Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
Hạnh phúc
 Dưới góc nhìn của Phật Giáo Học và Kinh Tế Học
 Tín Hoà

 

  Hạnh Phúc là gì? và như thế nào mới gọi là đạt được Hạnh Phúc? Từ bấy lâu nay, loài người chúng ta cứ mãi miết rượt đuổi theo cái hình bóng mà gọi là 'Hạnh Phúc' đó, mỗi người một vẻ, nhưng cuối cùng cũng chẳng có ai hoàn toàn định nghĩa được Hạnh Phúc là thế nào. Có người cho rằng, được may mắn trúng thưởng lớn là Hạnh Phúc, ngày ngày không lo lắng về ăn mặc vui chơi là Hạnh Phúc; sắc đẹp dung nhan bền lâu là Hạnh Phúc; thoát khỏi tai nạn trong cuộc sống là Hạnh Phúc; được thăng quan tiến chức là Hạnh Phúc; có nhiều tiền ăn chơi phung phí là Hạnh Phúc; được yêu thương là Hạnh Phúc.v.v., cảm giác nào cũng có, phong phú và vô cùng đa dạng, tưởng chứng nó xa vời và cũng tưởng chừng nó như luôn ở bên mình, nó đến và đi trong thầm lặng mà chẳng một ai kịp nhận ra nó có hình thù như thế nào? tại sao lại có lúc bồi hồi lo lắng, lại có lúc mừng vui khôn xiết, khiến cho mọi chúng sanh cứ thấp thỏm tha thiết trông chờ nó đến với mình.

  Chúng tôi cũng là một người như bao nhiêu người khác, sinh ra và lớn lên rồi mãi miết rượt đuổi theo cái hình bóng mơ hồ của Hạnh Phúc; để rồi vui mừng, buồn vui, thất vọng, lo âu, sầu khổ.v.v. những cảm giác ấy cứ đeo đuổi bên thân chúng tôi làm cho tâm thức chúng tôi luôn luôn bị cuồng điên trong phiền não, và được thức tỉnh khi gặp được chân lý tối thượng của Như Lai, như người đi đêm mà gặp ánh đuốc soi đường, giống như bơ vơ giữa biển khơi bao la vô tận gặp được thuyền cứu nạn đưa vào bến bờ bình yên.

  Với tư cách là một đệ tử Phật, chúng tôi đã có thời gian nghiên cứu và tu học trong ánh sáng từ bi trí tuệ của Đức Phật, chúng tôi với kiến thức thô sơ hạn hẹp của mình mạo muội đi phân tích vấn đề Hạnh Phúc từ góc độ của Kinh Tế Học và Phật Giáo Học để làm sáng tỏ giá trị đích thực của Hạnh Phúc là gì?

 = 1 \* ROMAN I- Con đường dẫn đến hạnh phúc trong Kinh Tế học

Những khái niệm về Hạnh Phúc trong kinh tế học

(1) Kinh tế học là môn học chuyên nghiên cứu về sự phát triển cuộc sống của nhân loại.

Nhà kinh tế học gia N. Gregory Mankiw một nhân vật tiêu biểu cho trường phái kinh tế học New Keynesianism đã từng phát biểu: " Kinh tế học là một môn học nghiên cứu những gì liên quan đến cuộc sống đời thường của nhân loại"; nhà văn, nhà viết kịch, nhà tuyên truyền xã hội học nổi tiếng của Anh Quốc George Bernard Shaw (1856-1950), khi viết về Kinh tế học cũng đã nói rằng: "Kinh tế học là một môn nghệ thuật khiến cuộc sống con người thêm Hạnh Phúc.". Kinh tế học chủ yếu nghiên cứu về vấn đề làm thế nào phân phối tài nguyên sản phẩm một cách hợp lý nhất, tài nguyên của thế giới đối với dục vọng vô cùng tận của con người là luôn luôn có giới hạn, không thấm vào đâu với nhu cầu ngày một tăng cao của nhân loại, đây chính là 'tính khuyết thiếu' mà trong Kinh tế học đã nói đến. Trên thực tế, Kinh tế học chỉ nghiên cứu được vấn đề trong điều kiện hạn chế nhất, là làm sao tận dụng tối đa Tài Nguyên (Thời gian, Tiền tài, vật chất sản phẩm.v.v.) vào việc phục vụ đời sống của con người, làm cho dục vọng của con người trong xã hội ngày một tăng cao, biến tài nguyên phục vụ cho những nhu cầu của cá nhân, gia đình và xã hội. Đấy là 'Hạnh Phúc lớn nhất' mà kinh tế học đang không ngừng nghiên cứu và phát triển nó.

