Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
Kinh Kim Cang Giảng Giải
HT. Thích Thanh Từ

ĐOẠN 18-24


 

ĐOẠN 18 : NHẤT THỂ ĐỒNG QUÁN  [Mục lục]

- Tu-bồ-đề, ư ý vân hà? Như Lai hữu nhục nhãn phủ?

- Như thị Thế Tôn! Như Lai hữu nhục nhãn.

- Tu-bồ-đề , ư ý vân hà? Như Lai hữu thiên nhãn phủ?

- Như thị Thế Tôn! Như Lai hữu thiên nhãn.

- Tu-bồ-đề, ư ý vân hà? Như Lai hữu tuệ nhãn phủ?

- Như thị Thế Tôn! Như Lai hữu tuệ nhãn.

- Tu-bồ-đề, ư ý vân hà? Như Lai hữu pháp nhãn phủ?

- Như thị Thế Tôn! Như Lai hữu pháp nhãn.

- Tu-bồ-đề, ư ý vân hà? Như Lai hữu Phật nhãn phủ?

- Như thị Thế Tôn! Như Lai hữu Phật nhãn.

- Tu-bồ-đề, ư ý vân hà? Như Hằng hà trung sở hữu sa, Phật thuyết thị sa phủ?

- Như thị Thế Tôn! Như Lai thuyết thị sa.

- Tu-bồ-đề, ư ý vân hà? Như nhất Hằng hà trung sở hữu sa, hữu như thị sa đẳng Hằng hà, thị chư Hằng hà sở hữu sa số Phật thế giới, như thị ninh vi đa phủ?

- Thậm đa Thế Tôn!

Phật cáo Tu-bồ-đề: Nhĩ sở quốc độ trung, sở hữu chúng sanh, nhược can chủng tâm, Như Lai tất tri. Hà dĩ cố? Như Lai thuyết chư tâm giai vi phi tâm, thị danh vi tâm. Sở dĩ giả hà? Tu-bồ-đề! Quá khứ tâm bất khả đắc, hiện tại tâm bất khả đắc, vị lai tâm bất khả đắc.

DỊCH: ĐỒNG QUÁN CÓ MỘT THỂ.

- Này Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Như Lai có nhục nhãn chăng?

- Bạch Thế Tôn, như thế! Như Lai có nhục nhãn.

- Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Như Lai có thiên nhãn chăng?

- Bạch Thế Tôn, như thế! Như Lai có thiên nhãn.

- Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Như Lai có tuệ nhãn chăng?

- Bạch Thế Tôn, như thế! Như Lai có tuệ nhãn.

- Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Như Lai có pháp nhãn chăng?

- Bạch Thế Tôn, như thế! Như Lai có pháp nhãn.

- Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Như Lai có Phật nhãn chăng?

- Bạch Thế Tôn, như thế! Như Lai có Phật nhãn.

- Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Như trong sông Hằng có bao nhiêu cát, Phật nói là cát chăng?

- Bạch Thế Tôn, như thế! Như Lai nói là cát.

- Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Như trong một sông Hằng có bao nhiêu cát, có những sông Hằng bằng số cát như thế , có các thế giới của Phật bằng số cát của những sông Hằng ấy, như thế thật là nhiều chăng?

- Bạch Thế Tôn, rất là nhiều!

Phật bảo Tu-bồ-đề: Trong các cõi nước đầy dẫy như thế, có tất cả chúng sanh có bao nhiêu thứ tâm, Như Lai thảy đều biết. Vì cớ sao? Như Lai nói các tâm đều không phải tâm, ấy gọi là tâm. Vì cớ sao? Này Tu-bồ-đề, tâm quá khứ không thể được, tâm hiện tại không thể được, tâm vị lai không thể được.

GIẢNG:

Trong đoạn này trước hết đức Phật hỏi ngài Tu-bồ-đề: Đức Phật có đủ ngũ nhãn không? Ngũ nhãn là năm con mắt. Con mắt thứ nhất là con mắt gì? Nhục nhãn, đó là con mắt thịt. Phật hỏi: Như Lai có nhục nhãn không? Ngài Tu-bồ-đề thưa: Bạch Thế Tôn, Như Lai có nhục nhãn. Tôi hỏi quí vị có nhục nhãn không? Quí vị nói thế nào? Dạ có nhục nhãn. Kế đến Phật hỏi: Như Lai có thiên nhãn không? Ngài Tu-bồ-đề thưa: Bạch Thế Tôn, Như Lai có thiên nhãn. Tôi hỏi quí vị, quí vị nói thế nào? Thưa không. Tại sao vậy? Chúng ta chỉ có nhục nhãn. Thiên nhãn là con mắt của chư thiên. Thường thường chư thiên xa thật xa cũng thấy và nhỏ thật nhỏ cũng thấy. Thế nên nói Phật dùng thiên nhãn, nhìn trong bát nước thấy vô số vi trùng. Trong bài kệ quán chú khi uống nước: "Phật quán nhất bát thủy, bát vạn tứ thiên trùng" nghĩa là Phật nhìn trong một bát nước, có tám muôn bốn ngàn vi trùng. Như vậy thì thấy cái nhìn của Ngài là cái nhìn bằng thiên nhãn. Hiện nay chúng ta phải nhờ kính hiển vi mới thấy vi trùng, Phật không cần kính hiển vi gì cả. Chính vì được thiên nhãn mà Ngài thấy. Như nhìn những ngôi sao, Phật biết đó là những thế giới nên Ngài nói hằng hà sa số thế giới, không cần có viễn vọng kính hay phi thuyền không gian mới biết có thế giới. Thế nên quí vị thấy những lời Phật nói là do lẽ thật nói ra, muôn đời là thật, không ai chối cãi được, chỉ có điều người ta chưa biết tới nên không hiểu, nếu tìm đến rồi thì từ từ thấy lẽ thật đó.

Phật lại hỏi: Như Lai có tuệ nhãn không? Tu-bồ-đề thưa: Bạch Thế Tôn, Như Lai có tuệ nhãn. Tuệ nhãn là con mắt của hàng Thanh văn. Hàng Thanh văn tức là chứng quả từ Tu-đà-hoàn đến A-la-hán thì được tuệ nhãn. Tuệ nhãn là con mắt trí tuệ thấy thân này là vô ngã, do ngũ uẩn hợp chớ không có thật ngã. Kế đến Phật hỏi: Như Lai có pháp nhãn không? Ngài Tu-bồ-đề thưa: Bạch Thế Tôn, Như Lai có pháp nhãn. Pháp nhãn là con mắt của Bồ-tát, thấy tất cả pháp là huyễn hóa. Hàng Thanh văn chỉ thấy thân thôi, còn hàng Bồ-tát do trí tuệ Bát-nhã thấy ngã pháp đều huyễn hóa. Hiện nay chúng ta đang tu con mắt nào? Nhớ là chúng ta chưa được, nhưng mà đang tu tuệ nhãn và pháp nhãn. Nếu tu thành công liền được những con mắt đó. Cuối cùng Phật hỏi: Như Lai có Phật nhãn chăng? Ngài Tu-bồ-đề thưa: Như Lai có Phật nhãn. Con mắt của Phật bao trùm hết, thấy không còn lầm nữa, cái thấy được viên mãn, còn những con mắt kia thấy từng khía cạnh, hoặc thiên về ngã hoặc thiên về pháp. Như vậy xác nhận Phật có ngũ nhãn để làm chi? Để nói rằng cái thấy của Phật đã đầy đủ viên mãn, do đó Ngài thấy thế gian như thế nào đó là cái thấy đúng, chớ không phải thấy lầm để chúng ta không còn nghi lời Phật nói. Nhục nhãn thấy không xa, che tấm giấy là không thấy, quá mười mấy cây số là không thấy, như vậy cái thấy đó bị giới hạn, cho nên nhiều khi nói tôi thấy như vậy là đúng, nhưng chưa chắc là đúng, vì cái thấy của chúng ta quá tầm thường. Thế nên nói Phật đầy đủ cả năm con mắt để xác nhận cái thấy của Phật không còn lầm lẫn nữa.

