Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
Tâm tình một bạn trẻ ở Nhật
Đồng Vọng

Honshư, 21/6

Thương gửi các bạn trẻ ở phương xa

Mỗi ngày sống là một ngày phát hiện ra những điều mới lạ trong đời sống quanh ta. Cảm giác lạ lẫm của "cái tôi" đi giữa thế giới bao la này là cảm giác có thường trực ở mọi nơi mọi chốn, không cứ là ở tại quê Việt hay ở hải ngoại. Có điều là những khi gặp các sự khác lạ như vậy, ráng mà tìm cách thông hiểu chúng để có thể chấp nhận và được chấp nhận vào cuộc sống quanh ta. Như vậy may ra sẽ tránh được hai thái cực : mặc cảm tự ti yếu ớt ở xứ người và thái độ khinh người kệch cỡm khi mang cái nhãn hiệu Việt Kiều ở quê nhà. Mỗi khi có dịp về thăm Việt Nam, khi có người hỏi: "Bộ chị là Việt Kiều hả ?". Tôi thường thưa: "Không, tôi là người Việt Nam ăn cơm rau muống chấm nước mắm." Thế là mọi người cùng cười xòa vui vẻ, thân thiện quên đi các ranh giới không cần thiết.

Nhân đọc trên internet về đề tài liên quan đến việc giao thoa giữa hai nền văn hóa, một tại nơi quê quán. một tại nơi đang sinh sống, tôi xin được gửi đến các bạn một bài viết của tôi khi giới thiệu về Việt Nam cho các cư dân Nhật tại vùng Kansai cách nay hai năm. Bài viết khá dài, mong các bạn có đủ kiên nhẫn để đọc.

Từ khi đến Nhật đến giờ, tai vẫn thường được nghe hỏi các câu như sau: "Người Việt Nam ăn bốc à?", "Trong đời sống hàng ngày, người Việt Nam nói tiếng Anh à ?", "Người Việt Nam lấy heo làm thần linh nên không ăn thịt heo phải không ?". Tôi thường thưa lại rằng : "Người Việt Nam cách nay cả mấy ngàn năm đã ăn cơm bằng đũa rồi, và đôi đũa của Việt Nam còn dài hơn đũa Nhật nữa đó. Từ hồi dựng nước đến giờ, dù bao lần bị xâm lược, bị đốt phá bi ký, sách vở, bị tù đày giết chóc, người Việt Nam vẫn cố gắng gìn giữ tiếng nói mẹ đẻ thiêng liêng của mình, truyền giữ mãi cho đến tận bây giờ, có lẽ đến cả ngàn sau nữa. Phật giáo đến Việt Nam rất sớm, từ thế kỷ thứ hai đã lập chùa rồi và cùng thuộc phái Đại thừa như Nhật Bản có điều Phật giáo đến Việt Nam trước Nhật gần năm thế kỷ đấy. Từ ấy đến nay, Phật giáo là tôn giáo chính ở Việt Nam với hơn tám mươi phần trăm dân theo đạo Phật. Thêm phần, người Việt Nam rất khéo làm món thịt nướng nên không có ý định lấy heo làm thần linh bao giờ". Tuy vậy, sau mỗi khi trả lời xong như vậy, tôi thấy có phần buồn bã. Đi bằng phi cơ từ Việt Nam sang Nhật chỉ cách nhau có sáu tiếng đồng hồ thôi, mà sao đâm ra xa xôi diệu vợi như vậy ? Nhân có dịp được tiếp xúc với người dân Nhật, tôi mới có thể giới thiệu sơ lược về đất nước Việt Nam, về những lần Nhật và Việt đã gặp gỡ nhau trong lịch sử, và về hình ảnh nước Nhật trong tâm trí người Việt hiện nay, trong mối suy tư về tương lai dân tộc.

