Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP CỦA B.R. AMBEDKAR
(14-04-1891  đến 05-12-1956)

Chan dung AmbedkarB.R. Ambedkar, biểu tượng của niềm tin yêu và sự sống của "những người khốn khổ" trong xã hội đầy dẫy bất công theo chế độ phân chia giai cấp của Ấn giáo, một tôn giáo không thừa nhận giá trị đạo đức, tài năng và trí tuệ của con người, mà chỉ thừa nhận giá trị của con người qua huyết thống, tập cấp.

B. R. Ambedkar, người con tuyệt vời của đất nước vĩ đại đã để lại bản Hiến Pháp bất hủ cho dân tộc Ấn Độ trong thế kỷ XX và có lẽ cho những thế kỷ về sau.

B.R. Ambedkar là ngọn đuốc sáng, là hoa tiêu cho hàng triệu con tim của bao thế hệ Phật tử Ấn ngưỡng vọng, noi theo, quay về con đường nhân bản, hướng đến an lạc, hạnh phúc cho mình và người.

B.R. Ambedkar mãi mãi sẽ là biểu tượng cho các hàng Phật tử Ấn Độ và Phật tử năm châu về chức năng của một Phật tử hộ đạo, đi theo con đường lý tưởng mà mình đã chọn.

lotus.gif (2072 bytes)

"Cuộc cải đạo theo Phật giáo này khiến tôi vô cùng hài lòng và sung sướng không thể tưởng tượng được. Tôi  thấy mình như được thoát ra khỏi địa ngục."

(This conversion has given me enormous satisfaction and pleasure unimaginable. I feel as if I have been liberated from hell).


 

1)  Gia thế, bối cảnh xã hội và giai đoạn học tập

Bhimrao Ramji Ambedkar sinh ngày 14 tháng 4 năm 1891, là người con thứ 14 trong gia đình thuộc giai cấp cùng đinh ở bang Maharastra. Tuổi nhỏ, ông không được đến trường học, không phải vì thiếu trí năng để tiếp thu kiến thức mà do chế độ muốn những người con bất hạnh sanh trong giai cấp này mãi mãi làm nô lệ cho những người "ngồi mát ăn bát vàng", mãi mãi bắt họ tăm tối trước ánh sáng của cuộc đời. Ông sống trong một xã hội được xây dựng bằng những đạo luật phi lý, phi nhân bản, phản nhân quyền từ  mấy ngàn năm về trước. Đó là một xã hội đặt bộ luật Manu (một trong những bộ luật cổ nhất Ấn Độ của giới Bà-la-môn) làm kim chỉ nam, cho phép giai cấp cao cai trị giai cấp thấp theo chế độ tập cấp, bất chấp giá trị đạo đức, tài năng, sáng tạo và trí tuệ con người. Thời bấy giờ, giai cấp ông không được quyền đi khám bác sĩ thuộc giai cấp cao hơn, dù cho gia đình của ông hay ai đó may mắn có tiền. Kẻ tiện dân ở làng quê thì quanh năm suốt tháng đầu tắt mặt tối quanh quẩn trong đồng ruộng. Còn hướng đi duy nhất cho kẻ được ở thành thị là chỉ có thể đi làm đầy tớ, tôi mọi, hoặc ở tư gia hoặc  làm việc nặng nhọc trong các công xưởng lớn, lắm lúc còn bị những đòn roi vọt quất xuống thân thể gầy còm mà không dám hé lời than van. Những người nô lệ này sống quây quần với nhau trong những khu nhà ổ chuột trên khắp nẻo đường xứ Ấn. Đối với họ, cuộc sống "màn trời chiếu đất" là điều tự nhiên và họ cũng xem đó như "ân huệ" được xã hội Ấn "ban tặng".

Những ngày ấy, cảnh áp bức bất công, miệt thị giai cấp cùng đinh vô cùng tàn nhẫn diễn ra đầy dẫy trên khắp đất nước rộng lớn này. Những nạn nhân đau khổ của xã hội ấy không được sử dụng nước giếng công cộng, không được bén mảng đến các đền thờ Ấn giáo hay tham dự những hội hè lễ lạc của Ấn giáo. Họ cũng không được ngang nhiên đi lại ở những nơi công cộng. Trẻ em khó có thể chen chân vào trường của trẻ em thuộc giai cấp cao, nên hầu hết đều thất học. Thân phận người phụ nữ càng đau khổ hơn, họ chỉ ru rú ở trong nhà (thật ra chẳng phải là nhà mà là những cái chòi rách nát),  quần áo mặc là thứ vải cũ rích, dơ bẩn đáng lau chân, lót chỗ cho súc vật nằm. Tệ trạng cùng khốn và đau thương này vẫn còn nhan nhãn ở khắp hang cùng ngỏ hẽm ở Ấn Độ ngày nay!

Người Trung Hoa và Việt Nam cũng có sử dụng từ "cùng đinh" nhưng ý nghĩa của nó khác nhiều. Danh từ "cùng đinh" ở Việt Nam hay Trung Hoa để chỉ cho những người "vá áo túi cơm", nghèo kiết xác, không làm ra tiền, phải sống nhờ vả người khác. Tuy nhiên giá trị nhân phẩm con người không bị chà đạp. Còn ở Ấn Độ, từ "cùng đinh" như một nhãn hiệu dính liền với quần chúng giai cấp thấp từ lúc họ vừa mới lọt lòng và "giá trị nhân phẩm" của người cùng đinh ở đây cũng biến mất.

