Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt    

   

...... ... ..  . ..  .  .
  ĐƠN
Lạt Ma Thubten Gyatso (Bác sĩ Adrian Feldmann)
Pháp Hạnh dịch

 

Ở thủ đô Kathmandu xứ Nepal, người dân tại đây có phong tục chọn ra một em bé gái làm vị đại diện cho một nữ thần Ấn Độ Giáo và giam em bé này trong một lâu đài, cấm không cho ra ngoài.  Người ta chăm sóc cho mọi nhu cầu của em này, trừ nhu cầu cắt tóc.  Em bé không bao giờ được cắt tóc hay chạm chân xuống đất.  Người ta giữ em trong cái ngục tù này cho đến ngày em bắt đầu có kinh nguyệt.  Sự “nguyền rủa” của hành kinh nay đã trở thành vị cứu tinh của thiếu nữ và một em bé xấu số khác lại được thay thế.  Người ta tin rằng những em gái nhỏ bé này là may mắn.  Thế nhưng, tâm hồn không tin vào thần linh của tôi cảm thấy buồn bã khi nghĩ đến sự  tách biệt và cô đơn mà những em bé này bị cưỡng bức phải chịu đựng.

   Một số người cho rằng việc trở thành một tu sĩ sống đời sống không gia đình cũng là một lối sống khốn khổ không kém gì những em bé kia.  Lúc tôi thôi làm việc và chuẩn bị rời nước Úc để đi thọ giới trở thành một nhà sư thì, theo truyền thống của bệnh viện, tôi ra một quán rượu trong vùng cùng nhiều bác sĩ để uống rượu chia tay.  Nơi đây, tôi, một nhà sư Phật giáo tương lai, ngồi nơi bàn rượu với điếu xì-gà trong miệng, một ly bia trước mặt, và trong vòng tay hai nữ bác sĩ trẻ...một trong hai nữ bác sĩ này hỏi tôi, "nhưng mà, không biết rồi anh có sẽ cảm thấy cô đơn không?"

Tôi trả lời, "tôi không biết, nhưng tôi đã quyết định lên đường."

Tôi không lạ gì với sự cô đơn.  Một vài năm trước, tôi chia tay người yêu ở nước Úc để sang Anh dự khóa tu nghiệp y khoa và nghiên cứu hậu đại học, và không giấu gì bạn, tôi đi để tìm sự phiêu lưu.  Tại Anh, tôi đã tìm thấy tất cả - phiêu lưu, bè bạn, học tập và làm việc đầy hứng thú.  Thế nhưng, khi những lá thư của người yêu từ Úc gởi đến, và những kỷ niệm xâm chiếm tâm tư, thành phố London nhộn nhịp bổng trở thành nơi cô đơn nhất trên thế gian.  Tôi khao khát được có nàng bên tôi và chia sẽ những niềm hạnh phúc này.  

Tấm gương của các vị Lạt Ma và sự sáng suốt có được từ lời dạy của đức Phật đã là căn bản cho sự sẳn sàng chấp nhận cô đơn để trở thành một Tăng sĩ của tôi.  Tôi chưa từng gặp ai có một mức độ minh mẫn, hạnh phúc, và đầy sự hóm hỉnh như các vị Lạt Ma, và tôi cũng đã biết rằng, khi ở London, những lúc tôi không nghĩ đến người yêu của tôi, đó là những lúc tôi không cô đơn.  Nếu sự cô đơn chỉ vì sự thiếu vắng nàng thì tôi phải luôn luôn cảm nhận nó.  Thế nhưng, tôi không phải lúc nào cũng cảm thấy cô đơn. Vì thế, dường như có thể suy luận ra rằng sự cô đơn đến từ tâm thức. 

Tôi đã chứng kiến sự cô đơn kinh khủng của cha tôi  khi mẹ tôi qua đời ở tuổi rất trẻ, và tôi cũng đã biết rằng thời điểm khi chúng ta có một người bạn thân thiết thì cũng là khởi đầu cho một sự cô đơn khủng khiếp khi sự chia ly không tránh khỏi xảy ra trong tương lai.   Nếu tôi có thể học được cách tâm thức vận hành thì tôi có thể  đạt tới sự chế ngự tâm và xả bỏ  sự bất hạnh phúc cùng nguyên nhân của nó, và đó là những gì thuộc về đạo Phật.

