Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
MỘT SỰ TÌNH CỜ...!
(HAY: CÁI CÓ VÀ CÁI KHÔNG TRONG ĐẠO PHẬT)
Nguyên Thảo 

                                                                                                                    Tặng: Phan Thiết

Tác giả: ‘Hành Hương Đất Phật’.

 Nói đến cái Có và cái Không trong Đạo Phật thì không phải dễ. Nhiều lúc trong đầu óc của tôi cũng ‘mường tượng’ được vấn đề, nhưng rồi nó lại bay đi. Thế là từ ‘cái không’ tôi tưởng rằng tôi sẽ có ‘cái có’; mà rồi từ ‘cái sắp có’ đó tôi lại trở về ‘cái không’. Tôi có ‘chơi chữ’ không bạn nhỉ ? Chắc bạn sẽ bảo rằng tôi đang bị bệnh ‘lẩm cẩm’ rồi chăng !

Hôm tháng 5/2001 vừa qua, hai vợ chồng tôi ráng thu xếp công việc làm ăn để hộ tống ba tôi đi một vòng thăm viếng bà con ruột thịt ở Mỹ, ở Áo. Khi đến Melbourne thì em tôi đưa cho tôi cuốn Hành Hương Đất Phật của Phan Thiết mà tôi đề gởi nó mua dùm trước đó cả tháng, nhưng nó quên gởi xuống cho tôi. Thế là ở phi trường tôi lật chương Tổng luận đọc lai rai ‘Khởi đi từ lòng nghi ngờ ‘có không’ tôi viết tác phẩm này để đi tìm cái không cái có trong đạo Phật’ (trang 151), và ở đoạn khác ‘Nhà Phật đã ngụy biện tối đa, cái rốt ráo là cái không, nhưng đạo thì có! Và tôi khảo cứu cái đạo này (trang 152), hoặc ‘Tôi đã thấy từ số không, các người chủ trương đạo Phật làm ra có’ (trang 152). Phan Thiết đã không ngần ngại nói ‘Tôi trả lời vắn tắt như thế này: ‘Đạo lý của Đức Phật và đạo lý của nhà Phật mang mầm mống ngụy biện’ (trang 155), ‘Bảo rằng có cũng đúng, bảo rằng không cũng đúng, vừa có vừa không càng đúng hơn vì là trung đạo! Nói suôi cũng lọt, nói ngược cũng trơn’ (trang 155- 156). Và ở phần cuối chương Tổng luận Phan Thiết lại viết ‘Tôi vì thương yêu dân nước tôi mà lập ngôn qua các sách viết về các đạo giáo...’.

Đọc xong các đoạn đó, tôi nghĩ: Quả thật tôi thương thầm cho Phan Thiết..! Và tôi lật qua Vài hàng vì Tác giả: Tên thật là Nguyen Kim Khanh, tốt nghiệp cử nhân Luật Đại học Sài Gòn, trước 30/4/75 là Thẩm phán thuộc Tối cao Pháp viện Việt Nam Cộng Hòa’... (! Thì ra thế!) .Và các Tác phẩm sẽ phát hành: Hành Hương Mếchca - Hành Hương Đất Thánh - Hành Hương Lộ Đức, Pha ti Ma - Thiên Đường Địa ngục đôi bên - Bộ lịch sữ Tín ngưỡng và các Tôn giáo - Cuộc Cách mạng Tình dục. 

Quả thực là những chủ đề lớn! Bỏ 8 năm nghiên cứu để viết tác phẩm Hành Hương Đất Phật, và như vậy các tác phẩm sau sẽ đến bao giờ?... Nhưng chuyện đó không phải là chuyện của tôi. Mà liệu Phan Thiết viết các tác phẩm sau có đúng hay không? Hay là Phan Thiết lầm lẫn Triết học Ấn độ, Ấn độ giáo với Phật giáo như trong cuốn sách nầy. Đôi lúc tôi lại có ? nghĩ lếu láo: ‘Phan Thiết giống như ‘một tên giết người’ chuyên tìm giết những người nổi tiếng để mai nầy ai nhắc đến người nổi tiếng đó, cũng đều nhắc đến Phan Thiết vậy!’. Thí dụ tôi nhớ Tổng thống Kennedy thì sẽ nhớ đến ‘gã’ Lee Oswald. Nhưng tôi nghĩ lại tôi chỉ là một nông dân tầm thường, trình độ văn hóa không cao, thôi thì cứ đọc bài ‘Tôi đọc ‘Đất Việt, Người Việt, Đạo Việt’ & ‘Hành Hương Đất Phật’ của Phan Thiết’ của Trần Chung Ngọc thì gọn hơn. Và rồi tôi đành trở lại chuyện của mình.