(2) Phương trình trong Kinh tế học là: Hiệu Quả/ Dục Vọng = Hạnh Phúc

Đối với vấn đề Hạnh Phúc, trong giới Kinh tế học gia cũng có nhiều ý kiến không giống nhau, thậm chí hoàn toàn trái ngược nhau. Nhà Kinh tế học đương đại nổi tiếng người Mỹ Paul Samuelson đã đưa ra một 'Phương trình Hạnh Phúc': Hiệu Quả/Dục Vọng = Hạnh Phúc. Từ công thức này, chúng ta có thể thấy, dưới góc độ Kinh tế học một người muốn đạt được Hạnh Phúc thì nhất quyết không thể không có 2 nhân tố: Hiệu Quả và Dục Vọng; 2 nhân tố này luôn luôn tồn tại đồng lúc với nhau không thể tách rời nhau được, một khi Dục Vọng (là Nhân) khởi lên một mức độ nhất định, Hiệu Quả (là Quả 1) càng được tăng lớn mạnh thêm, thì Hạnh Phúc (là Quả 2) càng lớn; và ngược lại Hiệu Quả (là Nhân) đến một mức độ nhất định, Dục Vọng (là Quả 1) càng nhỏ thì càng đạt được Hạnh Phúc (là Quả 2).

Nhưng một khi Dục Vọng của 1 con người là vô giới hạn (Dục Vọng nối tiếp Dục Vọng, không ngừng phát triển), như tục ngữ có câu 'lòng tham vô đáy', thì từ công thức trên chúng ta thấy Hạnh Phúc lúc ấy đối với người ấy sẽ vô cùng nhỏ bé, đôi khi là không còn giá trị nào hết; Vì cho dù Hiệu Quả có lớn bao nhiêu đi nữa, chỉ cần nó là một số lượng có hạn so với sự vô hạn của Dục Vọng thì lúc ấy Hạnh Phúc đạt được chỉ giống như hạt cát trong sa mạc, không thoả mãn nhu cầu Hạnh Phúc mà người đó mong muốn, thế là không ngừng phấn đấu, không ngừng tìm Hiệu Quả, để rồi mãi mãi khổ đau, luôn sống trong tâm trạng không hài lòng với thực tại, từ đó mà cứ loanh quanh mãi trong vòng phiền não.

  (3) Từ góc độ Kinh tế học mà suy luận, khi chúng ta giả định Dục Vọng đến một mức độ ổn định nào đó, thì đi tìm Hạnh Phúc thông thường chính là đuổi tìm sự tối đa của Hiệu Quả, đây cũng chính là lối suy nghĩ bình thường của con người trong xã hội khi họ muốn tìm cho mình một Hạnh Phúc nào đó.

Vì cho dù chúng ta đứng trên góc độ Phát triển để mà nhìn nhận vấn đề này, thì Dục Vọng là luôn luôn vô cùng tận, nhưng trong một giai đoạn nào đó, trước khi Dục Vọng không hài lòng với hiện tại, chúng ta có thể đặt Dục Vọng trong một mức độ cố định nào đó, thì Hạnh Phúc của con người lại chính là bằng mọi giá phải đạt được một Hiệu Quả nào đó.

