Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
GÓP THÊM VÀI Ý KIẾN CÙNG  TỲ KHEO ĐỒNG TRÍ

 

Phúc Lâm rất lấy làm áy náy, vì bài viết của Phúc Lâm mà khiến Tỳ Kheo Đồng Trí phải mất công bỏ thì giờ quý báu để viết một bài dài  [Phúc Lâm xin bỏ hai chữ lê thê] “Tản Mạn Đầu Năm Với Cư Sĩ Phúc Lâm” để phê bình một số điểm trong bài viết của  Phúc Lâm.  Được một Tỳ Kheo chiếu cố đến bài viết của mình, Phúc Lâm cũng cảm thấy có đôi chút hứng khởi.

Thật tâm Phúc Lâm chỉ muốn đóng góp chút ít hiểu biết hạn hẹp của mình về Phật Giáo chứ không có ý tranh luận để dành phần thắng đối với bất cứ ai.  Lẽ dĩ nhiên, sự hiểu biết của Phúc Lâm về Kinh Điển Phật Giáo còn thiếu sót rất nhiều, nên cần được chỉ dạy thêm. 

Phúc Lâm nghĩ rằng, trong thời đại ngày nay, chúng ta cần gạn lọc ra những gì tinh túy của Phật Pháp chứa đầy trong ba tạng Kinh, Luật, Luận.  Tại sao phải gạn lọc.  Lý do đơn giản nhất là Kinh điển Phật Giáo chỉ hình thành khoảng 500 năm sau khi Đức Phật đã tịch diệt, và Đức Phật không hề viết một chữ.  Do đó chúng ta không thể loại bỏ trong Kinh Phật có những phần được  thêm thắt vào về sau hoặc do “tam sao thất bản” nên không còn đúng với những gì thực sự là Kinh Phật, nghĩa là đúng với những gì Đức Phật đã thực sự thuyết giảng.  Còn những điều khó có thể biện minh được thì không nên dùng, vì những điều này không có tác dụng gì mấy trong sự áp dụng giáo lý của Đức Phật.  Phúc Lâm xin lấy vài thí dụ.

1.  Vài năm trước đây, đi dự lễ Phật Đản, Phúc Lâm vẫn nghe được một Thầy giảng là Hoàng hậu Maya vịn cây vô ưu sinh Đức Phật ra từ nách, và ngay sau khi sinh ra Đức Phật đã bước đi 7 bước, mỗi bước nở một hoa sen dưới chân.  Phúc Lâm biết rõ những điều này là “physically impossible” nhưng cũng không lên tiếng vì Phúc Lâm vẫn nhớ câu “Kính Phật, Trọng Tăng”.  Phúc Lâm trộm nghĩ, những điều này có giúp ích gì trong việc truyền bá Phật Pháp?  Lẽ dĩ nhiên, chúng ta có thể giải thích ý nghĩa của những chuyện trong Phật Giáo nhằm nói lên một điều gì đó, nhưng nếu tin những chuyện đó là sự thật thì đó thuộc về tín ngưỡng. 

2.  Nếu chúng ta mang chuyện Đức Phật lên cung trời Đao Lợi trong hạ thứ bảy để giảng Pháp cho chư Thiên và cho Mẹ rồi lại trở về địa cầu, thì giả thử trong hàng thính chúng có người hỏi:  “Xin quý Thầy cho con biết cung trời Đao Lợi là ở đâu, và bằng cách nào mà Đức Phật lên cung trời Đao Lợi?”  Tất nhiên quý Thầy chỉ có hai cách trả lời:  Thứ nhất, Kinh điển Phật Giáo viết vậy, cho nên chúng ta cần phải tin là sự việc đã xảy ra đúng là như vậy, và thứ nhì, Đức Phật có thần thông làm gì chẳng được.  Nên nhớ, chuyện trên không phải là lời Đức Phật “tự thuật” mà là người đời sau viết về Đức Phật mấy trăm năm sau khi Đức Phật đã tịch diệt, có thể dựa trên những lời truyền khẩu từ thế hệ này qua thế hệ khác và qua nhiều thế hệ. Nhưng vấn đề chính vẫn là Cung Trời Đao Lợi ở đâu trong khi trái đất di chuyển trong không gian với một vận tốc trung bình là 107218 km/giờ và quay xung quanh trục Nam Bắc với vận tốc trung bình khoảng 1600 km/giờ.  Phúc Lâm thấy khó mà trả lời nếu không viện đến đức tin.  Nhưng Phật Giáo lại được biết là một tôn giáo của trí tuệ, chứ không phải là tôn giáo của đức tin, Kinh Kalama đã viết rõ như vậy.  Cụ Khổng cũng dạy, Tận tín thư bất như vô thư (Tin tất cả vào sách thà chẳng có sách).  Bất cứ người nào dấn thân vào trong lãnh vực học thuật đều hiểu như vậy.  Đó là khó khăn mà Phúc Lâm gặp phải khi đối chiếu học thuật với tín ngưỡng, và nói chuyện với giới trí thức Tây phương.  Nhưng vấn đề là ở chỗ, theo Phúc Lâm nghĩ, những chuyện đại loại như vậy không giúp ích gì thêm cho vấn đề tu tập Phật Pháp của quần chúng.  

