Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
Tác dụng của lời nói
Cư-sĩ Chính-Trực

Lời nói đôi khi
có những tác dụng
không thể lường trước.
Có những lời nói
 
có thể đem lại
an vui hạnh phúc
 
đến cho mọi người.
Có những lời nói
 
có thể đem lại
những sự ly tán,
tan nát hạnh phúc
của các người khác,
 
đôi khi đổ vỡ
hạnh phúc gia đình
của chính người nói.
Có những lời nói,
làm cho người nghe,
mỉm cười tươi tắn,
vui vẻ khỏe khoắn.
Có những lời nói,
khiến cho người nghe,
 
nhăn mặt nhíu mày,
 
đau đầu nhức óc,
lộn gan lộn ruột,
nhói tim mất ngủ!
Có những lời nói
có thể cứu người,
có những lời nói
có thể hại người,
một cách dễ dàng.
Thí dụ như là:
Lời nói của vị,
luật sư lương tâm,
khó kiếm khó tầm,
chức nghiệp cao quí,
có thể cứu người,
thoát khỏi tội oan,
còn như mưu toan,
khai gian lời nói,
của một nhân chứng,
làm cho người khác,
phải bị tù tội.
Một vị bác sĩ,
khéo lựa lời nói,
khuyến khích khuyên lơn,
 
an ủi động viên,
làm dịu tinh thần,
 
giúp được bệnh nhân,
yên tâm dưỡng bệnh,
chóng qua hiểm nghèo,
 
sớm được bình phục.
Bằng như ngược lại,
lời nói vô ý,
có thể làm cho,
 
bệnh nhân kích động,
bệnh tình trầm trọng,
tắt thở tức thì.
Cũng như lời nói,
của nhà ngoại giao,
hay các sứ thần,
hoặc các sứ giả,
có thể đem lại,
hòa bình hai nước,
hoặc gây chiến tranh,
binh lửa lan tràn,
khắp cả mọi nơi.
Nhiều khi lời nói,
của một con người,
sức mạnh lớn hơn,
 
cả một đoàn quân.
Có người thường hay
 
nói năng ngọt ngào
với các người dưng
bên ngoài gia đình,
nhưng còn đối với
những người thân thích,
bên trong gia đình,
họ không bao giờ
 
nói được ngọt ngào.
Con người thường thường,
không ưa thích nhau,
làm mích lòng nhau,
chỉ vì lời nói,
ngay cả bạn thân,
hay giữa vợ chồng,
cha mẹ con cái.
Tuy nhiên đến khi,
một người bất hạnh,
 
chẳng may qua đời,
người khác kể lể,
dài dòng văn tự,
khóc lóc thảm thiết,
nói lời tha thiết,
nhớ nhung da diết,
dù có hối hận,
cũng quá muộn màng!
 
Có chuyện lạ đời,
trên thế gian này,
 
chuyện đó chính là:
con người thường chỉ,
có thể nói chuyện,
ngọt ngào dễ thương,
với người nằm xuống,
chỉ còn nằm yên,
 
bất động để nghe,
không còn đối đáp,
cãi cọ được nữa,
hoặc là nói chuyện,
hằng ngày hằng giờ,
với tấm mộ bia,
ở ngoài nghĩa địa.
 
Nhưng khi người đó,
còn sống hiện tiền,
con người chẳng thể,
mở miệng nói ra,
 
nói được lời nào,
cho thiệt dễ nghe,
cho thiệt dễ thương!
Tại sao như vậy?
Có lẽ bởi vì,
con người thường không,
sợ người còn sống,
nhưng hay sợ người,
 
đã chết trở về,
bóp cổ mình chăng?
Con người có thể,
thương yêu súc vật,
chó mèo chim chuột,
 
cho đến côn trùng,
nhưng có lắm khi,
 
không thể chịu đựng,
không thể nhịn được,
những người chung quanh,
cha mẹ anh em,
vợ chồng con cái,
bạn bè gần xa,
hàng xóm láng giềng,
chỉ vì một điều:
Lời Nói Của Họ.
Tại sao như vậy?
Bởi vì súc vật,
không hề biết nghe,
không nói tiếng người,
cho nên không bị,
con người mích lòng!
 
Người đời thường nói:
Hai gà ganh nhau,
chỉ vì tiếng gáy.
Hai chó ghét nhau,
chỉ vì tiếng sủa.
Hai cô ca sĩ,
bao giờ thương nhau!
Còn hai con người,
 
thường gieo thương đau,
sầu khổ cho nhau,
chỉ vì lời nói! _
Cư-sĩ Chính-Trực (Toronto-Canada)
--------
Có hai bài kệ sau đây:
Ngày mai ai cũng chết
Ngày nay không tranh cãi
Muôn sự không còn mãi
Gắng giữ tâm thanh tịnh
----------
Niệm phật hay tọa thiền
Nên nhớ lời phật dạy
Nhứt định không tranh cãi
Tâm thanh tịnh mãi mãi
Cư-sĩ Chính-Trực (Toronto-Canada)

http://www.buddhismtoday.com/viet/ddtamly/033-tacdungloinoi.htm

 


Cập nhật: 1-7-2001

Trở về mục "Đạo đức-Tâm lý học Phật giáo"

Đầu trang