Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
QUAN ĐIỂM PHẬT GIÁO VỀ NỮ GIỚI –
SO SÁNH LUẬT TỲ KHEO VÀ TỲ KHEO NI  DỰA TRÊN GIỚI BỔN TIẾNG HOA
Nguyên tác: Tỳ-kheo-ni In Young Chung

Phần I:  Ba-la-di (Pārājika-dharmā)

*******

Sự phân loại các giới trong Luật Tứ phần  và trong Luật Pāli  được sắp xếp theo thứ tự từ nặng đến nhẹ. Trong đời sống xuất gia của Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni, tội Ba-la-di là tội nặng nhất. Bà I. B. Horner giải thích thuật ngữ pārājika  như sau:

“Ý kiến của Burnouf (cũng được Childers và các học giả khác chấp nhận) cho rằng pārājika xuất phát từ ngữ căn para + aj, có nghĩa là tội buộc phải trục xuất hay khai trừ khỏi cộng đồng Tăng đoàn. Theo văn phạm học, từ pārājika hay paraji có thể xuất phát từ ngữ căn Para cộng với aj . Nhưng đối với tôi, dùng nghĩa “bị thất bại” dường như đáng tin tưởng hơn là nghĩa “trục xuất” và mặc dù trong văn học Vệ-đà ngữ căn aj nghĩa là “tẩn xuất”, nhưng nghĩa này không được xem như là nghĩa gốc trong Pāli.[1]

E. J. Thomas nói: “Ngài Phật Âm (Buddhaghosa, còn được dịch nghĩa là Phật Minh) giải thích từ pārājika là “sự thất bại” hoặc “đau thương”, và trường phái Căn Bản Nhất Thiết Hữu Bộ (Mūlasarvastivāda) cũng giải thích như vậy, nhưng bản sớ giải sớm nhất [2] của Luật Bộ không đưa ra một gợi ý nào về ý nghĩa này.” [3]

Trong phần giải thích thuật ngữ Ba-la-di, tiếng Hoa là “po luo yi fa” (ba-la-di pháp) Tứ Phần Luật giải thích như thế này: nếu một  vị Tỳ-kheo [hay Tỳ-kheo-ni] phạm tội Ba-la-di thì vị Tăng [Ni] ấy được xem như là “đã bị cắt đầu.” Người phạm giới hoàn toàn đánh mất đời sống tu sĩ, không còn được sống chung với các vị Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo-ni thanh tịnh nữa. [4] Trong tụ Ba-la-di, Tỳ-kheo-ni có thêm 4 giới nữa liên quan đến hành vi dâm dục. Nếu một Tỳ-kheo nào phạm một trong những tội  thuộc tụ Ba-la-di thì vị ấy bị trục xuất ra khỏi Tăng đoàn. Một Tỳ-kheo-ni phạm một trong những tội thuộc tụ Ba-la-di thì cách xử phạt cũng giống như vậy. Tuy nhiên, kết quả  việc vi phạm giới dâm dục của Tỳ-kheo-ni có thể dẫn đến cô ấy bị mang thai, vì Tỳ-kheo-ni vốn có khả năng sinh sản. [5] Vì lý do này 4 giới thêm vào liên hệ đến vấn đề dâm dục trong tụ Ba-la-di của Tỳ-kheo-ni là các giới rất nghiêm trọng. Các giới Ba-la-di được trình bày như dưới đây:

Người dịch tạm đặt các mặc ước cho các giới sau: Thứ nhất là các số thứ tự; kế đến là nội dung của giới,[6] thứ 3 là trật tự của giới Tỳ-kheo tương đương [7] được để trong ngoặc vuông […] nếu có.

