Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
Thảm hoạ thiên niên kỷ mới:
Bút ký cứu trợ tại Gujarat
Thích Nhật Từ

It is never too late to do relief work !

Trận động đất với cường độ địa chấn 6.9 Richter vào lúc 8.50 sáng ngày 26-1-2001 tại bang Gujarat, Ấn Độ đã cướp đi mạng sống của gần 100.000 người, làm hư hỏng 7633 ngôi làng, với mức độ thiệt hại tài sản không tính đếm được, 350.000 gia đình phải sống cảnh màn trời chiếu đất. Thể hiện tình thương của người con Phật, phái đoàn từ thiện chùa Thiên Ấn và Phật giáo Úc châu đã không ngại gian khó, đáp máy bay đến Ấn Độ vào ngày 15-2-2001.  Phái đoàn gồm có 5 người do thầy Như Định làm trưởng đoàn, bốn thành viên còn lại là gia đình anh Tuệ Quán, chị Hậu, cháu Lê Hiền và Lê Philip. Cảm động trước tấm lòng của thầy Như Định, tôi và nhà báo Manpreet Singh đã tham gia và hỗ trợ đoàn trên suốt lộ trình cứu trợ.

Hai ngày 16-17 tháng 2, chúng tôi dành thời gian đi mua sắm hơn 1000 bộ quần áo ấm đủ cỡ tại thủ đô Delhi Ấn Độ và hỏi thăm về tình hình địa dư, chợ búa và các thông tin cần thiết khác. Tối ngày 17-2, chúng tôi đi xe lửa tốc hành lên Ahmedabad, thủ đô của bang Gujarat và cũng là một trong 5 nơi xảy ra động đất. Nơi xảy ra động đất chính là thành phố Bhuj; ba chỗ bị thiệt hại nặng còn lại là Bachau, Anjar và Gandhidham. Nhờ cách thành phố Bhuj khoảng 400 cây số, nên mức độ thiệt hại ở Ahmedabad không cao. Ước tính có khoảng 1000 người bị chết tại đây. Các toà cao ốc bị sập đổ đều thuộc khu vực Ahmedabad Mới và phần lớn là những toà nhà không có cột chống đỡ, hoặc cột quá yếu. Trong khi đó, khu Ahmedabad Cũ cách đó khoảng 7 cây số không hề bị ảnh hưởng gì cả.

Đến Ahmedabad vào lúc 10 giờ sáng 18-2. Vì là chủ nhật, nên phần lớn chợ đều đóng cửa. Chúng tôi phải vất vả lắm mới mua sắm đủ toàn bộ thực phẩm và hàng hoá cứu trợ. Với số lượng tiền 50.000 đô la Úc (tương đương 14.5 laks rupee Ấn Độ) của chư tôn đức Tăng Ni và quý Phật tử, phái đoàn đã mua được 1500 cái mền, 1500 cái lều với ba cỡ lớn, trung bình và nhỏ, 2000 cái xô đựng nước, 1000 ký bánh mì khô, 1000 ký mã mạch (Channa) và 1000 ký Chawana, một loại thực phẩm rất được dân Ấn ưa chuộng. Chúng tôi phân làm 6000 gói thực phẩm, mỗi gói nửa ký. Theo đề nghị của thầy Như Định, chúng tôi sẽ phân phối cho 2000 gia đình tại bốn địa điểm bị động đất nặng nhất là Bachau, Anjar, Bhuj và Gandhidham. Đoàn đã phải thuê cả 3 xe tải mới chở hết khối hàng hoá đó.

