Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .

de Silva, Padmasiri. Environmental Philosophy and Ethics in Buddhism. Hampshire: Macmillan Press, 1998. 195 pages.

Phật Điển Hành Tư điểm sách

           

            Ðây là một đề tài thật bao quát, rộng lớn và cũng rất thời đại. Tác giả đã làm một công trình tầm cỡ, bởi vì không chỉ nêu lên những vấn đề liên quan đến đạo đức và giáo dục về môi trường sinh thái trong Phật giáo, mà lại còn tóm lược ý nghĩa và tính chất của đạo đức Phật giáo trong tương quan với đạo đức xã hội và kinh tế nữa.

            Trong mỗi một chương, tác giả đều nhắc đến những kích thước đạo đức của phương Tây để làm cơ sở tìm hiểu Phật giáo. Tuy nhiên, tác giả đã sai lầm khi chỉ nhắc đến Phật giáo một cách tổng quát, mà chẳng phân biệt là hình thức nào của Phật giáo được bàn đến, là Phật giáo của kinh tạng Pàli, của những phát triển Ðại thừa về sau, của Thiền tông hay của Phật giáo hiện đại; bởi vì mỗi một hình thức đó của Phật giáo đều có nội dung và giải quyết riêng trước vấn đề được nêu. Tuy đây không phải là điều quan trọng, nhưng khả năng để làm một cuộc phân tích chi tiết và có tính cách nghiên cứu của tác giả vì thế mà bị hạn chế rất nhiều.

            Ðịnh nghĩa thế nào là đạo đức (ethics) và những thể cách sinh hoạt nào thuộc đạo đức được nhắc đến nơi chương dẫn nhập giúp độc giả có một khái niệm tổng quát về bộ môn này. Phật giáo được đề xướng như là một tổng hợp của những chủ trương khác nhau về lý thuyết đạo đức như hậu quả luận (consequentialism), cứu cánh luận (teleology), đạo lý luận (deontology), và đạo đức tác dụng (virtue ethics). Tác giả nói: "Ðạo đức Phật giáo là một bộ môn đạo đức có khuynh hướng chính thể luận (holistic ethics) nhiều hơn, bởi vì ta có thể đặt tất cả những chủ trương khác nhau về đạo đức vào chung một khuôn khổ mà không có lý thuyết nào chống đối với lý thuyết nào." (tr. 24-25).

            Chương 2 viết về triết lý môi sinh và chương 5 về đạo đức môi sinh, mà tác giả phân biệt rất rõ ràng cả hai. Triết lý môi sinh của Phật giáo phát sinh do từ liên hệ đến Tứ diệu đế, đến học thuyết vô ngã, vô thường và duyên sinh (nhân duyên, dependent origination). Con người kinh nghiệm về Khổ (sufferings, dukkha) là vì không có sự hòa hợp giữa cá thể (ngã), xã hội và thiên nhiên; từ góc cạnh đó, tác giả giải thích về môi sinh. Tuy rằng ý nghĩa của Khổ (dukkha) bao gồm rất rộng rãi hơn là chỉ riêng về khủng hoảng sinh thái (ecological crisis), nhưng mà cơn khủng hoảng sinh thái mà chúng ta đang trực diện cũng chính là tình trạng "dukkha" mà con người đang tự thân kinh nghiệm, bởi vì nó là kết quả của trạng thái quy ngã (egocentric state) (tr. 35), có nghĩa là tất cả những gì con người và cho con người mà thôi.

            Trong chương 5, tác giả nhấn mạnh về việc trong giáo lý của Ðức Phật đã tiềm ẩn một tri nhận về vấn đề môi sinh, tuy rằng Ngài không nhắc đến "môi sinh" như là một đối tượng đạo đức mà con người cần phải quan tâm đến. Tiềm ẩn, là vì đạo Phật quan niệm con người là trung tâm của mọi hiện hữu (anthropocentrism), là sinh thể hữu tình (sentientism), biết tôn trọng sự sống của mọi loài (giới bất sát); đó chính là quan điểm đạo đức môi sinh của đạo Phật. Bởi vì dựa trên căn bản con người là chủ tể tuyệt đối trước nghiệp báo của chính mình - không có thần linh nào có thể quyết định vận mạng của con người - mà con người sinh tồn là sinh tồn trong hoàn cảnh xã hội và thiên nhiên, cho nên cách tiếp cận với môi sinh đối với đạo Phật như trên cũng là điều dĩ nhiên.

