Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
TIN TỨC VÀ TÀI LIỆU VỀ LỄ TỐT NGHIỆP KHÓA I
HỌC VIỆN PHẬT GIÁO HUẾ (24/7/01)

 

DIỄN TƯ` CỦA HT.  VIỆN TRƯỞNG (Trích)

Trong phần mở đầu, Hoà thượng Thích Thiện Siêu nói: "Hôm nay, ngày 04 tháng 06 năm Tân Tỵ, PL. 2.545 (24/07/2001), Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế long trọng làm lễ Tốt nghiệp và Cấp phát văn bằng Cử nhân Phật học cho Tăng Ni sinh khóa I (1997 – 2001). Đây là một cái mốc đánh dấu thành quả sau những năm tháng chuẩn bị đầy khó khăn thiếu thốn, vừa lo thực hiện kế hoạch xây dựng phát triển cơ sở vật chất, vừa lo điều hành hoạt động của nghành giáo dục Tăng Ni Thừa Thiên – Huế, trong ý hướng xây dựng nền Đại học Phật giáo, đào tạo Tăng Ni có đủ tài đức có thể đáp ứng giai đoạn phát triển mới của đất nước và của Giáo hội. Tôi vô cùng hân hoan và cảm kích trước sự hiện diện quý hóa, chân tình và đầy khích lệ của chư liệt vị và chúng tôi vững tâm tin tưởng rằng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế sẽ còn đạt được những thành tựu khả quan hơn, các Phật sự sắp đến sẽ vẫn luôn được sự ủng hộ thịnh tình của chư liệt vị".

Về khẩu hiệu của Học Viện, Hòa thượng nói rõ như sau: "Khẩu hiệu của học viện tại Huế là "Văn – Tư – Tu", tức là nghe giảng và thu thập kiến thức từ giáo lý của đức Phật qua kinh điển, lời giảng dạy của các thiện tri thức giáo thọ sư; tư duy, suy nghĩ, phân tích những điều đã được nghe, được nhận; tu tập, thực hành và phát huy những gì đã được nghe biết, được tư duy và chấp nhận. Tất cả sẽ đưa đến cái trí tuệ sáng suốt về sự nghe biết, sự tư duy, sự tu tập, Học viện chúng tôi giúp các Tăng Ni sinh phát triển trí tuệ. Trí tuệ là Phật trí, trí tuệ soi sáng con đường giải thoát, trí tuệ vạch ra phương cách hành động, trí tuệ giúp từ bi phát triển. Trí và bi là cốt lõi tạo nên tính cách nhân bản của Phật giáo vậy. Học viện nỗ lực nhằm phát triển Văn tuệ, Tư tuệ và Tu tuệ ở mỗi Tăng Ni sinh. Chúng tôi mong được góp phần cụ thể vào việc tạo điều kiện thuận lợi cho người học trên đường tự giải thoát, giải thoát tha nhân, phục vụ hữu hiệu cho xã hội, đất nước".

Hứơng về các Tăng Ni sinh tốt nghiệp, Hòa thượng nhắn nhủ:

"Các con thân mến !

Thế là các con đã trải qua bốn năm học tập dưới mái trường Học viện này, một cơ sở được thành tựu do bao công sức của bao nhiêu là ân nhân tình nghĩa. Các con đã trải qua một chương trình học được dày công nghiên cứu cho phù hợp với mục tiêu đào tạo Tăng tài của Giáo hội trong giai đoạn phát triển mới giữa xu thế của thời đại.

Văn bằng Cử nhân Phật học mà các con sắp được nhận lãnh sẽ như là một chứng tích của công sức học tập bốn năm của chương trình Phật học cao nhất hiện nay của hệ thống giáo dục Tăng Ni của Giáo hội; đồng thời cũng là một kỷ niệm của nghĩa cả tình thâm dưới mái trường Học viện này.

Văn bằng Cử nhân Phật học mà các con sắp nhận lãnh, được Giáo hội công nhận, là thước đo nhân sự để Giáo hội giao phó các Phật sự, được nhiều trường Đại học ở nhiều nước công nhận, được ban Giáo dục Tăng Ni Trung Ương có căn cứ để chuẩn bị cho các cấp Cao học, Tiến sĩ Phật học trong kế hoạch phát triển giáo dục lâu dài, cũng như phát triển cấp sơ học, trung học Phật giáo.

Văn bằng Cử nhân Phật học mà các con sắp được nhận lãnh, sẽ là một cơ duyên tốt cho các con tiến lên, chứ không phải ngược lại. Phật dạy: "Pháp của Ta đến để mà thấy, không phải đến để nhờ người khác thấy". Cho nên những pháp mà các con đã được nghe rồi phải cố gắng làm sao để thấy nữa. Các con lúc nầy như người đi tìm trâu mà mới tìm thấy dấu chân, còn phải dày công theo dấu chân đi tìm thấy trâu thật rồi, luyện tập trâu cho thuần bạch, thì còn là cả một quá trình đầy khó khăn, nếu không kiên gan bền chí thì không vượt qua được. Vậy thầy khuyên các con hãy cố gắng. Cầu mong Tam bảo hộ trì cho các con".

Cuối cùng, Hòa thượng kêu gọi: "Chúng tôi rất tin tưởng và cầu mong chư tôn Thiền đức, chư vị Phật tử, chư vị hảo tâm trong và ngòai nước đặc biệt lưu tâm và ủng hộ chúng tôi về vật chất và tinh thần để khóa II (2001 – 2005) của Học viện được thành tựu viên mãn".

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

***

 

BÁO CÁO VỀ SINH HOẠT KHÓA I (1997-2001)
CỦA HỌC VIỆN PHẬT GIÁO VIỆT NAM TẠI HUẾ

I. KHÁI QUÁT

Huế là một trong những trung tâm văn hóa và du lịch của cả nước, là một thành phố có nhiều đền đài lăng tẩm, một thành phố có nhiều chùa tháp mà người ta thường gọi là thủ đô của Phật giáo. Huế có nhiều trường Đại học, ngày nay Huế được UNESCO công nhận là một trong những di sản văn hóa của thế giới. Riêng với Phật giáo, Huế là nơi đã mở đầu cho cuộc thống nhất Phật giáo của cả nước từ năm 1951 và là nơi có sớm các Tăng học đường trong việc đào tạo Tăng tài gần đủ các cấp học từ Sơ đến Cao cấp. Gần đây nhất là sự ra đời của Học viện PGVN tại Huế năm 1997.

