừng thế kỷ XXI rạng rỡ hào quang Chân lý của Ðức Thế Tôn đang tỏa chiếu khắp miền quê hương đẩt nước.

Lão Tăng tôi, tuy đã gần 90 tuổi đời, có lúc tưởng như mình trẻ lại khi nhìn thấy hàng môn đồ Pháp tử vẫn đang tu tập dũng cảm ngày đêm trui rèn GIỚI ÐỊNH TUỆ thắp sáng ngọn đuốc hào hùng Chân lý để chúng sanh nương nhờ trên bước đường tu học phục vụ Chánh Pháp và chính nghĩa dân tộc.

Mùa hạ năm nay, Sa Môn Thích Giải Thông (đệ tử y chỉ hiệu HẠNH THIỀN) đem trình quyển sách dịch “ÐỨC PHẬT và HÀO QUANG CHÂN LÝ”.

Tập sách bao gồm những bài thuyết pháp thật phong phú và thiết thực của Giảng sư LOKANATHA gốc người Ý, nguyên là tín đồ Thiên Chúa Giáo La Mã, bỗng giác ngộ quay về quy ngưỡng Phật Ðạo, trở nên một Phật tử thuận thành và rồi xuất gia làm Sa Môn giảng sư hoằng Pháp nổi tiếng.

Tập sách này theo ý nguyện của Thượng Tọa dịch giả–nhằm trợ duyên cho hàng Phật tử sơ cơ nhập Ðạo, thấm nhuần lẽ Từ bi, nhân quả– muốn được phát hành dưới hình thức ấn tống bố thí Pháp. Ðó là một hạnh nguyện thật cao đẹp, hiếm có, nhất là đối với thị trường kinh tế kinh doanh Phật Pháp hiện nay.

Ðúng như lời Phật dạy: “Bố thí Chân Lý vượt trên hết tất cả Bố thí”. Lão Tăng tôi sung sướng mỉm cười đón nhận tập sách–một đóa sen tươi thắm dâng cúng Tam Bảo mùa Vu Lan Báo Hiếu năm 2000 trên đất nước Việt Nam huy hoàng, phồn vinh, tịnh lạc của chúng ta.

Chùa Từ Quang, mùa an cư PL 2544-2000

 

BẰNG CÁCH NÀO TÔI ÐÃ TRỞ THÀNH PHẬT TỬ

Cách đây 25 năm, tôi còn là một tín hữu Thiên Chúa Giáo La Mã. Hôm nay tôi lại là một nhà sư “sứ giả NHƯ LAI”, một con người đầy nhiệt tình của Ðức Phật, đang nỗ lực với ý hướng thiết lập Giáo Hội Tăng Già ở các nước phương Tây. Một quyển sách “Kinh Pháp Cú”, đã hoàn toàn thay đổi cuộc đời tôi. Nếu lúc đó tôi không may mắn đọc quyển Kinh Pháp Cú này thì giờ đây tôi vẫn còn là một con chiên của Ðạo Thiên Chúa (GIA TÔ LA MÃ GIÁO), Ðức Phật như một hóa thân kỳ diệu qua bổn Kinh Pháp Cú, là vị Sứ Giả tối thượng, đã hoàn toàn chuyển hóa cuộc đời tôi. Hôm nay Ðức Thế Tôn của chúng ta đã an nhập Chân Như Niết Bàn nhưng Giáo Pháp của Ngài vẫn sống mãi và chuyển hóa mãi trên thế gian này.

Tôi sinh ra ở nước Ý, lớn lên và học hành ở Mỹ (New York) theo học phân khoa nghệ thuật và khoa học nhưng đặc biệt chuyên về ngành Hóa. Tốt nghiệp văn bằng Cử nhân khoa học–hóa chất, kiến thức khoa học của tôi khởi sự đối kháng với các quan điểm mê mờ lỗi thời của Thiên Chúa Giáo La Mã trước kia và lập tức các kiến giải khoa học đã có phần lấn lướt hơn, và tri thức Thiên Chúa Giáo LA MÃ bắt đầu nhường bước. Dần dần Phật Ðạo của tôi đứng vững là một tôn giáo khoa học dù tôi vẫn giữ một lòng quý kính Ðức Chúa Jésus và Thánh Francis-Assisi.

Một hôm, khi còn ở Mỹ, trong lúc đang rộn ràng tham gia công trình phân tích tại phòng thí nghiệm của một xường công nghiệp nặng thì một người bạn đồng nghiệp đến đặt vào tay tôi một tập sách dày bao gồm một quyển Kinh Pháp Cú do Giáo Sư Max. Muller dịch và cuốn “Cuộc đời của Ðức Phật” do Asvaghosa dịch. Người bạn của tôi đọc xong tập sách đó vẫn là tín đồ Thiên chúa, còn tôi đọc xong quyển sách, tôi trở thành một Phật tử.

Ngay từ đầu tôi đã có ý đi tìm một tôn giáo khoa học, sau cùng, đây là điều tôi mong muốn. Phật Giáo đáp ứng được nhu cầu bức thiết lâu dài. Tôi đã trở thành một Phật tử, lòng đầy khát vọng, tôi bắt đầu đọc tất cả các loại sách về Phật Giáo. Tôi giống như một lữ khách đi trên sa mạc nóng khát, sau cùng tìm thấy được một ao sen và uống một cách say mê những ngụm nước tươi mát vào tận nội tạng của mình.

Ðức Phật đã hóa giải mọi nghi vấn đầy hoang mang của tôi trước kia. Tâm tôi trở nên thuần tịnh nhờ Giáo Pháp của Ngài. Tôi cảm nhận như toàn bộ thế giới đang bừng cháy. Tôi cảm thấy như mình đang sống trong ngôi nhà lửa. Ðức Phật quả đã dạy: “Tất cả đang bừng cháy. Mắt đang bừng cháy, tai đang bừng cháy. Cháy với gì? Ðang bừng cháy với ngọn lửa tham, sân, si, già, bệnh, chết, phiền não, kêu ca, sầu muộn, đau khổ và tuyệt vọng.

Bằng chánh niệm và tỉnh giác, tôi đã hoàn toàn tin vào lời dạy của Ðức Phật, vì vậy tôi quyết định xuất gia, tôi qua Ấn Ðộ và về sau thọ giới tại Miến Ðiện.

 

BỐN CHÂN LÝ CAO QUÝ

Tôn giáo là gì? Tôn giáo là phương pháp diệt trừ mọi phiền não và đau khổ. Bởi vì nếu trên thế gian này tuyệt đối không có phiền não đau khổ thì chắc chắn không cần phải có một tôn giáo nào. Theo định nghĩa đúng đắn như vậy thì Phật Giáo quả là một tôn giáo toàn thiện, toàn mỹ nhất trên thế giới vì Phật Giáo là tôn giáo duy nhất đã thực sự dập tắt được phiền não, đau khổ vĩnh viễn, quả là khoa học. Ðức Phật đã chẩn đoán bệnh cho trần gian và cấp toa chữa trị.

1) Đức Phật quán sát thế giới và chỉ thấy bệnh khổ mênh mông. Những bệnh gì là khổ? Sinh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, buộc phải sống với người mình không ưa là khổ, xa lìa người yêu thương là khổ, sự hiện hữu của ngũ uẩn là khổ. Tóm lại, những chứng bệnh đau khổ của trần gian là vậy, và đây là chân lý cao quý liên hệ đến sự khổ.

2) Nhưng Ðức Phật không dừng ở đây. Ngài như một y sĩ giỏi chẩn đoán từng trường hợp và đã tìm thấy nguyên nhân của bệnh khổ. Bởi vì biết được nguyên nhân của bệnh là coi như chữa được phân nửa chứng bệnh. Ðức Phật cho biết nguyên nhân của đau khổ là lòng khao khát hay tham ái. Ðây là chân lý cao quý hay liên hệ đến nguyên nhân bệnh khổ.

3) Bởi vậy nếu diệt trừ được nguyên nhân là đương nhiên bạn sẽ loại trừ được hậu quả của nó. Diệt trừ tham ái là diệt được khổ. Ðây là chân lý cao quý đưa đến chấm dứt sự đau khổ.

4) Có điều nói thì dễ mà làm thì khó. Dễ nói dập tắt tham ái, nhưng bằng cách nào? Ðức Phật đã ban cho chúng ta một toa thuốc khoa học nhiệm mầu để diệt trừ tham ái, nghĩa là: BÁT CHÁNH ÐẠO, gồm có: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Ðây là chân lý cao quý đưa đến con đường diệt trừ tham ái.

Ðây là TỨ DIỆU Ðế (hay 4 Thánh Ðế) kết thành bốn nền tảng của Phật Giáo vì bốn chân lý cao quý này chỉ tìm thấy trong Phật Giáo, không nơi nào khác trên thế gian có được. Chân lý cao quý thứ tư (tức là Bát Chánh Ðạo) đặc biệt vô cùng độc đáo. Bởi vì nơi đây bạn sẽ tìm thấy tám bước nhiệm mầu liên kết một cách khoa học theo quy luật nhân quả.

Hãy chiêm nghiệm công thức khoa học này:

Chánh kiến: tạo duyên cho Chánh tư duy.

Chánh tư duy: tạo duyên cho Chánh ngữ.

Chánh ngữ: tạo duyên cho Chánh nghiệp.

Chánh nghiệp: tạo duyên cho Chánh mạng.

Chánh mạng: tạo duyên cho Chánh tinh tấn.

Chánh tinh tấn: tạo duyên cho Chánh niệm.

Chánh niệm: tạo duyên cho Chánh định.

Có hai bước thăng hoa đưa thẳng đến Niết Bàn tối thượng là như vầy:

- Chánh định tạo duyên cho Chánh kiến thực chứng.

- Chánh kiến tạo duyên cho Chánh giải thoát.

Trong công thức mầu nhiệm trên, nếu bước thứ nhất đúng thì mọi vấn đề đều đúng. Nếu bước thứ nhất sai thì mọi vấn đề đều sai. Những ai có được chánh kiến sẽ có được Niết Bàn, những ai bị tà kiến dẫn lối sẽ đi vào địa ngục, ngạ quỷ. Vì vậy chúng ta hãy cứu vớt những người có tri kiến sai lầm bằng cách tặng cho họ phương thuốc Chánh kiến. Không có món quà nào cao quý bằng món quà Chân lý. Ðó là món quà vĩ đại nhất trong tất cả món quà.

Như chúng ta thấy qua công thức kỳ diệu trên, Tri Kiến trong Phật Giáo đứng hàng đầu và sau cùng. Tri Kiến sơ cơ đến trước (nhờ đọc và nghe), Tri Kiến thực chứng đến sau cùng. Tiến trình nhân quả nhiệm mầu này chỉ được tìm thấy trong Ðạo Phật mà thôi, không nơi nào có. Do vậy Phật Giáo là tôn giáo hoàn hảo nhất trên thế giới vì nó là một tôn gián khoa học dành cho những đầu óc khoa học. Phật Giáo là tôn giáo lạc quan nhất bởi vì nó trực chỉ Niết Bàn ngay chính trong đời này. (Dịch giả trích “Thanh Tịnh Ðạo Luận” của VISUDDHI MAGGA T.T. Thích Phước Sơn–Trường Cao Cấp Phật Học biên soạn). Bản luận đề cập đến 4 nghĩa của khổ là: bất đắc, hữu vi, bốc cháy và biến đổi.Tính chất của nó là chân thật không hư ngụy, không thể khác. Nguồn gốc hay tập khởi của khổ với ý nghĩa tích tập, căn nguyên, trói buộc, chướng ngại. Diệt có nghĩa là thoát ly, tách rời, vô vi, bất tử. Ðạo có nghĩa là lối ra, nguyên nhân, thấy, ưu thắng.

 

Nguyên nhân của khổ (DUKKHA): Du là xấu xa, ác độc Kha là trống rỗng. Thế nên chân lý thứ nhất: Khổ (Dukkha) là xấu vì nó là nơi thường lai vãng của sự hiểm nguy và nó trống rỗng vì không trường cửu, không đẹp, không vui vì không có tự ngã.

