Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .

CURATORS OF THE BUDDHA: THE STUDY OF BUDDHISM UNDER COLONIALISM. Edited by Donald. S. Lopez, Jr. Chicago and London: University of Chicago Press, 1995. 298p. Người đọc: PHẬT-ĐIỂN HÀNH-TƯ


            Giáo sư Lopez, một trong số các nhà biên tập (editor) hằng say và tài ba nhất về Phật học hiện đại tại phương Tây, một lần nữa minh xác khả năng của ông qua tác phẩm "Những nhà hộ pháp của Phật: Nghiên cứu Phật học trong thời thuộc địa" này. Sách tập thành 6 bài tiểu luận, theo phương cách tiếp cận riêng biệt của từng tác giả, tìm hiểu vai trò của đạo Phật, một nền triết-học-tôn-giáo đến từ phương Đông, đã có đầy đủ lý do chân chính để hiện diện và được tiếp đón, học hiểu, nghiên cứu và tu tập một cách huy hoàng tại phương Tây kể từ thế kỷ XIX, ngay sau khi thực dân phương Tây xâm chiếm và thực hiện chính sách thuộc địa các nước châu Á.

            Mở đầu, bài của Charles Hallisey viết về "Con đường được chọn khi nghiên cứu về Phật giáo Nguyên thủy" chú trọng đến thời kỳ tiền phong của giới học thuật châu Âu, điển hình qua các công trình dịch thuật của T. W. Rhys Davids, R. Spence Hardy, Paul Bigandet và Adhemard Leclere, theo đó, Hallisey có ý kiến rằng các nỗ lực của họ chỉ là một thiện cảm có chọn lực giữa sử quan tích cực theo phương pháp Đông phương học của châu Âu và những thể loại khác nhau thuộc các bộ kinh Phật giáo trong nguyên bản. Hallisey cho rằng nhà học giả Rhys Davids biết dùng các phương pháp tích cực để nhận định và dịch thuật kinh điển trong khi ba nhà học giả kia vẫn giữ thái độ dè dặt đến độ sùng bái từng chữ từng câu trong các kinh điển theo truyền thống Nguyên thủy. Có thái độ thiếu tin tưởng này có lẽ là vì họ cảm thấy rằng họ đứng bên ngoài bối cảnh học thuật đại học, nơi phân tách kinh điển như là đối tượng để nghiên cứu, mà không phải phương tiện để tôn thờ.

            Nói thế không có nghĩa là chỉ có Rhys Davids mới là nhà học giả duy nhất dám đi tiên phong trong việc giải mật những huyền thoại Phật giáo, mà ngay chính tại Sri Lanka và Thái Lan cũng có nhiều Tăng sĩ cấp tiến dám lên tiếng giải thích những mô tả vũ trụ quan hay những nghi thức thần bí trong kinh điển bằng một nhận thức mới, thực tiễn, dùng ngôn từ dễ hiểu, để hiện đại hóa Phật giáo. Đứng trước những đe dọa của tôn giáo phương Tây đang xâm chiếm đất nước họ với thái độ chinh phục đức tin của dân chúng địa phương bằng dụ dỗ, mua chuộc hay đe dọa, thì những công trình hiện đại hóa như thế quả là cần thiết. Cho nên, thái độ cởi mở của Rhys Davids, tuy chỉ dịch các bản văn thuộc hệ Pali, nhưng qua các phần bình luận và chú giải, đã được tất cả học giả và Tăng sĩ mọi hệ phái tôn kính như một bậc đàn anh gương mẫu. Và đó cũng là điều mà Hallisey đề nghị, rằng cần có một cuộc tham cứu lại các công trình bình luận và chú giải các văn bản được dịch trong thời kỳ này để tìm hiểu sự giao lưu trí thức giữa các học giả phương Tây và các Phật gia Đông độ.

