Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
Cảm niệm về sự ra đi của một người
 Hạt Cát

 

     Hôm Chủ Nhật rồi, nghe tin Thầy Nhật Từ sẽ quang lâm đạo tràng Gíác Lâm để ban bố cho đại chúng một thời pháp thoại, một chặn dừng trên chuyến du phương hoằng hóa mùa hạ của thầy tại Hoa Kỳ, tôi thu xếp, hay nói đúng hơn là bỏ hết các công việc khác để về chùa. Tôi cũng chưa biết đến đó ngoài việc nghe Thầy giảng một thời pháp, còn có làm gì khác hơn chăng thì tôi không định trước được, chỉ là tuỳ cơ ứng biến mà thôi. Thực ra tôi cũng có ý định đến gặp Thầy để cúi đầu đảnh lễ tận mặt với thầy một phen, có thể nói là cơ hội hiếm hoi, vì  Thầy vốn từ bên quê nhà, mỗi năm đi du phương hoằng hoá một chuyến hải ngoại trong vài tháng mùa an cư kiết hạ, và thường thì trong vài tháng này Thầy đi rất nhiều nơi, theo dõi lịch trình của thầy trên trang web ĐPNN thì biết rằng thầy rất bận rộn đối với thời gian ít ỏi của thầy, nên tôi không dám chắc là Thầy sẽ có thời gian để tôi được thưa thốt với Thầy đôi điều hay chăng. Nếu như có nhiều người vây quanh Thầy quá thì tôi sẽ ...âm thầm rút lui vậy.

       Được biết thầy nhiều năm qua trang Web do Thầy chủ trương, trên đó có vài bài thơ của tôi, và được nghe qua pháp thoại của Thầy hồi hai năm trước trên mạng hội thoại Paltalk, tôi có nhiều hảo cảm với đường lối, chủ trương trong các thời pháp mà Thầy tuyên thuyết nhưng chưa bao giờ có cơ hội gặp Thầy ở ngoài đời - một tu sĩ trẻ đa năng -  theo lời của một đạo hữu có uy tín mà tôi cũng quen biết trên Paltalk, anh Bình An Sơn, anh nói rằng Thầy NT, một con người nhỏ nhắn nhưng bộ não của thầy thì ...kinh khủng, bao nhiêu tạng kinh Nam Bắc đều được cất chứa đầy trong đấy. Tôi ...chờ xem, cơ hội diện kiến thầy mãi đến nay mới có, nhưng mà có duyên được thưa chuyện với thầy không thì còn phải chờ xem.

          Và rồi, cơ hội cũng đến khi thầy vừa sắp xếp xong cụ bị thu âm cho thời pháp sắp tới và rời chánh điện trở lại khách sảnh, không có nhiều người vây quanh thầy như tôi tưởng, tôi nhanh chân bước theo Thầy, nhưng dù sao cũng là hơi đường đột, vì tôi đã không điện thoại trước cho Thầy để xin phép hội kiến.Tôi mở lời tự giới thiệu về mình, và nhắc lại vài sự kiện mà trước kia tôi và thầy đã trao đổi qua email, sau ít giây ngỡ ngàng ngạc nhiên, Thầy nhớ ra tôi, Thầy cười, trách sao mấy năm nay tôi đi biệt những đâu, thầy mất liên lạc với tôi vì những địa chỉ email cũ trước kia ( ít nữa là 5 năm) tôi đã không còn sử dụng, thầy không làm sao liên lạc được với tôi, thầy có hỏi một vài người nhưng không ai biết tôi đang ẩn cư biệt trú nơi nào, tôi vốn có cái cố tật này, sau một thời gian rong chơi giang hồ cõi ảo, tự dưng đâm ...chán, bèn làm một áng mây ...nhất phiến bạch vân vô sở trú, tuỳ phong phiêu hốt dụng vô tâm ...làm sao ai biết được mây trú ẩn nơi nào chứ, tôi cười ...xấu hổ, thưa, đổ thừa, dạ sinh hoạt của con dạo này không thuận tiện mấy nên con tạm thời rửa tay ...gát bút. Thật ra, từ hơn ba năm nay, áng mây này dường như đã không còn hứng thú la cà phiêu hốt gió đưa nữa, tôi trụ lại tại một đạo tràng ...online, ngày ngày sau giờ làm việc về nhà, bao nhiêu thời gian của tôi đều dành cho việc bòn mót chút phước lành để dành lại cho những kiếp lai sinh chút lưng vốn trí tuệ Phật pháp cho chuyến hành trình đi tìm kiếm lối thoát ra khỏi con đường sinh tử luân hồi vô minh diệu vợi kia.. Quả thật là thầy không có nhiều thời gian, thầy đến và đi như gió thoảng, sau khi nói pháp liên tục trong hai tiếng đồng hồ, dù muốn dù không thì thầy cũng phải dừng lại, phải trở lại đạo tràng trước đó để sẵn sàng cho một trạm dừng kế tiếp. Trước khi ra về, thầy nói "Nhớ gửi bài mới cho thầy nghe", tôi hứa "Dạ con sẽ liên lạc email với thầy".