Mẹ Ambedkar qua đời lúc ông 5 tuổi. Tuy nhiên, ông không bất hạnh như phần lớn những đứa con mất mẹ sớm. Bù lại sự mất mát lớn lao đó, cha ông hết lòng thương yêu và dạy dỗ các con. Một điều may mắn khác là cha ông được phục vụ trong quân đội Ấn, nên biết chút ít tiếng Anh, do đó, song song với việc học ngôn ngữ Marathi, ngôn ngữ bản địa của bang Maharastra, ông còn học thêm đôi chút tiếng Anh với cha mình. Thời gian ấy, Ấn Độ đang là thuộc địa của Anh, nên tiếng Anh là tiếng thời thượng được giới trí thức ưa chuộng.  Ambedkar thừa hưởng kiến thức vốn có của cha và đã cố gắng vượt bực để theo đuổi sự nghiệp học vấn như lời khuyến khích và ước nguyện của cha ông.

Năm 1900, ông được đưa vào học ở trường Satara, Ambedkar nổi tiếng là một học sinh thông minh, năng động. Tuy nhiên, đời sống xã hội mang nặng không khí phân biệt giai cấp khiến cho đứa học trò thuộc giai cấp cùng đinh này muôn phần tủi nhục. Trong lớp, ông không được ngồi chung ghế với tụi học trò con nhà khá giả. Ra sân chơi, cậu học trò bất hạnh không được chơi chung các trò chơi với các bạn. Ambedkar phải đứng bên lề cuộc đời học trò với bao nỗi đắng cay và tủi nhục. Thậm chí, vị thầy môn Sanskrit cũng nhất quyết chối từ dạy cho Ambedkar học môn này, vì lẽ rằng ngôn ngữ Sanskrit là ngôn ngữ Thánh triết của Phạm thiên (vị Thượng Đế của đạo Bà-la-môn, nay là đạo Hindu), mặc dầu cậu học trò này học rất giỏi. Những vị thầy giáo khác cũng vậy, chẳng bao giờ thèm ngó đến việc kiểm tra bài tập cho học trò thuộc giai cấp đê tiện. Thật là một xã hội bất công và tàn nhẫn!

Năm 1904, gia đình ông chuyển lên Bombay, Ambedkar được vào học Trường Trung học Maratha thuộc Parel. Nhưng vì không đủ tiền để đóng học phí, ông đã đến xin học ở Trường Trung học Elphinestone của chính phủ. Môi trường học ở đây hoà đồng hơn ở Satara, ông được nói chuyện vui vẻ, được chơi cricket cùng các bạn.

Năm 1908, theo lệ tảo hôn của người Ấn, Ambedkar thành hôn với Ramabai, con gái của Bhikhu Walankar. Năm ấy cô mới 9 tuổi nhưng xinh đẹp và hiền hậu. Về sau, cô sanh được 5 người con, nhưng chỉ nuôi được một. Cô mất sớm, để lại nỗi thương tiếc khôn nguôi trong lòng ông.

Với khả năng thông minh vốn có và ý chí kiên định của mình, thanh niên Ambedkar đã trúng tuyển vào Trường Đại học ở Bombay năm 1908. Đây là một sự kiện hy hữu đối với một đứa trẻ thuộc giai cấp hạ liệt, và cũng là một sự kiện lạ đối với học đường trong xã hội Ấn Độ thời bấy giờ. Sự kiện này đã mang lại vẻ vang cho những người cùng đinh và mở ra cho ông một chân trời mới. Chỉ trong vòng bốn năm sau, ông tốt nghiệp hai bằng cử nhân, cử nhân Chính trị và cử nhân Kinh tế. Rất may là vào lúc đó, nhà cầm quyền ở bang Baroda có tâm hồn phóng khoáng mời ông làm việc tại bang này. Cũng năm ấy, ông vô cùng đau đớn khi hay tin thân phụ qua đời, và đã trở về quê nhà để thọ tang cha. Bốn tháng sau, ông nhận được học bổng của nhà cầm quyền tại bang Baroda cho đi du học tại  Trường Đại học Columbia, nước Mỹ. Ông là người đầu tiên thuộc giai cấp nô lệ được cấp học bổng du học nước ngoài. Mặc dù đã bước lên đài vinh quang trong lãnh vực học thuật, vượt hơn hẳn bất cứ những người thuộc giai cấp tiện dân khác, ông vẫn không lấy làm mãn nguyện.  Thời gian này Ambedkar thật sự đã trưởng thành và nhận thấy chỉ có sức mạnh tri thức   mới có thể chặt đứt gông cùm cho người nô lệ đã và đang bị xiềng xích, mà chính bản thân ông cũng đã kinh nghiệm, đã "thấm" nỗi khổ tủi nhục, bất công này.

Trong suốt thời gian 3 năm ông học ở Columbia, ông đã theo học khoa Kinh tế học, Xã hội học, Sử học, Triết học, Nhân chủng học, Chính trị học. Tháng 6 năm 1915, Ambedkar đệ trình luận án "Thương Mại Ấn Độ Cổ Đại " (Ancient Indian Commerce) cho học trình Cao học. Tháng 5 năm 1916 ông trình luận án Tiến sĩ với đề tài “Quá Trình Phát Triển Tài Chính Tỉnh Lỵ ở Ấn Độ thời Anh Đô Hộ" (The Evolution of Provincial Finance in British India). Sau khi hoàn tất học trình ở Mỹ, Ambedkar qua London, nước Anh. Tại đây, ông ghi danh vào bộ môn Kinh tế và Khoa học - Chính trị. Một  năm sau, học bổng của ông hết, ông phải trở về Ấn Độ.

 Tháng 7 năm 1917, ông được bổ nhiệm làm Thư Ký Quân Đội của bang Baroda và ở đây ông lại tận mắt chứng kiến sự đối xử tệ bạc của người giai cấp cao đối với người giai cấp thấp một cách kinh khủng hơn. Ông không được phép uống nước trong văn phòng và bị đối xử miệt thị của những đồng nghiệp. Sống trong cảnh ấy, ông buồn nản và thất vọng vô cùng, lắm lúc ông đã nép sau những tàng cây để che giấu những giọt nước mắt đầy đắng cay, chua xót cho xã hội chán chường.

