Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .

DUY LỰC NGỮ LỤC
QUYỂN THƯỢNG (TỪ NĂM 1983 - 1989)
Ban Văn Hóa Thành Hội Phật Giáo TP. Hồ chí Minh Thực Hiện
Nhà Xuất Bản Tôn Giáo Hà Nội P.L.2545 - D.L. 2001


PHẦN 5 (CUỐN 51 - 70)

05-2

Hỏi : Hành giả tham thiền có cần trường chay và cấm dục hẳn không ?

Đáp : Tổ sư Thiền là chánh pháp, không lọt vào tương đối, nói cần và không cần là tương đối, không dính líu đến vấn đề cần hay không cần, công phu của mình đến mức tự đưa đến chỗ đó.

Hỏi : Để hàng phục vọng tâm, có thể dùng câu thoại đầu, câu niệm Phật hoặc câu chú để cho an tâm không ?

Đáp : An cái tâm đó ? Được, nhưng làm như thế cũng như lấy đá đè cỏ, không có triệt để, cỏ không chết được, hễ dời cục đá đi cỏ lại mọc tiếp, hoặc lâu ngày rồi cỏ cũng có thể xuyên qua kẽ đá sinh trưởng tiếp. Còn tham câu thoại đầu ví như nhổ tận gốc, không bao giờ mọc trở lại. Nay sự thật chứng tỏ, nhiều người dùng câu "lục tự Di Đà" để đè nén, nhất là phái khất sĩ sơn lâm, một mình tu trong núi rừng, dùng câu niệm Phật hay trì chú đè nén vọng tưởng, lúc đầu cảm thấy thanh thanh tịnh tịnh, do không phá ngã chấp, tham sân si còn nguyên, đè nén lâu ngày kèm chế không được, sẽ xảy ra ba hiện tượng :

Một là phá giới, hai là ói máu, ba là phát điên. Vì không tu đúng chánh pháp, chỉ lấy bản hiệu Phật pháp, tu theo ngoại đạo, khiến người đời không biết, phỉ báng Phật pháp, tạo tội địa ngục.

Hỏi : Sư phụ nói đa số hành giả tham thiền tu không đúng tông chỉ, vậy tu thế nào mới đúng tông chỉ ?

Đáp : Tổ sư dạy người phải lìa tâm ý thức tham, bây giờ chúng ta còn đang học tham, phải dùng tâm ý thức mới tham được, một ngày kia đến đầu sào trăm thước, tiến lên một bước, lúc đó mới chơn thật lìa tâm ý thức, sát na lìa tâm ý thức đó gọi là kiến tánh.

Nay dùng tâm ý thức tham như thế nào ? Chỉ dùng tâm ý thức đề câu thoại đầu khởi lên nghi tình. Nhiều người nói tham thoại đầu cũng là có năng sở, vì có ta năng tham, và câu thoại là sở tham, ấy là không hiểu nghĩa hai chữ "thoại đầu", cho câu thoại là thoại đầu, ấy là sai. Ngài Hư Vân giải thích :" Khi chưa khởi niệm muốn nói mới là thoại đầu, đã khởi niệm rồi, mặc dù chưa nói ra, đã là thoại vĩ ".

Câu thoại đầu chỉ là tạm mượn để khởi lên nghi tình mà thôi, khi công phu đến thoại đầu thì câu thoại tự mất. Do đó, tham thiền không cho tìm hiểu câu thoại đầu, nếu dùng ý thức tìm hiểu tức có năng sở, là sai tông chỉ, vì chậm trễ một chút đã qua suy nghĩ rồi.

Cho nên, khi đề khởi câu thoại đầu, ở giữa câu hỏi lần thứ nhất và lần thứ nhì không có kẽ hở, liên tục như thế cho đến khi kiến tánh, hễ có kẽ hở là vọng tưởng nổi lên, không kẻ hở thì tham sân si dựa vào đâu mà khởi ? Nên nói không cho nổi ý tìm hiểu bất cứ điều gì.

Do tập khí con người ham tìm hiểu, ra ngoài đường thấy đám đông tụ họp, cũng muốn dừng lại xem là chuyện gì. Các vị tu sĩ học từ sơ đẳng đến Cao đẳng, đều là tìm hiểu bên ngoài, còn Tổ Sư Thiền thì chẳng phải vậy, những gì đã học được, đã biết được, kể cả đã ngộ được, đều phải cạo ra đem quăng xuống biển, luôn cả cái biết quăng đó cũng quăng luôn.

Như ngài Lai Quả nói :" Các ngươi đem những Kinh Pháp Hoa, Kinh Hoa Nghiêm chứa đầy bụng đó, phải cạo sạch hết, luôn cả cái bụng chứa cũng phải quăng luôn, mới được triệt để". Nếu còn cái bụng, dù nay đã cạo sạch, nhưng sau này cũng sẽ chứa đầy trở lại, nên phải quăng bỏ luôn.

