Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt    

   

...... ... ..  . ..  .  .

CHUYỂN HÓA KHỔ ÐAU VÀ HỜN GIẬN

Thích Tuệ Chiếu

******

 

Ðức Phật dạy: "Tất cả chúng sanh đều có đủ Như Lai đức tướng" và ngài còn nói: "Ta là Phật đã thành, còn tất cả các người là Phật sẽ thành".

Phật là đấng đã giác ngộ, tâm ngài luôn mát mẻ an lành, là bóng từ cho chúng sanh nương tựa, là đuốc sáng soi đường cho chúng ta đi. Vậy chúng ta hãy cố gắng từng bước đi theo những dấu chân an lạc tự tại của ngài, để lòng ta tươi mát thênh thang, để cuộc sống ta được an vui hạnh phúc, với tình thương trải dài mát mẻ ngọt ngào. Như bài kệ tán thán công đức của Ngài:

Thân Phật thanh tịnh tợ lưu ly

Trí Phật sáng ngời như gương sáng

Phật ở thế gian thường cứu khổ

Tâm Phật không đâu không từ bi.

Ðức Phật được các đức tướng viên mãn như vậy, chúng ta cũng có đầy đủ những chủng tử lành như vậy. Có điều chúng ta chưa khai phát nó đầy đủ nên chúng ta còn bị nhiều phiền não khổ đau và giận hờn. Muốn hết những khổ đau này, để cuộc đời chúng ta được tươi mát an lành hạnh phúc, chúng ta cần nhận định và chuyển hóa chúng.

1.- TÂM VÀ HẠT GIỐNG

Trong mỗi người chúng ta có nhiều chủng tử. Nói theo cách thông thường, là những hạt giống tốt và xấu đã có sẵn trong chúng ta. Nếu là hạt giống, thì phải có đất để bám rễ. Ðất gieo đó là tâm của chúng ta, bởi tâm ta, những bậc cổ đức thường gọi là "Tâm địa".

Tâm địa là gì? Vì tâm của ta như một mảnh đất mênh mông. Mảnh đất này nếu ta khai phát trồng hoa thơm, hay cây lành trái ngọt của những đức tướng tốt, tức là những chủng tử vị tha, thương yêu, cởi mở, cảm thông, tha thứ, hỷ xả, tinh tấn, thiền định v.v... Kết quả nó sẽ cho ta những bóng mát an lành, những hoa thơm xinh đẹp ai cũng quý mến, những trái lành dâng hiến cho cuộc đời ai cũng vui thích thương yêu. Nhưng, khu vườn tâm của chúng ta không chịu gieo những chủng tử lành đó, ta để hoang phế điêu tàn, thì tất nhiên cỏ dại sẽ mọc đầy, dây gai sẽ chằng chịt, làm nơi nương tựa cho muỗi mòng phiền não, rắn rết khổ đau trú ẩn. Kẻ bị thiệt thòi nhất, không thụ hưởng được sự mát mẻ, an lành và mật ngọt hạnh phúc là chính bản thân ta, kẻ bị phiền não dày vò đau khổ cũng chính là ta. Vậy tội gì ta không cố gắng từng bước để dọn dẹp cỏ dại thành phân tốt, để gieo những hạt giống lành, để ta hưởng ngay những hương vị thơm ngon trong những giờ phút tu học chuyển hóa tốt đẹp này.

2.- KHỔ ÐAU VÀ HỜN GIẬN

Muốn nhận diện từng phiền não đã làm cho ta ưu sầu đau khổ, trước nhất ta cần phải sáng suốt nhận định rõ ràng, tách rời từng phiền não, đừng đồng hóa nó với ta làm một. Ta hãy đặt những câu hỏi dưới đây, để kiểm điểm mình và hãy thẳng thắn tự trả lời:

a- Tĩnh tâm tự xét:

Ta có sáng suốt khoác áo quan tòa để tự xét đoán phê phán mình không? Hay là ta luôn luôn mang áo luật sư để biện hộ để bào chữa những sai trái của mình? Người khôn ngoan là người biết phục thiện sửa sai để tiến bộ. Vậy bạn hãy hào hùng làm quan tòa, thẳng thắn xét xử mình khi có ai chỉ trích bạn. Người xưa nói: "Văn thiện ngôn tắc bái, cáo hữu quá tắc hỷ". Nghĩa là ai nói cho mình nghe được lời lành, lời hay thì cúi lạy đáp ơn, ai chỉ bày được cái sai cái lỗi thì nên mừng, vì nhờ người chỉ cho biết để sửa. Vậy đó là người ân của mình thì không thể giận họ được. Nhưng trong thực tế, đa số chúng ta nếu bị ai chỉ trích, thì luôn sẵn sàng chống trả lại và giận hờn hơn là biết ơn! Vậy ta là người xấu hay tốt? Ta là người biết ơn hay bội bạc? Ta là người sáng suốt hay tối tăm? Như vậy là ta đang đi lên các cõi trên hay ta đang đi dần xuống các cõi thấp kém? Chính sự sân si giận hờn đó, nó lôi kéo ta vào cảnh giới A Tu La tức khắc, chứ không phải đến khi chết mới sanh vào. Vì trong lúc ta giận hờn, gương mặt ta trở nên méo mó nhăn nheo khó coi, tướng của ta cũng già xấu đi dị dạng, tâm của ta bị lửa hờn giận thiêu đốt nóng nảy, làm cho mất đi an lạc và sáng suốt, chính lúc này ta trở thành A Tu La mà chẳng hay?

Hỏi tức là đã trả lời. Vậy ta đã biết bây giờ nên làm gì?

b- Có nên hờn giận hay không?