3.  Sau đây là một chuyện khác của Tỳ Kheo Đồng Trí viết, hay kể lại: “Sau khi thành Đạo trở về lại thành Ca Tỳ La vệ, Đức Phật đã hóa ra một con đường trên hư-không; trên ấy Ngài đi kinh-hành như đi trên mặt đất, giữa lúc Vua Suddhodana (Tịnh-Phạn), bá-quan văn-võ và dân chúng rần-rộ ra nghinh đón Ngài, mọi người ngưởng mặt lên dòm một cách sung-sướng, rồi chấp tay quì lạy, tỏ lòng tôn-kính Ðức-Phật, chính vua cha Suddhodana (Tịnh-Phạn) cũng quì lạy Ngài.”  Nếu có người nào hỏi rằng bằng cách nào mà Đức Phật có thể  “hóa ra một con đường trên hư-không; trên ấy Ngài đi kinh-hành như đi trên mặt đất?” Con đường đó làm bằng gì, đường đất, đường đá hay đường nhựa?  Dựa trên cái gì để đường đứng vững trong hư không?   Định luật vạn vật hấp dẫn do Newton khám phá ra có áp dụng cho Đức Phật không?  Khi đi trên đó Đức Phật là vô hình như chân không tuyệt đối [cho nên không bị rơi xuống đất] hay có khối lượng và chất lượng?  Nên nhớ, đây cũng lại không phải là lời Đức Phật “tự thuật” mà người đời sau viết về Đức Phật mấy trăm năm sau khi Đức Phật đã tịch diệt, có thể dựa trên những lời truyền khẩu từ thế hệ này qua thế hệ khác và qua nhiều thế hệ.  Không có câu trả lời nào khác ngoài cách viện đến đức tin vào Kinh sách hoặc thần thông của Đức Phật.  Phúc Lâm hiểu rõ mục đích của khoa học và tôn giáo khác nhau, nhưng chúng ta không thể phủ nhận những thành quả của khoa học đã giúp chúng ta hiểu rõ về vũ trụ và nhiều vấn đề khác, và dù muốn dù không Phật Giáo cũng phải chấp nhận sự kiện là, thế giới ngày nay khác với thế giới ngày xưa nhiều lắm, và kiến thức con người cũng vậy.  Điều này không có nghĩa là Phật Giao phải thay đổi Chánh Pháp để hợp với thời đại, mà chỉ là “tùy duyên bất biến” và những gì ngoài Chánh Pháp không còn phù hợp với sự hiểu biết của con người trong thời đại này thì cần phải giải thích khác đi hoặc để chúng vào đúng vị trí của chúng.

Phúc Lâm đọc và suy tư không ít về Kinh sách Phật Giáo và Phúc Lâm thấy rằng, người đời sau vì quá tôn sùng Đức Phật nên đã thần thánh hóa Đức Phật một cách quá mức, nhiều khi không giúp ích gì cho Phật Giáo vì trái ngược với những gì chúng ta hiểu về sự giác ngộ của Đức Phật.  Thật vậy, Đức Phật đơn giản chỉ là Bậc Tỉnh Thức.  Người đã hiểu và thấy được những điều mà chúng ta không hiểu không thấy, và đã chỉ đường khai mở cho chúng ta hội nhập vào cái thấy biết của Đức Phật (Khai thị hội nhập Phật tri kiến).  Đây là cốt tủy của Phật Giáo, có mục đích giúp cho con người thấy và biết vạn Pháp chúng thực là như vậy (Như thực tri kiến) và từ đó hi vọng có thể chấm dứt được những phiền não mà nguồn gốc là vô minh.  Còn những truyền thuyết, tương truyền đều không giúp ích gì được cho vấn đề tu tập Phật Pháp, nếu không muốn nói là chỉ khiến cho con người mê hoặc trong những chuyện khó có thể tin trong thời đại ngày nay.  Phật Pháp bất ly thế gian Pháp, thế gian ngày nay khác xa với thế gian thời Đức Phật còn tại thế, khi đó trên khắp thế gian, không chỉ riêng gì ở Ấn Độ, tràn ngập những chuyện mà ngày nay được xếp vào loại huyền thoại, và con người có thể tin vào bất cứ điều gì.  Vấn đề không phải là “Phật Pháp đúng là Phật Pháp” không còn giá trị hay cần phải thay đổi trong thời đại ngày nay mà chỉ là chúng ta cần phải tháo gỡ những lớp sơn phết nằm trong kinh điển Phật Giáo để cho Chánh Pháp hiển lộ như là Chánh Pháp.  Gạn lọc ra những tinh túy của Phật Giáo không có nghĩa là thế tục hóa Phật Giáo, mà Phật Giáo không phải là thế tục thì là cái gì, mà chỉ là làm cho bộ mặt Phật Giáo đúng nghĩa hơn với tinh thần Phật Giáo, tinh thần của một tôn giáo dựa trên trí tuệ, suy nghiệm.

Phúc Lâm sống ở Mỹ.  Tỳ Kheo Đồng Trí cũng sống ở Boston, Mỹ.  Tỳ Kheo Đồng Trí thử nghĩ xem có thể mang những chuyện thần thông trong Phật Giáo, chuyện con đường trên hư không, chuyện Tượng biết đi, biết trả lời Đức Phật v..v.. ra để thuyết phục người Tây phương hay cả lớp thanh niên thiếu nữ  Việt vào Phật Giáo không.  Trong thế giới Tây Phương, những huyền thoại thuộc về đức tin càng ngày càng không còn chỗ đứng trong xã hội, cho nên Ki Tô Giáo đang suy thoái ở chính trong cái nôi của nó trước đây. Hệ phái Tin Lành trong Ki Tô Giáo tin rằng tất cả những gì trong cuốn Kinh Thánh đều đúng là những sự kiện lịch sử, vì đó là những lời mạc khải của Thiên Chúa, đấng sáng tạo ra vũ trụ và muôn loài.  Nhưng trong lãnh vực học thuật, không thiếu gì những học giả ở trong cũng như ở ngoài các Giáo hội Ki Tô đã chứng minh rằng Kinh Thánh có rất nhiều sai lầm về khoa học cũng như về thần học.  Phật Giáo có nên theo vết chân này, xây dựng đức tin trên những huyền thoại hay không, nhất là những huyền thoại này không có xuất xứ chính xác, không liên hệ gì đến Chánh Pháp, và không giúp ích gì cho việc truyền bá giáo Pháp của Đức Phật.  Tỳ Kheo Abhiyana có viết trong cuốn “Because I Care”, trang 93, như sau về Kinh điển Phật Giáo:  “Qua hơn 2500 năm từ khi Đức Phật tịch diệt, con người có thừa đủ thời gian và cơ hội để sửa đổi Kinh Điển Phật Giáo, và chúng ta quả thật là ngây thơ nếu cho rằng những gì mà chúng ta thấy trong Kinh sách ngày nay đúng là những lời Đức Phật nói.  Chúng ta có dám cho rằng Kinh sách Phật Giáo không có điều gì sai lầm hay không, trong khi ngày nay, một số học giả nghiên cứu về Kinh Thánh Ki-Tô Giáo đã nói rằng trong đó có trên 170000 điều sai lầm.” (There has been plenty of time and opportunity, over the 2500 years and more since Gotama Buddha passed away, to tamper with the scriptures, and we would be quite naïve as to suppose that what we find in the books today is exactly what the Buddha said!  Dare we suppose that the Buddhist Scriptures are error-free when it is said now, by some scholars of the Christian Bible, that there are over 170000 errors in that book?)

