Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
VỀ QUÊ

 

Chuyến xe sớm từ từ rời bến. Không khí ở bến xe mấy ngày giáp tết rộn rã lên mấy lần. Những chuyến hàng tấp nập, những hành lý nặng đầy của những người xa nhà về quê ăn tết đoàn tụ, những gương mặt hớn hở, những vẻ mặt ưu tư,… lần lượt qua mắt Nguyên.

Chiếc xe ra khỏi bến, thoát ra khỏi cảnh náo nhiệt, xô bồ, lao thẳng vào đường quốc lộ, chạy vun vút, bỏ lại sau lưng phố thị không lúc nào yên tĩnh. Gió lùa vào xe, vụt qua tai Nguyên, ù ù…

Trời hãy còn sớm. Nắng mai đã lên cao nhưng chưa đủ để sưởi ấm cái lạnh cuối đông, Nguyên kéo lại cổ áo, thu mình nhỏ lại nhìn mông lung qua cánh cửa kính xe, mọi thứ lướt qua nhanh vụt vùn. Dăm ba câu chuyện vãn của hành khách cũng thưa dần rồi lặng hẳn. Mỗi người mỗi dòng suy nghĩ. Có lẽ, ai cũng đang nhớ đến quê hương, gia đình, và mong xe chạy nhanh hơn để chóng đến. Nguyên hít một hơi thở thật sâu, thoáng chút buồn buồn, nghĩ ngợi bâng quơ…

Dòng thời gian, dòng đời hay dòng biểu hiện của tâm thức? Mọi thứ đều đã trôi qua nhưng dấu tích còn đọng lại trong ‘kho tàng’ giờ chợt bừng lên trên nền tâm thức những bóng hình của thế giới độc ảnh. Hạnh phúc hay khổ đau? Nguyên cũng không biết nữa. Nguyên miên man trong thế giới bóng hình của quá khứ, không cố nhớ, không cố giữ, không nắm bắt, nhưng nó hồn nhiên hiển hiện, gợi một chút ấm áp, một chút cảm xúc, rung động, rất người…

* * *

Hồi đó, khi còn học ở Phật học viện Đại Tòng Lâm, cứ mỗi chiều, Nguyên thả từng bước chân chầm chậm, thong thả thở từng hơi thở, nhẹ nhàng rảo bước trên lối mòn giữa hai hàng tràm đang rì rào chuyện trò với gió, lắng tai nghe tiếng chuông chiều ngân vang từ lầu chuông Thiện Hoà. Còn gì thú vị bằng được ngửi hương thơm của hoa ngàn, cỏ nội, được gió chiều mát rượi vuốt ve làn da, được lắng tai nghe tiếng chuông chiều gọi về tỉnh thức, trong khi những hoa, những bướm, những sợi nắng chiều rớt lại vướng trên vai. Thực tại. Những phút giây tưởng chừng như thoát trần ấy, tâm hồn tựa như cùng với cánh chim, cùng với tiếng gió bay bổng lên không trung để hoà nhập với hồn của vạn vật, Nguyên được thưởng thức cái vui trong sạch nhất và cũng nồng nàn nhất, cái vui trở về nhất thể.

Những tháng ngày ấy đã qua đi.

Đã hơn một năm nay Nguyên không tìm lại được giây phút tĩnh lặng tinh khiết toả ra từ miền tâm thức. Cuộc sống đã ảnh hưởng và làm cho dòng tâm thức chuyển động thêm hỗn độn. Đành rằng cuộc sống cũng chính là biểu hiện của tâm thức. Sài gòn xô bồ, phức tạp quá. Đường phố tấp nập người qua lại, ồn ào. Không khí oi bức và sặc mùi khói xăng. Mỗi lần ra đường Nguyên có cảm giác như bị tra tấn đôi mắt và hai tai vậy. Đó là ấn tượng của ngày mới đậu đại học. Hồi mới lên, Nguyên cứ ngỡ không sống nỗi ở chốn này.

Xã hội một khi đã phát triển đến đỉnh cao nhất của vật chất thì cũng đã đến lúc đạo đức của xã hội xuống dần. Người ta đã tập trung khai thác triệt để lòng tham muốn của con người với mọi hình thức, đánh mạnh vào thị dục, thính dục… Và một khi mà lòng tham muốn, dục vọng bừng khởi thì đạo đức theo đó cũng bị lãng quên. Cuộc sống bị hấp dẫn bởi những thứ giả tạo, hàng dỏm, thuốc dỏm… và đạo đức cũng dỏm nốt. Tầng lớp được xem là đạo đức của xã hội đó là hàng tăng lữ, tu sĩ cũng không thoát khỏi ma lực của vật chất mà đi đến suy đồi, thối nát, bệ rạc. Nguyên không thể không lo sợ cho mình, Nguyên cũng là con người mà.