Vào những năm sáu mươi và bảy mươi, các phương tiện thông tin của Nhật đăng tải liên tục về cuộc chiến khốc liệt ở Việt Nam. Người Nhật biết đến từ "Tết" là do thấy trên đài truyền hình cuộc tấn công Tết Mậu Thân vào cố đô Huế. Hình ảnh lửa đạn, bom rơi và làn người chạy tản cư trên các nẻo đường quê đã để lại ấn ượng mạnh trong tâm trí của người Nhật. Vì vậy mỗi khi nhắc đến Việt Nam, mọi người chỉ liên tưởng đến hình ảnh chiến tranh. Nay tôi muốn giới thiệu với các bạn một gương mặt Việt Nam khác đẹp đẽ và hiền hoà dù đã trải qua bao nhiêu nghịch cảnh của đời sống trong dòng chảy dữ dằn của lịch sử. Việt Nam là đất nước như thế nào vậy ? Đó là một đất nước nhỏ bé nằm ở phía nam Trung Hoa đại lục to rộng. Phía Bắc núi cao giăng phủ mây mù như tranh thủy mặc với các dãy ruộng lúa nước bậc thang không khác mấy với các mảnh ruộng núi hẹp của Nhật. Hai con sông dài đổ ra biển tạo nên hai vùng châu thổ trù phú với những mảnh ruộng bạt ngàn và những vườn cây ăn quả xanh tươi dọc đôi bờ. Việt Nam vừa có những cánh rừng nguyên thủy nằm chắn ở biên giới phía Bắc và phía Tây của đất nước, lại vừa có những rừng đước ở chóp mũi Cà Mau ở phía Nam hàng năm cứ theo độ bồi của phù sa mà lấn dần ra biển. Trên những cánh đồng lúa chín vàng, trẻ em lùa trâu về làng trong tiếng sáo chiều khoan nhặt. Trên mảnh đất hiền hoà và nên thơ đó, người dân Việt chăm chỉ cấy cày, dệt lụa, hát dân ca, thắp hương tạ ơn trời đất về những điều tốt lành đã đón nhận được trong đời sống hàng ngày. Nhưng khi cần, người dân Việt hiền lành đó sẵn sàng hy sinh tính mạng của mình để giữ lấy sự sinh tồn và nền văn hiến của nước nhà. Lấy một thí dụ, vào các thế kỷ mười hai và mười ba, gót ngưạ quân Mông Nguyên dày xéo tan tành từ Á sang Âu. To lớn như Trung Hoa đại lục mà cũng bị tan tác như "tơ trước gió thổi" như lời than của một nhà thơ đời Tống trước sự xâm lăng của quân Mông Nguyên. Khi quân Mông Nguyên uy hiếp đến Ba Lan, cả châu Âu rúng động, Giáo hoàng ở La Mã đã kêu cầu "Xin Chúa cứu cho thoát khỏi cái hoạ Tartars này !". Ấy vậy mà cả ba lần quân Mông Nguyên hùng hổ đưa quân vào Việt Nam (các năm 1258, 1285, 1287-1288) cả ba lần đều thất bại thảm hại. Quân Mông Nguyên cũng đã có lần đưa quân đến Nhật Bản nhưng do giặc gặp bão lớn mà nước Nhật "bất chiến tự nhiên thành". Sau, Hốt Tất Liệt định kéo quân sang Nhật lần thứ hai, nhưng do thất bại ở Việt Nam mà đành gác ý định đó nhằm tập trung quân sang phục thù ở Việt Nam. Việt Nam nằm liền với Trung Hoa, không có biển rộng lẫn bão to để cản ngăn giặc như Nhật, nhưng bù lại người dân ở đấy có một lòng bất khuất và dũng cảm vô biên để bảo vệ Tổ quốc. Nói như một ông vua anh hùng của Việt Nam thế kỷ mười tám, vua Quang Trung, khi ông ấy truyền lệnh trong vòng năm ngày phá tan hai mươi vạn giặc nhà Thanh sang xâm lược Việt nam : "Đánh để dài tóc, Đánh để đen răng, Đánh để sử tri Nam Quốc anh hùng hữu chủ". Trong bốn nghìn năm lập nước đó, hiền tài, văn nhân không thiếu nên đã tạo nên bao nhiêu di sản văn hóa đẹp cho nhân loại. Tiếc rằng trải qua nhiều cơn binh lửa nên nay đã bị hủy hoại nhiều. Trước đây, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa người Pháp do mang nặng đầu óc thành kiến đã kết luận vội vàng rằng : văn hóa Việt là sự sao chép văn hóa Trung Hoa đại lục, không có gì đáng để ngưỡng mộ . Khi nhìn mái đền thờ Thần Đạo hay mái chùa cổ của Nhật tôi thấy có sự gần gũi với mái chùa ở bán đảo Triều Tiên, nhưng tôi không bao giờ dám hồ đồ kết luận là văn hóa Nhật sao chép văn hóa đại lục mà cụ thể là văn hóa của bán đảo Triều Tiên cả. Cùng là một cây sáo trúc làm từ tre trúc, nhưng âm sắc của cây sáo Trung Hoa cao vút, luyến láy tha thiết, còn cây sáo dọc của Nhật thì lại thâm trầm như rừng sâu núi dày bao phủ lấy quần đảo này. Nếu chỉ nhìn hình dáng và chất liệu làm nên cây sáo mà kết luận ngay đấy là một nhạc cụ của Trung Hoa thì e sẽ có nhiều phần phiến diện. Tôi không phủ nhận ảnh hưởng to lớn của Trung Hoa đối với không chỉ Việt Nam mà còn cả đối với toàn vùng Đông Á này nữa. Tuy nhiên khi tìm hiểu về văn hóa Việt trong luồng giao thoa với văn hóa Trung Hoa, cần có một sự tinh tế để nhận cho ra những nét sáng tạo khác biệt. Thử cùng đi vào ngôi chùa Tây Phương cách Hà Nội 37 cây số. Chùa được lợp bằng hai lớp ngói, ngói lót hình vuông bên dưới và lớp ngói mũi hài bên trên để lọc bớt độ mạnh của ánh sáng bên trên và tạo phản xạ hắt sáng từ mặt đất vào các tượng gỗ. Thêm phần nhờ vào hệ thống cửa gỗ mà tạo nên sự đa dạng của việc phản quang vào các công trình điêu khắc. Nhìn vào hình hài cùng gương mặt của các tượng La Hán này, tôi nhận ra đó là bóng hình của những người nông dân cùng khổ, gầy gò ở vùng quê Bắc bộ với những âu lo rất thực và rất gần gũi với đời thường. Nền màu chính của ngôi chùa và các tượng Phật là nền màu nâu thô mộc, dân dã khác hẳn với nền màu đỏ chói rực rỡ, kiêu hãnh của các chùa Trung Hoa. Một lần khác, khi bước vào cung điện của các vua triều Nguyễn ở cố đô Huế. Trên sân triều, người ta có thể thấy một dãy cửu đỉnh sắp dài. Nếu nhìn từ xa thì xem ra chúng không khác mấy với các chung đỉnh của Trung Hoa. Nhưng hãy đến gần và ngắm kỹ từng nét chạm hoa văn một thử xem, đó là cả một đất trời, cỏ cây sinh vật của riêng phương nam. Ngắm nhìn những hoa mai, hoa sứ, buồng dừa trĩu quả, con vịt ngủ đứng được chạm khắc công phu trên các chung đỉnh này tôi cảm động nhận ra cỏ cây đất trời ấm áp của quê Việt. Đôi thí dụ nhỏ như vậy không phải để chứng minh rằng văn hóa Việt là vĩ đại hay rực rỡ chi cả, nhưng khi thể hiện những tâm tình âu lo của những con người sống trên mảnh đất này, khi tái hiện lại một góc của sự sống trên hành tinh này, văn hóa Việt có đủ tư cách để góp phần làm nên sự phong phú cho nền văn hóa Đông Phương nói riêng và nền văn hóa của nhân loại nói chung.