Thông thường chúng ta nghĩ rằng, việc đáng giận thì cứ giận cho đã nư để cho hết cái tức. Nhưng thật sự, ta càng giận thì cái tức càng phát triển thêm lên và càng làm cho ta khổ sở nóng nảy. Trong lúc đó bất chấp phải quấy, người ta dễ sanh ra nhiều lỗi lầm. Nóng giận đầu tiên là hại mình trước, kế tiếp ảnh hưởng đến những người thân chung quanh. Ta hãy xem vài mẩu chuyện dưới đây:

- Mẩu thứ nhất: Ông Norman Cousin chủ bút tờ báo Saturday Review, được mời tham dự một buổi tiếp tân quan trọng tại một biệt thự ở Nga, cách Mạc Tư Khoa nơi khách sạn ông ở 40 miles. Norman đi taxi trước hai tiếng đồng hồ, để đến trước giờ khai mạc lúc 5 giờ chiều. Mục đích của ông là săn thêm tin tức hành lang, đồng thời phỏng vấn nhiều nhân vật quan trọng trong chánh phủ. Nhưng anh tài xế cứ chạy vòng vo lạc đường mãi 6 giờ chiều mới đến. Norman là người Mỹ nóng tính, sự việc này làm ông nổi điên mắng chửi, nhưng anh tài xế nào có biết tiếng Mỹ đâu để nghe ông chửi. Khi tìm ra được địa điểm thì buổi tiếp tân đã tan. Ông nuốt giận tức trở về Mỹ, về đến nhà thì ông ta phải vào bệnh viện ngay, vì sự giận tức đã tàn phá cơ thể ông.

Tình trạng sức khỏe của ông suy sụp nặng nề. Vốn là người thông minh, ông nhận thức ngay rằng: tình trạng bệnh hoạn này là do ông gây ra, chính ông mở cửa tâm hồn mình mời chào sự tức giận tới tàn phá tâm hồn và thể xác ông. Ông thấy mình cần thay đổi ngay, bằng cách tạo những cảm giác tích cực. Ông đi chơi ở vùng biển khí hậu trong lành, ăn uống đồ tươi mát, xem các vỡ hài kịch và những mẩu chuyện, vui tìm mọi cách tạo những trận cười thoải mái. Sức khỏe của ông đã hồi phục nhanh chóng. Sau đó ông viết một quyển sách về tâm sinh bệnh lý: "Phân tích về một chứng bệnh" (Anatomy of an illness) bán chạy khắp nơi trên thế giới.

- Mẩu thứ hai: Chuyện xảy ra ở Anh quốc, bà Darshanik. Một phụ nữ đã cãi lộn với chồng bằng tất cả sự giận tức. Người chồng đã đập cánh cửa cực mạnh, như muốn sập tan căn nhà rồi bỏ đi. Bà vợ vẫn tiếp tục giận tức chửi rủa hơn hai tiếng đồng hồ. Ðến khi đứa bé khóc, phải cho nó bú mới yên lặng nhưng lòng vẫn còn căm tức người chồng.

Ðứa bé ba tháng tuổi sau khi bú xong, trong vài gờ sau đó đứa bé tái xanh rồi xám xịt, làm kinh lên cơn giật một lúc rồi chết. Nghi ngờ vì bị ngộ độc, khám nghiệm đứa bé bị ngộ độc qua dòng sữa mẹ. Khi khám nghiệm bà mẹ, trong máu bà đầy độc tố. Y học đã chứng minh rằng, khi ta giận dữ, các độc tố từ các hạch nội tuyến sản xuất ra chảy vào huyết quản của ta. Khi ta tức giận hay quá ưu phiền, các bạch huyết cầu của ta bị giảm sút nhanh chóng dưới mức an toàn, nó sẽ làm hại đến hệ thống miễn nhiễm (Immune System) trong cơ thể ta.

Người hay hờn giận thì gương mặt dù đẹp cách mấy cũng trở nên xấu xí ngay, chóng già trước tuổi hơn người có tánh hay hoan hỷ. Qua hai mẩu chuyện trên, ta thấy giận hờn sẽ làm cho ta đau khổ trước, bị hại trước, kế tiếp ảnh hưởng đến người gần gũi thân thiện ta.

Vậy ta có nên hờn giận hay không? Ðương nhiên chúng ta cần tỉnh thức để chuyển hóa những phiền não đó trong ta.

3.- CUỘC SỐNG MONG MANH VÔ THƯỜNG

Con rắn có thể lột da sống mấy trăm năm, những cây cổ thụ thay lá cũng sống được nhiều thế kỷ. Nhưng con người chúng ta như Pascal nói là yếu như cây sậy. Do dó, một cơn gió nhẹ thoảng qua hay một tai nạn nhỏ, cũng có thể cướp đi cuộc sống quý giá của con người. Vì thế, ta thấy ngoài nghĩa trang đầy những nấm mồ của tuổi thơ, tuổi thanh xuân và tuổi trung niên rất nhiều. Vậy tử thần luôn luôn theo sát chúng ta như bóng với hình, chắc chắn chúng ta không thoát khỏi bàn tay lạnh lẽo hung hăng đó, và chúng ta chưa biết nó lôi ta đi lúc nào? Nó có sức mạnh vô song, dù bao nhiêu người thân thích quây quần bên ta, bao nhiêu bác sĩ tài ba cũng đành khoanh tay, nhìn ta ra đi từng phút từng giây trong thương tiếc bồi hồi. Tại sao chúng ta không chăm sóc cho cuộc sống của mình, luôn được vui tươi hạnh phúc ngay từng phút giây hiện hữu, để được thấm nhuần an lạc, giải thoát bao nhiêu phiền trược đã trót vương mang? Nếu một mai có vĩnh biệt cuộc đời, chắc chắn ta sẽ được bình an, ra đi tự tại lên các cõi tốt đẹp cao quý khác! Không lẽ nào ta sống để cố chấp, hờn giận tự làm cho mình khổ đau vi những chuyện thường tình vô nghĩa đó sao?