Tiếp theo Phật mới dạy, ví như có con sông Hằng, trong sông Hằng đó có bao nhiêu cát, rồi một hột cát của sông Hằng đó là một sông Hằng thứ hai, như vậy bao nhiêu cát sông Hằng là bấy nhiêu sông Hằng nữa. Vậy số sông Hằng thứ hai đó nhiều ít? Trong số sông Hằng thứ hai đó, mỗi sông Hằng có bao nhiêu cát, mà một hột cát của số sông Hằng thứ hai đó là một thế giới, quí vị tính thử bao nhiêu thế giới. Chỉ số sông Hằng thứ hai là tính không nổi, huống là một hột cát trong số sông Hằng thứ hai là một thế giới. Bao nhiêu thế giới đó, đức Phật hỏi ngài Tu-bồ-đề nhiều chăng, ngài Tu-bồ-đề thưa là rất nhiều. Phật bảo, trong bao nhiêu thế giới đó có bao nhiêu chúng sanh và bao nhiêu chúng sanh có bao nhiêu thứ tâm, Phật thảy đều biết không lầm lẫn. Như vậy Phật xác nhận cái thấy của Phật để đưa đến ví dụ là tâm của bao nhiêu chúng sanh Ngài đều biết hết. Vì cớ sao? Phật giải thích: Như Lai nói các tâm đó đều không phải tâm, ấy gọi là tâm. Vì cớ sao? Tu-bồ-đề, tâm quá khứ không thể được, tâm hiện tại không thể được, tâm vị lai không thể được. Như vậy thì đức Phật biết tâm gì? Đó là chỗ thật hệ trọng. Giả sử tôi nói thế này: Tất cả quí vị trong hội giảng hôm nay tôi đều biết tâm quí vị hết, quí vị tin không? Có vẻ khó tin. Chắc sẽ có người đứng dậy hỏi: "Thầy biết tâm tôi đang nghĩ gì không?" Thế mà tôi quả quyết tôi biết thật, vậy tôi có phải Thánh không? Tôi biết thật, biết chắc chắn không nghi ngờ… Chắc có nhiều người ngạc nhiên lắm. Tôi biết chắc chắn trăm phần trăm không nghi, vì tôi biết tâm quí vị là vọng tưởng, tôi biết tâm quí vị là không thật. Tôi biết đúng như vậy. Quí vị thấy đúng không? Tôi thấy, tôi biết đúng như vậy, cái đó ngàn đời cũng đúng. Như vậy tâm người nào cũng là vọng tưởng, là không thật, còn việc nghĩ gì đó thì nghĩ tôi không cần biết, tôi chỉ cần biết thể của nó là không thật, là vọng tưởng thôi, đó là tôi biết thật phải không? Vì thế đức Phật bảo: Tất cả tâm chúng sanh đều không phải tâm, ấy gọi là tâm. Biết rõ tất cả tâm chúng sanh là hư vọng không thật, biết rõ không nghi ngờ nên Ngài kết luận: Vì cớ sao? Quá khứ tâm bất khả đắc, hiện tại tâm bất khả đắc, vị lai tâm bất khả đắc.

Tâm quá khứ là tâm gì? Tức là tâm tưởng nhớ lại việc quá khứ. Phần nhiều chúng ta hiện nay sống với mấy tâm? Mình sống với ba thời: tâm quá khứ, tâm hiện tại, tâm vị lai. Những người đầu hơi hoa râm như tôi hoặc là bạc trắng hơn nữa thì sống với tâm nào? Tâm quá khứ, cứ nhớ thuở xưa, lúc đương thời làm những gì, nhớ những gì thuộc quá khứ như vậy là tâm quá khứ. Nhưng những tâm duyên về quá khứ có thật không? Nó là bóng dáng không thật nên quá khứ tâm bất khả đắc. Rồi tâm hiện tại là tâm gì? Là cái tâm suy tính, đang nghĩ đang tính một điều gì. Tâm suy tính đó có dừng lại ở một chỗ thật không? Đang suy tính mà nhìn lại nó cũng mất, cũng không thật. Đến tâm tưởng tượng vị lai, mai kia thế này, mai kia thế khác, như những người thanh niên nghĩ ngày sau mình sẽ như thế nào đó v.v… Tâm đó có thật không? Vị lai là chưa đến mà hiện giờ tưởng tượng ra thì cũng là cái tưởng tượng bóng dáng thôi. Như vậy ba thời tâm có thật không? Vậy biết rõ ba thời tâm không thật là biết đúng sự thật. Chúng ta cứ muốn biết cái bóng của tâm thôi, nhưng biết ngay thể của tâm mới là biết thật. Cái "nghĩ gì" là bóng dáng không đáng kể, biết bản chất nó không thật mới là biết. Vậy mà chúng ta cứ muốn biết cái bóng dáng chớ không chịu biết cái chân thật. Biết rõ tâm mình hư giả không thật, biết rõ tâm người hư giả không thật, biết rõ cả người là tướng duyên hợp không thật nữa thì cái biết như vậy là khá lắm rồi. Nếu chúng ta hằng biết được như vậy thì chúng ta vượt hơn phàm tình, phàm tình chỉ biết tâm vọng tưởng của người, như đang vọng tưởng một điều gì, vọng tưởng thương người này, vọng tưởng ghét người kia… Rồi chấp vào đó để phiền não, như vậy thì biết làm chi; trái lại phải biết tâm của họ là hư giả không thật, phải biết rõ như vậy. Chúng sanh hiện giờ luôn luôn sống với cái hư giả, do sống với cái hư giả nên không bao giờ đạt được lẽ thật vì ba thời tâm đều không thể được. Quí vị có nhớ bà già nói với ngài Chu Kim Cang không? Bà nói: "Tâm quá khứ không thể được, tâm hiện tại không thể được, tâm vị lai không thể được, thầy điểm tâm nào?" Chính điều đó nhắc chúng ta thấy rằng tất cả tâm hướng về ba thời là tâm hư vọng không thật. Đã là hư vọng không thật tại sao chấp, tại sao bám vào đó cho là mình? Có người nào không bám vào đó cho là mình không? Mà bám vào cái không thật cho là mình thì không phải si mê là gì? Thế nên đây thật là một yếu tố để chúng ta tu. Trong đoạn trước Phật phá chấp thân làm ngã, trong đoạn này Phật phá chấp tâm làm ngã. Nếu chúng ta còn thấy tâm duyên theo ba thời là thật thì đó là mê lầm, chấp tâm sanh diệt là mình. Nếu chấp tâm sanh diệt là mình thì đó là động cơ dẫn vào sanh tử luân hồi. Trái lại nếu biết rõ tất cả những tâm duyên quá khứ, hiện tại, vị lai là bóng dáng không thật, biết thật như thế thì tất cả đều buông, mà buông bỏ không chấp thì đâu còn nghĩ phải quấy, hay dở v.v… Thấy nó là hư giả thì nó không dẫn mình đi, như vậy tự nhiên cái hư giả buông đi thì tâm chân thật hiện tiền, đó mới là trí tuệ như thật. Chúng ta biết nó hư giả là biết bằng quán chiếu Bát-nhã mà khi quán chiếu thành công thì thật tướng Bát-nhã hiện tiền. Đó là cái thực tế để tu.

Quí vị thấy hiện giờ chúng ta khổ là tại sao? Vì tất cả chúng ta đều sống theo tâm vô thường sanh diệt quá khứ, hiện tại, vị lai… Đây tôi nói chuyện đời xưa cho quí vị nghe một chút. Quí vị nhớ câu chuyện Lưu Thần Nguyễn Triệu nhập Thiên thai, câu chuyện vui chứ phải không? Câu chuyện này có một triết lý rất hay. Thử hỏi chúng ta ai mà không muốn được ở cảnh tiên? Việc gì sung sướng thì nói sướng như tiên, vậy có ai nghĩ rằng lên cảnh tiên còn muốn trở lại cõi trần tục này nữa không? Chắc không có ai. Đang ở cõi trần, chúng ta ước mơ được lên cảnh tiên, nếu lên được cảnh tiên thì còn gì sung sướng bằng. Vậy tại sao Lưu Thần Nguyễn Triệu lên cảnh tiên rồi lại khởi lòng trần tục nhớ lại trần gian? Đã được lên cảnh tiên rồi, có tiên hầu hạ, tiệc tùng v.v… tại sao còn mống lòng trần tục muốn về thăm quê hương? Và khi đã từ giã cảnh tiên trở xuống trần rồi thì thế nào? Có an phận ở lại cõi trần tục không? Hay về trần tục lại nhớ cảnh tiên nữa? Như thế là tại sao? Đó là tại tâm vô thường của chúng ta. Chúng ta luôn luôn sống với tâm nhìn lui về quá khứ, ước mơ vị lai mà lảng quên hiện tại, nếu ngay hiện tại thì chấp nhận cái hiện tại sanh diệt mà không thấy cái hiện tại thực tế. Thế nên khi chưa được cảnh tiên thì ước mơ cảnh tiên, khi được cảnh tiên lại nhớ tiếc quá khứ muốn trở về cõi phàm tục, khi trở lại cõi trần thấy chán ngán lại muốn trở lên cảnh tiên, cứ qua lại mãi. Tất cả chúng ta cũng không khác Lưu Thần Nguyễn Triệu. Quí vị thấy có ai đang ở đây mà nói mình vui vẻ, không còn mơ ước gì nữa không? Dầu ở chỗ sung sướng no ấm đến thế mấy đi nữa, ở mãi rồi cũng thấy tầm thường và mơ ước đến chỗ khác, đến chỗ khác rồi lại mơ ước trở lại chỗ cũ. Đó là bệnh ngàn đời của chúng sanh. Tại vì con người chấp nhận ba cái tâm là mình cho nên không bao giờ an vui được, ở chỗ chưa như ý thì đòi chỗ như ý, được chỗ như ý thì nhớ lại chỗ cũ. Vì vậy người ta cứ chuộng đồ cổ, dù đồ cổ tầm thường cũng vẫn chuộng nó, bảo đồ xưa là quí! Đó là tại tâm niệm tiếc nuối quá khứ rất nặng. Thấy tức cười là đi tới đâu đều ghi nhật ký để ngày sau đọc, sợ việc qua rồi thì mất… Cho những hình bóng quá khứ là có giá trị để sau này làm nguồn an vui của mình. Còn trẻ thì cứ mơ ước vị lai, nhưng đến khi vị lai tới rồi cũng chán chường. Như thế, luôn luôn người ta sống trong chán chường buồn khổ nhớ nhung. Tiếc nuối quá khứ là nhớ nhung, mơ ước vị lai thì chán chường với hiện tại, thành ra điên đảo hoài không bao giờ an, có cười là cười gượng thôi vì có an mới vui, mới cười hoài, còn không an thì không bao giờ vui được. Tâm bất an làm sao vui? "Tâm bình thế giới bình", đó là lẽ thật. Câu chuyện trên ngụ một triết lý của cổ nhân để cho chúng ta thấy tâm con người điên đảo như vậy, không có cái gì làm cho họ bằng lòng, mà không bằng lòng tức là bất an rồi.

