Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
Quan niệm giải thoát
trong Phật giáo & Gia-tô giáo
Trần Chung Ngọc

Trong cuốn Bước Qua Ngưỡng Cửa Hi Vọng (Crossing The Threshold of Hope), Giáo hoàng John Paul II (JP II) đã có nhiều nhận xét sai lầm về Phật Giáo. Riêng về giáo lý giải thoát, JP II đã đưa ra một nhận định như sau:

"Tuy nhiên, cần phải nói ngay rằng giáo lý giải thoát của Phật Giáo và Ki-Tô giáo đối ngược nhau."

(Nevertheless, it needs to be said right away that the doctrines of salvation in Buddhism and Christianity are opposed. p.85)

Nhận định trên của JP II có lẽ chỉ đúng trên mặt văn tự, và theo một nghĩa rất hẹp, vì tôi không tin rằng JP II đã nắm vững được giáo lý giải thoát của Phật Giáo. Thật vậy, giáo sư Phật học Ken Tanaka, linh mục gia tô Thomas Hand, và Thiền sư Alan Senauke, đều có chung một nhận xét: JP II không đủ kiến thức về Phật Giáo nên đã đưa ra những nhận định sai lầm nghiêm trọng về Phật Giáo. Và, dựa trên những lời phê phán sai lầm về Phật Giáo của JP II như: "bi quan, xa lánh cuộc đời, tiêu cực," và vô nghĩa hơn nữa, "một thuyết cứu rỗi qua Giê-Su Ki-Tô tiêu cực" (negative soteriology), thì chúng ta thấy rằng sự đối ngược trong giáo lý giải thoát của Phật Giáo và Ki Tô giáo mà JP II nêu trên đã được dẫn xuất từ một quan điểm đặc thù Gia-Tô và từ những nhận xét sai lầm về Phật Giáo, chứ không phải là sự đối ngược về căn bản triết lý, suy lý, và thực nghiệm. Cho nên, để cho vấn đề được sáng tỏ, tôi xin viết một bài khảo luận nho nhỏ về quan niệm giải thoát trong Phật Giáo và Gia-Tô Giáo. Bài phân tích này dựa phần lớn vào những tài liệu hiện hữu, vào kinh điển Phật Giáo và Thánh Kinh Gia Tô, và nhất là dựa vào sự suy lý trong ánh sáng của luận lý học (logic), của khoa học và những hiểu biết thông thường (common sense). Tuy nhiên, tôi cần phải nói rõ một điều: Bài khảo luận này không phải là một bài thuộc môn học so sánh các tôn giáo, lại càng không phải là một bài so sánh giáo lý Phật Giáo và Gia Tô Giáo để phân định đúng sai, hay dở. Chúng ta không thể nào so sánh, hay nói khác đi, lấy một giáo lý làm chuẩn để phê phán một giáo lý khác, điều mà John Paul II đã làm khi viết cuốn Crossing The Threshold of Hope, vì từ tinh thần, triết lý cho tới các phương pháp hành trì, các tôn giáo đều khác nhau. Bài này chỉ có mục đích duy nhất là trình bày khách quan những sự khác biệt căn bản trong giáo lý giải thoát của Phật Giáo và Gia Tô Giáo, những mâu thuẫn tự tại trong các giáo lý này, nếu có, để cho bạn đọc có thể có một ý niệm rõ ràng hơn về vấn đề giải thoát trong hai tôn giáo.

Chúng ta đã biết rằng Gia Tô Giáo là một đạo cứu rỗi (Salvation Religion), và Phật Giáo là đạo Giác Ngộ (Religion of Enlightenment). Sự khác biệt này hết sức quan trọng nếu chúng ta muốn đi sâu vào vấn đề giải thoát trong mỗi tôn giáo.

Nói một cách ngắn gọn, thì sự giải thoát trong Gia Tô Giáo là sự "giải thoát khỏi tội qua một Đấng Cứu Rỗi" (Salvation from sin through a Savior). Giáo lý giải thoát này được đặt căn bản trên một số tín điều mà các tín đồ Gia Tô phải tin, và đức tin này là tuyệt đối, không có bàn cãi, suy luận, hoặc hiểu. Thí dụ, trong cuốn Crossing The Threshold of Hope, John Paul II đã đưa ra một số tín điều như: "Thánh Phao Lồ ý thức thâm sâu rằng Chúa Ki-Tô là căn nguyên, là tuyệt đối.", "Chúa Ki-Tô là bí tích của Thiên Chúa vô hình", "Giáo Hoàng là một bí nhiệm" và khẳng định: "Điều mặc khải này dứt khoát, con người chỉ còn có thể hoặc chấp nhận, hoặc chối bỏ." Cho nên các tín đồ Gia Tô chỉ còn có việc tin và tuân phục Giáo Hoàng. Lý trí hay khả năng suy luận của con người trở nên thừa thãi, vì không cần dùng đến trong một đức tin thuộc loại trên. Muốn được giải thoát, một tín đồ Gia Tô phải tin vào nhiều tín điều lắm. nhưng đại cương thì đức tin Gia Tô gồm có những tín điều chính trong Kinh Tin Kính của các Tông đồ (Apostle’s Creed):

1. Tin rằng có một vị Thần, được coi là Đấng Toàn Năng, Toàn Trí, Toàn Thiện, đã tạo dựng ra thế giới chúng ta đang sống, được coi là thế giới duy nhất, và loài người. Từ tín điều này, con người phải tin rằng Adam và Eve là Nguyên Tổ của loài người, có thể vì không muốn suốt đời bị ngu đần, không biết thế nào là phải là trái, nên cưỡng lời Thần ăn trái cây trên Cây Hiểu Biết để cho sáng mắt ra, biết thế nào là phải trái, nên bị coi là sa ngã gây thành tội Tổ Tông mà các thế hệ loài người cho tới ngày tận thế đều vướng phải cái tội tổ tông này và bị luận phạt.

2. Tin rằng Giê-Su (Jesus Christ) , một nhân vật lịch sử sống trong thời thống đốc Pontius Pilate, là người con duy nhất của Thần Gia Tô. , được phái xuống trần làm đấng cứu thế, để những người tin vào Người sẽ không bị luận phạt, được sống đời đời, lẽ dĩ nhiên sau khi chết.

