Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
CHÙA KIỀU ĐÀM DI VIỆT-NAM TẠI TỲ-XÁ-LY, ẤN ĐỘ

Ấn độ là đất nước đã sanh ra đạo Phật. Trải qua bao cuộc thăng trầm, thịnh rồi suy, suy rồi lại thịnh, Phật giáo ngày nay đang khởi sắc lại trên chiếc nôi của nó. Toàn thể Phật giáo thế giới cũng như địa phương đã và đang cùng nhau xây dựng và truyền bá ngôi nhà Phật pháp với phương tiện đầu tiên là lập chùa cho chư tăng, ni, phật tử tu học và xây các phòng nghỉ cho khách hành hương thập phương.

Tại bốn thánh tích quan trọng: Lâm-tỳ-ni (nơi Đức Phật đản sanh), Bồ-đề-đạo-tràng (nơi Đức Phật giác ngộ), Lộc-uyển (nơi Đức Phật chuyển pháp luân) và Câu-thi-na (nơi Đức Phật nhập niết-bàn) có rất nhiều chùa của nhiều nước Phật giáo trên thế giới đã hiện hữu. Riêng tại Tỳ-xá-ly, Kaushambi, Samkasya, Kalinga, Vanga, Tamralipti, Kalinga… tuy chưa hưng thịnh như bốn nơi trên, nhưng cũng có vài chùa tiên phong đến xây dựng.

Về phía Việt nam, tại Lâm-tỳ-ni có chùa Việt Nam Phật Quốc Tự của Thượng Toạ Huyền Diệu và chùa Linh Sơn của Hội Phật Giáo Linh Sơn tại Pháp xây dựng. Tại Bồ-đề-đạo-tràng có chùa Việt nam Phật Quốc Tự do Thượng Toạ Huyền Diệu xây cất và chùa Viên giác do Thượng Toạ Như Điển thành lập. Tại Câu-thi-na, có chùa Linh-sơn (nguyên là chùa của người Trung hoa) thuộc hội Phật giáo Linh Sơn do sư cô Trí thuận làm trụ trì.

Cùng chung ước nguyện tạo thiện duyên cho những người con đất Việt ở khắp nơi được hội ngộ nơi xứ Phật, ni sư Khiết-Minh chùa Kim Liên, quận 4, tp HCM đã đứng ra vận động kinh phí (từ nam đến bắc, cả trong và ngoài nước), nhân lực để xây dựng một ngôi chùa ni Việt-nam đầu tiên tại Ấn Độ. Đặc biệt, ni sư đã chọn Tỳ-xá-ly – chiếc nôi của Giáo hội ni, nơi mà Di mẫu Ma-ha-ba-xà-ba-đề Kiều-đàm đã hy sinh tất cả vinh hoa phú quý của một hoàng thân để khoác lên mình mảnh y vàng thô thiển, cam chịu gian lao khổ nhọc, chân trần lội bộ khoảng 200 cây số từ kinh đô Ca-tỳ-la-vệ đến Tỳ-xá-ly để khẩn thiết xin Đức Phật cho phép hàng nữ lưu được "từ bỏ gia đình, sống đời không nhà, theo pháp và luật của đức Như Lai tuyên thuyết". Nhờ đó, mà giáo hội ni được thành lập và ni giới được sống một đời sống phạm hạnh và giải thoát như chư tăng. Di mẫu Ma-ha-ba-xà-ba-đề Kiều-đàm vĩ đại được xem như vị sơ tổ ni đã chứng chánh quả A-la-hán và mở ra trang sử mới trong việc giải phóng nữ giới.

Sáng mùa đông ngày 17 tháng 1 năm 2005, tại Tỳ-xá-ly, chùa Kiều Đàm Di Việt-nam hân hoan tổ chức lễ Đặt Đá Xây Dựng Di Tích. Hơn 120 quan khách tham dự trong đó có Hoà thượng Nyaneinda – Sư cả chùa Miến điện tại Bồ-đề-đạo-tràng, H.T. Pannyalankara – Trụ trì chùa Trung quốc tại Nalanda, Thượng Toạ Seevalee – Trụ trì chùa Tích lan tại Bồ-đề-đạo-tràng, T.T. Chanda Wimala – Trụ trì chùa Tích lan tại Tỳ-xá-ly, Hoà thượng Lama Gosok Rinpoche – Cựu phó Viện trưởng hai trường đại học Gymed và Sera, ông Srinivasa – Quận trưởng Tỳ-xá-ly, ông P.Q.Việt – Đại diện Đại sứ quán Việt nam tại Ấn độ, ông Đ.V.Tâm – Phóng viên Thông tấn xã Việt nam, T.T. Thích Giác Toàn – Uûy Viên HĐTSTW GHPG Việt Nam cùng H.T. Từ Giang và T.T. Viên giác với đoàn phật tử Việt nam, chư tăng và phật tử Ấn độ, và một số tăng ni sinh du học tại trường đại học Delhi tham dự.

