Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
 VÀI THÔNG TIN VỀ TRƯỜNG ĐẠI HỌC DELHI
NHÂN ĐỌC CÁC BÀI VIẾT VỀ “NHỮNG NẺO ĐƯỜNG DU HỌC"
E-mail: thichhanhchanh@yahoo.com

Sau khi đọc xong các bài: Những Nẻo Đường Du Học của Huyền Như –Tr.Nguyên; Ý Kiến Của Chư Tôn Đức, Tăng Ni, Độc Giả Về Loạt Bài: Những Nẻo Đường Du Học cũng do Huyền Như-Tr.Nguyên thực hiện; Đôi Điều Trăn Trở Về Thực Trạng Du Học của Phúc Đoàn, chúng tôi hơi bất ngờ và ngạc nhiên. Bất ngờ vì các thông tin sai sự thật của một tăng sinh vừa mới đến Delhi; ngạc nhiên vì từ một e-mail tâm sự biến thành một bài báo đăng tải trên mục Văn Hoá Giáo Dục. Rồi dựa vào thông tin từ e-mail này ra đời một loạt bài báo chuyển tải những nhận định, phát biểu cảm tưởng và đúc kết lại thành những đề nghị mang tính " có tâm và có tầm" trong công việc: giáo dục, du học và sử dụng nhân sự cho Giáo Hội sau này. Nếu xâu kết những bài báo này thành một vấn đề, chúng tôi suy nghĩ : chẳng lẽ Ban biên tập Báo Giác Ngộ có kế hoạch "đánh phá” Tăng Ni sinh du học Ấn Độ? Ban biên tập Báo Giác Ngộ nghĩ gì khi cho đăng tải một loạt bài báo này? Phải chăng Ban biên tập muốn "thiêu sống các hạnh nguyện và sức kham nhẫn" của một thế hệ Tăng Ni? Các tác giả của hàng loạt bài báo trên đã có tự vấn lương tâm mình trước khi đặt bút xuống viết bài chưa?

Như chúng ta biết, vấn đề tư liệu trong đó có nguồn gốc tư liệu đóng vai trò quan trọng trong việc thành công của bài viết và đánh giá chuẩn xác trình độ của tác giả bài viết đó. Để ngần ấy bài viết được đăng liền trên ba số báo và chỉ dựa vào các thông tin một chiều, thiếu khách quan thì quả thật loạt bài này có vấn đề.

Trong bài viết này, chúng tôi xin sơ lược cung cấp một số thông tin chính xác về Trường Đại Học Delhi và sau đó là Phân Khoa Phật Học bao gồm cả chế độ nhập học và thi cử để độc giả rộng đường dư luận. Và sau kỳ thi 1 của Tăng Ni, chúng tôi sẽ có cuộc họp toàn thể Tăng Ni và sẽ có kiến nghị về Giáo hội về vấn đề này. Rất mong Báo Giác Ngộ đăng tải nguyên văn bài viết này.

SƠ LƯỢC VỀ ĐẠI HỌC DELHI:

Được thành lập từ năm 1922, Đại học Delhi hiện nay là một trong những trường đại học lớn nhất tại Ấn Độ với 220.000 sinh viên, 14 ngành, 86 khoa và 61 Trường Cao Đẳng chung quanh thủ đô Delhi. Cụ thể là Bắc Delhi : 12 trường, trong đó có ba trường dành cho nữ sinh viên; Tây Delhi: 16 trường, trong đó có 5 trường dành cho nữ sinh viên; Đông Delhi: 6 trường, trong đó có 2 trường dành cho nữ sinh viên; Nam Delhi 15 trường, trong đó có 4 trường dành cho nữ sinh viên và một trường dạy ban đêm; Dhaula Kuan 9 trường, trong đó có 2 trường dạy cho nữ và 2 trường dạy ban đêm; Trung tâm Delhi 3 trường, trong đó có 1 trường dạy ban đêm và ngoại ô Delhi có 1 trường. Nếu tính đến các viện chỉ đào tạo chuyên ngành và trường đào tạo từ xa và tại chức, trường cao đẳng mở rộng thì các trường, viện trực thuộc Đại học Delhi lên đến số 79.

