Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
Hội nghị SAKYADHITA lần thứ bảy

Hội nghị Sakyadhita (những người con gái của Đức Phật) lần thứ bảy này (1. xem Sakyadhita Website: http://www2.hawaii.edu/~tsomo) được tổ chức tại trường đại học Hoa Phạn nằm trên đỉnh một ngọn núi cách thành phố Đài bắc một tiếng đồng hồ xe taxi, đã tập trung được 326 thành viên gồm các Ni trưởng, Ni sư, Sư cô (khoảng 200 vị) và các nữ Phật tử  (gần 126 vị) ở 27 nước như Cam-pu-chia, Đại hàn, Miến điện, Ấn độ, Bangladesh, Bhutan, Mông cổ, Việt nam, Nepal, Tích lan, Thái lan, Nhật bản,  Mỹ, Canada, Đức, Ý, Úc, Tân Tây lan, Tây Ban Nha, Tân Tây tạng, vv …………..  vàø dĩ nhiên đặc biệt là ở Đài loan, nơi được xem là một trong những nước Phật giáo mạnh và có tiến bộ nhất trên thế giới.

Đây là lần thứ hai chúng tôi (năm ni sinh đang du học tại Delhi, Ấn độ) tham dự hội nghị (2. xin đọc bài ‘Sakyadhita – Hội phụ nữ Phật giáo thế giới’ (do tác giả viết vào 23-2-2000) trên báo Giác ngộ (VN), Giao Điểm (Mỹ) và trên webside: http://www.buddhismtoday.com) và đây cũng là lần đầu tiên chúng tôi nhân đi dự đại hội này mà được tham quan đất nước và cuộc sống tại Đài loan. Cũng có ba sư cô Việt nam ở thiền viện Linh chiếu, Long Thành, tỉnh Đồng nai tham gia cuộc hội nghị này.

Vừa đặt chân đến phi trường Chiang Kai Shek, Đài loan lúc 12 giờ trưa ngày 10-7-2002, trời vội ban cơn mưa mát rượi như xoa dịu bớt cái nóng oi bức 46 độ mà chúng tôi đã trải qua ở Delhi. Ngồi trên xe buýt qua khung cửa kiếng nhìn xem mưa rơi. Mưa vẫn tiếp tục rơi đều nhẹ hạt. Mưa qua những đại lộ phù hoa, những dãy nhà cao ngất, những đường hầm xuyên núi, những thảo nguyên xanh bàng bạc, những khu rừng già cận nhiệt đới mọc theo thế núi đồi thấp cao, những đường đèo đá uốn khúc quanh co  ... mưa lên đến đỉnh núi là chúng tôi đến được trường đại học Hoa phạn. Thật là một khung cảnh ngoạn mục của núi non bao la. 

Trường đại học Hoa Phạn do ni trưởng tài hoa Hiểu Vân (Hiu Wan) thành lập vào năm 1990. Năm nay ni trưởng đã 92 tuổi, ngài vừa là nhà nghệ sĩ, nhà thơ, nhà văn, hoạ sĩ, nhà giáo dục và trên tất cả là một thiền sư cống hiến rất nhiều cho Thiền Bát Nhã Phật giáo Đài loan. Như các trường đại học khác, trường đại học Hoa Phạn có nhiều toà cao ốc rộng lớn thuộc nhiều ngành học khác nhau, giảng đường, ký túc xá, thư viện, sân khấu, phòng chiếu phim với những tiện nghi hiện đại, thêm vào đó còn có trung tâm thiền, phòng tranh do ni trưởng hoạ, những vườn hoa, gác chuông, hòn non bộ ... trang trí thanh nhã và đầy thiền vị rất thích hợp cho hội nghị Sakyadhita gồm cả hai giới xuất gia và tại gia tham dự.