    Về nhà, cho chắc ăn, tôi tìm vào trang Web ĐPNN để lấy địa chỉ email của thầy, click qua click lại, thoáng thấy cái tên Tịnh Nghiêm Nghiêm Xuân Cường và một loạt các bài thơ của anh trong trang Web, lòng tôi chợt chùng xuống ngậm ngùi. Đấy, cuộc đời vô thường là thế đấy, tác giả của một loạt các bài thơ này, thân xác giờ đã nằm yên dưới lòng đất lạnh, chút kỷ niệm với nhân gian còn chăng là những bài viết, những bài thơ rải rác đó đây trên các diễn đàn văn học nghệ thuật, trên các trang web Phật giáo. Anh ra đi ở cái tuổi mới vừa 54, còn quá trẻ cho một đời người, bạn bè anh dự định tổ chức giỗ 100 ngày cho anh vào khoảng trung tuần tháng 08, 2007, cho đến khi tôi viết bài này thì tính ra vẫn còn hơn tháng nữa, nghĩa là sự ra đi của anh, cho đến giờ,  vẫn còn là một điều quá mới mẻ, đôt ngột, không những với tôi là một người chỉ biết tiếng mà không quen anh, mà còn đối với rất nhiều thân hữu của anh.

     Mấy tuần trước, một đạo hữu trẻ sinh hoạt trong nhóm Phật tử Đạo Tâm cùng với anh, Nguyên Tịnh Bảo Phán, người tôi quen trong đạo tràng online mà tôi vẫn thường tham dự, gửi qua email cho tôi một bài viết bằng Anh Ngữ, nhờ tôi dịch Việt, mới đầu tôi không lưu ý lắm, thấy không có hứng thú để dịch vì lý do nào đó tôi cũng không rõ, có thể là vì em đã cùng gửi CC cho một thân hữu khác, tôi đinh ninh là vị kia sẽ dịch nên không đọc kỹ những gì đã được viết nên. Hai ngày sau, chạm mặt nhau trong đạo tràng online, cậu nhắc lại lần nữa, lần này ở trong  Private Message, cậu  nói rõ ràng hơn, rằng đấy là bài viết cuối cùng của anh Nghiêm Xuân Cường, muốn nhờ tôi dịch ra cho kịp trình bày trong buổi sinh hoạt kỷ niệm về anh, lúc đấy tôi mới ... giật mình, chưng hửng, "Hả, em nói gì? Anh Nghiêm Xuân Cường à, chị có biết tiếng tăm của anh ta vì thấy thi ca, văn chương của anh xuất hiện khá nhiều trên các trang nhà Phật Giáo và các diễn đàn văn học, thậm chí anh sáng tác cả nhạc nữa kìa", cậu ta nói, "Phải rồi, chính là anh ấy, anh đã không còn trên cõi đời này nữa rồi", "Thật vậy sao, chị nghĩ là anh ấy còn trẻ lắm mà, sao lại xảy ra chuyện đó chứ", "Anh ấy bị động tim, bất đắc kỳ tử chị ơi", "Ối trời!" Tôi thảng thốt kêu lên hai tiếng.

      Có đôi điều thắc mắc về anh, và cũng để hiểu cho rõ bối cảnh bài viết cuối cùng của anh, tôi truy cập google, tìm thấy trên trang Web nhóm thân hữu y dược sĩ của anh có một trang kỷ niệm về anh, tôi đọc kỹ, nhìn hình ảnh của anh được đưa lên đó, ngậm ngùi càng ngậm ngùi hơn, 54 tuổi, vợ trẻ con thơ, đúng là con thơ, cháu gái mới có 5 tuổi, hình anh chụp chung với chư Tăng một ngôi chùa nào đó trông còn rất trẻ, trẻ hơn số tuổi 54 của anh. Anh đã bỏ họ mà đi rồi, đi một cách tức tưởi, đột ngột, tôi đoan chắc rằng không ai trong gia đình anh đã có thể dự kiến tình huống này sẽ xảy ra.