Trên chuyến bay đêm từ Auckland đi Los Angeles. Vào khoảng 6,7 giờ sáng máy bay còn trên vòm trời của biển Thái Bình Dương, tôi và Ba tôi ngồi gần cửa sổ nhìn ra ngoài, nhìn xuống thâm thẩm phía dưới thấy mây đóng lớp dày đặc. Khi mặt trời lên lớp mây ấy tan dần để lại khoảng trời trong vì ngày hôm ấy thời tiết ở Cali tương đối tốt. Vậy thì lớp mây ấy là ‘có’ (sắc), khi bầu khí quyển nóng lên làm các mây đó trở lại dạng hơi nước hòa lẫn trong không khí (không) bốc lên cao nữa, đến nơi nhiệt độ lạnh hơn nó sẽ ngưng tụ thành mây trở lại (sắc) thì bản thể của hơi nước trong trường hợp ấy có lẽ là ‘sắc bất dị không’ hay là ‘không bất dị sắc’. Thế chắc là tôi ngụy biện, hay là Phan Thiết không hiểu được điều cơ bản về khoa học?

Và cũng từ vấn đề nầy, tôi mới nhớ lại cách đó vài ngày, nhân chuyến bay từ Sydney về Adelaide. Hôm máy bay cất cánh, thời tiết xấu, mây chập chùng chắc phải hơn 'chín tầng mây'. Mỗi lần vào một tầng mây, tôi thấy máy bay lại cố vượt lên tầng mây ấy, gần như để tránh đi nguy hiểm; hoặc là sự thay đổi áp suất không khí đột ngột trong các tầng mây có thể làm ảnh hưởng đến máy bay. Cuối cùng máy bay cũng bay trên tất cả các tầng mây. Tôi tưởng tượng tôi đã kiểm chứng được điều mà tôi học về địa lý ở những năm xưa khi còn nhỏ về thượng tầng không khí. Nơi đó các luồng đối lưu, sự chuyển động, vẩn đục không khí không còn có ảnh hưởng đến nữa.

Chắc bạn cũng sẽ cười thầm cho tôi, vì đầu óc tôi sao mà ‘lắm’ tưởng tượng vậy! Chưa đâu bạn ạ! Như ở đại dương cũng có hiện tượng ấy nữa. Trên lớp mặt của đại dương có nhiều sóng vì do gió; có dòng nước nóng, nước lạnh luân lưu vì do sự thay đổi nhiệt độ trên mặt biển tại các vùng lạnh nóng khác nhau. Nhưng vào một độ sâu nào đó từ mặt nước, mà tôi không nhớ rõ: Một thế giới rất yên bình, không hề lay chuyển.

Tại sao tôi muốn nói với bạn các điều ấy? Quả thật rất khó khi muốn nói đến một hiện tượng khoa học mà bạn cần phải dẫn chứng, chứng minh. Và khó hơn nữa là điều kiện siêu hình; chứng minh cho một việc siêu hình không phải là dễ, nó sẽ khó hơn nhiều!

Qua vài ví dụ trên, tôi muốn nói với bạn một điều: Tầng nước đại dương bị lôi cuốn xáo trộn ở trên mặt, hay tầng khí quyển chứa chấp các lớp mây, thay đổi áp suất, có gió di chuyển giống như cái cảnh luân hồi trong tam giới hay là cõi uế độ mà con người bị lôi cuốn, quay tròn trong đó, muốn ra cũng rất là khó khăn... Còn tầng đại dương hay lớp không khí an bình, không vẩn đục, không bị khuấy động giống như cõi Phật độ, cõi Thanh tịnh, Niết bàn. Được vào cõi ấy ta rất là ung dung, an nhiên tự tại, không hề bị lôi cuốn nữa trừ khi là ‘Ta muốn’.