II. NGÀY THÀNH LẬP - CẤP CHO PHÉP - CẤP TỔ CHỨC

Do nhu cầu thiết thực của Tăng Ni sinh sau khi tốt nghiệp Trung cấp Phật học của các tỉnh miền Trung và đặc biệt tại Cố đô Huế ngày càng tăng, đồng thời thực hiện hoài bão của các bậc Trưởng lão Hòa thượng qua các thời kỳ tiền nhiệm.

Xuất phát từ ý thức đó, HĐTS GHPGVN sau thi tham khảo đề nghị của Giáo hội Phật giáo địa phương, đã đứng ra xin phép mở trường Cao cấp PHVN tại Huế theo Văn thư số 779/GH/VP ngày 18-11-1996.

Ngày 22-4-1997, quyết định số 07/QĐ/TGCP cho phép thành lập Trường Cao cấp PHVN tại Huế và ngày 23-06-1997, chuyển thành Học viện PGVN tại Huế (Quyết định số19/QĐ/TGCP).

Học viện PGVN tại Huế là một trong 3 Học viện PGVN của cả nước do Hội đồng Trị Sự Trung Ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam quản trị và bổ nhiệm Hội đồng Điều hành.

III. MỤC ĐÍCH CỦA HỌC VIỆN PGVN TẠI HUẾ

Căn cứ điều 2, Nội quy Ban Giáo dục Tăng Ni TƯ, "mục đích là đào tạo Tăng, Ni thế hệ trẻ đáp ứng yêu cầu của Giáo hội, có kiến thức về Phật học, về văn hóa, khoa học xã hội… có đức hạnh, có khả năng đảm trách công cuộc truyền bá Phật pháp, phục vụ lợi ích nhân sinh".

Học viện PGVN tại Huế, trong sự nghiệp giáo dục đào tạo cũng không ra ngoài mục đích đó. Điều mà Học viện nhằm đạt đến là tính cách thiết thực, cụ thể; Tăng, Ni phải là những pháp khí tốt đẹp kế thừa và phát huy được sự nghiệp hoằng pháp độ sinh trong hoàn cảnh mới của đất nước và của thế giới.

Xuất phát từ ý thức đó, Học viện PGVN tại Huế mong muốn trong tương lai có sự giao lưu giữa các Học viện Phật giáo, các Trường Đại học trong và ngoài nước, các Giáo hội Phật giáo thuộc mọi quốc gia, nhất là các quốc gia thuộc nền văn hóa Đông phương.

IV. CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA HỌC VIỆN

1. Hội đồng Điều hành:

Do Hội Đồng Trị Sự Trung Ương GHPG Việt Nam cử nhiệm gồm:

  • Viện trưởng : HT. Thích Thiện Siêu.
  • Phó Viện trưởng : HT. Thích Thiện Châu (đã viên tịch).
  • Phó Viện trưởng : TT. Thích Chơn Thiện.
  • Tổng Thư ký : TT. Thích Đức Thanh.
  • Phó Tổng thư ký : TT. Thích Giác Quang.
  • Phó Tổng thư ký : C.Sĩ Trần Tuấn Mẫn.

 

2. Các bộ phận tổ chức trực thuộc: Do Hội đồng Điều hành Học viện mời:

a. Văn phòng :

- Tổng Giám thị : TT. Thích Chơn Hương.

- Chánh văn phòng : C.Sĩ Châu Trọng Ngô.

- Phó văn phòng : C.Sĩ Lê Văn Lợi.

 

b. Tài chánh Bảo trợ :

1- NT. Thích Nữ Diệu Không (đã viên tịch) ; 2 - NT. Thích Nữ Diệu Trí ; 3- NT. Thích Nữ Viên Minh ; 4 - TT. Thích Phước Toàn.

 

c. Thủ quỹ :

- Chánh thủ quỹ : NT. Thích Nữ Cát Tường.

- Phó thủ quỹ : NS. Thích Nữ Như Minh và SC. Thích Nữ Minh Đạt.

 

3. Các Ban, Ngành của Học viện: Do Viện trưởng bổ nhiệm:

a. Ban học vụ :

- Trưởng ban: TT. Thích Chơn Thiện (kiêm).

- Phó ban: TT. Thích Hải Ấn ; TT. Thích Quang Nhuận ; TT. Thích Trung Hậu.

- Các Ủy viên: TT. Thích Giác Quả ; ĐĐ. Thích Kiên Tuệ ; ĐĐ. Thích Pháp Tánh ; C.Sĩ. Đỗ Xuân Lượng.

 

b. Ban giảng huấn :

Từ năm học đầu 1997-1998 đến nay, Học viện đã có một Ban Giảng huấn từ 21 đến 24 vị, có tâm huyết, trình độ, có học vị Thạc sĩ, Tiến sĩ.

Tuy không phải Giáo sư cơ hữu nhưng tại địa phương có 17 vị, còn một số được mời từ Học viện PGVN tại Tp.HCM, từ các trường Đại học ở Huế.

 

c. Ban quản trị Nội xá Tăng sinh viên :

- Trưởng ban : TT. Thích Giác Quả.

- Các ủy viên : TT. Thích Giác Quang; TT. Thích Trí Hải; TT. Thích Chơn Hương ; TT. Thích Quang Nhuận ; TT. Thích Hải Ấn ; TT. Thích Chơn Hiền (đã viên tịch).

 

d. Ban in ấn :

- Trưởng ban : TT. Thích Hải Ấn.

- Các ủy viên: SC. Thích Nữ Thanh Đàm ; SC. Thích Nữ Tuệ Quảng ; ĐĐ. Thích Pháp Quang.

 

e. Ban xây dựng:

- Trưởng ban : TT. Thích Chơn Thiện (kiêm).

- Phó ban : TT. Thích Trí Hải.

- Các Ủy viên : Có 4 vị.

 

f. Ban quản thủ thư viện:

- Trưởng ban: C.Sĩ. Đỗ Xuân Lượng.

- Các ủy viên: C.Sĩ. Trần Duy Khanh ; C.Sĩ. Nguyễn Thị Tuyết.

g. Nhân viên văn phòng :

  • Có 2 vị: Nguyễn Văn Thành và Trần Đức Phương.

 

V. NHỮNG QUY ĐỊNH TRONG VIỆC ĐÀO TẠO - ĐIỀU KIỆN NHẬP HỌC - CHƯƠNG TRÌNH - THI HỌC KỲ -TỐT NGHIỆP - LÀM LUẬN VĂN

1. Điều kiện nhập học:

Tất cả Tăng, Ni sinh trên toàn quốc có tuổi đời từ 18 đến 35, đã thọ giới Sa-di (Tăng), Thức-xoa-ma-na (Ni) trở lên; tốt nghiệp Trung học Phổ thông và Trung cấp Phật học đều được nộp đơn xin vào học Học viện PGVN tại Huế, thông qua một kỳ thi tuyển với một số điều kiện cụ thể do Học viện tổ chức.