Riêng về Bát Kỉnh Pháp, Phúc Lâm chỉ thấy quý Thầy viện lẽ các Thầy Tổ không bác bỏ và phần lớn lý lẽ của chính mình ra để biện hộ cho tính cách xác thực của Bát Kỉnh Pháp và nhất định cho là có ích cho sự trường tồn của Phật Pháp và sự hòa hợp của Tăng Ni Đoàn.  Tại sao quý Thầy cứ muốn áp đặt lý lẽ của mình lên các Tỳ Kheo Ni?  Bát Kỉnh Pháp là để cho Tỳ Kheo Ni áp dụng chứ chẳng phải để cho các Tỳ Kheo biện giải.  Cách biện giải tốt nhất trong tinh thần học thuật là  tìm ra lẽ thật trong đó, có phải là do chính Đức Phật nói hay không, có thực tế để áp dụng trong thời nay hay không, chứ không phải là biện giải về những ích lợi của Bát Kỉnh Pháp trong thời đại cách đây hơn 25 thế kỷ. Vậy cách giải quyết hợp lý nhất là hãy để cho các Tỳ Kheo Ni tự giải quyết vấn đề của họ là nên áp dụng Bát Kỉnh Pháp như thế nào.  Xin đừng cho rằng trí tuệ các Tỳ Kheo Ni thấp kém nên cần sự chỉ đạo tinh thần của giới Tỳ Kheo, nhất là cần sự giảng dạy của các Tỳ Kheo về  Bát Kỉnh Pháp cho họ. Phúc Lâm tin rằng các Tỳ  Kheo Ni thừa trình độ để hiểu Bát Kỉnh Pháp và nếu cần thì nên áp dụng như thế nào. 

Bây giờ, Phúc Lâm xin phép sang phần góp ý kiến về vài điều trong bài “Tản Mạn…” của Tỳ Kheo Đồng Trí.  Những hàng chữ màu xanh là của Tỳ Kheo Đồng Trí.

Việc quý vị phản ứng với bài giảng của Thầy Nhật Từ về Bát Kính Pháp có phải là xuất phát từ “chia rẽ phe phái” ( thậm chí còn muốn chụp lên đầu Thầy ( Nhật Từ) một lúc vài cái nón hoàn toàn có tính cách chụp mũ vô trách nhiệm, vô căn cứ) hay là xuất phát từ lòng tôn kính Đức Phật mà nay họ cảm thấy có người làm thương tổn Đức Từ Phụ của họ bằng cách diễn dịch lệch lạc nên họ “bức xúc” lên tiếng bằng mọi cách?

Phải chăng vì lòng tôn kính Đức Phật nên một trưởng tử Như Lai có thể lên tiếng bằng mọi cách  gồm cả vu khống và chụp mũ?  Như vậy thì ai là người đã làm thương tổn đến Đức Phật ở đây, và người đời có thể làm thương tổn đến Đức Phật được hay sao?  Ngoại đạo đã toan tính làm việc này trong bao thế kỷ nay rồi, có thương tổn được đến Đức Phật hay không?  Theo sự hiểu biết và trình độ của mình thì mình thấy đó là làm thương tổn Đức Từ Phụ bằng cách diễn dịch lệch lạc, nhưng theo sự hiểu biết và trình độ của người khác thì đó lại là một công việc nghiên cứu trí thức nghiêm chỉnh.  Ai đúng ai sai?  Nhưng bất kể là ai đúng hay ai sai thì cái kiểu “lên tiếng bằng mọi cách” là không thể chấp nhận trên diễn đàn trí thức, nhất là trong Tăng đoàn vẫn tự cho là có nhiệm vụ giúp dạy giáo lý, đạo đức cho Tỳ Kheo Ni.  Lẽ dĩ nhiên đây chỉ là vài cá nhân chứ không phải là tập thể.

Trong tất cả các bản kinh văn chỉ có ghi những câu tương tự với câu : «Nếu người nữ không xuất gia ở trong Phật pháp thì Phật pháp sẽ được lâu dài năm trăm năm [???]

Đức Phật chỉ nói là chấp nhận nữ giới vào Giáo Đoàn thì chánh pháp giảm thọ một nửa hoặc là giảm thọ 500 năm (tùy theo văn bản) chứ không phải báo trước là Chánh Pháp không tồn tại đến 2500 năm. 