Chuyện gần hơn là như lúc tôi ở Thiền Duyệt thất. Thiền Duyệt thất cất tương đối cũng duyên dáng, chung quanh có trồng hoa xác pháo v.v… ở sau là vườn trà, khí trời lành lạnh … Có một chú ở thành phố lên thăm tôi, vừa mới lên, đầu tiên chú khen: Chà! ở đây thật như là cảnh Thiên thai. Tôi cười. Kế tôi hỏi: Chú định lên chơi bao lâu? - Dạ con ở một tháng. Nhưng mới được một tuần, chú thưa với tôi: Thưa thầy con về. Tôi hỏi: Ủa, sao về mau vậy? - Dạ tại buồn quá! Tôi nhớ lại câu chuyện Lưu Thần Nguyễn Triệu. Thực tế là như vậy, khi chưa đến thì thấy cảnh đó là cảnh tiên, đến rồi, ở một thời gian tự nhiên chán chường. Thế nên con người khi chưa an thì ở đâu cũng không an mà không an thì luôn mong ước, thành ra cứ mong ước mãi hết việc này đến việc kia, lúc nào cũng sống trong ước mơ, chờ đợi.

Trong thế gian này tất cả chúng sanh đều tham sân si như nhau, gặp người này tham sân si, chờ gặp người khác cũng là tham sân si thế thôi. Chỉ tại vì mình tham sân si cho nên gặp ai rồi cũng tham sân si… Thế nên có chờ đợi là chờ đợi còn hay hết tham sân si, điều đó mới đáng mong chờ… Vì thế tôi nói chúng ta tập tâm Bồ-tát nghĩa là khi đang tu tập, thấy ai giúp, ai ngăn trở, chúng ta cũng đều xem là Bồ-tát cả để mang ơn, bái phục mọi người. Quí vị sẽ thấy mình sống trong cảnh Bồ-tát và mình sẽ là người sung sướng nhất, vì thấy chung quanh mình toàn là thiện hữu tri thức bậc thượng. Bồ-tát đâu thể là bậc hạ được. Tôi thấy chúng ta cần có cái nhìn như vậy, sống như vậy mới thấy vui. Cuộc đời chỉ mấy mươi năm… Cho nên có một thiền sư đi tới đâu Ngài cũng nói chuyện ồn náo và cười hoài. Có một vị thiền khách khác ở chung liêu thấy Ngài nói cười ồn quá chịu không được mới lên bạch Hoà thượng. Hòa thượng kêu Ngài lên quở: Sao huynh cười nói ồn náo làm phiền huynh đệ? Ngài trả lời: Bạch Hoà thượng, cuộc đời là mộng mà con muốn sống mộng vui chớ không muốn sống mộng khổ, vì vậy mà con cười… Thế nên người xưa có những câu nói thật lý thú!

 

ĐOẠN 19 : PHÁP GIỚI THÔNG HÓA [Mục lục]

- Tu-bồ-đề, ư ý vân hà? Nhược hữu nhân mãn tam thiên đại thiên thế giới thất bảo, dĩ dụng bố thí, thị nhân dĩ thị nhân duyên đắc phước đa phủ?

- Như thị Thế Tôn! Thử nhân dĩ thị nhân duyên đắc phước thậm đa.

- Tu-bồ-đề! Nhược phước đức hữu thật, Như Lai bất thuyết đắc phước đức đa, dĩ phước đức vô cố, Như Lai thuyết đắc phước đức đa.

DỊCH: PHÁP GIỚI THÔNG SUỐT KHÔNG BỊ NGĂN TRỞ.

- Này Tu-bồ-đề , ý ông nghĩ sao? Nếu có người đem bảy báu đầy dẫy cả tam thiên đại thiên thế giới dùng bố thí, người ấy do nhân duyên này được phước đức nhiều chăng?

- Bạch Thế Tôn! Như thế! Người này do nhân duyên đó được phước đức rất nhiều.

- Này Tu-bồ-đề! Nếu phước đức có thật, Như Lai chẳng nói được phước đức nhiều, do phước đức không, nên Như Lai nói được phước đức nhiều.

GIẢNG:

Quí vị hiểu đoạn này như thế nào? Nếu phước đức có thật thì Như Lai không nói phước đức nhiều, bởi phước đức không, tức không thật nên Như Lai nói phước đức nhiều. Vậy là phước đức có hay không? Đó là câu mà đa số chúng ta đều thấy hơi khó hiểu. Trong đoạn trước tôi nói rằng triết lý kinh Kim Cang là chỉ cho các pháp tự tánh là không, duyên hợp giả có, bởi duyên hợp giả có cho nên nói có nói không chỉ là giả danh chớ không thật. Nếu chúng ta thấy có thật thì cái thấy đó không đúng, bởi thấy không đúng cho nên nói là không nói phước đức nhiều, mà sở dĩ nói phước đức nhiều là vì thấy rõ tự tánh phước đức không thật, vì tự tánh phước đức không thật cho nên tùy duyên tụ họp nhiều thì gọi đó là nhiều, tụ họp ít thì gọi đó là ít. Tụ họp nhiều thì gọi là nhiều, nhiều đó là tại tùy duyên chớ không phải trên lẽ thật, quí vị nhớ cho thật rõ chỗ đó. Ví dụ có người khuân cả ngàn, cả muôn thùng lúa đổ thành đống, vậy đống lúa đó nhiều hay ít? Quí vị trả lời thế nào? Nói nhiều, ít thì cái nhiều và ít đó là tướng tùy duyên chớ trên lý chân thật, trên lý tánh không, các pháp không có nhiều, ít. Tỉ dụ một khối đất bằng nắm tay ta gọi khối đất nhỏ, khối đất bằng cái thùng thiếc chúng ta gọi là khối đất to, cái to, nhỏ đó là tại sao? Chẳng qua là tướng duyên hợp nhiều ít. Nhiều hạt bụi kết thành khối to gọi là khối đất to, ít hạt bụi kết thành khối nhỏ gọi là khối đất nhỏ. Như vậy to nhỏ là trên sự kết hợp nhiều ít của duyên chớ đâu có gì khác. Quí vị hiểu như vậy mới thấy được ý nghĩa của đoạn này.

Sở dĩ đức Phật nói: Nếu phước đức có thật thì Như Lai chẳng nói được phước đức nhiều, do phước đức không, nên Như Lai nói phước đức nhiều là vì đứng về mặt tánh không, các pháp do duyên khởi nên tự tánh là không. Tôi nhắc lại một lần nữa, vì tất cả chúng ta quen nghe nói cái bàn thì nghĩ cái bàn thật, nghe nói cái nhà thì nghĩ cái nhà thật, nghe nói cái đồng hồ thì nghĩ cái đồng hồ thật, mỗi vật chúng ta đều cho nó là thật, tức là nhận có một cái thể chân thật ở trong nó. Người trí tuệ như đức Phật thì không thấy như thế; đồng hồ, nhà, bàn… chỉ là tướng duyên khởi hay là duyên hợp mà tự tánh cái đồng hồ là không, tự tánh cái nhà là không, tự tánh cái bàn là không, do duyên hợp nên giả có. Vì duyên hợp giả có nên duyên nhiều thì nó to, duyên ít thì nó nhỏ; nó to, nó nhỏ là nói lý tùy duyên. Thế nên đức Phật bảo: Nếu có thật, có thật thể thì không nói nhiều, nói ít, vì không có thật thể nên tùy duyên nhiều thì gọi là nhiều, duyên ít thì gọi là ít. Trên lẽ chân thật, các pháp không cố định nên nói rằng tánh nó là không. Vì thế trên tánh không mà nói có lớn nhỏ là sai, chỉ trên tướng tùy duyên mới có to, có nhỏ khác nhau.

 

ĐOẠN 20 : LY SẮC LY TƯỚNG [Mục lục]

- Tu-bồ-đề, ư ý vân hà? Phật khả dĩ cụ túc sắc thân kiến phủ?

- Phất dã Thế Tôn! Như Lai bất ưng dĩ cụ túc sắc thân kiến. Hà dĩ cố? Như Lai thuyết cụ túc sắc thân tức phi cụ túc sắc thân, thị danh cụ túc sắc thân.

- Tu-bồ-đề, ư ý vân hà? Như Lai khả dĩ cụ túc chư tướng kiến phủ?

- Phất dã Thế Tôn! Như Lai bất ưng dĩ cụ túc chư tướng kiến. Hà dĩ cố? Như Lai thuyết chư tướng cụ túc tức phi cụ túc, thị danh chư tướng cụ túc.

DỊCH: LÌA SẮC, LÌA TƯỚNG.

- Này Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Phật có thể do đầy đủ sắc thân mà thấy chăng?

- Bạch Thế Tôn, không vậy! Như Lai không nên do đầy đủ sắc thân mà thấy. Vì cớ sao? Như Lai nói đầy đủ sắc thân tức chẳng phải đầy đủ sắc thân ấy gọi là đầy đủ sắc thân.

- Này Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Như Lai có thể do đầy đủ các tướng mà thấy chăng?

- Bạch Thế Tôn, không vậy! Như Lai không nên do đầy đủ các tướng mà thấy. Vì cớ sao? Như Lai nói các tướng đầy đủ tức chẳng phải đầy đủ, ấy gọi là các tướng đầy đủ.