Chúng ta thử lấy một ví dụ thực tế xảy ra trong đời sống thường ngày để làm sáng tỏ vấn đề này: Một người có 100 ngàn đồng đi mua gạo, một tiệm gạo gần đó có giá là 2000 đồng một cân, nhưng anh ta sau khi lướt qua các tiệm gạo khác tham khảo xong giá cá thì cảm thấy cùng một chất lượng gạo, nhưng tiệm gạo ở xa chỉ bán với giá 1800 đồng một cân, sau khi tính toán anh ta quyết định mua tiệm gạo ở xa với giá 90 ngàn đồng 50 cân, anh ta tiét kiệm được 10 ngàn đồng, Hiệu Quả đã rõ ràng, và cảm thấy vui khi tính toán có lợi cho bản thân mình. Như vậy, đây chính là sự sản sinh Hạnh Phúc trong một mô hình nhỏ và đơn giản.

Dục Vọng của loài người không chỉ giới hạn như ví dụ vừa nêu, mà họ ráo riết bằng mọi giá tìm cầu mọi sản phẩm vật chất để thoả mãn Dục Vọng của mình, mà muốn làm ra sản phẩm vật chất thì cần đến mọi Tài Nguyên trong thiên nhiên để sinh sản chế tạo; mà chúng ta cũng biết Tài Nguyên Năng Lượng mà thiên nhiên cung cấp cho con người là có giới hạn, đến một lúc nào đó rồi nó cũng sẽ cạn kiệt. Do đó tính khuyết thiếu sẽ quyết định mỗi hình thái xã hội hay một con người nào đó phải đi đến một sự lựa chọn riêng cho mình, hình thức của Dục Vọng là nhẹ nặng nhanh chậm không đồng nhau, cùng một lượng Tài nguyên năng lượng có thể làm thoả mãn những Dục Vọng không giống nhau, đây cũng chính là nhiệm vụ của Kinh tế học đi nghiên cứu để giải quyết vấn đề phân phối Tài nguyên năng lượng trong xã hội loài người. Cho nên gần đây một số nước Châu Âu và các nước đang phát triển trong đó có Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam.v.v. đang đưa ra một phương hướng phát triển mới dựa trên nền tảng của khoa học, có thể duy trì sự phát triển Kinh tế một cánh nhanh chóng mà không làm tổn hại nhiều đến Tài nguyên môi trường, hạn chế thấp sự phá hoại và lãng phí Tài nguyên thiên nhiên, mục đích là làm cân bằng sinh thái của xã hội.

(4) Từ góc độ Phật Giáo để nhìn nhận vấn đề này, chúng ta thấy rằng Phật Giáo coi trọng sự chuyển biến vận hành của Dục Vọng hơn là sự phát triển của Hiệu Quả.

Phật Giáo vốn là giàu về Tài nguyên năng lượng và phương pháp vận dụng những tài nguyên năng lượng đó (trong bài viết này không đi sâu vào vấn đề này), phật giáo đã tận dụng được vốn Tài nguyên năng lượng một cách có Hiệu Quả nhất, và đồng thời cũng vận dụng nhiều phương pháp tốt nhất để trị liệu cho những con người với nhiều Dục Vọng chất chứa ở trong lòng, làm cho họ được bớt khổ an vui. Thêm nữa, Phật Giáo cũng đã đi sâu vào phân tích một cách chi tiết về hình thành, phát triển và vận hành của Dục Vọng mà loài người đang mắc phải, trong bài viết này, chúng tôi chỉ đi sâu vào 2 góc độ là Phật Giáo nhận thức và đối đãi với Dục Vọng như thế nào?

 = 2 \* ROMAN II- Con đường dẫn đến hạnh phúc trong Phật Giáo là 'Thiểu Dục Tri Túc'

1- Những khái niệm về Dục Vọng trong Phật Giáo

  Phật giáo trình bày rất chi tiết và đầy đủ về Khái niệm Dục vọng, trọng tâm của Dục Vọng là chủ yếu vào 'Dục'. Từ 'Dục' tiếng Phạn là Chanda hay Rajas, còn gọi là Dục Lạc (Kamacchanda), là sự ham muốn tột cùng của chúng sanh thế gian đều do tâm mà phát khởi; trong Duy Thức Học cho rằng tâm sinh khởi đuổi theo đối tượng (trần cảnh) là do Tâm tác ý mà sinh ra, chứ không phải do tác dụng của Dục, cho nên Dục không phải đối tượng trực tiếp của Tâm, mà chỉ là biệt cảnh được sinh khởi khi Tâm tiếp xúc và tác ý với sự mong cầu của đối tượng.

