Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
LỜI KHUYÊN KHẨN CẤP
Bản dịch Việt ngữ của Thanh Liên

 

Giáo lý sau đây được ban ra để trả lời một câu hỏi gồm hai phần được nêu lên trong chuyến viếng thăm của Lạt ma Lodu tại Taos, New Mexico

 

Hỏi: Làm thế nào những người không có vị Thầy tâm linh có thể sống trong thế giới và thực hành tâm linh một cách thiện xảo, và làm cách nào những người đã có một con đường có thể sống và làm việc trong một thế giới nơi những người khác không chia sẻ con đường đó?

Đáp: Những người không có vị dẫn đạo tâm linh và được thúc đẩy bởi một khao khát mãnh liệt có thể tự mình thực hành cho tới khi tìm thấy một vị dẫn đạo tâm linh tốt lành. Những ai có ý hướng làm những điều thiện lành thì sớm hay muộn cũng sẽ gặp một vị Thầy đầy đủ phẩm tính.

Với động lực để làm những điều lợi lạc và đi theo con đường tâm linh, nhờ thiện tâm và lòng bi mẫn, thân, ngữ và tâm ta có thể được sử dụng để phát triển thái độ chân chánh và các hành động đúng đắn (chánh hạnh). Ta cũng nên được thúc đẩy để phát triển ước muốn kiên định, mong ước tất cả chúng sinh đều kinh nghiệm hạnh phúc và thoát khỏi đau khổ. Kết quả là thân, ngữ và tâm ta sẽ trở thành sự hiển lộ của lòng bi mẫn. Đây là một thực hành tâm linh chuẩn bị căn bản mà ta có thể tự tu học không có sự trợ giúp của một vị dẫn đạo tâm linh.

Là Phật tử, chúng ta tin rằng ta không nên làm điều gì gây tổn hại cho người khác. Vì thế bạn nên luôn luôn tự mình làm một gương mẫu. Nếu có ai nói với bạn trong một cách thế tích cực, bạn kinh nghiệm hạnh phúc; vì thế, bạn nên nói với những người khác bằng một cách thức tương tự để họ cũng có thể có kinh nghiệm (hạnh phúc) đó. Khi bạn gặp một người giao tiếp với bạn không bằng ngôn từ, với động lực hoàn toàn từ ái và năng lực tâm linh tràn đầy bi mẫn, bạn cảm thấy sảng khoái, an lạc hơn. Tới lượt bạn, bạn nên nuôi dưỡng thiện tâm và lòng bi mẫn tương tự càng nhiều càng tốt, và sau đó hãy đem thái độ của thân, ngữ và tâm đó tới tất cả những người bạn gặp.

Vì thế đây là lời khuyên của tôi cho những người không có một vị dẫn đạo tâm linh: Bạn không nhất thiết phải ngồi xuống, thiền định đúng bài bản và thực hành quán tưởng. Việc biểu lộ thiện tâm từ ái và lòng bi mẫn có thể được thực hiện ở bất kỳ nơi đâu. Bạn luôn luôn có cơ hội để ứng dụng thiện tâm và lòng bi mẫn đối với người khác và để sử dụng thân, ngữ và tâm bạn trong chánh hạnh. Thái độ này rất mạnh mẽ và là thực hành tâm linh chuẩn bị toàn hảo. Sớm hay muộn, nhờ sức mạnh của động lực tích cực của bạn, bạn sẽ gặp vị dẫn đạo tâm linh đúng đắn, và cánh cửa sẽ mở ra con đường tâm linh.

Trong trường hợp thứ hai, bạn đã có thực hành tâm linh, và bạn bị xao lãng bởi những mối bận tâm thế tục. Điều quan trọng là bạn phải đi theo thiện tri thức, vị Thầy và không đi đó đi đây. Hãy lưu lại với một vị dẫn đạo tâm linh, là người mà bạn thực sự cảm thấy là chân chính, và đừng cố thay đổi các vị Thầy cho tới khi bạn có được sự thấu suốt chân thật trong tâm.

