Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
PHẬT GIÁO VÀ NHỮNG THÀNH TỰU KHOA HỌC TRONG NHỮNG NĂM ĐẦU THIÊN NIÊN KỶ MỚI

Nỗ lực nghiên cứu của các nhà khoa học trên nhiều lãnh vực trong những năm đầu thiên niên kỷ thứ hai đã được đền bù xứng đáng. Đó là bức màn bí mật của bản đồ gien đã được vén lên, sinh sản vô tính trên con người được thực hiện và các kết cấu phản vật chất ngày càng lộ dần ra dưới ánh sáng của những phát minh khoa học. Những thành tựu này đã mở ra nhiều cơ hội mới trong việc khám và điều trị bệnh tật , trong việc kéo dài tuổi thọ, trong ước mơ tìm về cội nguồn của thế giới và rõ ràng nhất là góp phần xây dựng một cuộc sống hạnh phúc cho con người. Tất cả những thành tựu đó đã được loài người hân hoan đón nhận và cùng song hành với nóùù là xen lẫn nhiều nỗi lo âu.

Không phải ngẫu nhiên khi cơ quan an ninh của nhiều nước trên thế giới đã tỏ ra hết sức thận trọng khi đưa ra dự luật cấm thực hiện sinh sản vô tính trên cơ thể người. Và càng không phải không có lý do khi Liên hiệp quốc tổ chức giám sát chặt chẽ các chương trình sản xuất năng lượng hạt nhân. Theo họ, chỉ cần một sai sót nhỏ thôi thì sẽ tạo ra những dị phẩm mà hậu quả rất khó khắc phục và nguy cơ sẽ rất cao, khi công nghệ này lọt vào tay những kẻ khủng bố . Sự dè dặt đó đã phản ánh giới hạn kiểm soát những sản phẩm được tạo ta bởi sự tiến bộ của tri thức loài người. Vì con người, với trí tuệ sẵn có, có thể tạo ra những phương tiện vật chất hỗ trợ cuộc sống nhưng nếu như không có khả năng kiểm soát và quản lý thì những phương tiện đó sẽ quay trở lại hủy diệt chính mình.

Thực tế thì điều này không xa lạ gì theo quan niệm của Phật giáo. Bởi lẽ, khi đưa ra mối tương quan giữa trí tuệ và thần thông, hầu như đã từ lâu, đức Phật của chúng ta đã lưu ý đến vấn đề này. Thần thông, theo quan điểm của Phật giáo phải nằm trong sự chỉ đạo, dẫn dắt của trí tuệ; chưa đạt đến trí tuệ – được hiểu theo nghĩa trí tuệ tuyệt đối – mà mưu cầu thần thông là điều khó có thể chấp nhận. Căn cứ vào những thành tựu vượt bậc của khoa học trong những năm đầu thiên niên kỷ phải chăng là một dạng khác của "thần thông"? Và với phép mầu thần thông đó, chiếc đũa thần khoa học sẽ ban phát cho nhân loại những gì nếu như thiếu vắng đi tình yêu thương không phân biệt màu da chủng tộc, thiếu vắng đi một nền tảng đạo đức được xây dựng trên tôn chỉ vì tương lai con người?

Trên một phương diện khác, cặp phạm trù trí tuệ và từ bi trong Phật giáo tồn tại có tính tương tức: không có trí tuệ nếu vắng mặt từ bi và ngược lại. Có thể xem đây là một tiêu chí chung cho mọi định hướng phát triển của khoa học. Vì rằng, trí tuệ chỉ có tác dụng tích cực khi đứng trên nền tảng của tình thương. Không có tình thương yêu - từ bi - thì cái được con người nhận lầm là trí tuệ ấy sẽ đưa con người và thế giới đến bờ diệt vong. Cuộc chạy đua không có đích đến của những ngành công nghệ quốc phòng ở các nước phát triển như tên lửa đạn đạo, vũ khí sinh học, vũ khí hạt nhân…là những hiểm họa, đe dọa một thế giới hoà bình.