Ta hãy đặt câu hỏi, tại sao ta không hơn thua với Tử thần? Lại đi hơn thua một lời nói bay qua không hình tướng? Tại sao ta không buông bỏ những vướng vít phiền não khổ đau ấy? Tại sao ta lại dại dột ôm những con rắn độc ấy, để nó cắn ta đau nhức tận tâm hồn đến mất ăn mất ngủ? Nếu kẻ thù ghét ta biết rõ được điều này, họ sẽ nhảy dựng lên vui mừng là đã tròng được sợi dây tử thần phá hoại sự sống quý giá của ta. Ta sống để an vui hạnh phúc hay để khổ đau hờn giận tang thương? Khi ta hỏi tức là đã trả lời. Vì không lẽ ta là người không có trí tuệ? Nếu ta điên, thì dù ta đang ở đâu, cũng biến chỗ ấy thành bệnh viện tâm thần, với thần lưỡi hái đang tàn phá ta từng phút giây đầy đau khổ.

4.- ÐỪNG ÐỒNG HÓA TA VỚI PHIỀN NÃO

Tất cả những phiền não ưu sầu, khổ đau và hờn giận đều phát xuất từ những tác nhân bên ngoài, như một câu nói vô tình bên ngoài đã chạm đến danh dự ta, hay một sự việc xảy ra đột ngột làm cho tài sản ta bị tổn thương hoặc suy sụp. Những ngoại nhân này tác động vào tâm ta tạo thành những cảm xúc mạnh. Nếu ta thiếu tỉnh thức, ta không nhận định đúng đắn tính chất tác hại của chúng, tính vô thường giả tạm của chúng. Ta không buông xả những cảm thọ này đúng lúc, ta lại mở tung các cánh cửa giác quan, để cho gió mưa ưu sầu lọt vào tâm hồn ta gào thét tung hoành. Ta đã bị những tác nhân bên ngoài đó tàn phá ta, làm cho ta đau khổ, kéo theo bao nhiêu phiền não dễ giận hờn. Chẳng khác nào ta đã rước giặc vào nhà rồi đồng hóa nó là mình, nhưng thực sự chúng chỉ là một tác nhân ở bên ngoài tạm thời xâm nhập qua cảm xúc, nó hoàn toàn không có chỗ đứng thực thụ trong ta.

Nếu ta tỉnh thức, có thể gạt bỏ nó ngay trong phút giây hiện tại. Nhưng phương ngôn có câu: "Ăn nóng quá mất ngon, giận nóng quá mất khôn". Khi hờn giận nỗi lên sẽ che mờ tánh giác hằng hữu của ta. Như khi cỏ dại đã mọc rồi trổ bông, rụng hạt lại mọc thêm dầy đặc, thì hoa thơm cỏ đẹp không còn chỗ để phát sinh. Nó chỉ là những phản ứng nhất thời của ngã chấp, do tác nhân bên ngoài gây ra trên bề mặt của tâm, như cỏ dại chỉ mọc trên bề mặt của đất. Ðất là đất, cỏ dại là cỏ dại. Ðất ví cho tâm, cỏ dại ví cho phiền não. Nếu ta tập Thiền chuyển hóa, thì cỏ dại sẽ mục nát trở thành phân bón cho cây lành trái ngọt

Chư Tổ dạy: "Phiền não tức Bồ đề". Vì tâm ta vẫn là tâm, phiền não chỉ là lớp sóng lăn tăn tạm thời trên mặt tâm, gió yên thì sóng lặng, trả lại mặt nước bình thường cho tâm. Tâm là thật, là hằng hữu nên lúc nào ta cũng có tâm. Nói một cách khác là tâm luôn có mặt nơi ta, nên ta luôn có cái biết ẩn tàng nội tại. Còn phiền não ưu sầu, hờn giận là hiện tượng, giả tướng nhất thời, chợt hiện chợt mất, khi có khi không. Khi ta ý thức giác ngộ thì nó liền mất. Như ta đang buồn là phiền não, ta ý thức cái buồn này vô nghĩa, không đem lợi lạc gì cho ta mà còn làm cho ta khổ sở tức tối. Sau khi quán chiếu, ta thấy nó chỉ là giả tướng, ta thở ra buông bỏ, tự nhiên ta thấy nhẹ nhàng an vui. Một niệm trước ta phiền não nên khổ sở, một niệm sau ta tỉnh thức, phiền não liền tiêu tan nên ta an vui. Sự tỉnh thức an vui đó gọi là Bồ đề, tức là giác. Nên kinh có câu:"Phiền não tức Bồ đề" là như vậy. Thực sự phiền não là hiện tượng nhất thời bám vào tâm, như cỏ dại bám rễ vào đất. Cỏ dại thì mục nát nhưng đất vẫn tồn tại. Vậy ta đừng đồng hóa ta với phiền não là một. Bởi sự đồng hóa này làm cho ta không tách rời ly khai được phiền não, nên ta khổ