3. Tin ở thuyết Chúa Ba Ngôi: Cha , Con và Thánh Ma (Holy Ghost) đều là một.

4. Tin rằng Giê-Su được sinh ra từ một trinh nữ (Virgin Birth) do phép Chúa Thánh Thần làm cho mang thai

5. Tin rằng Giê-Su đã chịu đóng đinh trên Thập giá để chuộc tội cho những ai tin người, chết xuống ngục tổ tông nhưng sống lại sau ba ngày, và sau đó bay lên trời ngồi bên phải Chúa Cha.

6. Tin rằng Giê-Su sẽ trở lại thế gian để phán xét và luận tội mọi người. Người nào tin Giê-Su thì được lên Thiên Đường, người nào không tin sẽ bị vĩnh viễn đầy hỏa ngục.

  1. Tin rằng giáo hội Gia Tô là hội Thánh
  2. Tin ở phép tha tội và tin xác chết loài người ngày sau sống lại

Trong khuôn khổ một bài báo hiển nhiên tôi không thể luận về những tín lý trên. Điều này đã có rất nhiều nhà Thần Học và các học giả chuyên về tôn giáo làm rồi. Tôi sẽ luận về từng điểm một trong Kinh Tin Kính ở một nơi khác. Ở đây tôi chỉ bình luận về vài điểm dựa theo những hiểu biết mới nhất hiện nay về tín ngưỡng Gia Tô Giáo.

Thực ra thì bây giờ không còn mấy người thực sự còn tin ở thuyết sáng tạo: thế giới hiện hữu là do một vị Thần tạo ra trong 6 ngày rồi nghỉ ngày thứ bảy. Tất cả những khám phá mới nhất của khoa học: từ căn nguyên của vũ trụ, cấu hình của vũ trụ cho tới tuổi của vũ trụ và loài người, thứ tự xuất hiện các sinh vật và thực vật v...v.. trên thế giới, đều hoàn toàn không phù hợp với những điều mô tả trong chương Sáng Thế của Thánh Kinh, chưa kể là những người viết Thánh Kinh, được coi là viết theo lời mặc khải của Thần, hoàn toàn mù tịt về vật lý, thiên văn, sinh học, địa chất học v...v..., và nhất là rất kém về phương diện đạo đức.

Robert Ingersoll, một tư tưởng gia lỗi lạc của Mỹ đã viết từ ngay cuối thế kỷ thứ 19 là:

"Có một người thông minh nào trên thế giới còn tin ở chuyện Vườn Eden (nơi Adam và Eve sa ngã. TCN)? Nếu anh thấy ai còn tin như vậy, hãy gõ lên trán họ, anh sẽ nghe thấy một tiếng vang" (có nghĩa là đầu óc những người này rỗng tuếch.TCN)

(Is there an intelligent man or woman now in the world who believes in the Garden of Eden story? If you find any man who believes it, strike his forehead and you will hear an echo.)

Thực ra, tòa Thánh Vatican và các giới chức lãnh đạo Gia Tô gần đây đã gián tiếp công nhận thuyết Big Bang nhưng lẽ dĩ nhiên đa số tín đồ kém hiểu biết đâu có biết tới điều này. Hơn nữa, đối với đám giáo dân đông đảo này Tòa Thánh vẫn chính thức rao truyền cho giáo dân phải tin vào thuyết sáng tạo. Tại sao vậy? Trước khi trả lời câu hỏi này chúng ta cần phải biết rõ một sự kiện:

Trong cuốn A Brief History of Time, Stephen Hawking, một vật-lý gia sáng danh nhất hiện nay về những thuyết vũ trụ của ông ta, đã kể như sau:

"Năm 1981, khi dự một cuộc hội thảo về vũ trụ học do các Cha dòng Tên tổ chức ở Vatican, tôi lại quan tâm tới vấn đề nguồn gốc và số phận của vũ trụ. Giáo hội Gia Tô đã phạm phải một sai lầm lớn đối với Galileo khi đặt luật lệ tôn giáo trên một vấn đề khoa học, tuyên bố là mặt trời quay xung quanh trái đất. Nay, nhiều thế kỷ sau, giáo hội quyết định mời một số chuyên gia để cố vấn cho họ về vũ trụ học. Cuối cuộc hội thảo, các tham dự viên được hội kiến với Giáo Hoàng. Ông ấy bảo chúng tôi rằng có thể nghiên cứu về sự tiến hóa của vũ trụ sau sự nổ bùng lớn (big bang), nhưng không nên tìm hiểu về chính sự bùng nổ lớn vì đó là lúc Sáng Tạo, do đó là tác phẩm của Thần. Tôi rất mừng vì ông ta không biết đề tài mà tôi mới trình bày trong cuộc hội thảo - có thể là miền không-thời-gian hữu định nhưng không có biên giới, nghĩa là không có lúc đầu, không có lúc Sáng Tạo."

(In 1981 my interest in questions about the origin and fate of the universe was reawakened when I attended a conference on cosmology organized by the Jesuits in the Vatican. The Catholic Church had made a bad mistake with Galileo when it tried to lay down the law on a question of science, declaring that the sun went around the earth. Now, centuries later, it had decided to invite a number of experts to advise it on cosmology. At the end of the conference the participants were granted an audience with the Pope. He told us that it was all right to study the evolution of the universe after the big bang, but we should not inquire into the big bang itself because that was the moment of Creation and therefore the work of God. I was glad then that he did not know the subject of the talk I had just given at the conference - the possibility that space-time was finite but had no boundary, which means that it had no beginning, no moment of Creation.)

Chúng ta nên để ý rằng, khi mà Giáo Hoàng "cho phép" các khoa học gia tìm hiểu về sự tiến hóa của vũ trụ sau sự nổ bùng lớn thì ngài đã thừa nhận là vũ trụ sinh ra từ một "big bang". Và như vậy là phủ nhận sự hiện hữu của Thần Gia Tô, vì "big bang" chẳng qua chỉ là sự nổ bùng của một dị điểm vô cùng nóng, vô cùng đặc. (Big bang is nothing else but the explosion of an infinite hot, infinite dense singularity). Sự bùng nổ này đột nhiên xảy ra và xảy ra trong một phần của một giây đồng hồ, cho nên khi Giáo Hoàng bảo "không nên" tìm hiểu về chính hiện tượng big bang, vì đó là lúc Thần sáng tạo, thì ngài cũng chỉ nói cho vui và để cho Ngài nghe thôi, vì ai cũng hiểu rằng hiện tượng big bang không thể nào phù hợp với thuyết sáng tạo trong Thánh Kinh theo đó Thần tạo ra vũ trụ trong 6 ngày. Nhưng tại sao Tòa Thánh lại vẫn duy trì thuyết sáng tạo trong Thánh Kinh và ngay trong cuốn Bước Qua Ngưỡng Cửa Hi Vọng Giáo Hoàng vẫn khẳng định thuyết sáng tạo? Chúng ta hãy nghe G.W. Foote giải thích trong cuốn Những Chuyện Hư Cấu Trong Thánh Kinh (Bible Romances):