Và khi chúng tôi đến Áo ở nhà bà cô, tôi nhìn thấy bức tranh thủy mặc của Tàu. Ngày xưa, tôi cũng thường nhìn các bức tranh loại ấy lắm, vì quê tôi có rất nhiều người Hoa, hầu như nhà nào cũng có vài bức tranh loại ấy. Lúc nhỏ đi chơi với con họ, đến nhà thấy các tranh đó có đường nét ngộ ngộ, lúc đậm lúc nhạt, lúc nhỏ lúc to, lúc biến mất, lúc hiện, đứt khúc không liên tục. Thế mà bây giờ tôi nhìn thấy, đầu óc thoáng hiện một sự khám phá. Nói là khám phá chứ thực sự nó chỉ  là góc cạnh nhìn. Tôi cố nhìn bức tranh một lần nữa, nhìn kỹ và đặt mình trên góc cạnh của người vẽ, giống như tôi đang ngồi bên cạnh tác giả khi tác giả vẽ bức tranh. Lúc ấy, tôi mới nhớ lại đa số các bức tranh sơn thủy thủy mặc thường có góc cạnh nhìn từ lưng chừng núi. Cảnh tranh mờ nhạt, ẩn hiện, đứt khúc là do cảnh sương mù, hoặc mây ở bên ngoài. Cảnh dưới núi người, vật thì nhỏ, cảnh núi bên kia thì lớn. Thì ra người họa sĩ của tranh Tàu xưa kia thường là các kẻ sĩ ở ẩn, họ ngao du sơn thủy, thấy cảnh đẹp họ ghi nét thành tranh; với mực tàu giấy bản thế thôi! Cho nên lòng họ phóng khoáng với cảnh vật. Và bây giờ tình cờ tôi mới nhìn được qua tranh để thấy sự phóng khoáng của tranh và mới thấy lại được sự phóng khoáng của tác giả... Giống như bạn tôi đã nói với tôi khi vào thăm vườn Nhật ở Portland (Tiểu bang Oregon - Hoa kỳ): ‘Sao mà vào đây tao cảm thấy thật là yên tịnh quá mầy, cở như mình đi tu được vậy.’ Đó là cái nét Đông phương mà người Tây phương khó tìm ra nỗi. Nhớ lại chuyện ấy, tôi lại càng thương Phan Thiết hơn nữa! Phan Thiết vốn có cái nhìn, cái quan điểm của người Công giáo; vả lại, nghề của Phan Thiết là Luật sư, Thẩm phán có thể cải ở tòa ‘Trắng thành đen, hay tạo đen thành trắng’, hoặc hiểu chuyện đời đơn giản như là trong kinh Thánh; nên Phan Thiết chưa có thể biết, đi sâu vào tâm hồn hay tâm linh của con người. Vì thế Phan Thiết nghiên cứu, tìm hiểu đạo Phật làm sao mà đúng được! Cũng như Phan Thiết chưa hiểu được tinh thần phóng khoáng, ẩn dật siêu thoát của người tạo ra bức tranh thì Phan Thiết không thể nhìn, hiểu được ? nghĩa của bức tranh. Đối với tôi, Phan Thiết có cố tình đánh phá đạo Phật hay không, điều ấy không cần thiết, vì thế giới nầy đầy dẫy ‘Chủng loại’ Sa tăng và Ma vương không chỉ  phá người mà còn phá Phật nữa. Tuy nhiên, qua tác phẩm, Phan Thiết muốn chứng tỏ con người của mình cho mọi người biết... Biết về cái gì? Cái đó tùy theo cái nhìn, cái quan niệm của người đọc..! Và nhất là tôi cảm thấy tội nghiệp cho các giáo sư dạy ở trường Luật xưa kia và tiếc cho chế độ đã nhận Phan Thiết vào làm ở Tối cao Pháp viện. Thế thôi!

Nhân một chuyến đi, nhân một việc làm của Phan Thiết, tôi cũng muốn ghi lên một số sự kiện về ‘có’ và ‘không’ trong đạo Phật, mà cuối năm 1999, đầu năm 2000 tôi đã ghi lại một cách tổng quát trong bài ‘Những ý kiến đóng góp về một phương pháp Thiền’ đã đăng toàn bộ trên báo biếu địa phương ‘Nam Úc Tuần báo’ số 236 ngày 31-3-2000 với bút hiệu ‘Bất Hạnh’.

Trước hết để dễ hiểu hơn, tôi xin dẫn chứng về không khí. Không khí của quả địa cầu là một thể trong suốt, bàng bạc khắp nơi. Nếu nói về cụ thể bằng hình dạng, bóng sắc thì ta không thể cho nó là có, mà phải nói nó giống như không (không). Tuy nhiên khi ta bơm nó vào bong bóng, hay vào chiếc xuồng bằng nhựa thì không khí trở thành (có), nó có hiện hữu trong các hình dạng ấy. Nếu ta xả xẹp xuồng, hoặc bong bóng bị vỡ đi thì không khí sẽ trở về nguồn gốc của nó, nó sẽ không còn có hình dạng và ta không còn thấy nó nữa (không). Khi ta đã biết rõ như vậy thì ‘sắc’ sẽ không khác với ‘không’, và khi ta sử dụng cái ‘không’ đó để tạo thành cái ‘sắc’ khác thì ‘không’ không khác với ‘sắc’, hay xa hơn nữa ‘sắc tức là không, không tức là sắc’, thì các thứ lệ thuộc theo sắc như thọ, tưởng, hình, thức cũng sẽ ‘là như vậy’ (diệc phục như thị).

