Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
Buddhism Into The Year 2000. Internation Conference Proceedings. Bangkok and Los Angeles. The Dhammakaya Foundation, 1994. 345p. Reviewed by Martin Baumann, University of Hannover, Germany.
Người đọc: Phật-Điển Hành-Tư

Năm 1990, Dhammakaya Foundation (Hiệp hội Pháp thân) tổ chức một đại hội quốc tế tại Bangkok (Thái Lan), với sự tham dự của hơn tám trăm Phật học gia và học giả về Phật học và Á châu học khắp nơi trên thế giới. Dhammakaya Foundation là một tổ chức Phật giáo bất vụ lợi, sáng lập từ năm 1970, do ảnh hưởng của Đại sư cấp tiến "Buddhadassa" với chủ trương hiện đại và thực tiễn hóa đạo Phật qua những nhận định rất cách mạng đối với truyền thống Phật giáo Thái Lan cổ kính và quá truyền thống. Tư tưởng của Đại sư tuy bị các trưởng lão trong Giáo hội (Hoàng gia) Thái Lan chỉ trích nhưng rất có ảnh hưởng sâu rộng trong Tăng đoàn, nhất là các Tăng sĩ trẻ và có học thức, nên phong trào chấn hưng này qua đầu thập niện 1980 đã có tầm vóc sâu rộng khắp thế giới, cho nên khi Dhammakaya Foundation phát động sáng kiến tổ chức một đại hội quốc tế để chuẩn bị hành trang tư tưởngg cho Phật giáo bước vào thiên niên kỷ thứ III, thì được sự ủng hộ và tham dự hùng hậu của một số rất đông học giả nổi tiếng như giáo sư Yuyama Akira (Thang Sơn Minh, nguyên là giáo sư Sanskrit tại Australian National University và bổn sư truyền giới tông Thiên Thai cho người đọc này), Lane S. Cousins, Lambert Schmithausen, v.v… Cùng với hình ảnh các vị Tăng đắp y vàng rực rỡ và các cư sĩ trong áo trắng tinh khiết ngồi thành trăm ngàn hàng trong tư thế thiền tĩnh lặng. Dhammakaya Foundation đã tạo nên một tư thế phối hợp cả hai pháp học và pháp hành thành một phong trào chấn hưng Phật giáo đáng kể, qua sự hưởng ứng nồng nhiệt khi tổ chức một đại hội quốc tế để đi tìm một hướng đi cho Phật giáo trước ngưỡng cửa thế kỷ 21 này. Kết quả của kỳ đại hội tổ chức vào năm 1990 là một tập thành các tiểu luận thuyết trình trong kỳ đại hội, với tựa đề giản dị là Buddhism in the year 2000, mà hiện tại, những ý kiến trong các bài thuyết trình này vẫn còn có giá trị cho trọn thiên niên kỷ thứ III.

Mục đích của kỳ đại hội này là, ngoài sự xiển dương một cuộc hòa hợp và thông hiểu giữa các truyền thống, còn là để kiểm điểm hiện trạng của Phật giáo trên toàn thế giới về tất cả mọi phương diện để tìm một hướng đi cho Phật giáo trong tương lai. Do đó, tổng hợp các tiểu luận đã thuyết trình, gồm 21 bài, được xếp thành 3 phần: 1) Lịch sử khởi nguyên và phát triển của đạo Phật; 2) Những vấn đề hiện đại; 3) Tương lai của Phật giáo.

Phần 1, về lịch sử khởi nguyên và phát triển của Phật giáo, gồm 5 bài nghiên cứu từ ba trường phái tư tưởng thời Nguyên thủy, với Lane S. Cousins bàn về quan niệm con người trong tương quan với "ngã"; Alexis Sanderson giải thích triết thuyết của phái Nhất thiết hữu về Nghiệp và những chỉ trích về thuyết này của phái Kinh lượng bộ; trong khi đó, Lambert Schmithausen lại đặt vấn đề, dựa trên các triết thuyết nguyên thủy, là các thảo mộc có sự sống hay không, có nghĩa là cũng được xem như là chúng hữu tình hay không. Shohei Ichimura đề nghị một phương cách "biện chứng mới" cho Trung Luận (Madhyamaka) và Long Thọ (Nàgàrjuna) để đi tìm một giải pháp cho việc thua cuộc logic vì đã không thể phân biệt rõ ràng giữa quan niệm về "pháp" (trans-empirical dharma) và "ngã" (empirical pudgala). Trong khi đó, Sanderson cho là những nghi lễ huyền bí của Kim Cang thừa (Vajrayàna) đều là chịu ảnh hưởng của việc thờ thần Shiva của Ấn Độ giáo.