1. Cấm dâm dục [1].

2. Cấm trộm cắp [2].

3. Cấm sát sanh [3].

4. Cấm nói láo khoe mình chứng đạt Thánh quả [4].

5. Cấm đụng chạm đến người nam có tâm nhiễm ô. [8]

6. Cấm làm tám việc [9] chung cùng với người nam có tâm nhiễm ô.

7. Cấm bỏ qua hoặc che dấu  tội trọng của một Tỳ-kheo-ni khác.

8. Cấm a tùng theo một Tỳ-kheo phạm tội bị giáng cấp sau khi khuyên răn 3 lần. [10]

Như vậy, bốn giới đầu cả Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni đều có nội dung như nhau. Bốn giới sau (5, 6, 7 và 8) thêm vào cho Tỳ-kheo-ni. Nếu Tỳ-kheo-ni (Tỳ-kheo) nào vi phạm một trong các giới trong tụ Ba-la-di thì không thể nào phục hồi được và buộc phải khai trừ vĩnh viễn ra khỏi Tăng đoàn.[11] Hai giới (5 và 6) thêm vào của Tỳ-kheo-ni đề cập đến các tội tình dục, giới thứ 7 liên quan đến vấn đề che dấu tội phạm Ba-la-di của một Tỳ-kheo-ni khác, và giới thứ 8: a tùng với một vị Tỳ-kheo đã bị Tăng đoàn cử tội. Vì chưa đủ kiến thức về quan điểm của Phật giáo đối với phụ nữ, một số người nghĩ rằng 4 giới được chế định thêm vào cho Tỳ-kheo-ni vì lòng tham ái của phụ nữ khó kiềm chế được.

Một học giả Phật giáo Triều Tiên, Jung-shu Han phê bình các giới trong tụ Ba-la-di của Tỳ-kheo-ni: “Chúng ta nên hiểu những lý do tại sao mà đức Phật từ chối việc thành lập Ni đoàn và chế đặt thêm 4 giới cho Tỳ-kheo-ni trong tụ Ba-la-di này. Vì lòng tham dục của Tỳ-kheo-ni rất nhiều và khó điều phục, họ có liên hệ tình dục với cư sĩ, với những người không phải là Phật tử và ngay cả các Tỳ-kheo. Do đó, họ tạo ra các vấn đề rắc rối trong Tăng đoàn và làm mất đi sự thanh tịnh của giáo pháp trong thời đức Phật.” [12]

Tuy nhiên, Richard F. Gombrich chỉ ra: “Một điều đáng chú ý là đức Phật không theo các quan niệm đang thịnh hành trong truyền thống  Ấn Độ và các nơi khác, cho rằng lòng tham dục là tội của phụ nữ và dâm dục là kết quả của sự cám dỗ của người nữ đối với người nam…. Điều quan trọng hơn là bài kinh nói về lòng tham dục của người nam đối với người nữ và của người nữ đối với người nam đều như nhau.[13]

Gross cũng nói: “Ðiều đáng chú ý ở đây, nhiều nhà sớ giải hiện đại đều nhận ra rằng một trong những mối quan tâm lớn về giới luật Tăng đoàn là phải tách biệt chư Tăng và chư Ni để giữ gìn đời sống phạm hạnh. Chỉ có một vài trường hợp ngoại lệ Tăng hoặc Ni lôi cuốn lẫn nhau. Điều trở ngại thật sự là mối quan hệ giữa người xuất gia và cư sĩ.” [14]

Nagata Mizu lại xác nhận thêm lý do thực tế của hai giới thêm vào (5 và 6) liên hệ đến việc cấm dâm dục của Tỳ-kheo-ni. Ông nói các điều luật này cấm Tỳ-kheo-ni xúc chạm đến thân thể của nam giới vào bất cứ lúc nào, vào bất cứ tình huống nào, vì Tỳ-kheo-ni có khả năng sinh sản, mà sự sinh sản đi ngược lại với đời sống xuất gia.[15]

