Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
Dâng sớ cầu an, cúng sao giải hạn

 

Trong đời sống này,
dù đông hay tây,
Việt Tàu Phi Ấn,
Anh Pháp Mỹ Nga,
hễ là người ta,
không hề phân biệt,
dù nam hay nữ,
biết chữ hoặc không,
tông môn giáo phái,
tín đồ tu sĩ,
bác sĩ luật sư,
xuất xứ ngành nghề,
trẻ già bé lớn,
thường dân quan chức,
học thức ít nhiều,
không điều riêng tư,
da trắng da đen
da vàng da đỏ,
không bỏ một ai,
thảy đều thường gặp:
 
những chuyện may rũi,
chuyện được chuyện mất
chuyện hên chuyện xui,
chuyện vui chuyện buồn
luôn luôn thay đổi,
trong mỗi phút giây,
 
lúc được tán thán,
khi bị phỉ báng,
nhiều khi chán ngán,
cái cảnh tình đời,
lúc được lên voi,
khi bị xuống chó,
không ai thèm ngó,
vợ bỏ con chê,
lúc được lên hương,
khi bị lọt mương,
hết đường chạy chọt,
lúc được hiển vinh,
khi bị tủi nhục,
ở tù rục xương,
lúc được sung sướng,
khi bị khổ đau,
không sao kể xiết.
 
Những lúc vui sướng,
cuộc đời lên hương,
chỉ biết thụ hưởng,
phủ phê hỉ hả,
không nhớ gì cả.
 
Nhưng khi quá khổ,
chịu đựng không thấu,
tranh đấu đảo điên,
khổ nạn liên miên,
bây giờ mới nhớ,
đến chuyện cầu nguyện,
khấn vái thần linh,
van xin bồ tát,
khẩn cầu thượng đế,
ban cho phép lành,
dành cho phép lạ,
hy vọng cầu may,
đổi thay vận mệnh.
 
Bởi vậy cho nên,
mỗi dịp đầu năm,
sau tết nguyên đán,
mùng tám tháng giêng,
người ta thường hay,
chạy ngay vào chùa,
nhân mùa thượng ngươn,
dâng sớ cầu an,
cúng sao giải hạn,
cầu cho nạn khỏi,
cầu cho tai qua,
cầu cho toàn gia,
bình an vô sự,
kể từ đầu năm,
chí những cuối năm.
 
Sẵn dịp trăng rằm,
cầu luôn đủ thứ:
 
nào được buôn may
gặp hên bán đắt,
một vốn bốn lời,
nhất bổn vạn lợi,
không đợi kiếp sau,
kiếp này trúng số,
con cháu đỗ đạt,
tiền bạc như nước,
sắm xe tậu nhà,
tha hồ sung sướng.
 
Những chuyện cầu nguyện,
van xin cầu khẩn,
khấn vái như vậy,
có thực hay không,
có được gì không?
 
Người thì nói có,
hễ cầu thì được,
linh ứng vô cùng,
nên tin là có,
mất mát gì đâu.
 
Kẻ lại nói không,
trông chi chuyện đó,
nằm mơ thì có,
mở mắt tay không,
không vẫn hoàn không,
uổng công dâng sớ,
mất tiền cúng sao,
mau mau tỉnh thức!
 
Tại sao như vậy?
Bởi vì, thử hỏi:
 
Sớ kia ai đọc?
chấp nhận hay không?
thực không ai biết!
Sao nọ ở đâu?
ảnh hưởng thế nào?
thực không ai biết!
 
Hãy nhân dịp này,
chúng ta cùng nhau,
xét thử xem sao,
cái chuyện đầu năm,
dâng sớ cầu an,
cúng sao giải hạn,
có đúng chánh pháp,
có ích lợi gì,
thực tế hay không?
 
* * *
 
Thực ra nếu như,
người ta tu nhân,
tích phước nhiều đời,
từ trước đến nay,
thì được gặp may,
không cần cầu nguyện,
chẳng cần van vái,
dâng sớ cầu an,
cúng sao giải hạn.
 
Những người đạo khác,
đâu có bận tâm,
dâng sớ cầu an,
cúng sao giải hạn,
nhưng họ có phước,
họ vẫn gặp may,
tiêu tai khỏi nạn,
tam tai đại hạn,
chẳng nghĩa lý gì,
chẳng cần cúng sao,
tào lao quá xá!
 
Hãy thử suy nghĩ:
Tại sao như vậy?
 