Phần 2 đề cập đến hiện trạng Phật giáo trên toàn thế giới, nhưng lại vấp phải nhiều khuyết điểm lớn. Tám bài thuyết trình về hiện tình Phật giáo tại Nam Á châu, Nhật Bản, Pháp, Anh, Hòa Lan, và Nam Mỹ, Mã Lai và Singapore, nhưng lạ lùng thay, lại không có một thuyết trình nào về nền Phật giáo tại Hoa Kỳ và Đức quốc, là hai nơi mà các thành quả về Phật học, có giá trị nghiên cứu, hay làm luận án tiến sĩ tại các đại học lớn, đã vững vàng thiết lập đạo Phật thành một môn học ngang hàng với tất cả các môn học khoa học khác trên bậc đại học. Các bài thuyết trình cũng chỉ lược bày về lịch sử phát triển của đạo Phật tại các địa phương nêu trên, ngoài hai bài xuất sắc của Cousins viết về Phật giáo Nguyên thủy tại Anh quốc, (do Thiền sư Ajahn Sumedho, gốc người Mỹ theo tu dòng Ajahn Chah, có công hoằng hóa), và bài của R. H. C Jannsen về Phật giáo tại Hòa Lan. Bài của A. de Hoyos về sự hiện diện của Phật giáo tại Nam Mỹ - La tinh có thể nói là một phát hiện mới lạ, nhưng thật ra nếu ta biết rằng vùng đất này là nơi định cư của rất đông người Nhật hàng trăm năm nay thì chẳng có gì lấy làm ngạc nhiên lắm, tuy đây cũng là một dịp lớn để các học giả không còn bỏ quên sinh hoạt Phật giáo tại nơi đây nữa. Thêm vào đó, tập thuyết trình này cũng không có các bài nói về hiện trạng Phật giáo tại Trung Quốc, Tây Tạng, Ấn Độ, và Tích Lan. Có phải chăng vì những vùng này đã phát triển quá lâu cho nên phát sinh ra nhiều dữ kiện và sự kiện mâu thuẫn nhau, nhất là về phương diện chính trị, cho nên đã không được thu nhập vào trong tập này ? Nếu thế, thì quả là một khuyết điểm lớn lao đối với những công trình hoằng pháp gần đây của các vị sư nổi danh thuộc các quốc gia này, như Đạt lai Lạt ma, hay H. Gunaratana (Tích Lan), v.v…

Phần III, về tương lai của Phật giáo trước ngưỡng cửa thế kỷ 21, các trang 171-260, gồm 7 bài. Đề tài bao quát, từ sự đóng góp của Phật giáo vào công cuộc đối thoại liên tôn trong bài của A. Guruge, những liên hệ hiển nhiên của Phật giáo qua chứng cớ khoa học và kỹ thuật của J. Martin, cho đến sự quan trọng của nền giáo dục Phật giáo đối với đạo Hiếu qua bài của H. Sure. Trong khi L. Schmithausen trình bày thật thâm sâu nhưng cũng thật dễ hiểu về ảnh hưởng rộng lớn của Phật giáo trước vấn đề quan thiết nhất của thời đại là môi sinh, thì bài của giáo sư A. Yuyama lại càng quan trọng hơn và đáng được nhắc đến. Tuy Phật giáo đã được học giới Âu-Mỹ đặc biệt nghiên cứu gần trăm năm nay - các kinh điển, ngữ lục, v.v…, hầu như đều đã được dịch, và dịch rất đúng, ra các ngôn ngữ Tây phương - nhưng hình như vẫn chưa có một chú ý quan thiết nào về một bộ môn ngôn ngữ học cho sự nghiên cứu chuyên về Phật học cả. Do đó, Yuyama đã tỉ mỉ nêu lên các ngữ từ Phật học khi được dịch sang Tây phương ngữ. Từ đó, giáo sư thiết lập một hệ thống, trong khuôn khổ diễn tiến của ngôn ngữ học Phật giáo, từng bước một để học tập bộ môn này; như thế cũng có nghĩa là, để trở thành một học giả Phật giáo, hay một Phật học gia, đương sự cần phải có một căn bản kiến thức quảng bác về ngôn ngữ, trước tiên là Phạn ngữ và Pàli, tiếp đến là Hán, Nhật, Tây Tạng ngữ, rồi Pháp, Anh, Đức ngữ, và một số các ngôn ngữ khác như Prakrit, và nhất là chữ Nôm, v.v…, để có thể nghiêm túc phiên dịch hay tập thành (edit) một bản kinh văn đúng trách nhiệm.

