Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
Thờ Phật nhiều có đúng không?
Diệu Phước hỏi, Thích Giác Hoàng trả lời

 

Kính gởi Thầy Giác Hoàng!

Trước tiên, con xin kính chúc Thầy được dồi dào sức khoẻ, vạn sự kiết tường.

Thưa Thầy,

Khi còn ở Việt Nam, con đã quy Tam Bảo ở chùa Hoằng Pháp (Bắc Tông) tu theo pháp môn Tịnh Độ, thọ trì Tam Quy - Ngũ Giới và ăn chay mỗi tháng 4 ngày, cũng như niệm Phật mỗi đêm. Sau khi qua Mỹ, vì thuận duyên con đã đến chùa Pháp Luân thuộc Phật giáo Nguyên Thuỷ (Nam Tông). Trong lòng con rất hoan hỷ, vì con đã thấu đáo thêm nhiều kinh kệ đạo pháp. Tuy nhiên, con vẫn giữ đều những gì mà từ trước con đã hành trì, vì con nghĩ rằng pháp môn nào cũng bổ ích cho một Phật tử tu tại gia cả. Hiện tại con là Phật tử tại gia sống độc thân với cha mẹ, tâm con rất tự tại an lạc. Ở nhà, con thờ Tam Thế Phật và chư vị Bồ-tát, dựa vào đó mà tâm con rất mạnh mẽ và nhẹ nhàng.

Nhưng có một vài Phật tử khác cho rằng thờ nhiều không đúng, nhưng con không nghĩ vậy. Xin Thầy hoan hỷ giải đáp khúc mắc của con vừa trình bày.

Sau cùng, con kính chúc Thầy tiến triển trên đường tu học, mọi sự được kiết tường.

Con rất cảm ơn Thầy,

Trông tin của Thầy,

Kính.

Phật tử Diệu Phước

*******

Phật tử Diệu Phước quý mến,

Trước tiên, quý Thầy ở đây cầu chúc Phật tử có nhiều sức khoẻ và luôn giữ vững niềm tin trong Phật pháp.

Như Phật tử đã trình bày, hiện tại tâm Phật tử  rất an vui, vì đã hiểu và hành trì được phần nào giáo pháp vi diệu của Ðức Phật. Ðiều đó thật quý báu,  thật đáng ca ngợi.

Tinh thần học pháp với “trăm thầy ngàn bạn”, không phân biệt hệ phái tông môn thật là quý báu. Quý Thầy lúc nào cũng mong mỏi quý Phật tử khắp năm châu luôn có tinh thần học hỏi, bổ sung và hỗ trợ lẫn nhau như vậy thì quý biết dường bao. Một trong những nguyên nhân làm cho chúng sanh đau khổ là  tâm kỳ thị, phân biệt quá cực đoan, điều đó không những tự giới hạn chính mình mà còn làm tổn thương đến mọi người xung quanh mình nữa.

Phật tử Diệu Phước quý,

Thờ phượng chư Phật và Bồ-tát hoặc chư vị Tổ Sư là một hình thức để biểu hiện lòng trân trọng, nhớ ơn của mình đối với chư Phật và Bồ-tát đã hy sinh thân mạng làm lợi lạc cho đời.  Chúng ta thờ kính chư Phật và Bồ-tát là để noi theo các công hạnh của chư Phật, chư Bồ-tát. Do đó,  nếu hiểu được ý nghĩa thờ phượng thì thờ Ðức Phật hay vị Bồ-tát nào cũng có ý nghĩa cả. Ngược lại, nếu thờ nhiều tượng Phật quá và không có an vị đúng cách đến độ người khác vô chùa hoặc vào nhà không  thể nào phân biệt nỗi  vị nào là Ðức Phật Bổn Sư Thích-ca, vị nào là Ðức Phật Di-đà, hoặc vị nào là Bồ-tát  Di-lặc, v.v... thì không nên, vì điều đó làm mất đi ý nghĩa của thờ phượng.