Về việc Ni giới hiện diện trong Giáo đoàn sẽ làm giảm thọ chánh pháp, điều này không sai và Như Lai đã thấy trước điều đó. Mọi người chúng ta bây giờ vẫn cho rằng Chánh Pháp đang tồn tại phải không? Vậy thì cũng được – có sao đâu? Ở trên kia, tôi đã loại trừ lối quy kết của Thầy Nhật Từ cho là : Đức Thế Tôn đẳng thức hóa chánh pháp tồn tại 1000 năm. Cái chính là với Tuệ giác và thần thông của Như Lai : Như Lai thấy trước nếu không có Ni giới vào Giáo Đoàn thì Chánh Pháp sẽ trụ thế bao nhiêu năm ( ví dụ   : A năm) và nếu có Ni giới vào rồi thì Chánh Pháp trụ thế bao nhiêu năm ( ví dụ : B năm) sau đó mới làm phép trừ : vậy thì do Ni giới vào giáo đoàn nên thọ mạng Phật Pháp giảm là : A – B   năm. Chúng ta là người phàm mắt thịt, chúng ta không biết được A là bao nhiêu, B là bao nhiêu thì làm sao biết được hiệu số A – B sẽ là bao nhiêu? Muốn mặc cả với Phật, trước hết chúng ta phải có thần thông và phải biết bao nhiêu năm nữa thì mạt pháp, bao nhiêu năm nữa thì Phật Di Lặc ra đời, lúc đó Tăng đoàn biến mất trước hay Ni đoàn biến mất trước, người Tăng cuối cùng hay người Ni cuối cùng của thời mạt pháp tên gì ?, …Lúc ấy chúng ta mới bàn với nhau là : sao lời tiên đoán của Phật không phù hợp với điều tôi đang thấy được, còn bây giờ nếu như không thấy biết một cái gì hết về tương lai, không biết chánh pháp sẽ còn trụ bao nhiêu năm thì làm sao quyết định là lời tiên đoán của Phật không phù hợp?” …

Thầy Nhật Từ đưa ra con số 1000 năm không phải là không có căn cứ.  Trong những cuốn nghiên cứu về Phật Giáo của các học giả, có nhiều sách ghi lại con số này.  Thí dụ như Paul Carus viết trong cuốn The Gospel of Buddha, trang, 92, dưới chủ đề Women Admitted To The Sangha, như sau: “Và Đức Thế Tôn, thấy trước sự nguy hiểm nếu chấp nhận cho nữ giới gia nhập Tăng đoàn, phản đối là trong khi Chánh Pháp chắc chắn sẽ tồn tại 1000 năm, khi nữ giới gia nhập Tăng đoàn, Chánh Pháp sẽ suy tàn sau 500 năm (And the Blessed One, foreseeing the danger that lurked in admitting women to the Sangha, protested that while the good religion ought surely to last a thousand years it would, when women joined it, likely decay after five hundred years.).   Một tài liệu khác trong cuốn Buddha and The Gospel of Buddhism của Ananda K. Coomaraswamy, trang 55, viết như sau: “Và Đức Thế Tôn chấp thuận cho nữ giới được gia nhập Tăng đoàn, nhưng phải tuân hành 8 bổn phận dưới quyền các Tỳ Kheo (Bát Kỉnh Pháp).”  Đức Phật còn nói: “Nhưng, nếu nữ giới không được phép gia nhập Tăng đoàn thì Chánh Pháp sẽ tồn tại 1000 năm, nhưng nay Chánh Pháp chỉ có thể tồn tại 500 năm mà thôi.” (And the Blessed One consented that women should make profession and enter the Order, subject to the conditions of the Eight Duties of Subordination to the Brethren.  “But”, He added, “if women were not admitted to the Order, the would the Good Law endure for a thousand years, but now it will stand gor five hundred years only.).  Trong cuốn Buddhism, Christmas Humphreys đặt nghi vấn, trang 38: “Đức Phật thực sự có tiên đoán như vậy không, chúng ta không biết rõ” (Whether He truly made such prophecy we do not know.)  Có lẽ Thầy Nhật Từ cũng muốn đặt một nghi vấn như vậy.

Như vậy lý luận biện giải của Thầy Đồng Trí Cái chính là với Tuệ giác và thần thông của Như Lai : Như Lai thấy trước nếu không có Ni giới vào Giáo Đoàn thì Chánh Pháp sẽ trụ thế bao nhiêu năm ( ví dụ   : A năm) và nếu có Ni giới vào rồi thì Chánh Pháp trụ thế bao nhiêu năm ( ví dụ : B năm) sau đó mới làm phép trừ : vậy thì do Ni giới vào giáo đoàn nên thọ mạng Phật Pháp giảm là : A – B   năm. Chúng ta là người phàm mắt thịt, chúng ta không biết được A là bao nhiêu, B là bao nhiêu thì làm sao biết được hiệu số A – B sẽ là bao nhiêu?  thật ra là chẳng biện giải được điều gì, chỉ là một kiểu lý luận để phản bác nhận định của Thầy Nhật Từ về con số 1000 năm.  Đây là kiểu lý luận dựa trên “một phương trình có nhiều ẩn số” và do đó không có đáp số hoặc có vô số đáp số.  Con người sống trên trái đất chỉ còn tồn tại nhiều nhất là 5 tỷ năm theo sự tính toán của các khoa học gia, khi đó mặt trời không còn là mặt trời như ngày nay nữa.  Giả thử chúng ta lấy con số giảm thọ 500 năm trong một văn bản nào đó thì rất có thể A = 5 tỷ năm, B = 500 năm.  Tỷ số 500 trên 5 tỷ là 1 trên 10 triệu.  Chánh Pháp giảm thọ một phần trên 10 triệu, nghĩa là cứ mỗi 10 triệu năm thì giảm thọ mất 1 năm, một con số không đáng kể.  Vậy mà Đức Phật lại lo là Chánh Pháp bị giảm thọ?  Thầy Nhật Từ chẳng qua chỉ muốn chứng minh là thật ra Đức Phật đâu có nói gì về Chánh Pháp giảm thọ hay không giảm thọ.  Mà chúng ta hiểu thế nào là Chánh Pháp?  Chánh Pháp là Chánh Pháp, không phải là vì có người theo Chánh Pháp mới là Chánh Pháp, cũng chẳng phải là vì không có ai theo hay chỉ có một người theo, Chánh Pháp không còn là Chánh Pháp. Chánh Pháp là những chân lý trong vũ trụ mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thời nay, cũng như các Đức Phật thời trước, đã chứng nghiệm được và chỉ cho chúng sinh con đường đi đến Chánh Pháp.  Như vậy, không thể nói là Chánh Pháp thọ hay không thọ.  Nếu chúng ta đồng nhất hóa Chánh Pháp với những tổ chức, giáo hội Phật Giáo trên thế giới thì đó lại là chuyện khác.