Đại học Delhi đào tạo theo ba cấp bậc: đại học ( ba năm), sau đại học ( hai năm), và nghiên cứu sinh theo hai hệ M.Phil ( Master of Philosophy, một năm rưỡi) và PhD ( năm năm) với 439 khóa học. Trường có một hệ thống thư viện đồ sộ với 15 thư viện với ba thư viện trung tâm và các thư viện thư viện chuyên ngành tại các ngành và khoa.

HỆ THỐNG TỔ CHỨC CỦA ĐẠI HỌC DELHI:

Là một Đại học trực thuộc chính phủ nên vị hiệu trưởng trường luôn là Phó Tổng Thống Ấn Độ. Vị này chỉ xuất hiện vào lễ trao bằng để chúng nhận tư cách pháp lý của văn bằng, trong trường hợp bận việc thì sẽ có mặt của vị thẩm phán toàn án tối cao Ấn Độ thay thế. Tuy vậy, việc điều hành trực tiếp tại trường là một vị hiệu phó (vice-chancellor) do chính phủ chỉ định và bổ nhiệm. Mọi quyết định về mang tính hành chánh trong trường như bổ nhiệm các chức vụ, điều hành và thuyên chuyển nhân viên các văn phòng do Hội đồng điều hành gồm 19 vị giáo sư, những giáo sư này được bầu chọn từ những vị chủ nhiệm các ngành, khoa trưởng các khoa, giám đốc các trung tâm, hiệu trưởng các trường và có hai vị được bầu từ các thành viên đang giãng dạy và giúp việc cho hội đồng này có các chuyên viên để thực thi. Về các vấn đề chuyên môn như cải cách giáo trình, xét duyệt, thi của các hạn ngạch do Hội đồng học thuật khoa học phụ trách. Số thành viên là 158 vị được bầu chọn trong các vị đang trực tiếp giãng dạy. Nhiệm kỳ của hai hội đồng này là 2 năm và vị hiệu phó sẽ đứng đầu hai hội đồng này.

Ngoài ra còn có các chủ nhiệm các ngành, các giám đốc tại các khu đại học, các giám thị, giám đốc phòng giám sát thi cử, in và giữ đề thi, cấp phát chứng chỉ và văn bằng, một vị chủ nhiệm của các trường cao đẳng, một vị cố vấn sinh viên nước ngoài cùng tham gia điều hành các hoạt động của Đại học.

Một điểm nổi bật có thể thấy tại Trường Đại học Delhi là các hội, đoàn hoạt động độc lập không trực thuộc các biên chế của trường như: Hội những người giãng dạy, Hội các nghiên cứu sinh, Hội những người không trực tiếp giãng dạy, Hội sinh viên, Hội những người lao công, v.v… Mục đích các hội này là bảo vệ quyền lợi các thành viên của mình. Những người lãnh đạo có chương trình hành động, có vận động bầu cử và được bầu chọn bởi các thành viên của mình. Nhiệm kỳ của ban lãnh đạo là một năm.

SINH VIÊN NƯỚC NGOÀI:

Sinh viên nước ngoài có hai thành phần:

  1. Đến từ các nước có quan hệ chính thức về giáo dục với Ấn Độ. Điều tiên quyết của sinh viên các nước không nói tiếng Anh là phải có một môn học tiếng Anh trong các bảng điểm của sinh viên đó.
  2. Sinh viên các nước không có hoặc chưa có quan hệ chính thức về giáo dục với Ấn Độ thì được xem xét là trường hợp đặc ân (merit case). Điều luật này là do vị hiệu phó của Đại học Delhi ban hành. Điều cần biết ở đây là bằng cấp tại Việt Nam chỉ được chính thức công nhận tại Đại học Delhi cách đây hai năm cùng với Trung Quốc và Hàn Quốc. Một trong những điều kiện được công nhận để Hội đồng học thuật khoa học xét duyệt là dựa trên thành tích học tập của sinh viên các nước đó và được đề nghị trực tiếp từ Phòng sinh viên nước ngoài.

