Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
TIỂU LÂM ƠI ĐỪNG KHÓC
Đỗ Thiền Đăng

Về đến chùa, thầy không thấy tiểu Lâm đâu. Cửa chính điện đóng kín mít và lầu chuông vẫn cứ lặng tờ, dầu lúc ấy đã gần chính ngọ rồi. Thầy không có ý đi tìm tiểu Lâm nữa mà lật đật lên khai chuông rồi vội vội vàng vàng xuống bếp nấu cơm cúng Phật. Đã thành lệ, trưa nào cũng đúng 10 giờ 30 là chùa đánh chuông, 11 giờ cúng ngọ. Vừa nhen lửa, thầy vừa băn khoăn không biết tiểu Lâm đi đâu. Không lẽ tiểu Lâm biết rằng hôm nay thầy sẽ về và sẽ quở phạt chú?

Lửa đã bắt đầu bén lên mấy que củi nhỏ, một làn khói mỏng mảnh, cay cay bốc lên. Thầy bỏ bếp lửa lại đó rồi lên chùa tiếp tục đánh chuông. Khi đi ngang qua khoảng sân sau, nhìn ra phía trũng sen, thầy thấy tiểu Lâm đang loay hoay cho chiếc xuồng con tấp vào bờ. Chú nhảy lên mỏm đất, buộc xuồng lại rồi khẽ chào thầy, đầu hơi cúi xuống, đi thẳng về phía gác chuông. Thầy yên lặng nhìn theo, không nói gì, chỉ khẽ bảo: "Thầy đã khai chuông rồi!".

Mấy que củi khô bắt lửa cháy giòn trông thật vui mắt. Lâu rồi thầy mới xuống bếp, tự tay nhen lửa và lắng nghe cảm giác nồng ấm của căn bếp nhỏ. Năm năm trước, khi thầy về đây, ngôi chùa còn hoang lạnh, bếp lửa hầu như chẳng bao giờ bốc khói. Thầy xây lại chính điện, sửa lại căn bếp, phòng Tăng và mấy phòng vệ sinh. Phật tử bắt đầu đến chùa tụng kinh, nghe giảng, làm công quả. Rồi tiểu Lâm xuất hiện - ngay cái chỗ trũng sen ấy. Chú đã nhảy thoắt lên bờ. Mẹ chú quảy nải chuối theo sau. Tiểu Lâm lúc đó mặc một cái áo trắng cũ mèm và cái quần tây vá víu dăm ba chỗ. Nhà chú ở tận làng bên, suốt ngày chú đi hái ngó sen cho mẹ bán, nên việc học hành vì thế cứ dở dở dang dang. Mẹ chú đưa chú vào chùa năn nỉ thầy cho chú xuất gia làm tiểu, tu được tới đâu hay tới đó. Thầy nhận lời. Vậy là tiểu Lâm trở thành "trưởng tử" của thầy.

Cơm đã cạn. Trên kia, tiểu Lâm cũng đọc gần xong bài kệ thỉnh chuông. Thầy xới cơm ra ba cái chén nhỏ, bưng lên chính điện. Đức Phật từ bi đang mỉm miệng cười. Thầy cảm thấy lòng mình lắng lại, bớt giận đi đôi chút. Không biết tiểu Lâm vừa rồi đi đâu? Thầy lại tự hỏi rồi cố xua đi ý nghĩ đó. Để tiểu Lâm cúng ngọ, ăn cơm, đi học về đã. Chuyện đâu còn có đó, hỏi làm gì cho vội. Rồi thầy xuống phòng, soạn tiếp mấy bài giáo lý còn dở dang để dạy cho các em Phật tử.

Từ ngày thầy về đây, gầy dựng không khí sinh hoạt và lễ nghi cho chùa, ngày càng có nhiều Phật tử đến lễ bái và học hỏi giáo lý. Thầy cũng mở ra một lớp giáo lý nho nhỏ để dạy cho các em. Trong số các em Phật tử đến học, thầy thường chú ý đến Ý Nghiêm. Tại em có cái tên khá lạ và cũng tại em chăm học hỏi, lại có phần quyến luyến với thầy. Nghiêm yếu đuối, rụt rè, cặp mắt với đôi mi dài dường như lúc nào cũng nhìn xuống, buồn bã. Tự trong tâm khảm, thầy thấy thương và có chút gì đó quý mến Ý Nghiêm. Người ta sống ở đời, gặp gỡ, chia biệt, thương ghét ắt cũng có cái duyên, cái nợ. Sau này, khi Nghiêm xuất gia làm đệ tử thứ hai của thầy, thầy mới biết ông ngoại Nghiêm chính là một trong những người đầu tiên gánh đất, phát cây xây dựng chùa. Đến đời mẹ Nghiêm, do khổ cực, bà phải đi làm ăn xa, không thường xuyên đến chùa nữa.

Thầy xuống tóc cho Nghiêm, dạy cho Nghiêm học hai thời công phu và bốn quyển luật. Nghiêm học rất nhanh, như thể đã học từ lâu lắm rồi, bây giờ chỉ việc ôn lại là thuộc. Cả Nghiêm và Lâm đều được thầy cho đi học lớp năm trường làng. Hai chú hai tính khác biệt. Lâm nghịch ngợm, phá phách, chọc ghẹo các bạn cùng lớp khiến giáo viên cứ lên chùa mắng vốn với thầy luôn. Còn Nghiêm thì ngược lại, học giỏi, ít nói, kém năng động và hầu như lúc nào cũng cố tình lẩn tránh mọi người. Có lần, mấy đứa con gái trong lớp nghịch ngợm, cá nhau đứa nào dám ôm và thơm lên má chú Nghiêm thì sẽ được ăn một chầu chè. Vậy là một đứa con gái táo tợn chạy đến ôm Nghiêm. Chú ta mắc cỡ, đỏ mặt, khóc òa lên. Chuyện đến tai thầy, thầy cũng chỉ biết lắc đầu, tự nhủ sẽ để tâm theo dõi và giúp đỡ tiểu Nghiêm.