GIẢNG:

Tựa của đoạn này là lìa sắc lìa tướng tức là lìa chấp sắc và lìa chấp tướng. Căn cứ vào đâu mà lìa chấp? Tức là căn cứ ngay nơi thân Phật, nên đức Phật mới hỏi: Có thể do đầy đủ sắc thân mà thấy Như Lai chăng? Trong kinh nói đức Phật có đủ ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, đó là đầy đủ sắc thân. Có thể do những cái đó mà thấy Phật chăng? Ngài Tu-bồ-đề thưa: Không. Tại sao? Vì Như Lai thường nói đầy đủ sắc thân tức không phải đầy đủ sắc thân, ấy gọi là đầy đủ sắc thân.

Đầy đủ sắc thân tức chẳng phải đầy đủ sắc thân, nghĩa là cái sắc thân đầy đủ ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp đó không có tự thể, tánh nó là không, nên mới nói là không phải đầy đủ sắc thân, nhưng do duyên hợp nên gọi là đầy đủ sắc thân. Quí vị nhớ hai câu đó rõ ràng như vậy. Cũng như tôi nói cái bàn không phải cái bàn, vì sao? Vì nó không có thể thực của cái bàn, nhưng do duyên hợp nên tạm gọi là cái bàn. Như vậy mới hiểu được lời Phật nói. Sắc thân là giả tướng, mà giả tướng đó không có thật thể. Tỉ dụ nói ba mươi hai tướng tốt của Phật, thì ba mươi hai tướng tốt đó, cái gì là thể cố định thật? Như nói Ngài có trái tai dài hay Ngài có cái ngực no tròn hình chữ vạn v.v…, những cái đó chúng ta nói cái nào là thật, là chủ của thân. Ba mươi hai tướng chẳng qua là nhiều phần ráp lại, đủ ba mươi hai tướng gọi là Phật, như vậy ba mươi hai tướng đó chỉ là những giả tướng chớ không phải thật. Nếu cho ba mươi hai tướng là Phật thì không thấy Phật vì đó là mắc kẹt trên tướng. Lại nữa, ba mươi hai tướng hiện nay còn không? Ba mươi hai tướng là duyên hợp cho nên khi đủ duyên thì còn, thiếu duyên thì mất. Còn Như Lai có mất hay không? Như vậy để chúng ta hiểu rằng đừng căn cứ vào sắc thân, đừng chấp ba mươi hai tướng tốt là Phật, mà phải biết Như Lai là thể bất sanh bất diệt. Ba mươi hai tướng là tướng không có chủ thể, nên nói là tánh không. Vì tự tánh nó là không nên nói không phải đầy đủ sắc thân, do duyên hợp tạm có nên gọi là đầy đủ sắc thân.

Đến phần các tướng, tướng đây chỉ sáu căn đầy đủ: mắt, tai, mũi v.v… toàn bộ của thân. Đức Phật hỏi: Có thể do đầy đủ các tướng mà thấy Như Lai chăng? Khi nãy là sắc, là hình sắc trắng đen hoặc là những vẻ tốt biểu hiện ra, ở đây nói về tướng tức là các phần trong thân. Ngài Tu-bồ-đề trả lời: Không thể do các tướng đầy đủ mà thấy Như Lai. Vì cớ sao? Vì Phật nói các tướng đầy đủ tức không phải các tướng đầy đủ, ấy gọi là các tướng đầy đủ. Chúng ta tưởng các tướng đầy đủ là Phật nhưng sự thật thì không phải. Vì các tướng không có tự thể cho nên nói không phải các tướng đầy đủ, nhưng duyên hợp có đủ các tướng gọi là các tướng đầy đủ. Hiểu như vậy thì chúng ta có chấp sắc, chấp tướng là thật không? Đây là đức Phật căn cứ vào Ngài, nay thử căn cứ vào chúng ta xem thế nào? Giả sử có một đạo hữu tên Chánh Đức, tôi hỏi rằng có thể do sắc trắng đen của Chánh Đức mà thấy Chánh Đức không. Quí vị trả lời thế nào? Không phải. Nếu do cái đó mà thấy Chánh Đức, khi những cái đó tan rã thì không còn Chánh Đức nữa. Tôi lại hỏi: Có thể do các tướng hoặc là tay chân v.v… ráp lại mà thấy Chánh Đức không. Quí vị trả lời thế nào? Cũng không phải. Như thế thì các tướng đó chỉ là tướng duyên hợp, tự nó không có thật thể, do duyên hợp nên tạm gọi là các tướng thôi. Vậy con người chúng ta ngoài các sắc, các tướng duyên hợp, còn có cái gì nữa không? Nếu căn cứ vào sắc, vào tướng cho là mình thì thế nào? Như lâu lâu sụt vài ký thì nói tôi sụt hết mấy ký, lên được vài ký thì nói tôi được thêm mấy ký phải không? Như thế là cho việc lên ký, sụt ký là mình. Vậy chúng ta phải nói thế nào cho đúng nghĩa hiểu đạo lý? Tứ đại của tôi lúc này giảm hay tăng thêm được mấy ký, nói thế mới đúng lẽ thật. Nếu chấp nhận tôi là tứ đại thì tứ đại là vô tri, chấp vô tri là tôi thì quá khờ dại, tức là mình đã phủ nhận mình một cách đáng thương. Quí vị kiểm điểm lại xem chúng ta có nói như thế không? Nếu có thì chúng ta đã phủ nhận chúng ta một cách đáng thương. Do đất nước v.v… gặp duyên tốt giữ được nhiều thì đó là tăng, gặp duyên xấu tiêu hao đi thì gọi là giảm. Như thế tăng giảm chỉ là việc của tứ đại chớ không liên hệ gì đến mình cả. Ngày xưa khi năm, mười tuổi mình thấp chừng tám, chín tấc thì cũng là mình, bây giờ bốn mươi, năm mươi tuổi cao lên cả một thước mấy thì cũng vẫn là mình. Cao thấp đó là do tứ đại tăng trưởng chớ đâu phải mình có cao, có thấp. Cao thấp là tướng duyên hợp nhiều ít, còn mình thì vẫn là mình. Hiểu như thế là ta hiểu lời đức Phật nói Sắc tướng không phải là Như Lai. Nếu chấp sắc tướng là Như Lai thì khi sắc tướng tan rã Như Lai đâu còn. Bởi sắc tướng là duyên hợp nên chúng ta đừng chấp sắc tướng là mình, nếu ai chấp sắc tướng là mình là đã quên mất mình rồi. Nếu không chấp sắc tướng là mình thì có đẹp cũng không tự cao, có xấu cũng không tủi hổ, đẹp xấu chỉ là sắc tướng đầy đủ hoặc thiếu kém… Nếu hiểu như vậy tức chúng ta thoát ngoài hai cái khổ: Đẹp thì sanh kiêu mạn, xấu thì sanh tự ti. Như vậy lúc nào mình cũng an ổn, cả khi gần tắt thở mình cũng an vui. Tại sao? Vì đó là sắc tướng hết duyên nên hoại chớ đâu phải mình hoại. Trái lại nếu nhận sắc tướng là mình thì khi sắp hoại sẽ khổ sở vô ngần, vì thấy mình sắp mất nên kinh hoàng. Quí vị thấy khi ta nhận sâu được lý kinh rồi mới thấy đúng lẽ thật, do đó lòng ta an ổn trước những cảnh mà thiên hạ hoảng hốt. Đó là điều thiết yếu cho cuộc sống. Thế nên hiểu đạo thì sống an lành. Chúng ta hiện nay vì không hiểu đạo nên cứ bám vào sắc thân, cho nó là mình nên khi nó tăng hoặc nó có gì thay đổi hơn người thì tự hào, tự mãn hoặc sanh khinh mạn, khi nó thiếu kém thì xấu hổ, buồn tủi, tự ti, đó là điều lầm lẫn. Tóm lại nếu còn chấp sắc, chấp tướng thì không thấy Như Lai, nhưng Như Lai đây không phải là đức Thích-ca, vậy không thấy Như Lai nào? Như Lai mà mỗi người tự có đó!

 

ĐOẠN 21 :PHI THUYẾT SỞ THUYẾT [Mục lục]

Tu-bồ-đề! Nhữ vật vị Như lai tác thị niệm: Ngã đương hữu sở thuyết pháp, mạc tác thị niệm. Hà dĩ cố? Nhược nhân ngôn Như Lai hữu sở thuyết pháp tức vi báng Phật, bất năng giải ngã sở thuyết cố. Tu-bồ-đề! Thuyết pháp giả, vô pháp khả thuyết, thị danh thuyết pháp. Nhĩ thời Tuệ Mạng Tu-bồ-đề bạch Phật ngôn: Thế Tôn! Phả hữu chúng sanh ư vị lai thế, văn thuyết thị pháp, sanh tín tâm phủ?

Phật ngôn: Tu-bồ-đề! Bỉ phi chúng sanh, phi bất chúng sanh. Hà dĩ cố? Tu-bồ-đề! Chúng sanh, chúng sanh giả, Như Lai thuyết phi chúng sanh, thị danh chúng sanh.

DỊCH: KHÔNG NĂNG THUYẾT VÀ SỞ THUYẾT.

Này Tu-bồ-đề, ông chớ bảo Như Lai khởi nghĩ thế này, ta sẽ có nói pháp, chớ khởi cái nghĩ ấy. Vì cớ sao? Nếu người nói Như Lai có nói pháp tức là phỉ báng Phật, không thể hiểu nghĩa ta đã nói. Này Tu-bồ-đề, nói pháp đó không có pháp có thể nói ấy gọi là nói pháp. Khi ấy ngài Tuệ Mạng Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn, vả lại có chúng sanh ở đời vị lai nghe nói pháp này sanh lòng tin chăng?