 

2. Thời gian đào tạo:

Bốn năm (hệ tập trung). Mỗi năm 9 tháng, mỗi tháng 4 tuần, gồm có phần chính khóa và ngoại khóa. Cụ thể :

( Năm thứ I : 864 giờ/năm. ( Năm thứ II: 1008 giờ/năm.

( Năm thứ III: 864 giờ/năm. ( Năm thứ IV: 508 giờ/năm.

 

3. Chương trình đào tạo: (4 năm)

- Nội điển (Canonical subjects): Kinh (Hán tạng, Pàli tạng); Luật; Luận (các bộ luận chủ yếu).

- Ngoại điển (Non-canonical subjects): Lịch sử, Văn học, Triết học, Tâm lý học, Tôn giáo học, Dân tộc học, Quản trị học; ngoại ngữ Anh văn, Trung văn, Hán văn (cổ ngữ), Pàli, Sanskrit (Phạn ngữ).

 

4. Vấn đề tốt nghiệp:

Thi học kỳ – Lên lớp – Lưu ban – xếp hạng (dựa vào quy chế và tổ chức đào tạo, kiểm tra, thi công nhận Tốt nghiệp cho các hệ đào tạo Đại học và Cao đẳng chính quy của Bộ Giáo dục Đào tạo).

Được công nhận Tốt nghiệp tất cả Tăng, Ni sinh viên hoàn thành đầy đủ hệ học tập trung 4 năm, đủ điểm trung bình 10/20 qua mỗi năm học, đồng thời phải hoàn thành luận văn (5 đơn vị học trình) được thông qua Hội đồng xét duyệt của Học viện.

Trường hợp Tăng, Ni sinh viên không đủ điều kiện Tốt nghiệp sẽ được Học viện cấp giấy Chứng nhận.

 

VI. CƠ SỞ VẬT CHẤT

Bước đầu của Học viện, Văn phòng và Giảng đường đều dựa vào cơ sở của trường Trung cấp Phật học. Tiền thân của trường này là Tăng học đường Báo Quốc. Nơi đây có được ưu điểm là có bề dày lịch sử về sự nghiệp giáo dục đào tạo Tăng tài kể từ thời kỳ chấn hưng Phật giáo đầu thế kỷ XX. Tuy thế, phương tiện thiếu thốn, mãi đến hết năm học thứ I – 1997-1998, qua năm học thứ hai 1998-1999. Học viện mới có được một giảng đường mới 36m x 14m và được đưa vào sử dụng gồm một tầng lầu và một tầng trệt. Từ đây, Học viện mới có được một văn phòng tương đối khang trang, một phòng đọc sách, có thêm tiện nghi cho các giáo sư thỉnh giảng mỗi lần về giảng dạy.

Mùa hè, 1998-1999, Học viện kiến thiết thêm một Tăng xá loại kiên cố dài 32m, rộng 11m (32x11) cho 49 Tăng sinh nội trú, gồm 2 tầng: Tầng trên là phòng hành thiền, tầng dưới là phòng ở được bắt đầu đưa vào sử dụng cho năm học 1999-2000.

Cuối năm 1999, một Trai đường và khách đường cũng được xây dựng 12m x14m, hoàn thành đầu năm 2000.

Mùa xuân 2001, Học viện phát huy kế hoạch đã đưa ra từ năm học thứ 2 là phải có 1 thư viện để tiện bề cho Tăng Ni sinh viên cũng như các giáo sư đến đọc sách và nghiên cứu; cho xây dựng trong khuôn viên Học viện 1 dãy nhà gồm 1 tầng trệt và 1 tầng lầu dài 25m x 11m, theo dự hoạch sẽ bắt đầu đưa vào sử dụng năm học 2000-2001, khóa II.

Số kinh sách Học viện hiện có:

- Đại tạng kinh (Hán tạng, Pàli tạng và Việt Nam tạng).

  • Các bộ kinh và sách thuộc "Thế học" có giá trị khác: Tất cả có khoảng 3.000 cuốn. Thư viện đã hoạt động từ năm học 1998-1999.

 

VII. CÁC SINH HOẠT CỦA HỌC VIỆN

1. Sinh hoạt, giảng dạy và học tập:

Học viện là nơi đào tạo Tăng tài với cấp độ là Đại học, nhưng chắc chắn không phải chỉ học thuần lý mà chính phải phát huy cả 2 mặt: Thực học và thực tu. Đây là những chuẩn mực mà Hội đồng Học viện đã từng trăn trở nhưng điều cơ bản Học viện phải phát huy đúng chức năng và nhiệm vụ của mình trong chức năng "Học viện" hơn là chức năng "Tu viện" dưới một góc độ nào đó trong quá trình giáo dục đào tạo của mình.

Nhiệm vụ trước hết cũng phải đặt nặng việc giảng dạy, nhìn lại chặng đường đã đi, bước đầu khá khó khăn, nhân lực được đào tạo từ nhiều nguồn, Tăng Ni sinh viên từ nhiều tỉnh thành dưới nhiều hình thức được đào tạo, trình độ có chênh lệch khác nhau. Đối với nội điển, ở cấp Trung học tại mỗi tỉnh tuy cùng một chương trình nhưng tiếp thu của Tăng Ni sinh rất cách xa nhau. Về ngoại điển, lại càng khác nữa giữa hai hệ: Bổ túc Trung học và Phổ thông Trung học. Đó là điểm then chốt mà Lãnh đạo Học viện đã phải nỗ lực tìm giải pháp trong việc giảng dạy để có thể cân bằng sức tiếp thu giữa các sinh viên. Ngoài ra để Tăng Ni sinh có cơ hội tiếp cận với những tư tưởng và kiến thức đang phát triển, Học viện cũng đã tùy thuận duyên mời được một số Giáo sư, Bác sĩ, Nhạc sĩ đến giảng một số giờ ngoại khóa trong suốt chương trình của Khóa học, như Giáo sư tiến sĩ Trần Văn Khê, Giáo sư tiến sĩ Cao Huy Thuần, Giáo sư tiến sĩ Thái Kim Lan, Giáo sư tiến sĩ Lê Văn Tâm, Bác sĩ Đoàn Văn Quýnh, nhạc sĩ Lê Cao Phan...