Biết và không biết do nơi tâm, bây giờ dùng cái không biết để chấm dứt tất cả tìm hiểu biết, tùy duyên biết, cuối cùng luôn cả cái không biết cũng phải sạch hết, thì làm sao có năng biết sở biết ? Tâm đã quên rồi, biết và không biết dựa vào đâu ? hễ một niệm chẳng sanh thì lấy gì làm năng sở ?

Còn nói về chín chữ "Vô sở đắc, vô sở cầu, vô sở sợ", nếu lòng tin tự tâm đã đầy đủ 100% thì có thể làm được chín chữ này.

Hỏi : Tại sao nổi lên lòng từ bi là vọng ?

Đáp : Đức Phật là có lòng đại từ đại bi, Phật tử người nào cũng muốn noi theo lòng từ bi của Phật. Thế thì tại sao nói "nổi lên lòng từ bi là vọng"? Vì bây giờ chúng ta chuyên chú về tham thoại đầu, muốn giữ nghi tình, nuôi nghi tình cho mạnh để đạt đến ngộ, ngộ tức thành Phật, tham thiền chỉ e mình không ngộ, đừng sợ ngộ rồi không có lòng đại từ đại bi để độ chúng sanh. Nay trong lúc tham, hễ nổi lên một niệm từ bi tức có kẽ hở, có tác ý, có năng sở, chẳng phải vô duyên từ, đồng thể bi, không đối đãi của Phật.

Chư Phật là không có ta làm từ bi, chúng sanh nhận sự từ bi, nên Kinh Kim Cang nói :" Độ hết tất cả chúng sanh mà chẳng có một chúng sanh để độ", tức chẳng có năng độ và sở độ. Chẳng phải là không độ, chỉ là không qua sự tác ý , không có ta năng độ, là chúng sanh tự tánh tự độ, ai ăn nấy no.

Hỏi : Tự tánh vô hình tướng, tại sao nhiều tên gọi ?

Đáp : Đáng lẽ tâm không có tên gọi, vì muốn diễn tả, nên đặt tên là TÂM. Tâm chẳng bản thể hình tướng, nhưng vì sự dụng của tâm vô lượng vô biên, nên tùy dụng lập danh: Vì không có sanh diệt, nên gọi là Niết bàn; vì trí huệ dùng ra không qua tác ý, nên gọi là Bát nhã; vì khắp không gian thời gian, chẳng có khứ lai, nên gọi là Như lai; vì sự thấy nghe trước mắt không đúng với thực tế, còn bản thể của chơn tâm thì luôn chơn thật đúng như thực tế, nên gọi là Chơn như.Nói tóm lại, tất cả tên gọi đều là dụng của tự tánh, tên dù muôn ngàn sai biệt, bản thể vốn chẳng khác.

Hỏi : Thiền thất và Phật thất có khác nhau không ?

Đáp : Hôm nay Thiền thất và Phật thất tổ chức chung, tức người tham thoại đầu cũng tham trong bụng, người niệm Phật cũng niệm trong bụng. Người tham thiền thì lúc ngồi cũng tham , lúc đi cũng tham, người niệm Phật lúc ngồi cũng niệm Phật, lúc đi cũng niệm Phật, chẳng chướng ngại nhau.

Sở dĩ có chướng ngại là do tự tâm khởi chấp, nhất là chấp ngã, mới sanh ra sự so đo chống đối nhau. Tất cả pháp môn đều ở trong Phật pháp, chẳng có hơn kém, chỉ là cảm thấy pháp môn nào thích hợp với mình thì chọn pháp môn đó để tu.

Chữ Tăng nghĩa là hòa hợp chúng, chúng phải hòa hợp mới gọi là Tăng, chẳng những ở chung một chùa phải hòa hợp, cho đến cả thế giới đều phải hòa hợp. Trong Tam bảo, Tăng Bảo quan trọng nhất, nếu không có Tăng Bảo trực tiếp truyền thừa sự giáo hóa thì Tam bảo phải tiêu diệt nơi thế gian, vì không có người thực hành. Cho nên, nếu không hòa hợp thì chẳng thể thành Tăng.

Theo pháp Yết Ma của Phật, bất cứ công việc gì đều phải 100% thông qua Yết ma, hễ trong đó có một người không đồng ý thì sự yết ma đó cũng không thành tựu.

Nhưng từ xưa nay, trong Phật giáo không thực hành pháp Yết Ma của Phật, mà chỉ thực hành phần truyền giới mà thôi. Pháp Yết ma dịch là "tác trì", còn nay chúng ta giữ giới luật gọi là "chỉ trì", tức có làm là phạm.

Phật giáo hiện nay ngày càng suy sụp, là vì không có phá ngã chấp. Đáng lẽ đã phát tâm xuất gia, phải tu theo chánh pháp, phải phá ngã chấp. Tiểu thừa phá được ngã chấp mới chứng quả A La Hán, Đại thừa ngoài ngã chấp ra, phải phá hết pháp chấp. Nay người tự xưng tu pháp Đại thừa, chẳng những không phá ngã chấp, lại tăng trưởng ngã chấp.

