Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
Đức Đạt Lai Lạt Ma gặp chư Tăng Ni Việt Nam
Lưu Kim Chi tường thuật

Vào lúc 9:30 sáng Thứ Hai 26 tháng 6 năm 2000, ngày Tương Hội đầu tiên của Thiên Niên Kỷ giữa chư Tăng Ni Việt Nam hải ngoại và Đức Đạt Lai Lạt Ma, vị lãnh đạo tinh thần Phật Giáo Tây Tạng, đã diễn ra trong niềm vui hòa ái, tại khách sạn Omni, Los Angeles.

Trên một trăm Chư Tôn Đức Tăng Ni Việt Nam tại hải ngoại đã đáp lời mời của Ban Tổ Chức, hoan hỉ vân tập về Los Angeles, tham dự buổi gặp gỡ lịch sử này.

Lời chào mừng ưu ái Tất cả chư Tăng Ni đều đứng dậy khi Đức Đạt Lai Lạt Ma xuất hiện. Với nụ cười hiền hòa, ánh mắt từ bi và vòng lưng cong khi cúi chào, không khí phòng Hội trang nghiêm càng thêm cung kính và hoan hỉ.

Sau phần tụng bài Tâm Kinh do Chư Tăng Ni Việt Nam đồng tụng và bài Tâm Kinh do Đức Đạt Lai Lạt Ma và chư Tăng Tây Tạng đồng tụng, trong phần diễn văn chào mừng, Hòa Thượng Thích Hộ Giác đã đại diện Chư Tăng Ni Việt, ngỏ lời chào mừng và bày tỏ niềm mến phục đức độ hoàng pháp của Đức Đạt Lai Lạt Ma tại các quốc gia Tây phương.

Trong phần đáp từ, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã bày tỏ niềm xúc động, lần đầu tiên tiếp xúc với Tăng đoàn Việt Nam đông đảo như thế này, dầu là trong quá khứ Ngài đã có cơ duyên gặp gỡ một số chư Tăng Ni Việt Nam qua công cuộc hoằng pháp. Đức Đạt Lai Lạt Ma đặc biệt tán thán "nghị lực tồn tại và tâm thành" của người Việt Nam, trong vấn đề bảo tồn và phát huy Phật giáo Việt Nam tại hải ngoại cũng như tại Việt Nam.

Nói về sự hoằng pháp Phật giáo, Đức Đạt Lai Lạt Ma xác quyết một điểm quan yếu, đó là, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, đạo Phật được phát triển tại các nước trên thế giới, là do sự cảm nhận của người dân tại đất nước đó về các lợi lạc do sự hành trì pháp của Phật, chứ không do sự cưỡng bách theo tôn giáo này.

Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng nói thêm rằng, căn bản của sự hành trì Phật giáo Tây tạng đặt trên sự quan trọng của chánh kiến. Sự hiểu biết đúng (chánh) về mọi sự việc, về các pháp, chân thật như thế (như thị), sẽ dẫn dắt đến một sự hành trì chân chánh đúng đắn, và từ đó sẽ đến chánh quả, tức là kết quả đúng đắn.

Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng bày tỏ qua điểm của Ngài về giá trị vật chất ở các nước tân tiến. Theo đó, trong một quốc gia chậm tiến con người phải đối đầu với cuộc vật lộn hàng ngày cho miếng cơm manh áo và sự sống còn, nên không mấy cảm thấy sự thiếu thốn về tâm linh. Ngược lại, tại các quốc gia tân tiến, nơi nhu cầu ăn mặc căn bản tạm ổn định, thì những nhu cầu thiếu thốn về tâm linh gia tăng.

Cuộc nói chuyện tương thân Qua sự thông dịch Anh ngữ của thầy Thích Giác Đẳng, chư Tôn Đức Tăng Ni Việt Nam đã bày tỏ quan điểm, và được sự đáp ứng của Đức Đạt Lai Lạt Ma.

Một số ý kiến đã được trao đổi với Ngài, chẳng hạn như vấn đề thiết lập các cơ sở liên lạc giữa hai nền Phật giáo Việt Nam và Tây Tạng (liaison). Trong phần đáp từ, Đức Đạt Lai Lạt Ma rất hoan hỉ với đề nghị này, ngài nói chính cá nhân ngài đã nghĩ đến điều đó. Ngài đã suy tư làm sao phát triển sự liên hệ tốt đẹp và lợi lạc cho cả hai quốc gia, để có thể trao đổi Tăng và Ni đi tu học tại các tu viện Việt Nam và Tây Tạng v.v...Và nhiều lợi lạc văn hóa và tôn giáo lâu bền cho cả hai dân tộc.

Trong niềm suy tư đó, Đức Đạt Lai Lạt Ma nhận thấy rằng Tu Viện Trưởng Geshe-la Tsultim Gyeltsen, Trung Tâm Phật Giáo Tây Tạng Thubten Dhargye Ling, tại Long Beach, đã có những nỗ lực trong những năm trước và cho đến bây giờ, giới thiệu và mời Đức Đạt Lai Lạt Ma đến với các cộng đồng và Phật tử Việt Nam.

Đức Đạt Lai Lạt Ma tán thán công đức của Geshela Tsultim Gyeltsen trong trọng trách "liaison" giữa hai nền Phật giáo và giới thiệu Geshe-la lo vấn đề thiết lập văn phòng liên lạc.

