Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
GÓP Ý VÀ TÌM HƯỚNG GIẢI QUYẾT THEO TINH THẦN CHÁNH PHÁP

 Vừa qua chúng tôi theo dõi báo Gíac ngộ có đăng ba bài viết của ba tác giả đó là bài " Ở thất – niềm vui và nỗi buồn" ( Phiêu Nhiễu ); "Nên có cái nhìn theo tinh thần Phật giáo" ( Thích Thiên Hương ); "Nên suy nghĩ kỷ về chuyện ở thất" ( Nhật Nguyệt ). Quả thật đây là 3 bài viết có tinh thần cởi mở, thẳng thắn và xây dựng rất cao. Tuy nhiên bài của tác giả Nhât Nguyệt chỉ nằm trong suy nghĩ vốn xưa nay bút mực đã từng hao tốn. Điều đáng gây chú ý và đọng lại trong chúng tôi là hai bài của hai tác giả còn lại.

Trước hết là bài "ở thất- niềm vui và nỗi buồn" của Phiêu Nhiễu. Đọc bài này chúng tôi cảm nhận đây là những lời rất chân thành. Những bộc bạch đã được kiểm nghiệm qua một thời gian tiếp cận với sự thật. Điều đáng ghi nhận và trân trọng là tác giả đã dám nhìn thẳng vào sự thật, nói lên tiếng nói của người trong cuộc. Vì vậy, chúng tôi nghĩ mọi người đều thông cảm chứ không ai có cái nhìn thiên kiến về những gì mà tác giả đã nêu.

Bài "Nên có cái nhìn theo tinh thần Phật giáo" thì ở tầm cao hơn. Bởi lẽ ngoài những tâm sự, tác giả còn gợi mở để chúng ta tìm hướng giải quyết cho số phận các ngôi tịnh thất như vậy.

Tới đây chúng tôi muốn nhìn lại sự hình thành và phát triển các ngôi chùa ở Việt nam. Qua các tài liệu sử sách cũng như cuốn danh bạ các ngôi chùa, tịnh thất, tịnh xá, niệm phật đường của Giáo hội chúng ta ấn hành và xuất bản, đều có một điểm chung là các ngôi tự viện ban đầu được xây dựng mang tính " tự phát" ( ngoại trừ một số ngôi chùa được các vị vua chúa mến mộ Phật pháp xây dựng trong các triều đại phong kiến). Các ngôi chùa đầu tiên được xây dựng thường là một vị thầy hoặc cô. Vị thầy, cô này thường đi tới một vùng đất nào đó, dựng lên một thảo am ở để tu hành, dần dần lâu ngày hội đủ cơ duyên trùng tu và xây dựng, gắn lên một tấm bảng hiệu để tiện cho tín đồ biết mà tìm đến. Nguyên nhân thứ hai là các vị thầy, cô theo dòng di dân, dãn dân vào một vùng đất mới, ban đầu cũng chỉ là am tranh, tượng giấy… và rồi theo "cổ lệ" mà thành ngôi chùa. Một nguyên nhân cũng đáng chú ý, là có một Phật tử tự xây dựng rồi khi có duyên với một vị thầy, cô nào đó thì thỉnh mời và hiến cúng. Bằng khả năng, đức độ và phước báu riêng của các vị kế nhiệm, ngôi chùa mỗi ngày được mở rộng thêm và xây dựng hoàn thiện, khang trang hơn. Điều đó cho chúng ta thấy rằng, sự tham gia đóng góp thành tâm, tích cực của mỗi cá nhân tạo nên một tài sản khổng lồ cho Giáo hội và nó còn là nơi sinh hoạt tâm linh cho tất cả những người muốn tìm về nguồn tâm của chính mình.