     Trở lại đọc sơ qua bài viết Anh Ngữ của anh trước khi ngồi xuống làm công việc dịch thuật, tôi càng cảm thấy ...lạnh mình hơn, ai mà ngờ được, bài viết đó chính là một lời trăn trối của anh một cách  gián tiếp. Những gì anh khơi dậy trong bài viết, tưởng rằnh anh nói cho người chung quanh biết để họ có thế chuẩn bị tâm lý đối với những điều mà không ai trong chúng ta có thể tránh né được, không ngờ rằng chính bản thân của anh, tôi nghĩ anh cũng chưa hề chuẩn bị cho một tình huống như thế xảy ra đối với anh, cho những người thân yêu nhất bên cạnh anh. Bài viết của anh đại khái nói rằng khi chúng ta còn có mặt trên cõi đời này, chúng ta nên trân trọng những gì chúng ta có được trong hiện tại, hãy sống với tất cả chân tình của ta đi, hãy bày tỏ lòng biết ơn, lòng thương yêu của chúng ta với các bậc sinh thành, với những người thân cận gần gũi với chúng ta đi, đừng để quá trễ trước khi chúng ta không còn cơ hội nữa, hoặc người không cho chúng ta cơ hội, hoặc ta không còn cơ hội dành cho người, bởi vì, vô thường có mặt rượt đuổi chúng ta rất ráo riết, rất cấp bách, không biết lúc nào nó sẽ tạt vào nhà ta hỏi thăm vớ vẩn vài câu. Không biết rằng khi viết xong những hàng chữ cuối của bài viết kia, anh đã có thực hiện được phần nào những điều mà anh cho rằng không nên đợi ngày mai đó hay chưa, nếu như anh còn chưa làm, thì hẳn là anh đã rất ân hận trong những giây phút cuối như đã từng ân hận lúc anh còn sinh tiền đối với song thân.

    Thực ra đó cũng là tâm lý chung của tất cả mọi người chúng ta chứ không hẳn là của riêng anh, chúng ta vẫn thường có ý tránh né chuẩn bị cho mình một sự ra đi đột ngột giống như anh, chúng ta cứ nghĩ rằng chuyện đó xảy ra với tất cả mọi người nhưng có lẽ không phải với bản thân mình một cách nhanh chóng vậy đâu. Và như thế ta cứ chần chờ, cứ hẹn hò, cứ nhủ rằng hãy còn sớm chán đối với ta mà không chịu lên một kế hoạch là phải chuẩn bị những gì giả sử ta phải ra đi một sớm một chiều nào đó, lâu lâu ta cũng có nhìn lại tính chất vô thường của cuộc đời khi nghe tin một ai đó đã từ giã cõi nhân gian, nhưng rồi sau đó tiếp tục bị cuốn hút với những tất bật của nhân sinh, ta quên khoấy đi nỗi ám ảnh vô thường có thể xảy ra bất cứ lúc nào, đến khi chạm mặt với sự thật phũ phàng, ta ân hận là đã chưa làm được gì cho công việc chuẩn bị một chuyến ra đi đột ngột như thế.

    Trở lại với sự ra đi của anh Nghiêm Xuân Cường, như tôi có viết vài lời khi dịch bản Anh Ngữ, dù đồng cảm với những gì anh đã nghĩ, tôi vẫn không khỏi bàng hoàng pha lẫn chút ngậm ngùi. Ở cái tuổi 54, có lẽ anh chưa bao giờ nghĩ đến việc chứng động tim ngặt nghèo lại đùa cợt anh một cách đột ngột như thế, ít nhất, là một dược sĩ, với kiến thức y khoa căn bản, anh phải tự biết thể lý của mình hơn ai hết, những triệu chứng gây ra đột quỵ là một hung thủ giết người thầm lặng mà nền y học tiến bộ nhất nhì thế giới đã báo động hằng ngày, nhìn hình ảnh của anh không thấy có chút báo hiệu nào của một con người có bệnh tật, có lẽ anh đã không hề nghĩ rằng anh sẽ phải đối đầu với một tình huống như thế, nó xảy ra quá là đột ngột, quá là vô thường, mặc dù trong một bài thơ có tựa đề là "Vô thường" của anh, anh nói về tính chất của vô thường một cách rành rẽ cũng giống như nhiều người khác trong chúng ta kể cả tôi, nhưng chúng ta chưa thực sự thể nghiệm được cái gì gọi là vô thường đó.

Vô thường là gió qua nhanh,
Trăng treo đầu ngõ, cây xanh trước nhà.
Trong lòng ta, giữa bao la,
Cánh chim trước gió đâu là quê hương.
Như tiếng sóng giữa đại dương,
Như mây đầu núi, như sương ban chiều.
Những gì ta mến, ta yêu,
Tỉnh say một giấc tan vào hư không. (NXC)