Và tôi xin mượn một ví dụ khác để từ hai ví dụ nầy ta sẽ đúc kết lại để bạn và tôi có thể hiểu được cái có, cái không trong đạo Phật, và có thể làm cho Phan Thiết hiểu được đạo Phật nhiều hơn mà tránh đi được những nét hàm hồ, hiểu sai lạc đạo Phật vì lời kinh trong đạo Phật không quá đơn giản như các lời trong kinh Thánh.

Bạn cứ theo dõi một kịch sĩ ‘Phật tánh’ (vô hình vô tướng nên gọi là ‘Không’) của một ban kịch. Kịch sĩ cố gắng diễn xuất sắc vai trò (sắc) trong tuồng ngày hôm qua, sau khi chấm dứt vai trò, kịch sĩ (không) ra sau hậu trường vui vẻ với bạn bè (trở về không). Đêm nay anh ta sẽ đóng vai khác (sắc) trong tuồng khác. Xong tuồng anh ta cũng sẽ trở về sau hậu trường (không). Đợi chờ ngày mai trong một vai khác (sắc) của vở tuồng khác. Đến một ngày nào đó, anh ta không muốn hát nữa thì lúc đó anh ta sẽ bỏ nghề, thôi hát (đi tu, giác ngộ trở về ‘cõi không’ thanh tịnh).

Thì chuyện trong đạo Phật cũng giống như thế. Khởi đầu Phật tánh vốn vô hình vô tướng (không), nhưng vì u mê (bởi màn vô minh) nên Phật tánh ham có hình dạng bóng sắc (sắc) mới rời cõi thanh tịnh. Rồi từ hình dạng ấy mới có lục căn, lục trần, thọ tưởng, hình, thức và đồng thời đi đến sanh, bệnh, lão, tử, khổ... Và do nơi nghiệp tạo tác từ trong kiếp trước mà luân hồi qua kiếp sau. Xong vai trò kiếp nầy đến vai trò của kiếp khác. Phật tánh bị quay cuồng liên tục trong vòng luân hồi như người ta bị quay vòng theo xoáy nước, muốn ra khỏi thật là khó khăn. Đến một lúc nào đó, Phật tánh không muốn hát nữa vì quá nhiều phiền não, buồn chán nên tìm đường tu và được giải thoát trở về nơi thanh tịnh, niết bàn, chân không diệu hữu.. Thế nên ta có thể nói: ‘Ra đi là do sự u mê, trở về là do sự giác ngộ’. Tại sao gọi là ‘chân không diệu hữu’? Chân không ấy không phải là cái không có, mà là cái cõi chứa cái thường hằng, cái bất biến, không thay đổi về bản chất, kể cả Phật tánh của mọi chúng sanh. Nhưng tất cả đều vô hình vô tướng. Là cái cõi không (không có sắc) nhưng không phải là không (không có gì), ấy là ‘không phi không’. Và trong điều kiện nào đó tùy duyên, khế hợp mà một số sẽ hiện thành có (hữu), nhưng cái hữu bây giờ chỉ  là mượn hình thức trong thời gian nào đó để rồi rốt ráo cũng sẽ trở về với không, cho nên ‘hữu phi hữu’ (đó là diệu hữu). Tức là trong ‘cái không’ nó đã ẩn tàng tất cả những điều kiện, nguyên tố, yếu tố để tạo ra ‘cái có’, và trong cái ‘có’ đã ngầm chứa cái ‘không’. Để dễ hiểu hơn, bạn thử tưởng tượng khối không khí quanh trái Đất giống như là ‘cái không trong đạo Phật vì nó không có hình dáng bóng sắc nên bạn không thấy được. Trong khối khí đó chứa không phải chỉ  có N2, O2 , H2O, Helium, Neon, CO2 , Argon... mà chứa đầy đủ các nguyên tố, yếu tố để tạo ra mọi vật. Tất cả đều vô hình vô tướng, hiện diện yên bình ở cõi thượng tầng không khí. Nhưng trong điều kiện ‘u mê’ nào đó H2, và O2  lại rời khỏi thượng tầng không khí đi vào hạ tầng. Ở đây H2 và O2 bị kết hợp, ngưng tụ thành mây, mây bị gió đưa đi, để rồi thành tuyết, mưa đá, mưa, hay mưa phùn, sương mù rơi xuống thành dòng, suối, sông chảy ra biển cả. Rồi nước lại bốc hơi lên và nối tiếp chu kỳ khác giống như chúng sanh bị lôi cuốn vào cõi luân hồi. Giả sử khoa học điện giải nước thành H2 và O2 để trả về thượng tầng không khí, để chúng trở lại cuộc sống an bình, giống như người đi tu để được giải thoát, về với cõi Niết bàn, và sẽ không bị luân hồi, quay trong vòng đau khổ nữa.