Nhờ nắm vững mức độ tiếp thu của mỗi Tăng Ni sinh viên mà quý Giáo sư đã trao truyền có hiệu quả cao và thiết thực. Tăng Ni sinh đã muốn học và thích học. Nếu lập một biểu đồ thì việc tiếp thu của Tăng Ni sinh có chiều hướng đi lên, cụ thể qua 4 năm học:

 

LOẠI ĐIỂM

NĂM I

NĂM II

NĂM III

NĂM IV

TB < 10

10 < TB < 12

2/153 = 1,3%

3/147 = 2,1%

2/147 = 1,3%

2/147 = 1,3%

12 < TB < 14

53/153 = 34,6%

77/147 = 52,3%

50/147 = 34%

10/147 = 6,9%

14 < TB < 16

94/153 = 61,4%

63/147 = 42,9%

87/147 = 59%

101/147 = 68,7%

TB ³ 16

7/153 = 4,6%

4/147 = 2,7%

8/147 = 5,5%

34/147 = 23,2%

 

Và kết quả mỗi năm học không có loại yếu. Đặc biệt 2 năm học thứ ba và thứ tư tỉ số thi lại các bộ môn ít hơn 2 năm đầu.

Căn cứ biểu đồ chúng ta có thể nhận xét: Nguồn lực đào tạo bước đầu có hạn chế. Thông qua việc giảng dạy 2 năm đầu có nâng lên chậm hơn 2 năm cuối. Hai năm cuối phát huy mạnh và có nhiều nhân tố giỏi.

Kết quả này có được, chính Học viện đã nắm vững quy luật: ngoại lực dù quan trọng đến đâu cũng chỉ là nhân tố hỗ trợ, nội lực mới là nhân tố quyết định, quí vị giáo sư đã tìm mọi cách để cho Tăng Ni sinh viên phát huy năng lực tự học, là chủ thể, là trung tâm tự mình chiếm lĩnh trí thức, tự phát huy Phật tánh, nhận thức vai trò của thầy dạy là tác nhân, là trọng tài khoa học kết luận hiệu quả đạt được cho người học và tìm ra kiến thức. Thầy là ngoại lực. Kết hợp quá trình ngoại lực và nội lực "quá trình đào tạo với quá trình tự học, tự đào tạo là con đường ngắn nhất để phát triển".

 

2. Vấn đề tu học:

Như trước chúng tôi có đặt vấn đề đào tạo của Học viện, vẫn có những điểm khác với các tu viện, nhưng việc hành trì giới luật để sau này trở thành những Pháp khí cao quý truyền thông được Thông điệp của đức Phật chỉ dạy và duy trì ngôi nhà Phật giáo vẫn là thiết thực và cần yếu.

Xuất phát từ tinh thần này, Học viện coi trọng việc học song song với việc tu; lấy việc hành trì giới luật làm thước đo về mặt đạo đức cho Tăng Ni sinh viên, thông qua các kỳ Bố-tát, kiết hạ an cư và tinh thần lục hòa cọng trụ tại Học viện cũng như nơi trú xứ của Tăng Ni sinh viên Thừa Thiên - Huế.

Qua 4 năm, đại bộ phận đều đạt yêu cầu của Học viện đặt ra, có một số vị trổi vượt nhưng cũng có một số vị không theo kịp là trong hai năm đầu và cuối cùng cũng được khắc phục và được nâng lên. Mặc dầu vậy, trong lễ cấp phát văn Cử nhân Phật học này có 3 vị đã không hoàn tất chương trình 4 năm mà Hội đồng Điều hành Học viện đã quy định, nên buộc lòng Hội đồng phải giữ lại, và chỉ được lãnh sau khi hoàn tất đủ chương trình.

3. Vấn đề sinh hoạt tập thể tại Học viện:

Các sinh hoạt tập thể cho Tăng Ni sinh viên được Học viện lưu tâm. Dưới sự chỉ đạo của Hội đồng điều hành Học viện, Ban Đại diện Tăng Ni sinh viên của Viện đã hoạt động hăng say, nhiệt tình và quyết tâm cao. Các tiểu ban gồm Tiểu ban Báo chí, tiểu ban Học tập, tiểu ban Văn – Thể – Mỹ. Trực tiếp hướng dẫn Ban đại diện có vị giáo thọ chủ nhiệm và mỗi Tiểu ban có một vị giáo thọ chỉ đạo.

Qua khóa học, mỗi năm đều được tổ chức sinh hoạt, Ban Báo chí đã thực hiện Nội san HƯƠNG ĐẠO mỗi năm một số có chất lượng tương đối tốt.

Tiểu ban Học tập đã tổ chức các hội thi tìm hiểu "Văn - Tư – Tu", Hội thi Diễn giảng. Trọng tâm của các Hội thi nhằm ôn tập và phát huy các môn đã được học tập.

Tiểu ban Văn – Thể – Mỹ nhằm đưa lại tinh thần nhẹ nhàng, chất sống cho tuổi trẻ của tu sĩ sinh viên. Các hoạt động của tiểu ban được thể hiện trong các buổi sinh hoạt tập thể; các đại lễ Phật Thành đạo, Phật đản, Tất niên…

Đại lễ kỷ niệm Phật đản (PL. 2.544) năm học 1999–2000, Tiểu ban trên của lớp đã đồng diễn cúng dường các hoạt cảnh: Hội nghị Diên Hồng (tinh thần Phật giáo triều Trần) và Thái tử xuất gia của Phật tử Võ Đình Cường,… khán thính giả rất hâm mộ, tạo được tinh thần văn nghệ Thiền cho tuổi trẻ học đường.

 

4. Tham gia các công tác Giáo hội và quần chúng:

Mỗi năm, qua các Đại lễ kỷ niệm: Phật Đản sinh, Thành đạo, Vu lan, Tăng Ni sinh viên của Học viện đã được phân công tham gia hành lễ và diễn giảng tại các Lễ đài ở các huyện thị trong tỉnh, làm thuyền hoa cúng dường; kết xe hoa diễn hành cùng với Ban Trị sự Phật giáo tỉnh; các công tác từ thiện xã hội qua các dịp lễ lớn và trong cảnh thiên tai bão lụt của đồng bào.

Năm 1999, tháng 11, các Tăng Ni sinh viên đã hội nhập với các đoàn cứu trợ qua phương tiện ghe, thuyền đã chia sẻ nỗi đau thương mất mát của đồng bào trong trận đại hồng thủy.

Đại lễ Kỷ niệm Phật đản 2545 vừa qua, Tăng Ni sinh viên của Học viện đã trình bày hoạt cảnh đức Phật tham thiền, loài rắn chúa đan kết lại thành pháp tòa để đức Phật tọa; đồng thời kết thành tàng che mưa nắng. Đồng bào các giới cũng tấm tắc khen ngợi khi xe hoa của Học viện ngang qua với hoạt cảnh hết sức sinh động đó.

