Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

 

...... ... .  . .  .  .
Hai tiêu chuẩn cần thiết cho một sứ giả hoằng pháp
Thích Thiện Hữu

Hạnh nguyện, mục đích của người xuất gia là sống và làm lợi ích cho tha nhân. Thế nhưng, thực hiện công tác này bằng cách nào để tính hiệu quả cao mà đỡ lãng phí thời gian, sức lực.

Trong lịch sử phát triển tôn giáo, cũng như các nghành nghề thế tục, vấn đề tiêu chuẩn được đặt ra ngay từ ban đầu, dưới nhiều dạng thức, hoặc bằng văn bản viết, hoặc bằng văn bản miệng.

Ngay thời Phật còn tại thế, mặc dầu lấy mục đích giác ngộ làm điểm cứu cánh, nhưng Như lai vẫn thường đặt một vài tiêu chuẩn cho người sứ giả muốn đi hoằng pháp, hay những tiêu chuẩn cho người xuất gia thọ đại giới Tỳ kheo.

Bản chất của tiêu chuẩn là nhằm thăng hoa con người, nhằm kiện toàn công việc. Tiêu chuẩn không là những sợi dây trói buộc, mà nó còn là phương tiện thúc đẩy để làm tốt đạo đẹp đời. Ngày nay hơn bao giờ hết, cần có vài tiêu chuẩn trong công tác Phật sự, tùy vào hạnh nguyện mình chọn lựa, nhưng với công tác hoằng pháp, thiết nghĩ cần có hai tiêu chuẩn chính yếu sau:

1. Cần có quan điểm rõ ràng, nhất quán
trong nhận thức, giảng dạy giáo lý

Phải nói rõ ràng dứt khoát rằng, việc giảng dạy giáo lý Phật giáo vô cùng quan trọng, vì nó ảnh hưởng đến cả một lối sống, đời sống của người nghe.

Sở dĩ nói như thế là vì tình hình giảng dạy giáo lý ở các nơi cần phải thẩm định và cứu xét kỹ lưỡng, thấu đáo. Vấn đề này rất đáng quan tâm, vì đây không phải là hiện tượng cá biệt ở một địa vực giảng nào, hay một góc độ nào, mà đang phổ biến đến mức nghiêm trọng, báo động. Dĩ nhiên, chúng ta không thể đòi hỏi quá nhiều ở người giảng dạy về tính phổ quát, đồng bộ và tuyệt đối. Tuy nhiên, không thể vịn vào lý do đó mà sự thể cần giải quyết vẫn không được quan tâm và không được thực hiện.

Người giảng dạy giáo lý Phật giáo mặc dù có quyền áp dụng bất kỳ thể thức giảng dạy nào miễn sao đem lại nguồn hưng phấn, cũng như lợi ích thiết thực sau các buổi giảng dạy. Tuy nhiên, muốn thực hiện điều này, đòi hỏi thành phần ban giảng huấn phải hết sức linh động và sáng suốt trong vận dụng các phương tiện lý giải. Nhưng có điều, người giảng dạy không thể tùy tiện lý giải giáo lý theo cảm tính hay theo tư kiến chủ quan, hoặc vận dụng tính hư cấu. Bởi lẽ, Giáo lý là một dữ kiện chứng thực, vấn đề là hiểu thế nào mới đúng, đúng với mức độ tối đa và thế nào là hạn chế và hạn chế mặt nào, chớ không như các nhà sáng tác văn học nghệ thuật. Tính hư cấu trong việc giảng dạy giáo lý Phật giáo cần sớm khắc phục và loại trừ, nếu không di hại về ngộ nhận Phật giáo sẽ không ít.

Ai cũng công nhận rằng, giáo lý Phật giáo vượt lên trên tầm nhận thức thông thường của các tôn giáo và triết học, nhưng người ta cũng không thể thừa nhận rằng việc giảng dạy Giáo lý phổ biến, cơ bản cho Phật tử hay cho người xuất gia vẫn còn nhiều hạn chế, nhiều lệch lạc. Sự thựphủ phàng này đã góp phần đắc lực trong việc gây ra một số ngộ nhận về Phật giáo, và dĩ nhiên cũng không ít Phật tử bất mãn ngã sang một lý tưởng khác, mặc dù họ vẫn ý thức được con đường họ theo chưa phải là rốt ráo.

