Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
KINH TÁM ĐIỀU GIÁC NGỘ CỦA BỒ-TÁT VÀ PHẬT[1]
Thích Nhật Từ dịch
(từ bản chữ Hán của An Thế Cao, thuộc Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh, số 779)

Làm người đệ tử Như Lai
Hết lòng đọc tụng đêm ngày chớ quên:
"Tám điều giác ngộ" làm nên
Các hàng Bồ-tát thẳng lên đạo vàng:
*
Một là muôn vật vô thường,
Cuộc đời biến đổi, thế gian sao dời;
Bốn điều cấu tạo muôn loài [2]
Vốn không thực thể, chơi vơi khổ nhiều;
Con người - hợp thể năm điều [3]
Vốn không có ngã, sớm chiều diệt sanh,
Ngụy hư, vô chủ, mong manh;
Tâm: nguồn tạo nghiệp luân trầm bấy lâu;
Thân nầy tích tụ nghiệp sầu.
Quán soi như vậy, khổ đau giả từ!
*
Hai là nên quán tâm tư:
Tham nhiều nên khổ cũng như thác ngàn;
Rằng trong cái kiếp tử sanh,
Dục tham, khát ái: ngọn ngành khổ đau;
Ai người biết đủ, ít cầu,
Thản nhiên, tự tại thẩm sâu trong lòng,
Cởi trói buộc, sống thong dong,
Thẳng đường thoát tục, ra vòng trầm luân.
*
Ba là giác ngộ được rằng:
Tâm theo danh lợi, dầm đường gian nguy,
Lỗi lầm càng lớn, càng suy;
Các hàng Bồ-tát tâm thì khác xa:
Thanh bần, biết đủ, thiết tha;
Sự nghiệp tối thượng chỉ là "trí" thôi [4].
*
Bốn là giác ngộ biếng lười
Là đường đọa lạc con người chúng sanh;
Vậy nên gắng bước đạo lành
Bốn ma diệt sạch, xua tan não phiền;
Vượt ra tù ngục ba miền [5]
Thoát nhà năm uẩn, như nhiên tự mình.
*
Năm là giác ngộ vô minh:
Ngục tù giam nhốt, tử sinh bao lần.
Các hàng Bồ-tát chuyên cần:
Nghe nhiều, học rộng, trí năng sáng ngời;
Phát huy hùng biện [6] độ đời;
Sống trong phúc lạc, an vui, thoát nàn.
*
Sáu là giác ngộ được rằng:
Khổ nghèo gây cảnh thù căm, oán hờn,
Thế rồi nghiệp xấu chất chồng;
Các hàng Bồ-tát chuyên ròng ban cho,
Làm từ thiện, chẳng thân sơ,
Người thương, kẻ ghét như là người thân.
Bỏ qua điều ác người làm.
Bao dung, hỷ xả, rải ban tâm lành.
*
Bảy là giác ngộ ngọn ngành
Năm dục [7] tội lỗi, hoành hành khổ đau.
Người xuất gia [trước như sau]:
Bỏ vui thế tục, thẩm sâu đạo vàng,
Ba y, một bát, thanh bần,
Sạch trong nết hạnh, đảm đang cuộc đời,
Tình thương trải khắp mọi người,
Quyết tròn chí nguyện, rạng ngời tâm linh.
*
Tám là biết lửa tử sinh
Đốt thiêu muôn loại, trầm mình đớn đau;
Phát tâm lớn [8], độ đời mau,
Thay đời chịu đựng khổ sầu dọc ngang;
Để đời đạt được lạc an,
Niềm vui cứu cánh, tràn dâng tâm hồn.
*
Tám điều giác ngộ nói trên,
Được Bụt, Bồ-tát, đại nhân thực hành;
Từ bi, trí tuệ sẵn dành,
Nương thuyền thân-pháp, niết-bàn đến nơi.
Vào sanh tử, độ trời người,
Tám điều giác ngộ cho đời khỏi đau;
Bỏ năm dục, hướng đạo mầu,
Con đường tám thánh, cao sâu ân tình!
Làm phật tử phải chuyên tinh,
Đọc rồi quán tưởng, thực hành chớ quên;
Tội vô lượng, diệt sạch trơn,
Tử sanh rơi rụng, lạc an vĩnh hằng!

CHÚ THÍCH
[1] Nguyên tựa đề là Bát Đại Nhân Giác Kinh, có nghĩa là Kinh Nói về Tám Điều Giác Ngộ của các Bậc Đại Nhân. Đại nhân, chữ Pali là mahaapurisa, chỉ chung cho những người có đạo đức, trí tuệ và hạnh nguyện hơn hẳn người thường. Trong văn học Phật giáo Đại thừa, đại nhân chỉ cho các vị Bồ-tát.
[2] tức bốn đại: đất (chất rắn), nước (chất lỏng), lữa (nhiệt lượng) và gió (chất lưu động).
[3] năm uẩn, tức năm hợp thể cấu tạo nên con người, bao gồm, xác thân, cảm giác, ý niệm hóa, sự vận hành và thức phân biệt.
[4] Dich ý từ mệnh đề "duy tuệ thị nghiệp."
[5] ba miền: dịch thoát từ "tam giới" tức ba cõi dục giới, sắc giới và vô sắc giới.
[6] biện tài.
[7] năm dục lạc là sắc đẹp, âm thanh, mùi, vị, và xúc chạm.
[8] phát tâm đại thừa, tức phát tâm giác ngộ, độ tất cả chúng sanh thành tựu đạo quả vô thượng bồ-đề.

http://buddhismtoday.com/viet/kinh/dt/004-batdai.htm

 


Cập nhật: 3-6-2000

Trở về mục "Kinh điển"

Đầu trang