* KHAI THỊ NI CHÚNG CHÙA KIỀU ĐÀM

Hỏi : Đối với các học tăng học ni còn nhỏ tuổi, để học biết nhiều rồi mới tham thiền , được không ?

Đáp : Tại sao gọi là Phật pháp ? Tại sao gọi là Phật Giáo ? Trước tiên phải hiểu nghĩa chữ "Phật" là gì : Phật nghĩa là giác ngộ.

Khi xưa, có người hỏi Phật :

- Ngài là ai ?

- Tôi là người giác ngộ.

Từ đó, mọi người đều gọi Phật là Phật Đà, tức người giác ngộ. Giác ngộ đâu phải do học mà được ? Phải tu mới giác ngộ được, mới giải thoát tất cả khổ. Chúng sanh cần sự giác ngộ, và Phật là người dạy cho chúng ta giác ngộ, ấy là nghĩa chữ Phật.

Thế mới biết, muốn giác ngộ cần phải tu, chứ không cần phải học. Thì tại sao hiện nay mọi người cứ chú trọng sự học hơn sự tu ? Chính trong Kinh Lăng Nghiêm, Phật quở A Nan :" Dẫu cho học rộng nghe nhiều, ghi nhớ nhiều kiếp, chẳng bằng một ngày tu đạo". Vậy đã rõ ràng rồi !

Nay người học kinh mà nghịch với kinh, học giáo lý nghịch với giáo lý, chỉ muốn thêm nhiều kiến giải, chẳng biết cái tri kiến đó là nguồn gốc của vô minh. Kiến văn giác tri là bệnh đã thành từ vô thỉ, nay muốn chấm dứt tướng bệnh, hiện ra tướng mạnh, học rộng nghe nhiều là không được.

Do truyền thống sai lầm, các Phật học viện từ Sơ đẳng đến Cao đẳng, dạy người học từng chữ , từng câu, từng cuốn kinh, người học chẳng hiểu được ý Phật trong kinh, chỉ biết học thuộc lòng, có người hỏi trả lời được và dạy lại cho người khác, còn tự mình chẳng biết, đối với sự giải thoát cũng không biết tới, thành ra học kinh nghịch với kinh.

Dẫu cho sự học đúng cũng còn không được, vì đó là bỏ gốc theo ngọn. Cái gốc là cần phải giải thoát, cần phải tu, còn sự học chỉ là để biết về đường lối tu, chứ không phải học thêm kiến giải để chướng ngại sự tu. Nay vì ngã chấp cá nhân, lúc học Sơ đẳng, ngã chấp còn ít, học đến trung đẳng thì ngã chấp to hơn, học hết cao đẳng thì ngã càng to hơn. Ra làm giáo thọ, được mọi người kính trọng, có địa vị cao, khiến càng tăng trưởng ngã chấp, càng trói buộc thêm, đâu thể giải thoát ! Chỉ uổng phí công hạnh bỏ gia đình cha mẹ đi xuất gia, , lại tạo thêm tội địa ngục.

Người tu sĩ ăn, mặc, ở , đều là của Đàn na tín thí, Phật tử cúng dường còn phải cung kính lễ bái, kinh nói :" Hư tiêu tín thí, lạm nhận cung kính", tức không có tư cách thọ nhận sự cung kính, bố thí của thiện tín. Xuất gia mà không có hạnh tu , chỉ ham học rộng nghe nhiều, tăng trưởng ngã chấp, tức giả mạo, là tội địa ngục. Phát tâm xuất gia cầu giải thoát, nay không được giải thoát, oan uổng một đời, lại gây thêm tội địa ngục, có phải đáng thương xót không ?

Tại sao các kinh Đại thừa đều muốn chúng ta chấm dứt sự tìm hiểu ? Vì tìm hiểu phải dùng lục căn, chính Tâm kinh nói :" Vô nhãn nhĩ tỷ thiệt thân ý, vô sắc thanh hương vị súc pháp, vô nhãn thức giới, cho đến vô ý thức giới." chữ VÔ này chẳng phải tuyệt đối không có, là không thật, là tướng bệnh đã thành từ vô thỉ. " Tri giác nãi chúng sanh", chính cái biết đó là chúng sanh.

Vậy là vô tri vô giác như gỗ đá sao ? không phải. Cái tri của bản tánh gọi là vô duyên tri, cũng gọi là chánh biến tri. Sao gọi là bản tri ? Tri tức tự tánh, tự tánh tức tri, là dùng cái tri làm bản thể, như cái đầu của mình, nay muốn tri thêm, ví như trên đầu lại mọc thêm đầu, khiến chướng ngại cái đầu vốn có, nên phải cắt bỏ đầu thứ hai.

