Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
LỜI SÁM HỐI MUỘN MÀNG
   Đệ tử Tỳ Kheo Thích Thiện Hữu

Kính dâng Giác Linh Thầy-Người đã đúc cho con từng giọt sữa chánh pháp!

 

Ngày ấy, cách đây 18 năm, khi từ trường Phật học Vĩnh Nghiêm trở về, tôi được hun tin từ quý Thầy, sư cô Diệu Phước và Phật tử Diệu Phú, Diệu Hoa chùa Giác Ngộ cho hay, ông cụ Kim Huê đã thâu thần viên tịch.

Đầu óc bần thần, cảm giác nóng rần từ con tim bắt đầu chạy toàn thân thể, tôi ngồi bất động trong phòng phát hành một hồi lâu mới hoàn hồn tỉnh trí. Mặc dù giây phút này tôi đã chuẩn bị từ lâu, nhưng không biết sao, trong tôi vẫn còn mềm lòng, đau khổ trước sự ra đi của Hoà Thượng.

 

Kính bạch thầy, từ đó đến nay đã vỏn vẹn 18 năm trời, mỗi lần muốn tập trung để suy nghĩ, ôn lại một vài kỷ niệm của Thầy đã trọn dành cho con, nhưng không làm sao viết được. Thậm chí những tháng ngày Vu Lan Báo Hiếu, con cũng lơ là xao lãng ân tình của Thầy- Người mà cả cuộc đời lúc nào con cũng ngưỡng vọng tôn thờ.

 

Kính bạch Thầy, ngày Thầy viên tịch, con có diễm phúc là được sự tín nhiệm của quý sư huynh, chấp thuận giao phó cho con viết phần tiểu sử của Thầy để sử dụng trong những ngày Tang lễ đau buồn.

Con thành tâm cúi xin Thầy cho con sám hối! Vì đáng lý ra, cả cuộc đời hơn 70 năm hành hoá, công hạnh tuyệt vời hơn núi cao, tâm lực chất ngất ngàn trùng, mà con chỉ thức có một đêm để viết, thì quả là điều bất cẩn thiếu xót vô cùng. Lúc đó, tâm hồn con còn quá non trẻ, cộng với sự tu hành chưa thâm mật sâu xa, con đã bị tình cảm thế tục chi phối trước sự ra đi vĩnh viễn của Thầy. Đầu óc cạn cợt, suy nghĩ mông lung, tầm nhìn đơn giản nhất thời, cứ nghĩ viết phần tiểu sử của Thầy, là đã đóng góp công sức của mình dâng lên cúng dường giác linh và cũng là đáp đền công ơn giáo dưỡng của Thầy.

Cứ vậy, sau những ngày Tang lễ đau buồn, thâm tâm con nghĩ vậy là đủ rồi, không cần viết nữa. Bởi vì, cuộc đời tu hành giải thoát của Thầy, đâu cần những thứ thế tục nhỏ nhoi như vậy. Nay tự vấn lương tâm mới thấy hổ thẹn vô cùng. Con cúi đầu xin Thầy hoan hỷ cho con thành tâm sám hối. Vì cả cuộc đời Thầy đã bảo ban dạy dỗ cho con nên người, cả cuộc đời Thầy đã hy sinh ngược xuôi vất vả vì tương lai của con, mà chỉ chấp bút viết phần tiểu sử, chỉ dành riêng cho Thầy một đêm, thì làm sao đủ, làm sao cân xứng cho vừa?

Trong khi đó, đời Thầy là một bài pháp nhiệm mầu, là pho kinh nghiêm tâm linh để thực tập. Đời Thầy là một pho sách để nghiên tầm, là một cánh rừng thiên hoa để nhìn ngắm, và là một vầng trăng sáng tỏ để biết rõ lối về, mà lại chỉ vỏn vẹn có vài trang viết thì làm sao nói hết được?

 

Cung kính ngưỡng bạch Thầy, con nhớ rất kỹ, ngoài vai trò hướng dẫn tâm linh cho con vui sống trong thế giới nhiệm mầu thánh thiện, Thầy còn đóng vai hiền mẫu chăm sóc từng miếng ăn, lo lắng từng giấc ngủ và chở che từng bước chân con đi trong cuộc lữ thăng trầm.

Sau năm 1975, quý Thầy và quý sư huynh hoàn tục rất nhiều, chùa phải trực tiếp đi làm ruộng, canh tác ở nơi xa. Vì vậy, số ít quý sư huynh lớn, ngoài thời giờ tu học tại bổn tự, nay lại phải gánh vác công việc đồng áng cấy cày, nhổ cỏ cho phân. Có khi từ sáng sớm đến chiều tối mới trở về. Vì thế, phần công phu chiều, lúc này chính Thầy phải đảm nhiệm. Con đã được diễm phúc luôn ngồi sau lưng để hầu quạt Thầy, để nghe Thầy thành tâm dâng lời cầu nguyện khi bóng ngả chiều tà.