Bởi theo thông lệ,
từ xưa tới nay,
nhiều người thường hay,
vào chùa đầu năm,
dâng sớ cầu an,
cúng sao giải hạn,
nhưng mà tai nạn,
vẫn tới ào ào,
làm sao giải thích?
 
 
Theo đúng chánh pháp,
chúng ta phát tâm,
giúp đời giúp người,
gặp chuyện khó khăn,
khốn khó khổ đau,
cùng nhau tu tập,
hạnh nguyện bố thí,
tài thí pháp thí,
cùng vô úy thí,
cứu nhân độ thế,
giúp đỡ tiền của,
giúp công giúp sức,
giúp lời chỉ dẫn,
khuyên lơn an ủi,
cho người bớt lo,
cho đời bớt khổ,
bớt cơn sợ hãi,
thấy đâu là phải,
việc đúng thì làm,
đúng với chánh đạo.

 

Làm được như vậy,
chúng ta được phước,
dù không mong cầu,
chắc chắn không nghi.
 
* * *
 
Thử xét thí dụ:
trên chuyến phi cơ,
xe hơi xe lửa,
xe đò tàu thủy,
chỉ khi gặp nạn,
mới biết người nào,
có phước bao nhiêu,
người nào phước nhiều,
thoát nạn hiểm nguy,
đường tơ kẻ tóc,
một cách lạ lùng,
hoàn toàn an ổn,
người đời cho là:
phép lạ hiển linh,
thần tiên cứu giúp,
hoặc người đó hên,
cho nên mạng lớn.
 
Người nào kém phước,
cũng được người cứu,
chậm hơn một chút,
xây xát ít nhiều,
người đời cho là:
số người đó hên,
cho nên cứu kịp.
 
Người nào vô phước,
rước họa vào thân,
những kẻ ác nhân
làm việc thất đức,
không chịu tích phước,
chẳng chịu tu nhân,
thân không giữ được,
người đời cho là:
tới số mạng vong,
không ai cứu nổi.
 
* * *
 
Lúc gặp hiểm nguy,
người cầu Ðức Mẹ,
kẻ khấn Quán Âm,
lâm râm cầu nguyện.
Nếu như cả hai,
cùng được thoát hiểm,
vị nào cứu họ?
 
Còn nếu cả hai,
đều bị thảm tai,
chúng ta thử hỏi:
hai ngài ở đâu,
chẳng nghe kêu cứu?
bác ái từ bi,
sao nghe chẳng cứu?
 
Thực ra đó là:
chẳng có vị nào,
cứu hay không cứu,
khi người gặp nạn.
 
Chúng ta nên biết,
sự thực chính là:
thiện tâm phước báu,
cứu người giúp người,
khi gặp tai biến,
dù ở nơi đâu,
trên không trên đất,
trên sông trên biển:
 
còn phước thì sống,
hết phước mạng vong,
đừng mong cầu khẩn,
hãy mau giác ngộ.
 
* * *
 
Trong Kinh A Hàm,
Ðức Phật có dạy:
 
 "Chỉ có phước báo,
mới có thể làm,
giảm thiểu nghiệp báo".
 
Phước báu là do,
chính mình tạo ra,
chứ không phải do,
thượng đế ban cho,
hay do cầu nguyện.
 
Nếu cầu nguyện được,
tại sao nhiều người,
cùng cầu cùng nguyện,
kẻ chết người sống?
kẻ qua người vướng?
 
Chúng ta nên biết,
sự thực chính là:
người nào tích phước,
từ trước đến nay,
không cần cầu nguyện,
cuộc đời cũng an,
ít gặp nguy nan,
ít có sóng gió,
ít có trắc trở,
đở bớt phiền muộn,
tai qua nạn khỏi,
chuyện lớn hóa nhỏ,
chuyện nhỏ hóa không,
chuyện khó hoá dễ.
 
Khi tích phước đức,
dù ít hay nhiều,
đều được hưởng phước,
rước được điều may,
không hay thất bại,
tại thế an vui,
tai qua nạn khỏi,
gặp thầy gặp thuốc,
không chuốc ưu phiền,
người hiền thường gặp,
bệnh tật tiêu trừ,
tưởng như phép lạ.
 
Còn như cầu nguyện,
mà không tích phước,
thì cũng như không,
chẳng nên trông mong,
phép lạ xảy đến!
 
Nghiệp báo cũng do,
chính mình tạo ra,
chứ không phải do,
thượng đế thần linh,
hay bất cứ ai,
xúi bảo mình làm.
 