Từ Ahmedabad chúng tôi khởi hành đi Bhuj vào lúc 2.30 chiều ngày 19-2. Đến 9.30 tối chúng tôi dừng lại tại một quán trọ bên đường để hỏi thăm. Chủ quán trọ cho chúng tôi hay rằng đoàn sẽ không thể đi tiếp vì suốt chặng đường còn lại không có đèn đường và cư dân, và do đó khó đảm bảo được an ninh. Do trận động đất tang thương này, nhiều người nghèo khó ở các bang lân cận đã tập trung ở các khu phố bị sụp đổ để trộm cắp và tìm của. Chính quyền Ấn Độ đã ra sắc lệnh cho phép công an bắn chết tại chỗ những ai bị phát hiện trộm cắp tại những nơi bị động đất. Trước tình thế đó, chúng tôi đành nghỉ đêm trong sân của một ngôi chùa Ấn giáo cách đó vài cây số. Trước đó 35 phút, đã có một trận rung chuyển đất diễn ra với cường độ địa chấn 4.50.  Vào 5 giờ sáng ngày hôm sau, chúng tôi tiếp tục lên đường. Chúng tôi đi qua Bachau vào lúc 11 giờ 30, nhưng chỉ ngừng lại tại thành phố Anjar, vào lúc 2 giờ trưa. Trên suốt đoạn đường dài hơn 80 cây số từ Bachau đến Bhuj, hầu như nơi nào chúng tôi cũng thấy những ngôi nhà bị sụp đổ, những cột tường bị gãy nứt, và thỉnh thoảng có những vết nứt lớn trên đường xa lộ.

026-cuutroAnjar.jpg (27201 bytes)

Quang cảnh một dãi phố đổ nát ở Anjar

Khi đến Anjar, bỏ luôn thời ăn trưa, chúng tôi vội bắt tay vào việc phân phối thực thẩm cho các nạn nhân bị động đất tại đây. Anjar là một thành phố tương đối khá giả. Trận động đất đã cướp đi mạng sống của khoảng 20.000 người dân và nhiều dãy phố đã trở thành những dãi gạch vụn, không thể tưởng tượng.

026-cuutrophanphoi.jpg (34063 bytes)

Thầy Như Định, thầy Nhật Từ và ba anh tài xế đang phân phối tặng phẩm

Chúng tôi cũng  đi ngang qua những dãy phố đổ nát, đã vùi chôn 400 em học sinh tiểu học và 50 cô giáo, ngay lúc toàn trường đi diễu hành trên phố để chào mừng ngày quốc khánh Ấn Độ. Điều khó hình dung được là cách khu phố bị sụp đổ này vài trăm mét, các khu phố lân cận vẫn đứng vững một cách hiên ngang. Thầy Như Định không kềm được nỗi xúc động, thở dài nói, "đây là dấu ấn cho thấy sự khác nhau của biệt nghiệp và cộng nghiệp mà đức Phật đã dạy trong kinh điển." Chúng tôi dừng lại tại những khu phố bị đổ nát này vài mươi phút, tham quan, thương cảm và cầu nguyện cho những người bất hạnh.

026-cuutroAnjar2.jpg (33889 bytes)

Một dãy xà bần vốn là hậu thân của một dãi phố ở Anjar

"Này các bạn, hãy lại đây, hãy lại đây," anh Kumar, một trong các nạn nhân còn sống sót,  không ngớt kêu chúng tôi. Đoạn anh chỉ xuống đống gạch vụn dưới chân anh, rồi buồn bã nói "cả gia đình tôi đã bị vùi chôn dưới đống gạch này. Xác của vợ tôi, cha mẹ tôi và hai đứa con của tôi đã rã thối dưới ngôi nhà sụp nát chưa được dọn dẹp này." Tôi an ủi anh rồi hỏi: "tại sao anh không vào trại tập trung cho an toàn?" "Đối với tôi cái chết không còn là nỗi sợ hãi nữa. Bởi lẽ không ai biết được cái chết sẽ đến với mình lúc nào," anh vừa triết lý vừa để tự an ủi.