 Đảnh lễ cúng dường đến Đại chúng Tăng có phước đức, công đức không thua kém gì đảnh lễ cúng dường đến Phật.  Quả thật là : “Đức chúng như hải”. Nếu lạy Tăng chúng là chuyện làm hàng ngày thì tại sao việc Đề nghị này có tính cách “chọc quê” Thầy Nhật Từ? Lấy oai đức nhỏ đảnh lễ oai đức lớn là việc hợp lý sao lại nói là bất công, vô lý, hay chọc quê? Còn thấy “chọc quê”, “bất công”, hay “vô lý” thì quá chấp nhặt về hình tướng và giới tính rồi còn gì?

Tỳ Kheo Đồng Trí có vẻ là một chuyên gia về bẻ quặt vấn đề.  Vấn đề là Tỳ Kheo Đồng Trí đang thảo luận về điều thứ nhất trong Bát Kỉnh Pháp: Một Tỳ kheo ni, dầu có trăm tuổi hạ cũng phải đứng giậy cúi đầu chắp tay đảnh lễ trước một Tỳ kheo mới thọ giới Cụ túc được một ngày. Thầy không đồng ý với Thầy Nhật Từ, cho rằng điều này rất là công bằng và hợp lý, cho nên Thầy mới “chọc quê” Thầy Nhật Từ bằng một đề nghị vô lý: Nếu Thầy Nhật Từ thấy điều này bất công phi lý thì Thầy hãy thử thực hành điều ngược lại : Trước khi Thầy dạy lớp Ni Thầy đảnh lễ Ni chúng tam bái.”   Thật ra điều ngược lại phải viết là “Khi Thầy Nhật Từ được 100 tuổi hạ, thấy một Tỳ Kheo Ni mới thọ giới cụ túc được một ngày  cũng phải đứng giậy cúi đầu chắp tay đảnh lễ” Đây không phải là vấn đề giữa Tăng và Ni, ai đảnh lễ ai trước hay là công đức trong việc đảnh lễ.  Đảnh lễ để mưu cầu công đức thì thà chẳng đảnh lễ còn hơn.  Chẳng hiểu Tỳ Kheo Đồng Trí có nhớ đến đường kiếm “Tuyệt vô công đức” của Bồ Đề Đạt Ma tặng Lương Vũ Đế hay không?

Biết bao nhiêu việc liên quan đến thần thông trong Phật giáo, chẳng lẽ Cư Sĩ Phúc Lâm đề nghị bỏ hết những câu chuyện ấy ra? Nếu Cư Sĩ Phúc Lâm biên chép một cuốn Sử Phật Giáo chắc là Sử Phật Giáo được giảm đi gần một nửa vì các chi tiết tương tự như trên đã lưu truyền từ xưa đến nay sẽ được loại ra ? 

Chẳng lẽ bằng chứng nơi Truyện Cổ Phật Giáo, trong những Website vietsuns.com, truyenviet.com, cuốn sách của Trùng Quang Nguyễn Văn Hiếu, và những Tư liệu lịch sử và bán lịch sử do Pháp Hiển là do các tác giả ấy khi không ngẫu hứng sáng tác ra huyền thoại Phật Giáo?

            Phúc Lâm không có ý định biên chép một cuốn sử Phật Giáo nên không có vấn đề bỏ hay giảm.  Nhưng nếu Phúc Lâm viết về sử Phật Giáo thì Phúc Lâm có hai chọn lựa.  Một là viết về những điều chính yếu trong quá trình phát triển Phật Giáo, bắt đầu từ Thái Tử Tất Đạt Đa đến ngày nay.  Hai là viết cho thật đầy đủ thì không bỏ sót một chi tiết nào.  Nhưng Phúc Lâm sẽ khuyến cáo cùng các độc giả là hãy coi chừng, có những chuyện trong Kinh Phật chúng ta có đọc chỉ nên coi là thuộc loại truyền thuyết, tương truyền hoặc huyền thoại v..v.. Những chuyện này có thể giúp chúng ta biết được phần nào bối cảnh văn hóa, xã hội ở Ấn Độ trong thời Đức Phật còn tại thế, và những đầu óc tưởng tượng phong phú của con người trong thời đó, chứ không phải là những sự thật lịch sử.

            Những bằng chứng mà Tỳ Kheo Đồng Trí đưa ra thật ra không phải là bằng chứng.  Truyện cổ thì không phải là bằng chứng.  Thật vậy, Phúc Lâm xin chép lại vài “bằng chứng” của Tỳ Kheo Đồng Trí:

Tương truyền rằng khi đức Phật trở về trần thế, bức tượng gỗ ấy ngồi dậy và ra nghinh tiếp ngài. Lúc bấy giờ đức Phật nói: Ngươi hãy về chỗ ngồi, sau khi ta nhập Niết bàn ngươi hãy là mẫu cho 4 chúng sau này tạc tượng ta: Tượng nghe nói như vậy liền về chỗ cũ.”

(XỨ PHẬT-TÌNH QUÊ I, Thích Hạnh Nguyện, Thích Hạnh Tấn )

Truyền thuyết kể lại, lúc Phật đến cung trời Tam thập tam để giảng pháp cho mẹ, nhà vua cho đẽo bức tượng bằng gỗ chiên đàn để tưởng nhớ đến Phật. Sau ba tháng, lúc Phật trở lại thế gian, bức tượng trở nên sống động và đến “chào“ Ngài. Phật mỉm cười nhìn tượng và nói: “Ba tháng qua chắc ngươi mệt lắm nhỉ!“. Sau nhà vua Udayana, vẫn theo Tinh Vân trích kinh A-hàm, nhà vua Ba-tư-nặc của nước Kiều-tát-la và trưởng giả Cấp Cô Độc cũng cho đúc tượng của Phật.” (Nguyễn Tường Bách, Về một bức tranh của Phật Thích-ca)

Tương truyền và truyền thuyết thì không phải là bằng chứng trừ phi đã được kiểm chứng bằng nhiều phương pháp. Nhưng cho rằng Đức Phật muốn cho sau này Tứ Chúng tạc tượng Người thì theo Phúc Lâm đúng là phỉ báng Phật.  Về sau Tứ Chúng tôn kính Phật, tạc tượng Phật, coi đó như là một biểu tượng về sự giác ngộ của Phật, có theo đúng mẫu đó không?