Cần nên nói rằng, Giáo lý Phật giáo có muôn ngàn pháp môn, mỗi pháp môn nếu hiểu theo nghĩa giản dị, chúng ta cũng có thể cho nó là một bài học, một phương pháp giảng dạy về một điều gì đó và xác suất đem lại cho người thực hành là như nhau, nếu tất cả họ đều thực hành như nhau.

Mỗi pháp môn, nếu hiểu đúng với mức độ nhận thức thì có rất nhiều thang bậc. Do đó, vị giảng dạy cần phải nắm rõ từng thang bậc, từng hệ ý nghĩa hàm chứa trong pháp môn đó, trong bài kinh, trong đoạn kinh…mà mình giảng dạy.

Việc nhận thức không đồng bộ về giáo lý trong lúc giảng dạy hẳn sẽ nảy sinh không ít sự xung đột, thậm chí đối kháng về nhận thức. Sự thực đau lòng này không chỉ ở một vài chùa, một vài tỉnh mà nó đang phát triển trong phạm vi toàn quốc. Nguyên nhân của các sự xung đột và mâu thuẩn trong nhận thức giáo lý Phật giáo tuy có nhiều, nhưng nguyên nhân chủ chốt vẫn là: Phật giáo hiện nay chưa có các trường lớp đúng nghĩa trường lớp, các sách vở tài liệu, đội ngũ giảng dạy không đồng bộ và thống nhất. Ai muốn dạy gì cứ dạy, giảng gì cứ giảng.

Như vậy, vấn đề cần giải quyết không phải là hạn chế ở trình độ,mà do chưa có những trường lớp sư phạm nhất định, chưa có những sách giáo lý chung nhất, tiêu chuẩn cho toàn giới Phật giáo.

Như chúng ta đã biết, sự hình thành và phát triển Phật giáo bao gồm sự hình thành và phát triển song song giữa hệ giáo lý quan trọng nhất và đặc sắc nhất đó là hai hệ Nam truyền và Bắc truyền. Nhưng trong thực tế lại có nhiều người, cũng như nhiều sách vở vẫn không thích dùng hai từ ngữ ấy mà lại dùng giáo lý Đại thừa và giáo lý Tiểu thừa. Những ngôn ngữ như vậy tự bản thân nó đã nêu lên sự bất hòa và xung đột. Nguy hại hơn là người thừa kế của mỗi hệ đã cực lực lên án hệ giáo lý mà mình không thích là không phù hợp với những lời dạy của Đức Phật. Chúng ta không nên dùng những từ ngữ Tiểu thừa và Đại thừa để ám chỉ những lệch lạc khác nhau về kiến thức cũng như hạnh nguyện tu tập của người học Phật. Dù muốn dù không thì hai hệ Giáo lý này đã song song tồn tại từ bao thế kỷ nay rồi. Vấn đề ở chỗ không phải tìm ra chỗ mâu thuẫn nếu có mà là hệ thống hóa lại với nhau, bổ sung cho nhau theo các loại thang bậc nhận thức nhất định, để người giảng dạy cũng như người học an tâm tiếp nhận chứ không dao động hoang mang trước những nghịch lý- biết tin tưởng ai và không tin ai, biết theo giáo lý nào và không theo giáo lý nào!

Thế nên, vì mục đích lợi lạc như ý nghĩa ban đầu của công tác hoằng pháp, chúng ta nên thống nhất với nhau về mặt nhận thức và giảng dạy, để bản thân mình cũng như người tiếp nhận không lấy làm khó chịu.

2./ Cần nắm vững hệ thống giáo lý

Giáo lý, với ý nghĩa đơn giản là những lời dạy của Đức Phật được sưu tập, hệ thống, kết tập thành văn bản như ngày hôm nay. Ơức độ tiếp nhận sâu hơn, cao hơn, giáo lý còn là hệ thống các phương pháp, các pháp môn có tính thang bậc đầy phong phú, nhưng phức tạp. Do đó khi nghiên cứu hay học hỏi kinh điển, đòi hỏi người học phải nắm vững tính hệ thống của nó. Hay nói đúng hơn là cần phải tiếp nhận và tiêu hóa giáo lý một cách thận trọng. Sỡ dĩ phải dùng từ "thận trọng" ở đây là vì phạm trù ý nghĩa của giáo lý không chỉ đơn điệu trơ trẽn ở bề mặt của ngôn ngữ. Ngôn ngữ chỉ là một trong những công cụ chuyên chở nhất định và có những hạn chế nhất định. Ngôn ngữ không thể diễn tả hết những gì sâu kín của Giáo lý, của pháp môn. Thể hiện và thực nghiệm tâm linh mới có thể cảm nhận những gì ẩn chứa bên trong mà ngôn ngữ không tài nào với tới.