Phật bảo: Tu-bồ-đề, kia chẳng phải chúng sanh, chẳng phải chẳng chúng sanh. Vì cớ sao? Này Tu-bồ-đề, chúng sanh, chúng sanh ấy Như Lai nói chẳng phải chúng sanh, ấy gọi làchúng sanh.

GIẢNG:

Đây là lìa năng thuyết và sở thuyết. Năng thuyết là người hay nói, sở thuyết là pháp bị nói. Người hay nói và pháp bị nói đều lìa, tại sao? Phật bảo ngài Tu-bồ-đề: Ông chớ nói Như Lai khởi nghĩ sẽ có nói pháp, chớ nghĩ như vậy. Vì sao? Vì nếu người nói Như Lai có nói pháp tức là chê bai Phật, không hiểu nghĩa Phật nói. Như vậy chúng ta có chê bai Phật không, vì chúng ta luôn luôn nói Phật thuyết pháp. Kinh là Phật nói, nếu nói Phật nói là chê bai Phật. Quí vị làm sao hiểu được đoạn này? Đức Phật bảo ngài Tu-bồ-đề: Nói pháp tức là không pháp có thể nói, ấy gọi là nói pháp. Đó là chỗ thật là khó hiểu phải không? Tại sao đức Phật nói pháp bốn mươi chín năm trong lịch sử ghi rõ ràng, nhưng nếu nói Phật thuyết pháp là phỉ báng Phật? Nếu chúng ta thấy thật có Phật, thân tứ đại của Ngài là thật và pháp Ngài nói ra là thật, chúng ta không hiểu nghĩa Ngài nói rồi. Ngài bảo tứ đại là duyên hợp không thật mà chúng ta nói là thật, tức chúng ta phản bội Phật. Nếu Phật không thật thì pháp Phật nói có thật không? Vậy nếu cho là có pháp thật Phật nói thì không phải chê bai Phật là gì? Chúng ta phải hiểu rõ Phật nói pháp là nói các pháp ở thế gian không có tự thể, do duyên hợp giả có nên không có một pháp thật; nay chúng ta chấp Phật nói pháp thật thì đó là phỉ báng Phật chớ gì. Pháp Phật nói chẳng qua là tướng tùy duyên, không có thật thể, cũng như thân Phật cũng là tướng tùy duyên không có thật thể, nếu chúng ta thấy là thật là phản bội lời Phật, vì vậy nói là phỉ báng Phật. Trái lại chúng ta biết Phật thuyết pháp đó là tướng tùy duyên thì không có lỗi gì cả, hiểu như thế là chúng ta không phỉ báng Phật.

Tỉ dụ từ trước đến giờ quí vị đã nghe tôi nói, bao nhiêu ngôn từ, quí vị tìm lại xem có không? Lời lẽ phát ra là tướng duyên hợp, do nó hợp với nhĩ căn của quí vị, nên có chủng tử gieo vào tàng thức cũng là tướng duyên hợp. Từ duyên này phát ra rồi duyên kia thâu vào, đó đều là tướng duyên hợp, không có một pháp thật. Nếu có pháp thật thì những lời tôi nói ra sẽ thành khối chớ không mất, nhưng khi tôi nói ra rồi quí vị thử tìm xem nó còn không? Nhưng duyên đó lại gắn vào trong tàng thức của quí vị, quí vị có thể ôn lại những ngôn từ đó được, đó là tướng của duyên chớ đâu có một pháp thật. Hiểu như thế, người nghe pháp cũng như người nói pháp đều là tướng duyên hợp chớ không phải thật. Thế nên đức Phật bảo: Nói pháp là không pháp có thể nói, tức là không có pháp thật nào để nói cả, chỉ tùy duyên để đánh thức chúng ta biết các pháp là hư giả, không thật thể. Như thế khi biết các pháp hư giả không thật thể thì nói pháp là phương tiện nói, cho nên không pháp có thể nói ấy gọi là nói pháp. Nếu nói rằng tôi nói cái này một là một, hai là hai, cố định như vậy đời đời kiếp kiếp, đó mới là pháp thật để nói phải không? Như vậy chúng ta phải hiểu rằng tất cả ngôn từ Phật nói ra cũng chỉ là giả danh, tùy duyên. Bởi giả danh nên nó không có thật thể, do đó không có pháp có thể nói mà tùy duyên phát ra nên gọi là nói pháp. Đó là Ngài chỉ thẳng không có pháp để nói.

Đến đây nói về người. Khi ấy ngài Tuệ Mạng Tu-bồ-đề bạch rằng: Vả lại có chúng sanh ở đời vị lai nghe nói pháp này, họ sanh lòng tin chăng? Tại sao đoạn trước nói tôn giả Tu-bồ-đề hay ngài Tu-bồ-đề mà đoạn này lại thêm chữ Tuệ Mạng? Chữ Tuệ Mạng là chỉ cho hàng Thanh văn đã ngộ đạo, các Ngài thấy mạng sống của các Ngài là trí tuệ chớ không phải là tứ đại, các Ngài lấy trí tuệ làm mạng sống nên gọi là Tuệ Mạng. Lẽ ra đức Phật trả lời hoặc họ tin hoặc không tin, tại sao đức Phật bảo: Này Tu-bồ-đề, kia chẳng phải chúng sanh, chẳng phải chẳng chúng sanh. Vì cớ sao? Này Tu-bồ-đề, chúng sanh, chúng sanh ấy Như Lai nói chẳng phải chúng sanh, ấy gọi là chúng sanh. Như thế Phật có trả lời ngài Tu-bồ-đề không? Quí vị nghe thật lạ phải không? Tại sao chẳng phải chúng sanh? Vì không có tự thể. Chúng sanh ấy chẳng qua là tướng duyên hợp không có tự thể, nên nói chẳng phải chúng sanh, nhưng trên tướng duyên hợp thì có, nên nói "Chẳng phải chẳng chúng sanh" tức là chúng sanh. Như vậy câu đầu chẳng phải chúng sanh là để chỉ rõ nó không có tự thể, câu thứ hai chẳng phải chẳng chúng sanh chỉ rằng ấy là tướng duyên hợp giả có. Trên tướng duyên hợp thì giả có chúng sanh, trên tự thể thật của nó thì không có. Kế đến Ngài kết thúc: Vì cớ sao? Tu-bồ-đề, chúng sanh, chúng sanh đó Như Lai nói chẳng phải chúng sanh, ấy gọi là chúng sanh. Vì chúng sanh chỉ là tướng duyên hợp cho nên Như Lai nói chẳng phải chúng sanh, do duyên hợp giả danh gọi là chúng sanh nên nói ấy gọi là chúng sanh. Quí vị thấy cái nhìn của đức Phật với cái nhìn của chúng ta khác nhau chỗ nào? Chúng ta thấy chúng sanh là chúng sanh; đức Phật thấy chúng sanh không phải chúng sanh, ấy mới gọi là chúng sanh.

Nếu chúng ta bắt chước nhìn đúng như đức Phật thì chúng ta cũng giống Phật. Trái lại nếu chúng ta cứ nhìn như từ trước đến nay thì chúng ta không giống Phật chút nào cả. Tôi nhắc lại đức Phật thấy chúng sanh là tướng duyên hợp không có tự thể cho nên không phải chúng sanh, nhưng do duyên hợp nên tạm gọi là chúng sanh. Nếu chúng ta thấy mình và người đều là tướng duyên hợp không có tự thể, không tự thể thì không có ngã. Không có ngã nhưng do duyên hợp nên tạm gọi là ta, là người. Như thế ta và người chỉ là tạm theo duyên mà nói. Nếu nhìn rõ ràng thấu đáo như vậy thì chúng ta đã có trí tuệ gần với đức Phật. Chúng ta muốn làm Phật thì phải chịu khó nhìn như Phật, tại sao mình không chịu nhìn như Phật mà cứ nhìn theo mình mãi? Nếu chúng ta nhìn đúng trí tuệ Phật dạy thì tự nhiên mọi cố chấp đều tan, như thế việc tu hành rất dễ. Trái lại nếu chúng ta cứ nhìn theo cái mê lầm của mình thì tu nhiều công mà kết quả ít. Tỷ dụ như chúng ta thấy mình là thật, người là thật, nghe tiếng nói cũng là thật… Bất chợt có ai nói một câu nghe hơi nặng tai một chút thì chúng ta dễ dằn lòng hay khó? Nếu thấy mình là giả, người giả, ngôn từ cũng giả thì dù họ có nói câu hơi nặng tai, chúng ta cũng bỏ qua vì đó là giả, tức nhiên mình không đè nén gì hết, mà tâm mình tự an, sự tu hành cũng nhẹ nhàng thảnh thơi. Do trí tuệ đi đầu nên chúng ta nhìn đúng với chiều đức Phật nhìn, tức là mình đã tỉnh giác và đã khác hơn phàm phu. Phàm phu nghe câu nói nặng nhịn không nổi, chúng ta nghe mà nhịn nổi vì chúng ta xem nó là hư giả. Đó là thấy đúng lẽ thật, đó là sống bằng trí tuệ, chúng ta buông xả các chấp , đó là tu bằng cách buông nhẹ nhẹ. Còn thấy không đúng lẽ thật thì cố gắng nhẫn nhịn, rốt cuộc càng khổ tâm vì chỉ đè nén đến một mức nào thôi...