5.- CHUYỂN HÓA PHIỀN NÃO

Như phần trên chúng ta đã nhận định được tác nhân ngoại nhập, khiến cho những phiền não dấy sanh. Ðó là những chủng tử đã có từ vô thủy, như những hạt giống trên đất nằm chờ nước mưa tưới tẩm, khi có đủ nhân duyên nó bộc phát nẩy nở. Thật sự nó chỉ là hiện tượng nằm bên ngoài, nó là những lớp vô minh bao bọc Phật tánh, Như Lai đức tướng của chúng ta. Thực sự nó không phải là ta, nhưng ta đã vội vàng đồng hóa nó với ta là một, nên ta là phiền não. Như ông B mặc chiếc áo đen, người ta không biết ông B, nên người ta gọi ông áo đen. Vậy chiếc áo đen là lớp giả tạm bên ngoài, chứ không phải ông B bên trong là ông áo đen. Vì chiếc áo đen có thể vất bỏ dễ dàng, còn ông B vẫn là ông B, không phải ông nào khác. Phiền não ví như chiếc áo đen ông B mặc bên ngoài, tâm ví như ông B ở bên trong chiếc áo. Khi cởi bỏ chiếc áo đen ra khỏi người, ví như phiền não đã rơi rụng. Vậy phiền não ta có thể chuyển hóa nó, vì nó chỉ là hiện tượng vô minh ở bên ngoài che lấp Như lai đức tướng của ta. Nói cách khác là Phật tánh, chân tánh, tánh giác của ta ở bên trong luôn hằng hữu, tức là luôn có mặt thường trực trong ta.

Vậy bản chất của tâm luôn luôn có mặt nơi ta, còn những phiền não ưu sầu, hờn giận, nóng nảy thì lúc có lúc không. Nó chỉ là khách qua đường tạm trú, ta thiếu sáng suốt nên đã đồng hóa nó là chủ, để nó tung hoành làm cho ta đau khổ. Vì người nóng tính, không phải lúc nào cũng nóng tính. Họ có nhiều lúc tỏ ra dịu dàng rất dễ thương. Môi trường tác nhân bên ngoài đã hình thành cảm xúc của họ. Như cùng một lời nói, một ý tưởng nhưng cách nói, cách diễn đạt không khéo léo của người khác làm cho ta giận. Nhưng khi đối với người khác, cũng cùng một ý tưởng, cùng một lời nói đó đã diễn đạt khéo léo, đúng lúc, đúng chỗ, lại làm cho ta dễ chịu và chấp nhận ngay.

Ở đời sự hơn thua chỉ có tính cách nhất thời, khi lên voi rồi cũng có lúc xuống chó. Ai giàu hơn ta, giỏi hơn ta, được nhiều người quý trọng hơn ta. Nếu ta không cởi mở, hòa hợp thì không sanh tâm hoan hỷ cùng vui với người. Ngược lại ta sẽ cảm thấy khó chịu, vì tánh ích kỷ ganh tỵ, nó là một chủng tử tiềm ẩn trong ta sẽ vương lên phát triển. Như cùng một việc kinh doanh, nhưng anh A thành công còn ta thất bại. Ta không sáng suốt tìm hiểu rõ nguyên nhân để học hỏi, để thành công, lại đi ganh tỵ bươi móc nói xấu để hạ thấp phẩm giá của mình, làm cho mình thêm bực bội phiền hà.

Tại sao vậy? Cái gì trong ta đã thúc dẩy, làm cho ta cảm thọ dễ chịu và khó chịu. Ðó là ngã ái. Tức là cái TA của ta đã phồng to hơn cái ta của người khác. Chúng ta đã thấy cái ta, cái ngã tướng của mình quá quan trọng. Khi bị va chạm hoặc bị coi thường, hoặc bị mất mát hay sứt mẻ cái gì đó của ta, thì những chủng tử hờn giận đó lập tức phát sanh. Bây giờ ta chuyển hoá nó như thế nào?

Phạm vi bài này, chỉ có thể tóm tắt những ý chính cần thiết, nhằm tháo gở phần nào những dây mơ rễ má, những gai góc cuộc đời hay những cỏ cây độc hại, đã ảnh hưởng đến cuộc sống an lành của bản thân ta.

a- Con người quý giá:

Ta được may mắn làm người cao quý hơn muôn loài vạn vật khác. Với sự tiến bộ của khoa học ngày nay, con người có khả năng bay lên mây, độn thủy và độn thổ. Ngoài ra có thể nghe và thấy vòng bên kia trái đất, thấy được cung trăng lồi lõm gồ ghề, trơ trụi cô đơn, làm tiêu tan huyền thoại Hằng Nga kiều diễm với dáng yểu điệu tuyệt trần. Ngày nay, con người đã thu thời gian và không gian trở thành ngắn gọn, đa số tật bệnh được đẩy lùi và tuổi thọ được tăng dần. Ðó là những diễm phúc trong thời đại chúng ta, được hưởng nhiều tiện nghi ưu thế hơn những tiền nhân của bao thế kỷ đã qua.

Mỗi người chúng ta còn có trí tuệ nhận thức và suy tư, đó là phần quý giá hơn sinh vật khác. Chúng ta còn được hưởng những nghệ thuật xuất sắc của ca vũ nhạc kịch, thơ văn và hội họa. Biết thưởng thức cảnh thiên nhiên rừng xanh nước biếc, biển rộng trời cao, vui thích cảnh hoa là trăng sao và cảnh bình minh trên biển cả. Vậy thì đời ta có những thú vui, những thứ quý giá đẹp đẽ đang bao phủ quanh ta, những cái lành mạnh tinh khiết, giúp ta mở rộng tâm hồn hướng thượng và vui tươi. Chính đức Phật xác nhận cõi đời chúng ta đang sống gọi là Ta Bà (do chữ Sabã) có nghĩa là nữa vui nữa khổ. Nếu chúng ta hướng thượng thì vui, còn chúng ta trụy lạc thì khổ. Vậy tại sao chúng ta không vui sống? Lại mang tâm trạng đưa đám ma, vướng mắc những cái không đáng để làm khổ đời mình?

b- Nuôi dưỡng niềm vui:

Dù đời sống chúng ta có những khó khăn, những nghịch lòng, những khi đau yếu và đôi khi ta thất bại trong cuộc đời. Những thứ đó, thực sự làm ta khổ ít. Những chính những ưu sầu miên man về hoàn cảnh đó, làm cho ta khổ nhiều hơn. Chúng ta cần ý thức rõ điều này, cái gì đến thì đã đến rồi, hãy suy nghĩ từng vấn đề, để giải quyết và sẵn sàng chấp nhận tình trạng không may đến với ta. Sự bình tĩnh và chấp nhận giúp ta tăng trưởng hào khí và sáng suốt giải quyết dễ dàng. Còn ưu sầu, chỉ tự làm khổ lấy mình và làm khổ người thân bên cạnh mình, mà không giải quyết được gì.