Chúng tôi may mắn được ở trong một ngôi "Phạm vũ huy hoàng" nên đời sống tu học cũng tương đối nhẹ nhàng. Ngôi chùa này được truyền thừa đến nay đã ba đời. Nhiều lần nghe bổn sư chúng tôi kể lại những khó khăn, khổ cực gặp phải của bậc tiền bối khi mới "ly sơn" để tìm đất tạo tự. Chúng tôi mới thấm thía và mang ơn quá nhiều những gì mà cổ nhân đã cống hiến. Chúng tôi cũng có cơ duyên quen được nhiều vị thầy, cô đang ở các tịnh thất. Cho nên chúng tôi thật sự hiểu và thông cảm cho quý thầy, cô. Phải chăng tất cả đều do quy chế chưa thông thoáng của Giáo hội? Hoặc do cái nhìn chưa có tính tổng quát? Hoặc do chúng ta đã không tiên liệu đúng quá trình vận hành hình thành và phát triển các ngôi tự viện cho 50 năm sau? Hoặc có những nguyên nhân nào có sức thuyết phục hơn? Tất cả quý thầy, cô đều làm theo "cổ lệ" nên chẳng có chuyện đúng hay sai gì ở đây cả. Bằng những cuộc tiếp cận thực tế, nên chúng tôi thấy có những ngôi tịnh thất xây dựng, thiết kế, tổ chức tu học khá bài bài bản hơn một vài ngôi chùa nhỏ. Có những ngôi tịnh thất diện tích rộng hơn các ngôi chùa ở nội thành. Chỉ một điều thua duy nhất là không có bảng hiệu và không được sự công nhận của Giáo hội. Cái nhìn của Phật giáo là cái nhìn của trục hệ luận "NHÂN – DUYÊN - QUẢ" ba đời. Vì vậy nên chúng ta phải thật bình tĩnh mới nhận diện nó đúng một cách trọn vẹn. Mỗi vị thầy, cô đều có nhân duyên với một số Phật tử nào đó. Họ đã là quyến thuộc từ nhiều đời nhiều kiếp. Nay hội ngộ họ trở thành thầy trò của nhau. Phật tử chấp nhận qui tụ tu học và hộ trì các vị thầy ở thất cũng phát xuất từ tinh thần Phật giáo.

Cần phải nói thêm rằng, bên cạnh đó cũng có một vài ngôi tịnh thất, một vài Tăng Ni chưa đạt được tiêu chuẩn như đã nêu ở trên. Điều này đã làm hao tốn không biết bao tâm lực cho chư Tôn đức lãnh đạo, đồng thời khiến cho nhiều người nhìn và hiểu không đúng về việc " ly sơn" của các vị Tăng Ni khác. Nhưng không vì vậy mà chúng ta có thành kiến hoặc phát biểu thiếu tôn trọng, để rồi vàng thau lẫn lộn. Thiết nghĩ các nhà lãnh đạo Giáo hội nên có phương thức hợp lý, tạo điều kiện để quý thầy, cô an tâm tu học. Khi danh chính ngôn thuận, những nơi ấy chính là cơ sở và tài sản của Giáo hội như bài viết trước đó đã nêu. Còn những ai chưa hoàn thiện cũng cần được xây dựng và cảm hoá bằng cái tâm của người con Phật. Tạo điều kiện để họ quy hướng về Tăng đoàn, sự chuyển hoá nhuần nhuyễn bao giờ cũng đem lại một kết quả thánh thiện.

Người xưa thường nói đất lành thì chim đậu. Cái hồn của đất luôn đãi những ai cần cù, siêng năng, tinh tấn…. Từ cái nôi đồng bằng sông Hồng, bằng những cuộc di dân của người xưa đã cho chúng ta có được dải đất hình chữ S như hôm nay. Nếu ai đó bảo chúng ta quay về nơi xuất phát thì có hợp với quy luật phát triển của tự nhiên không?. Quý thầy, quý cô cũng nằm trong quy luật tự nhiên đó.

Tìm hướng giải quyết trong ôn hoà, trong tình xây dựng và đúng với tinh thần chánh pháp là một việc làm rất cần thiết. Tuy nhiên trong giai đoạn hiện nay số lượng tịnh thất đã tự thành lập cũng "khá nhiều". Nên chăng Giáo hội cần có một văn bản chính thức nhằm hạn chế đồng thời đưa ra một số tiêu chí để những người sau suy nghĩ kỷ lại trước khi " ly sơn" để thành lập những tịnh thất theo ý mình?!

http://www.buddhismtoday.com/viet/dien/gopy.htm

 


Vào mạng: 11-1-2005

Trở về mục "Diễn đàn"

Đầu trang