"Trong mọi nước theo Ki-tô giáo, quần chúng được dạy từ thưở nhỏ rằng Thần tạo ra vũ trụ trong 6 ngày và rồi nghỉ ngày thứ bảy. Nhưng mọi học sinh đều biết rằng thuyết này hoàn toàn sai, mọi khoa học gia coi thuyết này như là vô nghĩa, và giới giáo sĩ có học cũng đã bắt đầu giải thích khác đi. Nhưng họ phải giữ thuyết Sáng Tạo theo một nghĩa nào đó vì hai lý do chủ yếu. Thứ nhất, thuyết này đứng ngay trên ngưỡng cửa của Thánh Kinh, và nếu thuyết này chỉ là giả tưởng thì những gì tiếp theo nó không tránh khỏi mất giá trị. Thứ nhì, nó liên kết chặt chẽ với thuyết sa ngã của con người. Cả hai thuyết này hoặc cùng sống hoặc cùng chết với nhau. Nếu thuyết sa ngã của con người chỉ là một huyền thoại, thì Ki-Tô giáo sẽ trở thành thế nào? Mô thức giải thoát của Ki Tô giáo thật là vô nghĩa nếu không dựa trên thuyết sa ngã của con người. Không có thuyết sa ngã này, và lời nguyền rủa của Thần tiếp theo đó, sự cứu rỗi là một tín lý không có căn cứ, và Chúa Giáng Sinh, bị đóng đinh, và Phục Sinh là những sai lầm to lớn.

Thuyết Sáng Tạo, như chúng tôi sẽ chứng tỏ sau đây, là một thuyết không tự hợp, tự mâu thuẫn, và vô nghĩa. Thuyết này cũng trái nghịch với những sự thực hiển nhiên nhất trong khoa học."

(In every Christian country the masses of the people are taught in childhood that God created the universe in six days and rested on the seventh. Yet every student knows this is utterly false, every man of science regards it as absurd, and the more educated clergy, are beginning to explain it away. But they must retain the Creation Story in some sense or other, for two very strong reasons. First, it stands at the very threshold of the Bible, and if it is a mere fiction it inevitably throws discredit on all that follows. Secondly, it is inseparably connected with the Story of the Fall. Both live or perish together. And if the Fall is to be regarded as a myth, what becomes of Christianity? The Christian scheme of salvation is unintelligible without the antecedent doctrine of the Fall of Man. Without the Fall, and the ensuing curse, the Atonement is a baseless dogma, and the Incarnation, the Crucifixion, and the Resurrection are gigantic mistakes.

The Creation Story, as we shall attempt to show, is incoherent, self-contradictory, and absurd. It is also discordant with the plainest truth of Science.)

Tuy vậy, một số đông đảo tín đồ Gia Tô vẫn tín ở thuyết sáng tạo bất kể những sự thực hiển nhiên của khoa học. Họ phải tin như vậy vì cái mà họ mong ước: được sống đời đời nơi Thiên Đường bên cạnh Chúa, sẽ trở thành một ảo vọng nếu họ thừa nhận thuyết sáng tạo chỉ là một huyền thoại. Nhưng sự thực thì họ có được Chúa cứu rỗi như họ đã được hứa hẹn hay không? Và Thiên đường ở đâu khi mà chính Giáo hoàng John Paul II đã khẳng định là Thiên đường không phải là một nơi chốn trên các tầng mây mà ở ngay trong tâm con người (cóp nhặt tư tưởng "Vạn Pháp duy tâm tạo" của Phật Giáo). Đối với dân tộc Do Thái thì tôi không biết chứ đối với những tín đồ Gia-Tô Việt Nam thì tôi cho đó chỉ là một ảo vọng. Tại sao tôi lại có thể khẳng định như vậy? Bởi vì tôi đã đọc kỹ cuốn Thánh Kinh, Cựu Ước cũng như Tân Ước. Tôi là người ngoại đạo, và người ngoại đạo có cái lợi là được tự do đọc cuốn Thánh Kinh với một đầu óc tỉnh táo và phân tích dựa theo luận lý, chứ không bắt buộc phải tin theo những lời giải thích Thánh Kinh một cách vô nghĩa, phản khoa học v..v.. của một số chức sắc Gia Tô da trắng và của giới giáo sĩ, mà mục đích chỉ là để củng cố quyền lực giả tạo trên thế gian trước đám tín đồ ít học.

Trong cuốn Thánh Kinh có tới bốn (4) Giê-Su khác nhau, vậy tôi không hiểu các tín đồ Gia Tô tin ở Giê-Su nào? Thứ đến, nếu các tín đồ Gia Tô tin rằng Giê-Su sinh ra từ Đức Mẹ Đồng Trinh (Virgin Birth) thì người không thể là Đấng Cứu Thế. Ngược lại, nếu họ tin Giê-Su là Đấng Cứu Thế thì không làm gì có chuyện Đồng Trinh. Tôi xin phân tích điều trên như sau:

Chúng ta biết rằng Cựu Ước liên hệ rất nhiều đến lịch sử dân tộc Do Thái, và Tân Ước là sự tiếp nối của Cựu Ước, hai Kinh này không thể tách rời nhau vì nếu tách rời thì vai trò cứu thế của Giê-Su trở nên vô nghĩa. Tất cả những chuyện trong Thánh Kinh đều xoay quanh vùng đất Do Thái và liên hệ đến lịch sử, truyền thống Do Thái. Theo truyền thống Do Thái thì đấng Cứu Thế (Messiah) phải thuộc giòng dõi của Vua David. Cũng vì vậy mà trong Tân Ước, Matthew và Luke đều kê ra gia phả của Giê-su là thuộc giòng dõi của Vua David, để chứng tỏ rằng Giê-Su đích thực là đấng Cứu Thế. Để cho vấn đề thật rõ ràng, tôi xin kê sau đây gia phả của Giê-Su, trích ra từ Tân Ước:

Theo Matthew 1:1-17 thì các thế hệ tiếp nối từ Vua David tới Giê-Su như sau: David, Solomon, Rehoboam, Abijah, Asa, Jehoshaphat, Jehoram, Uzziah, Jotham, Ahaz, Hezekiah, Manasseh, Amon, Josiah, Jeconiah, Shealtiel, Zerubbabel, Abiud, Eliakim, Azor, Zadok, Akim, Eliud, Eleazar, Matthan, Jacob, Joseph, Jesus. Tất cả là 27 thế hệ.