Khi trao đổi quan điểm về các vấn đề như sự khác biệt trong lãnh vực tâm linh giữa Phật giáo và các tôn giáo khác, có nên hệ thống hóa Phật giáo để phát triển, Đức Đạt Lai Lạt Ma nhận định rằng Phật Pháp còn có thiên vạn pháp môn cho thiên vạn căn cơ khác biệt giữa chúng sanh (tám vạn bốn ngàn pháp môn), thì đối với các tôn giáo bạn ta nên kính trọng những tôn phái khác biệt, thay vì phê bình và đả phá. Ngài còn cho rằng đạo Phật ngày nay cần phải đa dạng, phong phú, thì mới đáp ứng kịp với một thế giới ngày càng phát triển.

Khi được hỏi về vấn đề đã đến lúc người Tây Tạng nên thay đổi thái độ "bất bạo động" để giải quyết vấn đề Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma phát biểu rằng, đối với Ngài, "bạo động" là một trong những phương cách, nhưng không phải là một phương cách hay nhất. Ngược lại, thái độ "bất bạo động" bảo tồn được tiềm năng. Lại nữa, thế giới ngày nay đã phát triển theo chiều hướng một quốc gia không biên giới, trong đó ai cũng là anh em liên hệ với nhau, nên việc làm đổ máu một người anh em này sẽ gây phẫn kích cho người anh em khác, mà tựu trung vẫn không giải quyết được vấn đề Tây Tạng.

Khi phát biểu ý kiến về các câu hỏi liên quan đến vấn đề làm sao gia tăng thành phần Tăng Ni để truyền pháp, làm sao nuôi dưỡng nghị lực để hoằng pháp tại nước ngoài, làm sao giữ tín đồ không bỏ đạo và làm sao giúp thế hệ trẻ lớn lên tại Mỹ đạt được sự an lạc, Đức Đạt Lai Lạt Ma nói rằng, ở thời điểm nào, cũng cần các Tăng Ni với lòng tự giác, với cái "dũng khí" nhất tâm hành trì và hoằng pháp để mang Phật pháp tới mọi tầng lớp chúng sanh. Thêm vào đó, một căn bản vững vàng về Phật pháp, một căn bản tinh tấn hành trì lời Phật dạy, đều là những trợ duyên cho sự hoằng pháp tại nước người. Ngài còn nói thêm rằng, chúng ta là "khách" trên đất nước này trong vấn đề truyền pháp, nên việc sống gương mẫu để xây dựng một xã hội tốt đẹp là điều rất phải và nên làm. Còn đối với thế hệ trẻ lớn lên tại Mỹ, để có một nếp sống an lạc cũng không ra ngoài các căn bản sống gương mẫu, sống nghiêm túc và chân chánh như vừa kể trên.

Khi được hỏi ý kiến về vấn đề có người gọi ngài là Phật sống, thì Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời rằng danh hiệu "Lạt Ma" chỉ nói về kiến thức và sự tu học Phật của ngài chứ không phải là danh hiệu Phật sống. Ngài cười khiêm tốn nói rằng trên con đường tu học có khoảng 5 giai đoạn, ngài đang ở giai đoạn "tích tụ", tức là sau giai đoạn "phát tâm", và có nghĩa là chưa đến đâu cả, còn rất nhiều đại kiếp tu tập nữa mới được thành Phật. Cách trả lời dí dỏm và sự khiêm cung của ngài làm cả phòng họp cười vang.

Một trong 2 câu hỏi chót là tu sĩ Phật Giáo Tây Tạng có quyền có vợ con và gia đình không, ngài trả lời rằng theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng, giới Tu Sĩ, xuống tóc, mặc áo đỏ, lấy Giới Luật làm Thầy, thì không có quyền lập gia đình. Trong khi đó giới Cư Sĩ, để tóc dài mặc áo trắng, có quyền có vợ và gia đình. Người cư sĩ nào có vợ con mà khoác áo Tu Sĩ hoặc người đã là Tu Sĩ mà tiếp tục sống như người Cư Sĩ, đó là những người có sự lầm lẫn lớn, có sự hiểu biết không đúng.

Buổi nói chuyện đáng lý phải được kết thúc lúc 11:00 giờ, nhưng vì còn quá nhiều câu hỏi Đức Đạt Lai Lạt Ma cho thêm 15 phút nữa, khiến ai cũng vui mừng mà Ngài cũng thoải mái. Buổi lễ kết thúc bằng bài tụng Tứ Hoằng Thệ Nguyện và Hồi Hướng bằng tiếng Việt và kế tiếp là bài Hồi Hướng bằng tiếng Tây Tạng.

Hòa Thượng Thích Hộ Giác và Hòa Thượng Thích Giác Nhiên, đại diện chư Tăng Ni tặng quà lưu niệm Đức Đạt Lai Lạt Ma. Để đáp lại Ngài cũng tặng quà và choàng khăn cho một số Tăng Ni.

Phần cuối của buổi Tương Hội là một bức ảnh lưu niệm với các chư Tăng Ni, và chương trình kết thúc lúc 11:15 phút, dầu còn nhiều câu hỏi và vấn đề cần trao đổi. Tiếc rằng thời gian hạn hẹp, phần cuối của chương trình, có nhiều câu hỏi bị cắt ngắn đoạn, nhiều Chư Tăng Ni chưa kịp hỏi thì đã hết giờ!

Tuy thế, trong phần phát biểu cảm tưởng về buổi Tương Hội, các chư Tăng Ni rất "hoan hỉ, vui mừng và sung sướng" có duyên lành được gặp gỡ và nói chuyện với Đức Đạt Lai Lạt Ma, vì ngài là biểu tượng cho "Từ Bi và Trí Huệ" và một gương mẫu cần noi theo.


Chân thành cảm ơn cư sĩ Bình Anson đã gởi tặng bài tường thuật này. ĐPNN, 6-7-2000

 


Cập nhật: 6-7-2000

Trở về mục "Phật giáo năm Châu"

Đầu trang