Chúng ta vừa thức dậy, khi soi gương hãy cố gắng giữ nụ cười trên môi và tập nụ cười thật tươi. Dù trong lòng ta có nặng nề vì nỗi buồn sâu kín, vì sự uất ức giận hờn nào đó. Nhưng ta cố vui, thì nỗi buồn giận kia cũng lui dần, để cho nụ cười của ta đơm hoa dâng hiến cuộc đời, nhất là dâng hiến cho những người thân thiết gần gũi quanh ta. Nụ cười không tốn kém, chỉ cần ta cố gắng là đem được niềm vui hạnh phúc cho người. Tội gì ta lại sưng mặt lên, làm cho những người thân quanh ta phải khô héo u buồn. Nụ cười và sự tươi mát của ta, sẽ làm cho mọi người dễ chịu vui tươi lây, hạnh phúc của sự sống phát sinh từ đây. Hạnh phúc cao đẹp là khi ta mang niềm vui cho kẻ khác, kẻ khác được vui là hoa trái tưởng thưởng cho ta những hạnh phúc. Những hạnh phúc này luôn an lạc và tồn tại lâu dài. Còn hạnh phúc tìm qua các thú vui sắc dục, rượu nồng và các đam mê về tiền tài vật chất. Tuy nó có sức lôi cuốn nhưng không thoát khỏi luật vô thường mong manh, có đó mất đó, mới được vui liền khổ, đôi khi khổ vui quấn quít lẫn nhau. Nên đức Phật dạy: "Chúng sanh hay lấy khổ làm vui". Những thú vui đó, giống như mật ngọt dính trên chùm gai bén nhọn, khi người ta muốn nếm hương vị mật ngọt, thì bị gai bén nhọn đâm ngay. Tuy hưởng được hương vị mật ngọt nhưng đồng thời lại hít hà đau xót.

Niềm vui trần thế có gì đâu

Tài sắc, công danh vạn gốc sầu

Vừa được lại tiêu, lưu khổ hận

Biển đời lắm lúc hóa cồn dâu.

Khổ đau, hờn giận não sầu

Tĩnh tâm chuyển hóa diệu mầu an vui

Cảm thông tha thứ cho người

Thân tâm an lạc hoa cười trên môi.

Chúng ta hãy tập nụ cười thật tươi trên môi, để cho cuộc đời mình vui và những người chung quanh ta cùng vui tươi. Sắc đẹp, tiền tài và công danh không phải là thẻ ưu tiên trên con đường hạnh phúc. Thẻ ưu tiên trên con đường hạnh phúc chính là NỤ CƯỜI, CẢM THÔNG, CHIA XẺ và THA THỨ của bạn. Vậy chúng ta hãy cố gắng nuôi dưỡng niềm vui, để giữ nụ cười tươi mát trên môi để cho cuộc đời quanh ta cùng vui tươi.

c- Mâu thuẫn và hờn giận:

Khi ta hờn giận là thiếu tỉnh thức, thiếu hiểu biết. Có thể chúng ta hy sinh cho nhau những cái lớn khi cần thiết, nhưng đối với cái nhỏ lại cố chấp hẹp hòi sanh ra hờn giận. Ðó là sự mâu thuẫn của cuộc đời. Thực sự khi ta nhận thức sâu hơn, sự hờn giận bắt nguồn từ những nguyên nhân xa và gần. Có thể cũng lời nói đó, sự việc đó người khác đem đến cho mình thì bình thường ta không hờn giận, đôi khi lại cười, nói chơi đưa đẩy cho vui. Nhưng bà B và ông A cũng nói lời nói đó, hay là đem sự việc đó đến ta, thì ta lại giận ngay. Vì sao? Vì ta đã tích lũy những hạt giống mà ông A và bà B đã gieo, ta đã nhận những hạt giống đó vào khu vườn tâm thức của mình. Nên hôm nay chỉ cần tưới tẩm sơ qua, thì cỏ dại, dây gai có cơ hội phát triển tức khắc. Nó là ngọn lửa thiêu đốt sự an vui của ta, đồng thời tạo sự nóng bức khó chịu cho người khác.

d- Tư duy và chuyển hóa:

Ta không nên chất chứa những hạt giống đó, làm mất sự bình an vui tươi mát mẻ của ta. Ta nên cảm thông nghỉ ông A và bà B đó như ta, như những người khác thì ta không giận. Vậy sự giận này bắt nguồn từ nguyên nhân xa, ta đã chứa chấp không cảm thông, không tha thứ, không chịu buông xả. Ta đã để nó thành một kho bùi nhùi. Còn nguyên nhân gần do ta đang có sự bực bội nào đó, lòng còn ấm ức khó chịu. Bất chợt ông A, bà B vô tình nói một câu, dù câu đó không có ẩn ý gì, nhưng nó lại trở thành tia lửa phực cháy đống bùi nhùi kia. Những vụ án đại hình ở xứ Mỹ, hơn 50% bắt nguồn từ những nguyên nhân nhỏ và rất lãng xẹt. Có thể là một câu nói khích trong quán rượu, một cái nhìn thách đố, một cử chỉ nghênh ngang, vài cọng rác vất qua sân nhà. Lập tức sanh ra cãi cọ, ấu đả rồi sát nhân. Kẻ chết người tù chỉ vì một chuyện không đâu.