Nhưng theo Luke 3:23-38 thì các thế hệ tiếp nối từ Vua David tới Giê-Su như sau: David, Nathan, Matthata, Menna, Melea, Eliakim, Jonam, Joseph, Judah, Simeon, Levi, Matthat, Jorim, Eliezer, Joshua,, Er, Elmadam, Cosam, Addi, Melki, Neri, Shealtiel, Zerubbabel, Rhesa, Joanan, Joda, Josech, Semein, Matthathias, Maath, Naggai, Esli, Nahium, Amos, Matthathias, Joses, Jannai, Melki, Leci, Matthat, Eli, Joseph, Jesus. Tất cả là 42 thế hệ.

Tuy hai gia hệ trên hoàn toàn khác nhau nhưng cả hai cùng muốn chứng tỏ rằng Giê-Su là con của Joseph và là giòng dõi của Vua David, và vì vậy đích thực là đấng Cứu Thế, theo truyền thống Do Thái. Điều này được chứng minh bởi chính lời của Giê-Su trong Thánh Kinh: "Ta xuống trần để cứu rỗi dân Do Thái mà thôi", như sẽ được trình bày trong một đoạn sau.

Tuy nhiên, vì muốn Thần cách hóa Giê-Su nên cả Matthew và Luke đều đưa ra một nguồn gốc khác của Giê-Su mà không nghĩ ra rằng cái nguồn gốc Thần Thánh này hoàn toàn bất phù hợp với tư cách "cứu thế" như đã nêu ở trên về giòng dõi Vua David. Theo Matthew 1:18-21 thì sự ra đời của Giê-Su được loan báo cho Joseph sau khi mẹ của Giê-Su có mang như sau: "Mẹ của Giê-Su là Mary, vị hôn thê của Joseph. Trước khi hai người ăn nằm với nhau thì Mary có mang. Joseph là người tốt bụng, không muốn làm to câu chuyện. Rồi có một thiên thần do Thần sai xuống báo mộng cho Joseph và an ủi Joseph là "đừng có sợ, cứ việc chấp nhận Mary làm vợ vì tác giả cái bầu của Mary là Thánh Ma (Holy Ghost) . Và Mary sẽ sinh ra một người con trai, đặt tên là Giê-Su, vì Giê-Su sẽ cứu dân tộc của hắn (nghĩa là dân tộc Do Thái) khỏi tội lỗi " (for He will save His people from their sins) Nhưng theo Luke 1: 26-31 thì sự ra đời của Giê-Su được thiên thần Gabriel loan báo cho chính Mary trước khi Mary có mang: "Do ân sủng của Thần, Thánh Ma sẽ làm cho người có mang, và ngươi sẽ sinh một đứa con đặt tên là Giê-Su v...v.."

Như vậy chúng ta lại có thêm 2 tài liệu khác nhau về việc Giê-Su sinh ra cõi đời, tổng cộng là bốn, hay ít nhất cũng là ba Giê-Su khác nhau, nếu ta dễ dãi chấp nhận chuyện báo cho Mary trước khi có mang và báo mộng cho Joseph sau khi Mary có mang làm một. Vậy Giê-Su nào là đấng Cứu Thế. Chẳng có lẽ mỗi khi chúng ta muốn được cứu rỗi lại phải rút thăm xem đấng cứu rỗi là Giê-Su nào? Giê-su trong Matthew? Giê-su trong Luke? Và Giê-su nào trong Matthew hay Luke? Là con Joseph, giòng dõi của David, hay là con của Thánh Ma? Nhưng đây chỉ là chuyện nhỏ thôi, vì đức tin Gia Tô nó là như vậy, như JP II đã dạy: "Điều mặc khải này dứt khoát, con người chỉ còn có thể hoặc chấp nhận, hoặc chối bỏ." Chấp nhận thì được lên Thiên Đường, chối bỏ thì xuống Hỏa Ngục.

Trong Phật Giáo, Bồ Tát không ngại vén ống quần, sắn tay áo, nhảy vào địa ngục để cứu vớt chúng sinh. Tuy không phải là một Bồ Tát nhưng tôi cũng theo gương các Người chọn con đường đi xuống Hỏa Ngục, vì theo tín ngưỡng Gia-Tô thì ở đưới đó có khoảng 4/5 dân số trên thế giới lận, trong đó có cả ông bà tổ tiên của những người mới theo GiaTô Giáo sau này, và gồm có những người đã chối bỏ những chuyện huyền hoặc, hoang đường, mâu thuẫn và coi những chuyện này là cả một sự mạ lỵ đối với những đầu óc có khả năng suy luận trí thức.

Nhưng then chốt của vấn đề là trong bốn nguồn gốc khác nhau của Giê-Su, nếu là sự thực, thì chỉ có thể có một là đúng, không thể nào đúng cả bốn, trừ khi cái con ngoáo ộp "Hỏa Ngục" nó làm cho chúng ta sợ đến nỗi mất cả lý trí. Như vậy, nếu chúng ta tin rằng Giê-Su là đấng Cứu Thế, nghĩa là Giê-Su là con của Joseph và là giòng dõi của Vua David, thì Giê-Su không thể là con của Thánh Ma, và chuyện Mary đồng trinh chỉ là một huyền thoại để Thần cách hóa Giê-Su. Ngược lại, nếu chúng ta tin Giê-Su là con của Thánh Ma, do sự xâm nhập bất hợp pháp của Thánh Ma vào Mary, thì Giê-Su không dính dáng gì tới Joseph hay giòng dõi của David, do đó chuyện Giê-Su là đấng Cứu Thế cũng chỉ là một huyền thoại để tôn vinh cái tư cách cứu thế của Giê-Su. Nói tóm lại, tôi đã chứng minh rằng: hai tín lý, Mary đồng trinh và vai trò cứu thế của Giê-Su có tính cách loại trừ hỗ tương. Có tín lý này thì không thể có tín lý kia. Nhưng những người Gia-Tô vẫn tin cả hai tín lý và không hề thắc mắc. Điều này cũng dễ hiểu vì họ đã được dạy như vậy từ thuở mới lọt lòng mẹ ra đời, những tín lý này đã có trong sữa mẹ, và lẽ dĩ nhiên họ không bao giờ đọc Thánh Kinh, đừng nói đến chuyện đọc nó với một đầu óc tỉnh táo suy luận và phân tích.