Thế nên ở đây đức Phật muốn chỉ cho chúng ta thấy rõ không có người năng thuyết thật, và không có pháp sở thuyết thật, hay nói một cách khác là không có thật người và cũng không có thật pháp. Pháp và người chẳng qua là tướng duyên hợp thôi, đã là tướng duyên hợp thì có gì mà chấp. Chấp người là chấp ngã, nói ra là chấp pháp mà chấp ngã chấp pháp là phải trầm luân ngàn đời. Nay chúng ta thấy rõ chúng sanh không phải là chúng sanh, duyên hợp tạm gọi là chúng sanh, nhớ rõ như vậy thì khi nào ai xúc chạm đến ta, chúng ta cứ nhớ câu trên, tự nhiên mình sẽ nhẹ nhàng. Tất cả pháp còn không thật huống là những lời nói sai quấy. Khi con người sân hận, họ hay thốt ra những lời sai quấy, những lời đó đâu có thật mà chấp. Pháp thượng ưng xả, hà huống phi pháp! Pháp của Phật là pháp cao siêu mà còn phải xả huống là những lời nói phi pháp thì chấp làm gì. Hiểu như thế chúng ta thấy việc tu hành dễ hay khó? Hiện nay chúng ta tu không nổi vì chúng ta chấp những cái phi pháp hoài, nên buồn người này, giận người kia v.v… lỡ ai có một lời nói không tế nhị thì mình tức giận, mất ăn mất ngủ, đó là cái khổ do mình chấp ngôn ngữ, chấp những cái phi pháp. Vậy chúng ta học một đoạn kinh Phật là chúng ta có một kinh nghiệm để tu chớ không phải học suông.

Tóm lại qua lời Phật dạy, chúng ta thấy rõ người hay nói và pháp bị nói đều không thật, khi chúng ta không chấp là thật thì chúng ta phá được chấp ngã và chấp pháp. Ngã và pháp đều phá thì đó là vào hàng Sơ địa Bồ-tát. Thanh văn chỉ phá được chấp ngã chớ chưa phá được chấp pháp. Như hàng Thanh văn thì nói ngã là không nhưng Niết-bàn là có tức là còn kẹt vào pháp, nói bồ-đề là có tức là còn kẹt vào pháp. Chỉ phá được chấp ngã đã gọi là chứng Tứ quả Thanh văn, nếu phá luôn được chấp pháp thì đó là Đăng địa Bồ-tát . Vậy nếu chúng ta chịu khó thực hành thì chắc được phải không? Tôi thấy nếu mình cố gắng thì nhất định phải được, không được là vì mình không cố gắng.

 

ĐOẠN 22 : VÔ PHÁP KHẢ ĐẮC [Mục lục]

Tu-bồ-đề bạch Phật ngôn: Thế Tôn! Phật đắc A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề, vi vô sở đắc da?

Phật ngôn: Như thị, như thị! Tu-bồ-đề! Ngã ư A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề, nãi chí vô hữu thiểu pháp khả đắc, thị danh A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề.

DỊCH : KHÔNG PHÁP CÓ THỂ ĐƯƠÏC.

Ngài Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn, Phật được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác hay là không được ư? Phật bảo: Đúng như thế, như thế! Này Tu-bồ-đề, ta đối với Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác nhẫn đến không có một chút pháp có thể được, ấy gọi là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

GIẢNG :

Quí vị thấy bệnh chấp của chúng ta, từ những cái chấp có mình thật, pháp thật, kế đến là chấp có cái này để được, cái kia để chứng… Trong đoạn này đức Phật phá đến có chứng, có đắc. Ngài Tu-bồ-đề hỏi đức Phật: Thế Tôn có được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác hay là không được? Nếu không được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì đâu gọi là Phật. Tại sao ngài Tu-bồ-đề lại hỏi như thế? Hỏi có được, không được là để xác nhận lại xem có năng đắc và sở đắc hay không? Khi đó đức Phật liền trả lời: Đúng thế, đúng thế! Tu-bồ-đề! Ta đối với Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác không có một ít pháp có thể được, ấy gọi là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Như thế quí vị mới thấy bệnh của chúng ta hiện nay, hoặc là phật tử, hoặc là tăng, ni có tu được chút công phu khi gặp nhau liền hỏi: Lúc này anh chứng được gì rồi? Lúc này huynh được cái gì rồi, thầy được cái gì rồi? Như thế chúng ta cứ mắc kẹt trong cái chứng cái đắc. Nếu có chứng có đắùc nghĩa là có được, một là có người hay được, hai là có pháp bị được. Đoạn trước có nói, không có người nói pháp và không có pháp bị nói thì làm sao có người hay được và pháp bị được. Nếu còn thấy có cái để cho mình được thì không phải là Phật. Thế nên nếu nói có được tức là nói Phật chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, đó là phỉ báng Phật. Tại sao? Nếu Ngài còn thấy có sở đắc thì Ngài còn ngã, còn pháp.

Đức Phật nói: Ta đối Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác cho đến không có một chút pháp có thể được, ấy gọi là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Như vậy Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác là chỗ giác ngộ cứu kính không còn thấy có một chút ngã pháp. Do không còn một chút ngã pháp nào cho nên chứng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Được mà không được! Chỗ này thật khó nói. Đến đây tôi nhớ ngài Hoàng Bá nói rằng: Nếu một hạt bụi chúng ta đập nát ra thành một trăm hạt bụi nhỏ, trong một trăm hạt bụi nhỏ đó, chín mươi chín hạt chúng ta thấy là không, còn một hạt nhỏ xíu, nếu thấy có thì cũng là chưa thấy đạo! Còn một chút xíu mà thấy có là chưa thấy đạo! Một chút xíu mà còn thấy được cũng chưa phải là Phật! Chúng ta hiện nay cái gì cũng muốn được hết, được cái này, được cái kia v.v… Cho nên cứ mải làm chúng sanh! Vì lúc nào chúng ta cũng ôm cái bản ngã to tướng nên thấy các pháp đều là thật , vì vậy muốn được cái này, được cái kia… Do đó khi vào đạo tu hành cũng vẫn nghĩ đến cái được mãi, nghe nói không được thì sanh chán nản vì không hợp với bản ngã. Nhưng quí vị thấy nếu còn mang bản ngã, cho bản ngã là thật làm sao giác ngộ, vì đó là tướng si mê mà! Ở đây Phật chỉ thấu đáo rằng nếu không còn thấy có một chút pháp để được, mới thật giác ngộ đến chỗ vô thượng, không còn gì hơn. Trái lại còn có một chút được là không được, là chưa giác ngộ. Như thế người nào nói tu ba tháng hay bốn tháng hay sáu tháng được cái này, cái kia v.v… thì chúng ta liền biết người đó làm to thêm cái bản ngã. Vậy mà hiện nay thiên hạ hay gạt nhau như thế, vào đạo bằng cách tô điểm cho bản ngã lớn thêm, đó chỉ là chồng chất thêm si mê chớ không phải là dạy đạo. Giác ngộ là phải thấy tận lẽ thật, mà thấy đến lẽ thật thì bao giờ còn một chút mê lầm, dù là một chút xíu thôi, về ngã về pháp cũng là chưa viên mãn giác ngộ. Như vậy chúng ta thấy tu theo đức Phật có vẻ buồn phải không? Tại sao? Bởi vì ở thế gian, sở dĩ chúng ta vui là khi nào chúng ta được nhiều người hoan nghinh, nghĩa là khi được người ta tô điểm, vuốt ve bản ngã. Trái lại lúc bị dìm bản ngã xuống, lúc đó chúng ta buồn, mà ở đây Phật phá không còn một chút nào hết thì không buồn sao được! Nhưng đó là cái buồn của kẻ si mê chớ khi giác ngộ mình sẽ thấy rõ phải mất cái giả đó mới đạt được cái thật. Thiên hạ cứ chết chìm trong cái giả thì đời nào thấy được cái thật! Thế nên đức Phật đập tan cái giả, không cho chúng ta chấp cái giả một chút nào cả để rồi Ngài chỉ chúng ta cái chân thật. Như vậy vào đạo trước hết phải buồn, vì không có những cái tô điểm bản ngã thì dường như buồn, nhưng thật ra phải biết chính đó là niềm vui. Tại sao? Vui vì mình thấy được lẽ thật, vui vì thấy mình qua được cơn si mê mà thế gian đã chôn vùi mình không biết bao nhiêu đời, bao nhiêu kiếp. Nay mình nhảy vọt qua khỏi hầm si mê thì đó là điều đáng mừng, người không biết thì buồn vì mất bản ngã. Như thế chúng ta học đạo là cốt làm sao tự mình thoát ra khỏi cái khổ chìm trong đen tối si mê, và cái vui thoát khỏi cơn si mê là cái vui lớn lao. Người nào biết hưởng cái vui đó là người gần với đạo, còn người nào nghe phá bản ngã sanh ra sợ, buồn thì người đó khó gần được đạo. Thế nên trong nhà Phật thường ví dụ người si mê như con tằm nhả tơ kết thành kén, càng nhả tơ càng kết kén nhốt mình ở trong, rốt cuộc bị bỏ vào chảo nước sôi để người ta kéo chỉ… Người thế gian cũng thế, tự mình chấp ngã, rồi muốn mọi người tô điểm bản ngã của mình, tạo điều này, điều kia đưa bản ngã mình lên… Đó là mình nhả tơ kết kén để chôn mình,cuối cùng bị chôn vùi không thể nào thoát được. Vì thế người học đạo phải là người tỉnh giác. Như tôi thường nói quí vị đến với chúng tôi là chúng ta cùng tìm lẽ thật, mà lẽ thật ngay nơi con người mới là thiết yếu và khi mình thấy được lẽ thật rồi, đó là cái vui cao cả, cái vui của trí tuệ. Người nào vui được như thế, tôi tin rằng có ngày họ sẽ thoát khỏi mê lầm, nếu không được cái vui đó chỉ là học để mà chơi chớ không đi tới đâu cả. Hiểu cho thật rõ như vậy thì khi vào đạo chúng ta phải hiểu bằng trí tuệ, chớ đừng đòi hỏi được sự nuông chiều bản ngã, đừng đòi hỏi những sở đắc, sở chứng, đó là những cái mê muội…