Quy định nhận vào học của sinh viên nước ngoài đều giống nhau, riêng sinh viên đến từ Bhutan và Népal và được chính phủ các nước này giới thiệu thì được giảm 5% tổng số điểm. Tại các trường cao đẳng đều có dành 5% suất cho sinh viên nước ngoài.

Sinh viên nước ngoài được miễn thi vào năm đầu tiên của chứng chỉ đầu tiên tại Đại học Delhi. Nếu học tiếp thì phải thi vào như sinh viên Ấn Độ. Có nghĩa là chỉ có đặc cách một lần mà thôi. Điều kiện này được áp dụng cho tất các trường, các ngành và các khoa của Đại học Delhi.

SƠ LƯỢC VỀ PHÂN KHOA PHẬT HỌC:

Được thành lập từ năm 1957, Phân khoa Phật học là một trong những phân khoa sớm nhất tại Đại học Delhi và là Phân khoa Phật học duy nhất tại Ấn Độ thuộc hệ thống đại học của chính phủ. Phân khoa Phật học đào tạo các cấp: Chứng chỉ Pàli, Chứng chỉ Tây Tạng, Văn bằng tiếng Pàli và văn chương Pàli, Văn bằng tiếng Tây Tạng và văn chương Tây Tạng, Thạc sĩ, Trên Thạc sĩ ( M.Phil) và Tiến sĩ.

TIÊU CHUẨN ĐỂ VÀO PHÂN KHOA PHẬT HỌC

Các quy định để vào học các chứng chỉ, văn bằng:

Để học các chứng chỉ trên, thí sinh phải tốt nghiệp cử nhân và phải vượt qua kỳ thi tuyển. Để theo học các văn bằng trên, thí sinh phải tốt nghiệp các chứng chỉ theo ngành. Cả hai bậc học này thời gian là 1 năm.

Các quy định để vào học thạc sĩ:

1 Các thí sinh tốt nghiệp cử nhân hệ honours, cao học các phân khoa khác tại Đại học Delhi phải có điểm tối thiểu 40%.

2. Các thí sinh tốt nghiệp cử nhân hệ pass, hệ general phải có điểm tối thiểu là 45%.

3. Các thí sinh tốt nghiệp cao học tại các trường khác được công nhận bởi Đại học Delhi phải có điểm tối thiểu là 45 %.

4. Các thí sinh tốt nghiệp cử nhân giáo dục, thư viện, thương mại, khoa học tổng hợp tại các trường khác được công nhận bởi Đại học Delhi phải có điểm tối thiểu là 50%.

Tất cả các thí sinh đều phải trải qua kỳ thi viết và phải đạt tối thiểu là 45%. Tuy nhiên kỳ thi này không bắt buộc đối với sinh viên đang có văn bằng nước ngoài. Trường hợp sinh viên nước ngoài tốt nghiệp cử nhân tại Ấn Độ thì được đối xử như sinh viên Ấn Đô.

Trong kỳ thi này, các thí sinh đã tốt nghiệp các chứng chỉ nêu trên thì được cộng thêm 5% điểm; 8% điểm được cộng thêm cho các thí sinh tốt nghiệp các văn bằng nêu trên và 4% điểm được cộng thêm cho các sinh viên đã có học môn Phật học ở cử nhân.

Quy định để học sau Thạc sĩ: (M.Phil)

Sinh viên tốt nghiệp Thạc sĩ các ngành: Phật học, Pàli, Sanskrit, Ấn Độ cổ đại về Lịch sử, Văn hoá và Khảo cổ, Trung Quốc và Tây Tạng học với số điểm tối thiểu là 55% và 60% điểm với các ngành học có liên quan. Tất cả thí sinh đều phải trải qua kỳ thi sát hạch do khoa tổ chức.

Quy định để học Tiến sĩ:

Thí sinh được nhận vào khoá tiến sĩ phải tốt nghiệp M.Phil Phật học và các ban ngành nêu trên tại Đại học Delhi hoặc các trường được công nhận bởi Đại học Delhi với số điểm là 55%. Tại Đại học Delhi số điểm này là tổng cộng các phần: Thi viết các môn học, thi viết về Phương pháp nghiên cứu, viết bài về Điểm sách, viết một bài về Nghiên cứu và điểm của quyển luận văn tốt nghiệp.