Tứ Phần Luật  không trình bày chi tiết lý do tại sao giới Ba-la-di thứ 7 của Tỳ-kheo-ni được chế ra. [16] Tuy nhiên, bản Luật Pāli có trình bày một sự kiện lịch sử lý do tại sao giới này được chế định. Tỳ-kheo-ni Sundarīnandā có quan hệ ái dục với nam cư sĩ Sāḷha, cháu nội của  Migāra, và cô bị mang thai. Sau khi cô không thể che dấu được nữa, cô buộc phải ra khỏi Tăng đoàn. Chị của cô là Thullanandā che dấu tội của Sundarīnandā mặc dù cô biết Sundarīnandā phạm tội Ba-la-di. Do đó, mặc dù điều luật thứ 7 của Ba-la-di thoáng nhìn qua dường như để đề cập tội che dấu, nhưng nó cũng chỉ ra mối liên hệ đến vấn đề tình dục giữa nam và nữ. [17]

Mặc dù đức Phật chế định các giới là Tỳ-kheo-ni phải học giáo pháp (dharma)  với các vị Tỳ-kheo được Tăng đoàn chỉ định [18], Ngài cũng chế giới thứ 8 để bảo vệ cho chư Tỳ-kheo-ni không bị một Tỳ-kheo không có phẩm hạnh lạm dụng. Giới này có thể là dư tàn của Ni đoàn vào thời kỳ đầu, khi một số Tỳ-kheo-ni bị các Tỳ-kheo đã trục xuất ra khỏi Tăng đoàn sai khiến.[19] Những giới luật thêm vào cho Tỳ-kheo-ni trong tụ Ba-la-di có vẻ không đồng nhất, nhưng chúng ta thấy sự kiện lịch sử   để chế các giới này phần lớn có liên quan đến các tội ái dục. Giới thứ 8 là một trong các giới quan trọng nhất của đời sống phạm hạnh của Tỳ-kheo-ni, tuy nhiên, phạm giới này chưa kết nhận là tội nếu chưa được khuyên đến lần thứ ba. Chatsuman Kabilsingh nhận xét giới thứ 8 như sau:

“Một điều lạ là cấu trúc của giới thứ 8 của tụ Ba-la-di khác với những giới còn lại trong tụ này. Một vị Tỳ-kheo-ni bị xem là phạm giới này chỉ sau khi khuyên đến lần thứ 3, cách kết tội này gống như tội Tăng-già-bà-thi-sa hơn là tội Ba-la-di. Cũng có thể nó được lấy từ Tăng-già-bà-thi-sa chăng? Nếu trường hợp đó đúng thì sự chuyển đổi này phải xảy ra ở giai đoạn rất sớm trước khi phân phái, vì các bộ luật của các trường phái đều có giới này. [20]

Nagata Mizu tán thành rằng nếu một vị Tỳ-kheo-ni phạm tội có liên hệ đến vấn đề tình dục, vị Ni ấy buộc phải rời khỏi Ni đoàn. Hơn nữa, kết quả của việc phạm tội có thể làm cô mang thai, và điều này tạo ra vấn đề rắc rối hệ trọng cho Tăng đoàn cũng như cho cá nhân. Ngược lại, nếu một vị Tỳ-kheo vi phạm đến các vấn đề tình dục, sự hành phạt của tội có thể chỉ bị khắc khoải trong thâm tâm của vị Tỳ-kheo ấy thôi. [21]

Nhờ khảo sát tỉ mỉ khi nghiên cứu, đối chiếu với các giới trong tụ Ba-la-di của Tỳ-kheo-ni và Tỳ-kheo, chúng ta thấy rằng 4 giới của tụ Ba-la-di thêm vào của Tỳ-kheo-ni thật sự chỉ đề cập đến các vấn đề tình dục. Dường như đức Phật hết sức quan tâm, đề phòng kỹ càng cho đời sống thanh tịnh của Tỳ-kheo-ni hơn Tỳ-kheo, và để bảo vệ an toàn hơn đối với hành vi tham ái cho Tỳ-kheo-ni bởi vì họ vốn có khả năng sinh sản. [22] Như Nagata Mizu khẳng định những kết quả của việc phạm tội dâm của Tỳ-kheo-ni có thể khác xa với các kết quả phạm tội dâm của Tỳ-kheo. Kết quả phạm tội dâm của Tỳ-kheo-ni không chỉ đơn giản là họ bị khai trừ ra khỏi Tăng đoàn,  mà họ còn phải cưu mang bổn phận phải sinh sản và làm mẹ  .