Chân lý thứ hai: Tập (Samudaya) sam là liên kết, u chỉ sự khởi lên như udita (đi lên), Aya chỉ lý do. Như vậy chân lý này là lý do cho sự khởi lên của khổ, chi phối hợp với những duyên còn lại.

Chân lý thứ ba: Diệt (Nirodha). Ni: chỉ sự vắng mặt. Rodha là nhà tù. Chân lý này chỉ sự vắng mặt của mọi sanh thù vì nơi đây không có sự bức não của khổ được xem như nhà tù.

Chân lý thứ tư: Đạo hay khổ diệt Ðạo. Con đường đưa đến chấm dứt khổ nên gọi là khổ diệt Ðạo.

Cả 4 chân lý này được gọi là Thánh đế, vì chỉ có các bậc Thánh mới thâm nhập được chúng. Lại nữa những sự thật cao cả được gọi là sự thật của các bậc Thánh. Hoặc bốn Thánh đế này là chân thật, không hư ảo, không thể khác nên gọi là Thánh đế.

Bản luận lại mô tả: không có niềm đau nào ngoài khổ, không có nguồn khổ nào khác hơn tham ái. Không có niềm an tịnh nào ngoài tịch diệt (Niết Bàn) và không có lối thoát nào ngoài Chánh Ðạo.

* Về thứ tự: Khổ đế được nêu lên trước tiên vì nó dễ hiểu, vì nó thô phù, vì nó chung cho tất cả chúng sanh. Chân lý Khổ tập nêu kế tiếp để chỉ rõ nguyên nhân. Rồi chân lý về Diệt đế biểu thị rằng nhân chấm dứt thì quả kết thúc. Chân lý về Ðạo được nói sau rốt để chỉ ra con đường, phương tiện đạt đến Diệt, và Cổ Ðức cũng bảo: tri khổ, đoạn tập, tu đạo chứng diệt (biết khổ để đoạn trừ các nguyên nhân của khổ (tập) nên phải thực hành các Pháp môn do đó mà chứng đạt sự tịnh diệt).

 

CHÂN LÝ VỀ KHỔ.

Thông thường khổ có ba loại:

- Khổ khổ tức là nỗi khổ ở nội tại.

- Hoại khổ tức là nỗi khổ do biến hoại.

- Hành khổ tức là nỗi khổ về các phương diện hoặc ngấm ngầm

  hoặc lộ liễu.

Khi cảm thọ khổ về thân và tâm gọi là khổ-khổ vì tự tánh của nó là khổ, khi cảm thọ lạc về thân và tâm gọi là hoại khổ, vì đó là nguyên nhân sinh ra khổ khi cảm thọ ấy biến mất. Xả thọ và các hành khác trong ba cõi là hành khổ vì chúng bị bức bách trong sinh diệt.

a) Sanh là khổ, vì nó là cội nguồn cho khổ trong các đọa xứ, nào là nỗi khổ đi đầu thai, khi ở trong bầu thai và khi sinh ra. Lúc đang sống, chúng sinh cũng phải chịu bao nhiêu nỗi khổ. Nếu ở địa ngục thì khổ vì bị lửa thiêu đốt. Nếu ở loài súc sanh thì phải chịu khổ vì bị đánh đập bằng roi gậy hoặc ăn nuốt lẫn nhau. Nếu sinh vào loài ngạ quỷ thì đau khổ vì đói khát bức bách. Nếu sinh vào Atula thì đau khổ vì giá lạnh tối tăm.

b) Già: là căn bản của sự đau khổ thể xác và tâm hồn. Nó khởi lên do nhiều duyên như: tứ chi nặng nề, các căn suy yếu, tuổi trẻ tan biến, sức lực bị phá hủy, trí nhớ sút kém, bị người khi dễ.v.v...

c) Chết: là sự chấm dứt mạng căn nơi một chúng sinh, có nhiều nguyên nhân như: chết do thọ mạng chết, do công đức tận hoặc chết bất đắc kỳ tử, bị tai nạn đột ngột xảy ra.

 

d) Sầu: là đốt cháy tâm can nơi người bị mất thân quyến hay bị mất mát những gì mình yêu quý.

đ) Bi: là sự đau buồn do mất mát người thân của cải v.v... được biểu hiện bằng những hành vi, cử chỉ mà người khác có thể thấy được.

e) Khổ: là sự khổ đau, bức bách của thân xác.

g) Ưu: là sự khổ sở về tâm.

h) Não: là sự thiêu đốt tâm can.

Sầu như chảo dầu nấu trên bếp lửa riu riu. Bi như chảo dầu nấu trên bếp lửa mạnh. Não như những gì còn lại trong chảo sau khi nấu, còn tiếp tục cho đến khi chảo khô.

i) Oan gia tụ hội: là sự gặp gỡ những người và vật mà mình oán ghét.

k) Ái biệt ly: là phải xa lìa những người và vật mà mình yêu quý.

l) Cầu bất đắc: là sự mong cầu không toại ý.

m) Năm uẩn là khổ: vì năm uẩn là đối tượng của sự chấp thủ, như tấm bia thu hút những tên bắn, như ruồi nhặng bu trên thân con bò.

Các nỗi khổ về 5 uẩn thì Sanh là cái khổ đầu tiên, Già là cái khổ chặng giữa, Chết là cái khổ chặng cuối. Khổ nung nấu tâm can gọi là Sầu. Khổ dưới hình thức than van khóc lóc gọi là Bi. Cái khổ do thân tứ đại bị xáo trộn gọi là Khổ. Nỗi khổ bức bách trong tâm hồn gọi là ưu. Khổ ngấm ngầm chồng chất nhiều lớp gọi là Não, khổ do thất vọng gọi là Cầu bất đắc khổ. Chung quy khi năm uẩn bị chấp thủ chính là khổ.

 

LUẬN VỀ KHỔ DIỆT HAY NIẾT BÀN

Niết Bàn có thể đạt được nhờ đạo lộ chân chính vì đã có các bậc Thánh đạt được nó nhờ dùng phương tiện Giới, Ðịnh, Tuệ. Do đó không thể bảo rằng Niết Bàn là không có gì cả, vì ta không thể hiểu được. Ðiều hiển nhiên là không phải ai cũng thấy được Niết Bàn mà nó chỉ có thể đạt được bởi các vị La Hán tức là những người đã đoạn tận tham, sân, si, đã cắt đứt mọi gốc rễ của tham ái.

 

Mục tiêu duy nhất mà Ðức Phật truyền dạy chính là Niết Bàn. Theo bản luận thì Niết Bàn có hai loại là Hữu dư y và Vô dư y. Hữu dư y Niết Bàn là các cấu uế đã lắng dịu nhưng hậu quả của sự chấp thủ trong quá khứ vẫn còn tồn tại. Vô dư y Niết Bàn là đoạn tận các nghiệp đưa đến tái sanh trong tương lai, các uẩn không còn sanh khởi nữa, mà những uẩn đã sinh thì biến mất.

 

CHÂN LÝ VỀ CON ÐƯỜNG ÐƯA ÐẾN DIỆT KHỔ

Con đường đưa đến diệt khổ chính là Bát Chánh Ðạo. Tám pháp này được giải thích như sau:

1) Chánh kiến: Kiến giải chính xác, hiểu biết chính xác.

2) Chánh tư duy: suy nghĩ một cách chính xác, đúng đắn.

3) Chánh ngữ: nói lời chân thực đúng đắn dễ nghe, có lợi ích.

4) Chánh nghiệp: làm những việc chân chính như không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm.v.v... 

5) Chánh mạng: sinh sống bằng những nghiệp chân chính, lương thiện.

6) Chánh tinh tấn: nỗ lực chính đáng, siêng làm việc thiện.

7) Chánh niệm: nghĩ nhớ chân chánh, luôn luôn tỉnh táo cảnh giác từng việc nhỏ.

8) Chánh định: tập trung tư tưởng một cách chân chính, không để ngoại vật chi phối làm rối loạn tâm trí.

Tám Chánh đạo này liên quan đến các Pháp như sau:

Chánh kiến dẫn đầu, bao gồm: trạch pháp, như ý túc, tuệ căn, tuệ lực và trạch pháp giác chi. Chánh tư duy bao gồm ba loại tâm là viễn ly, tham sân và hại. Chánh ngữ bao gồm ba loại thiện về thân. Chánh mạng bao hàm thiểu dục, tri túc. Chánh tinh tấn bao hàm 4 chánh cần tấn căn, tấn lực và tinh tấn giác chi. Chánh niệm bao gồm 4 niệm xứ, niệm căn, niệm lực và niệm giác chi. Chánh định bao hàm 4 loại: định có tầm, có tứ, định tâm, định căn, định lực và các giác chi hỷ, khinh an, định, xả.

Tám chánh đạo cũng liên quan mật thiết đến 3 vô lậu học như đoạn Kinh sau đây mô tả : Bất cứ chánh ngữ nào, chánh nghiệp nào, chánh mạng nào cũng thuộc GIỚI UẨN. Bất cứ chánh tinh tấn nào, chánh niệm nào, chánh định nào cũng đều thuộc ÐỊNH UẨN. Bất cứ chánh kiến nào, chánh tư duy nào cũng đều thuộc về TUỆ UẨN. Bản luận nêu ví dụ: Ðịnh ví như người trông thấy hoa đẹp mà tự mình không hái được. Tinh tấn ví như người bạn đưa lưng ra cho người ấy đứng lên. Niệm ví như người đứng gần đưa vai làm điểm tựa nhờ vậy mà ngươi ấy hái được hoa. Nghĩa là tinh tấn và niệm là những yếu tố giúp sức rất đắc lực cho Ðịnh.

Ðể làm sáng tỏ ý nghĩa của cả 4 Chân lý, luận chủ đưa ra ví dụ: Khổ ví như gánh nặng, Tập ví như người mang gánh nặng, Diệt như gánh nặng cần đặt xuống, Ðạo như phương tiện đặt gánh nặng. Hoặc: Khổ như chứng bệnh. Tập là nguyên nhân. Diệt như sự cần hết bệnh. Ðạo như thuốc chữa bệnh. Theo ý nghĩa tuyệt đối, cả bốn chân lý này cần được hiểu là trống rỗng vì không có người chịu khổ, không có người tập khởi nên cái khổ, không có người chứng sự diệt khổ và không có người đi trên đạo lộ đến diệt khổ. Do đó có khổ nhưng không có người chịu khổ. Có sở tác nhưng không có người tạo tác. Có tịch diệt nhưng không có người chứng đắc. Có đạo lộ nhưng không có người đi.

 

THÔNG ÐIỆP CỦA ÐỨC THẾ TÔN

Thông điệp của Ðức Thế Tôn là thông điệp vô song qua các thời đại. Con đường Phật dẫn đến hạnh phúc sẽ chứng tỏ cho ta thấy rằng Phật Giáo không phải bi quan tiêu cực như người ngoại đạo thường nói, mà là một tôn giáo đưa đến phúc lạc tột đỉnh ngay tại đây và bây giờ.

Bằng cách nào để chúng ta sống được hạnh phúc? Hãy làm điều thiện. Tránh mọi điều ác. Tịnh hóa tâm thức. Ðó là lời dạy của chư Phật.

Nhờ nương theo những bước đi chân lý mà người ta đạt được hạnh phúc vì trí tuệ đưa đến hạnh phúc, si mê đưa đến bất hạnh. Làm điều thiện bạn sẽ hưởng phúc lạc. Ðiều thiện là gì? Thực hành 5 học giới là làm điều thiện. Năm học giớỉ cần phải được thọ trì bằng tinh thần cũng như bằng văn từ ngôn ngữ. Văn tự sát mạng còn tinh thần cứu mạng. Ðối tượng của 5 học giới là gì? Bố thí để diệt trừ tham, trì giới để diệt trừ sân, thiền định để diệt trừ si.