Sư cô Huệ Phúc đại diện cho Ban Trụ trì chùa Kiều Đàm Di Việt Nam tại Tỳ-xá-ly (gồm bốn vị: Ni Sư Khiết-Liên, N.S. Như Bửu, N.S. Như Thuận và N.S. Đàm Hải) đã cẩn bạch như sau:

"Uống nước nhớ nguồn’ là bổn phận của tất cả chúng con. Chúng con luôn mong mỏi có được chút phước duyên tạo dựng một di tích thờ Tổ Ni Kiều Đàm Di. Nơi đây cũng là nơi cho chư ni và phật tử chiêm bái và cũng để nhắc nhở chúng con cũng như chư ni hậu lai noi gương ngài mà tinh tấn tu hành trong tinh thần ‘lợi mình, lợi người’ làm rạng danh Thích Nữ hầu mong đền đáp một phần nào ân sâu của chư Phật, chư Tổ và chư Tôn đức… Hiện nay chúng con có hơn 7.000m2 đất. Kinh phí chi dùng cho việc mua đất, san lấp ruộng, xây mương nước, xây rào, đào giếng, xây phòng ở đã lên đến hơn 100.000 US. Chúng con tha thiết kính mong chư tôn đức từ bi tiếp tục che chở, hổ trợ và nâng đỡ cho chúng con về mọi mặt. Chúng tôi cũng kính mong quí phật tử tiếp tục dõng mãnh phát tâm đóng góp tịnh tài, tịnh vật để Phật sự tại đây sớm thành tựu viên mãn…".

Hoà thượng Lama Gosok Rinpoche và H.T. Pannyalankara rất hoan hỷ tán thán khi thấy ni giới Việt Nam đã chẳng ngại gian lao, chẳng từ khó nhọc dấn thân tiên phong xây chùa Việt nam đầu tiên tại Tỳ-xá-ly. Đây là một nhân duyên lớn.

T.T. Giác Toàn đại diện cho Giáo Hội Phật giáo Việt Nam đã phát biểu rằng có hai hạng người: ‘Người biết nhớ ơn và người biết làm ơn’. Nay chư ni đã không cô phụ công lao của tổ Kiều-đàm – người đã vì giới ni mà hy sinh cả tuổi ngọc ngà để giới nữ lưu có được đời sống đạo hạnh như ngày nay mà về Tỳ-xá-ly xây dựng di tích thờ tổ và chùa ni cho ni giới có chỗ tá túc và cũng nghĩ đến đàn hậu ni mai sau luôn luôn ghi nhớ công ơn của các bậc tiền bối mà nỗ lực tu học độ mình, độ người. Đó là chư ni đã biết phục hồi cái cũ và xây dựng cái mới. Đó là biết nhớ ơn và biết làm ơn. Sư rất tán thán và thành tâm cầu nguyện cho công trình sớm tốt đẹp như ý muốn.

Về phía chánh quyền sở tại, ông Quận trưởng Srinivasa cũng bày tỏ niềm hân hoan khi thấy có thêm chùa ni Việt nam hiện diện tại đây cùng với chùa Tích Lan, chùa Nhật bản. Ông sẽ hết lòng hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi về thủ tục giấy tờ và bảo đảm an ninh cho chùa.

Tiếp theo đó là ông P.V.Việt thay mặt Sứ quán Việt nam tại Ấn độ phát biểu rằng sự có mặt của chùa Kiều Đàm Di Việt nam tại Tỳ-xá-ly là ‘nhịp cầu nối liền hai nền văn hoá Ấn – Việt… Đây là một cơ hội tốt cho người Việt Nam chúng ta thể hiện chút thâm tình đối với người anh Ấn độ’.

Sau đó, tất cả quan khách cùng chư tăng ni Việt nam dự lễ tụng kinh, đặt đá, chụp hình lưu niệm và dự bữa trai tăng với hương vị Việt nam ngon miệng và đẹp mắt. Trước khi tiễn khách ra về, Ni sư trụ trì đã tặng quà lưu niệm cho tất cả quan khách cả xuất gia lẫn tại gia, cả trong lẫn ngoài nước. Quà lưu niệm, đặc biệt có tranh gỗ Đức Phật Thích Ca ngồi thiền bên sông Ni-liên làm tại Việt Nam, lịch các chú điệu Việt nam xinh xắn, ngộ nghĩnh và bức ảnh Tổ Kiều-đàm-di đang giáo giới cho chư ni bên suối nước, rừng cây.

Buổi lễ đã hoàn mãn, nhưng trong lòng ai cũng hoan hỉ và đồng tâm cầu nguyện cho một ngày không xa sớm thấy được di tích trang nghiêm này thành hiện thực, đồng thời khôi phục hình bóng ni giới trên mãnh đất tổ tiên này.

   WUS University Hostel, Delhi 26-01-05

http://www.buddhismtoday.com/viet/dien/chuakieudamdi.htm

 


Vào mạng: 26-02-2005

Trở về mục "Diễn đàn"

Đầu trang