Đặc biệt hằng năm, Tăng Ni sinh viên đã phát huy truyền thống "Tôn Sư Trọng Đạo" qua ngày 20-11, ngày Nhà giáo Việt nam và Lễ Vu lan Rằm tháng 7 âm lịch. Nói chung, Tăng Ni sinh viên của Học viện đã tích cực trong nhiều hoạt động hữu ích, ngoài việc học lý thuyết ở Viện. Đây là điều đáng khích lệ.

 

5. Tiếp đón các đoàn đến thăm Học viện:

a. Đầu học kỳ I I năm thứ 1, 1997 - 1998:

- Hòa thượng Tepvon, Vương sãi nước Cambodia đến thăm.

- Thượng tọa Thích Quảng Tâm và Hội Đồng Tu Phật giáo Đài Loan đến thăm và giúp đỡ.

- Đoàn sinh viên Nhật bản đến thăm do Thầy Nguyên Tâm hướng dẫn.

- Đoàn dự Hội nghị Văn hóa phi vật thể đến thăm.

b. Năm thứ 2, 1998 - 1999:

- Đón đoàn Ban Tôn giáo của Chính phủ

- Đoàn ông A-mo báo cáo viên của Liên Hiệp quốc.

- Phái đoàn Hòa thượng Kim Năng thuộc Hội Chí Thiện Xã Hội Phật giáo Đài Loan.

- Đoàn Phật tử Thành phố Hồ Chí Minh thăm và tặng kinh sách cho Tăng Ni sinh viên.

c. Năm thứ 3, 1999 - 2000:

- Đoàn Cứu trợ của Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thủ đô Hà Nội.

- Đoàn Pháp sư Quảng Tâm (Đài Loan).

- Phái đoàn Hiệp Hội Phật giáo Trung Quốc.

Nói chung, các đoàn đến thăm không nhiều nhưng mỗi đoàn đều mang đến một ý nghĩa sâu sắc cao đẹp. Từ đây, tầm vóc hoạt động của Học viện trên phương diện đối ngoại cũng được nâng lên trong một mức độ nào đó. Tiếng nói và con tim của Học viện đã từng bước đi vào lòng người ở trong cũng như ngoài nước.

 

VIII. ĐÁNH GIÁ VÀ DỰ KIẾN MỘT SỐ CÔNG VIỆC TRƯỚC MẮT

1. Đánh giá:

a. Đánh giá chung:

Sự ra đời của Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế đáp ứng đúng thời điểm của lịch sử, của nhu cầu đòi hỏi tất yếu cho sự nghiệp xây dựng của Giáo hội. Hầu hết mọi trái tim còn nghĩ đến tiền đồ của Đạo pháp, của quê hương xứ sở đều không ngớt vui mừng, ngày Khai giảng mở đầu Khóa học đã có hàng chục diễn văn và thư chúc mừng từ khắp mọi vùng đất nước, kể cả những miền trời xa Tổ quốc.

Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế, hơn ai hết, phải thấy rõ điều này. Thấy rõ nhiệm vụ thiêng liêng mà Giáo hội giao phó vì sứ mạng giáo dục đào tạo, của một Học viện cấp Đại học của Phật giáo miền Trung, nơi mà thiên nhiên và lòng yêu đạo đã tạo ra những con người hồn hậu nhưng sâu sắc và mãnh liệt. Nơi đã đem máu đạo để trang trải cho chân lí trước thế lực xâm lược, nơi đã có thiện duyên kế thừa sự nghiệp giáo dục của các thế hệ tiền bối. Gần nhất là thời điểm trong phong trào chấn hưng Phật giáo.

Điểm son này chắc chắn đã là ngọn đuốc soi đường, là gậy tích trượng cắm sâu vào xứ Huế, cố đô của Phật giáo, là nguồn động viên cho Hội đồng Điều hành Học viện đã vượt qua bao chướng duyên trong bước đầu, đã thu hoạch một số hiệu quả tích cực nhất định.

Từ những âu lo về nhân sự, âu lo về cơ sở ; âu lo về đời sống Tăng Ni sinh viên, âu lo về kinh phí đào tạo ; âu lo về việc truyền thọ và hiệu quả đối với sự nghiệp hoằng dương Phật pháp. Đây quả là những vấn đề lớn và nan giải, đòi hỏi bộ máy của Học viện phải kiên trì và nhạy bén.

Nhìn lại chặng đường đã đi đến nay, từng bước khó khăn được tháo gỡ đáng khích lệ: Cơ sở của Học viện, các Ban, Ngành của Viện đã đăt được nền móng. Việc giảng dạy của Học viện đã được đánh giá tích cực, nghiêm túc, có triển vọng cho tương lai của Phật giáo, không những ở miền Trung mà là của cả nước.

 

b. Đánh giá việc học tập, sinh hoạt của Tăng Ni sinh viên:

Trong 4 năm học, khóa I, Tăng Ni sinh viên đã nỗ lực nhiều trong học tập, thông qua kết quả học tập từng năm một, theo biểu đồ mà chúng tôi đã trình bày ở trước là có chiều hướng đi lên rất lạc quan. Rất ít có bộ môn Tăng Ni sinh có nhiều điểm yếu. Điểm nổi bật là ý thức tự giác cao, tinh thần lục hòa cộng trụ thể hiện thường xuyên rõ nét. Qua các hội thi do Ban đại diện Tăng Ni sinh viên tổ chức, qua các đợt sinh hoạt tập thể, tham gia các Phật sự cùng Giáo hội địa phương, các công tác từ thiện xã hội, báo đáp bốn ơn đã trở thành nề nếp có tính truyền thống… chưa có Tăng Ni sinh viên nào sai phạm nghiêm trọng trong nếp sống thiền gia, biết tự đặt mình trong hướng đi chung của Học viện, của Giáo hội.

Xuất phát từ tinh thần này, Tăng Ni sinh viên đã có những nhân tố xuất sắc, giỏi và nhiều điển hình tiên tiến trong sinh hoạt. Kết quả cuối khóa I, hầu hết Tăng Ni sinh viên đều được xét tốt nghiệp chỉ có ba trường hợp mà thôi. Đây là điểm mừng cho vụ thu hoạch đầu mùa của Học viện.