026-cuutroAnjar4.jpg (29983 bytes)

Anh Kumar (đứng giữa) đang cầm đồng hồ chỉ chúng tôi giờ xảy ra động đất
và gia đình anh đã bị vùi chôn dưới đống gạch vụn của ngôi nhà

Tờ mờ sáng, anh Kumar đã rời trại tập trung ra ngồi cạnh đống gạch vụn để thương tưởng người thân cốt nhục của mình. Tối đến anh vào trại tập trung để ngủ. Tình trạng đau buồn như của anh không phải là duy nhất. Chúng tôi cũng gặp nhiều gia đình lâm vào cảnh đau thương tương tự. Lúc chúng tôi đến đây đã hơn 20 ngày sau cơn động đất, ấy thế mà chính quyền Ấn Độ vẫn chưa mang ra hết những xác chết bị vùi chôn dưới khối gạch vụn. Đó là chưa kể những làng xã ở tận những nơi hẻo lánh, xa xôi.

Theo hướng dẫn của dân địa phương, chúng tôi liền đến một trại tập trung cách đó 2 cây số. Trại tập trung này được chia làm hai khu: một khu dành cho dân Ấn giáo giai cấp cao, và một khu dành cho dân giai cấp thấp. Nạn nhân giai cấp cao được chính quyền chu cấp cho những túp lều tương đối tốt trong khi đó dân giai cấp thấp chỉ sử dụng các tấm bạt hay vải bố để làm lều chống sương gió qua đêm.

026-cuutroleugiau.jpg (31756 bytes)

Một trại tập trung của giai cấp cao tại Anjar

Chúng tôi dừng lại phía sau của hai khu tập trung này và mời những nạn nhân đến để nhận tặng phẩm. Các nạn nhân giai cấp cao chỉ xin chúng tôi lều và mền. Các nạn nhân giai cấp thấp không từ chối bất cứ tặng phẩm nào do đoàn biếu tặng. Anh Manpreet và ba anh tài xế điều động và giữ trật tự để mọi người xếp theo hàng đôi. Thầy Như Định, tôi, anh Quán, chị Lan thay nhau phân phối.

026-cuutrophanphoi2.jpg (56950 bytes)

Đoàn đang phân phối tặng phẩm tại Anjar

Hiền và Philip vừa quay phim vừa trông hành lý của đoàn. Khi phân phối được khoảng hơn 100 người, chúng tôi không sao tiếp tục được công việc. Mọi người dường như sợ không đến phần mình, đã nhào đến và leo lên xe tải để lấy thực phẩm. Chúng tôi đành cho xe tải nổ máy chạy. Đi được hơn 1 cây số, chúng tôi dừng lại để bàn thảo kế hoạch mới. Bàn thảo chưa xong, hàng chục nạn nhân đã đuổi kịp chúng tôi. Họ lại ồ ạt leo lên xe tải. Chúng tôi tặng một số cho họ, rồi tiếp tục lên đường. Trạm cứu trợ đầu tiên của chúng tôi không làm cho chúng tôi hài lòng. Rời khỏi trại, lòng chúng tôi đau như cắt . . . nhưng không còn cách nào khác.

Theo yêu cầu của thầy Như Định, chúng tôi quyết định đi vào những làng xã hẻo lánh, những nơi ít được các tổ chức từ thiện đặt chân đến. Manpreet và tôi liên lạc với dân địa phương để hỏi thăm tin tức. Dọc lộ trình, những nơi nào thương tâm, chúng tôi đều dừng lại để gởi tặng ít thực phẩm, theo tinh thần của ít lòng nhiều.

026-cuutroRatnal.jpg (51570 bytes)

Dãy gạch vụn của làng Ratnal

Khoảng 1 giờ đồng hồ sau, chúng tôi đến làng Ratnal, cách Bhuj khoảng 20 cây số. Đây là khu cư dân trung lưu và lao động. Khó mà tìm thấy một ngôi nhà nào còn nguyên vẹn. Đâu đâu chúng tôi cũng nhìn thấy những dãy gạch đổ nát, chồng chất lên nhau. Tại đây, tôi gặp một vị mục sư trẻ tuổi. Ông trân trọng cầm bức hình ghi hàng chữ "đây là dấu hiệu của chúa tái thế" và hãnh diện nói với tôi, "kinh thánh của chúng tôi ghi rằng khi chúa Jesus tái thế, dấu hiệu đầu tiên là trận động đất kinh hoàng sẽ diễn ra và sau là toàn thế giới bị hủy diệt ..."