Những thiệt hại to lớn như thiên tai bão lụt, hỏa hoạn chiến tranh và ra biển vượt biên, tù tội. Ta đã bị thiệt hại trầm trọng và bao nhiêu nguy hiểm khó khăn, ta lại chấp nhận dễ dàng. Nhưng đối với bạn cùng làm chung một sở, đối với người thân trong gia đình, chỉ chạm nhẹ vào quyền lợi nhỏ của ta, hay vô tình chạm vào vết thương lòng của ta. Lập tức cơn giận bùng lên, tự thiêu đốt mình và người khác bằng ngọn lửa sân hận ấy. Ðôi khi ta tức giận cũng vì những ham muốn không thành, hoặc thất vọng, thất tình, hoặc tánh kiêu căng của ta bị đụng chạm, hoặc đang nghi ngờ gặp ngay cơ hội thì giận tức. Những thứ chứa sẵn trong ta theo Duy thức học gọi là kiết sử cũng gọi là nội kết, tức là những điều ẩn ức trói buộc trong lòng ta, những gút mắc sẵn có nên làm cho ta dễ hờn giận. Những nội kết cũng có thể do tính di truyền từ ông hay cha thường cáu gắt, cũng có thể do tác nhân bên ngoài, ta dung nạp tích lũy hàng ngày mà ta không ý thức.

Ta cần có chánh tư duy, là suy nghĩ đúng đắn, cảm thông người khác, đứng vào trường hợp người khác, chia xẻ và tha thứ thì nội kết không hình thành. Khi ta nghe một lời nói bâng quơ, bao nhiêu người chung quanh không giận mà ta giận, là vì ta có sẵn chủng tử nội kết. Ta cần giữ chánh niệm, thở ra cho nhẹ nhàng thứ phiền não đó. Tìm cách tạo cơ hội bày tỏ sự cảm thông chia xẻ với người đó trong tình đạo vị. Chắc chắn người đó sẽ cảm thông, chia xẻ và thương yêu ta. Nếu thực sự người đó cố ý làm cho mình giận, thì ta nghĩ người đó đã bị ai làm cho họ giận, hoặc do tiêm nhiễm những hạt giống lưu truyền từ cha hay ông của người đó. Ta hãy tư duy những nguyên nhân sâu xa đó để cảm thông tha thứ thì ta sẽ hết giận. Khi ta hết giận, thì ta sẽ thấy rõ HỜN GIẬN PHIỀN NÃO là do thiếu hiểu biết, thiếu tỉnh thức, nên ta khổ sở. Còn tỉnh thức chuyển hóa nó bằng cảm thông chia xẻ, thì được an vui hạnh phúc. Cuộc sống quá mong manh ta không nên vướng mắc, hãy cởi mở cho đời ta được an lạc nhẹ nhàng.

e- Chánh niệm và hòa hợp:

Cuộc sống luôn luôn chung đụng, cho nên ta cần giữ chánh niệm. Có chánh niệm ta nhận biết ngay khi hờn giận xuất hiện, khi nội kết hình thành. Nhờ vậy ta nhận diện chúng rõ ràng và cần tìm cách giải tỏa chúng sẽ không khó. Ðiều này ta cần thực tập ngay trong gia đình, để có những kinh nghiệm cần thiết. Có chánh niệm là có chánh tư duy, cảm thông tha thứ. Có cảm thông tha thứ thì sự hòa hợp gắn bó dễ dàng. Không nên để thành chuyện lớn, đi đến đổ vở khó khăn.

Hòa hợp là sự cởi mở bao dung, đòi hỏi nơi ta sự chịu đựng nhẫn nại. Sự hờn giận của người khác trút vào ta ví như muối. Sự nhẫn nại của ta ví như đồ đựng nước. Nếu sự chiụ đựng của ta nhỏ như một tô nước, người trút phiền não vào ta ví như nắm muối để vào tô nước của ta. Ðương nhiên tô nước mặn chát, không thể dùng uống, rửa tay hay mặt được. Nhưng sức nhẫn của ta lớn bằng cái hồ, thì nắm muối bỏ vào đó sẽ hòa tan, sức mặn của nó không có tác dụng gì. Ta có thể uống, dùng rửa các thứ mà không ảnh hưởng. Vậy muốn hòa hợp, ta cần có tâm lượng bao dung, tức là sức chứa lớn, thì ta cảm thấy thoải mái nhẹ nhàng. Như cái hồ tâm cảm thông rộng lượng của ta lớn, thì năm ba nắm muối phiền não chẳng thấm vào đâu. Ta có sức nhẫn nại, thì sự hòa hợp sẽ như nước với sữa dung hòa lẫn nhau. Do đó, ta cần tạo điều kiện tiếp xúc cởi mở, giải tỏa những chướng duyên ngăn ngại, thì lộ trình giao thông sẽ thông suốt trật tự, tránh được nhiều tai nạn trong cuộc sống chung đụng của chúng ta.

6.- KHO CHỨA CÁC CHỦNG TỬ

Giận hờn là những chủng tử tiềm ẩn trong Alaya thức, tức là thức thứ tám, cũng gọi là Hàm tàng thức. Thức này là cái kho chứa tất cả các chủng tử, nó cũng chứa luôn Ý thức là thức thứ sáu và thứ bảy là Mạt na thức, cũng gọi là ngã thức, tức là cái thức chấp Ngã. Khi ta ngủ mê hay chết giấc, thì bảy thức kia được chứa trong kho Hàm tàng thức. Mỗi người trong chúng ta gồm có tám thức như sau:

* Nhãn thức: Thấy biết phân biệt các sắc trần truyền qua mắt.

* Nhĩ thức: Nghe biết phân biệt qua tai.