Bây giờ xin được phép nhắc lại những lần gặp gỡ trong lịch sử của Nhật và Việt. Cho đến tận đầu của thế kỷ mười chín, Nhật Bản và Việt Nam đều nằm chung trong một bầu văn hóa Hán tự của vùng Đông Á. Do vậy mà cơ sở đạo đức, triết học, tôn giáo, ngôn ngữ, văn học nghệ thuật, hội lễ đều có muôn vàn điểm tương đồng. Thí dụ về đạo đức, đều lấy "Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín" của Khổng giáo làm đầu. Con cái hiếu thảo với ông bà cha mẹ, cá nhân tìm cách sống hài hòa với mọi người chung quanh. Ngày Tết đến chùa thắp hương, khi chết thì đặt bài vị hay xương cốt nơi cửa Phật. Về ngôn ngữ cũng vậy, có một sự tương đồng rất lớn giữa 53% các từ Hán Nhật với 60% các từ Hán Việt. Thiền Tông của Nhật góp phần làm nên bản sắc độc đáo của văn hóa Nhật, thì Thiền Tông của Việt cũng mang lại nhiều tinh hoa cho văn hóa Việt trong thời kỳ giữ nước từ thế kỷ 9 đến thế kỷ 13. Trong chốn dân dã, nông dân ở cả Nhật lẫn Việt đều có nhiều hình thức hội hè sau mùa thu hoạch. Trong lịch sử, cả hai dân tộc đã có ít nhất là ba lần gặp gỡ lớn.