     Chao ôi, vô thường là vậy đó, ai cũng biết, nhưng thực sự chuẩn bị để đối phó với nó, chúng ta đã có thể làm được những gì cho chính bản thân ta, ta có thể không đau buồn khổ sở khi nhìn thấy vô thường xảy ra chung quanh, nhưng phải làm sao một khi vô thường xảy ra cho chíunh bản thân ta, chắc chắn là không có đủ thời gian để làm một công việc nào khác hơn là chấp nhận vô điều kiện. Chuẩn bị ra đi với một tâm tình an nhiên tự tại, chúng ta có thể làm được việc này chưa?. Nói thì rất dễ, nhưng khi va chạm thực tế, ta có đủ bản lĩnh để an nhiên tự tại hay chăng? Được biết trong giờ phút tan rã của ngũ uẩn, chúng ta sẽ bị đau đớn vật vã ghê gớm, thần trí lúc ấy không còn đủ tỉnh táo để mà ...trối trăn, huống gì là an nhiên tự tại, nhớ xưa bà hoàng hậu Malika của vua Pasenadi, suốt đời làm việc thiện, tích tụ biết bao nhiêu công đức thiện lành, trong lúc lâm chung vì hối hận đã có lần nói dối Đức Vua khiến bà đã phải thác sanh địa ngục trong bảy ngày. Vì vậy việc này không thể chỉ chuẩn bị tâm lý là đủ, mà ta còn phải tập luyện, phải hành trì miên mật mới có thể đạt được trạng thái thân đau tâm không đau để mà an nhiên tự tại rũ bỏ áo trần.

     Hỡi ơi! có mấy người trong chúng ta có thể đạt tới trạng thái ấy? Có chăng là những bậc hiền nhân thánh giả, thường ngày chuyên cần tu tập, hành trì đúng pháp, đến lúc thân ngũ uẩn sắp sửa hư hoại, biết trước ngày giờ thọ mạng chấm dứt, chuẩn bị sẵn sàng, giờ phút ra đi an trú trong chánh niệm thì họa chăng mới đạt được trạng thái thân đau tâm không đau, tâm không hoảng loạn kinh khiếp, thì mới an nhiên thâu thần thị tịch được. Nhìn quanh những chuyến đò đưa người sang bờ sinh tử trong cõi nhân gian này, tôi chưa thấy được chuyến đò nào thành công tốt đẹp, những là cuồng phong loạn sóng, những là chèo chống không xuôi, anh kia chị nọ, ông này bà đó, nghe đến cái chết của ai cũng là nỗi thảng thốt không tránh khỏi, quá đột ngột, quá bất ngờ, trong tình huống đột ngột, bất ngờ ấy, hỏi ai có thể xoay trở cho kịp thời, kịp lúc. Làm gì bây giờ? Những người khác không biết tí gì về Phật pháp có thể nói không biết làm gì, nhưng chúng ta, là những người đang học đòi làm đệ tử Như Lai thì không thể nào nói là không biết,  mà không những chỉ là biết suông, biết rồi còn phải thực hành cho rốt ráo, cho miên mật nữa thì hoạ may chúng ta mới có thể tránh khỏi cái giờ phút cuối cùng, hoặc là hoảng loạn vật vã đáng ghê sợ, hoặc là thần trí mê mờ miên man bất tỉnh kia. Nghĩ đến điều này, tôi quả thực là sợ hãi lắm, không phải là sợ hãi cái chết, mà sợ hãi lúc lâm chung thần trí mê mờ, không biết là mình sẽ đi về cảnh giới nào trong bốn cõi, vậy thì, bây giờ ta có nên ... hạ quyết tâm ...lên một kế hoạch, tự đặt mình vào chỗ không còn con  đường nào để ...thối lui, tự đặt mình vào chỗ... chết để mà sống.

     Như vậy, sẵn đây, mai kia nếu như có tin tôi không còn trên cõi đời này nữa, xin quý vị cũng đừng ngạc nhiên, tôi bây giờ phải lo chuẩn bị gấp rút đấy, chuẩn bị phải chết như thế nào, chuẩn bị nhìn thẳng vào mặt tử thần, thì thầm...trêu ghẹo ngược lại tử thần chớ không để tử thần ...rình rập sau lưng mà trêu ghẹo chúng ta một cách bất ngờ. Chúng ta, những người học đòi làm đệ tử Như Lai, không thèm chơi như vậy đâu, không thèm bị động để cho tử thần muốn đến lúc nào thì đến làm ta trở tay không kịp, mà ta phải chủ động, phải ...sẵn sàng, nói thẳng vào mặt của ...thần chết rằng ":Nè, ta không sợ mi đâu, ta đã có chuẩn bị sẵn sàng rồi nhé, mi không làm khó được ta đâu, ta không để cho mi, muốn dẫn dắt ta đi đâu, thì đi, đâu nhé. Có nên? Có phải là như vậy không hỡi các bạn ơi?

 

Hạt Cát- July 11, 2007

http://www.buddhismtoday.com/viet/dien/camniem_suradi.htm

 


Vào mạng: 14-7-2007

Trở về mục "Diễn đàn"

Đầu trang