026-cuutroMucsu.jpg (28921 bytes)

Mục sư Tin Lành hãnh diện chỉ cho chúng tôi biết
trận động đất vừa qua là dấu hiệu "tái thế" của chúa Jesus

Không đủ kiên nhẫn để nghe ông nói và cũng không buồn tranh luận với ông, tôi lặng lẽ bỏ đi và thầm thương ông cũng như nhiều tín đồ khác đã tin một cách mù quáng vào những điều phi khoa học trong kinh Thánh. Tôi thầm nghĩ, nếu chúa tái thế mang theo thiên tai giết người như vậy thì tại sao người ta lại phải tôn thờ chúa như đấng tạo vật, đấng toàn trí và toàn bi chứ, lẽ ra phải lên án chúa (nếu ông hiện hữu, nhưng thực tế thì ông chưa từng) là kẻ sát nhân, kẻ hủy diệt thế giới mới phải.

Rút kinh nghiệm lần trước, lần này chúng tôi cho hai xe tải đậu ở một quán đã bị nghiêng đổ hơn 50 %, cách Ratnal vài cây số. Cả đoàn ngồi lên một xe tải, đi vào các khu làng. Tại đây, chúng tôi phân phối tặng phẩm đến nhiều người hơn. Trong lúc chúng tôi phân phối cho dân làng, một số cụ già và những người có học thức đứng lặng người ra. Manpreet đã trao lều và thực phẩm đến họ. Họ nhận trong niềm xúc động và không dấu được sự miễn cưỡng. "Chúng tôi xin cảm ơn các bạn! Đa tạ," lời một cụ già nói. Nhìn cụ tôi cảm thấy thương xót, thầm hiểu và thông cảm cho sự miễn cưỡng của cụ. Nếu không phải trắng tay do thiên tai gây nên, tôi tin chắc rằng cụ và nhiều người khác sẽ không bao giờ nhận lấy những tặng phẩm của chúng tôi. Phát gần hết thực phẩm trên xe thì trời đã sụp tối. Chúng tôi cho xe tải tiến về Bhuj để dọ xem tình hình cho việc cứu trợ sáng hôm sau. Trở lại căn quán đã xiêu dẹo bên đường, chúng tôi nấu một nồi cơm. Sau khi ăn cơm tối qua loa với cà chua và nước tương, chúng tôi ngủ mê mệt trên lề đường.

026-cuutroBhuj.jpg (34295 bytes)

Tiệm kính mắt bị hư hỏng nặng tại chợ Bhuj

Sáng hôm sau, chúng tôi đến Bhuj, trung tâm của trận động đất với số lượng người chết khoảng 30.000 người. Bhuj là thành phố có nhiều nhà cao ốc, khách sạn, ngân hàng lớn. Thành phố này được một dãy núi thấp bao xung quanh. Chúng tôi đi ngang qua một dãi gạch ngỗn ngang ở quận Kutch, vốn là một bệnh viện tư nhân đã chôn sống hơn 100 bệnh nhân và bác sĩ, trong trận động đất. Chúng tôi cũng đã đến chợ Bhuj, một khu chợ được xếp vào hàng chợ lớn ở Ấn Độ với hàng ngàn gian hàng chen chít nhau.

026-cuutroBhuj2.jpg (37379 bytes)

Một góc dãi chợ Bhuj bị sụp đổ

Ngày chúng tôi đến, nhiều xác chết vẫn còn nằm vùi trong gạch vụn. Mùi xác chết vẫn còn nồng nặc đó đây khắp chợ. Các xe cần cẩu đang làm việc khẩn trương để dời đi các khối gạch vụn. Mức độ tàn phá nhà cửa ở đây không như ở Ratnal và Anjar, mặc dù số lượng người chết ở đây là nhiều nhất. Vì là thành phố đông cư dân nên Bhuj nằm dưới sự quản lý của chính quyền địa phương. Các tổ chức từ thiện phi chính phủ không được tự do phân phối thực phẩm và hàng hoá cứu trợ đến tận tay nạn nhân như ở các nơi khác. Người ta chỉ có thể gởi vào các trại tập trung để giao cho chính quyền phân phối. Tại đây, chúng tôi chỉ tặng được một ít rồi quyết định lên đường trở về Bachau, nơi có hàng ngàn người chết và hàng ngàn gia đình phải sống cảnh màn trời chiếu đất, theo đúng nghĩa.