Đa phần những vị có mặt hôm nay không kể tăng hay tục thuộc Phật giáo, Thiên chúa giáo, hay Hồi giáo …….. đều thuộc thành phần trí thức như các nữ giáo sư, nghiên cứu sinh, sinh viên ở các trường đại học, cao đẳng, nữ thiền sư, các nhà hoạt động xã hội ….. ở các nơi trên thế giới tụ tập về nơi đây để san sẻ ý tưởng của mình và đóng góp ý kiến cho những vấn đề nóng bỏng mà xã hội đang đối mặt. Sau khi nghe diễn thuyết viên trình bày xong, từng nhóm nhỏ khoảng mười vị tập trung để bàn luận cụ thể lại những vấn đề mà diễn trình viên vừa nêu ra. Nếu chủ đề của Hội Nghị Phụ Nữ Phật Giáo Thế Giới lần thứ sáu tổ chức từ ngày 1-2-2000 đến 7-2-2000 tại chùa ni Kiều Đàm Di (International Goutami Nun ‘s Temple), Lumbini, Nepal là “Phụ Nữ, người mang lại Hòa Bình: cho chính mình, cho gia đình, cho xã hội và cho thế giới” thì tiêu đề cuộc hội nghị lần thứ bảy này là ‘Nhịp cầu thế giới’ (Bridging Worlds), bởi lẽ nơi đây những thành phần tham dự từ nhiều ngành học thuật khác nhau ở  nhiều nơi trên khắp thế giới sẽ giao lưu nối nhịp cầu giao thông với nhau về các mặt đa dạng như: Phụ nữ Phật giáo tại Đài loan, Phụ nữ Phật giáo trên thế giới, nhịp cầu những truyền thống Phật giáo, nhịp cầu những tôn giáo trên thế giới, nhịp cầu đời sống hàng ngày và lý tưởng xuất thế, nhịp cầu lý thuyết và thực hành, nhịp cầu các thế hệ, nhịp cầu cổ đại và hiện đại, nhịp cầu khoảng cách giới tính và cải cách thể chế. …..  với mục đích để làm mạnh thêm sự liên minh của Sakyadhita trên khắp thế giới cho sự nghiệp hoà bình, hoà hợp và bình đẳng xã hội, cùng hợp tác để tìm hiểu sự ứng dụng của Phật giáo trong bối cảnh toàn cầu mới, làm mạnh thêm năng lực phụ nữ và những cống hiến của phụ nữ Phật giáo cho hoà bình thế giới, để tăng trưởng sự bình đẳng và đoàn kết giữa các truyền thống Phật giáo, làm sống lại Phật giáo theo đạo đức toàn cầu mới, để cùng làm việc cho hội chúng tỳ kheo ni trên khắp thế giới, tạo sự kính trọng những khả năng tinh thần của phụ nữ, tạo điều kiện cho phụ nữ học tập nghiên cứu và tu tập có kết quả, xây dựng những nhịp cầu thông tin với những tổ chức dẫn đầu Phật giáo trên thế giới để cùng hợp tác tạo lợi ích tương trợ lẫn nhau đẩy mạnh các hoạt động phụ nữ, cải thiện đời sống, cộng đồng và thế giới của họ…….. Được biết kinh phí trang trải cho cuộc hội nghị Sakyadhita lần thứ bảy này là do Hội Phụ nữ Phật giáo Quốc tế Sakyadhita, Hội Bảo vệ người mù Ngộ Nguyên (Wuyen)- Đài loan, Trung tâm Nghiên cứu Phật học của trường đại học Quốc Gia-Đài loan, Trung tâm Bồ đề, đại học Hoa Phạn và nhiều mạnh thường quân khác tại Đài loan bảo trợ. Ngoài ra trong ban tổ chức của hội còn có được một lượng hùng hậu các sư cô và nữ Phật tử tại bản xứ Đài loan, đặc biệt ở phương Tây như Anh, Mỹ, Đức, Canada, Ý …….. rất thông thạo hai sinh ngữ Anh, Hoa để chuyển ngữ cho chương trình và trong giao tế. Đây cũng là một tiềm lực mạnh mẽ của hội với sự góp sức của nhiều thành phần trí thức. Điều này cũng cho thấy sư cô Karma Lekshe Tsomo, phó giáo sư của trường đại học San Diego (Hoa Kỳ), chủ tịch hội Sakyadhita rất thành công trong việc thành lập hội Phụ Nữ Phật Giáo Thế Giới Sakyadhita (Những người con gái của Đức Phật) này. Thiết nghĩ cũng cần thiết dành đôi dòng để giới thiệu về sư cô và công đức công hiến của sư cô như sau:

