Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
THÁNH TỬ ĐẠO DIỆU QUANG
Trần Tuyết Hoa

 

Thánh tử đạo Diệu Quang tên thật là Ngô Thị Thu Minh, tự Minh Nguyệt, tự thiêu ngày 15-8-1963 tại Ninh Hòa... Vào những năm 50, gia đình tôi từ Huế vào định cư Nha Trang theo thuyên chuyển công tác của ba tôi. Ở đó, chúng tôi đã có những chuỗi ngày học trò thật thơ mộng và có cơ duyên được gặp và quen biết chị Nguyệt, chị của Thu Hương, bạn học năm đệ Tam (lớp 10 hiện nay) với tôi - chị lớn hơn chúng tôi vài tuổi. Lần gặp đầu tiên, tôi đến học chung bài thi với Hương, tôi chú ý ngay, có cái gì đó rất đặc biệt ở người con gái có đôi mắt đẹp mơ màng rất Huế và buồn vời vợi, buồn đến lạ lùng, một nét buồn thánh thiện mà ai nhìn vào cũng phải chao lòng. Chị đi dạy ở trường tiểu học và nổi tiếng là cô giáo rất thương yêu học trò - Em trai tôi học với chị cũng thần tượng chị là cô giáo hiền thục nhất trường. Ở nhà, là người chị gương mẫu hiền lành, ít nói, luôn thương chiều các em. Nhìn dáng chị đi về thanh thoát, nhẹ nhàng, giọng nói nhỏ và êm như ru, có vẻ sợ làm kinh động đến người khác. Thỉnh thoảng chị cười thật nhẹ mà đôi mắt vẫn buồn tênh, ưa nhìn vào khoảng không, tư lự... Tôi cảm thấy ở chị một phong cách khác người, là lạ mà hồi đó tôi chưa nghĩ ra. Tôi thường nói đùa với Hương “Chị Nguyệt có vẻ như một tiên nữ đi lạc xuống cõi trần ô trọc này vậy!...” Hương cười tự thú: “Chị hiền lắm mi ơi! - Me tao hay lo là chị hiền quá sợ sau ra đời sẽ khổ...” - Tội nghiệp chị ghê đi.

Thế rồi chúng tôi lớn lên, vào Sài Gòn học đại học. Thỉnh thoảng gặp Hương, hỏi thăm về chị Nguyệt, hắn bảo: “Có lần chị xin đi tu ba me tau lo lắm!...” Bẵng đi vài năm, tôi không gặp lại Hương cho đến mùa Pháp nạn 1963. Sau cuộc thảm sát 8 em Gia đình Phật tử tại Đài Phát thanh Huế vào ngày Rằm tháng Tư năm Quý Mão, Phật lịch 2507 tức ngày 8-5-1963 thì toàn thể Tăng Ni, Phật giáo đồ cùng đứng lên đấu tranh đòi quyền sống cho đạo pháp và dân tộc. Chế độ Ngô Đình Diệm đàn áp mạnh hơn chùa chiền bị phong tỏa, bị cấm treo cờ Phật giáo, Tăng Ni, Phật tử bị bắt bớ tù đày, thủ tiêu...

Ngày 20-4-Quý Mão tức 11-6-1963, Bồ tát Quảng Đức tự thiêu tại ngã tư Phan Đình Phùng (Nguyễn Đình Chiểu) và Lê Văn Duyệt ( CMT8) đã thắp sáng ngọn lửa thiêng từ bi và oai hùng, đi tiên phong cho hàng loạt các ngọn đuốc thiêng khác tiếp tục thắp lên khắp các miền đất nước phía Nam để cứu nguy Phật giáo và đòi hòa bình, chủ quyền dân tộc. Trái tim Bồ tát đã không cháy rã theo nhục thân Ngài mà còn nguyên vẹn, đen rắn lại như một quả tim thạch huyền. Hình ảnh Bồ tát Quảng Đức ngồi tĩnh tọa trong lửa đỏ đã được đăng tải trên báo chí trong và ngoài nước, đã gây một chấn động chính trị lớn trên toàn thế giới. Ở trong nước thì 80% công dân Việt Nam là Phật tử tác động ảnh hưởng đến bộ máy chính quyền và quân đội Sài Gòn lúc bấy giờ. Đời sống xã hội từ thành phố đến nông thôn gần như bị tê liệt do những cuộc biểu tình, đình công, bãi chợ của quần chúng khắp nơi tự nguyện tham gia...

Phật giáo đồ chưa ráo nước mắt tri ân cầu nguyện cho chư vị Bồ tát, Thánh Tăng đã vị pháp vong thân thì...

Vào một buổi sáng trung tuần tháng 8-1963, tôi sững sờ cầm tờ báo trong tay mà choáng váng ngẩn ngơ, không tin là sự thật... Trời ơi! chị Nguyệt! Hình chị đây rồi! Tiểu sử chị đây rồi, không sao lầm được. Tôi bàng hoàng đọc kỹ từng chữ: “Ni cô Thích nữ Diệu Quang, tục danh là Ngô Thị Thu Minh, tự Minh Nguyệt, 27 tuổi, tự thiêu vào 8 giờ 30 sáng ngày 15-8-1963 cạnh trường Hòa Xuyên tại Ninh Hòa... Ni cô không để lại bút tích, thư từ gì cả”. Tôi trào nước mắt mà kêu lên trời ơi! Chị Nguyệt! Chị là Ni cô Diệu Quang từ lúc nào mà em không hề hay biết. Hôm nay, giữa lúc bọn em đang lao vào cuộc đấu tranh bất bạo động của SVHS Phật tử giữa Sài Gòn thì ở ngoài kia chị lại âm thầm đem thân làm đuốc và là ngọn đuốc thứ tư cho mùa pháp nạn này, ngọn đuốc Thích nữ Diệu Quang! Rồi sau chị là 24 vị Thánh tử đạo thiêu thân cùng 57 vị bị sát hại, thủ tiêu nữa, Phật giáo mới qua được hai mùa Pháp nạn 1963 và 1966 - cho đến năm 1967, một cô nhi viện ở Phú Lâm được vinh hạnh mang tên vị thánh nữ hiền thục này: “Cô nhi viện Diệu Quang” - và như một cơ duyên hạnh ngộ mới, Đoàn Sinh viên Phật tử Sài Gòn chúng tôi được Giáo hội phân công bảo trợ cho cô nhi viện này, lo quyên góp xây thêm phòng học, phòng ăn, ở và sách vở, thuốc men cho các em. Cứ mỗi cuối tuần là chúng tôi về đây sinh hoạt với các em. Tôi lại có dịp nhìn ngắm bức chân dung chị Nguyệt của tôi năm xưa, bây giờ là Ni cô Thích nữ Diệu Quang, là ngọn đuốc thứ tư trong 28 vị Thánh tử đạo thiêu thân ngày ấy.

Năm nay, gần đến ngày Phật Đản 2546, đã 39 mùa Phật Đản đi qua kể từ pháp nạn 1963. Sau bao năm thăng trầm đây đó, tôi được trở về ngồi viết những dòng này, được nhìn ngắm lại bức chân dung người thánh nữ có đôi mắt dịu buồn vời vợi mà ngày xưa, đã có lần tôi được gọi lên một cách trìu mến, thân thương: Chị Nguyệt!.

Báo Giác Ngộ, số Phật đản PL.2546

http://www.buddhismtoday.com/viet/pgvn/nguoi/dieuquang.htm

 


Vào mạng: 1-6-2002

Trở về mục "Phật giáo Việt Nam"

Đầu trang