Hết thảy chúng ta đều trãi qua sự cô đơn ở những mức độ khác nhau trong suốt cuộc đời chúng ta, và chúng ta thường có khuynh hướng trách móc thái độ thờ ơ không quan tâm của người khác hay xã hội cho sự  cô độc của mình.  Đúng là những điều kiện bên ngoài là có thật, nhưng nguyên nhân chính yếu của sự cô đơn chính là do chúng ta tự khoá chặt mình trong toà lâu đài chúng ta tự tạo dựng.   Một định nghĩa dễ hiểu cho những bệnh nhân loạn thần kinh chức năng là nhóm người xây lâu đài trên hư không, và định nghĩa cho những bệnh nhân tâm thần là những người sống trong những lâu đài trên hư không.  Với thái độ tự kỹ (coi mình là trung điểm vũ trụ) thèm khát được yêu thương, thừa nhận, và được quý trọng, tất cả chúng ta sẽ đi gần đến bờ thẳm của loạn thần kinh chức năng do sự cô đơn đơn tạo ra. 

Tôi đã đề cập trước đây là mẹ là những hình ảnh quá quan trọng trong cuộc sống của chúng ta, bởi vì, khi là những ấu nhi, chúng ta được mẹ cho bú mớm.  Mẹ nuôi dưỡng thân chúng ta bằng sữa từ ngực của bà và ấp ủ tâm hồn chúng ta với tình thương từ trái tim.   Mẹ cai sữa cho chúng ta, nhưng mẹ không cai tình thương khỏi chúng ta.  Khi chúng ta lớn lên, chúng ta cảm thấy nhu cầu được tự lập và thế là chúng ta tự tách rời mình khỏi sự lo âu của mẹ, và chúng ta lại còn trách móc mẹ của chúng ta cho những khó khăn trong cuộc sống của mình. Sự lỗi lầm, tuy nhiên, là ở trong tâm thức của chúng ta, trong cái sự thèm khát tình thương đã bị đánh mất của mẹ. 

Xúc cảm của chúng ta thật là hết sức bất ổn; chúng ta đi lên tuyệt đỉnh của hạnh phúc khi nghe những câu như, "em yêu anh," và chúng ta cũng bị dèm xuống tận cùng của tuyệt vọng, và ngay cả tự sát, khi thấy những dòng chữ, "tôi không còn yêu anh nữa," hay, "tôi chán ghét anh."

Ngày nào mà chúng ta còn cảm thấy nhu cầu được yêu thương, thừa nhận, và quý trọng thì ngày ấy chúng ta còn luôn chịu nổi đe dọa của sự cô đơn, và chúng ta càng đòi hỏi những thứ này ở tha nhân nhiều bao nhiêu, thì tha nhân càng dễ rút đi tình cảm của họ bấy nhiêu.  Nhu cầu này ngày nay bị tận dụng một cách đáng sợ bởi một thế giới thương mại chỉ quan tâm đến tiền bạc của bạn, bởi những kẻ săn tìm tình dục chỉ quan tâm đến khoái cảm của họ, và bởi những tôn giáo chỉ quan tâm đến số lượng môn đồ và ngân quỹ của họ. 

Tôi không có ý nói rằng chúng ta phải nên từ chối tình thương và vân vân…Chúng ta nên nhận và ban phát tình thương một cách ngang nhau, cảm nhận hạnh phúc trong phút giây hiện tại và đừng làm vững mạnh lâu đài trên hư không với ý tưởng không thực rằng, "nó sẽ tồn tại vĩnh cửu.”

Hạnh phúc cao quý nhất trong cuộc sống đến từ ban phát tình yêu, hơn là  nhận nó, và đúng là có vẻ nghịch lý nhưng khi ban phát tình yêu mà không đòi hỏi điều gì đền đáp, thì bạm làm cho tha nhân thương yêu, thừa nhận, và quý trọng bạn hơn hết thảy mọi thứ.

Đây là bài pháp của Lạt Ma Thubten Gyatso, trước đây là bác sĩ Adrian Feldmann, một vị Tăng người Úc hiện nay đang làm việc tại Mông Cổ.   Bài pháp này được đăng trên tờ báo Anh ngữ địa phương tại thủ đô Ulaan Baatar của Mông Cổ.

 


Vào mạng: 3-1-2002

Trở về mục "Đạo đức-Tâm lý học Phật giáo"

Đầu trang