Năm học giới phải được thực hành thận trọng qua tâm ý, lời nói và hành động vì mọi sự việc đều do tâm. Tâm là kẻ tiên phong, thủ trưởng và là kẻ sanh sự đủ chuyện. Hãy chánh niệm quán sát tâm thì mọi sự đều tiến hành tốt đẹp. Nhưng quán tâm bằng cách nào? Phật Giáo là phương pháp tu tập, điều phục tâm. Nếu chúng ta giữ yên lặng chỉ theo dõi tâm, chúng ta sẽ làm cho tâm trong sạch, bảo đảm như ánh mặt trời lên cao. Nhưng làm cách nào để tịnh hóa tâm được. Nếu trong khi quán tâm mà một ý niệm hay vọng tưởng nào khởi lên đi kèm theo với tham, sân, si thì bạn lập tức chuyển tâm sang hướng khác. Chẳng hạn tâm từ bi thay cho tâm thù hận. Nếu ai chuyển tâm đến Ðức Phật, vị đó sẽ đạt hiệu quả cấp kỳ bởi vì có sự hiện diện của đức Ðại từ bi thì không còn một niệm tưởng tham, sân, si nào khởi lên được.

Nếu phương pháp thứ nhất không thành công, bạn hãy thử phương pháp thứ hai. Nghĩa là cố gắng tư duy về những mối nguy hại của những vọng tưởng, bởi vì ý nghĩ về sân thường dẫn đến sát hại. Nếu bất cứ niệm sân nào khởi lên, hãy diệt ngay từ trong trứng nước. Nếu phương pháp thứ hai không đạt, bạn hãy làm theo phương pháp thứ ba.

Nghĩa là chúng ta đừng nuôi dưỡng, ấp ủ vọng tưởng mà đơn giản lái ý tưởng sang hướng khác không chú ý đến vọng tưởng, nó sẽ chết dần các mối duyên hợp.

Nếu phương pháp thứ ba cũng thất bại, hãy thử phương pháp thứ tư, cố gắng loại bỏ những điều đã tạo nên các vọng tưởng. Hãy tìm ra nguyên nhân rồi nhổ tận gốc rễ.

Nếu phương pháp thứ tư vẫn không kết quả, hãy thử phương pháp thứ năm. Ðây là hành động trực tiếp, tôi không muốn nói hành động trực tiếp ở Ấn Ðộ bởi vì Ðức Phật không phải là thần Jinnah mà là vị Thánh Jina– người chiến thắng dục vọng–người chinh phục thế gian. Ngài tự chiến thắng mình chứ không phải là kẻ chiến thắng người khác.

Nhưng hiển nhiên khi người nào tự chiến thắng mình tức là vị đó muốn chinh phục người khác bằng chính tình thương vô bờ bến. Ðức Thế Tôn sau khi tự chiến thắng mình tại Bồ Ðề Ðạo Tràng cách đây 2500 năm đã trở thành ngọn đèn Á CHÂU và là ánh sáng thế giới. Bằng phương pháp trực tiếp, nghĩa là bạn nghiến chặt răng, uốn lưỡi lên đốc họng và tung toàn lực quét sạch vọng tưởng với sức mạnh của năng lực, ý chí giống như nhà đô vật khổng lồ đưa vai vác chú lùn, nâng bổng lên cao rồi ném chú ra khỏi dây, giống như bạn đang vật lộn với vọng tưởng của chính mình, bằng toàn sức mạnh và năng lực ý chí, bạn sẽ quăng vọng tưởng ra ngoài.

Một khi tâm đã được tịnh hóa rồi bằng một trong 5 cách trên, lúc đó bạn mới hưởng được sự thuần tịnh trầm mặc và an lạc. Ðồng thời các vọng tưởng đó không còn quấy phá bạn nữa. Nếu bạn hành động theo phương pháp này mỗi lần vọng tưởng khởi lên, rồi thì tất cả các vọng tưởng cũng trở nên yếu dần và sau cùng bị dập tắt hẳn. Giác ngộ không gì khác ngoài tiến trình tịnh hóa tâm thức. Nhờ sử dụng phương pháp này mà chúng ta đẩy lùi được những hắc ám trong tâm. Nhờ vậy mà đạt được sự thuần khiết như gương sáng.

Tôi đã nói muốn được hạnh phúc ta phải thực hành 5 học giới. Vào thời Phật có một vị Sư đã thối tâm vì phải thực hành quá nhiều học giới, trong tam tạng Kinh có 227 giới điều khiến vị đó chán nản vì không thể giữ được, Sư muốn về đời. Ðức Phật hỏi lý do thì vị ấy trả lời: “Bạch Ðức Thế Tôn, Ðạo giảo này có quá nhiều học giới, con không kham giữ nổi. Con muốn quay về đời sống thế tục”. Ðức Phật thương cảm, Ngài nói: “Con đừng thối tâm như vậy, con có thể làm được một điều”'. Vị Sư hỏi: “Bạch Ðức Thế Tôn, điều gì vậy?”. Ðức Phật dạy: “Con có thể quán sát tâm được không?”. “Thưa, con làm được”, vị Sư trả lời. Ngài tiếp: “Vậy thì con đừng bận tâm về Giới Luật quá nhiều, hãy quán sát tâm thôi, không còn gì nữa”. Nhờ vậy vị Sư đó vào rừng và bắt đầu quán tâm. Ngày đêm quán sát tâm bằng phương pháp này, bằng cách thức mà Ðức Phật đã khai thị. Nhờ vận dụng tất cả phương pháp đã nêu trên để tịnh hóa tâm, chẳng bao lâu, vị Sư đó đắc quả Alahán tối thượng, có nghĩa là vị đó đã chứng ngộ. Thế nên quý vị thử vận dụng phương pháp trên, tôi chắc quý vị cũng sẽ được Giác Ngộ.

Muốn được hạnh phúc, chúng ta phải tu tập 5 học giới, và thực sự nếu các khoa học gia phương Tây có thể kết duyên 5 học giới vào khoa học của họ thì thế giới này sẽ được hưởng niềm phúc lạc trường cửu. Nếu bom nguyên tử có thể kết duyên được với 5 học giới thì bom nguyên tử không còn nguy hiểm nữa. Con người sẽ thấy an lạc bởi vì không có quả bom nào trên vũ trụ này hiệu nghiệm và mãnh liệt hơn quả bom tình thương của Ðức Phật. Năm học giới là gì? Năm học giới được trình bày như sau:

 

* HỌC GIỚI THỨ NHẤT

(Không được sát hại và tàn bạo với các sinh vật)

Không sát hại sinh mạng mọi sự sống dù là loài côn trùng nhỏ nhất. Tại sao học giới sát sanh lại xếp hàng đầu. Bởi vì nơi nào có sự sống, nơi đó có hy vọng. Khi một sinh vật bị chết, nó khó có thể khôi phục được sinh mạng và nó đánh mất cơ hộì tiến lên cảnh giới phúc lạc hơn, vì lý do này mà ta không giết hại vì lòng từ bi, và cũng đừng bảo giết. Giết hại là điều hèn mạt độc ác nhất ngăn chặn đạo lộ hướng thượng.

Không ai có quyền sát hại, nếu vị đó không thể khôi phục được mạng sống chúng sanh hoặc thiết lập cho nó một tình trạng tốt đẹp hơn. Sát hại là hành vi ăn cướp xấu xa nhất, vì sinh mạng là tài sản quý giá của bất cứ chúng sanh nào. Khi một con vật đang hấp hối, nó chết với lòng căm giận, tâm lực hướng về kẻ giết nó và quyết thề cướp lại mạng sống của bạn trong kiếp sau. Vậy thì tại sao lại tạo thêm những kẻ thù không cần thiết như vậy. Nếu tâm mình tràn đầy lòng từ bi thương cảm thì không ai có thể sát hại được. Tại sao ta lại để cho tâm mình bị ô nhiễm bởi cơn giận dữ điên cuồng làm giảm thọ đời mình. Tại sao ta là người sát nhân để mọi người căm ghét. Tại sao ta không là một người đáng yêu để toàn thế giới trân trọng quý kính. Sát hại rõ ràng làm tổn thương nhân cách, hủy diệt lòng từ, làm hưng phấn thù hận, bành trướng cái TA ích kỷ, đưa đến khổ đau, tiêu tan niềm an vui hạnh phúc.

Những ví dụ về giới sát hại sinh mạng: tội tử hình, tội treo cổ.v.v...

Trong một tập sách nhan đề: “Tội tử hình”, tôi đã viết: "Thật là vô ích khi treo cổ một thân xác vì thân xác này không bao giờ chịu trách nhiệm về tội lỗi của mình. Vô minh–tức là sự ngu độn–mới chính là kẻ sát nhân đích thực. Thế nên ta phải treo cổ gã Vô minh (thiếu trí tuệ) này mớì đúng. Bằng cách nào đây? Bằng cách hãy ban cho tội nhân một tri kiến Chân lý Phật Pháp.

Bất cứ ai cũng có thể đưa ra một giải pháp treo cổ Vô minh chứ?

Vô minh chính là nhân tố của mọi tội ác. Các quan tòa đã lầm lẫn một cách đáng sợ. Thay vì nhổ tận gốc tội lỗi, các vị tòa chỉ giản dị hủy diệt cái khung xác trống rỗng này.

Có lần Thánh Gandhi đã nêu rõ điều đó, vào một ngày nọ, khi có nhiều thanh niên ngoại đạo định hành hung Ngài. Bạn có nhớ không, trên báo chí đã kể lại rằng Ngài xuất hiện và nói với họ rằng: “Các cậu định làm gì? Ðiều duy nhất mà các cậu có thể làm là cướp đi cái khung xác trống rỗng của ta. Nếu muốn vậy, hãy lấy mạng ta đi, nhưng các cậu không bao giờ chiếm được linh hồn ta đâu”. Ðó là lời dạy của Phật Ðạo. Vì vậy các quan tòa chỉ luôn luôn xử treo cái khung xác trống rỗng mà nó không hề là một tội nhân chút nào.

Làm sao để cho tội nhân đáng thương này huân tập trí tuệ? Bằng cách ban phát trí tuệ (sự hiểu biết) cho tội nhân. Chúng ta cống hiến trí tuệ cho tội nhân và chúng ta treo cổ tội nhân bằng cách ban cho anh ta trí tuệ. Một khi Vô minh bị treo cổ, nó sẽ không sát hại nữa. Chúng ta sẽ không treo cổ Vô minh như treo cái cổ đáng thương kia, nó vốn hoàn toàn vô tội. Tôi chưa hề trông thấy cái cổ nào phạm tội cả. Ðiều đáng phải treo là những hành động sai trái. Tôi có thể dẫn chứng cho bạn hàng trăm ví dụ cụ thể để thấy thế giới bị điên đảo như thế nào và có người chỉ làm những điều ác ra sao.

Có hai loại ung thư: ung thư về thân xác và ung thư về tâm hồn. Nếu một người đau đớn vì ung thư thể xác, vị đó chạy đến thầy thuốc và cố gắng tự chữa cho mình. Thật là quái lạ khi một người đau khổ vì ung thư tâm hồn (ung thư nào nguy hiểm hơn thể xác và tâm hồn ), vậy mà anh ta không bao giờ quan tâm để cứu chữa, cũng không lo lắng để được chữa trị, anh ta không lo ngại gì về việc chữa trị. Anh ta nghĩ rằng mình hoàn toàn bình thường. Vậy ung thư tâm hồn là gì? Là vô minh ngu độn. Xin phép hỏi các bạn có bao nhiêu người trong chúng ta đây đang đau khổ vì bị ung thư tâm hồn. Có phải tính sơ sơ quá 99%, tất cả nhân loại đều bị ung thư tâm hồn.

Các khoái lạc giác quan là thuốc độc. Ðó là món độc dược tinh thần. Vậy mà mọi người đều ham thích. Họ đeo bám vào những thú vui của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Dù nó là chất độc nhưng họ vẫn thích và tốn kém rất nhiều tiền bạc cho độc dược này. Chẳng hạn có người mời bạn một cốc rượu sâm banh màu sắc và mùi vị khá hấp dẫn, nhưng nó có chứa chất độc. Người ngu độn cầm lấy uống hết và lăn ra chết. Còn người khôn ngoan thì nói: “Không dám, xin bạn hãy giữ rượu của bạn, tôi không dùng được”. Tuy nhiên, bạn vẫn tìm thấy hơn 99% dân chúng biết rằng trong rượu sâm banh có độc tố, thế mà họ vẫn uống và trả tiền nhiều hơn nữa. Sự thỏa mãn thị giác bảo rằng rượu sâm banh rất dịu ngọt và đáng yêu dù có chứa độc tố.