Sao gọi Vô duyên tri ? Vì không có đối đãi, chẳng năng tri sở tri. Nếu lấy Phật pháp, Phật học làm sở tri, tức nghịch với bản tri của tự tánh. Muốn giải thoát phải trở về tự tánh, nay lại càng đi xa hơn, làm sao trở về ? làm sao giải thoát ? tướng mạnh làm sao có thể hiện ra ?

Sao gọi Chánh biến tri ? Chánh là đúng với thực tế, vọng tri hiện nay của mình là không đúng thực tế, bất tri cũng vậy, tri và bất tri là đối đãi. Biến là phổ biến, khắp không gian thời gian, khắp không gian thì chẳng thể chỉ ra, khắp thời gian không có gián đoạn, không thiếu xót. Sự học của mình có cái biết có cái không biết, vậy làm sao gọi là khắp ? Lại có gián đoạn tức có sanh diệt, sanh diệt là vọng, tự tánh không sanh diệt, không sanh diệt tức không cần học, vốn đã saün sàng, chỉ cần mình phát hiện.

Nay dẫu cho học từ năm này qua năm kia, kiếp này qua kiếp khác, cũng không thể bằng Phật Thích Ca được. Vả lại, sự học không đúng với thật tế, thật tế là phải tự ngộ. Nếu do học được thì không cần tu, không cần chứng, không cần ngộ, chỉ nhờ Phật nói cho biết là xong! Phật Thích Ca đã nói :" Thuyết pháp 49 năm chưa từng nói một chữ", chính là không nói ra được, chỉ có thể nói ra đường lối để đi đến tự ngộ, chỉ là dùng sự hiểu biết của bản thân, chứng tỏ tất cả sự hiểu biết đều sai lầm mà thôi.

Đức Phật nói :" Phàm là lời nói đều chẳng có nghĩa thật", lời nói đã chẳng nghĩa thật thì học để làm gì ? Cần phải tự ngộ, đem những thời gian hao tổn ấy để tu phải mau giải thoát hơn không ?

Hỏi : Hàng xuất gia nếu không học kinh điển thì lấy gì trả lời câu hỏi của Phật tử ?

Đáp : Theo truyền thống, Giáo môn phần nhiều ham học rộng nghe nhiều, nên A nan bị Phật quở :" Dẫu cho ngươi học rộng nghe nhiều, ghi nhớ nhiều kiếp, chẳng bằng một ngày tu đạo". Nên biết, Phật là muốn chúng ta tu, tu để phát hiện cái vốn saün có của chính mình, chứ không phải muốn chúng ta học rộng nghe nhiều.

Kinh Pháp Hoa thí dụ :" Trong áo mình có hạt châu Như ý mà không biết sử dụng, cứ cho mình là nghèo, đi ăn xin khắp nơi, sau được người trí chỉ ra, mới ngộ mình vốn saün đủ, sao lại phải đi ăn xin ?" Chính mình có diệu dụng bằng như chư Phật mà không biết đem ra xài, cứ cho mình là thiếu thốn, đi học đủ thứ. Lại, học không đúng nghĩa, học kinh nghịch với kinh, học giáo lý nghịch với giáo lý.

Kinh sách như ngón tay chỉ mặt trăng, hễ nhìn theo ngón tay chỉ sẽ thấy mặt trăng, nay người không chịu nhìn về mặt trăng, chỉ nhìn vào ngón tay, phân tích ngón tay, từng chữ, từng câu, đến từng quyển kinh, từ kinh này sang kinh khác, đều là nghiên cứu ngón tay. Aáy là việc sai lầm từ lâu, nên Phật nói là thật đáng thương xót.

Pháp sư giảng kinh nếu chỉ giảng được hai câu phải bị đọa. Có một công án như sau :

Thiền sư Bá Trượng thăng tòa thuyết pháp, dưới tòa có một ông lão, hằng ngày đều đến nghe giảng. Một hôm xuống tòa, mọi người đều ra về, chỉ còn một mình ông lão ở lại.

Sư hỏi : Sao ông không về ?

Đáp : Con không phải là người, là con chồn phía sau núi. Trước thời Phật Ca Diếp, con cũng làm trụ trì ở núi này, có người đến hỏi con "Người đại tu hành còn lọt vào nhân quả không? " Con đáp " Chẳng lọt nhân quả", vì trả lời sai một chữ, đọa làm chồn năm trăm kiếp, nay xin Thiền sư chỉ dạy cho.

Sư nói : nay ông hãy hỏi ta.

Ông lão hỏi :" Người đại tu hành còn lọt vào nhân quả không ?

Sư đáp :" Bất muội nhân quả ".

Ông Lão liền ngộ, thoát thân chồn và xin Ngài đem thân chồn thiêu theo nghi lễ của người xuất gia.

Quý vị thử nghĩ, chỉ nói sai một chữ đã phải đọa làm thân chồn năm trăm kiếp, nay muốn làm thầy để chỉ dạy người, đâu phải dễ dàng ?!