026-cuutroAnjar3.jpg (41843 bytes)

Xe cẩu và tải cở trung bình là hai phương tiện duy nhất mà chính phủ Ấn Độ
đã dùng để  dời đi những dãi gạch vụn, sau trận động đất giết người tại Gujarat

Nhờ ông chủ quán dẫn đường, chúng tôi đã vào tận các làng xã hẻo lánh với mức thiệt hại cao. Trên đường đến những khu này, đoàn chúng tôi bị một xe lam chở khoảng 10 người đàn ông chặn lại. Họ nói bằng tiếng địa phương Gujarat mà nhà báo Manpreet cũng không sao hiểu được. Nhờ ông chủ quán người địa phương đi theo nên ông đã thông dịch lại cho chúng tôi. "Làng chúng tôi có 400 hộ. Chúng tôi chỉ cần lều," một người đàn ông đứng tuổi làm trưởng nhóm nói, "Nếu qúy vị không có đủ thì xin đừng đến làng chúng tôi! Bởi lẽ nếu kẻ có người không, chúng tôi sẽ có thể đánh nhau!" Tôi trao đổi nhanh với thầy Như Định và rồi chúng tôi quyết định tặng hết khoảng 400 cái lều còn lại trên hai xe tải. Trên đường vào làng này, chúng tôi đi ngang qua một ngôi làng bị tàn phá nghiêm trọng hơn. Hàng ngàn ngôi nhà giờ đây chỉ còn là những dãy gạch vụn. Thấy xe dẫn đầu cứ chạy tới, tôi vội lao xuống xe, vừa chạy vừa yêu cầu các xe trước ngừng lại. Nhóm người trên xe lam không muốn chúng tôi ngừng nên yêu cầu chúng tôi đi tiếp. Họ lại doạ nếu ngừng lại thì họ sẽ có thể đánh lộn nhau. Tôi và Manpreet liền hỏi thăm tình hình thì mới biết làng bên trong là làng của giai cấp cao hơn làng bên ngoài này. Bất chấp tình thế, chúng tôi chia đoàn ra làm hai. Sau khi mời vị trưởng làng và một số bô lão đến, Manpreet và tôi tiếp tục vào làng trong để tặng lều, trong khi đó thầy Như Định, gia đình anh Tuệ Quán và hai anh tài xế ở làng ngoài để phân phối lương thực, quần áo và mền. Tại đây, chúng tôi đã đi tặng được vài làng và toàn bộ thực phẩm được trao tặng hết.

026-cuutroBachau1.jpg (16554 bytes) 026-cuutroBachau3.jpg (11486 bytes)

Bên trái là dãi nhà lao động nghèo bị sụp đổ tan nát tại một làng ở Bachau
Bên phải là hình một làng ở Bachau bây giờ chỉ còn là xưởng gạch vụn

026-cuutroBachau2.jpg (30854 bytes)