Mọi người đều thích hưởng khoái lạc thị giác rồi sinh mê đắm. Về mặt tâm linh, nếu họ chết thì chẳng có hại gì, vì vậy họ quả là những người mất trí. Hôm qua, chúng ta đã tổ chức lễ Ðộc Lập. Ðó là điều trọng đại không nghi ngờ gì nữa, nhưng thế còn sự độc lập bên trong tâm hồn thì sao? Chúng ta đều là những kẻ nô lệ cho mắt, tai, mũi... Một khi con người mà nội tâm được giải thoát như Ðức Phật, ai có thể nô lệ Ngài? Không ai cả. Tại sao? Bởi vì Ngài đã đạt được sự tự do giải thoát nội tâm. Và khi người nào được giải thoát bên trong tức là vị đó đã an nhiên tự tại bên ngoài.

Chiến tranh là sự giết hại trên bình diện qui mô. Không lọc nước có sinh vật mà uống đó là phạm giới sát. Không cứu vớt sinh vật khi nó nằm trong tầm khả năng có thể thực hiện cứu được, đó là phạm giới sát. Giả sử bạn trông thấy một ngườì đang bị chết đuối, bạn biết lội nhưng không nhảy xuống cứu người. Như vậy, bạn đã vi phạm luật Từ Bi, phạm giới sát, vì đó là sự vị kỷ. Hãy yêu thương người hàng xóm như chính mình. Vì thương người như thương thân nên bạn mới dám nhảy xuống cứu họ. Ðức Phật có lần đã nói: Hãy yêu thương mọi loài như yêu thương huynh đệ mình; như bà mẹ hy sinh thân mạng để bảo vệ đứa con duy nhất. Chính vì vậy mà chúng ta phải nuôi dưỡng hạt giống tâm từ đối với chúng sinh. Quy luật tình thương vô song này sẽ dẫn đến giải thoát.

Lại nữa, bất cứ điều gì xúc phạm đến trí tuệ cũng là phạm đến giới sát. Không hề có đức tin nào về linh hồn hiện hữu. Tư tưởng về cái Ta không nên đưa vào tu tập bởi vì niệm tưởng về Ngã là báo hiệu Vô minh. Sự Vô ngã tối thắng là con đường tu tập giới sát một cách toàn hảo.

Hãy nhớ năm học giới, cần phải học hành chúng qua tư tưởng, lời nói và hành động. Bạn có thể giết hại bằng tâm của mình nếu bạn tự mình nói: “Gã kia là kẻ thù của ta, ước gì nó chết sớm cho rồi”, tức là bạn đã sát hại bằng tâm (tâm sát) Bạn đã phạm học giới thứ nhất, về mặt tinh thần bạn có thể vi phạm tất cả các giới khác bằng tâm mình. Vì vậy, việc thực hành tu tâm cũng là đều hết sức quan trọng.

 

* HỌC GIỚI THỨ HAI.

(không được lấy của người khác).

Tránh lấy vật gì không được cho. Trong Phật Giáo, chúng ta không bao giờ dùng từ ăn cắp mà nói: lấy vật không cho. Bởi vì mọi thứ phải được đặt vào tay chúng ta. Lại nữa chúng ta không thể nhận nó nếu món quà không được đặt trực tiếp trong tay chúng ta. Chúng ta sinh nghi, không biết là vật này có thực sự tặng cho mình không. Nhưng khi vật đó được đặt trong tay ta thì ta không còn nghi ngờ gì nữa. Chúng ta biết đó là một tặng vật, nghi vấn liền tan biến.

Những điển hình về học giới lấy vật không cho: ví dụ như dùng cân đo gian dối, lấy lệ phí cao, nâng giá hàng, trả lương thấp cho người giúp việc, phóng đại giá trị hàng hóa, giả mạo, pha chế những hợp chất xấu hơn. Làm kém chất lượng sữa bằng cách pha thêm nước và những chất khác vào. Sự cướp đoạt cũng là hình thức ăn cướp trên bình diện rộng hơn.

Nếu có người lấy cắp một ổ bánh mì cho đứa con đang đói, vị đó có thể bị giam tù ngay. Nhưng nếu họ lấy cắp cả một quốc gia do tham quyền thì anh ta lại được tung hô là người chinh phục thế giới. Thế giới như vậy quả là điên khùng. Tôi nêu lên một ví dụ thứ hai: Khi bạn lấy cắp một ổ bánh mì, bạn có biết tại sao quan tòa phạt bạn không. Ngài phạt bạn vì lấy cắp quá ít. Ðiều mà quan tòa muốn nói là khi tòa đưa anh ta vào tù, Ngài có ý muốn nhắn nhủ: “Bạn thân thương! Bạn quá nhỏ mọn, bạn phải bị phạt vì sự nhỏ nhoi này; bởi chỉ ăn cắp bánh mì. Lần sau hãy đi ăn cắp một quốc gia. Lúc đó bạn trở thành người anh hùng chiến thắng thế giới. Dân chúng sẽ xây đài tưởng niệm, suy tôn bạn và bạn sẽ vinh quang đi vào lịch sử đất nước. Bạn sẽ tiếp đón danh hiệu vĩ đại như Alexander, Ceasar, Napoléon”. Những kẻ cướp tầm cỡ thế giới lịch sử trở nên vĩ đại vì họ lấv cắp những cái trọng đại. Họ chẳng bao giờ bị bỏ tù, bởi vì họ to lớn quá, không vào nhà tù được. Những tên cướp vĩ đại, quá vĩ đại, không lọt vào nhà tù nhỏ bé được. Không có nhà tù nào được xây to rộng đủ cho những tên cướp vĩ đại này và chính vì vậy mà họ được tự do, họ được tôn kính, bái lạy bởi những kẻ ngu si vĩ đại. Ðương nhiên, họ vĩ đại cả hai phương diện vì mỗi người đều là mẫu người đặc biệt theo khuynh hướng riêng của mình.

 

* HỌC GIỚI THỨ BA

(Không được có những thèm khát nhục dục)

Tránh tà dâm, dịch đầy đủ là: tôi chịu giữ giới, không phạm tà dâm. Trong Phật Giáo, chúng ta chịu nhận, còn tôn giáo khác, học giới được răn dạy, hay ban lệnh: bạn không được làm thế này hay không được làm thế kia. Người nào đó áp bức bằng cây gậy to để ép buộc bạn phải giữ gìn một số điều răn. Ðiều răn không hề được tìm thấy trong Phật Giáo. Ðức Phật cư xử với chúng ta như những triết gia. Ngài chỉ cho ta con đường chân chính (Chánh đạo). Bởi vì Ngài biết rằng chúng ta có trí tuệ, chúng ta sẽ theo con đường của Ngài. Nếu chúng ta mê mờ, kém hiểu biết, đó là lỗi của chúng ta. Ngài không sử dụng gậy to để ép buộc chúng ta giữ gìn năm học giới. Vì lòng đại bi, Ðức Phật dạy. “Nếu bạn có trí tuệ, bạn không thích đau khổ, sẽ được thoát khổ”. Nếu bạn yêu cuộc sống trong đau khổ, bạn phải giải quyết cách nào?. Bạn có thể làm gì tùy bạn muốn. Trong đạo Phật chúng ta được đối xử bằng tinh thần tôn trọng chứ không phải như con nít, bắt phải thuần phục; chúng ta không bị bắt buộc, hay cưỡng ép. Tôi không cố ý chê trách một tôn giáo nào, bởi vì Phật Giáo quá cao vời, tôi chỉ tế nhị nêu lên một vài dị biệt, bởi vì cách hay nhất để chúng ta có thể so sánh, đánh giá là đặt chiều cao của một vật khổng lồ gần bên chú lùn nhỏ xíu, lúc đó, chúng ta mới nhận ra được sự khác biệt của chúng. Chúng ta không khôn khéo dụ đạo bất cứ ai mà chỉ trình bày Chân lý, sau khi phô diễn về sự thật. Công việc như vậy là xong, cho dù người ta có chấp nhận hay bác bỏ, chúng ta hoàn toàn tự tại và công việc truyền đạt Chân lý coi như đã kết thúc.

Ta nên bằng lòng với chính người vợ của mình; cần loại trừ các tham ái trong mọi hình thức. Nhìn một đối tượng nào đó với lòng thèm muốn coi như bạn đã phạm Tà hạnh “dâm tâm”. Nếu toàn thế giới đều trở thành một đại tu viện thì quả là thiên đường cho trần gian này.

Nếu mọi người nam nữ vào rừng xuất gia tu tập thì trần gian này sẽ là thiên đường, toàn thế giới đầy những cây cối. Chúng ta có nhiều rừng khắp nơi và khí hậu vùng nhiệt đới sẽ tươi mát hơn. Nhưng vấn đề chặt đốn cây rừng thật bất lợi, chúng ta tự làm tổn hại cho chính mình, bức khổ vì nóng. Sức nóng như thiêu đốt của vùng nhiệt đới làm cho thế giới giống như sa mạc; thiếu bóng cây che mát; dân chúng lại quá đông. Thế nên nếu người ta chịu chấn chỉnh và điều phục tham vọng của mình, vào rừng xuất gia thì toàn thế giới là một cảnh rừng Thiền an lạc. Dân chúng lại ít, vì đi tu, ít sinh sản ... bạn hiểu chứ?

Các vị tại gia thân mến! Bạn đang ăn cướp cây cối của chúng tôi, bởi vì cây cối đều thuộc về những ai muốn tu Thiền định. Chặt đốn cây rừng nghĩa là các bạn đang cướp đoạt cây che bóng mát của những ẩn sĩ mong muốn tu Thiền, nhập định nơi đó.

Có lần khi tôi còn ở Ấn Ðộ, một anh chàng cùng đứng với tôi tại nhà ga xe lữa Patve, anh ta nói: “Ông là người tu theo phạm hạnh, Chúa sẽ giận ông đấy!”. Tôi hỏi: “Giận gì?”. Anh ta trả lời: “Vì ông đã theo hạnh của Phạm Thiên”. Tôi nói: “Chúa của bạn mới kỳ lạ chứ”. Anh ta lại nói: “Chúa ban cho sự sống, còn ông đang hủy diệt trần gian”. Tôi hỏi lại: “Làm sao tôi có thể hủy diệt thế gian này được”. Ông ta dõng dạt: “Vì ông không sinh sản chứ sao! Ông không sản xuất các thanh thiếu niên chứ sao!”. Tôi tiếp lời: “Ôi Chúa của bạn quả là Vì Trời đáng thương! lại cần đến sự trợ giúp của tôi mới duy trì được sự sáng thế của Ngài, Chúa tạo nên thế gian này chứ có phải tôi đâu. Tại sao tôi lạì bận tâm đến sự sáng thế. Ngài tạo ra thế gian này, hãy để cho Ngài tiếp tục duy trì thế gian nếu Ngài muốn như vậy. Nếu Chúa muốn tạo dựng thế gian thì chắc chắn Ngài phải có năng lực để duy trì nó chứ. Nếu Ngài dừng lại không cần sự trợ giúp của tôi, thì tại sao tôi lại phải chịu trách nhiệm? Nó không phải là thế giới của tôi, tại sao tôi tạo ra nó”. Rồi sau đó, tôi hỏi thêm anh ta rằng: “Anh giải thích cách nào bằng sự kiện thực tế rằng người không sáng thế lại được sùng kính tôn thờ?”. Anh ta im lặng vì không thể trả lời.

Tham tạo tác!

Sân hủy diệt!

Si tạo tác và hủy diệt!

Ðức hạnh không tạo tác!

Từ bi không hủy diệt

Trí tuệ ban cho tự tại, không sinh, không diệt!