  Trong 'Dục' cũng có 3 loại là Thiện Dục, Ác Dục và Vô Ký Dục; Thiện Dục là những ham muốn có tính cách tích cực hướng thiện, lợi mình lợi người không gây phương hại cho người; Ác Dục là những ham muốn ích kỷ tiêu cực không hướng thiện, chỉ có lợi mình mà hại người, thường gây hại đến bản thân và người khác, làm cho mình và người khác đều thọ khổ đau, còn được gọi là Tham hay Tham Dục, là một trong những căn bản của Phiền Não.

  'Dục' tuỳ theo từng hình thức biến hoá vận hành của nó mà cũng được phân ra nhiều loại như 'Ngũ Dục', 'Lục Dục', 'Tam Dục'.v.v., bài viết này chúng tôi chỉ đi phân tích sơ lược về nội dung của Ngũ Dục.

2- Nội dung của Ngũ Dục

  Thứ nhất, 'Ngũ Dục' trong những bản kinh tiếng Hán còn được gọi là 'Ngũ Diệu Dục', 'Diệu Ngũ Dục' hay 'Ngũ Diệu Sắc', là chỉ về 5 loại ái dục sinh khởi khi Ngũ căn tiếp xúc và tác ý với Ngũ trần:

(1) Sắc Dục: là sự ham muốn của Nhãn căn (mắt) về những hình tướng dung mạo đoan trang của Nam Nữ và vật chất trân bảo của thế gian, những thứ mà khiến chúng sanh chìm đắm mãi trong sự ham muốn, để rồi chuốt lấy phiền não Khổ đau, "Mắt ưa xem huyễn cảnh hằng ngày".

(2) Thanh Dục: là sự ham muốn của của Nhĩ căn (tai) đối với những âm thanh, tiếng hát, giọng nói.v.v., những thứ có âm hưởng du dương khiến chúng sanh say mê chìm đắm vào trong đó để rồi quên mình, thậm chí đánh mất cả bản tâm thanh tịnh của mình, để rồi phải chịu nhiều phiền não, khổ đau, "Tai thích tiếng mật đường dua nịnh".

(3) Hương Dục: là những sự ham muốn của Tỷ căn (mũi) đối với những chất hương hoa, hương thơm của thế gian, trong đó có mùi hương Nam Nữ, mùi hương vật chất, mùi hương của tự nhiên.v.v. những thứ hương hoa khiến chúng sanh chìm đắm trong dục lac, phải chịu nhiều khổ đau mà không thể nào rút chân ra được, ''mũi quen ngửi mùi thơm bất tịnh".

(4) Vị Dục: là những ham muốn của Thiệt căn (lưỡi) khi nếm phải những hương vị của những món ăn vật lạ của thế gian, nó làm cho chúng sanh ngày càng chìm đắm vào những cảm giác của hương vị đó mà tự mình nhận lấy những đau khổ trói buột thân tâm, "lưỡi dệt thêu lắm chuyện gay go".

(5) Xúc Dục: là những sự ham muốn của Thân căn (thân thể) khi tiếp xúc va chạm vào các vật chất có tính chất mềm mại, trơn ướt, lúc nóng cảm giác máct mẻ, khi lạnh cảm giác ấm áp.v.v. những thứ vật chất cụ thể hoặc trừu tượng làm cho chúng sanh khi tiếp xúc va chạm vào phát sinh lòng ham muốn, để rồi từ lòng ham muốn đó mà dẫn đến những tạo tác bất thiện gây ra phiền não khổ đau cho mình và cho người, "thân ham dùng gấm vóc sa sô".