Hỏi : Hành giả tham thiền, nếu có người đến hỏi về pháp tu, phải trả lời ra sao ?

Đáp : Cái nào biết mới trả lời, không biết chớ tự làm tài khôn, trả lời sai là bị đọa. "Cuồng vọng thuyết pháp" là một trong bốn tội địa ngục. Lục tổ nói :" Thuyết pháp chẳng lìa tự tánh", nếu thuyết pháp không lọt vào năng sở, không lọt vào tứ cú là đúng, hễ lọt vào năng sở đối đãi tứ cú là sai. Muốn phân biệt tà chánh, thì chấp thật là tà, phá chấp thật là chánh. Trong Yếu Chỉ Pháp Hoa, tôi cũng có phụ chú về phần làm thế nào đúng với ý Phật.

Hỏi : Cúng cô hồn có phải là của Phật giáo không ?

Đáp : Phật giáo chỉ nói thần thức chứ không nói là linh hồn, cúng cô hồn thuộc ngoại đạo, thần giáo. Cũng như đốt giấy vàng bạc, nhà lầu xe hơi. đâu phải là của Phật giáo, mà hiện nay người đời ngộ nhận cho đó là Phật giáo, kể cả có người tu sĩ cũng dạy người ta làm như thế, các chùa cũng thể hiện rõ sự mê tín đó, khiến người đời cho Phật giáo là đạo mê tín, không còn lời để biện bạch.

Chánh pháp là "chuyển thức thành trí", thức thì hay phân biệt, có năng sở tốt xấu, chuyển thành trí tức không phân biệt, không tốt xấu, diệu dụng vô lượng vô biên.

Hỏi :Trong Triệu Luận về phần "Niết Bàn vô danh", con hiểu được về Hữu dư Niết bàn và vô dư Niết bàn, còn thế nào là Tự tánh Niết bàn và Vô trụ Niết bàn?

Đáp : Ngài Hám Sơn giảng theo Giáo môn, Tự tánh Niết bàn và Vô trụ Niết bàn cũng là biệt danh của tự tánh. Bản thể tự tánh vô hình tướng, chẳng thể dùng lục căn tiếp xúc, chẳng thể dùng suy nghĩ đo lường, nhưng sự dụng thì vô lượng vô biên, nên tùy dụng lập tên. Tự tánh không sanh diệt, nên đặt tên Niết bàn, tức tự tánh Niết bàn. Vì sự dụng của Niết bàn vô lượng vô biên, nên gọi là Vô trụ Niết bàn.

Niết bàn là tiếng Ấn Độ, dịch là viên tịch, Niết bàn không phải là chết, người thời nay gọi sự chết của người tu sĩ là "viên tịch" ấy là sai .

Hỏi : Tại sao Đức Phật nói " Nếu người nữ theo pháp của ta thì chánh pháp mau hoại" ?

Đáp : Giáo môn chia ra ba thời kỳ : Thời Phật Thích Ca là chánh pháp, nói chánh pháp một trăm năm, rồi tượng pháp một ngàn năm, và mạt pháp mười ngàn năm, sau đó Phật pháp của Phật Thích Ca sẽ tiêu diệt nơi thế gian, không còn ai biết Phật pháp, kể cả sáu chữ "Nam Mô A Di Đà Phật".

Giáo môn chấp thật, nên có chánh pháp, tượng pháp, mạt pháp. Lạïi, muốn tu thành Phật, phải trải qua ba đại A Tăng Kỳ Kiếp. Còn Thiền môn là phá chấp thật, ngài Bác Sơn nói :" Mạt pháp chuyển thành chánh pháp, hạ căn chuyển thành thượng căn", thành Phật chỉ trong sát na, không cần trải qua ba đại A Tăng Kỳ Kiếp. Ấy là nói theo bản tâm của tự tánh. Tất cả đều là do người, do tâm người tạo; Kinh Hoa Nghiêm nói " Tất cả do tâm tạo", pháp thế gian, pháp xuất thế gian đều không ở ngoài tâm.

Phật Thích Ca vì muốn độ chúng sanh, nên tùy theo căn cơ thuyết pháp, như ở Kinh Pháp Hoa, nói "người nữ có năm thứ chướng, không được thành Phật"; lại, cũng trong Kinh Pháp Hoa, Long nữ tám tuổi thành Phật, thành Phật trước mắt cho mọi người biết. Do đó chấp thật là không được.

- Ngoài ra, còn một lý do khác mà Đức Phật không cho người nữ xuất gia, là vì tâm sinh lý của người nữ có chướng ngại, nên bắt buộc phải theo pháp Bát Kỉnh, nhưng pháp Bát Kỉnh truyền đến ngày nay, hầu như không có thực hành.