Lần thứ nhất là vào thế kỷ mười sáu, khi các thuyền buôn của Nhật đến buôn bán ở Hội An sau khi đi qua cửa biển Đại Chiêm, nương theo sông Thu Bồn mà vào đến cảng sông cách cửa bể độ năm cây số. Cửa biển bị phù sa bồi lấp, các con sông bị đổi dòng nên dần dần thuyền bè khó đi lại. Tuy vậy nay vẫn còn giữ nguyên con phố Nhật với cây cầu nhỏ có mái che và nghĩa trang của những người Nhật đến buôn bán lập nghiệp vào thời đó.

Lần thứ hai là vào đầu thế kỷ hai mươi, các nhà ái quốc Việt Nam đi tìm đường khai phóng cho dân tộc khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp bằng cách tổ chức ra phong trào Đông Du. Hai trăm lưu học sinh yêu nước nhiệt thành của Việt Nam được bí mật cử sang Nhật để học hỏi các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, quân sự và chính trị để về canh tân cho xứ sở. Người đứng đầu cho phong trào này là cụ Phan Bội Châu đã sang Nhật vào tháng giêng năm 1905. Thực dân Pháp ra sức bắt bớ và cản ngăn phong trào. Tháng 3 năm 1909, phong trào này bị giải tán, cụ Phan bị Nhật trục xuất phải đi ẩn náu ở Trung Quốc. Tuy vậy tinh thần của phong trào này luôn sống động trong cả một thế hệ trẻ Việt đi tìm đường cứu nước.