  Đây được gọi là Ngũ Dục của cõi Dục Giới, còn đối với cõi Sắc Giới và Vô Sắc Giới mà nói thì chúng gọi là 'Thanh tịnh Ngũ Dục', cái Dục này so với cái Dục của thế gian nhiều phần được thanh tịnh và mức độ tác ý của tâm cũng có phần nhẹ hơn.

  Thứ hai, 'Ngũ Dục' còn chỉ cho 'Tài Dục', 'Sắc Dục', 'Ẩm thực Dục', 'Danh Dục' và Thuỳ miên Dục thường thấy của chúng sanh trong thế gian:

(1) Tài Dục, là chỉ cho tất cả những vật chất quý báu của thế gian cung cấp trang điểm, nuôi dưỡng lòng ham muốn ngày càng trầm trọng hơn, không muốn rời xa những vật chất phù du đó.

(2) Sắc Dục, là lòng ham muốn với những màu sắc của thế gian hoặc lòng ham thích hình tướng Nam Nữ .v.v., những thứ đam mê làm cho chúng sanh ngày càng tham đắm vào nó, do đó mà luân hồi mãi trong tam giới không biết lúc nào mới ra khỏi được.

(3) Ẩm thực Dục, là sự ham muốn vào thức ăn mỹ vị của thế gian, vì muốn tìm cầu ăn sung mặc sướng mà chúng sanh cứ luân phiên tạo ác nghiệp để rồi mãi luân hồi sanh tử không lúc nào ngừng nghỉ.

(4) Danh Dục, tức là sự ham muốn vào những hư danh quyền chức của thế gian, vì những hư danh đó mà con người không lúc nào ngừng nghỉ tạo tác để đem nó về cho mình, càng tạo tác thì càng thọ nghiệp, mà càng thọ nghiệp thì không thoát được luân hồi sanh tử.

(5) Thuỳ miên Dục, tức là lòng ham muốn ngủ nghỉ quá độ, sinh ra giải đãi biến nhác, phóng túng thân tâm chỉ ham vui thú chuyện ngủ nghỉ mà quên đi tinh tấn trau dồi thân tâm, để rồi kiếp kiếp trầm luân trong sanh tử khổ đau.

3- 'Thiểu Dục Tri Túc' của Phật Giáo là phương pháp hạn chế sự phát triển của Dục Vọng và là con đường ngắn nhất để đạt đến Hạnh Phúc đích thực.

'Thiểu Dục Tri Túc' là một phương thức sống mà Đức Phật thường dạy cho chúng đệ tử mình, muốn đạt đến Hạnh Phúc đích thật không nào khác hơn là phải sống một đời sống biết đủ, không tham cầu vào vật chất ngoài thân và biết cách hạn chế mọi dục vọng của mình, làm cho nó không thể phát triển thêm. Sống thật với hiện tại và biết thoả mãn với những gì mình đang có 'Hiện Pháp Lạc Trú', có như thế mới đạt được Hạnh Phúc chân thật của cuộc sống.

  Trong <<KinhTự Hoan Hỷ của Trường A Hàm quyển 20 (Đại Chánh Tạng 1-79a)>> Đức Phật có dạy: "郁陀夷,汝当观世尊少欲知足。今我有大神力。有大威德。而少欲知足。不乐在欲。", dịch âm (Uất Đà Di, Nhữ đương quán Thế Tôn thiểu dục tri túc. Kim Ngã hữu đại thần lực đại uy đức, nhi thiểu dục tri túc bất lạc tại dục.), tạm dịch (này ông Uất Đà Di, nhìn thấy Thế Tôn sống đời sống thiểu dục tri túc, nay ta có đại thần lực, đại uy đức, mà khi biết vừa đủ ít ham muốn thì sẽ không bị đắm chìm vào cái ham muốn đó)