Tháng 11 năm 1917, Ambedkar trở lại Bombay và ông làm gia sư cho 2 đứa trẻ trong một gia đình tốt bụng. Ambedkar cũng bắt đầu làm nghề buôn bán cổ phiếu, nhưng vì số vốn quá ít oi, ông lại bỏ nghề thương mãi này. Đúng một năm sau, ông được nhận chân giảng dạy bộ môn Kinh tế-Chính trị tại Đại học Sydenham ở Bombay.

Ngày 31 tháng 1 năm 1920, ông cho ra đời Tuần báo Mooknayak (Người Lãnh Đạo của Kẻ Câm) để bênh vực cho giai cấp bị đàn áp. Trong thời gian này, ông vừa dạy vừa làm báo để dành tiền chuẩn bị cho việc học tiếp ở London. Cũng không khác gì những nơi khác, ở đây, ông lại phải đối mặt với cái "số phận tiện dân khốn nạn" của giai cấp Bà-la-môn gán cho này. Những giáo sư thuộc giai cấp trên phản đối kịch liệt việc ông uống cùng bình nước của Hội đồng giảng viên. Ambedkar làm việc được hai năm thì xin thôi việc. Năm 1920, ông sang lại London và nghiên cứu tiếp chương trình Kinh tế - Chính trị.

Năm 1921, ông tốt nghiệp Cao học Khoa Kinh tế - Chính trị học của Trường Đại học London. Đề tài luận án Cao học là "Sự Phân Bổ Tài Chánh Hoàng Gia ở Cấp Tỉnh của Ấn Độ thời Anh Đô Hộ" (Provincial Decentralization of Imperial Finance in Brishtist India). Tháng 3 năm 1923,  ông nhận văn bằng Tiến sĩ khoa Kinh tế học của Trường Đại học London với đề tài "Vấn Đề Đồng Tiền Rupee” (The Problem of the Rupee). Luận án nầy được in thành sách vào tháng 5 năm 1947, tựa đề của tác phẩm được đổi thành "Lịch Sử Tiền Tệ và Ngân Hàng Ấn Độ" (History of Indian Currency and Banking). Trước khi về lại quê hương, ông đã đến Đức và ở lại đó 3 tháng để nghiên cứu thêm về bộ môn Kinh tế - Chính trị học tại Trường Đại học Bonn.

 

2) Những Hoạt Động Chính Trị và Tôn Giáo

Có thể nói, cuộc đời và sự nghiệp của Ambedkar gắn liền với đời sống và hơi thở của người dân nô lệ. Ông luôn nghĩ đến việc đấu tranh, làm thế nào để giúp cho những con người thuộc giai cấp hạ tiện có đầy đủ nhân quyền, chấm dứt những bất công tủi nhục, đau thương. Ngay trong thời gian Ambedkar tạm ngưng việc học ở London trở về nước, ông đã tham gia 2 hội nghị của những giai cấp bị đàn áp được tổ chức tại Nagpur vào năm 1918 và ở Kolhapur vào ngày 21 tháng 3 năm 1920 do Sahu Maharaja làm chủ tịch.

Sau khi nhận văn bằng Tiến sĩ của Trường Đại học London, Ambedkar trở về quê hương. Tháng 6 năm 1923, ông làm việc tại Toà Án Nhân Dân Tối Cao ở Bombay. Cũng nên nói ở đây, Bombay lúc bấy giờ là trung tâm kinh tế, thương mại và chính trị của Ấn Độ. Cũng do bởi "số phận dân đen đáng nguyền rủa" mà xã hội gán cho, ông không sao thành công trong nghề nghiệp của mình, mặc dầu có năng lực thật sự. Lại từ bỏ công việc này, ông dạy ngoài giờ bộ môn "Luật thương mại" tại Trường Kế toán Batliboi và là một  thành viên trong Ban thanh tra của Trường Đại học ở Bombay.

Ngày 9 tháng 3 năm 1924, Ambedkar tổ chức cuộc họp để bàn về những vấn đề của giai cấp bị áp bức tại hội trường Damorhar, Parel thuộc Bombay. Ông còn tổ chức một hiệp hội có tên là "Bahishkrit Hitakarini Sabha" (Hội Phúc Lợi cho Giai Cấp Cùng Đinh) vào ngày 2 tháng 7 năm 1924. Mục tiêu của hội này nhằm nâng cao giáo dục, tạo điều kiện kinh tế, đánh bạt bầu không khí ngạt thở cho người dân khốn khổ.

Năm 1926, ông trình văn bằng trước Hội đồng về Tiền tệ và Tài chánh của Hoàng gia (Royal Commission on Currency and Financy) và do đó, ông được đề cử vào Hội Nghị Lập Pháp ở Bombay (Bombay Legislative Council) năm 1927.

Ngày 3 tháng 4 năm 1927, Ambedkar thành lập tờ báo Bahishkit Bharat (Ấn Độ của Giai Cấp Cùng Đinh)  tranh đấu nhân quyền cho người nô lệ và đòi quyền bình đẳng cho người giai cấp thấp được sử dụng vòi nước công cộng và được vào dự lễ ở các đền thờ Ấn giáo.

Năm 1928, Ambedkar trở thành giảng viên cho Trường Đại học Luật của chính phủ, Bombay. Cùng năm ấy, nhân danh quyền Chủ tịch  ở Bombay, ông đòi quyền bầu cử độc lập cho giai cấp bị áp bức trước Uỷ ban Simon.