Như đã viết rõ trong Thánh Kinh, Giê-Su sẽ là đấng cứu thế của dân Do Thái (for He will save His people from their sins) và chỉ của dân Do Thái mà thôi. Cho nên tôi thật thương hại những người không phải là dân Do Thái mà cứ sống trong ảo vọng, mơ tưởng rằng sẽ được Giê-Su cứu rỗi và cho mình sống đời đời trên Thiên Đường bên cạnh Thần Gia Tô. Câu chuyện sau đây trong Thánh Kinh sẽ chứng tỏ rằng sự ước mơ trên đích thực là một ảo vọng. Chúng ta hãy đọc và đọc kỹ đoạn sau đây trong Tân Ước, Matthew 15: 21-28:

"Thế rồi Giê-Su đi tới vùng Tyre và Sidon. Và có một người đàn bà người Canaan đến từ vùng đó và kêu với Giê-Su "Hãy thương tôi, Chúa ơi, Con của David. Con gái tôi đang bị quỷ ám nặng." Nhưng Người không thèm trả lời bà ta một tiếng. Và các đệ tử của Giê-Su tới và yêu cầu Giê-Su: "Hãy đưổi bà ta đi, vì bà ta cứ kêu cứu cùng chúng ta." Nhưng Giê-Su trả lời: "Ta được phái xuống đây chỉ để cứu dân Do Thái mà thôi." Rồi người đàn bà kia tới và thờ phượng Giê-Su và nói: "Chúa ơi, hãy giúp tôi." Nhưng Người trả lời: "Lấy bánh của con dân Do Thái mà ném cho mấy con chó nhỏ ăn thì thật là chẳng tốt tí nào." Và người đàn bà kia nói: "Đúng vậy, Chúa ơi, nhưng dù là những con chó nhỏ thì chúng cũng được ăn những mảnh bánh vụn rơi vãi từ trên bàn của chủ chúng xuống chứ." Rồi Giê-Su trả lời: "Ô, Bà Già! Lòng tin của bà thật là lớn lao! Thôi tôi cũng chiều theo ý bà." Và con gái bà ta hết bị quỷ ám ngay từ gìờ phút đó."

(21. When Jesus went out from there and departed to the region of Tyre and Sidon. 22. And behold, a woman of Canaan came from that region and cried out to Him, saying, "Have mercy on me, O Lord, Son of David! My daughter is severely demon-possessed." 23. But He answered not a word. And His disciples came and urged Him, saying, "Send her away, for she cries out after us." 24. But He answered and said, "I was not sent except to the lost sheep of the House of Israel." 25. Then she came and worshipped Him saying, "Lord, Help me!" 26. But He answered and said, " It is not good to take the children's bread and throw it to the little dogs." 26. And she said, "True, Lord, yet even the little dogs eat the crumbs which fall from their masters' table." 28. Then Jesus answered and said to her, "O woman, great is your faith! Let it be to you as you desire." And her daughter was healed from that very hour.)

Tôi xin để cho các độc giả tùy nghi nhận định về tư cách, đạo đức và lòng vị tha của Giê-Su trong câu chuyện trên. Tôi không hiểu các đồng bào Gia-Tô của tôi nghĩ thế nào khi đọc đoạn trên trong Thánh Kinh, không biết họ có lòng tin mãnh liệt như bà già trong câu chuyện kể trên và chấp nhận từ bỏ thân phận làm người của mình để được Giê-Su cứu rỗi hay không, dù bây giờ Giê-Su không còn trên thế gian nữa, và suốt 2000 năm nay, không có bằng chứng nào có thể chứng tỏ sự cứu rỗi của Giê-su là có thật. Nhưng Tiến Sĩ Madalyn O'Hair thì bình luận như sau:

"Trừ khi anh là người Do Thái, chẳng ai muốn anh trong tôn giáo này. Đối với người nào thực sự "thực tâm cảm thấy Giê-Su là đấng cứu thế của họ" tôi xin giới thiệu một nhà trị liệu các bệnh tâm thần"

(Unless you are a Jew, you are not wanted in this religion. For someone who really "truly feels in his heart that Jesus is his Savior" I would recommend a psychiatrist.)

Và, Frederick Heese Eaton bình luận như sau trong cuốn Scandalous Saints:

"Giê-Su thường nhắc nhở đệ tử là phải thương yêu nhau, và thương yêu ngay cả kẻ thù (John 13:35; Matthew 5:44) Nhưng khi một người đàn bà không phải là người Do Thái tới nhờ Giê-Su chữa lành bệnh cho con gái, thì Giê-Su lại bảo bà ta rằng, "Không thể lấy bánh của con dân Do Thái vứt cho chó ăn." (Matthew 15:26) Nói một cách khác, ông nói, "Người phi Do Thái là đồ chó. Tại sao ta lại phải làm bất cứ gì cho ngươi?" Anh cảm thấy thế nào khi Jesus gọi anh là chó? Gọi người phi Do-Thái là đồ chó không phải là sự biểu thị của lòng thương yêu. Giê-Su thật là hỗn hào, kiêu căng và tự phụ khi gọi người đàn bà kia là chó. Vậy trong vấn đề thực hành, Thánh Giê-Su chẳng có chút gì là Thánh cả. Những sự kiện cho thấy Giê-Su thực sự ghét những người phi Do-Thái.

Thánh Paul viết rằng, theo lời mặc khải của Thần Gia Tô, "Giê-Su luôn luôn như vậy, ngày hôm qua, ngày hôm nay và cho tới mãi mãi, không bao giờ thay đổi." (Hebrew 13:8) Vậy nếu anh dự định lên Thiên Đường ở cùng Giê-su đầy tình thương, và anh không phải là người Do Thái, anh nên nghĩ lại đi thì vừa."

(Jesus repeatedly admonished his disciples to love one another, and even to love their enemies. (John 13:35; Matthew 5:44) Yet when a non-Jewish woman begged him to heal her daughter, Jesus told her, "It is not fit to take the children (of Israel's) bread and to cast it to dogs." (Matthew 15:26) In other words he said, "You non-Jews are dogs. Why should I do anything for you?" How would you like to have Jesus call you a dog? Calling people dog who were not Jews is hardly an expression of love. Jesus was insolent, arrogant and conceited in calling this woman a dog. So in actual practice, Jesus the Saint was not so saintly after all. The facts show that Jesus actually hated those who were not Jews.