            Stanley K. Abe thì viết về "Nghệ thuật Phật giáo và Tây phương", bàn về những quan niệm về ảnh hưởng của phương Tây và Hy Lạp đối với nghệ thuật Gandhàra. Kể từ năm 1870 khi G. W. Leitner sáng chế ra thuật ngữ "nghệ thuật Hy-Phật" (Graeco-Buddhist art) cho đến nay, thì giới học giả vẫn còn say mê nghiên cứu nghệ thuật Phật giáo theo đường hướng này. Đỉnh cao kết quả của say mê này là tác phẩm đồ sộ L'art greco-bouddhique du Gandhàra của Alfred Foucher; mà lỗi lầm lớn nhất của nó là một đánh giá sai, vào năm 1987, cho rằng tượng Bồ tát Quán Âm thành Nại Lương, Nhật Bản, là tác phẩm điêu khắc Hy-Phật của Gandhàra. Điều này xảy ra chỉ vì các nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật phương Tây của thế kỷ XIX, theo ý Abe, cứ đinh ninh phân biệt rằng những tượng Phật tại Gandhàra được điêu khắc với những đường nét siêu thoát và thần bí theo nghệ thuật Hy Lạp, trong khi các tượng Phật trước thời kỳ này tại Ấn Độ đều gồ ghề, thô kệch, có nhiều nét dữ tợn. Ông cũng đả kích những thuật ngữ như Hy-Phật (Graeco-Buddhist), La (mã)-Phật (Romano-Buddhist), Ấn-Hy thời Hellene (Indo-Hellenic), v.v..., cho rằng thái độ của người phương Tây là trịch thượng, xem thường nghệ nhân Ấn Độ như là họ không thể nào đạt được đỉnh cao nghệ thuật mà không cần ảnh hưởng ngoại lai. Phê bình một nền nghệ thuật của Phật giáo Ấn Độ bằng những thuật ngữ như thế chỉ là một tính toán có hậu ý nhằm ve vuốt thái độ thực dân và thành kiến thống trị của phương Tây nhưng đã bị các nhà phê bình thuộc trường phái siêu thực như Ruskin, Morris, hoặc các tác giả đa dạng như Ernest Binfield Havell và Ananda Coomaraswamy, v.v... và vạch mặt chỉ trích.

            Tuy nhiên, ảnh hưởng của Foucher vẫn còn nặng nề trên các cơ sở nghiên cứu về nghệ thuật Phật giáo cho đến ngày nay, nhất là trong các tác phẩm giới thiệu về lịch sử phát triển của Phật giáo. Bài này kết luận bằng một nhận định ngắn gọn, cho rằng với tầm ảnh hưởng đó, từ cuối thế kỷ XIX đến nay, cuộc chạy đua tìm kiếm những di tích nghệ thuật Hy-Phật như cuộc khảo quật của Aurel Stein chẳng hạn, đã trở thành là một trò chơi lớn trong bối cảnh chính trị và kinh tế hơn là thuần túy nghệ thuật; các thế lực của châu Âu sẽ nhờ những cuộc khai quật tương tợ để biện hộ cho sự hiện diện của mình trong vùng Trung Á là chính đáng.

            Bài thứ ba, của Robert H. Scharf, viết về "Thiền và Dân tộc tính Nhật Bản", nêu lên một nhận định mới về bối cảnh chính trị và trí thức trong các tác phẩm của Nishida Kitaro, D. T. Suzuki, cùng những thiền sư truyền giáo khác thời đó đang bị khủng hoảng bởi cơn sốt hiện đại hóa và Tây phương hóa tại đất nước họ trong và sau thời Minh Trị thiên hoàng (1868-1912). Scharf phăng lần đến sự xuất hiện của một phong trào trí thức Phật giáo cư sĩ, có trình độ đại học, có tinh thần cởi mở, có phương pháp nghiên cứu, để ứng phó với chính quyền thời ấy đang ủng hộ chủ trương kỳ thị tư tưởng Phật giáo. Những tay cự phách trong phong trào Tân Phật giáo (Shin Bukkyo) cũng đồng ý với các nhà phê bình về lịch sử Phật giáo, cho rằng giới lãnh đạo giáo hội thời đó, đã không đại diện được cho toàn thể tăng lữ, lại còn chỉ biết lo tranh giành ảnh hưởng cho phe phái, để đưa đến tình trạng suy đồi trong sinh hoạt Phật giáo. Họ khuyến khích các Phật tử trong tương lai - gồm cả tăng lữ và cư sĩ - phải có đầu óc cởi mở, biết chối bỏ những tư tưởng về với giáo lý "chân thật" của Đức Phật, một giáo lý có đặc thái tân tiến, khoa học, có mục đích phổ độ chúng sanh và cải thiện xã hội. Thêm vào đó, giới Phật tử mới này cũng cần phải nâng cao tinh thần dân tộc bằng những đặc thái thuần túy Nhật Bản, song song với ý thức hệ quốc gia.