Sư cô Karma Lekshe Tsomo là người Mỹ (Hawai), tuổi đời 57 (1944), tuổi đạo 20, xuất gia tu học theo Phật giáo Tây tạng và là đệ tử của Ngài H.H. Dalai Lama thứ 14, ngài Karmapa thứ 16 và ba hoà thượng ni: 1) Khechog Palamo (người Anh), 2) Thiền sư ni (Đại hàn) và 3) Ni trưởng Hiểu Vân (Đại loan-nhà sáng lập trường đại học Hoa Phạn). Năm 1977 thọ sa di ni theo truyền thống Tây tạng ở phía Nam nước Pháp. Được sự chấp thuận của hai ngài Dalai và Karmapa, sư cô đến Đài loan thọ giới tỳ kheo ni (3. Không có tỳ kheo ni trong Phật giáo Tây tạng. Tỳ kheo ni xuất hiện ở Trung hoa vào thế kỷ thứ V, du nhập ở Nepal và hiện hữu ở Ấn độ từ thế kỷ VIII_X. Không có những bằng chứng lịch sử chứng minh rằng có bất cứ tỳ kheo ni nào đến Tây tạng để truyền giới và ngược lại. Có thể đường du lịch ngang qua dãy núi Hi mã lạp sơn quá cao đã ngăn chặn việc thành lập ni giới ở Tây tạng. Do đó, sư cô phải đến nước khác để thọ Tỳ kheo ni. Trích Si sters in Solititude, Karma Lekshe Tsomo, trang giới thiệu), nhưng trên đường đến Đài loan ngang qua Đại hàn, nghe nói có mở giới đàn với đủ hai bộ đại tăng và ni nên sư cô đã thọ đại giới tại đây vào tháng 10-1982. Vì đã có sắp xếp đại giới đàn tỳ kheo ni tại chùa Hai Ming-Đài loan do đại tăng truyền, nên sư cô cũng tham gia thọ tại đây vào tháng 11-1982. Sư cô đã tu học ở Dharamsala, Ấn độ hơn 15 năm với các khoá học cùng với chư tăng (lẽ thường ni giới phải học riêng biệt) và đã học các môn như Lo-gic Phật giáo (1 năm), Trí tuệ Bát nhã (6 năm), Trung luận (3 năm), luật (1 năm) và Abhidharma (1 năm). Sư cô đã tốt nghiệp Tiến sĩ về ngành Triết học ở trường đại học Hawai năm 2000, hiện là giáo sư dạy môn Phật học và các Tôn giáo thế giới ở trường đại học San Diego. Từ năm 1987, sư cô đã là giám đốc của Trung Tâm Jamyang-một kế hoạch thành lập tám chương trình giáo dục cho các phụ nữ ở vùng núi Hi mã lạp sơn, Ấn độ và đã xuất bản nhiều cuốn sách nổi tiếng về Phụ nữ Phật giáo. Sư cô là thư ký của hội Phụ Nữ Phật Giáo Thế Giới Sakyadhita từ năm 1987-2001, hiện nay (2002) là chủ tịch của hội và đã cùng hợp tác tổ chức chín cuộc hội nghị Phụ Nữ Phật Giáo Thế Giới Sakyadhita, đặc biệt sư cô rất quan tâm ni giới ở những nước đang phát triển, đã vận động bảo trợ cho họ có phương tiện tu học và có điều kiện đến tham dự các kỳ hội nghị tổ chức ở nhiều nước khác nhau để họ được nâng cao tầm hiểu biết về phụ nữ Phật giáo trên thế giới nhiều hơn. Sư cô rất đĩnh đạc, trầm tĩnh, dáng người trung bình, mắt xanh, da trắng, bên tay phải của sư cô mang nhiều vết thẹo được biết do sư cô đi khai phá rừng xây tu viện Jamyang Choling cho ni chúng Tây tạng ở Ladah, Ấn độ đã bị rắn cắn nên để lại những thương tích đó.

Chương trình hội nghị Sakyadhita lần thứ bảy này kéo dài từ 11-7 đến 18-7-2002 như sau:

Sáng 7 giờ:             Thiền định

            8 giờ:            Điểm tâm

            9-10 giờ:      Thuyết trình

            10-10:25:      Hỏi và đáp

            10:30-11:30: Thảo luận từng nhóm nhỏ

            11:30              Cơm trưa

            12:00-1:00      Nghỉ trưa

Chiều  1:00-2:00       Thuyết trình

            2:00-2:25      Hỏi và đáp

            2:30-4             Thuyết trình

            4:00                 Uống trà

            5:00                 Tụng kinh và ngồi thiền

            6:00                 Ăn tối

            7:00                 Giao lưu văn hoá (chiếu phim, văn nghệ …………..)