Thí sinh được 60% điểm của chương trình cao học có thể được nhận thẳng vào học Tiến sĩ với điều kiện phải thi qua các phần của M.Phil mà không cần phải viết luận văn tốt nghiệp hoặc cá nhân đó đã có các công trình nghiên cứu, các sách liên quan đến Phật học đã được xuất bản.

CHẾ ĐỘ THI CỬ

Hệ cử nhân tại Đại học Delhi có hai loại: Pass và Honours. Hệ Pass thì điểm chuẩn đầu vào thấp hơn có những môn cá biệt đến 30%. Hệ này dành cho học sinh trung học có điểm tốt nghiệp thấp và chỉ có áp dụng cho một số môn mà thôi. Chương trình giãng dạy thì nhẹ hơn. Tuy nhiên nếu sinh viên hệ này tốt nghiệp khoảng 60% vẫn được học tiếp các chương trình cao hơn. Hệ honours thì điểm chuẩn cao và một số môn phải vượt qua cuộc thi sát hạch tại các trường cao đẳng mà thí sinh đó theo học.

Về chế độ thi cử hệ này có khác là giáo viên trực tiếp giãng dạy thì không ra đề và không được chấm thi. Bộ phận giãng dạy, ra đề và chấm thi hoàn toàn khác biệt nhau.

Chế độ thi cử của Thạc sĩ diễn ra như sau:

  1. Giáo sư giãng dạy ra 2 đề thi khác nhau và trực tiếp nộp tại Phòng giám sát thi cử. Đại diện hội đồng học thuật khoa học có liên quan đến đề tài của khoa đó sẽ chọn và gửi đến cho vị hiệu phó. Đề sẽ do bộ phận in ấn trường chịu trách nhiệm in ấn và gửi lại cho vị hiệu phó. Đến ngày thi, vị khoa trưởng sẽ đi cùng một giáo sư đến phòng vị hiệu phó lấy đề và được cử bảo vệ theo đến phòng thi. Các đề thi được niêm phong cẩn thận.
  2. Các bài thi của sinh viên sẽ được rọc phách, đánh mật mã, niêm phong và chuyển về phòng giám sát thi cử. Ngày chấm thi sẽ do phòng này quy định và các giáo sư sẽ đến văn phòng này cùng ngồi chung chấm bài. Điều cần biêt là mỗi khu đại học đều có một phòng như thế này. Việc vào điểm trong máy vi tính sẽ do bộ phận 3 người làm việc. Một người đọc, một người kiểm tra và một người đánh máy.

Với tư cách là Trưởng ban đại diện lưu học sinh Phân Khoa Phật học Đại học Delhi, chúng tôi thông báo thêm vài nét sinh hoạt của Tăng, Ni Việt Nam tại Delhi để độc giả có thể hiểu rõ thêm.

Tại Delhi, không có một ngôi chùa Việt Nam nào cả nên các tăng, ni phải thuê nhà chung quanh trường để ở. Nhà đông nhất là 6 vị, rồi đến 5 vị, 4 vị, 3 vị , 2 vị rồi 1 vị cũng có. Một số lượng nhỏ khoảng 2% thì ở ký túc xá. Số lượng nhỏ ở ký túc xá ít là do quy định của trường vì ký túc xá rất hạn chế.

Do cư trú không cùng một chỗ nên ngoài giờ học, Tăng Ni còn có thể gặp nhau ở các kỳ Bố tát hằng tháng, các lễ Nguyên đán, lễ Phật Đản, Lễ Vu lan, các lễ tưởng niệm các vị Thầy đã viên tịch tại quê nhà và các buổi lễ cộng đồng . . .

Nói tóm, Tăng Ni sinh Việt Nam tại Delhi sinh hoạt trong tinh thần, sắc thái và bổn phận của một tu sĩ và chịu sự quản lý như một lưu học sinh Việt Nam đang học tập, cư trú tại nước ngoài.

 Đại học Delhi, ngày 17 tháng 12 năm 2004

http://www.buddhismtoday.com/viet/dien/thongtin.htm

 


Vào mạng: 20-12-2004

Trở về mục "Diễn đàn"

Đầu trang