Saint Paul writes, allegedly under inspiration of God, "Jesus Christ the same yesterday, and today, and for ever." (Hebrew 13:8) So if you were planning to go to heaven to be with the loving Jesus, and you are not a Jew, you had better think it over again.)

Đó là đại cương về giáo lý giải thoát trong Gia-Tô Giáo với tất cả thực chất và những mâu thuẫn, hoang đường trong đó. Tôi cũng hi vọng những đồng bào Gia Tô của tôi hãy nghĩ lại và nghĩ kỹ về giáo lý này xem nó có hợp với người Việt Nam hay không, xem những lời hứa hẹn được Giê-Su cứu rỗi có khả thi hay không. Lẽ dĩ nhiên, họ phải ý thức được rằng, người Việt Nam không phải là người Do Thái, và dù có lấy một cái tên Do Thái thì họ cũng không thể biến thành người Do Thái để được Giê-Su cứu rỗi, nếu Giê-Su thực sự có thể cứu rỗi con người..

-oOo-

Sau đây tôi xin sang phần trình bày về giáo lý giải thoát trong Phật Giáo. Phật Giáo luôn luôn quan niệm rằng: chúng sinh thì vô lượng, mà căn trí thì bất đồng, và mỗi người có một nghiệp riêng, cho nên không thể có một pháp môn giải thoát chung cho tất cả mọi chúng sinh. Người đời thường coi Đức Phật như là một vị lương y vẹn tài. Và một vị lương y thì không thể chữa bách bệnh bằng cùng một thứ thuốc, trừ phi là muốn lừa bịp những người ngu dốt, không đủ khả năng suy luận, nhắm mắt nhắm mũi mù lòa tin bướng tin càn (theo Thích Mật Thể). Tuy Đức Phật có khẳng định: "Cũng như nước biển chỉ có một vị mặn, giáo lý của ta cũng chỉ có một vi, vị giải thoát" nhưng con đường đi tới giải thoát không phải chỉ có một, và cái vị giải thoát cũng có thể không hẳn hoàn toàn giống nhau đối với tất cả mọi người. Phật Giáo nói tới con số 84,000 Pháp môn đi tới giải thoát và chúng ta nên hiểu đây là một con số tượng trưng, tuy có nhiều ý nghĩa, nhưng không phải là một con số toán học chính xác. Chúng ta thấy trong Kinh Lăng Nghiêm có 25 Pháp môn viên thông dẫn tới giải thoát. Và trong Kinh Hoa Nghiêm, Thiện Tài Đồng Tử đi cầu đạo đã gặp 53 vị Thiện-Tri-Thức, gồm đủ mọi thành phần trong xã hội, và được dạy cho 53 Pháp môn tiến tới giải thoát khác nhau. Chúng ta hãy đọc đoạn sau đây trong Phẩm "Nhập Pháp Giới" để có thể hiểu thêm về ý nghĩa giải thoát trong Phật Giáo. Muốn tiến tới giải thoát, con người trước hết cần phát tâm vô thượng Bồ Đề. Nhưng thế nào là phát Bồ Đề Tâm? Trong Kinh Hoa Nghiêm, Hải Vân Tỳ Kheo giảng như sau:

"Phát Bồ Đề Tâm là phát tâm đại bi, vì cứu khắp tất cả chúng sanh. Là phát tâm đại từ, vì giúp khắp tất cả thế gian. Là phát tâm an lạc, vì làm cho tất cả chúng sanh diệt tất cả khổ. Là phát tâm lợi ích, vì làm cho tất cả chúng sanh lìa ác pháp. Phát tâm ai mẫn, vì có ai kinh sợ thời đều giữ gìn. Phát tâm vô ngại, vì rời bỏ tất cả chướng ngại. Phát tâm quảng đại, vì tất cả các pháp giới đều đầy khắp. Phát tâm vô biên, vì khắp cõi hư không đều qua đến. Phát tâm rộng rãi, vì đều thấy tất cả Như Lai. Phát tâm thanh tịnh, vì trí không trái với pháp tam thế. Phát tâm trí tuệ, vì vào khắp biển nhứt-thiết-trí-huệ."

Trên đây chỉ là một đoạn ngắn nói về Bồ Đề Tâm của Hải Vân Tỳ Kheo. Muốn biết rõ hơn về Bồ Đề Tâm, xin quý độc giả đọc 40 trang tuyên thuyết về Bồ Đề Tâm của Bồ Tát Di-Lặc trong Kinh Hoa Nghiêm, Phẩm "Nhập Pháp Giới."

Nhưng nếu đã phát tâm bồ đề rồi thì con người có thể làm những gì? Chúng ta hãy nghe Bồ Tát Phổ Hiền tuyên thuyết trong Kinh Hoa nghiêm, Phẩm "Nhập Bất-Tư-Nghị Giải-Thoát Cảnh Giới Phổ-Hiền Hạnh Nguyện":

"Thiện Nam Tử! Trong các thứ cúng dường, Pháp cúng dường là hơn hết. Pháp cúng dường là: Tu hành đúng theo lời Phật dạy để cúng dường; chịu khổ thế cho chúng sanh để cúng dường; nhiếp thọ chúng sanh để cúng dường; siêng năng tu tập căn lành để cúng dường; không bỏ hạnh Bồ Tát để cúng dường; chẳng rời tâm bồ đề để cúng dường.

Các Đức Như Lai như số cực vi trong tất cả cõi Phật khắp hư không pháp giới mười phương ba đời toan muốn thị hiện nhập Niết-Bàn, cùng các Bồ Tát, Thinh Văn, Duyên Giác, hữu học, vô học, cho đến tất cả các bậc thiện-tri-thức, tôi đều khuyên mời xin đừng nhập Niết-Bàn, xin ở lại đời trải qua số kiếp như vi trần trong tất cả cõi Phật, vì muốn cho chúng sanh được lợi lạc...

Bao nhiêu chúng sanh sai khác trong tất cả cõi ở mười phương Pháp-giới, hư không giới...trong các loài ấy, nếu là kẻ có bịnh thì tôi vì họ mà làm lương y, nếu ai bị lạc đường thì tôi vì họ mà chỉ cho con đường chánh, nơi đêm tối tôi vì họ mà làm ngọn đuốc sáng, người nghèo thiếu tôi làm cho được của báu. Bồ Tát bình đẳng lợi ích cho chúng sinh như vậy.