Kinh nghiệm hàng vạn năm nay của nhân loại lại một lần nữa xác nhận rằng, khi có những thành tựu mới trong khoa học thì đó cũng là lúc mở ra nhiều nguy cơ ở trước mắt hoặc lâu dài. Nếu như trước đây, con người hoàn toàn thỏa mãn vì những phương tiện khoa học kỹ thuật có thể giúp họ cải tạo thiên nhiên, bắt thiên nhiên phục vụ con người thì ngày hôm nay, thái độ đó không còn nữa mà thay vào đó là tinh thần ứng xử thân thiện, hài hoà với môi trường thiên nhiên. Cuộc cách mạng xanh với những thành công vượt bậc về tăng năng suất cho cây trồng và vật nuôi do công nghệ biến đổi gien đưa lại, tưởng chừng như đã giải quyết ổn thoả vấn đề thiếu hụt thực phẩm trên thế giới. Nhưng các thực phẩm có sự biến đổi về gien ấy lại là nguy cơ cao của bệnh tật, đặc biệt là những bệnh nan y. Dường như, mặt trái của những thành tựu khoa học bao giờ cũng tiềm ẩn một nguy cơ vượt khỏi mọi dự kiến của con người.

Về mặt lý thuyết, có thể ngăn ngừa và khắc phục được phần lớn nếu không nói là tất cả, nếu như nền tảng của những khám phá khoa học được thiết lập trên cơ sở là đạo đức. Đạo đức – được hiểu theo nghĩa rộng nhất – sẽ nuôi dưỡng và mở ra những phát kiến khoa học mà ứng dụng lâm sàng của nó đích thực là vì cuộc sống, vì hạnh phúc của con người trên khắp hành tinh. Vấn đề này, đã có một sự hưởng ứng tích cực khi Học viện y học và Thẩm mỹ Hoàng gia Canada cũng như nhiều trường y khoa nổi tiếng khác trên thế giới, yêu cầu sinh viên phải hoàn thành chứng chỉ giáo dục y đức, xem đó là môt điều kiện để hoàn thành chương trình Sau đại học (Theo, Peter A Singer, University of Toronto Joint Centre for Bioethics, Canada.). Cần phải bình tâm để nhận thấy rằng, không phải là tất cả, nhưng động lực cốt lõi nhất của mọi khám phá khoa học mà con người đạt được trong những năm gần đây đó là gì? Phải chăng, mục tiêu danh lợi, địa vị…luôn được xếp ở vị trí ưu tiên hơn những tiêu chí khác? Nếu không nói rằng phát kiến khoa học sẽ phục vụ vì mục tiêu nhân loại sau khi thỏa mãn cái "tôi" mang tính cá nhân. Đó là chúng ta chưa kể đến những phát kiến đi ngược lại vì hoà bình, vì hạnh phúc của nhân loại.

Ở đây, thái độ của Phật giáo bao giờ cũng khích lệ và chào đón những kỳ tích khoa học nhằm cải thiện đời sống nhân sinh. Nói cách khác, ánh sáng của khám phá khoa học càng làm nổi bật những giá trị nhân bản truyền thống vốn có của Phật giáo.

Những thành tựu vượt bậc mà khoa học mang lại trong những năm đầu thiên niên kỷ thứ hai và hứa hẹn sẽ phát triển mạnh mẽ hơn trong nhiều năm tới, lại một lần nữa xác nhận rằng khả năng nhận thức của con người là vô tận. Nhưng để khả năng ấy vươn đến những mục tiêu mang tính nhân bản thì nhà khoa học cân phải được dẫn dắt bới một dạng thức trí tuệ vượt lên trên trí tuệ hiểu theo nghĩa thông thường: trí tuệ Vô Ngã. Đồng thời, những nỗ lực nhằm làm thay đồi xã hội, đưa xã hội tiến lên những thang bậc mới phải được phát xuất từ một tình thương của đồng thể đại bi tâm, không bị giới hạn vì bất kỳ tiêu chí nào khác. Và trên hết là một nền tảng đạo đức được xây dựng vững vàng, sẽ là những chất liệu đồng hành không thể thiếu trong những thành tựu khoa học ở thời đại hôm nay.

http://www.buddhismtoday.com/viet/kh/pg-khoahoc.htm

 


Vào mạng: 1-10-2004

Trở về mục "Phật giáo và Khoa học"

Đầu trang