 Về Pháp Hiển thì chúng ta nên biết là Ngài bắt đầu đến Bắc Ấn Độ vào năm 399 sau Tây Lịch, nghĩa là sau khi Đức Phật tịch diệt được gần 1000 năm, ở lại Ấn Độ 10 năm, sau đó Ngài rời đi Tích Lan và ở lại nơi đây 2 năm.  Trong thời gian 12 năm ở hai nơi này, Ngài chỉ sao chép lại sách vở đã có và hỏi chuyện quần chúng, Tăng sĩ những nơi Ngài đi qua chứ Ngài không phải là nhân chứng trong những chuyện Ngài đọc trong Kinh sách hay nghe lại.  Khi được hỏi là có biết khi nào thì Phật Pháp bắt đầu truyền sang phương Đông không thì Ngài đã trả lời: “Khi tôi hỏi những người dân ở trong những nước mà tôi đi qua về điều này thì họ đều nói là họ chỉ nghe lại từ ông cha là, sau khi lập tượng Bồ Tát Di Lặc, có những Sa Di từ Ấn Độ vượt qua sông mang theo Kinh Phật và Giới Bổn.  Tượng Di Lặc được dựng lên hơn 300 năm sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn”. (James Legge, p. 27: When I asked the people of those countries about it, they all said that it had been handed down by their fathers from of old that, after setting up of the image of Maitreya Boddhisattva, there were Sramans of India who crossed this river, carrying with them Sutras and Books of Discipline.  Now the image was set uprather more than 300 years after the Nirvana.)  [James Legge đã dịch toàn bộ “Pháp Hiển Truyện” bằng chữ Hán trong “Cao Tăng Truyện” trong cuốn The Travels of Fa-Hien or A Record of Buddhistic Kingdoms, bản chữ Hán có ở cuối sách.]

Cư Sĩ Phúc Lâm nghĩ thế nào? Kinh Đại thừa công đức tạc tượng Phật - Đại chính Tân tu Đại tạng kinh, các tác phẩm trên với các tác giả : Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang, Hòa Thượng Tinh Vân, Hòa Thượng Minh Châu, Thiện Châu, Huyền Vi, Pasadika, Như Điển, Duy Lực, Thích Hạnh Nguyện, Thích Hạnh Tấn, Thích Thông Huệ chẳng lẽ tất cả đều chỉ là ghi lại chỉ là những truyền thuyết đượm chất hoang đường và khó có thể phù hợp với Bậc đã đạt Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác như Đức Phật, nếu không muốn nói là có phần hạ thấp Đức Phật xuống hàng “Vô thượng sư Thanh Hải”? Xem ra Cư Sĩ Phúc Lâm phải lo việc quỳ xuống van vái nhiều người rồi và xin những vị ấy “đừng mang những chuyện này mà đi giảng đạo ngày nay”?

Xin phân biệt những cuốn sách thuộc loại ghi lại, hoặc chép lại những chuyện cổ đã có ở trong sách truyện với những sách thuộc loại nghiên cứu và phân tích.  Trong những đoạn viết hoặc ghi lại của các tác giả trên không có phần bình luận.  Không có tác giả nào đặt vấn đề, những chuyện đó có thật hay không, có những bằng chứng nào chứng tỏ là có thật, nhân chứng nào viết, viết bao giờ v..v.. và v..v..  Những câu hỏi này thuộc vấn đề học thuật.

Chẳng lẽ Maya Hoàng hậu không được sanh lên cung trời Đao lợi? Chẳng lẽ Đức Phật không thể dùng thần thông để lên đến cung trời Đao Lợi? Chẳng lẽ Đức Phật không thể trở về thăm lại cõi Ta Bà này để gặp Ngài Xá Lợi Phất được? Nếu khẳng định là : “Không thể được” thì quả thật tôi cũng chẳng còn gì để bàn được nữa. (Đừng quên là chư Thiên vẫn có thể đến cõi Ta Bà hàng ngày để học hỏi giáo Pháp, chư Thiên còn đến lui tự tại như thế huống chi là Phật – kinh thường ghi chép về thính chúng trong các thời thuyết giảng của Đức Phật là : cập Thích-đề-hoàn nhơn đẳng, vô-lượng chư thiên, đại-chúng câu)

Cũng vì vậy Phúc Lâm đã viết: Nếu chúng ta có thể tin những điều trên thì không có gì cần phải bàn cãi thêm.  Có ai thấy chư Thiên ở đâu không, và đến cõi Ta Bà hàng ngày để học hỏi Giáo Pháp?  Ai dạy Giáo Pháp đó và dạy ở đâu?  Ở cõi Tam Vô: không nghe, không thấy, không biết?

Đức Phật và các vị Thánh Đệ Tử cũng như chư Thiên,… có nhiều phép thần thông. Các Ngài  sử dụng đến phép thần thông khi nào cần thiết. Chúng ta không được sinh vào thời Đức thời Đức Phật ( hoặc là không có túc mạnh minh để nhớ lại) thì không biết, đừng bảo là những chuyện ấy không có. Điều quan trọng là chúng ta học tu theo chánh pháp vi diệu đã được lưu truyền lại, chúng ta hãy ghi nhớ và hành trì những gì : , khi nào các người tự mình biết rằng các pháp ấy là thiện, là tốt, được người có trí tán thán, các pháp này nếu được chấp nhận và thực hiện thì sẽ đem lại hạnh phúc và an lạc”.