Tuy nói như thế mà Phật có chứng hay không? Bởi vì khi đập tan được cái bản ngã hư giả này thì chừng đó mới sống với cái thể chân thật, đó là chứng, là đắc; nhưng không phải chứng đắc trên cái giả dối tạm bợ mà lâu nay chúng ta mê lầm, chính khi sống được với cái chân thật thì gọi là Phật. Ở đây nói cho đến không có một chút pháp để được ấy gọi là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, nghĩa là không có một chút pháp có thể được nên mới gọi là Phật. Nếu còn có được thì chưa phải là Phật. Qua lời Phật dạy ở đây, chúng ta liền nhìn ra những ai dạy đạo mà đặt nặng sự chứng đắc thì chúng ta biết đó là khó thoát sanh tử. Hiểu như thế thì giả sử có ai nói tôi đã đắc đạo, tôi thành Phật v.v… chúng ta tin được chưa? Đó là trái với đức Phật rồi. Thế nên chúng ta phải dùng kinh của Phật dạy để khỏi lầm, những người đi trong con đường lầm lại chỉ cho chúng ta lầm theo.

 

ĐOẠN 23: TỊNH TÂM HÀNH THIỆN [Mục lục]

Phục thứ Tu-bồ-đề! Thị pháp bình đẳng, vô hữu cao hạ, thị danh A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề. Dĩ vô ngã, vô nhân, vô chúng sanh, vô thọ giả tu nhất thiết thiện pháp tắc đắc A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề. Tu-bồ-đề! Sở ngôn thiện pháp giả, Như Lai thuyết tức phi thiện pháp, thị danh thiện pháp.

DỊCH: TÂM TRONG SẠCH LÀM VIỆC THIỆN.

Lại nữa Tu-bồ-đề, pháp này bình đẳng không có cao thấp, ấy gọi là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Do không ngã, không nhân, không chúng sanh, không thọ giả tu tất cả pháp lành tức được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Này Tu-bồ-đề, nói rằng pháp lành đó, Như Lai nói tức chẳng phải pháp lành, ấy gọi là pháp lành.

GIẢNG :

Tịnh tâm là tâm trong sạch tức là không còn chấp ngã, chấp pháp, lúc đó lại làm lành nữa mới gọi là Phật. Đây đức Phật nói: Pháp này bình đẳng không có cao thấp, ấy gọi là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Bình đẳng không có cao thấp gọi là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Hay nói ngược lại là pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác là tâm bình đẳng không có cao thấp. Bình đẳng là thế nào? Quí vị thử hiểu xem. Như hiện giờ trong giảng đường có một trăm người nhưng trình độ học thức hiểu biết có bình đẳng không? Nếu đem ra đo lường trình độ thì một trăm người này có thể sai biệt nhau vô cùng, kẻ hơn cái này, người thua cái kia… luôn luôn có sai biệt. Như thế trên tâm lượng hiểu biết do học tập được thì tất cả chúng ta có bình đẳng không? Nay tất cả những kiến thức do học được và những kiến thức do kinh nghiệm trong cuộc sống, chúng ta dẹp qua một bên, lặng hết mọi vọng tưởng thì lúc đó chúng ta có nghe, có thấy, có biết, nhưng những cái đó có bình đẳng không? Thế nên pháp này bình đẳng không cao thấp là thế, nghĩa là người nào đến chỗ đó, tức là được bình đẳng, là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Chúng ta học đạo muốn được đạo là chỗ đó. Vì thế đức Phật bảo: Tất cả chúng sanh đều sẽ thành Phật. Nhưng hiện nay sở dĩ chúng ta có thiên sai vạn biệt là do huân tập, chứa chấp không đồng. Cái thiên sai vạn biệt đó là tướng huân tập bên ngoài đem lại, là những chủng tử sanh diệt, chúng ta bám vào đó cho là mình nên bị dẫn đi trong luân hồi sanh tử. Huân tập cái gì nhiều thì sức mạnh của cái đó dẫn đi, gọi là theo nghiệp thọ sanh. Nếu những cái đó chúng ta cho lặng hết, chỉ còn cái tri giác bình đẳng, lúc đó không còn nghiệp nào dẫn chúng ta đi, là giải thoát, là Phật. Thành Phật ngay ở chỗ đó. Như thế quí vị nghĩ ở đây có người nào không có khả năng thành Phật không? Ai cũng có mà chỉ ưng hay không ưng làm thôi. Ai không ưng làm thì cứ làm chúng sanh, còn ai ưng làm thì người đó có ngày sẽ thành Phật. Thế nên đừng trách ai mà phải tự trách mình tại sao không ưng làm Phật, do không ưng làm Phật nên cứ lạy Phật hoài. Nay tất cả những gì Phật đã làm, chúng ta làm theo đúng như vậy thì chúng ta sẽ là Phật. Như thế pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác đã sẵn nơi mình, không người nào thiếu. Người nào còn thấy, còn nghe, còn biết thì người đó có khả năng thành Phật. Nếu tất cả chúng ta buông hết những cái do bên ngoài huân vào thì chỉ còn cái ta chân thật, khi ấy sẽ không còn luân hồi sanh tử, đó là giác ngộ thành Phật, đó là căn bản. Như thế thì không ngã, không nhân, không chúng sanh, không thọ giả, vì đến chỗ bình đẳng thì không còn thấy có mình, có người, không thấy ngã nhân thì không thấy chúng sanh, thọ giả. Tại sao? Vì khi quí vị buông tất cả, vọng tưởng lặng xuống chỉ còn cái chân thật hằng giác hằng tri, cái đó không có niệm dấy lên phân biệt đây là mình, kia là người, cũng không dấy niệm ta là chúng sanh… Chúng sanh là tướng duyên hợp, do các duyên hợp lại mà thành, mà sanh nên gọi là chúng sanh. Cái chân thật đó không phải là tướng duyên hợp nên không phải là chúng sanh, không có chúng sanh thì không có thọ giả tức thọ mạng, không bao giờ sanh thì làm gì có tử mà nói có thọ mạng. Quí vị thấy đến đó là mất hết bốn tướng. Nhưng không phải đến đó rồi không làm gì hết, đến đó lại phải làm tất cả pháp lành, mới là điều đặc biệt. Điều này quí vị nghe cũng khó hiểu. Tại sao đến khi không thấy bốn tướng ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả lại làm lành chi vậy? Tôi ví dụ như một hôm quí vị đi đường, bỗng dưng thấy một người té, người đó không phải là thân, cũng không phải là thù, quí vị liền đỡ họ. Khi quí vị hành động như vậy là do niệm thân thù hay do cái gì? Không có niệm gì hết, thấy họ khổ thì ta giúp. Đó là một ví dụ nhỏ khi mình chưa sạch bốn tướng, huống là khi tất cả chấp ngã, chấp nhân lặng rồi thì các hành động phát ra đều lành hết, cái lành đó là Vô duyên từ, nghĩa là lòng từ không có duyên cớ. Chúng ta hiện nay lòng từ sanh ra đều có duyên cớ. Tỉ dụ hôm nay có một huynh đệ thấy mình thiếu thức ăn, họ đem qua cho mình một đĩa thức ăn, ngày mai mình thấy huynh đệ đó thiếu thức ăn, nếu mình có thì mình đem cho lại, như vậy lòng từ giúp đỡ nhau đó có duyên cớ chớ đâu phải không duyên cớ. Cả khi những người tật nguyền đến xin mình, có khi mình cũng giúp với lòng không có niệm gì hết, nhưng nhiều khi giúp họ mà mình nghĩ là bố thí cho có phước. Nói có phước tức là một lối bỏ ống chớ gì, như vậy cũng là có duyên cớ. Không còn ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả thì lòng từ không có duyên cớ, thấy người khổ là giúp, vì đâu còn thấy có mình có người mà còn có duyên cớ. Chúng ta vì thấy có người có mình nên làm gì cũng qui về bản ngã, hoặc là bản ngã hưởng ngay bây giờ hoặc mai sau hưởng, nên việc làm có duyên cớ, lòng từ có duyên cớ. Đó là để thấy rõ khi tu hành đến đó rồi làm tất cả pháp lành chớ không phải tâm như như rồi không làm gì hết. Nếu không làm chi cả thì Phật đâu có đi thuyết pháp bốn mươi chín năm, Bồ-tát đạt đến đó rồi cũng đem lục độ giáo hóa chúng sanh. Hiểu như thế mới thấy rằng khi đến đó mới có lòng từ không duyên cớ và đó mới là lòng từ chân thật. Còn chúng ta hiện nay lòng từ tuy có, nhưng cũng còn mưu toan tính toán hoặc ít hoặc nhiều. Người đời thường nói: Thấy phơi lúa mới cho mượn gạo, nếu như không thấy họ phơi lúa thì không muốn cho mượn gạo… Chúng ta giúp nhau phần nhiều là thấy người kia có thể giúp lại mình việc gì mai sau, như thế đều là những việc có tính toán cả, tâm đó chưa phải bình đẳng, chưa phải là cứu kính. Phải đến chỗ không còn bốn tướng mà vẫn làm pháp lành đó mới gọi là được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Không còn ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả, tức là những cái giả đó đã phá sạch rồi, đến chỗ như như lại còn hiện thân làm tất cả việc lợi ích cho chúng sanh, như thế mới là Phật.