            Theo ý nghĩa đó thì Suzuki và nhóm tri thức của ông đã đứng theo thái độ tôn vinh Nhật Bản là "Nhất bản nhân luận" (nihonjinron), đả phá nổi tiêu hoại cá thể trong suy tư vô nghĩa về con người theo tư tưởng hiện sinh của phương Tây. Scharf cũng cho rằng sự phát triển trí thức của Suzuki là do ảnh hưởng của một hệ thống giáo dục đại học mới, hoàn toàn Tây phương hóa, và quan trọng nhất là do ảnh hưởng của Paul Carus, gốc người Đức, là nhà thành lập Tôn giáo của Khoa học (Religion of Science), đặt trụ sở tại Mỹ. Kết quả của cuộc chạm trán với tư tưởng cho "tôn giáo nội hàm là độc tôn" của Carus đã khiến cho Suzuki phấn khởi chủ trương Thiền tập (Zen practice) như là phương tiện duy nhất để đạt đến kinh nghiệm tâm linh thanh tịnh và tức khắc, tức đốn ngộ. Và đó cũng là lý do để Scharf kết luận rằng Suzuki đã mang trả về cho Nhật Bản, từ trong tay thực dân phương Tây, những gì thuộc Nhật Bản. Quan niệm này được Suzuki bộc lộ rõ ràng trong quyển Thiền và Văn hóa Nhật (Zen and Japanese Culture), phát hành năm 1959, của ông. Ngoài ra, cũng có những Phật học gia trí thức khác như Hisamatsu Shin'ichi (1889-1980), cũng đồng ý cho rằng Zen là căn bản duy nhất của nền văn hóa và nghệ thuật Nhật Bản.

            Bài thứ tư viết về giáo sư Giuseppe Tucci, được bổ nhiệm làm giám đốc thứ hai của Viện Nghiên cứu Trung và Viễn Đông của Ý (Istituto Italino per il Medio ed Estremo Oriente, IIMEO) vào năm 1947, ba năm sau khi người giám đốc đầu tiên, Giovanni Gentile, bị tử hình về tội là triết gia chính thức của phát-xít. Tiểu luận của Gustavo Benavides: "Guiseppe Tucci, hay Phật giáo học (Buddhology) trong thời Phát-xít" khảo nghiệm công trình nghiên cứu Phật giáo của Tucci trong thời kỳ này, một công trình bị ảnh hưởng đậm đà của văn hóa Nhật khi ông đến đất nước này vào năm 1937 trong vai trò ủy viên giao lưu văn hóa giữa Ý và Nhật. Từ năm 1937 cho đến Thế chiến thứ 2, Tucci đã cho ra đời nhiều tác phẩm viết về tinh thần Nhật Bản, nhất là tinh thần Thiền, cho nên không ai ngạc nhiên khi tìm thấy trong đó những luận điệu tương tợ như của Suzuki được Scharf mô tả trong chương trước.