Vậy xin hỏi những chuyện thần thông nằm ở chỗ nào trong Chánh Pháp vi diệu?  Có phải là những thần thông đó “là thiện, là tốt, được người có trí tán thán, các pháp này nếu được chấp nhận và thực hiện thì sẽ đem lại hạnh phúc và an lạc?”

            Phúc Lâm nghĩ chừng đó cũng đủ rồi, không cần phải kéo dài chuyện nói đi nói lại làm gì cho mất thêm thì giờ nữa.  Nhưng Phúc Lâm cảm thấy cần phải phê bình, Phúc Lâm nói là phê bình, chứ không phải là góp ý kiến, đoạn văn sau đây của Tỳ Kheo Đồng Trí:

Tôi chẳng hiểu ai làm Thầy giáo dạy ngữ pháp lớp 5, lớp 6 cho Cư Sĩ Phúc Lâm mà truyền cho những cách hiểu về Đại từ nhân xưng tiếng Việt như thế này vậy? Tại sao có thể có những lối đồng hóa chúng ta = Người Hà Nội  và  bản thân chánh pháp  = Thầy Đồng Trí ?  Trong phần kết luận tôi có ghi : “Trong chúng ta, không ai mạnh dạn tự cho là mình đã nhổ sạch vô minh và nắm chân lý trong tay ( tôi không biết ai là người ngộ Đạo rồi?).”  Câu nói của tôi ở trên có nghĩa là : Một khi chúng ta - những người chưa giác ngộ và chứng Thánh quả - không thấy biết tất cả, đối với một vấn đề nào đó mà không chịu khó nghiên cứu, tiếp tục học hỏi, nghe, thấy mà chỉ học lụp chụp rồi sẽ có nhiều thắc mắc và phán xét hăng hái dễ có những lỗi lầm. “Chúng ta” ấy hiển nhiên bao gồm cả tôi – rõ ràng là không phải lúc nào tôi cũng giác ngộ hay là thấy biết tất cả - có những vấn đề tôi cảm thấy đã sáng tỏ, có những vấn đề lại chưa được sáng tỏ và đang cần tiếp tục học hỏi, nghe, thấy,…

Như trên Phúc Lâm đã nói, Tỳ Kheo Đồng Trí là một chuyên gia bẻ quặt vấn đề, thật không sai.  Trước hết, câu Tôi chẳng hiểu ai làm Thầy giáo dạy ngữ pháp lớp 5, lớp 6 cho Cư Sĩ Phúc Lâm mà truyền cho những cách hiểu về Đại từ nhân xưng tiếng Việt như thế này vậy?  đã đi ra ngoài những tiêu chuẩn đối thoại trí thức mà chỉ có mục đích hạ nhục đối phương. Đây là một kiểu “đối thoại” không được đẹp.   Trong một cuộc thảo luận trí thức không có một người nào có đạo đức lại mang Thầy giáo của người khác vào vòng tranh luận.  Hơn nữa, Thầy dạy mà trò không hiểu là lỗi tại trò vì trí tuệ của trò kém cỏi chứ đâu có phải lỗi tại Thầy.  Phúc Lâm quả thật thấy buồn khi thấy một trưởng tử Như Lai lại phải dùng đến cái chiêu này.  Phúc Lâm có thể chưa học qua lớp 6, hay chưa nắm được những gì Thầy giáo dạy trong lớp 6, nhưng Phúc Lâm cũng có thể kiếm trong bài dài [Phúc Lâm xin bỏ hai chữ lê thê] của Tỳ Kheo Đồng Trí nhiều điều để phán lên một câu tương tự, nhưng Phúc Lâm chưa từng làm như vậy, và sẽ không bao giờ làm như vậy, vì đó không phải là tiêu chuẩn đối thoại trí thức của Phúc Lâm.  Phúc Lâm có thể chứng minh là Tỳ Kheo Đồng Trí đã đưa ra một lý luận ngụy biện để hạ nhục trình độ của Phúc Lâm.  Phúc Lâm chưa bao giờ tự nhận là trình độ của mình cao ở mức nào cả. 

Thật vậy, Tỳ Kheo Đồng Trí đưa ra một lô 4 bằng chứng viết ở trong sách về Tháp Phật để phản bác Người Hà Nội cho rằng không có Tháp Phật trong thời Phật tại thế rồi kết luận: Vậy thì vấn đề rối rắm nảy sinh là tại vì chúng ta  không học hết, nghe, thấy, biết hết, học lụp chụp từng đoạn trong Tam Tạng Kinh Điển nên thường hay thấy chống trái rồi thắc mắc đủ mọi điều, lại hăng hái phán xét thế này thế nọ thôi chứ còn bản thân chánh pháp thì khúc đầu, khúc giữa và khúc cuối nào có chống trái với nhau?”  Vậy vấn đề rối rắm ở đây là gì, từ đâu mà có rối rắm? Có phải là vì Người Hà Nội hay “chúng ta” không học hết, nghe, thấy, biết hết, học lụp chụp từng đoạn trong Tam Tạng Kinh Điển nên mới gây ra rối rắm làm cho Tỳ Kheo Đồng Trí phải gỡ rối rắm bằng cách đưa ra cái  học hết, nghe, thấy, biết hết  từng đoạn trong Tam Tạng Kinh Điển của mình bằng cách dẫn 4 “bằng chứng” theo tương truyền và truyền thuyết là có Tháp Phật trong thời Phật tại thế hay không?  Tỳ Kheo Đồng Trí ngụy biện là “chúng ta” là “chúng ta” trong đó có cả Tỳ Kheo Đồng Trí, như vậy thì câu phê bình trên của Tỳ Kheo Đồng Trí vô nghĩa, vì nó “out of context”.  Đó là Phúc Lâm hiểu theo cụm từ “y nghĩa bất y ngữ”, vì đây không phải là đang bàn luận về bất cứ một vấn đề nào đó mà là đang bàn về chuyện có Tháp Phật hay không trong thời Phật tại thế giữa Tỳ Kheo Đồng Trí và Người Hà Nội.