Tháng 11 năm 1930, Ambedkar đại diện cho tầng lớp cùng đinh đi dự Hội Nghị Bàn Tròn lần thứ nhất tổ chức tại London. Ông đã mạnh dạn, thẳng thắn đưa ra các vấn đề thuộc giai cấp nô lệ để bàn thảo trong Hội nghị. Điều đáng tiếc là Đảng Quốc Đại (Indian National Congress) không có mặt trong lần hội nghị này. Hội Nghị Bàn Tròn lần thứ hai cũng được tổ chức tại London từ tháng 4 đến tháng 11 năm 1931, Đảng Quốc Đại cũng có mặt và bàn thảo các vấn đề liên quan đến quần chúng nhưng những vị đại diện Đảng vẫn không có quyết định cụ thể gì.

Năm 1932, Ramsay Macdonald công bố sẽ trao Giải thưởng Cộng đồng (Communal Award) cho những người cùng đinh về công cuộc đấu tranh đòi bầu cử độc lập. Tuy nhiên, Gandhi đã tuyệt thực phản đối vấn đề này. Vào ngày 24 tháng 9 năm 1932, Ambedkar buộc phải ký kết với Gandhi trong hiệp ước Poona sẽ huỷ bỏ quyết định trên. Ambedkar cũng trở thành thành viên của "Đồng Uỷ Ban Quốc Hội về Cải Cách Hiến Pháp" (Joint Parliarmentary Committee on the Constitutional Reforms) năm 1932 và được duy trì cho đến năm 1934. Sau đó, ông được mời tham dự Hội Nghị Bàn Tròn lần thứ ba năm 1932-1933 tại London.

Vào tháng 6, năm 1935, Ambedkar được bầu làm Hiệu trưởng và được tôn trọng như Giáo sư ưu tú của khoa Luật thuộc Trường Đại học Luật của chính phủ ở Bombay. Ngày 13 tháng 10 cùng năm, ông tổ chức một Hội nghị cấp tỉnh cho những người cùng đinh tại Yeola (trên con đường đến Nasik, thuộc bang Maharastra). Tại hội nghị này, Ambedkar kịch liệt lên án chế độ giai cấp bất công, ông dõng dạc tuyên bố: "Một người được sanh ra từ giai cấp Ấn giáo nhưng khi chết không phải là một người Ấn giáo". Tháng 12 năm 1935, Jat-Pat-Todak Madal của bang Lahore mời ông làm chủ toạ cuộc họp thường niên. Cùng năm này, ông thành lập Đảng Lao Động (Labour Party) được nhân dân của mười lăm tỉnh nhiệt liệt ủng hộ, cổ võ.

Tháng 1 năm 1936, Jagjivan Ram cùng với vài người bạn từ Bihar đến Bombay gặp Ambedkar. Đây là lần đầu tiên họ nói chuyện về việc cải giáo. Vào những năm này, đời sống kinh tế xã hội ở bang Bihar có phần vững hơn bang Maharastra. Jagjivan Ram cho rằng việc cải giáo sẽ rất có lợi cho người nghèo khổ, và làm một cuộc thay đổi như vậy để những nhà cầm quyền Ấn giáo hiểu thêm những gì sẽ xảy ra sau khi những người cùng đinh đổi đạo. Ambedkar cũng đồng ý với quan điểm này. Tuy gặp nhiều trở ngại, ngày 30 tháng 5 năm 1936 Ambedkar đã nói chuyện tại Hội nghị cao cấp ở Bombay và chủ trương từ bỏ Ấn giáo, trong khi Ambedkar đương kim là Hội trưởng hội Lập pháp ở Bombay. Năm 1938, Gandhi và Đảng Quốc Đại (Congress Party)  muốn đặt tên cho giai cấp cùng đinh là "Harijan" (tức nhóm người Hindu bị ruồng bỏ ở Ấn Độ) nhưng bị Ambedkar phản đối kịch liệt.

Năm 1939, chiến tranh thế giới thứ II bùng nổ ở Châu Âu, Anh quốc bị lâm vào thế kẹt với Đảng Quốc Xã của Đức. Tình hình nầy đã làm ảnh hưởng lớn đến tình hình chính trị ở Ấn Độ. Trước khó khăn của Anh quốc, Gandhi và Đảng Quốc Đại cho rằng thời cơ của Ấn Độ đã đến, chính khó khăn của Anh quốc là cơ hội tốt của  Ấn Độ. Năm sau, Đảng Quốc Đại đã thông qua chính sách bất hợp tác với chính phủ. Ambedkar không chấp nhận sách lược này. Không những ông không đồng ý mà còn cho rằng sự tự do của Ấn Độ đang bị đe doạ trực tiếp bởi Đảng Quốc Xã, do đó ông khuyến khích tầng lớp lao động tham gia vào quân đội Ấn, ủng hộ chính phủ Ấn chống lại chế độ quân phiệt của Đảng Quốc Xã.

Năm 1941, ông được đề cử trong Uỷ ban Cố Vấn Quốc Phòng (Defence Advisory Committee), và năm sau ông đại diện cho Đảng Lao Động tham gia Hội đồng Hành Pháp của Tổng Trấn (Viceroy's Executive Council). Cũng trong thời gian đó, ông đổi tên Đảng Lao Động Độc Lập (Independent Labour Party) sang Liên Đoàn Giai Cấp Cùng Đinh Toàn Ấn Độ (All India Scheduled Caste Federation), sáng lập Hội Giáo Dục Nhân Dân (People's Education Society) và xuất bản nhiều tác phẩm có tính lý luận cao, cũng như những tác phẩm bàn về thời sự, như : Những Suy Nghĩ về Đất Nước Pakistan (Thoughts on Pakistan), Đảng Quốc Đại và Gandhi Đã Làm Gì cho những Người Cùng Đinh? (What Congress and Gandhi Have Done to the Untouchables?) và Giai Cấp Cùng Đinh Là Ai? (Who Were the Shudras?).