 

2. Dự kiến một số việc trước mắt:

Trước hết, như một nhiệm vụ tất yêu của lịch sử, Học viện PGVN tại Huế là Học viện với cấp Đại học Phật giáo có sứ mệnh thiêng liêng chủ yếu là giáo dục và đào tạo các thế hệ Tăng Ni sinh viên của Phật giáo cả nước và nhất là miền Trung. Do sứ mệnh cao cả này, Học viện cần đầu tư nhiều suy nghĩ về mô hình Đại học của mình, mô hình đó phải đủ năng động, có khả năng thích ứng cao nhất, khế hợp với nội dung và phương pháp đào tạo, thể hiện được trung thực "khai như thị, thị như thị, ngộ như thị, nhập tri kiến Phật như thị".

Theo nhận định của UNESCO: "Hiểu để hành động", "con người đứng ở trung tâm của sự phát triển; con người vừa là mục đích, vừa là tác nhân của sự phát triển". Điều này được xem như một quy luật của thời đại. Phát triển nguồn nhân lực cần được hiểu rõ, quản lí nguồn nhân lực gồm có 3 mặt:

- Phát triển nguồn nhân lực.

- Sử dụng nguồn nhân lực.

- Nuôi dưỡng môi trường cho nguồn nhân lực.

Để có thể phát huy có hiệu quả nguồn nhân lực con người, vấn đề phát triển nguồn nhân lực phải được tiến hành và quản lí trên cả 3 mặt: đào tạo, sử dụng và việc làm.

Căn cứ báo cáo chính của Viện nghiên cứu dự báo - chiến lược khoa học và công nghệ, chặng đường 2001-2010 đưa các ngành công nghệ và dịch vụ đi vào tin học hóa và tin học hóa bộ máy nhà nước toàn bộ các ngành sản xuất và dịch vụ và tin học hóa hầu khắp hệ thống quản lí nhà nước đến cấp phường, xã, họ đã có dự báo: Sẽ có đổi mới căn bản trong nền văn hóa và sự giao tiếp xã hội. Những tiêu chuẩn nhanh, thích nghi sẽ chi phối các hoạt động từ nghiên cứu đến đào tạo… và rồi ra, mỗi người có thể với tới mọi nơi, trao đổi về mọi vấn đề với tốc độ ánh sáng. Điều này chắc chắn không phải ảo tưởng mà trong thực tế đã có và trong các kinh sách đức Phật đã từng dạy.

Từ những nhận định này, Học viện chúng ta phải rà soát lại chương trình và kế hoạch tổ chức. Trước mắt phải đào tạo cho Tăng Ni sinh viên tính năng động, sáng tạo, tinh thần cầu tiến, thấm sâu kinh điển, đi vào mặt mạnh, mặt cơ bản thiết yếu nhất của mình về Giới - Định - Tuệ mới có thể đứng vững làm chủ mình trong lúc học tập cũng như sau khi ra trường trước 8 ngọn gió chướng.

Đối với công tác nghiên cứu, Học viện cần xây dựng:

- Một số đề tài thiết thực cho Học viện.

- Xây dựng các đề tài và dự án lớn để tham gia các chương trình chung cho các Học viện.

- Xúc tiến mạnh hoạt động thông tin khoa học (xuất bản Bản tin Học viện).

Đối với công tác đào tạo, Học viện phải thấy rõ tính đa chức năng đào tạo của Học viện trong ý nghĩa đích thực của nó. Do đó, Học viện không thể bằng lòng với tính chuyên biệt nào. Tính chuyên biệt chỉ là đặc trưng của mỗi Học viện. Học viện cần có dự hoạch những loại hình đào tạo thiết thực, thích hợp, chẳng hạn về Văn, về Triết hoặc Sư phạm Phật giáo. Cụ thể Học viện không dừng lại ở một loại văn bằng đào tạo, mà còn phải phấn đấu mở rộng việc đào tạo thêm ở một vài loại văn bằng phù hợp khác. Thể hiện được vị trí và chức năng của một Học viện cấp Đại học của Phật giáo miền Trung mà thực tế nhu cầu nhân sự điều hành và giảng dạy ở các trường Trung cấp Phật học đang đòi hỏi.

Theo các nhà tương lai học dự báo: "Ở ngưỡng cửa thế kỷ XXI, nhân loại có cơ hội đứng trước một bước nhảy kỳ diệu; tiến vào một nền văn minh mới một xã hội thông tin", chứa đựng những vận hội lớn về chính trị và sự phục hưng lớn về văn hóa. Quá trình đó diễn ra không đồng đều ở các nước, phụ thuộc vào hoàn cảnh lịch sử, năng lực nội sinh và tác động bên ngoài, buộc Học viện cần có kế hoạch đầu tư thích hợp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo của mình.

Con đường của Học viện PGVN tại Huế cũng như các Học viện PGVN đã đi là đúng hướng. Nhưng việc nâng cao tầm vóc và có hiệu quả cao trong sự cọng sinh với xã hội cần có những suy nghĩ lớn.

Để thực hiện được các dự án nói trên, cũng như để có thể có ngân sách cho việc tiếp tục khóa II (2001-2005), điều thiết thực và cơ bản nhất là phải có sự đầu tư giúp đỡ thường xuyên của các Ban Trị sự Phật giáo tỉnh, thành trong cả nước, của Tăng tín đồ Phật giáo, của những nhà hảo tâm ở trong và ngoài nước cũng như của tất cả chúng ta đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo cao cả này.

Có điểm hẹn và điểm khởi đã chuyển động mạnh, đích sẽ không còn xa lắm. Các thiền sư có câu nói khá lý thú và khá đột biến "hồi đầu thị ngạn"; nghĩa là biết nhận diện cũng đã đến bờ.

Xin trân trọng kính biết ơn và kính chào.

Ban Thư ký Học viện

******

CẢM TƯ` CỦA ĐẠI DIỆN TĂNG NI SINH
KHÓA I (1997-2001) HỌC VIỆN PHẬT GIÁO VIỆT NAM TẠI HUẾ
Nhân ngày lễ Tốt nghiệp Cử nhân Phật học 24-07-2001- PL. 2545

 

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

- Ngưỡng bạch Chư tôn Hòa thượng, chư Thượng tọa, Đại đức Tăng, Ni.

- Kính thưa quý vị đại diện chính quyền các cấp.

- Thưa chư vị khách quý, Quý ân nhân Phật tử cùng toàn thể nam nữ Phật tử kính mến.

  • Kính thưa liệt quý vị.