Đã là một công cụ chuyên chở, nên nó cũng chỉ là công cụ, chỉ là phương tiện đáp ứng nhu cầu trí thức về nghiên cứu nào đó mà thôi. Ngoài nó ra, không còn một công cụ nào khác đóng trọn vẹn chức năng giảng dạy Giáo lý. Vì thế người nghiên cứu hay học hỏi Giáo lý cần phải trang bị cho chính mình hệ thống nắm bắt, cảm nhận và tiêu thụ. Để làm tròn công việc này, đòi hỏi sự cố gắng rất nhiều ở người nghiên cứu, học hỏi và giảng dạy.

Một bài thơ được chiếu dưới lăng kính văn học nghệ thuật, nó còn có nhiều màu sắc khác nhau, nào nghĩa đen, nghĩa bóng của từ được dùng, nào nghệ thuật sử dụng ngôn từ, nào tuyến tính súc tích có chọn lọc…, thiếu một trong những nhu cầu tối thiểu này, một bài thơ không thể hoàn chỉnh như ý muốn. Chỉ là một bài thơ thôi mà điều kiện cần thiết để hiểu đúng đắn nó đã khó, huống hồ là kinh điển Phật giáo.

Cũng vậy, từ lâu nay giới học Phật đã bỏ ra nhiều thời gian để ôn lại những lời dạy của Đức Phật bằng cách đọc tụng. Nhưng dù thông minh đến mấy, không ai có thể tự hào rằng chỉ đọc vài ba lần một bộ kinh mà có thể hiểu được hết thâm nghĩa của lời Phật dạy. Cho nên, người nghiên cứu hay giảng dạy không thể chủ quan với vốn liếng đang có ở mình trong trọng trách tìm hiểu hay giảng dạy. Mặt khác, văn bản kinh điển của Phật giáo không phải chỉ có vài ba cuốn mà là một kho tàng đồ sộ. Bỏ cả thời gian một đời người để đọc may ra mới có thể hết. Nhưng chỉ là đọc thôi chứ chưa nghiên cứu nội dung trong đó.

Ngoài phương diện phong phú về số lượng, kinh điển Phật giáo đề cập đến hàng trăm ngàn vấn đề khác nhau, ở nhiều góc độ khác nhau và nhiều trường hợp khác nhau. Người đọc nếu vội vã và hấp tấp không thể tránh khỏi thái độ nhận thức lệch lạc, hàm hồ khi mới đọc đến một vài bộ kinh mang tính "phương tiện". Kinh điển thuộc loại này tương đối phổ quát và nhiều.

Nên phân biệt rằng thuật ngữ "Phương tiện" không phải là "Ba phải". Phương tiện là chỉ cho mức độ giáo lý hàm chứa nội dung ở mức độ " Nhân bản" hoặc xa hơn một chút là "Nhị thừa". Nhân bản là hệ thống giáo lý nền tảng của Phật giáo. Nó đề cập đến con người, giải quyết những uẩn khúc Dukkha của con người bằng cách vạch ra hàng loạt những y án khác nhau.

Tin tưởng vào những y án mà bản thân mình thích ứng rồi triệt để ứng dụng trị liệu, nhất định có một kết quả duy nhất là: hết bệnh. Điều quan trọng nhất không phải ở sự khác nhau về kết quả đạt được mà là ở chỗ người ta có chịu tin tưởng và áp dụng triệt để hay không mà thôi.

Kinh điển nhân bản còn là một nhịp cầu tiến lên nhị thừa. Nhị thừa là gạch nối giữa nền giáo lý tuyệt đỉnh của nhân bản và nhất Phật thừa. Giáo lý nhị thừa đã thuộc vào giáo lý xuất thế. Adụng giáo lý này, con người sẽ vượt lên trên nền luân lý đạo đức xã hội, đạt được cái nhân bản của tất cả nhân bản, hay thiện mỹ của tất cả thiện mỹ mà chúng ta thường gọi là thánh nhân, vĩ nhân của các bậc vĩ nhân. Danh từ của hệ Nikaya thường gọi là: "Bậc Alahán, đẳng chánh giác".