Tháng 9 năm 1946, Ambedkar đi Anh quốc để dự hội nghị và trình tham luận về việc đấu tranh và giành quyền lợi cho giai cấp của mình.

Năm 1947, Ấn Độ giành được độc lập, Jawaharlal Nehru, thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ đề cử ông trong Uỷ ban Lập Pháp và sau đó Ambedkar trở thành Bộ trưởng bộ Tư pháp. Ông làm việc liên tục với mục đích đưa đất nước Ấn Độ đi lên. Mặc dù đất nước đã được độc lập nhưng nội tình vẫn chưa ổn định. Tình trạng hai tôn giáo Ấn - Hồi trong nước đang sát phạt lẫn nhau.

Kế đến, năm 1948, Mahatma Gandhi lại bị ám sát, một sự mất mát lớn lao cho dân tộc Ấn. Ambedkar làm việc cật lực hơn nữa để hoàn thành Dự thảo Hiến Pháp Ấn Độ. Cùng năm 1948, ông tục huyền với một nữ bác sĩ Sharda Kabir thuộc giai cấp Bà-la-môn ở Bombay. Bà đã hết sức quan tâm sức khoẻ của ông và giúp đỡ ông nhiều công việc trong mọi lãnh vực. Năm 1949, ông đệ trình lên Tổng thống Ấn Độ bản "Dự Thảo Hiến Pháp" của mình. Bản Dự thảo Hiến pháp này được chấp nhận triệt để, sau đó được ban hành và có hiệu lực từ ngày 26 tháng 1 năm 1950.

Năm 1949, Ambedkar đã đến tham dự Hội Nghị Phật Giáo Thế Giới (World Buddhist Conference) tổ chức tại Kathmandu, Nepal. Tại hội nghị, ông đã thuyết trình đề tài "Chủ Nghĩa Mác so với Phật giáo" (Maxism versus Buddhism). Tháng 12 năm 1950 ông lại tham dự Đại hội "Tình Hữu Nghị Phật Tử Thế Giới" (World Fellowship of Buddhists) do Hội Thanh Niên Phật Giáo (Young Men's Buddhist Association) ở Tích Lan tổ chức tại thành phố Kandy. Cũng tại đây, ông kêu gọi những người cùng đinh của Tích Lan hãy trở về với đạo Phật.

Tháng 7 năm 1951, Ambedkar thành lập hội "Bharatiya Bauddha Janasangha" (Bảo Tồn Tăng Đoàn của Đức Phật). Tháng 9 năm 1951, ông soạn Kinh Nhật Tụng Phật giáo có tên là  "Bauddha Upasanà Patha" (Con Đường Thanh Tịnh của Đức Phật). Ông cũng được chọn làm đại biểu danh dự trong Đại hội Phật giáo Thế giới tổ chức tại thủ đô Rangoon của Miến Điện, năm 1954.

Ngày 5 tháng 6 năm 1952, Trường Đại học Comlumbia, nơi Ambedkar nhận văn bằng Tiến sĩ cách đây 30 năm, đã tổ chức một Hội nghị đặc biệt để trao văn bằng Tiến sĩ danh dự Luật khoa cho ông. Đây là văn bằng danh dự về những đóng góp tích cực của ông, đặc biệt là bản Hiến pháp Ấn Độ. Trường Đại học đã hoan nghênh Ambedkar như là người tiên phong trong lãnh vực Luật Pháp của Ấn, bậc cách mạng vĩ đại và là người hùng trong công cuộc bảo vệ nhân quyền.

 Năm 1955 ông sáng lập "Hội Phật Giáo Ấn Độ" (Bharatiya Bhaudha Mahasabha) và làm lễ "An vị Phật" tại một ngôi chùa trên đường Dehu gần thành phố Poona (ngày nay viết thành Pune) thuộc bang Maharastra. Ông tuyên truyền và khuyến khích mọi người cải giáo theo đạo Phật. Ông biên soạn tác phẩm Đức Phật và Giáo Pháp của Ngài (The Buddha and His Dhamma) bằng ngôn ngữ giản dị, phù hợp với đại đa số quần chúng. Tháng 11 năm 1951, ông bắt đầu viết tác phẩm này, nhưng vì quá bận rộn, mãi cho đến tháng 2 năm 1956 mới xong.

Một sự kiện vô cùng trọng đại trong cuộc đời của ông, đó là ngày 14 tháng 10 năm 1956, Ambedkar tổ chức buổi lễ Quy y lịch sử tại Nagpur. Hơn năm trăm ngàn (500.000) nam, nữ, già, trẻ tập trung về Nagpur thuộc bang Maharastra quy y Tam Bảo và thọ trì Ngũ giới theo tiếng gọi của Ambedkar. Tại buổi lễ Quy y, ông đã phát biểu rằng: "Nhờ từ bỏ tôn giáo cũ (đạo Hindu, ngày xưa là đạo Bà-la-môn), một tôn giáo dựa trên sự bất bình đẳng và áp bức, hôm nay tôi được tái sinh. Tôi không tin vào triết lý thượng đế tái sanh. Thật là một sai lầm và quái gở khi cho rằng đức Phật là hoá thân của Visnu. Tôi không còn là tín đồ của Thượng Đế hay bất cứ Nữ thần nào của Ấn giáo. Tôi sẽ không làm lễ śraddha[1]nữa. Tôi sẽ tuyệt đối sống theo Bát Thánh Đạo của đức Phật. Phật giáo là môt tôn giáo đúng đắn. Trí tuệ, từ bi và chánh đạo là các nguyên lý soi đường của Phật giáo.[2]

 Sau lễ Quy Y không lâu, ông đến Delhi để nói chuyện về đạo Phật cho mọi tầng lớp nhân dân. Vài tuần sau đó, Ambedkar đi Kathmandu dự Hội nghị Phật giáo thế giới lần thứ IV và bài phát biểu tại hội nghị của ông lần này là "Đức Phật và Karl Marx" (The Buddha and Karl Marx). Trên đường trở về Delhi, ông nói chuyện tại Benares 2 lần và viếng thăm Kusinagar, nơi đức Phật nhập Vô dư Niết-bàn. Tại Delhi mặc dù bận rộn nhiều Phật sự, nhưng ông cũng sắp xếp thời gian để hoàn tất chương cuối cùng của tập sách Đức Phật và Karl Marx.