Bậc Chân Thánh không hủy diệt. Ngài đơn giản từ chối lòng tham hay tạo tác. Theo triết học Phật Giáo, bạn đang tạo tác thế giới này hàng triệu lần trong mỗi khoảnh khắc. Nếu bạn dập tắt lòng tham thì thế giới của bạn cũng không còn vì rằng đời sống là một tiến trình trôi chảy liên tục, nó động chứ không tịnh. Ngày xưa thế giới này không phải được tạo nên trong 6 ngày mà nó được tạo nên hàng triệu lần trorng mỗi khoảnh khắc. Không có bắt đầu và kết thúc sáng tạo; mục tiêu duy nhất cho sáng tạo là hủy diệt nguyên nhân. Cái gọi là Vô minh đã tận diệt thì sự sáng tạo không còn, bởi vì Vô minh làm sinh khởi tham ái. Tham ái đưa đến chấp thủ. Chấp thủ làm phát sinh hữu–cái đang trở thành. Hữu đưa đến sinh. Sinh làm cho có già, bệnh, chết, buồn rầu, kêu ca, phiền não, đau khổ và tuyệt vọng. Nếu vô minh và tham ái tận diệt thì toàn bộ tiến trình bị bế tắt và do đó không còn sự sinh nữa. Vì vậy chính tham ái đã tạo tác; còn đức hạnh thì tận diệt. Nhưng tham ái tạo tác điều xấu chứ không phải điều tốt. Ðức hạnh hủy diệt điều xấu chứ không  tiêu trừ điều thiện. Tham ái tận diệt trần gian thống khổ này, chính nó chỉ là một tiến trình trống rỗng. Trí tuệ diệt trừ si mê, phát sinh cái thực tại cao siêu nhất của chân lý Vô thường. Nếu bạn ưa thích trần gian này thì bạn buộc phải ghét bỏ Niết Bàn. Nếu bạn ưa thích Niết Bần thì bạn sẽ chán ghét trần gian. Bạn không thể ghét bỏ cả hai. Nếu bạn muốn trần gian thì bạn phải goodbye Niết Bàn. Nếu bạn muốn thực tại thì bạn phải goodbye trần gian– thế giới không thực này. Vậy ai từ bi nhiều hơn? Người tại gia hay xuất gia? Người xuất gia từ bỏ gì? Vị đó từ bỏ thế giới trống rỗng–không mà có. Còn người tại gia từ bỏ gì? Anh ta từ bỏ thực tại Niết Bàn để lấy cái không, vì trần gian trống rỗng này. Vậy ai là người từ bỏ vĩ đại nhất? Người tại gia hay xuất gia? Người xuất gia không từ bỏ gì, duy chỉ có trần gian trống rỗng này. Người xuất gia không từ bỏ nhiều nhưng người tại gia thì từ bỏ Niết Bàn và là người từ bỏ lớn lao nhất, thiệt thòi nhất.

 

* HỌC GIỚI THỨ TƯ

(Không đựơc nói sai, nói xâu, nói ác, nói phiếm)

Tránh nói vọng ngữ, có bốn loại: nói láo, nói vu khống, nói thô bạo hay vô lễ, nói chuyện phù phiếm, vô nghĩa, chuyện tầm phào, vô ích cần phải từ bỏ. Tại sao bạn là người đa ngôn, nhiều chuyện? Bạn không nhận ra rằng thế giới đang bốc lửa hay sao? Bạn vẫn còn ngồi tán gẫu chuyện trời mây trong ngôi nhà đang cháy. Ða ngôn, đa sự là chứng bệnh của thời đại. Các chủ biên báo chí đều là những người phóng đại to nhất. Sống một mình là điều thuận lợi cho nhà tu. Yên tĩnh là cuộc sống tu học thiêng liêng của tôi, không ai có thể lấy đi đươc. Tôi sẽ sống độc cư và tận hưởng cái KHÔNG nơi hang động tâm hồn của mình.

Bạn hãy dùng thức ăn bồi dưỡng tâm linh hằng ngày. Tại sao ta đói khát tinh thần. Nếu bạn bị mất một bữa ăn, chấc chắn bạn sẽ la hét, quạu quọ đủ điều. Nhưng khi ta mất nhiều bữa ăn tinh thần thì không thấy ai kêu ca gì cả. Hãy bồi dưỡng thức ăn tinh thần cho tâm thức. Toàn thế giới đau khổ vì đói khát thức ăn tinh thần. Món ăn tinh thần sẽ đưa đến an lạc cho thế giới. Vậy món bồi dưỡng tinh thần là gì? Hãy giữ năm học giới. Chúng ta cần thức ăn trong sạch cho tâm hồn. Chúng ta hãy tẩy chay các chủ hiệu sách buôn bán các truyện giết người, tội phạm, tình dục, bởi vì họ đã dần dần biến nhân loại thành thùng rác. Do đọc các đồ phế thải nhơ bẩn đó bạn cũng bị ô nhiễm cùng khắp. Chúng ta nên đọc những bản kinh lợi lạc thù thắng nhất và nhờ vậy được tịnh hóa chính mình, bởi vì kinh Phật linh diệu có tác dụng như xà phòng tâm linh làm trong sạch bổn tâm chúng ta.

 

* HỌC GIỚI THỨ NĂM.

(không được uống rượu hay những chất làm say)

Tránh bất cứ trạng thái uể oải, suy nhược nào phát sinh do sử dụng các chất say. Tôi đã lưu ý rằng giới điều này không có trong mười điều răn. Chúng ta nên loại bỏ các thức uống có tính chất say sưa làm uể oải, ngủ nhiều, kể cả cần sa, á phiện.

Uống rượu là tự phá vỡ toàn phần các học giới. Vì dưới ảnh hưởng của rượu, một người say có thể giết hại, lấy cắp, nói láo, tà dâm và càng uống nhiều hơn nữa.

Phật Giáo là một phương pháp điều tâm hoàn hảo nhất. Trong Phật Giáo, tâm sở hữu mọi thứ nên phải luôn luôn duy trì mức độ có hiệu năng cao nhất, bởi vì chỉ có tâm tư duy trong sạch mới có đủ năng lực phát huy trí tuệ để một ngày nào đó trí tuệ mới đẩy lùi được mọi si mê ám chướng và ban cho ánh sáng Giác Ngộ. Vậy thì không phải hoàn toàn điên khùng sao khi bạn làm mờ tâm trí, gây chết người do uống rượu, hậu quả là đốn phá con đường thẳng tiến đến Niết Bàn của chúng ta. Ðây là năm học giới trong Phật Giáo. Chỉ có năm chứ không phải mười. Theo học giới thứ nhất, chúng ta không được phép giết hại ngay đến con vật nhỏ bé nhất. Và theo học giới thứ năm, chúng ta không được phép uống rượu, cần sa, ma túy và các chất say tương đương.

Những nhà truyền giáo từ phương Tây có vẻ tốt lòng với người phương Ðông, họ đang đẩy hết tốc lực đưa hàng triệu đô la để hóa đạo đám bất trung, tà giáo, ngoại đạo, chạy theo đường lối tư duy của họ. Có thể họ cống hiến điều gì đó tốt đẹp hơn điều chúng ta đã có rồi. Chúng ta có năm giới, khi các nam sinh là Phật tử, họ không được phép sát hại hay uống rượu. Dù sao chúng ta cũng phải ngưỡng mộ cái năng lực kinh khủng của các nhà truyền giáo Thiên Chúa để rồi giờ đây chúng ta bị tiêm nhiễm với năng lực dụ đạo kinh hồn của họ. Nay chúng tôi đang di chuyển về phương Tây để đáp lại lòng bao dung rộng lượng đó. Vì cần phải có sự trao đổi văn hóa song chiều như vậy. Chỉ có sự trao đổi chân tình này mới tạo sự hiểu biết thông cảm lẫn nhau hơn giữa các quốc gia, đưa đến hòa bình, thiện chí khắp các nước trên trái đất này. Và chính vì vậy mà chúng tôi sắp sang nước Mỹ. Singapore chỉ là chặng đường tạm dừng. Ðó là chặng đường thứ ba. Chúng tôi đã đi Ragoon, Penang, Kuala Lum pur và giờ đây là Sigapore, Manila, Hong Kong, Honolulu và sau cùng là San-Francisco. Ðây là chuyến đi Hoằng pháp, cứ ba ngày ở đây năm ngày ở kia. Chúng tôi sắp đến các bang dạy họ về năm học giới để họ biết sống thương yêu cả loài vật với lòng từ bi vô lượng vô biên. Thật là sai lầm nếu ai có tâm yêu thương con vật này mà ghét bỏ con vật kia. Chúng ta phải vô tư tất cả, yêu thương bạn bè và kẻ thù như nhau. Khi Ðức Phật được hỏi Ngài thương yêu ai nhất giữa Devadatta- kẻ gây chia rẽ và Rahula con trai của Ngài. Ðức Phật trả lời Như Lai yêu quý cả hai như nhau.

Tình yêu của người chồng đối với người vợ vẫn là vị kỷ. Anh ta chẳng khác gì con ếch ngồi đáy giếng. Gia đình là giếng của anh ta. Lẽ ra anh ta phải yêu thương và bảo vệ toàn khắp thế giới bao la này, coi toàn thể vũ trụ này là một gia đình vĩ đại. Vì vậy Ðức Phật đã dạy: “Thật khó mà tìm được một chúng sanh duy nhất chưa từng là mẹ, cha, con trai, con gái mình trong những kiếp qua”.

Trong Tương Ưng Bộ Kinh đức Thế Tôn dạy: “Ðệ tử dòng cao quý phải quán tâm như vầy: ở đây ta đang yêu đời, không muốn chết, ta thích lạc thú và không thích đau khổ. Giả sử có người nào đó cướp lấy đời sống của ta (người ấy cũng thích sống như ta, không muốn chết, thích mọi lạc thú và không thích khổ đau). Ðó không phải là điều thú vị làm cho ta phấn khởi”.

Ðến lượt mình, nếu ta cướp đoạt cuộc sống của người cũng thích sống và không muốn chết, người thích lạc thú và không thích đau khổ, đó không phải là điều thú vị làm cho anh ấy phấn khởi. Vì tình trạng như vậy không làm ta hài lòng hay phấn khởi, đối với anh ấy cũng tương tự. Làm sao ta có thể gieo đau khổ như thế cho người khác, nhờ thành quả của sự quán niệm như vậy, vị đó tự tránh sát hại chúng sanh và khuyến khích người khác tránh sát hại. Ðồng thời tán thán hành động không sát sanh. Ðược vậy coi như đã giữ được tịnh giới về thân, vị đó hoàn toàn trong sạch. Ðệ tử giòng cao quý lại quán niệm như vầy: nếu ai lấy cắp của ta hẳn điều đó không làm ta hài lòng. Nếu ta lấy cắp của anh ấy, điều đó hẳn không làm anh ấy vui lòng. Ðiều gì không làm cho ta hoan hỷ thì cũng sẽ không làm cho người khác hoan hỷ. Hãy đặt mình vào vị trí giống như người khác, ta sẽ tránh được tội lấy cắp. Do vậy vị đó trở nên hoàn toàn trong sạch (v.v... đối với các học giới khác).

Tôi vừa nêu lên đạo lý rất sơ đẳng của Phật Giáo (5 học giới). Người ta có thể phàn nàn: “Bộ Ngài Giảng Sư tưởng chúng tôi là học trò mẫu giáo trong vườn trẻ chăng? Chúng tôi đang ở Sigapore, người dân đa phần là trí thức muốn học hỏi triết lý cao siêu. Ở Sigapore không cần đạo lý sơ cấp”. Thế nhưng những điều tôi nói là căn bản, nếu khộng thực hành năm học giới thì làm sao quý vị có thể nhận thức được trình độ cao cấp hơn. Hãy nhớ 99% chúng nhân đang ở lớp sơ cấp Phật học; rất ít người đạt đến ở mức độ cao hơn, và còn ít hơn nữa, người đã tốt nghiệp. Vì vậy đa số những bài học ở vườn trẻ họ đều mãn nguyện với những gì có trong vườn trẻ.

