The Jakarta Post, November 07, 2007
Jakarta - Hàng chục người, hầu hết là người gốc Hoa, kẻ
trước người sau tiến về Sông Cisadane vào sáng thứ Bảy. Ba tu
sĩ dẫn đầu đoàn người, theo sau là nhiều người đàn ông xách
những thùng nhựa cỡ trung bình.
Khi họ đến bờ sông, một số người, trong đó có ba vị tu sĩ, bước
xuống những chiếc thuyền, mang theo các thùng nhựa. Thuyền ra
đến giữa dòng, mọi người đổ hết các thùng này xuống sông, người
ta nhìn thấy trong đó có ếch, cá vàng, rùa, sò và lươn.
Trước đó, họ đã thả hàng chục lồng chim sẻ trước sân chùa
Nimmala, hay Boen San Bio, gần đó, trên đường Pasar Baru của khu
phố Tangerang, thuộc ngoại ô Jakarta.
Khóa lễ ngày thứ Bảy là một phần của lễ Kathina, một trong bốn
ngày lễ trọng đại của Phật giáo. Các ngày lễ kia là lễ Waisak (giữa
tháng 5 và tháng 6 hàng năm), lễ Maga Puja (giữa tháng 2 và
tháng 3), và lễ Asalha Puja (vào tháng 7).
Lễ Kathina diễn ra vào cuối thời kỳ Vassa, hay cuối mùa mưa,
khoảng giữa tháng 10 và 11. Theo Phật tử thuộc hệ phái
Theravada (là những người chào mừng lễ hội này), Kathina là
tháng cúng dường phẩm vật.
‘Chúng tôi đã mua những con vật này từ các chợ, nơi mà chúng
đang đối diện với cái chết bởi vì thường khi người ta đến mua
chúng về ăn. Chúng tôi phóng sanh chúng là biểu tượng cho tình
thương yêu của chúng tôi với muôn loài. Chúng tôi tạo cơ hội
cho chúng được kéo dài mạng sống, có nghĩa là đang làm việc phúc
thiện,’ ông Soewartow, một Phật tử của chùa Nimmala phát biểu
như trên sau buổi lễ phóng sanh.
Theo ông, lễ Kathina đầu tiên chỉ dành để tôn vinh Tăng đoàn,
hay cộng đồng tăng sĩ. Trong lễ hội này, Phật tử Theravada hân
hoan cúng dường tăng y cho các vị thầy của họ. Trong khi đó, lễ
phóng sanh bắt nguồn từ truyền thống của người Hoa, nhưng đã
được kết hợp vào lễ tăng y, là vì hầu hết Phật tử tại Nam Dương
đều là người gốc Hoa . Ông Soewartow nói ‘Chúng tôi sáp nhập lễ
phóng sanh vào lễ hội Kathina vì chúng tôi thấy rằng đây là một
thiện pháp.’
Ngoài việc phóng sanh, Phật tử chùa Nimmala trước đó còn phân
phát nhu yếu phẩm cho những kẻ bất hạnh, tổ chức một ngày hiến
máu và lễ Cioko (lễ cúng cô hồn). Sau cùng, các Phật tử dâng
cúng y phục, thực phẩm, thuốc men và tịnh tài cho chư Tăng.
Ông
Soewartow cho tờ báo The Jakarta Post biết rằng Nam Dương chỉ có
52 tu sĩ Theravada, mặc dù nơi đây có hàng ngàn ngôi chùa Phật
giáo và khoảng 2 triệu tín đồ. Tangerang là nơi có nhiều ngôi
chùa và một trong những con số Phật tử lớn nhất tại Nam Dương
http://www.buddhismtoday.com/viet/tintuc/no_1629_MinhChau.htm
|