Trong cuộc hội nghị kéo dài một tuần này có gần 50 bài phát biểu về những vấn đề phụ nữ, phụ nữ Phật giáo và các tôn giáo khác như sư cô Tenzin Palmo (người Anh tu theo Phật giáo Tây tạng đã ẩn tu 12 năm trong hang núi Dharamsala,Ấn Độ và đã viết hai cuốn sách nổi tiếng ‘Cave in the Snow’ (Hang động trong tuyết) tường thuật về quá trình ẩn tu đó) và cuốn ‘Three teachings’ (Ba lời dạy), vào ngày khai mạc đại hội này sư cô thuyết trình với đề tài nóng bỏng: ‘Như vậy tôi nghe: Tiếng nói của người nữ cất lên trong Phật giáo’, Bà Ranjani de Silva (người Tích Lan, cựu chủ tịch của hội Sakyadhita) đã trình bày đề tài ‘Chánh niệm trong hành động: Sakyadhita và những hoạt động xã hội ở Tích lan’, sư cô Hạnh Huệ (Việt nam) ‘Ni giới Phật giáo Việt nam’, Ni sư Dhamma Karuna (người Mỹ nhưng thầy bổn sư là người Việt nam) thuyết trình chủ đề ‘Nối nhịp cầu đối thoại lẫn nhau’, Sư cô K. L. Tsomo ‘Tình tỷ muội ngang qua các nền văn hoá: Tính bao quát và thông cảm trong phong trào Phụ nữ Phật giáo’, Cô Qianhui Yang (Đài loan) ‘Từ Gia đình đến tháp, đến chùa: Sự gắn bó giữa ni chúng và cận sự nữ’, sư cô Nhân Lãng (Đài loan) ‘Truyền pháp qua nhiều thế hệ’, sư cô Minh Huệ (Việt nam)‘Bản chất và vị trí của Người nữ trong lời dạy của Đức Phật’, ngoài ra còn có ma sơ Dr. Malia Dominica Wong (Mỹ) thuyết trình với đề tài ‘Tình thương trong bất cứ ngôn ngữ nào’ để minh hoạ cho chủ đề của mình, ma sơ đã đưa cao tấm tranh vẽ hình nhiều đứa bé kháu khỉnh với đủ sắc tộc và đủ màu da trên khắp thế giới đang đứng nép đầu cạnh nhau cùng hướng về phía trước, nhoẻn miệng cười xinh xắn thật tươi và phát cho mỗi thành viên tham dự một chuổi đeo tay với hình người môi nở nụ cười, còn có một cô thuộc Hồi giáo (người Tây Ban nha) tên Hawwa Morales Soto thuyết trình ‘Xây dựng những nhịp cầu: Viễn cảnh của phụ nữ Hồi giáo’, đa phần các bài thuyết trình còn lại là giới thiệu về sinh hoạt ni giới và cận sự nữ của từng nước với những nét đặc sắc và truyền thống riêng biệt của nước mình, đặc biệt ở ni giới Phật giáo Đài loan hiện nay tăng gấp ba lần số lượng tăng chúng và gần như đông nhất thế giới. Đa số ni chúng có trình độ cao về đạo học lẫn thế học và trở thành lực lượng hùng hậu trong việc tham gia vào các chương trình xã hội như văn hóa, giáo dục, cứu trợ, nghi lễ, hoằng pháp, từ thiện...Quý ni sư đã được mọi giới kính trọng và đóng một vai trò chính trong sự nghiệp "hoằng pháp gia vụ, lợi sanh đạo nghiệp" của Phật giáo ở Đài loan trong những thập kỷ gần đây... ( 4. xem chi tiết ở webside: http://www.sakyadhita.org).  Điều này cũng được giới thiệu đầu tiên qua bài diễn văn của bà Annette Lu, phó tổng thống Đài loan trình bày trong ngày khai mạc đại hội Sakyadhita (11-7-2002). Bà đã san sẻ ý kiến rằng bà đã học luật ở Mỹ vào thập niên 1970, khi trở về lại Đài loan, Annette Lu đã bị chấn động khi thấy rằng có sự tranh luận liệu nên giới hạn việc cho các phụ nữ trẻ đến các trường đại học Đài loan không? Bà bắt đầu gia nhập vào phong trào Phụ nữ, phong trào nền dân chủ Đài loan và đã bị giam tù 6 năm trong những thập niên 1980 vì gia nhập phong trào dân chủ này. Hiện nay Annette Lu là người phụ nữ làm phó tổng thống đầu tiên trong lịch sử Đài loan. Bà đã cho rằng với sự phát triển giáo dục và kinh tế sẽ giúp nâng cao vị trí của phụ nữ và khiến họ nhận ra được tiềm năng to lớn của họ. Bà là phó tổng thống của một nước Cộng hoà, Đài loan và là một phụ nữ đã đề xướng khẩu hiệu ‘Sức mạnh của sự mềm diệu’ (soft power) nghĩa là sức mạnh không dựa vào bạo lực, vũ khí mà dựa vào lòng từ bi, hợp tác, khoan dung và trí tuệ. Annette Lu cũng là một Phật tử, đặc biệt bà tin rằng phụ nữ Phật giáo bây giờ có sự tiến bộ trong tinh thần bình đẳng của các phụ nữ thế giới và có thể là một lực lượng to lớn trong sự thay đổi xã hội và cho nền hoà bình thế giới ngày nay.   