Nhân đây chỉ nêu lên cho quý vị một ý chính ngắn gọn về triết học Phật Giáo như tôi đã đề cập trước kia. Trong Phật Giáo các sự vật đều coi như đang biến động trôi chảy liên tục. Các triết gia Hy Lạp cũng nói mọi vật đều trôi chảy. Khoa học cũng khẳng định tương tự và Ðức Phật cũng dạy như vậy, Ngài nói các Pháp đều là một dòng biến động liên tục. Bạn có những nguyên tử, điện tử và Proton có điều là Ðạo Phật không chấp nhận có linh hồn. Ðời sống là tiến trình của sự liên tục trở thành. Chúng ta mỗi lúc mỗi trở thành và chẳng bao giờ trở thành. Vậy thì ai là người trở thành? Bậc Alahán đã trở thành. Trở thành gì? Trở thành một thực tại, một trạng thái bất biến. Chúng ta không bao giờ trở thành mà vẫn đang trở thành. Một khi tiến trình trở thành dừng lại, lúc đó ta mới trở thành. Và ở đó không còn có sự đang trở thành nữa cho vị đó. Ðức Phật đã trở thành một lần và xong tất cả. Ngài không bao giờ trở lại thế gian này. Ngài có thể không bao giờ tiếp tục trở thành. Tiến trình trở thành đã vĩnh viễn ngưng hắn. Ngài đã trở thành một hiện thực (bản chất có thực) và sự thực có thể không bao giờ nhập lại thế gian nữa.

Bạn phải nhận thức rằng Ðức Phật chỉ thị hiện khi nhân loại hân hoan tiếp nhận thông điệp của Ngài. Không thể tiêu phí thời gian mà không được gì. Ngài không định ném những hạt ngọc trai vào đàn heo. Ngài chỉ ném những viên ngọc cho những ai trân trọng, đánh giá được nó. Ngài rất tiết kiệm thời giờ. Thật là vô ích cho những ai giẫm đạt những viên ngọc đó dưới chân mình. Ðức Phật sẽ trở lại, không phải vị Phật tương tự mà là Ðức Phật Gautama, một vị Phật mới. Khi Ðức Phật xuất hiện cách đây 2500 năm, Ấn Ðộ bấy giờ đã vào thời kỳ văn minh, tịnh lạc ở đỉnh cao. Nhớ rằng cách đây 2500 năm toàn Ðông Phương tràn ngập trí thức. Ở Ấn Ðộ có Ðức Phật Thích Ca, ở Trung quốc có Khổng Tử và Lão Tử, ở Hy Lạp có Platon và Socrates và nhiều Thánh nhân khác. Ðó là thời kỳ trăm hoa đua nở. Vậy thì tại sao Ðức Phật xuất hiện. Rõ ràng Ngài chỉ đến khi nhân gian xứng đáng được sự hiện diện của Ngài, khi họ không đánh mất nhân tính của mình. Trong Phật Giáo, chúng ta nói rằng Ðức Phật thị hiện khi nhân gian có đủ duyên lành chân thiện và quốc độ này có đủ khả năng nhận thức được hào quang chân lý của Ngài.

Quý vị phải nhớ rằng gương mặt của tôi có thể là gương mặt của một người ngoạì quốc, có màu da khác. Nhưng có lẽ tôi còn “Ấn Ðộ” hơn cả người Ấn Ðộ nữa. Ðể tặng quý vị một ví dụ nhỏ: Ông A và bà B gì đó đang mặc y phục Tây Phương, y phục của người Âu Châu. Tôi đang khoát y phục cổ Ấn Độ. Bạn là một người Ðông Phương lại ăn mặc kiểu Tây phương. Tôi là người Tây phương lại ăn mặc kiểu Ðông Phương. Vì vậy thế giới hình như ngược đảo cả, đủ minh họa cho tính cách phức tạp, lộn xộn của trần gian. Xin quý vị đừng phật ý vì đây chỉ là trò vui đùa trong câu chuyện. Vì có khôi hài mới làm sáng lên cái triết lý sâu xa, lại nữa, hình như quý vị đang buồn ngủ.

Do thành quả công đức vô lượng mà quý vị đã đạt được nhờ kham nhẫn lắng nghe bài Pháp thật dài này. Nguyện cầu tất cả ước vọng cao đẹp của quý vị được hoàn thành viên mãn. Nguyện cầu tất cả thính chúng sớm đạt được Niết Bàn tối thượng.

 

BẤT BẠO ÐỘNG

Thật rõ ràng hôm nay chỉ có một số người đến đây nghe bài Pháp bất bạo động này. Tôi biết, “Bất Bạo Động” không phải là đề tài được ưa chuộng lắm. Bởi vì nếu như tôi nói về một đề tài khác chắc chắn sẽ có 400 hay 500 người đến nghe, nhưng vì đây là đề tài “Bất Bạo Động” chủ đề không hấp dẫn đối với số đông, bởi vì chỉ có một số ít người có được tập khí từ bi vô lượng. Nếu đa số tràn ngập tình thương bao la thì hẳn thế giới sẽ không còn chiến tranh nữa.

Vấn đề ăn thịt: ăn thịt là độc ác, thế nên ta đừng giết hại và xúi xử giết hại. Mua thịt cửa hàng tức là tạo nên những đồ tể. Bởi vì cung cấp là một phần do yêu cầu. Loài chó ít khi bị giết vì ít có người đòi ăn thịt chó. Người nào bằng lòng giết hại, đánh đập, làm thịt, người nào mua, nấu phục vụ hay ăn thịt...Tất cả đều là kẻ sát nhân. Ðây là lời của Hiền giả Manu, một triết gia Ấn Ðộ. Vì vậy mọi người đều là kẻ đồng lõa trong trò chơi chém giết, khởi đầu là người hàng thịt và kết thúc nơi người ăn thịt.

Có đoạn được chép trong Kinh, Ðức Phật dạy: “Thuở xa xưa chỉ có ba chứng bệnh, nghĩa là dục vọng, đói khát và suy tàn. Tuy nhiên do sát hại loài vật mà ba chứng bệnh lần lần tăng lên mãi. Thế nên chúng ta hãy tránh sát sanh, tránh tạo điều kiện cho sự giết thịt. Chúng ta hãy phản tỉnh–trở thành những người thọ trai suốt đời. Ðược vậy tất cả bệnh tật sẽ không còn hiện diện nhiều trên mặt đất trần gian này.

Vấn đề cần xét lại: có một tín điều chung trong các nước Phật Giáo là bất cứ ai cũng có thể ăn thịt miễn là vị đó không giết hại sinh vật bằng chính bàn tay của mình. Nhưng không phải vậy, bởi vì ăn thịt chính là nguyên nhân của sự giết thịt, nghề của đồ tể. Nếu chúng ta đều nhất trí ăn chay thì những người bán thịt sẽ phải đóng cửa hiệu và chuyển đổi ngành nghề khác tốt đẹp, phước đức hơn. Do cứ tiếp tục ăn mạng chúng sanh nên khiến chúng ta cứ duy trì một lớp người hành nghề chém giết đáng thương đó. Thật là không công bằng chút nào khi ta cưỡng bức những tên đồ tể vào địa ngục chỉ vì sự hưởng thụ khoái khẩu của chúng ta. Nếu chúng ta trở thành người ăn chay, lúc đó toàn thế giới sẽ sống hòa bình. Có người lo cúng tế cho Thánh Thần, có người cúng tế cho bao tử của họ. Theo tôi, bao tử của họ chính là vị thần của họ, chúng ta hãy thực hành lòng từ bi vô lượng, không thể phát biểu rằng: hãy để mọi chúng sanh an lạc. Bởi vì ngưởi ăn thịt nói: “Cầu xin cho mọi chúng sanh an lạc”, trong khi vị đó đang nghiến thịt giữa hai hàm răng. Ðiều này quả là hoàn toàn ngụy đạo đức. Vì lẽ đó, nếu người ăn thịt muốn biện chứng sự cố trong khi ăn thực phẩm thịt, vị đó phải nói: “Nguyện cầu cho tất cả sinh vật được hạnh phúc, ngoại trừ những sinh vật mà tôi đang nhai nghiến trong răng”. Và tôi dám cam đoan rằng, tất cả sinh vật đang bị nhai nghiến không thể nào hạnh phúc được, hoặc không thể nào có an lạc khi chúng bị sát hại chỉ vì những kẻ ăn thịt. Như vậy vị đó không thể nào thực hành lòng từ bi khi vị đó còn ăn thịt, bởi vì do ăn mạng của chúng sanh, vị đó tự động yêu cầu một phần tương xứng với thân mạng sinh vật trên thế gian này phải chết vì họ. Ðó là giáo điều vị kỷ mà người ta phải sống trên thịt da xương máu của kẻ khác. Khi một cây này sống nhờ một cây khác, nó được gọi là cây ký sinh. Tương tự khi một con vật sống nhờ con vật khác, nó được gọi là vật ăn bám. Một vương quốc không bao giờ sống tự mình mà vương quốc lớn phải luôn luôn sống nhờ vào vương quốc nhỏ hơn, vương quốc thú vật sống nhờ vào vương quốc thực vật Nếu vương quốc thực vật sống nhờ vào chính mình, kết quả là sự ăn bám.

Vì vậy mỗi người ăn thịt đều là kẻ ăn bám, bởi vì họ sống nhờ vào nhân viên của vương quốc họ. Do đó chúng ta không nên sống ký sinh bằng cách ăn các món thịt, mà chúng ta phải ăn bằng các món chay vô hại và nhờ vậy tránh được mọi sứ phê phán làm tổn hại phước đức chúng ta.

Tinh thần Phật Gìáo là tinh thần từ bi, từ bi, từ bi!! Bất Bạo Ðộng là Giáo Pháp cao thượng nhất. Nếu bạn lật từng trang trong Ðại Tạng, chúng ta sẽ thấy chữ TỪ BI được in ấn bằng chữ to trên mỗi trang giấy.

Ăn thịt làm cho con người thô bạo, hung dữ. Ăn rau làm cho con người hiền hòa, trầm lặng. Tại sao ngoài mặt trận họ lại cấp thịt làm thức ăn cho chiến sĩ? Mục đích để làm cho họ sung sức, hung hăng thêm. Nếu các chiến sĩ được ăn chay, sẽ không còn chiến tranh bởi vì họ không muốn gây hại cho ai giống như con linh dương. Hãy nhìn con nai, con cừu, con linh dương, chúng trầm lặng, hiền từ làm sao. Vì vậy chúng ta hãy giữ an lạc theo tự nhiên bằng cách nuôi mạng sống bằng thức ăn vô hại, tạo sự tĩnh lặng cho thân tâm. Người giết hại loài vật sẽ đưa đến giết hại loài người. Bởi vì nếu chúng ta có thể giết hại một con bò thì chúng ta cũng có thể giết hại một con người. Vậy tại sao chúng ta lại nô lệ cho cái lưỡi hay cái tâm? Thật không công bằng chút nào khi chúng ta lấy thịt của một con vật nào đó mà lại không xin phép con vật đó. Vì con bò là chủ nhân xương thịt của nó. Con cừu, con cá là chủ nhân xương thịt của nó. Vì vậy Phật dạy chúng ta không được lấy của không cho. Chúng ta phải được phép chấp thuận mới lấy vật đó, bằng không, nó trở thành lấy vật không cho. Nếu chúng ta muốn dùng thịt của một con vật, chúng ta phải nói: ông, bà X, Y vui lòng cho chúng tôi thịt trên lưng ông, bà. Nếu con vật đồng ý cho phép và nói: “Lấy thịt ta đi”. Lúc đó chúng ta mới lấy thịt không bị phạm tội ăn cắp. Hãy chỉ cho tôi con vật nào cho phép bạn lấy thịt nó. Không bao giờ có được tình huống như vậy. Không thể nào được trừ phi con vật đặc biệt đó xuất hiện là một vị Bồ Tát. Vì vậy một con vật không bao giờ cho phép ta lấy thịt nó, thì chúng ta chớ nên lấy mà không được sự đồng ý Chúng ta không bao giờ cho phép mình phạm tội lấy cắp như vậy.