Cho nên ‘có sắc’ hay ‘không có sắc’ cũng chỉ  là ‘cái Phật tánh’ lúc ẩn lúc hiện thế thôi! Hiện dưới hình thức nào đi nữa thì bản thể Phật tánh cũng không thay đổi như lúc ẩn. Vì vậy ‘sắc’ chẳng khác gì ‘không’, ‘không’ không khác gì ‘sắc’ (sắc bất dị không, không bất dị sắc). Nếu dùng trí huệ rộng lớn để hiểu tận cùng rốt ráo thì ‘sắc tức thị không, không tức thị sắc’ (Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật), ‘sắc cũng là không’, như vậy những gì cùng theo với sắc như thọ, tưởng, hình, thức, lục căn, lục trần, sanh bệnh, lão, tử lại cũng là không; thì cái pháp để giải thoát cho cái ‘sắc’ là Tứ Diệu Đế, Bát chánh đạo, Lục độ cũng sẽ là không có, vì không còn có cái ‘sắc’ nữa.

Cũng với tinh thần Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật ấy, bạn quán tất cả thân xác ‘dường như’ không có, thì những điều làm cho bạn cảm thấy khổ, thấy đau đớn, lo ngại, sợ sệt, mộng tưởng, điên đảo sẽ dần dần không còn nữa. Lúc đó bạn sẽ tiến lần đến được đạo Vô thượng Bồ Đ?, thế là ‘Thị đại thần chú, thị đại minh chú.. năng trừ nhứt thiết khổ, chơn thiệt bất hư’.

Vì bài Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh nói quá cao xa, nên ‘Ngài Thẩm Phán’ Phan Thiết không thể hiểu được mặc dù ngài đã bỏ ra 8 năm,... 'Kẹt thế’ ngài bèn ‘quơ đùa, quơ đại’ nhằm phải Triết học Ấn độ, Ấn độ giáo và đạo Kỳ na để rồi đem gán ghép vào cho Đức Phật, Phật giáo; cố tình xuyên tạc, mạ lị. Tội nghiệp cho ‘con nhái muốn làm con bò’!

Nếu miệng đời, người ta không nói bậy, lỡ mà Phan Thiết đang có bệnh hay đang chịu khổ đau bởi thân xác ‘thật’ thì ‘Ngài Thẩm Phán’ cứ coi cái xác của ngài có cũng như không đi (sắc bất dị không) thì có lẽ ngài sẽ thấy tinh thần của mình an lạc hơn nhiều; hoặc ngài coi cái bệnh của ngài hiện nay như là cái ‘quả’ phải trả của những kiếp xa xưa, thì ngài sẽ tâm bình, thản nhiên, và mặc cho việc đời cứ qua... Và nếu ‘Ngài Thẩm Phán’ chịu khó một chút, biết tận dụng chuỗi ngày còn lại để tập ‘Tĩnh tâm, Thiền định’ thì ngài sẽ hiểu được, hay thấm thía đạo Phật hơn thêm. Lúc ấy, ngài mới thấy công trình ngài viết là ‘một cái gì thật là bậy bạ’, là không đúng! Biết đâu ngài lại phải chối bỏ, khai tử nó cũng không chừng! Và đồng thời, từ đó ngài có thể thực sự nhận thức được ‘Đâu là chân lý, đâu là tà đạo, đâu là Chính Giáo, và đâu là con đường sau cùng đúng đắn nhất mình chọn để mà đi...!’.

 

 

Nguyên Thảo,

16-07-01.

 

http://www.buddhismtoday.com/viet/dien/caico_caikhong.htm

 


Vào mạng: 5-5-2009

Trở về mục "Diễn đàn"

Đầu trang