Hôm nay, giữa lòng Cố đô trầm lắng, Lễ Tốt nghiệp và cấp phát văn bằng Cử nhân Phật học Khóa I của Học viện PGVN tại Huế đã được long trọng cử hành. Toàn thể Tăng Ni sinh viên chúng con thật vô cùng sung sướng và bồi hồi xúc động trước khung cảnh trang nghiêm trọng thể này. Chúng con xin được đại diện Tăng Ni sinh kính dâng lên lòng tri ân vô hạn đối với chư Tôn đức, chư vị Giáo sư và tất cả, kể cả không gian lẫn thời gian đã dệt nên hoa gấm cho những lễ phục trên mình chúng con.

Huế được xem là cái nôi của Phật giáo Việt nam, là nơi có truyền thống tốt đẹp trong công tác giáo dục, đã đào tạo nhiều bậc danh Tăng trí đức kiêm toàn. Và đây cũng là nơi đã khởi xướng các phong trào có tính lịch sử trong công cuộc bảo vệ đất nước; trong việc giữ gìn và bảo vệ bản sắc văn hóa của dân tộc.

Thế nhưng đã gần nửa thế kỷ trôi qua, kể từ những tháng ngày huy hoàng ấy, Phật giáo bị ảnh hưởng bối cảnh chung của đất nước, Phật giáo đã phải tốn rất nhiều thời gian và công sức để khôi phục lại nền giáo dục ngày xưa, vốn là một tổ chức hoàn bị, với một đường hướng mang đậm tính dân tộc và nhân bản.

Thành lập Học viện Phật giáo tại Huế là niềm thao thức chung của chư Tôn đức lãnh đạo Giáo hội, là sự thầm lặng hy sinh lâu dài của những bậc Tiền bối hữu công và Chư tôn đức thường quan tâm đến công tác giáo dục, đào tạo Tăng tài, hoằng truyền chánh pháp, lợi lạc quần sanh. Cuối cùng, niềm thao thức đó đã trở thành hiện thực, đã được đáp ứng, tuy chưa dám nói là thỏa đáng; song cũng đã rất khả quan.

Sự ra đời của Học viện có thể được xem là một sự khai sinh, là sự tiếp bước của Tiền nhân, là sự khơi sáng ngọn tuệ đăng đã bị vùi lấp giữa biển đời tấp nập với nhiều thế sự trái ngang. Sự ra đời ấy đã đánh dấu một bước tiến trong đường hướng xây dựng nền giáo dục Phật giáo hoàn bị, có đầy đủ hai mặt phước đức và trí tuệ cho Phật giáo hôm nay và mai sau.

Chúng con, tất cả Tăng Ni sinh từ hơn 16 tỉnh thành tụ hội về đây lòng thầm mong được học hỏi chánh pháp, được khai mở đuốc tuệ, để cảm nhận những linh khí ngàn xưa còn đang ẩn mình trong từng thắng tích. Thế là chúng con được bảo bọc bên quý Ngài, và đã thấy hết bao khó khăn nhọc nhằn của quý Ngài trong suốt 4 năm qua. Đâu chỉ lo chuyện học hành sách vỡ, quý Ngài đã chu toàn cả nơi ăn chốn ở cho tất cả Tăng Ni sinh. Ngày chúng con mới đến, Hồng Đức còn đang đơn sơ, nhưng giờ thì cơ sở đầy đủ tiện nghi. Trong hoàn cảnh khó khăn về kinh tế của Huế lại thêm khắc nghiệt của thiên tai bão lụt, song quý Ngài đã hình thành một cơ ngơi đồ sộ trong thời gian ngắn thật là cả những cố gắng phi thường.

Hạnh phúc lớn hơn mà chúng con được đón nhận đó là nền giáo dục trong sáng toàn diện của Học viện. Chúng con được giáo dục trong môi trường thanh tịnh trang nghiêm. Khai mở cho chúng con cái nhìn đích thực về giáo lý Phật đà; một giáo lý thích ứng trong mọi hoàn cảnh, không bị hạn cuộc trong bất cứ thời gian và không gian nào. Đường hướng Giáo dục ấy được kết tinh và phối hợp một cách nhuần nhuyễn trong sự khế cơ, khế lý, khế thời; nói cách khác, giáo lý Phật giáo luôn đi cùng, sống cùng với mọi thời đại, nó du nhập rồi hòa nhập chứ không có đồng hóa bao giờ. Ở xứ sở, quốc độ, cõi giới nào còn khổ đau, còn cần đến con đường đoạn trừ phiền não, cần thiết lập một cuộc sống an bình, thì Giáo dục Phật giáo hiện hữu giữ vai trò quan trọng không thể thiếu. Những lúc nguy nan, khổ đau bức bách thì sự đáp ứng của Phật giáo lại càng cấp thiết và hiệu quả, vì giáo lý Phật đà đã thể hiện một cách trọn vẹn những yếu tính vốn có, đó là điều hết sức thiêng liêng, kỳ diệu, khó tả, khó lường mà chúng con đã rất vững niềm tin vào giáo pháp chính là nhờ sự trao truyền chỉ dạy của quý Ngài.

Kính bạch Hòa thượng Viện trưởng, thưa chư vị Giáo sư, giờ này chúng con như những chim non vừa vững cánh sắp rời tổ mẹ, một tâm trạng vừa vui mừng lại vừa bồi hồi nuối tiếc. Suốt 4 năm công lao giáo dưỡng biết bao nhiêu tình. Chúng con làm sao quên được hình ảnh khả kính của Hòa thượng Viện trưởng trong những giờ đứng lớp; cũng với viên phấn trắng ấy, Hòa thượng đã chuốt trắng, đã tẩy xóa bao u tối cho bao nhiêu thế hệ học trò. Bây giờ tuổi đã cao, sức đã mòn song Hòa thượng không hề bì quyện trong giảng dạy, có những lần chúng con trể nãi vào lớp khi Hòa thượng đã lên bục giảng, Hòa thượng từ bi nhắc nhỡ rất tế nhị: "Tôi bảo hai chân mình đi chậm chậm, thế mà nó lại đi nhanh quá". Làm sao chúng con quên được những lỗi lầm không thể tha thứ trước tấm lòng thương lo của Hòa thượng, của chư vị Giáo sư. Suốt đời vì sự nghiệp giáo dục Phật giáo - một nền giáo dục toàn diện. Chúng con biết quí Ngài đâu phải chỉ trao cho chúng con một vốn liếng kiến thức để hành nghề, để có địa vị nào đó trong xã hội. Quí Ngài dạy cho biết chuyển hóa Trí thức thành Trí tuệ, có Chánh kiến. Vì cứu cánh của Phật giáo là đưa con người trở về với con người toàn diện, là kẻ thể hiện Chánh kiến trong từng hành động thường nhật. Quí Ngài dạy cho chúng con đánh thức trí thông minh của con người - chứ không phải đào tạo những người thông minh ấy là đánh thức giác tánh sẵn có trong mình. Còn lại là những bước đường chúng con phải tự lo toan, ấy là bước ra đi để hòa mình để sống với chân lý. Đoạn đường mà Hòa thượng, chư vị Giáo sư đã đưa chúng con đi qua là thời gian êm ấm hạnh phúc nhất của một chú chim non chỉ há miệng để chờ mồi ngon của mẹ, ấy thế mà lắm lúc còn vụng về làm vung vãi, thật đáng quở trách. Giờ đây chúng con chỉ biết hướng tâm đến quí Ân sư khả kính xin được sự lượng thứ cho những lỗi lầm biếng nhác trong tuổi học trò của chúng con.