Ðức Phật dạy: “Bạn có thể ăn thịt nếu bạn không trông thấy, không nghe, không nghi rằng con vật đó sở dĩ bị giết là vì mình. Hãy tin tôi, tôi không thấy, không nghe nhưng tôi luôn luôn nghi ngờ rằng con vật đó bị giết là vì tôi, bởi vì thịt đem cho người nào đó nên đồ tể mới ra tay sát hại những con vật này. Ðồ tể không bao giờ giết con vật cho chính mình. Họ giết cho người mua, người tiêu dùng. Bởi vậy bất cứ ai ăn thịt hay mua thịt chính là đối tượng khiến cho những con vật bị giết và vị đó đã sinh nghi và nghĩ rằng con vật đó bị giết là do mình, vị đó chớ nên đụng vào. Do đó, theo lời Phật dạy, chúng ta thực hành Pháp “Bất Bạo Ðộng” và không nên ăn thịt loài vật. Tại sao vậy? Bởi vì như lời viết trong Kinh Pháp Cú: “Dưới làn roi, mọi loài đều run rẩy, mọi loài đều sợ chết. Hãy đặt mình trong hoàn cảnh này, thế nên chớ giết, chớ bảo giết”. Ðó là quy luật quý như vàng. (Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân–điều mình không muốn chớ phiền người khác). Bạn cảm thấy thế nào khi bị người khác ăn thịt bạn? Bạn cảm thấy không được yên vui. Vì vậy nên đặt mình trong tình huống này. Chúng ta chấm dứt việc ăn thịt. Nếu bạn thực hiện Pháp Bất Bạo Ðộng với lòng nhân từ, độ lượng, mạng sống của bạn sẽ được trường thọ, bởi vì do bạn muốn kéo dài sinh mạng của người khác, đương nhiên bạn kéo dài tuổi thọ của mình. Ðây là quy luật nhân quả vô song muôn đời.

Trong một bài Kinh, một đệ tứ hỏi Ðức Phật: “Tại sao có số người sống lâu, còn số khác lại yểu mạng”. Ðức Phật trả lời: “Những người sống lâu vì họ luôn luôn kéo dài mạng sống của loài vật, không giết hại chúng. Còn những người yểu mạng là do liên tục đoản mạng loài vật bằng cách giết hại và ăn thịt chúng”. Vì vậy nếu bạn muốn sống lâu, hãy tránh việc sát sanh, tránh bảo người khác giết. Nhiều người muốn hy vọng sống lâu, hy vọng cải lão hoàn đồng bằng cao cốt con khỉ hoặc nhiều cách giải phẫu khác. Nhưng những cách giải phẫu này đều bất nhân, vô ích. Bạn sẽ sống lâu nếu bạn chỉ cần cho phép mọi sinh vật sống lâu bằng cách đừng quấy rầy, sát hại chúng, đừng rút ngắn mạng sống của chúng để ăn thịt.

Tại sao ta lại làm nô lệ cho cái lưỡi. Cái nào mạnh hơn? Cái lưỡi và cái tâm. Hãy nhớ rằng cũng vì hai tấc lưỡi mà người ta ăn nuốt không chính đáng. Theo Phật Giáo cảm giác chỉ là một niệm tưởng, nếu bạn đặt một miếng thịt nhỏ trên lưỡi thì lưỡi sẽ không hề biết có thịt ở đó. Thịt cũng không biết có thịt ở đây. Vậy thì ai biết thịt ở trên lưỡi? Đó là tâm. Nhớ rằng cảm thọ chỉ là một ý tưởng, và vì là một ý tưởng nhỏ nhoi nên người ta ăn nuốt không chính đáng. Nhưng ý tưởng là gì?. Ý tưởng là một năng lượng tâm linh nhỏ bé. Tại sao người ta phải làm điều không chính đáng vì một ý tưởng gọi là năng lượng tâm linh? Nếu người nào muốn ăn thịt, bảo anh ấy hãy ăn thịt chính mình. Chúng ta sẽ không phạm tội lấy vật không cho. Nếu chúng ta cắt lấy một miếng thịt nơi tay hay chân chúng ta bởi vì nó thuộc tài sản riêng của chúng ta và chúng ta có thể ăn thịt của chính mình mà không bị phạm tội lấy vật không cho. Ðây là cách lập hạnh tốt đẹp để trở thành người ăn chay. Hãy nhớ rằng thịt mau hư thối và hay gây bệnh. Gần một phần năm sinh vật bị giết đều gây bệnh, ăn cá tạo nên bệnh ung thư, viêm ruột thừa.v.v...

Ở bên Mỹ có một nơi mà trẻ em mới sinh được giải phẫu để cắt đi khúc ruột thừa. Tại sao vậy? Vì người Mỹ tin rằng nếu lấy ruột thừa của em bé ngay từ lúc đầu thì tốt hơn là để các em lớn lên cứ lo sợ mình vẫn còn ruột thừa. Không phải là kinh hoàng sao nên một trẻ em mới vào đời liền khóc la như cảm nhận được nỗi khổ đầu tiên, nó phải chịu giải phẫu y học ngay lúc mới sinh ra? Vì vậy nếu trẻ em buộc trở thành người ăn chay và ăn chay suốt cả đời, chúng không còn lo sợ về ruột thừa. Và các cuộc giải phẫu y học chắc bị thặng dư.

Khi một con vật tự nhiên chết, người ta chôn ngay xuống đất. Nhưng khi nó chết không bình thường bằng con dao của đồ tể, con vật đó được chôn ngay trong bao tử của chúng ta. Thế nên bao tử của chúng ta đều là những nghĩa trang và con người là những nghĩa trang biết đi. Thật là buồn cười, dù bao tử kích thước quá nhỏ nó vẫn có khả năng chôn được quảng đời 60 năm không kém 200.000 sinh vât. Ý muốn nói 200.000 sinh vật được chôn trong một bao tử nhỏ xíu khoảng 60 năm. Bao tử con người là bãỉ tha ma lớn nhất trên thế giới. Tại sao chúng ta lại trở thành những nghĩa trang biết đi của 200.000 xác chết sinh vật? Mọi chúng sinh đều là bà con của chúng ta. Tất cả cuộc sống là một. Ở đây bản thống kê cho thấy rằng 200 ngàn sinh vật được chôn trong bao tử trong quảng đời duy nhất. Người ta tiêu thụ 20.000 chim, 60.000 trứng sắp nở, 120.000 cá, 3000 loài vật khác, tổng kết thành 203.000 sinh vật. Thế nên nếu ta biết tự trọng, nếu ta có một chút cảm xúc về tâm từ thì ta nên từ bỏ ham muốn ăn thịt để cứu vớt mạng sống của 200.000 sinh vật Nếu hôm nay một người độc thân nào phát nguyện ăn chay thì chính nhờ giảng bài Pháp này mà chúng ta cứu sống được 200.000 sinh vật. Nếu 20 người phát nguyện ăn chay thì chúng ta cứu sống được 400 ngàn sinh vật. Nếu có 100 người phát nguyện ăn chay, chúng ta sẽ cứu mạng được 20 triệu sinh vật. Vì vậy chúng ta hãy hy vọng rằng hạt giống nhỏ mà chúng ta gieo trồng hôm nay sẽ chín muồi và phát triển kết thành quả Bất Bạo Ðộng cứu vớt bao sinh linh đang gần gũi chúng ta.

Bất cứ khi nào ta ăn, nên nhớ rằng đói khát là một chứng bệnh và thức ăn là dược thực sẽ tạm thời làm êm dịu bệnh đói. Chúng ta phải nhớ: ăn để sống chứ không phải sống để ăn. Chúng ta ăn cốt để duy trì sự sống, để bước đi trên Ðạo lộ BÁT CHÁNH đưa thẳng tới Niết Bàn.

Cá lớn nuốt cá bé. Họ nói rằng Chúa tạo ra loài vật để cho con ngườì dùng, nhưng thực sự đây là giáo thuyết vị kỷ. Nếu tôi là con vật và được nói rằng Chúa sinh ra tôi cho bao tứ của con người, làm thế nào tôi vẫn yêu vị Chúa đã tạo ra tôi để phục vụ cho bao tử của người khác. Một người sáng thế như vậy không thể nào có được tình thương thuần tịnh giải thoát được. Vì vậy thật là sai lầm nói rằng những sinh vật được tạo ra cho bao tử chúng ta. Những con vật được tạo ra để sống với kiếp sống bình thường, giống như chúng ta được sinh ra để sống một cuộc sống bình yên. Ðức Phật dạy: “Khó có thể tìm được một sinh vật nào đó, chưa từng là cha, mẹ, anh, chị, em vào một thời điểm này hay khác”. Bởi vì chúng ta vẫn đến từ vô lượng kiếp, mọi hình thái kết hợp có thể xảy ra; do vậy mà giờ đây khó có thể tìm được một sinh vật nào chưa từng là bà con mình trong quá khứ. Ðây là cơ hội, hãy nhớ rằng bất cứ lúc nào bạn ăn thịt tức là bạn nhai thịt của người nào đó là họ hàng bà con trong kiếp trước, và thật là sai lầm bất nhân khi phải sống trên xương thịt của kẻ khác giống như loài ăn thịt người.

Chúng ta ăn rau trong sạch chứ không dùng thịt bất tịnh. Vào mùa khí hậu nóng, thịt bị hư thối rất mau. Vì vậy đặc biệt ở vùng nhiệt đới, chúng ta nên sống bằng thức ăn chay, nó hư thối chậm hơn so với thức ăn thịt, bởi vì thức ăn hư thối dễ gây bệnh. Những độc tố ngấm vào máu và vận chuyển khắp cơ thể làm xáo trộn các bộ phận. Có một số người ăn thịt thực sự đã nói an ủi mình rằng Đức Thế Tôn tịch diệt là do ăn thịt heo. Ðiều này quả là nhận xét sai lầm. Ðức Phật được gọi là đấng Ðại Từ Bi, Ngài thọ trai suốt đời, làm sao Ngài có thể tịch diệt bằng món thịt heo được, không bao giờ xảy ra. Thật là vô lý khi nghĩ rằng Ðấng Từ Bi hằng nêu gương phạm hạnh lại ăn thịt heo ở tuổi đời sau cùng. Ngài thọ trai đến suốt đời và tịch diệt do một số nấm độc.

Một lần khi đang du hành trên đường biển, vị thuyền trưởng nói với tôi: “Chúa tạo nên loài cá dưới biển. Vậy thì có hại gì khi ta ăn cá?” Tôi trả lời rằng: “Chúa tạo nên loài cọp trong rừng, vậy thì có hại gì khi cọp ăn thịt vị thuyền trưởng chiếc tàu này”. Một hôm có một nông gia người Mỹ ngồi trên xe bò do hai con bò kéo. Anh ta có tà kiến cho rằng xương thịt khỏe mạnh là do ăn thịt nhiều. Trong khi đang tư duy với ý niệm của mình, hai con bò bỗng nhảy giật lên, vị nông gia gần rớt khỏi chỗ ngồi. Lúc đó anh ta chợt nhận ra những con bò có xương to khỏe này có được là do ăn cỏ. Vì vậy cỏ là sản phẩm thực vật đã tạo cho loài bò có xương to chứ không phải thịt. Thế nên xương khỏe không phải do ăn thịt mà do ăn cỏ, ăn rau.