            Một luận điệu có thể nói là táo bạo mà Tucci đề nghị là sự tương quan giữa Thiền (Zen), lý tưởng Võ sĩ đạo (Bushido), và mục đích của chiến tranh. Theo đó, kinh nghiệm cá thể và sự tức khắc và đương thời đốn ngộ của Zen được phản ảnh qua cái gọi là niềm kiêu hãnh được trực tiếp tham gia nơi bãi chiến trường của người chiến sĩ. Dẫu là một thiền sư, một hiệp sĩ (samurai) hay là một chiến thuật gia đang chuẩn bị cho một trận thế chiến đang đi vào tàn cuộc không tránh được tại châu Âu, thì cái logic biện chứng của một tức thời đốn ngộ, của một đường kiếm tuyệt vời hay của nỗi rùng rợn khi trực diện với cơn hủy diệt nhân danh chiến tranh, đều mang cùng một ý nghĩa. Đó là, sự thành công ở mỗi phương diện của cuộc đời đều đòi hỏi một siêu việt ra khỏi ranh giới đóng khuôn con người vào trong cái ngã hạn cuộc. Chỉ có trong giây phút đó, con người mới tìm thấy được sự giải thoát ra khỏi "nỗi thảm khốc của thời gian", một thuật ngữ hiện sinh mà hơn hai ngàn năm trước, Đức Phật chỉ cần nhẹ nhàng nói "vô ngã, bởi vì là vô thường", cũng đã đầy đủ và vượt hơn bao nhiêu cơn dằn vặt với hư vô (le néant) hay đối diện ngay với con người xa lạ của chính mình (l'étranger).

            Nhưng rồi sau cuộc thế chiến vô nghĩa đó, Tucci hình như đã thay đổi hoàn toàn quan niệm "viễn ảnh anh hùng" của mình, để quay trở về với những nghiên cứu Tây Tạng học (Tibetology) và một tiếp cận với Phật giáo có tính cách nhân đạo theo truyền thống châu Á hơn. Dẫu vậy, tương quan giữa Phật học và phát-xít Âu châu đầu thế kỷ XX còn là một đề tài ít được đề cập tới và Benavides cần phải được hoan nghênh khi mô tả một phần nhỏ trong khung cảnh rộng lớn hơn mà những đóng góp sau đây cũng cần phải được nhắc tới.

            Bhikkhu Nanajiivako phê bình bài của Julius Evola viết về "The Technicalisation of Buddhism: Fascism and Buddhism in Italy; Giuseppe Tucci" đang trong Buddhist Studies Review 6/1 (1989): 27-38, 102-15; và 7/1-2 (1990): 3-17. Helmut Klar viết về tình trạng Phật giáo Đức trong thập niên 1930 qua bài "Der Buddhismus zur Nazizeit", in nơi các trang 29-34 trong quyển sách cũng của ông là tác giả, Zeitzeuge zur Geschichte des Buddhismus in Deutschland, do Martin Baumann biên tập và Đại học University of Konstanz xuất bản năm 1995 (Forschungsberichte No. 11). Ngoài ra, cũng cần đọc phần phỏng vấn với Helmut Klar nơi các trang 101-8 cùng trong sách này. Ngay cả Martin Baumann cũng có một bài đăng trong tác phẩm Deutsche Buddhisten, (2nd enl. ed.), do Diagonal xuất bản năm 1995, nơi các trang 65-67. Rainer Flasche thì viết "Gab es Versuche einer Ideologisier ung der Religion-swissenschaft waehrend ded Dritten Reiches?" đăng nơi các trang 413-420 trong Gnosisforschung und Religionsgeschichte; Festschrift fuer Kurt Rudolph zum 65. Geburtstag, do Holger Preissler và Hubert Seiwert biên tập (Marburg: Diagonal, 1994); sách được Gregory D. Alles phiên dịch ra Anh văn với tiêu đề "The Study of Religion on Work in Progress" đăng trong Religion 27 (1997). Những tài liệu trên cho thấy châu Âu chú trọng và ưu tư về đề tài này nhiều hơn là châu Mỹ, có lẽ vì châu Mỹ không hề bị ảnh hưởng tàn phá của chiến tranh trong thời đó.