* Tỷ thức: Ngữi biết các hương vị thơm hay hôi thông qua mũi.

* Thiệt thức: Nếm biết phân biệt các chất vị mặn, ngọt, chua, cay qua lưỡi.

* Thân thức: Cảm thọ phân biệt do thân thể chảm xúc với ngoại vật như nóng, lạnh, mềm, cứng v.v...

* Ý thức: Phân biệt suy tư nhớ nghĩ xuyên suốt quá khứ, hiện tại, vị lai.

* Mạt na thức: Chấp ngã hay bảo thủ cái ta, duy trì cái ngã.

* Hàm tàng thức: Kho chứa các chủng tử và các thức trên khi ta ngủ mê hoặc chết.

Vậy những chủng tử xấu và tốt đều có sẵn trong kho chứa của Tàng thức nơi ta. Ta hãy cố gắng nuôi dưỡng những hạt giống lành tốt, chuyển hóa những hạt giống xấu trở thành phân bón cho những hạt giống lành tốt phát triển thêm nhiều. Khu vườn tâm thức nếu ta gieo trồng chăm sóc những chủng tử tỉnh thức, cảm thông, chia xẻ và tha thứ, thì những chủng tử xấu như cỏ dại phiền não, các dây gai ưu sầu và hờn giận không có đất dung thân ở tâm ta.

7.- NHIỆM MẦU CỦA THIỀN TẬP

Ðầu tiên ta nên ý thức được thân người là vô cùng quý giá. Trong thời đại chúng ta mỗi người gần như có phép lạ. Ta muốn đi từ Richmond đến Washington D.C., ta không phải đi bộ, đi kiệu. Ta chỉ cần lên chiếc xe, đi cả mấy mươi người trong vài giờ là tới. Muốn về Việt Nam phải vượt qua đại dương phía bên kia quả đất, ta lên phi cơ lướt mây bay về như chuyện thần thoại Tây du. Muốn xem Thế vận hội bên Châu Âu, ta mở truyền hình có thể xem các môn thể thao. Muốn nói chuyện với người thân ở Úc châu, ta nói qua điện thoại viễn liên một cách dễ dàng.

Dù cuộc sống thế nhân có những khó khăn bất toại, nhưng so với đời sống của các dân tộc còn nghèo nàn lạc hậu trên thế giới. Chúng ta quá đầy đủ mọi tiện nghi, thực phẩm của chúng ta ở đây thừa thải, nhưng người Hồi giáo ở Ấn Ðộ nơi vùng xa xôi, mỗi tuần chỉ có ba bữa ăn. Nạn thiếu dinh dưỡng còn ở quê hương nghèo nàn Việt Nam ta, nạn chết đói còn xảy ra cho các trẻ em ở Phi châu.

Chúng ta đang có diễm phúc sống trên đất nước tự do và đầy đủ mọi nhu cầu, sự an vui, hạnh phúc đang có sẵn nơi mỗi người chúng ta. Chúng ta hãy ý thức gìn giữ để sống trong hạnh phúc. Chúng ta cần thở có ý thức, tức là có chánh niệm. Khi thở ra chúng ta tưởng các ưu sầu phiền não đều tuôn ra rồi tan mất. Khi hít vào ta tưởng các thanh khí của vũ trụ bao la, những ngọt ngào mát mẻ đang tràn ngập lòng ta. Với ý thức này, ta sẽ nghe thơ thới, sung sướng, bình an và hạnh phúc. Sự cố gắng thiền tập, ta có thể ngồi ngay thẳng, có thể đi từng bước chậm, khoan thai, êm ái theo hơi thở, ta sẽ đón nhận hạnh phúc nhiệm mầu theo sự chuyển tâm thuần thục của ta.

******

Tóm lại, chúng ta đang có may mắn với đôi mắt sáng, để thấy được trời cao, biển rộng, màu sắc muôn hoa tươi thắm, vẽ đẹp muôn màu của vũ trụ bao la. Ta có được tai tỏ, nghe rõ các âm thanh kỳ diệu, bao tiếng nhạc lời ca. Ta có trí sáng suốt để tư duy vạn vật và đón nhận những tư tưởng, những ý hay để thăng hoa đời mình. Vậy ta hãy cố gắng tiến thêm một bước này, để đón nhận ngay nguồn an vui hạnh phúc cho chính mình.

Kẻ thù lớn nhất đối với ta không phải là giặc cướp, vì giặc cướp ta có thể trốn tránh được, cũng không thể đẩy ta vào địa ngục được. Ma vương hay kẻ thù hiểm ác nào cũng không thể xô ta vào hỏa ngục. Chỉ có phiền não, có thể lôi ta vào hỏa ngục ngay trong hiện tại. Và sự giận dữ có thể đẩy ta sa vào địa ngục không biết kiếp nào ra. Vậy kẻ thừ lớn nhất đối với ta là phiền não. Phiền não phát sinh là do ta thiếu hiểu biết, hẹp hòi và ích kỷ. Nếu ta mở rộng lòng từ, muốn đem lợi lạc cho người khác với cảm thông sâu xa cởi mở, yên thương thì ta sẽ nhẹ đi biết bao phiền não.

Còn bạn thân thiết luôn đem an lành hạnh phúc cho ta ngay thực tại là: Trí huệ, hiểu biết, cảm thông, chia xẻ, tha thứ và tình thương yêu. Người càng vị tha thì càng an lạc sung sướng, càng ích kỷ hẹp hòi thì càng bất an đau khổ. Nếu ta nhận thức sâu, thì đời ta không có kẻ thù. Ta chỉ có những người bạn đã thông cảm để thân thiện, và những người bạn chưa thông cảm nên còn dị biệt vấn đề nào đó, mà ta chưa thân thiện được.