Ðạo sĩ Krishanandji có kinh nghiệm với các loài sư tử con. Ngài thấy rằng do nuôi chúng bằng thực phẩm cơm và lúa thì chúng mau lớn, hoàn toàn dễ thuần phục và không có tính hung dữ. Bằng chứng là Ngài ra thị trấn Vicely với một trong những con sư tử của mình, ngồi trên xe do Ngài kéo đưa đi tham quan tại vườn thượng uyển Thái Lan. Bạn thấy đó, ăn chay có thể chuyển hóa sư tử con thành con vật hiền lành. Vì vậy nếu bạn muốn tiến bộ ở đạo lộ cao hơn, bạn nên ăn chay. Ðiều đó sẽ giúp bạn tiến bộ tinh thần, bởi vì đường đạo càng trèo lên cao càng gặp nhiều chướng ngại. Chúng ta không nên tạo thêm nhiều chướng ngại trên đường mà nên cố gắng làm cho cuộc hành trình tầm đạo càng nhẹ nhàng càng tốt. Nhờ ăn chay, tất nhiên chúng ta tự giúp mình được yên tịnh, trầm lặng và hưởng được sự bình tâm tự tại; đó là mục đích của Phật Giáo. Thế nên hãy làm cho mình thanh tịnh không bị khởi dục bởi các món ăn kích thích. Cũng vì sống trên xương thịt của chúng sanh, tất nhiên chúng ta làm tăng trưởng tư tưởng sân hận trong bản thân, làm bành trướng ý tưởng vị kỷ, sống bám vào xương thịt của kẻ khác. Nói một cách khác, nhờ sống bằng thực vật, chúng ta làm giảm đi tính ích kỷ, chúng ta bớt sân si, sung mãn tình thương và thích phát huy nhân cách, vì mục đích của loài người là làm thăng hoa nhân phẩm. Chúng ta là người thành công chỉ khi nào nhân cách chúng ta được phát huy, chúng ta sẽ thất bại chỉ vì nhân cách chúng ta bị suy đồi. Vì thành công hay thất bại trong đời này được đo lường bằng sự thăng hoa hay suy đồi nhân cách. Không phải bao nhiêu tiền mà một người đó kiếm được mới gọi là thành công. Anh ta có thể kiếm được một triệu đô la mà vẫn là kẻ thất bại bởi vì anh ta đã đánh mất nhân cách của mình trong những mưu đồ tìm ra số tiền đó. Mặt khác, anh ta có thể đánh mất một triệu đô la mà vẫn là người thành công, vì anh ta phát huy tốt đẹp nhân cách của mình. Bởi vì nhân cách là tài sản cao quý nhất của một người. Tôi nhớ rất rõ khi tôi còn là đứa bé trai 8 tuổi sống trong tổ ấm gia đình, bất ngờ một con chim bồ câu ở đâu bay đến đậu vào tay tôi. Tôi hết sức ngạc nhiên khi thấy con chim bồ câu rất dễ thương đã thuần hóa. Tôi vui mừng đi xuống lầu báo cho cha mẹ tôi biết con chim bồ câu đẹp đó, vì tôi không hề chờ đợi điều gì sắp xảy ra. Cha mẹ tôi bắt đầu phát lên nụ cười nham hiểm với ý nghĩ: “Ðêm nay chúng ta sẽ có món mì ống bồ câu sốt cà ngon hết ý”. Tôi nào có biết, bởi vì đây chỉ là một ý tưởng thoáng qua trong tâm và tôi không phải là người đọc được tâm. Trong thời điểm này mẹ tôi nhanh chóng bắt con chim bồ câu nhận nó ngay vào trong nước làm chết nghẹt con vật yêu quý của tôi. Khi tôi chứng kiến kẻ sát hại con vật, tôi vô cùng hốt hoảng. Ðây là một bằng chứng nữa tôi đã là phật tử trong kiếp trước. Nhưng đây là một bằng chứng đáng chú ý. Tôi quá kinh hoàng kẻ sát hại con chim bồ câu của tôi đến nỗi tôi muốn chết thay cho nó. Vì vậy tôi bắt đầu nhịn ăn. Tôi nói với cha mẹ rằng tôi không ăn uống gì nữa cả. Tôi nói: “Vì mẹ đã giết con chim bồ câu của con, con sẽ đổi mạng con cho nó”. Cha mẹ nghĩ tôi nói đùa và cho rằng đây là lời dọa của con nít, nhưng tôi quyết giữ lời.

Một ngày trôi qua, tôi không ăn gì cả. Rồì ngày thứ hai, ngày thứ ba tôi không ăn gì cả dù tôi là trẻ em mới 8 tuổi Nhớ rằng trẻ em không sống lâu, nếu không ăn uống; trẻ em không phát triển được. Sau ba ngày, mẹ tôi phát điên lên vì bà nhận ra đã không tác động gì được đến tôi. Tôi bỏ thói quen trở về nhà sau giờ học để dùng bữa ăn trưa như những trẻ khác. Tôi thường chờ qua giờ nghỉ trưa rồi trở lại trường mà không ăn gì. Mẹ tôi ra hiệu bánh mua bánh sữa nóng, bánh ngọt, chờ tôi đi học về để cho tôi. Bà bắt đầu năn nỉ, giọng rất thương tâm, bảo tôi ăn đi những chiếc bánh sữa nóng còn trong bao giấy. Tôi nói: “Không đâu! Con sẽ không ăn gì cả. Mẹ đã giết con chim của con, con phải chết thôi”. Bà bắt đầu khóc kể rất đau khổ. Và lúc đó khi nghe mẹ tôi khóc tội nghiệp quá, lòng tôi trở nên mềm yếu. Lại nữa, bà đưa ra những chiếc bánh sữa nóng mà bản tính trẻ nít như tôi khó mà kháng cự được. Sau cùng tâm tôi đã tan dần vì lòng từ bi, vì thương mẹ và cũng vì cái bụng đói của tôi. Tôi nói với mẹ: “Mẹ ơi! Mẹ đừng làm vậy nữa nhé !”. Mẹ tôi vui hứa: “Không! Mẹ sẽ không bao giờ tái diễn điều đó”. Và lần nữa tôi lặp lại: “Mẹ đừng bao giờ giết hại con vật nữa nhé”. Mẹ tôi trả lời: “Không đâu con, mẹ sẽ không bao giờ giết hại con vật nữa”. Mẹ tôi lặp lại lần thứ ba. Tôi nói: “Ðược rồi, mẹ đã hứa với con, con bỏ lỗi cho mẹ lần này”. Và rồi bà cho tôi những chiếc bánh sữa nóng, tôi bắt đầu ăn ngốn nghiến dữ dội... 

Trước khi Ðức Phật xuất hiện, Ấn Ðộ là một nước có nhiều người ăn thịt. Sau đó, Ðức Phật ra đời, vì lòng từ bi của Ngài, Ấn Ðộ là một quốc gia từ bỏ ăn thịt. Cho đến ngày hôm nay, dù là Phật Giáo đã rời khỏi Ấn Ðộ, người dân Ấn vẫn thực hành pháp ăn chay. Vậy thì Phật tử chúng ta sao lại không thể thực hành ăn chay như người Ấn Ðộ. Vua Asoka là vị Ðại Hoàng Ðế cũng đã trở thành người ăn chay khi Ngài được Phật Ðạo chuyển hóa. Ngày xưa trước thời ASOKA, loài bò bị giết bán nhưng suốt thời đại ASOKA, giết bò được coi là một xúc phạm lớn đối với Thánh Thần. Ðó là lý do ở Ấn Ðộ hôm nay, ai giết bò bị người Ấn Ðộ nhìn với con mắt căm ghét, vì họ coi bò như bà mẹ của họ. Khi ăn thịt, chúng ta phải nhai kỹ thức ăn. Người đó sống trường thọ là do ăn ít. Người nào ăn quá nhiều như vậy sẽ bị giảm thọ. Thức ăn cũng nên đơn giản. Hãy ngắm trẻ em mới sinh, chúng chỉ sống nhờ sữa. Nó mau lớn làm sao. Thế nên thức ăn cần giản dị để các hóa chất sinh lý trong nội tạng của chúng ta có thể phân tán những hợp chất thức ăn một cách an toàn không gây nguy hiểm.

Tôi sung sướng vì đã xuất gia, được miễn đi bầu cử hay đóng thuế. Vậy nên khi một tội ác nào do nhà nước tạo ra, chẳng hạn như tuyên bố chiến tranh hay xử treo cổ tội nhân. Những sai trái này không trút lên vai tôi, vì tôi đã ở ngoài thế gian. Vì thế tôi không chia sẻ phần sai lầm nào do luật pháp hình thành. Quy luật nhân quả là quan tòa công minh nhất và sẽ xử tử bất cứ khi nào cần thiết. Con người chỉ là nhân vật xét xử tầm thường, có thể thường gặp sai lầm, và một khi con người vô tội bị treo cổ, người này không thể lấy mạng lại được, con người làm quan tòa thường xử sai lầm. Luật nhân quả mới không sai lầm và không bao giờ tạo nên lầm lỗi. Tội giết người thường bị vi phạm là do ảnh hưởng của dục vọng, và kẻ sát nhân không bao giờ chùn bước vì sợ tử hình. Từ đó tội tử hình nhằm làm thối chí tội ác không thàng công trong mục đích của nó nên tội tử hình cần dẹp bỏ.

Ðức Phật là người đứng gần ta sau cùng không hề tạo nên một ngoại lệ nào cho cluy luật nhân quả. Lầm lỗi là con người, tha thứ là thánh thần. Ðức Phật dạy lòng bao dung tha thứ chớ không phải gieo oán kết thù. Mắt đổi mắt, răng đổi răng, mạng đổi mạng. Ðó là quy luật của những người dã man kém văn minh.

Trong nhà tù, kẻ sát nhân có thể phát triển thành một vị thánh. Vì vậy không cần phải giết anh ta. Chúng ta không nên giết những người đang đau khổ vì chứng ung thư thể xác. Tại sao chúng ta lại giết những tội nhân đó khi họ đang đau khổ vì ung thư tâm hồn. Chúng ta kỳ thị và cô lập kẻ ung thư tâm hồn–những tội nhân? Chúng ta hãy gởi họ ra côn đảo thật xa, nơi mà họ không thể làm nguy hại cho xã hội. Ở đó, họ có thể kiếm sống, họ không còn là gánh nặng cho xã hội và họ sẽ được cải tạo tốt đẹp. Hình phạt tử hình dập tắt tình thương và một khi tình thương không còn nữa thì hòa bình cũng đi luôn. Vì thế có chiến tranh. Thù oán đưa đến chiến tranh, tha thứ đưa đến hòa bình. Chúng ta hãy xóa bỏ án tứ hình để mãi mãi tận hưởng hòa bình thế giới. Có nhiều nước Thiên chúa giáo đã xóa bỏ án tử hình. Họ thấy họ có thể chuyển hóa một cách toàn hảo mà không cần có biện pháp tử hình. Vậy thì tại sao các nước Phật Giáo chúng ta lại không thực hiện được tương tự như vậy. Người ta luôn luôn có thói quen đổ lỗi cho ngưòi khác. Ðây là bản tính của con người. Chẳng hạn người phụ trách treo cổ, anh ta không chịu trách nhiệm việc treo cổ cho con người. Vậy thì ai chịu trách nhiệm? Cai tù bảo tôi lấy dây, cai tù lại nói rằng anh ta không chịu trách nhiệm. Vậy thì ai? Tòa tối cao ra lệnh cho vị đó bị treo. Nếu chúng ta hỏi tòa tối cao, vị đó sẽ nói ngài không chịu trách nhiệm. Vậy thì ai? Những nhà làm luật!  Nếu chúng ta hỏi những nhà làm luật, họ trả lời họ không chịu trách nhiệm. Những nhà làm luật trả lời: “Ðó là bổn phận của chúng tôi để bảo vệ xã hội thoát khỏi bàn tay những kẻ sát nhân”. Tôi ứng phó nghiêm túc: “Nhưng chúng tôi còn có khả năng bảo vệ xã hội tốt đẹp nếu chúng tôi gởi tội nhân ra côn đảo. Và lúc đó họ giữ im lặng. Hãy nhớ rằng nếu vị toà tối cao độc nhất nào phải kéo sợi dây bằng chính bàn tay mình, chắc chắn ông ta không bao giờ tuyên án một tội nhân bị tử hình. Nhưng giản dị chỉ vì tòa tối cao có thể luôn luôn tìm thấy các ác quỷ đáng thương kéo dây treo cổ thay thế cho mình, còn vị quan tòa, ông ta dửng dưng lặng lẽ ngồi dựa lưng trên chiếc ghế bành êm ái với giọng nói hoàn toàn khác thường, phát âm câu nói đầy tàn ngược: “Hắn sẽ bị treo cổ cho đến khi chết”. Và sau khi tuyên đọc những lời nói khủng khiếp như vậy, quan tòa về nhà chơi quần vợt hay giải trí khác với vợ con, hoàn toàn không quan tâm hay suy nghĩ gì về hành động độc ác mà ông đã làm trong ngày hôm ấy.

Ðến đây, nhờ quả lành vô lượng mà tất cả quý vị đã đạt được hôm nay do kiên trì lắng nghe bài Pháp khá dài này. Nguyện cầu tất cả quý vị hoàn thành viên mãn tinh thần Bất Bạo Ðộng thù thắng mà Ðức Thế Tôn đã từ bi khai thị. Cầu mong tất cả thính chúng sớm an tịnh tâm thức và chứng đắc Niết Bàn tối thượng.

Cư sĩ Mỹ Hồ đánh máy

http://www.buddhismtoday.com/viet/phatphap/haoquangchanly.htm

 


Vào mạng: 15-3-2002

Trở về mục "Đức Phật và Phật pháp"

Đầu trang