Chính do tâm tham,
xui khiến người ta,
nổi lên tâm ma,
cầu xin tiền tài,
giàu sang sung sướng,
một chút phẩm vật,
nhỏ nhoi chút xíu,
dâng cúng cho chùa,
nhà thờ đền miếu,
cầu xin bạc triệu,
liệu còn chưa đủ,
ngủ nghỉ ăn uống,
muốn danh muốn lợi,
tài sắc phù du,
muốn tu nên bỏ.
 
Chính do tâm sân,
xui khiến người ta,
nổi lên tâm ma,
cầu xin thắng kiện,
tàn hại kẻ thù,
triệt hạ đối thủ,
người họ không ưa,
vui mừng khi thấy,
kẻ thù thê thảm,
sống trong khổ nhục,
chết cũng không xong,
họ mới hài lòng.
 
Chính do tâm si,
xui khiến người ta,
nổi lên tâm ma,
cầu nguyện vãng sanh,
tây phương cực lạc,
mà không cần tu,
không gìn giữ giới,
ngay trong hiện đời,
đợi lúc hấp hối,
nói với người nhà,
rước người hộ niệm,
niệm mười tiếng ra,
liền được rước lên,
cảnh giới Di Ðà,
thiệt là vô minh!

 

* *

 

Trong Kinh A Hàm,
Ðức Phật có dạy,
thí dụ như sau:
 
Nếu một người nào,
phải bị trừng phạt,
nuốt một nắm muối,
thì sẽ đau khổ,
biết là dường nào.
 
Nếu bỏ nắm muối,
vào một tô nước,
rồi mới phải uống,
thì sẽ dễ chịu,
hơn một chút xíu.
 
Nếu bỏ nắm muối,
vào một lu nước,
rồi mới phải uống,
thì sẽ dễ chịu,
nhiều hơn chút nữa.
 
Nếu bỏ nắm muối,
vào một hồ nước,
rồi mới uống vào,
thì dễ như không,
không còn lớn chuyện.
 
Nắm muối tượng trưng,
cho các nghiệp nhân,
bất thiện chẳng lành,
con người đã tạo,
từ trước đến nay,
bây giờ phải lãnh,
nghiệp quả nghiệp báo,
nói chung đó là:
quả báo khổ đau,
không sao tránh khỏi.
 
Chỉ có phước báo,
ít hay là nhiều,
tượng trưng tô nước,
lu nước hồ nước,
mới có thể giúp,
con người vượt qua,
sóng gió ba đào,
nạn tai đau khổ,
như vậy mà thôi.
 
Ðó mới thực là:
chí công vô tư.
Mình làm mình hưởng.
Mình làm mình chịu.
 
* * *
 
Con người nên lo,
dừng nghiệp chuyển nghiệp,
tự mình suy xét,
chính bản thân mình,
đừng nhìn người khác,
tu sửa ba nghiệp:
thân khẩu và ý,
đừng làm bậy bạ,
đừng nói tốt xấu,
đừng nghĩ vẫn vơ,
ngay từ bây giờ,
đừng đợi đến khi,
nghiệp báo xảy ra,
dù có rên la,
không còn kịp nữa,
nghiệp báo vay trả,
chẳng ai thoát cả,
van xin cầu khẩn,
thì cũng muộn màng!
 
Cầu nguyện van xin,
dù tin hay không,
thực sự chẳng giúp,
chẳng ích gì đâu.
 
Hãy thử suy nghĩ:
Tại sao như vậy?
 
Bởi vì các vị,
giáo chủ giáo phẩm,
giáo quyền cao cấp,
giáo hội trung ương,
giáo sĩ địa phương,
một khi tai ương,
đến lúc xảy ra,
là ai cũng vậy,
cũng phải trả nghiệp,
đã tạo trước kia,
nhiều đời nhiều kiếp,
hoặc trong kiếp này,
cũng bị nguyền rủa,
vu khống cáo gian,
xử án khổ nạn,
bắt bớ giam cầm,
ám sát giết hại,
dù là người thân,
cũng không thay được.
 
* * *
 
Trong Kinh Pháp Cú,
Ðức Phật có dạy:
 
"Dù cho lên non,
xuống biển vào hang,
nghiệp báo đã mang,
vẫn theo con người,
như hình với bóng,
không ai có thể,
tránh được thoát được",
 
chính nghĩa đó vậy.
 