Thái độ Bồ Tát thì rất quan trọng; không có nó, bạn không thể thực hành Kim Cương thừa và Đại thừa. Khi tâm bạn hoàn toàn được thúc đẩy bởi thái độ thuần tịnh này thì thân, ngữ và tâm bạn hướng về sự tích cực tốt lành một cách tự nhiên. Từ viễn cảnh Đại thừa và Kim Cương thừa, cho dù bạn không thể ngồi yên trên nệm thiền trước bàn thờ bởi bạn có con cái, việc làm, và vì bạn có đủ thứ xao lãng trong thế gian, bạn vẫn có thể thực hành. Bạn phải nhận được một lời khuyên chân chính từ vị Thầy của bạn và có niềm tin nơi ngài và Giáo Pháp. Khi đó hoạt động của bạn trong thế gian sẽ hiến tặng một cơ hội tương tự để đạt được Giác ngộ như bạn có được trên nệm thiền.

Hỏi: Xin ngài giải thích làm cách nào thực hiện được điều đó?

Đáp: Để được hướng dẫn trong những tình huống như thế, chúng ta có thể hướng về Machig Labdron, một trong những Đạo sư Tây Tạng vĩ đại, người sáng lập thực hành Chod. Bà là một yogi và vị Thầy  có thành tựu cực kỳ lớn lao. Mặc dù hầu hết giáo lý đạo Phật chỉ di chuyển từ Ấn Độ sang Tây Tạng, giáo lý của bà từ Tây Tạng trở ngược về Ấn Độ. Bà có một ít lời khuyên dạy vĩ đại về chủ đề này mà với tôi chúng dường như đầy đủ, phong phú và đơn giản. Bà nhắc nhở chúng ta rằng đời người chúng ta xen lẫn hạnh phúc và đau khổ. Trong chốc lát chúng ta thật hạnh phúc, nhưng hạnh phúc không kéo dài; chúng ta bám luyến vào hạnh phúc đó và thình lình nó trở thành đau khổ thật khó thoát ra. Đôi khi ta lại có hạnh phúc ngắn ngủi, nhưng điều này tạo thêm sự dính mắc và bám luyến, và như thế ta càng thêm đau khổ. Đây là kinh nghiệm của tất cả chúng sinh, nhưng loài người cảm nhận điều đó nhậy bén hơn.

Machig Labdron dạy: Đừng lo lắng. Nếu bạn đau khổ, bạn có một cơ hội tuyệt vời để thực hành. Hãy nhớ: “Nếu tôi hạnh phúc, tôi ước muốn tất cả chúng sinh không loại trừ ai được hưởng hạnh phúc mà tôi được trải nghiệm thật dễ chịu này. Cầu mong mọi người đều kinh nghiệm hạnh phúc này giống như tôi đã kinh nghiệm.” Theo cách này hạnh phúc trở thành sự tịnh hóa, thực hành thực sự, và công đức được tích tập. Kế đó: “Nếu thân hay tâm tôi đau đớn, cầu mong cùng với nỗi khổ của tôi, tôi nhận lấy nỗi khổ của tất cả chúng sinh không loại trừ ai.” Vì thế nỗi khổ của chúng ta cũng trở nên hữu ích như pháp tịnh hóa và mang lại cho ta một cảm thức sâu xa về Bồ Tát hạnh. Sự tiếp cận này rất ích lợi cho những người không có thời gian để thực hành chính thức trong một thế giới tràn đầy trách nhiệm và những xao lãng.

Một người có thể thực hành an tọa và tụng đếm các thần chú trong nhiều năm, và người khác có thể thực hành khi sống trong thế gian với kỹ thuật mà tôi vừa đề cập. Người thứ hai có thể đạt được giác ngộ sớm hơn bởi họ xử sự với đời sống hàng ngày như một thực hành tâm linh, chuyển hóa mọi hoàn cảnh thế gian thành các hiện tượng tâm linh. Người ngồi ở nhà suốt ngày có thể không thực hành đúng đắn; họ có thể mộng tưởng hão huyền, bị xao lãng và không thể thành tựu sự chứng ngộ.