  Trong <<Kinh Di Giáo của Đại Chánh Tạng 12-1111b>> Đức Phật cũng có dạy: "汝等比丘。当知多欲之人。多求利故苦恼亦多。少欲之人无求无欲则无此患。 ... 汝等比丘。若欲脱诸苦恼。当观知足。知足之法即是富乐安隐之处。知足之人虽卧地上犹为安乐。不知足者虽处天堂亦不称意。", dịch âm ( Nhữ đẵng tỷ khưu, đương tri đa dục chi nhân, đa cầu lợi cố, khổ não diệc đa. Thiểu dục chi nhân vô cầu vô dục tắc vô thử hoạn. ... Nhữ đẵng tỷ khưu, nhược dục thoát chư khổ não, đương quán tri túc, tri túc chi pháp tức thị phú lạc an ổn chi xứ, tri túc chi nhân tuy ngoạ địa thượng do vi an lạc, bất tri túc giả tuy xứ thiên đường diệc bất xứng ý.), tạm dịch (Này các tỷ kheo, khi người có nhiều ham muốn, càng cầu được nhiều lợi dưỡng thì khổ não càng nhiều. Người ít ham muốn, không cầu nhiều lợi dưỡng thì sẽ không còn khổ não. ... Này các tỷ kheo, nếu muốn thoát khỏi các khổ não, thì nên sống đời sống tri túc, thực hành pháp tri túc tức là được sống trong chốn an ổn đầy đủ. Người biết đủ tuy nằm ở trên đất mà vẫn thấy an vui, người không biết đủ tuy ở chốn Thiên Đàng cũng không được thoả mãn.)

 = 3 \* ROMAN III- Nếu kết hợp 2 con đường lại với nhau, thì sẽ đạt được Hạnh phúc càng lớn

  Hiện tại, Chúng ta đang sống trong một xã hội Kinh tế thị trường, một xã hội vật chất với khoa học kỹ thuật phát triển và hiện đại nhất, hầu như mọi con người trong thế gian đều chú trọng dựa vào con đường kinh tế học mà tìm cầu Hạnh Phúc, kết quả rốt cuộc chỉ là một giấc mơ hảo huyền, không lại hoàn không:

"tìm cầu vật chất lâu nay

             giật mình tỉnh mộng chỉ là kiếp không"  (Tín Hoà)

Tiền tài, vật chất, danh vọng lâu nay vẫn là mục đích mà con người từ thế hệ này đến thế hệ khác, thay nhau rượt đuổi theo chúng, như những đứa trẻ thơ rượt đuổi những quả bóng bay đã đứt giây bay lơ lững trên bầu trời vô tận, mà không biết lúc nào mới đuổi bắt được nó. Vì để thoả mãn sự ham muốn tột cùng của mình, mà chúng sanh không từ một thủ đoạn nào để rồi gây hận thù chiến tranh, gieo chết chóc thương đau đến cho muôn loài.

 Dù bất cứ trong lĩnh vực kinh tế chính trị nào, con người cũng chỉ vì đi tìm hoàn hảo trọn vẹn (nhưng không bao giờ đạt được) về 6 trần là Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp để điều động chúng phục vụ cho cảm thọ của 6 căn là Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân và Ý; lại càng đề xướng ra cái giấc mộng hảo huyền một nền phát triển trong tương lai để thoả mãn sự ham muốn trong hiện tại, để rồi không ngừng tìm cầu, không ngừng tạo nghiệp (bất luận Thiện Ác), càng tạo nghiệp thì càng thọ nhận quả báo khổ đau, phiền não và cứ như thế luân hồi sanh tử mãi trong 3 đường 6 nẻo.

  Mọi con người trong thế gian ra sức lựa chọn và tranh dành mọi thứ vật chất, tiền tài danh vọng.v.v. để thoả mãn lòng ham muốn của mình, và cứ ngỡ rằng đó là Hạnh Phúc chân thật, nhưng đâu có biết rằng đấy chỉ là Hạnh Phúc giả tạm ngắn ngủi ngoài thân, không bền vững và lâu dài.