* * *
 
Tóm lại xưa nay,
cuộc đời đổi thay,
vui buồn sướng khổ,
cũng tại con người,
tạo phước cũng có,
tạo nghiệp cũng có,
tạo phước hưởng phước,
hưởng phước báo lành,
tạo nhân lãnh quả,
nhân thiện quả hiền,
nghiệp ác quả dữ.

 

Ðúng luật nhân quả,
áp dụng ba đời:
quá khứ hiện tại,
và cả vị lai,
chẳng hề sai chạy,
chẳng vị nể ai,
bất cứ người nào,
dù tin hay không,
nếu đã gieo nhân,
cũng đều gặt quả.
 
Trong sách có câu,
cổ nhân thường dạy:
"Lưới trời tuy thưa
mà chưa ai thoát".
Chữ "trời" có nghĩa:
nghiệp báo đã mang,
đến giờ phải trả,
chưa ai thoát được.
 
Thượng đế thần linh,
ơn trên thiêng liêng,
chí công vô tư,
không bao giờ làm,
theo lời cầu nguyện,
van xin khấn vái,
của những con người,
chẳng tích phước đức,
lại gây ác nhân,
thất đức vô cùng.
 
Chẳng hạn như là:
nay đâm bị thóc,
mai thọc bị gạo,
vu khống cáo gian,
khai man lý lịch,
lợi dụng pháp luật,
xúi người kiện tụng,
lợi dụng thần thánh,
kiếm tiền bất chánh,
giựt hụi quịt nợ,
sang đoạt tài sản,
chiếm hữu tác quyền,
làm tiền trắng trợn,
hung tợn hiếp người,
bần cùng cô thế,
bất kể khổ đau,
của bao người khác.
 
* * *
 
Ngày xưa chư Tổ,
có lòng dạy dỗ,
con người phát tâm,
làm lành lánh dữ,
tạo nên phương tiện,
dâng sớ cầu an,
cúng sao giải hạn.
 
Mục đích khuyến dụ,
mọi người về chùa,
cúng kiến lễ lạy,
mong cầu an tâm,
gia đạo hòa bình,
tánh tình hướng thiện,
rồi nhân dịp đó,
truyền bá chánh pháp,
giảng bát chánh đạo,
đó là chánh kiến,
và chánh tư duy,
chánh ngữ, chánh nghiệp,
cùng là chánh mạng,
và chánh tinh tấn,
chánh niệm, chánh định,
giảng dạy nhân quả,
giảng lý vô thường,
phước đức công đức,
phước báo quả báo,
đọc tụng kinh điển,
thuyết pháp giáo lý,
chí tâm tu tập,
dạy các pháp môn,
niệm Phật ngồi thiền,
hiền lành tạo phước,
việc thiện làm trước,
từ khước ác nhân,
tu tâm dưỡng tánh,
giúp đỡ con người,
giác ngộ chân lý,
thấy được sự thực,
giải thoát khổ đau,
xây dựng cuộc sống,
an lạc hạnh phúc.
 
* * *
 
Ngày nay chúng ta,
tâm Phật tâm ma,
lẫn lộn khó phân,
cho nên tạm dùng,
phương tiện thiện xảo,
cúng sao giải hạn,
dâng sớ cầu an,
khi còn hoang mang,
tâm thường bất an,
gian nan khốn khổ,
không chỗ nương tựa,
vì chưa hiểu đạo,
chẳng biết làm sao,
thực hành thế nào,
cho đúng chánh pháp.
 
* * *
 
Giờ đây thấu hiểu,
rõ ràng không nghi,
đâu là chánh pháp,
chúng ta phát nguyện:
dừng nghiệp chuyển nghiệp,
quày đầu hướng thiện,
quyết tâm trì chí,
tu tâm dưỡng tánh,
tránh làm điều ác,
chỉ làm điều thiện,
giữ tâm thanh tịnh,
tích cực chuyển hóa,
cuộc sống tâm linh,
của bản thân mình,
ngày được tốt hơn,
tâm được an hơn
cuộc sống tốt hơn,
an lạc hạnh phúc.
 
Như vậy thực tế,
những người xung quanh,
cùng chung phúc lạc,
cho đến một ngày,
ngộ được chánh đạo,
đạt được đỉnh cao:
niết bàn giải thoát.

http://www.buddhismtoday.com/viet/phatphap/cauan_gianhan.htm

 


Vào mạng: 1-1-2002

Trở về mục "Đức Phật và Phật pháp"

Đầu trang