            Luis O. Gomez trong bài "Trí huệ phương Đông và trị liệu Tâm linh: Jung và Đông độ", đánh giá Carl Jung qua công trình ông hội nhập với Phật giáo và với thực hành Du-già, hay Thiền tập. Sau khi chia tay với Freud năm 1913, Jung dành trọn mười năm trời, mà Jung gọi là "thời kỳ bệnh hoạn sáng tạo", để nghiên cứu và thực tập tư tưởng tôn giáo Đông phương. Viễn ảnh của ông về một phương Đông huyền ảo, gần gũi thiên nhiên, siêu trần, khác hẳn với thái độ phóng thể muốn chinh phục thế giới bên ngoài của phương Tây, được xem như là tiêu biểu cho nhóm thức giả - trong đó có bạn ông, Heinrich Zimmer - ở cuối thời kỳ lãng mạn của Tây phương. Gomez cho rằng Jung chỉ là "một con mồi khờ dại của gã thợ săn Đông phương học tân thời"; bài thuyết trình năm 1943 của ông tựa đề là "Tâm lý của Thiền Đông phương" chứng minh cách thức ông tiếp cận với Đông phương học quả là rất ngây thơ và nông nổi. Bài thuyết trình này thật ra chỉ là mượn cớ để giải thích kinh Quán Vô Lượng Thọ (Kuan-wuliangshou ching; Skt.-Amitàyur-dhyàna Sùtra), một bản văn gốc Trung Hoa hay Đông Á theo truyền thống Tịnh Độ dựa trên hai bản kinh Di Đà (Sukhàvatìvyuha Sùtras). Gomez vạch ra rằng Jung đã nông nổi khi chỉ bàn đến hai trong 16 cách quán, quán nước và quán mặt trời, và hoàn toàn bỏ qua trọng tâm của kinh là mô tả cảnh giới Cực Lạc của Đức Phật Di Đà. Tuy thế, mặc dầu Jung thổ lộ rằng nỗ lực của ông chỉ để đi tìm kiến giải cho riêng ông về tư tưởng Đông phương, nhưng Gomez lại lý luận ngược lại rằng, chính những khuyết điểm trong cách diễn đạt thể nghiệm về tư tưởng Đông phương của Jung lại khiến cho truyền thống tôn giáo châu Á - điển hình là Phật giáo - được phổ biến nhiều hơn tại phương Tây.

            Donald S. Lopez, Jr. thì đóng góp bài "Người khác lạ dưới chân Lạt-ma", một tự thuật cá nhân trong thời gian Lopez thu tập tư liệu về Phật giáo Tây Tạng trong các tác phẩm của Ippolito Desideri, Alexander Csoma de Koros and L. Austine Waddell, và làm điền dã tại một tu viện Tây Tạng ở miền Nam Ấn. Lopez ghi lại những khó khăn về phương diện tư tưởng cũng như thực hành mà "người khách lạ" phải đương đầu; khách lạ vì là một người ngoại quốc muốn trở thành một Phật tử cư sĩ muốn đi tìm một thự chứng "bản địa" bằng cách học tập triết học tại một Phật học viện Tây Tạng. Một trong những trở ngại điển hình là vị thầy Lạt ma hướng dẫn không cho Lopez dùng máy thu âm để ghi chép các bài thuyết giảng; không cho không phải vì sợ bí ẩn của giáo lý bị tiết lộ, mà vì một lý do thật trần tục: chỉ vì đôi hàm răng giả hay xục xịch khiến vị Lạt ma không được tự nhiên mà thôi.

            Tác phẩm được University of Chicago Press ấn hành rất trang nhã vcà Lopez đã thành công trong việc biên tập các tiểu luận này. Mỗi chương đều có dẫn chứng rất súc tích và có giá trị cho các nghiên cứu về sau. Công trình của nhà biên tập cùng các học giả đóng góp như thế rất đáng hoan nghênh vì đã khai mở và soi sáng một giai đoạn lịch sử bị bỏ quên trong bối cảnh mà phương Tây đang nỗ lực tìm về với phương Đông muôn thở.

            (Viết theo giáo sư Ian Harris, University College of St. Martin, Lancaster, UK).

http://www.buddhismtoday.com/viet/diemsach/020-curator.htm

 


Cập nhật: 26-5-2001

Trở về mục "Điểm sách"

Đầu trang