Nhưng thầy bận bịu quá, hết việc của giáo hội lại đến việc đi giảng dạy, đám xá. Ở chùa, tiểu Lâm cứ ăn hiếp tiểu Nghiêm luôn. Có lần, Nghiêm đang ngủ, tiểu Lâm bèn đi bắt kỳ đà bỏ vô ống quần Nghiêm rồi buộc lại. Kỳ đà chạy lung tung từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên mà không tìm thấy lối ra, liền… cắn tiểu Nghiêm một cái. Tiểu Nghiêm nhảy dựng, khóc thét lên. Thầy kêu hai chú lên hỏi, tiểu Nghiêm im lặng không nói, còn tiểu Lâm thì huyên thuyên: "Tụi con bắt chuột. Con chuột to lắm, thầy. Nó định cắn tiểu Nghiêm!". "Nhưng bắt chuột làm gì? Đi tu thì không được sát hại loài vật, nghe chưa!". Thầy cho cả hai xuống quỳ hương, tuyệt nhiên không biết thực sự là Nghiêm bị ăn hiếp, bị răn đe là nếu méc thầy thì sẽ bị… dìm xuống trũng sen sau chùa.

Chiều. Năm giờ rồi mà thầy vẫn chưa thấy tiểu Lâm đâu. Thầy đi xuống phòng chú thì thấy chiếc cặp chú để trên bàn; ngoài trũng sen, chiếc xuồng con cũng biến đi đâu mất. Thầy lại lo lắng, không biết tiểu Lâm đi đâu? Tính ra đã hai hôm rồi tiểu Nghiêm bỏ chùa trở về với mẹ, tiểu Lâm lúc nào cũng bứt rứt, bồn chồn, hối hận. Hôm đó, chú bắt con rắn nước dí vào mặt tiểu Nghiêm. Tiểu Nghiêm sợ hãi, khóc thét lên và ngất đi. Đến khi tỉnh dậy, tiểu Nghiêm khăng khăng đòi về. Ở nhà, mẹ Nghiêm không bao giờ đánh Nghiêm. Mẹ Nghiêm khổ cực nhưng bao giờ cũng thương Nghiêm. Nghiêm không thèm đi tu nữa. Đi tu gì mà ăn hiếp nguời ta hoài. Nghiêm về làm lụng giúp mẹ, không đi học cũng không thèm lên chùa luôn. Nhưng chuyện xảy ra khi thầy đi lên phố. Khi về, ngẫu nhiên thầy gặp mẹ Nghiêm ngoài bến đò, bà kể lại mọi chuyện cho thầy nghe. Lúc đó, thầy giận tiểu Lâm kinh khủng. Nhưng thầy không phải là người nóng nảy, lúc nào cũng làm ầm ầm lên. Thầy muốn để cho tiểu Lâm "tự thú" chứ không gặng hỏi. Vậy mà hồi trưa đến giờ, chưa nghe tiểu Lâm tự thú đã đành, lại còn trốn đi đâu nữa!

Thầy mượn chiếc xuồng của chú Tư chèo ra ngoài cồn. Chắc tiểu Lâm đang ở ngoài đó. Trên cồn có một cái thất nhỏ bằng lá, bên trong tôn trí bức tượng Quán Thế Âm bằng đất nung nho nhỏ. Thỉnh thoảng thầy vẫn ra đó đọc sách, ngồi tĩnh tâm bên pho tượng cũ kỹ nhưng chứng kiến hầu như cả quãng đời tu hành đầy thăng trầm của thầy.

Thầy nhẹ nhàng lên bờ và đi đến chiếc am tranh. Trời đã mờ mờ tối. Trong thứ ánh sáng nhàn nhạt ấy, thầy thấy tiểu Lâm đang quỳ bên tượng Phật, hai tay úp vào mặt, khóc nức nở. Đôi vai gầy gò của chú rung rung. Trên chiếc lư, cây hương dài đã cháy gần hết. Thầy liền đứng lại, không muốn làm kinh động đến bất kỳ ai hết. Có một cái lá rụng xuống vai thầy. Có một con chuồn chuồn đậu lên cành cây trước mặt. Có một con sóc đang chuyền trên cành. Thầy đứng như thế khá lâu, yên lặng nhìn đứa học trò nghịch ngợm của mình khóc. Chưa bao giờ thầy thấy tiểu Lâm tội nghiệp đến thế. Thương quá. Tận đáy lòng thầy bỗng vang lên câu nói: Tiều Lâm ơi, đừng khóc nữa. Ngày mai thầy sẽ đưa con sang nhà tiểu Nghiêm, con nhé. Chỉ cần con hứa với tiểu Nghiêm là từ nay về sau con yêu thương tiểu Nghiêm, không ăn hiếp chú ấy nữa, thì tiểu Nghiêm sẽ lại trở về chùa ngay mà. Phải không nào?       

http://www.buddhismtoday.com/viet/truyen/Tieulam_dungkhoc.htm

 


Vào mạng: 1-4-2006

Trở về mục "Truyện Phật giáo"

Đầu trang