* * *

Những đêm trăng sáng Nguyên thường lên sân thượng ngắm trăng. Hồi còn ở Tòng Lâm, trăng sáng như thế Nguyên thường ra đài Quan âm ngồi ngắm trăng và làm thơ hoặc tản bộ quanh trường để được tắm gội dưới ánh trăng mà nghe từng hơi thở. Không phải chỉ mình Nguyên, có cả bạn Nguyên nữa. Bây giờ ngắm trăng ở trên sân thượng, trăng không bị che khuất bởi những tàng cây cổ thụ, ánh vàng đổ xuống thành phố, mênh mông. Ở trên cao, không gian mở ra thênh thang và Nguyên như cảm thấy mình nhỏ lại, bé bỏng giữa cuộc đời. Trăng ở Sài gòn hình như buồn tẻ và cô đơn lắm. Không còn ai nhớ đến trăng nữa thì phải. Người ta bận rộn biết bao công việc và không còn thì giờ để nhớ đến trăng. Mỗi khi đêm về, thành phố lại lên đèn rực rỡ. Những nguyệt nga thực sự nõn nà trong vòng tay, âu yếm thì còn ai nhớ nàng trăng nơi xa thẳm. Bỗng dưng Nguyên thấy tội nghiệp cho trăng quá.

* * *

Sáng hôm sau, xe đã về đến quê hương. Kia là đầu đường dẫn về làng. Nguyên xuống xe. Một làn gió từ cánh đồng thổi tạt vào mặt, se lạnh. Trời đầy nắng những vẫn chưa làm không khí ấm lên. Hít một hơi thở thật dài, đảo mắt nhìn khung cảnh thân quen, rồi lấy thêm một hơi thở thật sâu nữa, không khí tràn đầy lồng ngực, Nguyên sảng khoái hẳn lên thưởng thức trọn vẹn cái không khí trong lành của miền quê tinh khiết. Nguyên rảo bước về chùa.

-          Bạch thầy ! Con mới về.

-          Mô Phật ! Con mới về? Rửa mặt rồi nghỉ ngơi cho khoẻ đặng dùng cơm trưa con.

-          Mô Phật.

Nguyên xá thầy rồi lui ra. Thăm hỏi huynh đệ xong, Nguyên về phòng nghỉ ngơi.

Sau buổi cơm chiều, thầy gọi Nguyên lên phòng. Ngồi bên thầy, Nguyên nghe từng lời nói ấm áp, ngọt ngào, ôn tồn hiền hậu. Từng lời nói gọi Nguyên về thuở ban đầu mới xuất gia. Những ngày ấy Nguyên đã từng nghe chất liệu ngọt ngào này tưới tẩm hạt giống tu tập trong Nguyên mồi ngày mỗi lớn mạnh, vững chãi. Rồi thầy cho nguyên vào Tòng Lâm Phật học viện. Từ dạo ấy, cho đến khi Nguyên thi vào đại học, đã 5 năm trôi qua. Bây giờ Nguyên mới ngồi lại bên thầy. Nghe thầy nói, Nguyên thấy lòng mình ấm áp lên. Thầy hỏi việc tu học, nơi ăn chốn ở ra sao, đoạn nói:

- Thầy nghe nói môi trường thành phố rất phức tạp. Cuộc sống ở chốn phồn hoa, vật chất dễ làm lung lạc lòng người. Gần tết rồi mà chưa thấy con về, thầy lo lắm. Thầy tin tưởng con có khả năng tu tập vững chãi, nhưng tâm thức như dòng nước chảy, nhìn bên ngoài hình như không có gì thay đổi, nhưng bên trong nó đang cuồn cuộn đổi thay, khó lường, con phải biết cố gắng giữ mình. Con về, thầy yên tâm rồi. Thôi đi nghỉ sớm, ngày mai còn phụ thầy lo mấy ngày tết…

Nguyên xá thầy rồi lui về phòng. Lời thầy thấm vào tâm thức, Nguyên bùi ngùi cảm động, lời nói nửa như khuyên răn, nửa như tha thiết mong Nguyên đừng quên chí nguyện tu tập, “Sài gòn phồn hoa nhiều cám dỗ, con hãy gắng giữ mình”. Vâng, Nguyên nhủ thầm, con sẽ không phụ lòng thầy mong mỏi, sẽ không có gì lay chuyển được tâm con, con sẽ sống trọn đời thanh khiết.

Ngoài kia màn đêm dày đặc, đen ngòm. Cái gì ở phía trước có phải chăng còn tiềm tàng và bí ẩn như trong màn đêm ấy? Ngày mai, ngày mai làm sao Nguyên biết được chuyện gì sẽ xảy ra cho cuộc đời mình, khi tâm thức vẫn như dòng nước chảy? Hy vọng nó sẽ cuốn trôi đi những gì cáu bẩn, để lại dòng tâm tinh khiết, ngọt ngào, và sẽ trở về quê xưa, nơi cõi giới ngàn đời thanh tịnh. Không phải Nguyên cũng đã về quê rồi đó sao. Dù rằng quê hương là quán trọ, nhưng quán trọ nào lại chẳng phải là quê hương?

http://www.buddhismtoday.com/viet/truyen/veque.htm

 


Vào mạng: 1-3-2002

Trở về mục "Truyện Phật giáo"

Đầu trang