Ngưỡng bạch Chư tôn đức, kính thưa liệt quý vị.

Được sự thành tựu như ngày hôm nay, chúng con xin thành kính tri ân Chư tôn Hòa thượng, chư Thượng tọa, Đại đức Tăng Ni trong ban Trị sự tỉnh Giáo hội Phật giáo Thừa Thiên Huế. Quý Ngài đã tạo mọi điều kiện và quan tâm giúp đỡ cho chúng con suốt bốn năm học. Chúng con Thành kính tri ân Hội đồng điều hành Học viện Phật giáo Việt nam tại Huế. Dù công tác Phật sự đa đoan, nhưng Quý Ngài đã trợ duyên và khích lệ chúng con trong quá trình tu học. Thành kính tri ân các cấp chính quyền địa phương đã hỗ trợ và quan tâm giúp đỡ. Thành kính tri ân Chư tôn Hòa thượng, Chư thượng tọa, Đại đức Tăng Ni trú trì các Tổ đình, Tự viện, quý ân nhân Phật tử xa gần, chân thành tri ân Ban bảo trợ đã trợ duyên cho Tăng ni sinh vượt qua mọi khó khăn về tinh thần cũng như vật chất và hoàn thành tốt khóa học này.

Lời cuối, toàn thể Tăng Ni sinh chúng con nguyện cầu Hồng ân Tam bảo gia hộ Chư tôn đức được nhiều sức khỏe, Phật sự chóng viên thành. Kính chúc Chư vị khách quý, Chư Phật tử Bồ-đề tâm kiên cố, sở cầu như ý.

Nam Mô Hoan Hỷ Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát


 

Bản tin
147 TĂNG NI SINH TỐT NGHIỆP CỬ NHÂN PHẬT HỌC KHÓA I (1997-2001)
HỌC VIỆN PHẬT GIÁO VIỆT NAM TẠI HUẾ

Ngày 24.7.2001, Hội đồng Điều hành HVPGVN tại Huế đã long trọng tổ chức Lễ Tốt nghiệp cấp phát văn bằng Cử nhân Phật học cho 147 Tăng ni sinh khóa I (1997-2001) với sự tham dự của đông đảo Tăng ni Phật tử.

Chứng minh và tham dự có chư Tôn giáo phẩm: Hòa Thượng Thích Hiển Pháp, Thượng Tọa Thích Thiện Nhơn, Thượng Tọa Thích Giác Toàn từ TP Hồ chí Minh, Đại diện HVPGVN tại Hà nội, các ban ngành viện trung ương và địa phương, Ban trị sự các tỉnh Thành Hội Phật Giáo Miền Trung, Đông Tây Nam Bộ và Tây Nguyên; cùng quý vị đại diện chính quyền địa phương và quý vị lãnh đạo các ban ngành trong tỉnh.

Cư sĩ Châu Trọng Ngô, chánh văn phòng HVPGVN tại Huế đọc Báo cáo những thành tựu của khóa I HVPGVN tại huế. Báo cáo cho thấy, trong 4 năm qua, HĐĐH Học Viện đã không ngừng nổ lực nâng cao chất lượng giảng dạy, phù hợp với xu thế phát triển toàn cầu về kiến thức phật học và thế học. Các Tăng ni sinh đã có tinh thần, sách tấn, tự thân nổ lực tham khảo, nghiên cứu học tập. Đặc biệt là năm cuối của khóa I, các Tăng ni sinh viên đã chứng tỏ những sở đắc về trình độ và kinh nghiệm hành trì tu tập, thực hiện Luận văn tốt nghiệp được hầu hết các giáo sư đánh giá tốt. Với thành quả đó, học viện đã có những kết quả khả quan: hạng A : 34 Tăng ni sinh; hạng B 101 Tăng ni sinh và hạng C: 2 Tăng ni sinh.

Hòa Thượng viện trưởng Thích Thiện Siêu nhắn nhủ Tăng ni sinh viên tốt nghiệp: "Văn bằng cử nhân Phật học mà các con sắp được nhận lãnh, được Giáo hội công nhận, là thước đo nhân sự để giáo hội giao phó các Phật sự, được nhiều trường đại học ở nhiều nước công nhận, được Ban giáo dục Tăng ni trung ương có căn cứ để chuẩn bị cho các cấp cao học, tiến sĩ Phật học trong kế hoạch phát triển lâu dài, cũng như phát triển cấp sơ học, trung học Phật giáo". Sau đó, HT Viện Trưởng chính thức trao văn bằng cho 147 Tăng ni sinh tốt nghiệp.

Ông Nguyễn Xuân Lý, đại diện chính quyền đánh giá cao 4 năm dạy và học của HVPGVN tại Huế và hứa tiếp tục giúp đỡ cho Học Viện như đã từng giúp đỡ trong 4 năm qua để HV có cơ sở nâng cao những giá trị tinh thần và phát huy văn hóa dân tộc. Hòa Thượng trưởng Ban trị sự GHPGVN tỉnh TT. Huế đã phát biểu bày tỏ niềm hoan hỷ vô biên của Giáo Hội tỉnh khi thấy HV đã hình thành và đã đóng góp một cách thiết thực trong việc phát huy truyền thống giáo dục đào tạo Tăng tài ở Cố đô Huế. Tại buổi Lễ, HT Thích Hiển Pháp đã phát biểu và trao quyết định tuyên dương công đức cho HT viện trưởng và Hội Đồng Điều Hành Học Viện. Được biết, ngày 27.7.2001 học viện sẽ tiến hành tổ chức thi tuyển vào khóa II HVPGVN tại Huế.

N. Phan

Cảm ơn cư sĩ Nguyên Định đã gởi tặng phiên bản của bản tin này http://www.buddhismtoday.com/viet/pgvn/vande/009-hocvienPGVNtaiHue-1997-2001.htm

 


Cập nhật: 1-8-2001

Trở về mục "Phật giáo Việt Nam"

Đầu trang