Đêm ngày 5 tháng 12 năm 1956, ông viết lời tựa và lời dẫn nhập cho tập sách Đức Phật và Giáo Pháp của Ngài   đến 11 giờ 30 mới lên giường nghỉ. Sáng hôm sau, vợ ông đến đánh thức ông, nhưng hỡi ôi! Ông đã hoá ra người thiên cổ. Ông đã ra đi nhẹ nhàng khi tuổi thọ chỉ mới 64 và trở thành một Phật tử chính thức chỉ được 7 tuần lễ.

Sự ra đi quá bất ngờ của ông đã để lại nỗi kính tiếc vô bờ cho hàng trăm ngàn người dân, những người muốn vươn lên để thoát khỏi xiềng xích giai cấp nô lệ. Kể từ khi rời khỏi ghế nhà trường, ông bắt đầu đóng góp công sức, trí tuệ và tài năng cho quần chúng, cho "những người khốn khổ", cho quê hương, cho dân tộc.

 

3) Con đường đến với Phật giáo

Công cuộc hướng dẫn đông đảo dân cùng đinh Ấn Độ đổi đạo theo Phật giáo của Ambedkar khiến nhiều người đặt câu hỏi: "Tại sao Ambedkar từ chối các tôn giáo khác và lại chọn Phật giáo?" "Tại sao Ambedkar chọn giải pháp tôn giáo để giải quyết các vấn đề của người cùng đinh?" "Tại sao Ambedkar khuyến khích, cổ võ mọi người quy y Phật giáo?", "Điều gì sẽ xảy ra nếu Ambedkar và những người cùng đinh đi theo những tôn giáo khác?", "Cuộc cải đạo theo Phật giáo của những người đi theo Ambedkar và chủ nghĩa Ambedkar sẽ ảnh hưởng ra sao đối với lịch sử Ấn Độ?" Đây là những câu hỏi đã một thời làm đề tài tranh luận sôi nổi của các chính khách và giới trí thức.

Cũng trong khoảng thời gian ấy Thiên Chúa giáo, Hồi giáo, Sikh giáo đang phát triển và tìm mọi cách quyến rũ ông về tôn giáo của họ. Tuy nhiên, Ambedkar vẫn tìm về Phật giáo dù rằng Phật giáo đã không còn tiếng nói tại đất nước Ấn Độ từ thế kỷ thứ XIII. Phật giáo đương thời đã bắt đầu có khuynh hướng phát triển mạnh, nhưng không phải là tôn giáo chủ đạo của tư tưởng xã hội Ấn vào những thập niên 50 – 60 của thế kỷ XX. 

Bốn mươi năm trầm tư nghiên cứu các tôn giáo, và cuối cùng ông đã chọn con đường  của đức Phật, vì ông tin tưởng rằng Phật giáo là con đường duy nhất sẽ đưa người cùng đinh ra khỏi  sự kềm toả  tinh thần của Bà-la-môn giáo và nâng cao đời sống người dân nghèo khổ về mặt vật chất hơn. Càng đọc, càng suy tư, càng quán sát giáo pháp, Ambedkar đã nhận chân được giá trị vô ngần của giáo pháp đức Phật tràn đầy tính nhân ái, khoan dung, bình đẳng, tự do và  khoa học. Trong bài  "Đức Phật và Phật Giáo Ngày Mai" (The Buddha and the Future of His Religion) trích từ Tạp chí Đại Giác (The Maha Bodhi Journal), ấn hành tại Calcutta, tháng 4 - 5, số Phật Đản (Vesakha), tập 58, Ambedkar viết:

"Thật khó có thể so sánh một cách chi tiết từng tôn giáo một với Phật giáo. Ở đây, tôi xin trình bày kết luận ngắn gọn của tôi như sau:

1. Xã hội cần phải có hai đạo luật, đó là đạo luật qui định về luật pháp và đạo luật qui định về đạo đức để duy trì nó. Nếu không có một trong hai đạo luật này, chắc chắn xã hội sẽ bị đổ nát.

2. Một tôn giáo như nó được định nghĩa, trước nhất phải phù hợp với khoa học. Nếu tôn giáo không phù hợp với khoa học, chắc chắn nó không còn được tôn trọng, và từ chỗ không được tôn trọng, nó trở thành trò cười, và do đó, nó sẽ mất đi năng lực "điều động sự sống", mà có thể từ đó nó bị suy vi, sụp đổ. Mặt khác, nếu thực hiện đúng chức năng, tôn giáo phải phù hợp với lý trí, và lý trí ở đây cũng chỉ là một tên khác của khoa học.

3. Tôn giáo như là một đạo luật của đạo đức xã hội cần phải nhận chân những giáo lý cơ bản về tự do, bình đẳng và tình hữu nghị. Nếu tôn giáo nào không công nhận ba nguyên lý cơ bản của đời sống xã hội này, tôn giáo ấy tất bị huỷ diệt.