Chúng ta luôn luôn có những cơ hội để tỉnh thức. Khi chúng ta thực hiện các trách nhiệm của ta đối với gia đình, tình thương của ta đối với những người thân vẫn mạnh mẽ bất chấp các vấn đề. Nếu ta nghĩ tưởng rằng tất cả chúng sinh cũng bình đẳng với gia đình ta thì một ngày nào đó ta sẽ có thể phụng sự tất cả những chúng sinh ấy trong một cách thế tương tự. Ví dụ như tại chỗ làm việc của bạn, do bởi nghiệp, một người bất đồng ý kiến với bạn. Nhờ nhận trách nhiệm về chuyện bất hòa, bạn nhận vào mình nỗi khổ này, tịnh hóa nó, và nguyên nhân của nỗi khổ được giải trừ. Thay vì như thế, nếu bạn cứ tiếp tục đeo đuổi cuộc tranh luận, bạn sẽ tạo thêm đau đớn và khổ sở. Vì thế điều tối quan trọng là nhận vào mình nỗi khổ của chúng sinh. Khi bạn làm điều này, tính ích kỷ của bạn sẽ suy yếu đi và bạn sẽ trở nên vô ngã hơn.

Như thế những người không có thời giờ thực hành nên ghi nhớ những lời dạy của Machig Labdron và cố gắng nghĩ về ý nghĩa tròn đầy và phong phú của giáo lý ấy khi bạn hoàn thành cuộc sống hàng ngày. Dứt khoát là bạn phải tỉnh giác, bạn phải tự nhắc nhở mình từ sáng cho tới tối về những nội quán sâu xa này, và bạn phải áp dụng ý nghĩa của chúng mỗi ngày. Cũng nhớ rằng bận rộn không phải là một lý do. Điều này đặc biệt đúng trong truyền thống Đại thừa. Ngay cả trong Kim Cương thừa, bạn nghĩ tưởng bản thân bạn như Bổn Tôn của sự nhập môn, bất kỳ âm thanh nào bạn nghe cũng đều là âm thanh của các thần chú, mọi chúng sinh là tập hội các Bổn Tôn. Và tuy thế mọi sự được nhìn và nghe thấy không có sự hiện hữu bẩm sinh. Đúng hơn, đó là sự hiển lộ của Pháp Thân, sự hiển lộ của tánh Không sâu thẳm. Nếu bạn có thể áp dụng tâm bạn theo cách này mỗi ngày thì việc bạn làm, việc bạn chăm sóc gia đình – tất cả những điều này trở thành thực hành của bạn, và bạn đang tiến bộ trong từng giây phút. Nhưng đôi khi các vấn đề của ta đến từ sự lười biếng, thiếu sự tin cậy và phó thác, niềm tin yếu ớt, và chần chừ do dự. Ta nghĩ rằng thực hành hàng ngày là điều tốt lành cần làm, nhưng không phải ngày hôm nay. Thình lình, một điều quan trọng tới gần và chúng ta ước muốn dấn mình kịch liệt vào thực hành; chỉ khi đó ta mới có được một quan điểm tâm linh. Thay vào đó, ta nên luôn luôn hiến dâng tất cả hạnh phúc cho người khác và sử dụng mọi đau khổ cá nhân để nhận lấy đau khổ của tất cả chúng sinh.

Hãy nhớ kỹ khi giữ quan điểm Kim Cương thừa: mọi hình tướng bất khả phân với hình tướng của các Bổn Tôn, mọi âm thanh bất khả phân với thần chú; nhưng mọi hình tướng và âm thanh không có hiện hữu bẩm sinh, là một sự biểu lộ của tánh Không. Đó là cách thức thực hành Kim Cương thừa.

Lạt ma Lodu Rinpoche an trụ tại Kagyu Droden Kunchab, một trung tâm Giáo Pháp để thực hành Phật Giáo Đại thừa và Kim Cương thừa, có trụ sở ở 1892 Đường Fell (gần Clayton) San Francisco, CA 94117. Lạt ma trông nom việc dịch thuật nhiều bản văn thực hành (Sadhana) và đã biên soạn vài quyển sách: Giáo lý Bardo (có thể mua được nhờ Nhà Xuất bản Snow Lion), Tinh túy của Giác tri và Vô tri, Thành tựu Giác ngộ, Trì giữ Giới nguyện Bồ Tát, và Kính lễ Kalu Rinpoche (có thể tìm được ở Nhà Xuất bản KDK).

Nguyên tác: “Instant Advice”
by Lama Lodu Rinpoche
http://www.directcon.net/thubten/instant_advice.htm
Bản dịch Việt ngữ của Thanh Liên

http://www.buddhismtoday.com/viet/dien/loikhuyen_khancap.htm

 


Vào mạng: 1-12-2006

Trở về mục "Diễn đàn"

Đầu trang