Lần thứ ba là từ năm 1940 đến năm 1945, khi tầng lớp quân phiệt Nhật đưa quân vào Đông Dương. Đến nay trong các câu chuyện kể của ông bà cha mẹ , vẫn còn nhiều ký ức sợ hãi cho thời kỳ này. Điểm qua các lần gặp gỡ trong lịch sử như vậy, thấy có những ngày vui lẫn những này u tối. Không thể nào quên đi quá khứ, nhưng nhìn về tương lai là trọng. Theo sự bình luận của đài BBC sau năm mươi năm kết thúc Đại chiến thế giới lần thứ hai, trong các dân tộc ở Đông Nam Á, Việt Nam là dân tộc tha thứ cho quá khứ đau buồn của thời kỳ Nhật chiếm đóng Đông Nam Á sớm nhất. Ngày nay người Việt Nam nghĩ về nước Nhật như thế nào ? Sau khi bại trận trong Đại chiến thế giới lần thứ hai, nước Nhật đã mơ ước và khát khao đạt cho giống đời sống của Hoa Kỳ bao nhiêu, thì nay người Việt cũng mơ được như nước Nhật như vậy. Khi hỏi những người Việt bình thường nghĩ gì về nước Nhật. Có lẽ nhiều người sẽ trả lời : "Nước Nhật giàu" hoặc hàng hóa Nhật vừa tốt, bền, vừa nhỏ nhắn xinh xắn. Đây cũng là ấn tượng chung của nhiều quốc gia khác khi nói về nước Nhật. Có lần, một bác chạy xe xích lô đạp muốn bắt chuyện với một khách du lịch Nhật đi xe để quên đi cái tốc độ ì ạch của xe, ngặt nỗi ngôn ngữ bất đồng nên đưa ngón tay cái ra và khai hàng dọc các tên các hãng Nhật nổi tiếng: Sony, Honda, Hitachi ra. Thế là cả khách lẫn bác chạy xe đều cùng cười ngất. Giới văn nghệ hay những người lãng mạn hơn thì hay nhắc đến núi Phú Sĩ, hoa anh đào, kimono, geisha, samurai, ninja v.v... Tiếc rằng nay, ngoài các trường quay tại các hãng phim ra đã không còn gặp được các samurai và các ninja nữa rồi.

Khi có dịp quay về Việt Nam sau hai năm học ở Nhật, các bạn bè hỏi: "Rượu sakê của Nhật ngon lắm phải không ? Biển của Nhật đẹp lắm phải không ? Nước Nhật không bị cúp điện nên tha hồ mà xài điện phải không ?" Tôi trả lời : "Rượu sakê Nhật có vị nhạt và được uống sau khi đun nóng, nếu ai đã quen với rượu đế 40 độ rồi thì sẽ thấy nó có phần giống nước sôi. Bờ biển phía đông Nhật Bản có nhiều nhà máy thải chất bẩn ra biển nên có màu đen. Người Nhật tuy giàu nhưng rất tiết kiệm, mỗi khi ra khỏi nhà đều kiểm lại xem đèn đóm đã tắt hết chưa". Sau khi trả lời khá thẳng thừng với bè bạn Việt Nam như vậy, tôi có phần hơi ái ngại vì e rằng mình đã đánh vỡ một giấc mơ lãng mạn nào đó của bè bạn. Nhưng điều tôi muốn nói với các bạn trẻ ở Việt Nam là đừng nên chú mục quá đáng đến các hàng hóa của Nhật, mà nên chú tâm hơn đến những nỗ lực của dân tộc này sau khi bị tan nát bởi chiến tranh đã cố gắng tự tái tạo lại đất nước như thế nào. Khi đi trên các đường phố của Hiroshima, ngoài khu lưu niệm tại công viên "Hòa Bình" ra, tôi không hề thấy bất kỳ vết tích điêu tàn nào còn sót lại sau khi Nhật bị bỏ bom nguyên tử cả. Hiroshima ngày nay được xây dựng lại khang trang, rộng lớn, đẹp đẽ không thua một đô thị nào cả. Tôi muốn nói với các bạn trẻ Việt Nam thay vì thích trong chuyện dùng đồ Nhật, nên chú tâm hơn đến việc tự quốc gia mình sẽ làm ra được cái gì để sử dụng được. Nếu không, cho dù có chiến thắng ngoại xâm anh dũng đến mấy đi chăng nữa vẫn chưa là một nước độc lập thật sự .

Trên đây chỉ là mấy dòng suy nghĩ của một người Việt tại Nhật. Rất mong sẽ còn có nhiều dịp được chuyện trò tiếp cùng với các bạn.


Chân thành cảm ơn cư sĩ Từ Khoa đã gởi tặng bản điện tử. ĐPNN, 24-10-2000

 


Cập nhật: 1-11-2000

Trở về mục "Diễn đàn"

Đầu trang