4. Tôn giáo không cần phải thần thánh hoá hay đề cao sự nghèo nàn. Những người sống trong giàu sang, rồi từ bỏ sự giàu sang, có thể được sống trong trạng thái an lạc nội tâm. Nhưng cảnh nghèo túng không bao giờ có trạng thái an lạc ấy. Tôn giáo nào tuyên bố sự nghèo nàn đạt được trạng thái an lạc là tôn giáo đi lạc đường, là duy trì sự đồi bại và tội ác, là đồng ý biến trần gian thành địa ngục.

Tôn giáo nào đáp ứng đầy đủ các nhu cầu tiên quyết này… Có thể có vài tôn giáo đáp ứng một hoặc hai trong những tiêu chuẩn đó. Vấn đề là có tôn giáo nào đáp ứng mọi tiêu chuẩn này ? Cho đến bây giờ, theo chỗ tôi biết, tôn giáo duy nhất đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn này, đó là Phật giáo. Nói khác hơn, Phật giáo là tôn giáo duy nhất mà thế giới có thể tìm thấy."[3]

Trong một bài phát biểu khác, Ambedkar nói rằng:

"Phật giáo giống như đại dương. Trong đó không có sự phân biệt cao thấp. Chính nhờ lòng Từ bi, đức Phật đã chinh phục bao trái tim của những người bị chà đạp trong thời đại của Ngài, và chính Ngài đã chỉ cho họ một con đường đúng đắn. Ấn Độ giáo ngày nay đã bị mục rữa từ trong gốc rễ. Vì vậy chúng ta phải tiếp nhận một tôn giáo tốt đẹp hơn. Theo tôi, Phật giáo là tôn giáo xứng đáng nhất."[4]

Nhiều người cho rằng Phật giáo nặng mùi bi quan yếm thế, nhưng Ambedkar đã khẳng định lại, Phật giáo không phải là một tôn giáo bi quan, bởi lẽ trong thế giới này chưa có một tôn giáo nào dạy về mục đích của đời sống một cách nhân bản hơn, đó là sự loại trừ nỗi đau khổ cho vạn loại. Phật giáo không nói đến linh hồn mơ hồ bất tử (atma) như trong thánh điển Bà-la-môn giáo, Phật giáo chỉ trình bày sự hiện hữu của thức (vi~n~nàna) và giải thích về thức một cách rõ ràng. Phật giáo tin vào sự hoàn thiện đạo đức, tâm linh của chính bản thân mình, chứ không tin vào sự cứu rỗi của một Đấng Tạo Hoá nào. Và trong Bà-la-môn giáo không bao giờ tìm thấy học thuyết bất bạo động hay còn gọi là bất hại (Ahimsa), nhưng trong Phật giáo, đức Phật luôn luôn khuyên mọi người hãy thương yêu chúng sanh, không giết, không bảo ai giết và cũng không vui theo việc giết hại. Ambedkar tìm thấy nhiều điểm đặc thù siêu việt của Phật giáo hơn các tôn giáo khác, và ông kết luận Phật giáo chắc chắn là một tôn giáo mang lại tự do, hoà bình cho nhân loại hơn mọi tôn giáo trên thế giới này.

 

4) Ảnh hưởng của Ambedkar đối với Phật giáo Ấn Độ hiện đại

Đại lễ cải đạo theo Phật giáo với con số khổng lồ hơn năm trăm ngàn người (500.000) tại Nagpur vào ngày 14 tháng 10 năm 1956 đã để lại một "dấu ấn vàng son" trong lịch sử Phật giáo Ấn Độ và cả thế giới. Năm 1891, năm Ambedkar ra đời, con số tín đồ Phật giáo chỉ có 50.000 người. Sáu mươi (60) năm sau (1951), con số ấy tăng lên 180.823 người và phần lớn tín đồ Phật giáo tập trung ở các vùng Trung-Đông Ấn Độ như các bang Assam, West Bengal và các vùng thung lũng dưới chân Hy-mã-lạp Sơn (Himalaya). Cuộc lễ cải đạo lịch sử đầu tiên ấy đã khuyến khích hơn năm chục vạn người trở thành Phật tử. Tuy Ambedkar qua đời, số lượng Phật tử mỗi ngày một gia tăng. Năm 1961, số lượng Phật tử tăng lên chưa từng thấy, từ 180.823 người tăng lên 3.250.227 người chỉ trong vòng 5 năm. Đặc biệt, nơi quê hương của Ambedkar, tỷ lệ gia tăng nhiều nhất, năm 1951 chỉ có 2.478 người, nhưng 5 năm sau (1961), số lượng Phật tử là 2.789.501 người.

Theo điều tra dân số và tín đồ tôn giáo, năm 1981, dân số theo Phật giáo là 4.719.796, chỉ chiếm 0.71% tổng dân số cả nước (665 triệu). Tại bang Maharashtra, quê hương Ambedkar, có 3.946.149 người quy y theo Phật giáo. Trong số này, 2.387.384 người sống ở nông thôn bang Maharashtra và phần còn lại 1.358.765 người sống ở thành phố. Theo thống kê của sách Ấn Độ (India) xuất bản năm 1997, số lượng người dân quy y theo Phật giáo là 6.6 triệu (6.600.000) trên tổng số gần một tỷ người.

Người dân cùng đinh Ấn Độ cho rằng kỷ nguyên XX đã đi qua, và kỷ nguyên XXI sẽ là kỷ nguyên Ambedkar. Họ cố gắng noi theo bước chân của Ambedkar để đạt đến một đời sống bình đẳng, không còn cảnh đêm dài tăm tối của chế độ giai cấp đàn áp đoạ đày. Điều đó đã được chứng minh qua dấu hiệu của 56 năm sau, các thế hệ con em của ông đã tiếp tục vận động hơn 50,000 người cùng đinh cải đạo theo Phật giáo (hoặc xem  Hơn 50,000 người cùng đinh từ bỏ Ấn giáo quy y Tam Bảo, 4-11-2001)   ngay năm đầu tiên của thế kỷ XXI này, tại viện Ambedkar, thủ đô New Delhi. Đây là cuộc lễ quy y với số lượng tín đồ khổng lồ lần thứ 2 trong lịch sử Ấn Độ và thế giới.