Đức Phật chế ra giới luật, người thường cho đó là trọng nam khinh nữ, vì nam có thể xuất gia bảy lần, nữ chỉ cho một lần; Giới luật Tỳ kheo chỉ có hai trăm năm mươi giới, Tỳ Kheo ni phải ba trăm bốn mươi tám giới!

Sự thật không phải vậy, Phật là dùng tâm bình đẳng chế ra giới luật không bình đẳng. Tại sao ? Vì muốn bù trừ điều khuyết về tâm sinh lý của người nữ để nam nữ được bình đẳng. Nếu không dùng tâm chấp thật thì tất cả đều bất nhị, cũng là vô sanh, cũng là vô trụ, cũng là vô thỉ.

Mặc dù Phật chế ra giới luật như thế, nói người nữ có năm thứ chướng như thế, hễ chấp thì thành chướng, chẳng chấp tức không chướng. Sở dĩ có chướng là do tự tâm chấp thật, nếu không thì chẳng chướng ngại . Ở trong Lịch sử Thiền tông, người nữ kiến tánh rất nhiều, như ở trong cuốn Đường lối thực hành tham Tổ Sư Thiền, tôi dẫn chứng trường hợp ba bé gái được kiến tánh : Long nữ 8 tuổi, một bé gái họ Trịnh 13 tuổi và một bé gái họ Tô 15 tuổi.

Theo pháp Bát Kỉnh, chỉ có Tỳ kheo ni đảnh lễ Tỳ kheo, chứ không bao giờ Tỳ kheo đảnh lễ Tỳ kheo ni, nhưng khi Tỳ kheo ni kiến tánh ra hoằng pháp, Tỳ kheo đến tham học phải đảnh lễ Tỳ kheo ni, vì đã kiến tánh là bằng nhau, không còn tâm chấp.

Hỏi : Trong cuốn Trung Phong Pháp Ngữ có nói đến bốn điều dể vào bốn điều khó là thế nào ?

Đáp : * Bốn điều dễ là :

1/ Tin chính mình là Phật, chẳng cần cầu thầy khác, nếu muốn cúng dường Phật, chỉ cúng dường chính mình, là điều dễ thứ nhất.

2/ Vô vi là Phật, chẳng cần xem kinh, lễ Phật, hành đạo, tọa thiền, đói ăn mệt ngủ, tùy duyên nhậm vận, là điều dễ thứ hai.

3/ Chẳng cần hủy bỏ hình thể , xa lìa quyến thuộc, núi rừng chợ búa, nơi nào cũng tự tại, là điều dễ thứ ba.

4/ Vô cầu là Phật, chẳng cần lập công bồi đức, siêng tu khổ hạnh, hai thứ trang nghiêm phước huệ đều không dính dáng, là điều dễ thứ tư.

* Bốn điều khó là : Tin được là điều khó thứ nhất, niệm được là điều khó thứ hai, ngộ được là điều khó thứ ba, tu được là điều khó thứ tư.

Tự tánh bất nhị, không có dễ hay khó, hễ chấp thật là khó, chẳng chấp thật là dễ, khó dễ là do tâm mình chấp thật hay không. Kỳ thật, bốn điều dễ là để phá chấp của bốn điều khó, và ngược lại, bốn điều khó là để phá chấp thật bốn điều dễ. nếu đối với tất cả đều vô sở trụ, chẳng chấp vào bất cứ chỗ nào, tức tự tánh bất nhị, cũng là vô thỉ vô sanh.

Nhiều người tưởng là chứng ngộ rồi sẽ có cái gì đặc biệt, kỳ thật là saün sàng, trước mắt đều không khác. Ví như người đã chứng ngộ hỏi người mới ngộ đó "ngộ được cái gì?" đáp :" Tóc vẫn đen, răng vẫn trắng", đâu có gì đặc biệt ?

Hỏi : Có phải Đức Phật có hai người con là La Hầu La và Bồ tát Thiện Tinh?

Đáp : Nếu nói theo thực tế là tất cả chúng sanh đều là con của Phật, chứ chẳng phải chỉ có một hay hai người. Lại, tất cả chúng sanh đều thay phiên nhau làm cha mẹ, thay phiên nhau làm con, chư Phật cũng vậy. Từ vô số kiếp trước, Phật Thích Ca cũng từng là con của mình, vì thay phiên nhau tùy nghiệp xoay chuyển.

Ví như có nhiều người hỏi: Theo Kinh Pháp Hoa , Phật thích Ca đã thành Phật từ vô lượng kiếp, còn theo Phật lịch thì Đức Phật mới thành Phật được 2530 năm, vậy cái nào đúng ? Tôi nói :"Cả hai đều không đúng, mà cả hai đều đúng". Lời Phật dạy "tất cả pháp đều vô thỉ", làm sao có trước có sau ?Vô thỉ tức vô sanh, đã vô sanh thì làm gì có vô lượng kiếp trước sanh ra Phật Thích Ca , hoặc sanh từ mấy ngàn năm trước ? Nếu chưa ngộ thì tất cả hiện tượng trước mắt đều mâu thuẫn, vì từ ý thức phân biệt sanh ra là bệnh, là sai.