Vì sao thế? Vì Bồ Tát nếu có thể tùy thuận chúng sanh, thì chính là tùy thuận cúng dường các Đức Phật. Còn tôn trọng và thừa sự chúng sanh thì chính là tôn trọng và thừa sự các đức Như Lai. Nếu làm cho chúng sanh vui mừng thì chính là làm cho tất cả Như Lai vui mừng. Vì sao thế? Vì các đức Như Lai dùng tâm đại bi mà làm thể. Nhơn nơi chúng sanh mà sanh lòng đại bi, nhơn lòng đại bi mà phát tâm bồ đề, nhơn nơi tâm bồ đề mà thành bậc vô thượng chánh đẳng chánh giác (nghĩa là hoàn toàn giác ngộ, hoàn toàn giải thoát. TCN).

Ví như giữa chốn sa mạc có cây thọ vương to lớn, nơi gốc cây ấy được nước rưới nhuần, thì cành lá hoa quả thảy đều sum sê tươi tốt.

Cây thọ-vương bồ đề ở chốn sa mạc sanh tử rộng lớn cũng như vậy: tất cả chúng sanh là gốc rễ, Bồ Tát là hoa, Phật là quả. Dùng nước đại bi đượm nhuần gốc rễ chúng sanh thì có thể trổ bông Bồ Tát trí huệ và kết thành quả Phật toàn giác.

Vì sao thế? Bởi các Bồ Tát dùng nước đại bi làm lợi ích cho chúng sanh, thì có thể thành tựu quả vô thượng chánh đẳng chánh giác. Cho nên quả Bồ Đề thuộc về chúng sanh, vì nếu không chúng sanh, tất cả Bồ Tát trọn không thể thành đạo vô thượng chánh đẳng chánh giác...

Từ sự lễ kính ban đầu nhẫn đến tùy thuận có bao nhiêu công đức, thảy đều đem hồi hướng cho tất cả chúng sanh khắp trong hư không Pháp giới. Nguyện cho tất cả chúng sanh thường được an lạc, không các bịnh khổ, muốn thực hành pháp ác thảy đều không thành, còn tu nghiệp lành thì đều mau thành tựu. Đóng chặt cửa của tất cả ác thú, mở bày đường chánh Nhơn-Thiên Niết-Bàn. Nếu các chúng sanh nhơn vì trước kia chứa nhóm các nghiệp ác, nên chiêu cảm tất cả quả rất khổ, tôi đều chịu thế cho, khiến chúng sanh đều được giải thoát, rốt ráo thành tựu quả vô thượng Bồ Đề..."

Đọc đoạn Kinh trên về hạnh nguyện của những người tu tập theo Phật Pháp chúng ta có thấy cái gì có thể gọi là tiêu cực, bi quan, xa lánh cuộc đời hay không? Hay trái lại, đó là những hạnh nguyện hết sức tích cực, vị tha, vị chúng sinh, rất cao cả của người Phật tử? Nhưng giải thoát trong Phật Giáo là giải thoát như thế nào? và giải thoát khỏi cái gì? Phật giáo quan niệm nguồn gốc của sinh tử là vô minh, và nguồn gốc của mọi khổ đau trên đời là vì ba độc: tham, sân, si. Cho nên, một cách đại cương, chúng ta có thể nói trong Phật Giáo, giải thoát là giải thoát khỏi bức màn vô minh để ra ngoài vòng sinh tử, và giải thoát khỏi tham, sân, si để sống an lạc trên cõi đời. Như trên đã nói, có nhiều con đường đi tới giải thoát, nhưng tựu trung không ngoài việc tu tập để có thể nhận thức được rằng:

"sáu trần là hư huyễn, chẳng thực, hay biến đổi. Kinh Kim Cương hình dung nó như mộng, như bọt, như bóng. Triệt để giác ngộ được tính chất hư huyễn chẳng thực của thế giới sáu trần thì sẽ được giải thoát tự tại. Nếu thân tâm ở cõi thế gian sáu trần mà không bị sáu trần quấy nhiều, dụ dỗ, mê hoặc thì sẽ chẳng sinh ra phiền não và được gọi là người giải thoát." ("Phật Học Quần Nghi" , Thích Thánh Nghiêm)

Để có một ý niệm rõ ràng hơn về giải thoát quan trong Phật Giáo, sau đây tôi xin trích vài đoạn cốt yếu nói về giải thoát quan trong Phật Giáo trong cuốn Đại Thừa Phật Giáo Tư Tưởng Luận của Tiến Sĩ Kimura Taiken, do Thích Quảng Độ dịch sang tiếng Việt:

"Lập trường chủ yếu của giải thoát quan Phật-giáo là vượt ra ngoài cõi Dục (Dục giới). Phật Giáo không thừa nhận thế-giới-quan Thần quyền, lại không thừa nhận cái "Ngã" cá nhân bất biến, mà chủ trương hết thảy đều do nhân duyên hòa hợp mà hiển hiện, và sở cứ của nhân duyên là ý chí của chúng ta. Do đó, nếu muốn được giải thoát, con người phải cắt đứt mọi nhân duyên, nghĩa là diệt hết dục vọng của ý chí. Theo các học phái khác, giải thoát tức là đưa cái tiểu ngã của cá nhân trở về với Đại ngã của một đấng sáng tạo ra vũ trụ. Nhưng Phật Giáo vì không thừa nhận Thần quyền, nên gọi giải thoát là Niết Bàn. Mà Niết-Bàn theo nghĩa đen là "dập tắt", nghĩa là dập tắt hết dục vọng tồn tại và lấy đó làm lý tưởng cứu kính. Các Kinh điển Đại Thừa, nhất là Kinh Bát Nhã, đặc biệt thuyết minh về điểm này và mệnh danh là "Không", "Không Không" rốt ráo là "Không", đó là chân tướng của vũ trụ, và khi ta đã đạt được chân tướng ấy tức là đạt đến giải thoát, đến Niết Bàn...

Các học phái khác lấy siêu nhiên (supernatural) làm chủ nên không quá coi trọng đạo đức thế gian, nhưng Phật thì lấy từ bi làm chủ, chuyên đứng về phương diện đạo đức để giáo hóa loài người, đó là tiếng nói giải thoát. Tại Ấn Độ có nhiều tôn giáo nhưng chỉ có Phật-Giáo là lấy toàn thể nhân loại làm đối tượng để truyền giáo, và cũng chỉ có Phật Giáo mới có những giáo lý làm thỏa mãn nhu cầu tinh thần của mọi hạng người...