Một làng khác tại Bachau trơ "đá gạch" cùng tuế nguyệt

Trong các làng xã đi qua, có thể nói, các làng ở Bachau bị tàn phá nhiều nhất nhưng lại ít được chính quyền quan tâm nhất, chỉ vì các làng này có nhiều hộ thuộc giai cấp thấp. Các xe cẩu vẫn chưa lăn bánh đến những ngôi làng bị quên lãng này. Mùi xác chết tại đây thật là nồng nặc đến nỗi chúng tôi phải bị hắt-xì và ho liên miên. Dân chúng ở đây có sức chịu đựng lạ thường. Họ không than khóc trước cảnh tượng đau thương đó. Như hiểu được quy luật của sống chết là vô thường, tạm bợ, họ dường như trở nên thản nhiên. Người dân ở đây không bận rộn giành giựt thực phẩm như những nơi chúng tôi đã đi qua. Họ ngồi lặng yên nghe lời sắp xếp của vị trưởng làng. Nhờ đó, chúng tôi dễ biếu tặng phẩm vật hơn, mất ít thời gian hơn và hiệu quả hơn. Ban ngày họ ngồi chờ những đoàn cứu trợ đến để xin thực phẩm, lều, mền và quần áo, như nắng hạn chờ những giọt mưa cuối mùa, ít dần và. . .  ít dần, thất vọng rồi . . . vô vọng!  Khi màn đêm buông xuống, nếu đi vào làng, chúng ta sẽ thấy đâu cũng là những đóm lửa chập chùn đang thiêu đốt những người bất hạnh bị chết chôn trong trận động đất. Chúng tôi cũng gặp một số bệnh nhân do dịch nhiễm lây sau trận động đất. Thân thể họ èo uột, hai tròng mắt ngả vàng, mất hết thần sắc.

026-cuutroquake1.jpg (39158 bytes)

Một người đàn ông đang cố gắng chui vào ngôi nhà bị sụp đổ
của ông với hy vọng tìm lấy được những tài sản quý báu ra

Chúng tôi gặp nhiều đoàn cứu trợ của Ky-tô giáo và Tin Lành. Bang Gujarat như là mảnh đất tranh giành giáo dân của Ky-tô giáo và Ấn Giáo. Trong những dịp đau thương này, các tổ chức cứu trợ của hai tôn giáo trên đã đấu đá với nhau. Các tổ chức cứu trợ Ky-tô giáo thường đi vào những vùng hẻo lánh để nhắm đến mục đích đổi đạo người dân nghèo thuộc giai cấp thấp; trong khi chính quyền Ấn giáo chỉ nhắm đến giới nạn nhân giai cấp cao và quý tộc để giành lấy thiện cảm của họ cho các số phiếu bầu cử về sau. Họ đã lên án nhau kịch liệt. Các tổ chức Ky-tô giáo và Tin Lành đi đến cứu trợ nơi nào họ đều cắm biểu ngữ của họ tại nơi ấy. Điều này đã làm cho các tổ chức Ấn giáo cực đoan không chịu ghé giúp người dân nghèo tại đây vì nghĩ rằng họ đã theo Ky-tô giáo!?   Những người Hồi giáo thiểu số lại càng thảm hơn nữa. Thật là đáng tội nghiệp cho những nạn nhân phải lâm vào cảnh "hoạ vô đơn chí."

Chúng tôi rời các làng Bachau trở về Ahmedabad trong nỗi niềm thương xót vô hạn. Những cơn nắng cuối cùng của ngày bắt đầu tắt lịm... Trời bắt đầu tối dần... Nỗi đau thiên niên kỷ mới của người dân Ấn tại Gujarat vẫn còn đó, như những dãy nhà đổ nát đè lên mảnh đất khô cằn sẽ còn mãi với thời gian. Sự cứu tế của chính quyền Ấn Độ và các tổ chức nhân đạo thế giới như những giọt nước hiếm hoi rải trên sa mạc giữa cơn nắng nóng cháy da,  đổ giọt . . . bốc khói.  Các làng xã dần dần mất hút với tốc độ của đoàn xe, nhưng lòng chúng tôi vẫn còn vương vấn mãi với vùng đất bị thiên tai. Trước cảnh tượng đau thương đó, thượng đế và thần linh đều trốn biệt mất, chỉ còn lại tình thương giữa con ngưỡi với con người, một tình thương vượt biên giới của địa dư, sắc tộc và tôn giáo!


 


Cập nhật: 11-3-2001

Trở về mục "Phật giáo năm Châu"

Đầu trang