 

5. Thay lời kết

Tại Ấn Độ, những người cùng đinh của Ấn giáo chiếm gần một phần ba dân số và họ phải sống theo truyền thống phân biệt giai cấp lâu đời của tôn giáo này. Những người "cùng đinh bất hạnh" bị giai cấp Bà-la-môn đối xử ngược đãi, tác tệ. Theo luật Manu, họ  không được thấy, không được tiếp xúc, ngay cả không được gần gũi đến cái bóng của người giai cấp trên, vì sợ phạm tội làm ô uế. Sống trong cảnh tủi nhục này, làm sao họ không mơ đến chân trời tự do, bình đẳng. Con đường đi tìm tự do, bình đẳng của họ làm sao tránh khỏi họ quay về với đạo Phật, một tôn giáo được xây dựng trên nền tảng của Bình đẳng, Tự do và Lý trí.

Ambedkar đã đóng góp rất nhiều vào công cuộc thay đổi xã hội Ấn Độ vào thế kỷ XX. Nhân cách, tài năng và những đóng góp của ông vượt hơn cả những chính khách lỗi lạc của Ấn Độ lúc bấy giờ như Periyar E. V. Ramaswamy và Ram Manohar Lohia. Ambedkar là người duy nhất  thuộc giai cấp nô lệ đã thành công trong lãnh vực học thuật và chính trị và ông còn là  một Phật tử hữu tâm đầy nhiệt huyết muốn khôi phục lại nền văn minh tâm linh của đất Ấn mà trước đây đã là trung tâm học thuật, tư tưởng cả nhân loại đều hướng về.

Dòng máu hy sinh, nhiệt tâm, thương người tràn ngập trong tim ông. Hạnh phúc của người cùng đinh cũng là hạnh phúc của ông.   Viết đến đây người viết bỗng nhớ đến câu nói chân tình, sung sướng đến nghẹn ngào của ông trong ngày 14-10-1956 lịch sử: "Tôi phát động phong trào từ bỏ Đạo Hindu vào năm 1935 và từ dạo đó tôi đã không ngừng đấu tranh. Cuộc cải đạo theo Phật giáo này khiến tôi vô cùng hài lòng và sung sướng không thể tưởng tượng được. Tôi thấy mình như được thoát ra khỏi địa ngục."[5]

Các Phật tử năm Châu cần làm gì để tiếp sức cho  Phật giáo Ấn Độ được hồi sinh như thuở huy hoàng ban đầu của nó? Và phải làm gì để cho hơn 300.000.000 dân cùng đinh, và Phật tử Ấn Độ  có cuộc sống tâm linh tràn đầy Pháp vị?


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Sangharakshita (1989), Ambedkar and Buddhism (Ambedkar và Phật Giáo), Glasgow, Windhorse Publiscations, 1st Ed. 1986.

2. Singh, Sanghasen  (ed.)  (1990), Ambedkar on Buddhist Conversion and Its Impact (Công Cuộc Cải Đạo theo Phật Giáo của Ambedkar và Ảnh Hưởng của Nó). Delhi, Eastern Book Linkers.


[1] Tức lễ cúng cơm sữa và nước liên tục 13 ngày kể từ khi một người thân qua đời.

[2] By discarding my ancient religion, which stood for unequality and oppression, today I am reborn. I have no faith in the philosophy of incarnation and it is wrong and mischievous to say that Buddha was an incarnation of Visnu. I am no more a devotee of any Hindu God or Goddess. I will not perform Shraddha. I will strictly follow the Eight-fold Path of Buddha. Buddhism is a true religion and I will be led and guided by the principles of knowledge, right path and compassion.

[3] It is impossible to take each of the other religions and compare it with Buddhism in detail. All I can do is put my conclusion in a summary form. I maintain:

i) That society must have either the sanction of law or the sanction of morality to hold it together. Without either, society is sure to go to pieces.

ii) That religion as defined in the first proposition must be in accord with science. Religion is bound to lose respect and therefore become the subject of ridicule and thereby not merely lose its force as a governing principle of life but might in course of time disintegrate and lapse, if it is not in accord with science. In other words, religion if it is to function, must be in accord with reason which is merely another name for science.

iii) That religion as a code of social morality, must recognise the fundmental tenets of liberty, equality and fraternity. Unless a religion recognises these three fundamental principles of social life, religion will be doomed.

iv) That religion must not sanctify or ennoble poverty. Renunciation of riches by those who have it may be a blessed state. But poverty can never be. To declare poverty to be a blessed state  is to pervert religion, to perpetuate vice and crime, to consent to make earth a living hell.

Which relgion fullfills these requirements… It may be stated that  one of the existing religions satisfies all these tests? So far as I know the only religion which satisfies all these tests is Buddhism. In other words, Buddhism is the only religion which the world can have."

[4] (Buddhism is like an ocean. There is no distinction of high and low in it. The Buddha by His Compassion and Love won the hearts of the down-trodden classes of His days and showed them the right path. Today's Hinduism is rotten to the root. So we must adopt a better religion. In my opinion, Buddhism is the most appropriate religion.) 

[5] I started the movement of renouncing the Hindu religion in 1935 and since then I have been continuing the struggle. This conversion has given me enormous satisfaction and pleasure unimaginable. I feel as if I have been liberated from hell.

http://www.buddhismtoday.com/viet/pgtg/nguoi/ambedkar.htm

 


Vào mạng: 1-12-2001

Trở về mục "Phật giáo năm Châu"

Đầu trang