Một bài khác của A. Guruge viết về Phật giáo tại Âu châu trong thế kỷ 21, kêu gọi một sống chung hòa hợp giữa Phật tử Á châu định cư và Phật tử Âu châu mới theo đạo mà xưa nay vẫn sống biệt lập nhay. Tuy lời kêu gọi của Guruge đúng thời đúng nơi, nhưng ông lại sai lầm khi đề nghị là Âu châu rất cần và đang tìm kiếm một nhân vật có hấp lực lãnh đạo (charisma), uy dũng và có tài hùng biện để có thể điều khiển và quy tụ mọi truyền thống Phật giáo tại Âu châu về một mối. Đây quả là một đề nghị không chỉ sai lầm mà còn là ảo tưởng, bởi vì ngay từ thời Đức Phật, đã không có vấn đề lãnh tụ hay lãnh đạo, mà chỉ có hành giả chuyên trì giới luật để tự giải thoát mà thôi. Phật tử có thể quy tập về một đại sư, một thiền sư, một lạt ma, xem họ như vị cao tăng xứng đáng được cúng dường và theo học chánh pháp, nhưng cũng không vì thế mà tôn sùng cá nhân của vị đó. Cũng chỉ vì Tây phương quá tôn sùng thần tượng cá nhân, cho nên trong mấy thập niên qua, đã có biết bao nhiêu phong trào cuồng tín (religious cults) xuất hiện, lợi dụng sức quyến rũ của người đầu đảng để lường gạt đức tin của những người đang tìm kiém những giáo lý mới lạ bên ngoài giáo lý truyền thống Tây phương của họ. Kết quả là đã có bao nhiêu tên tuổi nổi danh như cồn một thời rồi cũng lặng lẽ lui vào quên lãng, người "lãnh đạo" tự mang theo bao nhiêu nghiệp lực đã tạo tác trong nhất thời danh hão của họ.

Bài của H. Bechert về "Tân tiến hóa Phật giáo" ("Buddhist Modernism"), một từ do chính Bechert đề nghị đầu thập niên của Phật giáo trong 3 thập niên qua, và những khuynh hướng mới cho tương lai Phật giáo; theo đó, ông nhắc đến những sinh hoạt bảo vệ môi sinh và thiên nhiên, những mời gọi trở về với lối sống đầu đà và giản dị thoát ngoài khuôn khổ của những thanh quy tu viện gò bó, một lý tưởng tu hành của những vị sư khổ hạnh trong rừng (forest monks) và những tranh thủ để thiết lập lại Tỳ kheo ni bộ cho truyền thống Nguyên thủy và Tây Tạng.

Nội dung bài này của Bechert, cũng như của Cousins, Sanderson, Schmithausen và Yuyama, tuy đã mười năm trước, nhưng vẫn còn có thể gây hứng thú và áp dụng để đưa Phật giáo đi vào thiên niên kỷ mới, thiên niên kỷ thứ III, mà một năm đã qua rồi, những vấn đề nêu lên cũng vẫn còn chưa được giải quyết thỏa đáng. Trong lúc đó, bao nhiêu vấn đề khác cũng đang chờ đợi Phật giáo chuyển mình, như dấn thân nhập thể (xã hội hóa Phật giáo), đạo đức và trách nhiệm cá nhân, hay thông tin điện tử, v.v…

Sách in đẹp và trình bày thẩm mỹ, gồm nhiều hình ảnh đáng ghi nhớ trong kỳ đại hội, một chương giới thiệu tiểu sử các thuyết trình viên, và một sách dẫn về các tiêu đề và nhân danh, cho thấy Dhammakaya Foundation quả đã trưởng thành và đủ khả năng để tổ chức một đại hội quốc tế thành công như thế.

Tại Mỹ, gần đây cũng có những vận động để truyền giới Tỳ kheo ni cho truyền thống Nam tông. Các vị chức sắc của Phật giáo Nguyên thủy Việt nam, Tích Lan và Thái Lan tán thành và vận động cho khuynh hướng này. Lý do: a/ Nếu Tăng có thể truyền giới cho Tăng, tại sao không thể trực tiếp truyền giới cho Ni (lần đầu tiên, sau một thời Ni bộ bị đứt đoạn đã ngàn năm). b/ Trong Luật, có giới cấm không cho Tăng và Ni trao đổi y cho nhau, có nghĩa vào thời Đức Phật, Tăng và Ni cùng đắp một thứ y (vàng hay hoại sắc), không phân biệt như ngày nay, tại Thái Lan, Ni chúng (8 giới) đắp y trắng, hay tại Việt Na, y hồng lợt. Riêng các đại sư Miến Điện phản đối vận động này, cho rằng các phụ nữ Âu-Mỹ tu theo Nguyên thủy hay Tây Tạng mà vận động để được truyền giới Tỳ kheo ni chẳng qua là có ý muốn tranh chấp giáo quyền mà thôi, không hiểu rõ ý nghĩa cao thượng của giới luật Phật giáo. Riêng Đức Đạt lai Lạt ma cũng muốn thiết lập lại Tỳ kheo ni bộ cho truyền thống Tây Tạng. (Viết theo giáo sư Martin Baumann, University of Hannover, Đức quốc).

(Trích Nguyệt San GIÁC NGỘ số 58)

http://www.buddhismtoday.com/viet/diemsach/015-phatdienhanhtu-Buddhism.htm

 


Cập nhật: 1-5-2001

Trở về mục "Điểm sách"

Đầu trang