Lại một cách hiểu sai về tiếng Việt nữa. Trong bài trước tôi có ghi là : “Câu nói của Chúa Jesus rất được khen ngợi và nhắc nhở là : nếu ai tát má bên phải; bạn đưa thêm má bên trái cho họ tát”  

Cách viết ấy gọi là bị động cách ( passive voice) và như vậy nên hiểu là Câu nói của Chúa Jesus rất được khen ngợi và nhắc nhở bởi nhiều người. Tôi chưa xác định tôi là một trong số nhiều người ấy, vậy thì việc gì mà Cư Sĩ Phúc Lâm cưỡng ép tôi vào trong số những người khen ấy? Chính trong bài viết đã nhiều lần tôi đề cập đến Bồ tát nghịch hạnh, vượt thoát ra khỏi mọi câu nệ thông thường mà? Điều mà tôi muốn nói là : những quan niệm và cách nhận định ngoài thế gian và trong tôn giáo không tương đồng nhau và cũng không nên áp đặt sự tương đồng tuyệt đối này – vì nếu như thế, một lần nữa,  như tôi đã nói, là : thế tục hóa tôn giáo.

Chúng ta hãy đọc lại nguyên văn đoạn này của Thầy Đồng Trí:

Cách nhìn nhận sự kiện và những nguyên tắc ứng xử lẫn nhau ở trong Đạo Phật và ngoài cuộc sống không hoàn toàn giống nhau. Đức Phật không muốn làm một nhà cách mạng xã hội triệt để mà là một người hướng dẫn chúng sanh hoàn thiện mình và mọi người. Câu nói của Chúa Jesus rất được khen ngợi và nhắc nhở là : “nếu ai tát má bên phải; bạn đưa thêm má bên trái cho họ tát” . Nhưng nếu đòi hỏi sự công bằng trong xã hội thì phải nói thế này : “nếu ai tát má bạn một cái thì bạn hãy tát má họ lại một cái”  và chẳng hạn phim Tàu - Kiếm Hiệp Trung Quốc xây dựng trên quan điểm “Ân đền, oán trả” còn Phật giáo thì “ Ân đền oán xả” hoặc là “ Lấy oán báo ân” [???]. Nghĩa là đối với sự công bằng thế gian thì nếu ai giết cha mẹ bạn thì bạn hãy giết cha mẹ và cả người ấy nữa nhưng mà với Phật giáo thì bạn không nên làm như vậy. Vậy thì tại sao chúng ta phải cố gắng để khiến cho mọi cách ứng xử trong Phật giáo giống với cách ứng xử thế gian?

            Đưa câu nói của Chúa Giê-su: nếu ai tát má bên phải; bạn đưa thêm má bên trái cho họ tát” để đối chiếu với công bằng trong xã hội:  “nếu ai tát má bạn một cái thì bạn hãy tát má họ lại một cái”, phải chăng là để chứng tỏ câu nói của Giê-su là cao cả, rất được khen ngợi và nhắc nhở “cho mọi người” chứ không phải là  “bởi nhiều người” như Tỳ Kheo Đồng Trí giải thích.  “Bởi nhiều người” là Tỳ Kheo Đồng Trí giải thích về sau chứ không có trong bản văn.  Nhưng đưa câu đó một cách lạc lõng vào đây làm gì?  Để so sánh với chủ trương “ân đền oán xả” của nhà Phật?  Hơn nữa, “nếu ai tát má bạn một cái thì bạn hãy tát má họ lại một cái” có phải là tiêu chuẩn công bằng của xã hội không?  Đây là quan niệm “mắt đổi mắt, răng đổi răng” trong Cựu Ước của Ki Tô Giáo chứ không phải là công bằng của xã hội.  Công bằng của xã hội dựa theo luật pháp trong xã hội chứ không dựa theo sự công bằng theo cái hiểu của Tỳ Kheo Đồng Trí.  Công bằng xã hội là những biện pháp dùng để ngăn chận người ta khỏi bị tát thêm một cái nữa.  Áp dụng câu của Giê-su, có người nào đó thử đến gần ông đại diện của Chúa trên trần, tức là Giáo hoàng, và tát cho ông ta một cái xem ông ta có đưa má kia cho người ta tát thêm không?  Còn nữa, công bằng trong xã hội không có nghĩa là nếu ai giết cha mẹ bạn thì bạn hãy giết cha mẹ và cả người ấy nữa, vì luật pháp thế gian, nghĩa là cơ quan cầm cán cân công bằng trong xã hội không cho phép ai làm như vậy.  Vậy những nhận định và lý luận của Tỳ Kheo Đồng Trí về tôn giáo cũng như về thế gian còn có nhiều điều bất cập.  Và những điều bất cập này đã được vận dụng để phê phán Phúc Lâm là chưa vượt qua trình độ lớp 6, là hiểu sai tiếng Việt, trong khi vấn đề đã quá rõ ràng, chẳng có gì là khó hiểu cả.

     Trong một cuộc đối thoại trí thức, khi đã đi ra ngoài những tiêu chuẩn của đối thoại, thì đối thoại trở nên vô ích.  Cho nên, Phúc Lâm xin phép được kết thúc cuộc đối thoại với Tỳ Kheo Đồng Trí tại đây.  Phúc Lâm cho rằng mình bày tỏ ý kiến như vậy cũng đủ rồi, không cần thiết phải dấn thân thêm vào vòng thị phi làm chi cho mất thì giờ.  Phúc Lâm xin cám ơn Giao Điểm đã cho Phúc Lâm cơ hội để bày tỏ vài ý kiến của mình về đạo Pháp trên một diễn đàn có uy tín hiện nay.

Bài đọc thêm:  Bát Kỉnh Pháp "Một vấn nạn thời đại"     Phúc Lâm

http://www.buddhismtoday.com/viet/dien/batkinhphap_phuclam2.htm

 


Vào mạng: 22-2-2006

Trở về mục "Diễn đàn"

Đầu trang