Vì vậy, về ngày sanh của Phật Thích Ca, trong Kinh Tứ A Hàm nói đến rất nhiều, không có thống nhất. Sở dĩ nói là Phật lịch 2530 năm, là do kỳ họp của Phật giáo Thế giới tại thủ đô của Campuchia, mọi người đi đến thống nhất là ngày sanh của Phật cách đây 2530 năm. Còn nói đến Tam thân Phật tức Pháp thân, hóa thân, báo thân, thì trong lúc Phật Thích Ca thị hiện thành Phật ở Cõi Ta Bà, đồng thời cũng thuyết pháp giáo hóa ở vô số cõi, tức thiên bá ức hóa thân.

Đây là sự dụng của tự tánh vô lượng vô biên, chính ngài Lục Tổ nói trong Kinh Pháp Bảo Đàn :" Mọi chúng sanh đều đầy đủ tam thân Phật". Nay tham thiền là phải tin tự tâm cũng saün đủ tam thân Phật. Cho nên người chứng quả ngộ pháp vô sanh, tất cả pháp đều không có bắt đầu, không có sanh khởi. Kinh Pháp Hoa nói " Thường tự tịch diệt tướng" là vậy. Nếu chưa đi đến, chưa chứng ngộ, cứ ở trong chiêm bao so sánh suy lường đủ thứ, làm sao giải quyết ? Có giải quyết cũng như không, vì là việc không có thật, chỉ uổng công thôi. Nên phải chấm dứt mọi tìm hiểu biết và ghi nhớ biết.

Hỏi : Nhân duyên gì Tổ sư lập ra tam quan ?

Đáp : Vì căn cơ trình độ của người có cao thấp, có người không cần tam quan, hễ ngộ triệt để thấu tam quan, có người thấu một quan rồi thấu luôn hai quan sau., mỗi người mỗi khác, như ngài Lâm Tế là một hơi thấu tam quan, Phật Thích Ca cũng vậy.

Hỏi : Vậy người thấu được một quan hoặc hai quan rồi, còn kẹt nơi sanh tử luân hồi không ?

Đáp : Nếu thấu được sơ quan là ra khỏi phần đoạn sanh tử, nhưng còn biến dịch sanh tử, vì chưa đến cứu cánh, cần phải tiến lên nữa.

Hỏi : Người phá sơ quan rồi còn tạo nghiệp không ?

Đáp : Nghiệp có nghiệp đen và nghiệp trắng. Phá sơ quan là ra khỏi sanh tử luân hồi, không tạo nghiệp đen nữa, chỉ tạo nghiệp trắng, và tiếp tục tiến tu đến kiến tánh thành Phật, khi kiến tánh rồi là nghiệp trắng nghiệp đen đều không .

Hỏi : Chúng sanh tạo nghiệp gì đọa vào Cõi A Tu La ?

Đáp : Hay sân hận, nên phải đọa vào cõi A Tu la. Phước báo A Tu La bằng với Cõi Trời, nhưng do tánh sân hận nên không thể tu giải thoát như người, vì A tu la không tin Phật pháp, lại phỉ báng Phật pháp, nên tạo tội thêm.

Hỏi : Thế nào là vật bất thiên ?

Đáp : Vật bất thiên là nghĩa bất nhị, vô thỉ vô sanh, là biệt danh của tự tánh. Bất thiên nghĩa là không biến đổi, cũng là " các pháp tùng bản lai, thường tự tịch diệt tướng" của Kinh Pháp Hoa.

Hỏi : Tham thiền khởi nghi tình rồi không bao lâu sẽ phát huệ, phải không ?

Đáp : Tôi không nói như vậy, phát huệ là tùy theo người, chẳng phải người nào cũng vậy. Cần sự kiến tánh chứ không cần phát huệ, vì huệ đó là của mình saün đủ, không kém hơn Phật, khỏi cần phát. Theo thực tế là không phát còn tốt hơn, nhiều người chấp vào huệ đó, bị huệ chướng ngại. Người không phát huệ, thẳng đến kiến tánh thì huệ đó dùng ra là Bát nhã, không cần tác ý, sự dụng khắp không gian thời gian, không bị hạn chế.

Hỏi : Người ở phương xa, không có thầy bên cạnh, có thể hành theo pháp Tổ Sư Thiền không ?

Đáp : Lão tham có thể hướng dẫn sơ tham, chứ không nhất định phải có thầy. Nếu không ai hướng dẫn, phải tin tự tâm 100%, tức tin tự mình sẳn đủ diệu dụng thần thông trí huệ bằng Phật, mới có thể hành theo chín chữ " Vô sở đắc, vô sở cầu, vô sở sợ". Hễ thực hành đúng chín chữ trên thì không dễ lọt vào tà ma ngoại đạo, không đi lầm đường.