 



[1] Sacred Buddhist Books. Tập X. p. xxvi.

[2] Bản sớ giải này nguyên tác viết bằng Pāli: Sāmantapāsādikā   của Ngài Phật Âm viết vào khoảng thế kỷ thế V TL. Bộ sớ giải này chưa được dịch sang tiếng Anh và tiếng Việt (ghi chú của người dịch).

[3] E. J. Thomas, The History of Buddhist Thought (New York: Alfred A. Knopf, 1933), p. 16.

[4] Ðại Chánh Tạng, Tập XXII, p. 571.

[5] Điều này người dịch không hoàn toàn chấp nhận với ý kiến của tác giả. Vấn đề vi phạm trọng giới dâm dục còn ảnh hưởng rất nặng đến đời sống tâm linh của  người nữ cho kiếp hiện tại và trong nhiều kiếp sau, chứ không đơn giản chỉ có vấn đề mang thai. Hơn nữa, hiện nay có rất nhiều cách để ngừa thai. (ý kiến của người dịch)

[6] Ðại Chánh Tạng,  Tập XXII, pp. 714-718. 1031-1032. Bảng liệt kê này và các bảng liệt kê tiếp theo là bản dịch của tác giả từ tiếng Hoa. Nếu độc giả muốn tìm hiểu đầy đủ các giới luật của Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni nên đọc trong Luật tạng.

[7] Ðại Chánh Tạng, Tập XXII, pp. 568-579. 1015-1016.

[8] Người có tâm nhiễm ô: người có nhiều ham muốn nhục dục.

[9] Tám việc (Ðại Chánh Tạng, Tập XXII, p. 715) là: 1. Cầm tay người nam; 2. Ðụng chạm y phục người nam; 3. Cùng vào chỗ kín với người nam; 4. Ðứng với người nam; 5. Nói chuyện với người nam; 6. Cầm nắm tay chân của người nam; 7. Hẹn hò cùng đi; 8. Hẹn hò đến chỗ gặp.

[10] Giới này được áp dụng cho người vi phạm sau 3 lần khuyên.

[11] Ðại Chánh Tạng, Tập  XXII, pp. 571. 1015-1016.

[12] Muk-dam Kuk and Jung-shup Han, Pulgyo kyeyul haesol (A Translation and Commentary on the Chinese Bhikṣu and Bhikṣuṇī Sse fen lu) (Seoul: Ihwa Munhwasa, 1987), pp. 136-137.

[13] Richard F. Gombrich, pp. 104-105.

[14] Gross, p. 45.

[15] Nagata Mizu, "A View of Women in the Bhikṣuṇī-Vinaya," in Journal of Indian and Buddhist Studies (Indogaku Bukkyogaku Kenyu) Vol. 54 (Tokyo: University of Tokyo, 1978), p. 708.

[16] Ðại Chánh Tạng, Tập XXII, pp. 716-717.

[17] Sacred Buddhist Books. Tập XIII, pp. 165-168.

[18] Xem giới 140 và 141  của tụ Ba-dật-đề đối với  các Tỳ-kheo-ni.

[19] Mizu, p. 708.

[20] Kabilsingh, p. 54.

[21] Mizu, p. 708.

[22] Theo người dịch, đức Phật là bậc toàn trí, Ngài có thể nhìn thấy vấn đề xa rộng hơn, đó là các tâm lý ái nhiễm của giới nữ khi sa ngã vào ái tình.  Sư cô In Young Chung nêu những nguyên nhân trên, thiết nghĩ chỉ là vấn đề bên ngoài mà thôi (chú thích của người dịch).


Giới thiệu | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | Lời người dịch

 


Vào mạng: 1-6-2002

Trở về thư mục "Kinh điển"

Đầu trang