            Ðiển hình là giới thứ nhất, không sát sanh, lấy bi (mettà) và từ (karuna) làm gốc, ấy chính là thể hiện thân hữu của đạo Phật đối với môi sinh (ecofriendly). Ngay chính Ðức Phật cũng bác bỏ việc dùng sinh vật để tế thần. Học thuyết về nhân duyên (pratìtyasamutpàda) được xem như là có ảnh hưởng lớn trên đạo đức môi sinh, bởi vì nói đến nhân duyên là nói đến những chuỗi tương liên nhân quả (causal connections), đưa đến khái niệm về hỗ tương liên thông (interconnectedness) với nhau giữa con người với thiên nhiên. Thực tập thiền định cũng chính là để triển khai một ý thức đạo đức đối với môi sinh.

            Chương 3, tác giả nhắc lại lần nữa mục đích của tác phẩm của mình: 1. Phân tích thái độ phương Tây là "con người phải chinh phục vũ trụ" khi so sánh với nguyên lý căn bản trong đạo Phật về vô ngã; 2. Thiết lập thái độ của Phật giáo đối với thế giới phi nhân (non-human) dựa trên chính những lời dạy của Ðức Phật; 3. Tìm kiếm chứng cứ cho tính duy trì liên tục (sustainability) của một nền đạo đức Phật giáo. Tác giả phân tích và phê bình tỉ mỉ về nền đạo đức này, so sánh nó với quan niệm của Kant và đạo nghĩa luận (deontology), cùng với thuyết vị lợi (utilitarianism) và mục đích luận (teleology).

            Khủng hoảng luân lý, tự lừa dối mình (self-deception), và suy đồi đạo đức là chủ đề của chương kế tiếp, mà tác giả kết luận rằng, chúng có thể được loại trừ nếu chúng ta thấu rõ định luật về nghiệp và nguyên lý nhân duyên, từ đó con người sẽ có cảm tình hơn đối với môi sinh, tức những hoàn cảnh thiên nhiên quanh ta. Ðể đạt được mục đích này, tác giả đề nghị một nền giáo dục mới, khiến triết lý về môi sinh có thể thu hút mọi thành phần trong xã hội, mọi nghề nghiệp, mọi văn hóa và mọi tôn giáo. Ở đây, tác giả đề xướng Ðức Phật là nhà giáo dục tuyệt kỹ, vì Ngài đã biết tùy căn cơ của người nghe mà giảng dạy rất khế cơ và khế lý, dùng đủ thứ phương tiện như thí dụ, thi kệ, bổn sự v.v..., như trong phẩm 2 của kinh Pháp Hoa, để thính chúng có thể thấu triệt những gì Ðức Phật muốn chỉ dạy. Như trong những truyện Tiền thân của Phật đầy dẫy những ý nghĩa về sự cứu độ các sinh vật, tức đưa trả môi sinh về lại với thiên nhiên.

            Chương 6 viết về kinh tế Phật giáo, mà tác giả đề nghị rằng kinh tế xanh (green economics) là giải pháp cho nền kinh tế tiêu thụ (consumerism) hiện đại. Ý nghĩa này rất hiển nhiên qua các bản kinh mà Ðức Phật dạy cho các cư sĩ về tài sản, các Tăng sĩ sống đời đạm bạc, và vai trò của các vua chúa cùng những nhà lãnh đạo. Nếu chúng ta đều thực hành theo lời dạy của Ðức Phật, thì đề nghị này có thể thành thực tế. Ngay chính nơi đời sống của Ðức Phật và những giáo lý của Ngài là hiện thân thực tiễn và ý nghĩa nhất.

            Tóm lại, môi sinh luận (environmentalism) theo khuynh hướng Phật giáo, theo tác giả, là một phương cách sống (way of life) mà toàn thể con người, không nhất thiết là Phật tử, cần thể hiện mới hy vọng bảo tồn quả đất mà chúng ta đang sống này (tr. 180).

            Nhìn chung, tác giả đã cố gắng bàn đến quá nhiều vấn đề trong một tập sách tương đối quá ngắn, chỉ có 184 trang. Phật giáo, môi sinh luận, đạo đức luận, và giáo dục, đều là những vấn đề rất phức tạp, cho nên nêu chúng lên trong cùng một tác phẩm khiến cho tác giả không thể nào phân tích tường tận và chi tiết từng vấn đề được. Tuy nhiên, giáo sư de Silva đã nêu lên được nhiều câu hỏi xác đáng về vai trò của sự giáo dục trong tương quan với vấn đề đạo đức môi sinh gợi ý và lập cước cho những nghiên cứu để tìm giải đáp trong tương lai.

(Viết theo Pragati Sahni, Department of Historical and Cultural Studies, Goldsmiths, College, University of London, hsp01ps@gold.ac.uk)

http://www.buddhismtoday.com/viet/diemsach/environmental-philosophy.htm

 


Vào mạng: 1-4-2002

Trở về mục "Điểm sách"

Đầu trang