Tiến thêm một bước nữa mà khảo sát thì Phật, theo một ý nghĩa nào đó, có thể được coi là một nhà đề xướng hiện thực chủ nghĩa. Cái gọi là "giải thoát", là "Niết Bàn", nếu không có ích lợi gì đối với cuộc sống thực tế, thì tự nó cũng không có một ý nghĩa nào cả. Giải thoát hay Niết Bàn, theo Phật, không phải chỉ có thể đạt được sau khi chết, mà trái lại, nó có thể được chứng nghiệm ngay ở hiện tại, ngay trong giây phút, nghĩa là bất cứ trong giờ phút nào ta cắt đứt được mọi mối ràng buộc của tham lam, của dục vọng, khiến cho tâm hồn thanh thản, lâng lâng, tự tại, tự do, thì ngay giờ phút đó ta đã đạt đến cảnh giải thoát chân thực rồi...

Do đó, trong Phật Giáo, nếu nói đến giải thoát mà phủ nhận giá trị của thế giới hiện thực thì không những trái với đạo lý mà còn làm hại cho chính Pháp rất nhiều. Nhưng đây cũng lại là điểm vô cùng khó khăn, bởi lẽ vẫn sống trong thế giới hiện thực mà làm cách nào để đừng bị mê hoặc, lôi cuốn theo, để tìm cầu giải thoát khỏi hiện thực là một việc mà có lẽ không ai dám tự phụ làm một cách dễ dàng...

Coi đó ta thấy chủ nghĩa giải thoát của Phật Giáo, nếu chỉ nhìn bề ngoài, có vẻ như một chủ nghĩa "không tịch", nhưng nếu căn cứ vào nhân cách hoạt động của đức Phật, do nhân cách đó mà tìm hiểu ý nghĩa chân thực của giáo lý Ngài, ta thấy Phật Giáo quyết không phải lấy hư vô làm lý tưởng, đó là điều không một nhà học Phật chân chính nào phủ nhận...

Như thế chung cục nhận Phật là vị Nhân-Cách-Thần, nhận Như Lai là chân ngã, rồi từ lập trường hiện tượng tức thật tại mà xướng lên thuyết "tức thân thành Phật", cứ như thế giáo lý Phật-giáo bắt đầu triển khai. Mà cái đặc trưng nhất quán của chủ nghĩa giải thoát của Phật Giáo là ở chỗ tự mình tuyệt đối mãn túc, rồi vì hạnh phúc của thế giới, vì sự tiến bộ của nhân loại, đem hết sức mình ra làm việc với một tâm hồn thái nhiên tự nhược, nghĩa là không đam mê, không cố chấp, luôn luôn thanh thản tự do trước mọi hoàn cảnh."

Đó là tóm tắt đại cương về giải thoát quan trong Phật Giáo. Chúng ta thấy rằng sự trình bày về giải thoát quan của Tiến Sĩ Kimurai Taiken rất sát với nội dung Kinh điển Phật Giáo.

Tôi hi vọng, tới đây, quý độc giả đã nắm vững phần nào căn bản khác biệt giữa giải thoát quan trong Phật Giáo và trong Gia Tô Giáo. Cái căn bản khác biệt này là trong Phật Giáo, Phật tử phải tự mình tu tập để tiến tới giải thoát và sự tu tập này đặt đối tượng trên phúc lợi của toàn thể chúng sanh. Trong Gia Tô Giáo, vì là một tôn giáo cứu rỗi, nên vấn đề đạo đức không quan trọng, và con người chỉ cần đặt tất cả vào một niềm tin ở một đấng siêu nhiên để mong cầu được giải thoát cho riêng mình: "Thiên Chúa quá thương yêu thế gian đến nỗi ban con duy nhất (sic) của Ngài, để những ai tin vào Người sẽ không bị luận phạt, nhưng được sống đời đời." (Crossing The Threshold of Hope, trang 76) , không cần phải thắc mắc hay bận tâm đến chuyện có thể chính ông bà tổ tiên của mình trước khi mình theo Đạo, và bà con họ hàng bạn bè hay mọi chúng sanh khác, vì không có cùng niềm tin như mình nên bị Chúa của mình đày vĩnh viễn xuống hỏa ngục.

Vị kỷ đối với vị tha, đó là một đối ngược.

Một đối ngược khác thường được minh họa bởi hình ảnh sau đây: giáo lý giải thoát của Phật Giáo là để cho những người tự tin, tự mình bước đi những bước chân an lạc vững vàng trên trường đời, và giáo lý giải thoát Gia-Tô là để cho những người thiếu tự tin, không thể tự mình bước đi những bước chân vững vàng trên mặt đất, không thể tự mình suy nghĩ, không dùng đến lý trí hay khả năng suy luận của con người, hay nói cách khác, theo nhận định của Robert G. Ingersoll:

"những người cần có một cặp nạng để lê lết trên cuộc đời, vì luôn luôn sợ sệt, nếu buông cặp nạng ra thì sẽ chới với, cho nên phải nương tựa và trông ngóng vào những quyền lực siêu nhiên cũng như những quyền lực giả tạo trên thế gian. " (Xin đọc cuốn "Ingersoll, The Magnificient" ),

hoặc theo nhận định của Thống đốc tiểu bang Minnesota, Jessie Ventura, về Ki Tô Giáo:

"là một sự giả dối trống rỗng và là một cặp nạng cho những người có đầu óc yếu kém cần đến sức mạnh trong số nhiều" (Newsweek, Oct.11, 1999).

Sự phát triển ngày nay của Phật Giáo vào trong các xã hội Tây phương và trên khắp thế giới thực sự đã giúp cho hàng triệu người cất bỏ được cái cặp nạng làm mất phẩm giá con người này, và họ đã bắt đầu tự mình bước đi những bước vững vàng, an lạc trên mặt đất.

Viết bài này, một Phật tử bình thường như tôi cũng chỉ có một tâm nguyện: khuyến khích mọi người hãy tự mình bước đi những bước chân vững vàng, an lạc trên mặt đất. Nhưng tôi cũng ý thức được rằng, tâm nguyện là một chuyện mà duyên có hội đủ hay không lại là một chuyện khác. Lợi ích chỉ tới với những người có duyên.

http://www.buddhismtoday.com/viet/doi/007-quaniemgiaithoat.htm

 


Cập nhật: 1-7-2000

Trở về mục "Đối thoại"

Đầu trang