Nói pháp lành nhưng e chúng ta chấp pháp lành là thật, nên Phật bảo ngài Tu-bồ-đề: Pháp lành đó Như Lai nói tức không phải pháp lành, ấy gọi là pháp lành. Ở thế gian nói thiện nói ác chẳng qua là tướng duyên thôi. Như thế thì nói pháp lành chẳng qua là cái tướng của duyên khởi, không có thật cho nên nói không phải pháp lành, nhưng giả danh tạm gọi là pháp lành. Làm đau khổ chúng sanh gọi là ác, làm an vui chúng sanh gọi là lành. Khi đạt đạo rồi, sống được bình đẳng thì thấy tất cả chúng sanh nào khổ mình giúp, giúp họ được vui tạm gọi là lành, chớ đâu phải thật có một pháp lành. Đó là Tịnh tâm hành thiện, tâm hoàn toàn không còn ngã pháp mà làm lành.

 

ĐOẠN 24 : PHƯỚC TRÍ VÔ TỈ [Mục lục]

Tu-bồ-đề! Nhược tam thiên đại thiên thế giới trung sở hữu chư Tu-di sơn vương, như thị đẳng thất bảo tụ, hữu nhân trì dụng bố thí. Nhược nhân dĩ thử Bát-nhã ba-la-mật kinh, nãi chí tứ cú kệ đẳng, thọ trì độc tụng, vị tha nhân thuyết, ư tiền phước đức bách phần bất cập nhất, bách thiên vạn ức phần nãi chí toán số thí dụ sở bất năng cập.

DỊCH : PHƯỚC TRÍ KHÔNG GÌ SÁNH BẰNG.

Này Tu-bồ-đề, nếu trong tam thiên đại thiên thế giới có các ngọn núi Tu-di chúa, như thế dùng bảy báu nhóm họp bằng những ngọn núi Tu-di ấy có người mang ra bố thí. Hoặc có người đem kinh Bát-nhã ba-la-mật này cho đến bốn câu kệ v.v… thọ trì đọc tụng, vì người khác nói thì phước đức của người này đối với người trước, người này trăm phần, người kia không bằng một, trăm ngàn muôn ức phần cho đến toán số thí dụ cũng không thể bằng.

GIẢNG :

Lại một lần nữa đức Phật so sánh phước đức của người trì kinh Kim Cang. Ngài bảo: Giả sử như trong tam thiên đại thiên thế giới có bao nhiêu ngọn núi lớn Tu-di, có người đem bảy báu như vàng, bạc, lưu ly, pha lê v.v… chất bằng những quả núi Tu-di đó ra bố thí, lại có người ngay trong kinh Bát-nhã ba-la-mật này, cho đến bốn câu kệ, thọ trì, đọc tụng vì người nói thì phước của người này được một trăm phần, còn phước của người bố thí bảy báu đó không được một phần, cho đến người này được trăm ngàn muôn ức phần, người kia cũng không được một phần. Như thế để nói phước của người thọ trì đọc tụng và vì người nói kinh Kim Cang hơn phước của người kia không thể tính kể. Tại sao thế? Quí vị thấy thọ trì bốn câu kệ kinh Kim Cang có khó không? Đọc tụng rồi vì người nói thì đâu có gì cực nhọc lắm. Tôi xin hỏi: Giả sử gom hết những ngọn núi trên nước Việt Nam mình thì khối lượng đó bao lớn? Chúng ta có vàng, bạc, lưu ly, pha lê v.v… bằng khối lượng đó đem ra bố thí thì quí vị nghĩ xem có nhiều không? Độ chừng bao nhiêu đời, bao nhiêu kiếp, chúng ta tích tụ được vàng bạc, của báu bằng những ngọn núi đó? Thật không biết đời kiếp nào mà kể. Giả sử như ngay ngọn núi lớn Vũng Tàu, chúng ta phải làm trong bao nhiêu đời để có vàng đầy ngọn núi này, huống nữa là vàng bạc bằng bao nhiêu ngọn Tu-di để đem ra bố thí. Thế mà phước không bằng người thọ trì đọc tụng và vì người nói kinh Kim Cang. Đối với kinh này, thọ trì đọc tụng vì người khác nói chỉ bốn câu kệ thôi, mà phước của người này một trăm phần, người kia không được một phần. Như thế quí vị chọn việc nào? Thọ trì bốn câu kinh Kim Cang ngay đời này chúng ta làm được không? Còn đem của báu bằng ngọn núi lớn, núi nhỏ Vũng Tàu ra bố thí thì bao nhiêu đời chúng ta làm được? Việc nào dễ làm? Việc thọ trì đọc tụng bốn câu kệ kinh Kim Cang xem ra không khó phải không? Thế tại sao chúng ta không ưng làm việc đó? Muốn thọ trì, đọc tụng bốn câu kệ kinh Kim Cang, quí vị nhớ xem phải làm sao?

Nếu nói kệ, trong kinh Kim Cang có hai bài, một bài nói:

Nhược dĩ sắc kiến ngã,
Dĩ âm thanh cầu ngã,
Thị nhân hành tà đạo,
Bất năng kiến Như Lai.
Hoặc bài cuối:
 
Nhất thiết hữu vi pháp,
Như, mộng, huyễn, bào, ảnh,
Như lộ diệc như điện,
Ưng tác như thị quán.

Hai bài đó quí vị đọc trong bao lâu thì thuộc? Một lát thôi. Trì chừng bao lâu? Nhẹ thật là nhẹ phải không? Vừa nhẹ lại vừa dễ mà tại sao chúng ta không làm? Nhưng tôi xin nhắc lại: Thọ là nhận, trì là giữ, nhận giữ mãi trong lòng gọi là thọ trì, và lâu lâu đọc tụng, giảng nói cho người khác nghe… Nhưng nhận giữ như thế nào? Như tôi đã nói: Phật thấy tất cả chúng sanh không phải chúng sanh, do duyên hợp nên gọi là chúng sanh. Nếu chúng ta luôn luôn thấy như vậy, thấy mình, thấy người đều biết rõ là tướng duyên hợp không thật, do duyên hợp nên tạm gọi là ta, luôn biết như thế là trì kinh Kim Cang. Như vậy có khó không? Quí vị thấy khó ư? Lúc nào, đi đâu cũng cứ như thế mà thọ trì, luôn luôn thấy rõ như thế, không phút giây nào lầm. Thọ trì như thế, quí vị từ con người phàm dần dần thành Thánh. Vậy tại sao không chịu thọ trì? Làm Thánh thì ưng mà thọ trì như thế thì không chịu. Quí vị hiểu tại sao không? Tại vô minh cứ che hoài, mới vừa nhớ một chút, kế lại quên, thấy ta thật, người thật, cái chi cũng thật, chớ nếu hằng nhớ, hằng thấy như lời Phật dạy, thấy mình là duyên hợp hư giả, người là duyên hợp hư giả thì quí vị nghĩ còn gì mà sân si, còn gì mà tham lam! Chỉ bao nhiêu đó thôi mà đã gần bậc Thánh rồi, huống nữa là đầy đủ bốn câu! Thế nên việc đó thật ra không phải là khó, nhưng vì chúng ta mê nên quên mãi…

Có nhiều người đến hỏi chúng tôi: Quí thầy ở đây lâu năm tu hành như thế nào? Tôi đáp: Chỉ có bài kinh Bát-nhã mà đọc hoài không thuộc, cứ quên tới, quên lui! Ở đây Phật nói ngắn hơn, chỉ bốn câu kệ thôi mà vẫn không thuộc. Nghĩa là ở đây coi như thuộc, bước ra khỏi chùa là hết thuộc, vì vừa ra khỏi là tính mai làm gì, mốt làm gì v.v… tính một hồi là quên mất câu kinh… Thế nên tất cả chúng ta đều quên, quên mãi, mà quên đó là mê. Vì thế đức Phật chỉ thật là kỹ: Dù cho chúng ta đem bao nhiêu của báu bố thí cũng không bằng trì bốn câu kinh Kim Cang. Ứng dụng thọ trì bốn câu kinh Kim Cang là phước hơn làm ra bao nhiêu của báu để bố thí. Thật ra nếu chúng ta nhận được lý đó để sống, tự nhiên chúng ta chuyển cả cuộc đời mình, chuyển từ cái thân giả dối trở lại cái chân thật. Còn bố thí của cải dù nhiều bao nhiêu đi nữa, sau này sanh ra mình hưởng, nhưng cũng vẫn ở trong sanh diệt. Thế nên khéo trì kinh Kim Cang là đã chuyển mê thành ngộ, bỏ thân luân hồi sanh diệt trở về cái vô sanh, như thế phước đức không gì sánh bằng.


Lời đầu sách | Lược khảo | Phần 1-8 | 9-17 | 18-24 | 25-32

 


Cập nhật: 7-6-2001

Trở về thư mục "Kinh điển"

Đầu trang