Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
Tôi là ai?

 Nhân đọc loạt bài Việt Nam ta nhỏ hay không nhỏ? của Báo Thanh Niên. Có bài viết “Mổ xẻ cái nghèo truyền kiếp” của Chu Văn khánh, tác giả đã nêu lên bảy tiêu chí:

1/ Lối tư duy tiểu nông.

2/ Định kiến với thương nghiệp.

3/ Cơ chế thăng tiến: Học làm quan làm giàu.

4/ Tư tưởng tiết dục.

5/ Không đề cao chữ phú.

6/ Sự rủi ro.

7/ Nhẹ chữ tín.

Tôi liên tưởng đến câu hát của Nguyễn Lê Tâm, tự đặt ra câu hỏi “Tôi hôm nay khác với tôi hôm qua/ Tôi tương lai khác tôi hôm nay…/nói cho tôi đi tôi là ai?” Đúng, phải xác định “ta” là ai rồi mới có câu trả lời Nước Việt Nam ta nhỏ hay không nhỏ? Chứ không ta lại xoá hết cái gì đó cổ xưa để đổi lại cái vật chất cho ngay hiện tại thì không ổn lắm. Chẳng hạn: “Anh đi, anh nhớ quê nhà, nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương”.

Tôi cho đó là tính đặc thù của một miền tổ quốc, nên cho dù anh có làm đến thủ tướng hay hay nhà tỉ phú đi chăng nữa thì cũng vẫn nhớ cái hương vị, cà dầm tương hay bông điên điển mùa nước lũ. Nếu bạn Khánh cho đó là nguyên nhân dẫn đến một trong bảy khái niệm của bạn trùng hợp các nhà khoa học phát hiện tình trạng nghèo truyền kiếp của người việt ta thì chủ quan quá! Bởi từ lâu “ta” đã có câu: “mấy ai giàu ba họ, mấy ai khó ba đời” Như vậy, người Việt đâu có chấp nhận cái đói nghèo mà các nhà khoa học nào đó đã phát hiện từ nền văn hoá đặc thù của “ta”. Ít ra, riêng tôi không chấp nhận cái tư duy đó. Vì đó sẽ là kim chỉ Nam cho thế hệ trẻ sống và trích dẫn cho ý tưởng của mình, bởi tác giả Khánh làm việc ở NXB Chính trị quốc gia!

Thật ra bạn Khánh gọi là Định kiến với thương nghiệp, hay học làm quan làm giàu v.v… Thì “ta” cũng đã có câu “Phi thương bất phú” và cách học làm quan thì “ta” cũng có trường Quốc Tử Giám, các Tiến sĩ được lưu danh đến ngày nay. Vừa rồi, ông Tổng thư ký liên hiệp quốc Kofi Annan còn khen ngợi và quan tâm đến cách làm của “ta” và hỏi hiện nay nó duy trì thế nào? Điểm này nước Việt “ta” lớn trong mắt bạn bè trên thế giới, nhưng ta không trả lời được hiện nay ta như thế nào? Vì có đến 20%  học vị không tương xứng với văn bằng.

Trình độ đó, thì “ta” còn phải nghèo dài dài bởi có nhiều cách làm kỳ lạ: 40 triệu USD làm cảng Sài gòn chỉ để xài vài năm bây giờ sắp đập bỏ; 5.000 tỉ đồng mất khả năng chi trả do chương trình mía đường; Tiền vai của thế giới (ODA) lại thả trôi thả nổi cho P.MU 18 mặc tình tiêu xài cả triệu đô cho một lần cá độ, còn chất lượng công trình thì khắp nơi lún sụt. Chỉ ở “ta” mới có tấm bảng “đang theo dõi độ lún”.Cũng những cái đầu đó sắp đem 7.000 tỉ đồng để làm tuyến đường sắt 70 cây số, làm cho ai đi? chở cái gì? Đã vậy, mà đường Ray chỉ có 1m, trong khi thế giới đang bỏ. Rồi ai bao che cho Thiếu tá Nguyễn Hoàng Sơn lập trường đá gà trái phép tồn tại giữa thành phố nhiều năm qua? Ai đã gởi gắm các bưu điện để xảy ra chuyện rút ruột công trình nâng khống tiền khi mua vật tư cả bạc tỷ v.v…Cái kiểu làm ăn chụp giật, vô trách nhiệm và lạm dụng chức quyền để mưu cầu bất chính đại khái như thế nếu “ta” không làm đến nơi đến chốn thì ta nhỏ lắm.

Sẽ nhỏ hơn nữa, nếu bộ tài chánh chủ trương lấy thuế người có thu nhập trên 1 triệu, đó là tầng lớp lao động thấp nhất hiện nay ở “ta”.Tại sao người ta chỉ quanh quẩn tìm cách thu gom những đồng tiền còm cỏi như thế? Mà không nghĩ ra cách để thu hút đầu tư để gom từ những tập đoàn dầu hoả, xe hơi và máy bay.v.v….

Hoặc người ta cứ để cho người dân tự phát mua máy ICOM công suất phát sóng nhỏ, chỉ đáp ứng cho việc liên lạc trong lúc trời yên gió lặng, khi bão đến thì…thân nhân đi tìm xác. Thật là đau thương, không phải chỉ một lần. Người ta ăn lương nhà nước, nhưng khi có chuyện thì đổ thừa cho ông trời??? Họ làm nghĩ sao? Rút kinh nghiệm gì trong 60 năm qua khi mới vừa làm lễ mừng ngày truyền thống thì cơn bão Chanchu xãy ra? Họ sẽ đề xuất gì với chính phủ sau lần tang thương này? Hay là họ sẽ nguỵ biện khả năng chỉ dự báo chỉ có 24 giờ. Trong khi thế giới đã dự báo 4 ngày, nếu có sai số chỉ khoảng 240km, họ có biết không?

Thiết nghĩ, đất nước ta có chiều dài mà bề rộng lại hẹp, có nơi chỉ có 50 cây số. Vậy tại sao người ta không tận dụng các tháp truyền hình, truyền thanh để hướng ra biển, không tốn thêm chi phí cho chuyện lắp đặt các trạm báo bão tầm ngắn, người dân khỏi phải xài ICOM không có hiệu quả khi bão đến? hay chuyện phát thanh, truyền hình không liên quan đến những người đi biển?

Chính vì những nhận thức sai lầm của một thiểu số quan chức, những người có đầu óc thực dụng, nên tôi nghĩ “ta ”rất cần tinh thần và tư tưởng tiết dục của đạo Nho và Đạo Phật để kềm chế những cái đầu bệnh hoạn thành những bậc chính nhân quân tử. Chẳng thà hiện tại ăn không ngon, ở không yên hoặc “an bần lạc đạo”, chứ không bao giờ rút ruột công trình, thi cử quay cóp, làm việc thì lợi dụng quyền chức…để làm giàu bất chính, phi nghĩa, hại dân và làm nghèo đất nước.  

Vài sự việc so sánh trong quá khứ và hiện tại để biết “ta” là ai, đang làm gì? để rồi thay đổi như Thánh giống, đánh một trận tan tác giặc đói nghèo, tham nhũng, cửa quyền để tham gia vào đường đua WTO và bức phá để đưa dân tộc trở thành con rồng Châu Á. Chứ không ta vẫn mãi là người nhỏ và đến sau!

29.05.2006

Lệ Thọ

http://www.buddhismtoday.com/viet/dien/toi_la_ai.htm

 


Vào mạng: 1-6-2006

Trở về mục "Diễn đàn"

Đầu trang