Ôi tiếng kinh thanh thoát được Thầy trì tụng, mỗi ngày 6 thời, đặc biệt là những thời kinh giữa đêm, từ 10 giờ đến 12, hay thời công phu riêng biệt của Thầy từ 3 giờ đến 4 giờ sáng. Sau đó, Thầy đi đánh bảng báo thức, rồi đốt nhang cho chúng con chuẩn bị thời công phu khuya 4 giờ. Tất cả những thời kinh Thầy hành trì miên mật, xuất phát từ con tim trinh thành của bậc chân tu khả kính, đã rót vào con tim trong trắng thơ ngây của con. Chính đạo lực tu hành phi thường này như chất keo kết dính cuộc đời con với mái chùa quê rêu phong bên con sông nhỏ uốn quanh thanh bình. Thời gian vào chùa rất ngắn là con đã thuộc hết hai thời công phu, cũng như tất cả nghi thức cúng Ngọ, cúng  Quá đường, nghi thức Tịnh độ và những quyển luật tiểu.  

Rồi chính Thầy đã đóng chiếc ghế cao, bằng gỗ màu xanh để ẩm con đặt gọn gàng trong lòng chiếc ghế. Chính Thầy cầm tay con, dạy con cách thức khai chuông bảng, dạy con từng roi trống tán Án Tác, từng giọng điệu niệm Tứ thánh, Tán Lễ và Tự quy y, cũng như chuông trống Bát Nhã

 

Kính bạch Thầy, suốt cuộc đời Thầy lúc nào cũng hy sinh nâng đở, dắt dẫn đưa con về đỉnh cao của đạo đức làm người, giống như Thầy đã từng ẩm bồng con lên chiếc ghế màu xanh năm nào!

Ngoài ra, Thầy còn là người có tinh thần phóng khoáng, chấp nhận cho con đi học trường đời. Bởi vì con hiểu thâm tâm Thấy muốn con phải trở thành một người am tường tất cả nội điển lẫn ngoại điển, hay ít nhiều cũng phải hiểu biết về thiên văn, dịch học, lẫn y học.

Con còn nhớ, lúc đó kinh tế khó khăn eo hẹp, nhưng Thầy không tiếc bạc tiền dành dụm năm nào, đã mời vị Thầy thuốc Bắc ở tiệm Quảng Thái Hoà về chùa dạy con học thuốc Bắc, học viết chữ nho trên những tấm kiến. Nhưng, vì không phải là người thông minh đỉnh ngộ, cộng với tuổi trẻ ham chơi, con đã lười biếng không chịu thực tập, không chịu cố công dùi mài, và cuối cùng, nhân duyên trở thành thầy thuốc tương lai đến đây chấm dứt, con đã xin Thầy không học môn này.

Ít lâu sau, Thầy bảo con phải theo sư bác Huệ Thông, chùa Phổ Nguyện, sau Đình Thần Tân Quy Tây, Sa-đéc để học chữ nho và kinh luật.

Ôi, thời gian ở với sư bác Huệ Thông chẳng bao lâu, nhưng cũng đủ cho con hiểu được tấm lòng cao quý của Thầy, cũng đủ cho con thấy rõ ước ao của Thầy là muốn con trở thành người hữu dụng sau này trong Phật pháp. Nhưng vì tánh tình sư bác quá khó khăn, cổ hủ, cộng với sự công phu hành trì miên mật của Người, nên cuối cùng, con cũng đã làm Thầy thất vọng khi phải nửa đêm bỏ trốn trở về Kim Huê tiếp tục nương bóng của Thầy. Kỳ này, con nghĩ là sẽ làm cho Thầy nóng giận, ấy thế mà Thầy không tỏ vẻ giận hờn trách móc hay quở phạt con chút nào.

 

Cung kính ngưỡng bạch Thầy, làm sao huynh đệ tụi con quên được, mỗi tối sau thời Tịnh độ hay mỗi sáng, sau thời Công phu khuya, chính tay Thầy đã nấu những món ăn miệt vườn nhà chùa nóng hổi, nào cháo nêm, nào các loại chè, nào khoai lan, khoai mì, khoai môn, bánh tráng nướng. Chính Thầy đã thường xuyên sai Thiện Ý hay huynh Thiện Lâm đi mua Cà phê ngoài chợ về để pha những ly cà phê đen, cà phê sữa, hay những ly sữa đậu xanh, đậu nành ngọt ngào cho các con lót lòng. Hay những khi Tết đến xuân về, Thầy đã đích thân trải chiếu xung quanh những ngôi tháp cổ sau Chùa, rồi chuẩn bị những món bánh tráng rất đặc sắc, ăn với chao chùa, cải xà lách Thầy tri sự trồng phía sau để cho chúng con thưởng thức. Ôi Thầy bình dân và thương các đệ tử quá!

Nhớ lại những tháng ngày ấm êm, yên ả hạnh phúc như vậy mà con không biết trân quý giữ gìn. Đến bây giờ, thèm ăn những món do chính tay Thầy nấu nào có được đâu, mặc dầu, trong cuộc du phương đây đó, có nhiều người nhiệt thành tín tâm, đã thiết đãi những bữa cơm thịnh soạn.  