- Nghi tình là không hiểu không biết, dùng tâm không biết chấm dứt tất cả tìm hiểu biết, ghi nhớ biết, tùy duyên biết, , nên Lai Quả Thiền sư nói :" Lúc nghi tình khởi lên rồi, ngồi không biết mình ngồi, đi không biết mình đi, ngày đêm 24 giờ liên tiếp mãi không gián đoạn, đến khi nghi tình bùng nổ thì tất cả đều biết". Cái biết đó là bản thể của tâm, bản thể của tự tánh, lúc ấy, dụng cũng là nó, thể cũng là nó, dùng tâm năng biết hiện nay chẳng thể biết tới, nên gọi Chánh Biến Tri.

Hỏi : Muốn sám hối tụng kinh để tiêu nghiệp rồi mới tham thiền được không ?

Đáp : Nghiệp là do tâm tạo, tâm đã tạo nhân thì quả sẽ đến, như tạo ác nhân được khổ báo, tạo thiện nhân được phước báo. Nay muốn sám hối phải dùng tâm, bài kệ sám hối rằng :

Tội từ tâm khởi đem tâm sám

Tâm nếu diệt rồi tội cũng tiêu.

Tâm diệt tội tiêu thảy đều không,

Ấy mới gọi là chơn sám hối.

 

Đó cũng là vô tướng sám hối của ngài Lục Tổ. Tham thiền đến cuối cùng quên luôn cả tâm, luôn cả tham thiền còn không biết, làm sao biết đến các khổ ? Hễ tâm diệt tội dựa vào đâu ? Đó mới gọi là chơn sám hối. Còn tụng kinh, sám hối theo tướng chưa phải là chơn sám hối.

Hỏi : Tại sao Kinh Pháp Hoa nói "Phỉ báng Như lai tội còn nhẹ, phỉ báng Kinh Pháp Hoa tội nặng hơn " ?

Đáp : Kinh Pháp Hoa là pháp đưa đến sự giải thoát, đáng lẽ Phật với pháp chẳng phải là hai, vì muốn dùng phương tiện để mọi người kính trọng pháp, nên nói như thế. Dù nói Phật, pháp, tăng là ba, sự thật là bất nhị, tự tánh mình saün có. Nay Phật tử quy y Thường trụ Tam Bảo, nhờ sự giáo hóa của thường trụ Tam Bảo ngộ nhập Tự tánh Tam Bảo, ngộ nhập rồi là bất nhị.

Hỏi : Công phu trong lúc sống thũng thẳng qua, sau khi chết như thế nào?

Đáp : Đức Phật nói:" Bồ tát cách ấm si mê", ấm là ngũ ấm, thân này do nghiệp kiếp trước mà thành, nay không nhờ thân này để tu, sau khi chết lại thọ thân ngũ ấm khác. Bồ tát đã chứng quả phần nào, chết rồi đổi ngũ ấm khác sẽ quên, nhưng không quên hẳn, nhân đã gieo ắt còn, nhưng vì cách ấm rồi như si, đợi khi nhân duyên chín mùi, gặp thiện tri thức nhắc lại liền nhớ, tiếp tục tu đến kiến tánh.

Thân chúng sanh cũng vậy, hễ đủ lòng tin thì trong kiếp này tu đến giải thoát, khỏi cần đợi qua kiếp sau, làm khổ sanh tử kéo dài thêm.

Hỏi : Ngày đưa cô Diệu Thuật đi hỏa táng, Sư phụ có nói bốn câu kệ :

" Diệu Thuật Ưu bà di, tham thiền cần phải nghi, phải nhờ câu thoại đầu, đi đến chánh Biến Tri". Bốn câu kệ này có ngụ ý gì? Xin Sư phụ từ bi giải thuyết.

Đáp : Hôm nay là ngày 49 sau cái chết của Ưu Bà Di Diệu Thuật. Tôi đã thường nói "Tham thiền cần phải nghi", phải chú trọng nghi tình, dùng sự không hiểu không biết chấm dứt tất cả biết. Hễ biết Phật là bị Phật chướng ngại, biết Tổ là bị Tổ chướng ngại, biết Bồ tát bị Bồ tát chướng ngại, cho đến biết từ bi bị từ bi chướng ngại. chẳng phải là không cho làm việc từ bi, nhưng không có biết là mình đang từ bi, chẳng có ta là năng, người thọ nhận là sở. Cho nên, ngài Lâm Tế nói " Gặp Phật giết Phật, gặp Tổ giết Tổ, gặp A La hán giết A La Hán", giết cái gì ? Giết cái biết, cái bệnh của mình.


Mục Lục | Phần 1 | Phần 2 | Phần 3 | Phần 4 | Phần 5 | Phần 6

 


Vào mạng: 1-1-2002

Trở về thư mục "Thiền Phật giáo"

Đầu trang