  Cái Hạnh Phúc chân thật ấy chỉ tìm thấy ngay trong những lời dạy của Đức Phật: là sống một đời sống thiểu dục tri túc. Phật dạy: "Chư Pháp đều do duyên sanh, mà cũng do duyên diệt"; vật chất, tiền tài, danh vọng chỉ là do nhân duyên kết hợp mà thành, chỉ đem đến cho con người phương tiện để tồn tại trong thế giới giả hợp này, nếu vì ngu si mà nhận giả làm chân thì chỉ mãi mãi nhận lấy khổ đau mà thôi. Vì thế, chúng ta là người con Phật, hoặc tu theo lời Phật dạy, một mặt phải nhận ra được chân giả của vạn pháp, để rồi quyền xảo vận dụng nó phục vụ cho đời sống của mình và mọi người một cách thích hợp và có lợi nhất 'tự lợi lợi tha'; mặt khác vận dụng những lời Phật dạy vào đời sống hàng ngày của mình, làm cho sự ham muốn (Dục Vọng) ngày càng không lớn mạnh trong tâm thức của mình, đơn giản hoá cuộc sống của bản thân mình để đạt đến 'thiểu dục tri túc'. Vì vậy, nếu chúng ta biết kết hợp một cách hài hoà giữa kinh tế vật chất và chân lý của Đạo Phật thì chắc chắn đời sống trong hiện tại của chúng ta sẽ gặt hái được Hạnh Phúc đích thực như lời Phật đã dạy. Cuối cùng chúng tôi dùng 4 câu thơ để kết thúc bài viết này:

"Giữa đời huyễn mộng bao la

phù du vật chất chỉ là Nhân Duyên

Ai ơi tu học truân chuyên

                Chân như Hạnh Phúc kề liền bên ta"      (Tín Hoà)

 

 = 4 \* ROMAN IV- Sách Tham Khảo

1- <<Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh>>

2- Trần Hội Xướng, <<Cạnh tranh: xã hội-tâm lý-thấu thị>>, Đại Học Sư Phạm Bắc Kinh xuất bản, 4-2000.

3- Phương Lập Thiên, <<Trung Quốc Phật Giáo triết học yếu nghĩa>>, Đại Học Nhân Dân Trung Quốc xuất bản, 12-2002.

4- Hồ Tố Thanh, <<Phật Giáo Vật Chất Văn Hoá: Tự Viện Tài Phú và Thế Tục Cúng Dường>>, nhà Xuất Bản Thư Hoạ Thượng Hải Trung Quốc, 12-2003.

5- Hoàng Tề, <<Giáo Dục Triết Học Thông Luận>>, Nhà xuất bản Giáo Dục Sơn Tây Trung Quốc xuất bản, 4-2000.

6- Michael E.Porter (Mỹ), <<Cạnh Tranh và chiến lược>>, <<Cạnh tranh và ưu thế>>, nhà xuất bản Hoa Hạ Trung Quốc xuất bản, 1-2004.

7- Ngưu Thực Vi, <<Vấn Đề Tự Tánh của Nhân Loại>>, nhà xuất bản Hoà Bình Trung Quốc xuất bản, 4-1997.

8- Hoà Thượng Tịnh Không, <<Phật Pháp và cuộc đời>>, nhà xuất bản Chu Hải Trung Quốc xuất bản, 1-2003.

9- Erik Jan Z rcher (Hà Lan), <<Phật Giáo chinh phục Trung Quốc>> do Lý Tứ Long dịch, nhà xuất bản Nhân Dân Giang Tô xuất bản, 8-2003.

10- Obara Kuniyoshi (Nhật Bản), <<Giáo Dục Luận Tập>>, nhà xuất bản Giáo Dục Nhân Dân Bắc Kinh Trung Quốc, 10-1993.

 

http://www.buddhismtoday.com/viet/cuocsong/hanhphuc_Phatgiao&kinhtehoc.htm

 


Vào mạng: 1-4-2008

Trở về mục "Quà tặng cuộc sống"

Đầu trang