Như Phật tử thấy, tuỳ theo từng chùa, từng Tịnh Xá thuộc Bắc Tông, Nam Tông hoặc Khất Sĩ  mà có cách an trí thờ phượng khác nhau, thậm chí trong từng hệ phái cũng không có chỗ nào giống y chỗ nào. Do đó, việc thờ phượng cũng mang tính quy ước, không có giá trị tuyệt đối. Có thể nói, việc thờ phượng chư Phật, chư vị Bồ-tát cũng  phản ánh tâm hạnh của vị thờ phượng. Có chùa thờ Tam Thế Phật, có chùa chỉ thờ một tượng Ðức Phật Thích-ca cùng với Ðức Phật A-di-đà hoặc Bồ-tát Di-lặc. Còn tại gia đình của quý Phật tử thì càng không có quy định nào cụ thể hơn. Có gia đình thích công hạnh của Bồ-tát Quán Thế Âm, có gia đình  thích công hạnh của Bồ-tát  Di-lặc, hoặc thích công hạnh của Ðức Phật A-di-đà, hoặc công hạnh của Ðức Phật Thích-ca, cũng có những gia đình thích công hạnh của Tổ Sư Bồ-đề-đạt-ma hoặc chư vị Tổ Sư khác, v.v... . Do đó, việc thờ kính chư Phật và Bồ-tát  cùng các Tổ Sư có rất nhiều cách thức, nhưng không có một  mô thức nào là tiêu chuẩn nhất.

Ðiểm cần lưu ý ở đây là thờ phượng có được nghiêm trang, tôn kính hay không và hiểu được công hạnh của từng vị hay không ? Vì trên thực tế, có nhiều trường hợp đặt ông Ðịa, Quan Công, thổ thần ngang hàng với chư Phật. Thờ như vậy chúng ta không những làm giảm giá trị đặc tính “tam giới chi đạo sư, tứ sanh chi từ phụ” (bậc Thầy của trời người, bậc cha lành của bốn loại) của Ðức Phật, hoặc hạ thấp các vị Bồ-tát với tinh thần vị tha ban vui cứu khổ chúng sanh xuống thành các vị thần ban phước giáng hoạ thuộc tín ngưỡng nhân gian.

Hiện tượng thờ Phật quá nhiều, và đặt các công thần của dân tộc hoặc các thổ thần ngang hàng với chư Phật như phần lớn các chùa ở miền Bắc;   hoặc vẽ khắc, tô đắp các tượng Phật, Bồ-tát quá giống với các công thần trong một số chùa ở Việt Nam, thì việc thờ phượng như vậy cũng không trách chi nhiều người dựa trên hình thức đó lầm lẫn cho rằng Phật giáo là “đa thần giáo”!

Còn trường hợp của Phật tử thì thờ một tượng Phật Thích-ca  hoặc một vị Bồ-tát  nào cũng được, mà đã thờ Tam Thế Phật và chư Bồ-tát đúng cách rồi, giữ nguyên cũng đáng quý, chứ không có gì sai trái cả.

Cầu chúc Phật tử luôn tinh tấn học hỏi giáo pháp. Xin mượn đoạn thơ của TT. Thích Giác Toàn trong Tặng Phẩm Dâng Ðời  thay cho lời chúc lành đến Phật tử:

Pháp hỷ chồng (vợ) chung thuỷ
Từ Bi con gái lành
Thiện tâm dòng trai quý
Trống rỗng nhà trâm anh
Giới đức lan can bảo
Nhẫn nại cửa trang nghiêm
Bát chánh thực thời ngày
Ðức tin canh linh hiển
Giáo pháp cơm Như Lai
Uống mật đào tinh tấn
Hưởng an lạc tiêu dao
Tắm trầm hương thiền định
Dĩ nghiệp trí huệ giàu
Niết-bàn ngủ thanh tịnh
Giải thoát chín tầng cao.

Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật.

http://www.buddhismtoday.com/viet/hopthu/thoPhatnhieu.htm

 


Vào mạng: 10-3-2002

Danh sách các câu hỏi Phật học

Đầu trang