9 giờ sáng ngày 17-7 lễ bế mạc được diễn ra trong không khí trang nghiêm và luyến tiếc. Sau khi chụp ảnh lưu niệm, lễ cảm tạ, tặng quà lẫn nhau, chúng tôi bắt đầu đi tham quan thành phố Đài bắc trên ba chiếc xe buýt du lịch loại lớn. Bữa tiệc trưa linh đình tại một nhà hàng thành phố Đài loan do CYBA (Hội Thanh Niên Phật giáo Đài loan) đãi với hơn bốn chục món ăn, thức uống phong phú màu sắc và hương vị. Chiều 3 giờ, đoàn Sakyadhita đã viếng thăm viện bảo tàng Palace nơi trưng bày nhiều tranh tượng quý hiếm cổ đại đặc biệt thuộc đời Đường. Tối đó, chúng tôi nghỉ lại tại Langyang Ashram, một chi nhánh của ni giới thuộc Phật Quang sơn do hòa thượng Tinh vân thành lập. Quý sư cô đã tiếp đãi chúng tôi hậu hỉ chu đáo và ca hát nhạc đạo rất sinh động trẻ trung khiến ai nấy trong đoàn như tiêu tan đi bao nhiêu mệt mỏi và cùng vỗ tay hoan hỉ hoà điệu theo. Những ngày sau đó đoàn đã đi viếng Trường đại học Phật quang, cũng thuộc hội Phật quang sơn; bịnh viện và học viện của ni trưởng Từ tế – một vị có công rất lớn trong công tác y tế tại Đài loan; chùa Tường đức, Taroko, Hualien có tượng Phật Địa tạng cao nhất thế giới nằm phía đông Đài loan, đây cũng là một điểm rất đông khách du lịch vì cảnh trí chùa nằm trên đỉnh núi cao, với nhiều ghềnh đá, suối chảy tự nhiên, tuy nhiên đường đến đây cũng hơi đáng lo ngại, vì phải chạy ngang qua nhiều núi non, đèo cao uốn khúc, có khi một bên là biển, một bên là núi đá mà đường xe chạy rộng vừa đủ cho một chiếc xe. Trưa ngày 19-7, chúng tôi viếng thăm chùa Đạo Chủng-nơi đang bề bộn trong công trình xây dựng thành lập chùa, vậy mà quý ni sư cũng chu đáo lo cho đoàn Sakyadhita một buổi cơm trưa đầy đạo tình và còn tặng cho mỗi thành viên một bao vải nhỏ với tô, chén, đĩa, đũa xinh xắn gọn nhẹ rất tiện cho đi hành hương chiêm bái. Đoàn chúng tôi cũng viếng thăm ký nhi viện (Shin Fu Ai Er Yuan) tại Lo tong, các cô nhi tuổi từ 4 đến 15 đã múa quạt, múa đèn, đánh võ ..…trình diễn cho hội nghị xem; và điểm cuối cùng là chùa Kim quang minh, Đài bắc một chi nhánh của Hội Phật quang sơn. Tại đây vào sáng ngày 20-7-2002, đoàn Sakyadhita bắt đầu chia tay mỗi người mỗi ngả trở về cố quốc trong Phật sự của mình và hẹn gặp nhau trong đại hội lần thứ tám năm 2004 tại Đại hàn. Sau đó, chúng tôi (năm ni sinh Việt nam và 7 sư cô Tích Lan, Đài hàn, Tây tạng) lại tiếp tục theo sư cô Mãn Quang (Phó bộ ngoại giao của Hội Phật quang sơn, Cao Hùng) đi về phía Đài nam viếng thăm Phật quang sơn, nơi nổi tiếng thế giới về các sinh hoạt Phật giáo …………………..

               

                                                           Phật quang sơn-Cao Hùng, 20-7-2002

http://www.buddhismtoday.com/viet/pgtg/sukien/Sakyadhita7.htm

 


Vào mạng: 1-8-2002

Trở về mục "Phật giáo năm Châu"

Đầu trang