Mỗi một thang bậc giáo lý có một giá trị và mức độ đạt đến tối đa của nó. Giáo lý nhân bản là tấm hộ chiếu để tiếp tục thọ sanh ở nhân giới, tùy theo hành vi tạo tác trong cuộc sống từ ba phương diện: hành vi thân xác, hành vi ngôn ngữ, hành vi ý tưởng mà con người sẽ có một số mặt khác nhau nào đó về mọi lãnh vực từ địa vị, hoàn cảnh sống cho đến tâm tư, tình cảm, đạo đức và trí huệ.

Nên nhớ rằng, sự khác nhau ở đây không phải do yếu tố định mạng quyết định theo kiểu tiền định, mà tất cả những hành vi tạo tác có một tác dụng nhất định hoặc phương hại, hoặc trợ lực cho cuộc sống mà chúng ta đang sống. Tất cả những điều này cần phải đạt trên lăng kính nhân quả mới có thể nói chi tiết và đầy đủ.

Trở lại vấn đề giáo lý, nếu như giá trị tối đa có thể đạt được của giáo lý nhân quả là kết quả sinh sống ở nhân giới với điều kiện thuận lợi về đạo đức nhân bản, thì phải nói rằng giáo lý Nhị thừa chính là bức thông điệp cần có siêu xuất đạo đức thế gian. Tuy nhiên, đấy mới chỉ là nửa chặng đường ban đầu mà người học Phật không nên tự mãn về nó, mặc dù chúng ta có quyền hãnh diện về kết quả đạt được của mình. Điểm đích cuối cùng của giáo lý Phật giáo không chỉ dừng lại ở Nhân thừa hay Thanh Văn, Duyên Giác thừa mà là Nhất Phật thừa.

Đến được Phật thừa mới là điều mong muốn của người học Phật. Đây cũng chính là điểm đặc thù, siêu tuyệt của đạo Phật nếu so với các Tôn giáo khác. Ngưòi học Phật, học theo giáo lý Phật giáo cần phải tin tưởng rằng mình sẽ thu hoạch được những gì mà Đức Phật đã thành đạt. Bởi vì khả năng của con người đều ngang nhau. Mức độ thành đạt tối đa trên con đường cải hoán những phần tử tâm lý ác bất thiện và đồng bọn của chúng ra khỏi vùng tâm thức thì chính lúc đó những tâm lý tương phản hình thành và ngự trị, đây là qui luật đối kháng và triệt tiêu trong học lý nhân quả Phật giáo.

Vì giáo lý Phật giáo có nhiều thang bậc và mối liên hệ hữu cơ của chúng không cho phép chúng ta tách rời một cái nào để đạt đến một cái nào khác. Muốn đạt thang bậc thứ hai thì trước hết phải lập cước trên thang bậc thứ nhất. Không có thang bậc một thì vấn đề thang bậc hai sẽ không có cơ sở đề ra.

Tính phong phú và phức tạp về nội dung cho ta thấy vấn đề nghiên cứu, học hỏi và giảng dạy giáo lý Phật giáo cần phải có nguyên tắc nhất định của nó. Nguyên tắc phải theo này như là một điều tất yếu và lô gích. Bỏ lìa nó là sẽ lệch tông chỉ giáo lý. Do đó sẽ có một sai lầm tối kỵ là giảng dạy giáo lý Phật giáo bằng cảm tính thay vì bằng chứng đạt nhận thức.

Nói gọn lại, tuy chỉ có hai vấn đề, nhưng lại là hai vấn đề cốt lõi đối với người hoằng pháp giảng dạy. dây, không có chuyện một, hai hay ba hoặc hơn nữa mà là trách nhiệm nghĩa vụ của người giảng dạy.

Trộm nghĩ, nếu thẩm thấu và tự trau dồi hay được thọ học huấn luyện từ trường lớp một cách kỹ lưỡng, chu đáo thì việc hoằng pháp và sứ giả hoằng pháp sẽ tự tin hơn, dũng mãnh hơn đặt chân đến những vùng đất đang cần hơi thở tình thương của đạo Phật. Làm được điều này, người học Phật mới không tự hổ thẹn khi thọ cơm của thí chủ đàn na!


Chân thành cảm ơn Sư Giác Thạnh đã đánh máy. ĐPNN, 1-9-2000

 


Cập nhật: 1-9-2000

Trở về mục "Giáo dục Phật giáo"

Đầu trang