 

Rồi dòng thời gian vô thường nghiệt ngã nhiệm mầu lại đến, khi đủ đầy nhân duyên, Thầy đã gởi con lên ở hẳn trên Sài gòn, giao đứt cho sư bác Huệ Hưng. Từ đó, con không còn cơ hội thường xuyên trở về, không còn dám lơ đãng việc học tu nữa. Đời con đã bắt đầu một hướng mới, một tương lai mới nơi đây.


Thầy ơi, con nhớ rất rõ, giờ phút thiêng liêng tại nhà tổ Tu Viện Huệ Quang. Thầy đã đắp y trang nghiêm, cung thỉnh sư bác Huệ Hưng ngồi chính giữa, Thầy Minh Cảnh ngồi một bên. Thầy đã tác bạch, nói hết nỗi lòng và ước nguyện của mình, đau lòng giao đứt con cho sư bác Huệ Hưng để hướng dẫn dạy dỗ. Ánh mắt Thầy đỏ lên, rồi bắt đầu rưng rưng từng giọt lệ. Đó là lần đầu tiên trong đời con nhìn thấy Thầy khóc. Cho tới bây giờ, con cũng không hiểu tại sao Thầy khóc. Nhưng con tin chắc có lẽ do vì Thầy nghĩ sẽ không có dịp nhiều để chiều chiều nghe tiếng con công phu, hay sẽ không có dịp để ngắm nhìn con mỗi tối khi con ngủ bên cạnh Thầy?

 

Dòng đời mới đây đã 18 năm, 18 năm của một đệ tử không còn hình bóng tôn sư để tôn thờ. 18 năm không còn được vòng tay từ ái chở che của Thầy. Nhưng, con tin chắc một điều, là lúc nào Thầy cũng ở bên con, Thầy vẫn hiện hữu, vẫn vĩnh cửu, vẫn nhiệm mầu thiên thu!

 

Kính bạch Thầy, con thành tâm cảm niệm tất cả những gì Thầy đã ban bố hy sinh cho con. Tất cả những kỷ niệm tuyệt vời đó sẽ hiện hữu mãi trong tâm thức cho đến ngày công viên quả mãn.

 

Ôi, những lần tưởng như ngả gục trước sóng gió cuộc đời, thì hình ảnh thiêng liêng của Thầy xuất hiện, luôn khuyên nhắc con hãy mạnh dạng dấn thân, luôn nâng đỡ từng bước chân yếu mền để con tiếp tục bước tới, luôn động viên con hãy vui vẻ chấp nhận mọi thử thách chông gai đến với mình, rồi biến tất cả trở thành niềm tin thánh thiện.

Chính những lúc đó, bàn tay từ ái của Thầy đã nâng niu cho con thoát khỏi trầm luân khổ luỵ. Chính cuộc đời bình dị đơn giản của Thầy đã cho con thấy rõ được cái uy dũng của kẻ xuất trần, cái hiên ngang của đấng nam nhi và sự thong dong của hành giả siêu thoát mọi buộc ràng của kiến chấp thường tình.

 

Cung kính ngưỡng bạch Thầy, nhân Mùa Vu Lan Báo Hiếu năm nay, con mạo muội viết lên đôi dòng kỷ niệm thô thiển này để phần nào nhớ lại ân đức cao vời của Thầy. Trước là tự quán lòng mình xem có xứng đáng là đệ tử mến yêu của Thầy không. Sau đó, luôn tự nhắc nhở chính mình sống sao cho tương hợp với những ước vọng của Thầy những lúc sinh tiền.

Rồi đây, trên vạn nẻo đường trần vui khổ, con sẽ tiếp tục ngao du với ngàn mây nội cỏ, con sẽ bắt chước theo gương hạnh của Thầy, khước từ những cặn bã đua tranh, những thị phị nhân ngã, để xứng đáng với lòng tin yêu của Thầy, để xứng đáng là môn hạ của Tổ đình Kim Huê năm nào!

Con sẽ cố gắng tiếp tục là người biết sống trong tỉnh giác, biết ứng dụng mọi phương tiện để tiến tu giải thoát hầu đền trả phần nào công ơn giáo dưỡng của Tam bảo từ tôn, của Đàn na thí chủ xa gần!

Tùy duyên hành xử, mang hạnh phúc an lạc đến cho cộng đồng và tha nhân là hạnh nguyện của Thầy con sẽ tiếp tục vác lên vai rồi bước tới, bước tới, bước tới!!

Chùa Phật Đà, Úc Châu; Tháng 08 năm 2008-Phật lịch 2552

Mùa Vu Lan Báo Hiếu

 

http://www.buddhismtoday.com/viet/vulan/loisamhoi.htm

 


Vào mạng: 18-8-2008

Trở về mục "Vu-lan-bồn"

Đầu trang