Muốn lạc quan và thoải mái, ta cần mở rộng lòng từ. Khi lòng ta có chuyện ưu phiền chưa giải tỏa được, thì nên tìm việc phúc thiện để làm cho khuây khỏa. Rồi giữ chánh niệm quán chiếu phân tích từng vấn đề. Ta nên sẵn sàng chấp nhận điều thiệt hại với dũng khí, quán chiếu vạn vật vô thường không gì tồn tại và như ý ta trọn vẹn. Dần dần ta trở thành khán giả, an nhiên tự tại xem vở kịch của cuộc đời, đang lưu diễn nơi ta mà lòng ta thanh thản.

Khi có sự việc không hay cho đời ta, ta nên nương thầy sáng, bạn hiền, tâm tình để tháo gở, để nâng đở tinh thần ta qua cơn khủng hoảng. Sự cầu nguyện cũng là những liều thuốc bổ dưỡng cho tinh thần ta rất nhiều. Những lời thầy hướng dẫn, là ngọn đuốc sáng soi đường cho ta đi trong đêm tối mịt mờ, là dòng nước mát giúp ta tiêu tan nhiệt não.

Sự an tịnh của ngôi chùa, khung cảnh trang nghiêm tĩnh mặc, tiếng chuông cảnh tỉnh thanh thoát nhẹ nhàng, với nhịp mỏ trầm hùng ấm áp, cùng lời kinh vi diệu nhiệm mầu và sự hướng dẫn của quý thầy, sẽ giúp bạn tươi mát an vui, tiêu tan các ưu não, thấm nhuần những giọt nước từ bi của đức Phật Mâu Ni.

Ta cần giữ chánh niệm để tỉnh giác, để thanh lọc những chủng tử xấu xuất hiện nơi tâm ta. Như những tật hư ích kỷ, ganh tỵ cố chấp, hẹp hòi, bươi móc, ham muốn vô độ và hay hờn giận. Những thứ này là những cỏ rác phiền não, lấn chiếm khu vườn mầu mỡ của ta. Ta cần có tinh thần lạc quan, luôn cố gắng phát triển những chủng tử tốt như: vị tha, cởi mở, cảm thông, tha thứ, chia xẻ và nhẫn nhục, để lòng ta được thênh thang, cuộc sống ta được an vui hạnh phúc.

Có tỉnh thức là có nhận diện, có nhận diện là có chánh tư duy, có chánh tư duy là các phiền não sẽ rơi rụng. Tâm hồn ta sẽ thơ thới an vui hạnh phúc. Hạnh phúc có nhiều cấp độ khác nhau. Một bà mẹ vất vả bận rộn chăm sóc đứa con, trong người nhiều mệt mỏi. Nhưng khi thấy đứa trẻ cười, người mẹ ôm hôn đứa con, nghe niềm vui dâng trào trong sung sướng hạnh phúc. Cậu sinh viên sách đèn mệt mỏi suốt bao năm, khi tốt nghiệp bằng bác sĩ thấy nhẹ người nên sung sướng hạnh phúc. Một nhà kinh doanh, bỏ ra số vốn khổng lồ với bao nhiêu tâm huyết ưu tư, hồi hộp, khi thành công rực rỡ thì không sung sướng nào hơn đó là một thứ hạnh phúc.

Những hạnh phúc này đều kết tinh bằng những cố gắng và hy sinh. Vậy ta muốn an vui hạnh phúc, thì cũng cần cố gắng và hy sinh vất bỏ những gì cản trở an vui hạnh phúc của ta. Còn hạnh phúc của một người tu, cũng phải cố gắng và hy sinh vất bỏ những ràng buộc dù là nhung gấm công danh, vất bỏ những vướng mắc phiền não. Khi lòng từ mở rộng với trí tuệ sáng soi, tâm hồn an lạc tự tại trước sự sanh tử, đó là hạnh phúc, đó là Niết bàn, đó là cảnh giới Tịnh độ của người tu.

Vậy ngày Bát quan trai vào thứ bảy, tuần đầu của mỗi tháng âm lịch tại chùa Huệ Quang Richmond, là ngày tu học chuyển hóa phiền não, được thanh thoát nhẹ nhàng an lạc, sẽ giúp cho bạn trang bị lại cuộc đời an vui và tiếp tục với mầu nhiệm của hạnh phúc.

Những bạn lành cùng tu tập bên ta cũng là trợ duyên lành giúp ta thêm vững bước, những lời kinh vi diệu giúp ta rơi rụng những ưu phiền, những tiếng chuông ngân nhẹ trong khung cảnh êm đềm, cũng giúp tâm hồn ta thanh thoát. Tất cả đi vào trong sâu thẳm mênh mông cho ta sự bình an, giúp ta tiếp xúc với an lạc nhiệm mầu trong thực tại.

Hạnh phúc thay! Ta sống với tâm bình an trong những biến động của cuộc đời!

Có đại lực để vượt qua giông tố

Có từ tâm để san sẻ tình thương

Có nhẫn nại để vượt qua thống khổ

Có niềm tin để làm đuốc soi đường.

(Uyên Thăng)

Hạnh phúc thay! Sống trong cõi đời vô thường, mạng sống mong manh ai cũng sợ chết! Ta lại tự tại an vui không sợ chết! Vì:

Chết chỉ là đổi thay mầm cuộc sống

Ðể đời ta trẻ lại với an vui

Nuối tiếc chi già yếu phải bùi ngùi

Nên tỉnh thức ta an vui tự tại.

(Trích dẫn: NỖI LÒNG CỦA CHÚ TIỂU, do tác giả: Thích Tuệ Chiếu xuất bản)

Sưu tầm và đánh máy: Thanh Sơn

VA. 2546 (2002)

 


Vào mạng: 1-5-2002

Trở về mục "Đạo đức-Tâm lý học Phật giáo"

Đầu trang