Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
Phật tử kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thiện - nhà kiến trúc lớn
KTS.Nguyễn Hữu Thái

 

Những dòng này viết về một Phật tử thuần thành, một con người yêu nước, một nhà kiến trúc lớn: kiến trúc sư (KTS)Nguyễn Hữu Thiện. Ông đã vĩnh viễn ra đi cách đây đúng 20 năm và để lại nhiều công trình kiến trúc, đặc biệt là chùa tháp, hiện đại mà đậm đà bản sắc Việt Nam.

Kiến trúc cộng sinh Âu - Á

Tháng 8 vừa qua, Nhà nước đã trao giải thưởng đợt I cho 15 tác phẩm kiến trúc của 13 tác giả, trong đó có công trình Thư viện Tổng hợp ở TP.HCM do KTS Nguyễn Hữu Thiện thiết kế, cộng tác với các KTS Bùi Quang Hanh và Lê Văn Lắm.

Trước năm 1975, nhiều người biết tiếng KTS Nguyễn Hữu Thiện như là một Phật tử thuần thành, một nhà kiến trúc đã xây dựng nhiều công trình chùa tháp khắp vùng Sài Gòn-Gia Định. Nhưng chắc ít người biết rằng ông là người bạn đồng học, người cùng chí hướng đấu tranh giải phóng dân tộc với KTS Huỳnh Tấn Phát, nhà lãnh đạo hàng đầu của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Ông mất đi vào năm 1981 khi đang là Viện trưởng Viện Quy hoạch TP.HCM đầu tiên sau ngày giải phóng. Công trình kiến trúc do ông thiết kế khá đa dạng, từ các biệt thự sang trọng cho đến các khu nhà ở cho người có thu nhập thấp, khá nhiều công trình tôn giáo, và xuất sắc nhất là Thư viện Tổng hợp thành phố. Suốt đời, ông chủ trương sáng tác theo hướng kết hợp Đông-Tây, cụ thể là sử dụng kỹ thuật mới của phương Tây trong kết cấu và bố cục không gian nhưng phù hợp với lối sống và thời tiết khí hậu Nam Bộ.

Đối với chùa Phật, ông luôn chú trọng việc bố cục mặt bằng, không gian hợp lý, nơi lễ bái thoáng đãng, nhưng cũng không quên tạo dáng công trình theo kiểu truyền thống dân gian quen mắt với mái cong, hoa gió, điêu khắc theo mô-típ xưa gần gũi với phần đông người mình. Các ngôi chùa lớn như Ấn Quang (đường Sư Vạn Hạnh, từng là trụ sở Giáo hội Phật giáo Thống nhất trước1975), Huê Lâm (Cây Gõ, Chợ Lớn), tháp Phổ Đồng trong khuôn viên chùa Huệ Nghiêm (H.Bình Chánh)...

Chùa Ấn Quang có bố cục không gian kiểu mới, vừa đáp ứng được yêu cầu một nơi thờ tự trang nghiêm lẫn trụ sở điều hành Giáo hội, nơi ở của giới lãnh đạo Phật giáo miền Nam thời cũ. Tháp đựng tro cốt Phổ Đồng có lẽ là một công trình kiến trúc tôn giáo độc đáo và quy mô vào hàng lớn nhất ở nước ta.

Đặc biệt, ông cũng là tác giả tháp chuông ngôi nhà thờ Thiên Chúa  giáo ở Thị Nghè xây dựng theo phong cách Rô-man (Pháp) nhưng lại mang dáng dấp tháp Việt cổ, với chóp mái cong lợp ngói ống, hoa gió làm theo mô-típ trang trí xưa.  

Một công trình kiến trúc độc đáo        

Đỉnh cao sáng tác kiến trúc của KTS Nguyễn Hữu Thiện là công trình Thư viện Tổng hợp thành phố (tên cũ là Thư viện Quốc gia). Công trình tuy không to lớn lắm nhưng được xem là một trong những công trình sáng tạo tiêu biểu nhất do người Việt tự thiết kế và xây dựng thời Sài Gòn cũ.

Từ năm 1956, ông đã được giao việc nghiên cứu một quần thể văn hóa trên khu đất nguyên là Khám Lớn Sài Gòn (bị phá bỏ vào năm 1955). Công trình thư viện do ông chủ trì thiết kế chỉ bắt đầu thực hiện vào năm 1965 và hoàn tất việc xây cất vào đầu các năm 70.

Đây là một tòa nhà lớn gồm khối đứng làm kho chứa sách và khối ngang làm phòng đọc sách. Mái nhô xa, hành lang rộng đặt trên hồ nước thả sen súng, tường hoa pa-nô trang trí rồng phượng, con triện, sân vườn cây xanh tươi mát... là những yếu tố kiến trúc rất gần gũi với lối sống Việt đã góp phần tạo nên một công trình kiến trúc độc đáo, vừa hiện đại vừa dân tộc. Công trình thư viện này được giới kiến trúc cả nước đánh giá là một trong những công trình tiêu biểu nhất của nền kiến trúc hiện đại mà giàu bản sắc ở nước ta.

Tôi biết KTS Nguyễn Hữu Thiện khi theo học với ông ở Trường Kiến trúc Sài Gòn cũng như qua các hoạt động nghề nghiệp, Phật sự lẫn yêu nước của ông trước cũng như sau ngày giải phóng. Viết những dòng này là để tưởng nhớ một tấm gương sáng nghề nghiệp, một con người yêu nước và trên hết là một Phật tử chân chính.

(Báo Giác Ngộ, số Xuân 2002)

http://www.buddhismtoday.com/viet/pgvn/nguoi/nguyenhuuthien.htm

 


Vào mạng: 1-4-2002

Trở về mục "Phật giáo Việt Nam"

Đầu trang