Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .

Nhành Cây Lạ

Minh Mẫn

Mỗi lần bác Tư ra vườn, nhìn thấy nhành cây từ nhà kế bên xuyên qua tường rào, lòng bác cảm thấy bực bội khó chịu!

 

-         Tại sao tao bảo triệt hạ nhánh cây nầy, chúng mầy không làm   được?  Bác Tư càu nhàu bầy trẻ.

Thật ra không phải con cháu bác Tư không muốn chặt, nhưng khổ nổi, lọai cây gì mà vừa dẻo, vừa dai; nhất là loại cây quý, nhánh lá xanh tươi, đẹp lắm, tương tự như cây đa mà không phải đa, trong vườn nhà bác Tư cũng có giống tương tự, trồng trong cái chậu to đùng để làm kiểng, nó phát triển chậm và không tươi tốt như cây nhà kế cận.

 

Bác Tư và bác Sáu là bà con đầu ông đầu bà, giòng họ bà con ở chung một xóm; từ thuở ông tằng cố tổ khai sơn lập nghiệp phương Nam, con cháu sanh sản bầy đàn, tụ tập thành một ấp. Nhiều đời cháu chắt nủa quen nửa lạ, chúng được ông bà cho biết tất cả là bà con, nhưng giai hệ thế nào chả ai  rõ. Những lúc chòm xóm tối lửa tắt đèn có nhau, bác Tư và bác Sáu quý nhau như anh em ruột. Bác Tư nhường miếng đất của mình cho bác Sáu về ở kế cận cho vui. Bác Sáu từng cư ngụ nước ngòai, hiện cũng có con ở nước ngòai, thỉnh thỏang nhận được thuốc men, bánh kẹo, thường chia sớt cho bác Tư; lũ nhỏ của bác Tư thích nhất chocolate, thằng bé lên ba, cứ chạy qua nhà bác Sáu ngữa tay nói bập bẹ hai chữ: chọt lét. Bác Sáu lấy tay cù lét vào nách cháu, nó lắc đầu, chạy về cầm miếng giấy bạc nó đã liếm sạch chocolate, đưa cho bác Sáu, bác vẫn làm như không hiểu: cháu cho ông miếng giấy nầy để vấn thuốc phải không? Nó lắc đầu quầy quậy, chỉ miếng giấy bạc rồi đưa vào miệng; bác Sáu lại đùa: con muốn ăn giấy thế cơm? Nó dẫm chân tức tối, bác Sáu đành dỗ cháu: Ông hết rồi, chừng nào có, ông sẽ cho cháu.

Bác Tư còn cho thằng cháu vô công rỗi nghề qua ở giúp bác Sáu

Cứ thế, gia đình bác Tư qua lại nhà bác Sáu như chung một mái ấm. Một hôm bác Tư cần một số tiền lo việc riêng, giữa lúc bác Sáu chưa sẵn tiền, bèn tìm lời thối thoát, bác Tư ngỡ bác Sáu chê mình nghèo, sợ không trả nỗi, sanh hờn giận.

-         Chúng mầy không được qua nhà ông Sáu nữa nghen; Họ giàu có nên khi dể mình. Bác Tư đâm ra hằn học với con cháu

Lũ trẻ cũng chả hiểu tại sao hai bên hòa thuận, nay  ông mình lại gắt gỏng. Bà Tư cũng biết tánh chồng, không  bận tâm tìm hiểu nguyên nhân.

 

                                                            *

                                                         *    *

Bác Tư ngồi bật dậy khỏi ghế sofa, vói tay lật từng tờ lịch. Block lịch từ đầu đến cuối năm, không bao giờ xé bỏ. Một dãy lịch block những năm qua, bám bụi, bác vẫn còn treo trên góc tường đầu giường nằm.

-         Ồ, đây rồi, Ất Dậu, con gà hử! bác bấm tay, lẩm nhẩm: năm năm rồi, lẹ quá.

Bác Tư lật tới tờ lịch đánh dấu ngày bác Sáu  xây nhà trên đất mình. Những tờ lịch mỏng như tờ giấy quyến vấn thuốc rê, bác Tư ghi rõ từng buổi tiệc tùng, ma chay, ngày giờ sinh đẻ con cháu; ngày vay nợ, bán ruộng, ngày hai ông bà cãi vã để bác Tư gái khăn gói về nhà mẹ mình… Cái tính tỉ mỉ chi li đến độ bác Tư gái nhận tiền của chồng cho, lúc hưng phấn, cũng ghi vào. Nhà sản xuất lịch, biết được bác Tư, chắc họ hả dạ vì không uổng công sản xuất. Block lịch như thế trở thành chứng nhân và chứng tích của thời gian cho mọi việc xẩy ra trong gia đình bác Tư. Còn cái cây quý hiếm từ lúc bác Sáu đem từ nước ngòai về trồng, có lần bác Tư ngỏ ý muốn chiết nhánh lấy giống, bác Sáu hẹn khi trổ cành. Giờ đây cành đã chui sang nhà bác Tư, chưa kịp chiết thì tình cảm đã bị sứt mẻ; cái cây lạ mà quen đó, đã xuống giống được hơn ba năm, bác Tư thắc mắc, giống gì mà phát triển tươi tốt nhanh thế. Hoa trổ đẹp nhưng không mỏng manh như cây họ thảo, màu trắng tinh khiết như hoa bưởi; chúng nhú nụ tròn trỉnh bụ bẫm, nhưng chưa kết trái.

Những cây cảnh bác Tư trồng trong chậu, phân bón dồi dào, thế mà nó cứ chai lỳ không phát tiết, thân cây bị sâu bọ gặm nhấm xù xì; hoa kiểng mà nào ra kiểng, cứ như hoa giả không bằng! Bác thèm cái cây lạ của bác Sáu lắm, nhiều lúc muốn thương lượng với bác Sáu, mang hẳn về trồng bên đất nhà mình, nhưng ngượng miệng, không dám tỏ lời.

 

-         Mẹ mầy tính sao cái nhánh cây chọt ngang qua nhà mình? Bác Tư buồn rầu, bực bội, gắt gỏng hỏi bác Tư gái

-  Ông tính sao thì tính, làm sao đừng mất tình làng nghĩa xóm là được. Bác gái trả lời nhát gừng; Biết tính nóng nảy của chồng, bác gái không muốn tham gia ý kiến; Ông nên nhớ, bác Sáu nhà mình không phải đơn độc như mình, họ có bề thế với xóm giềng, họ xã giao rộng trong xã hội, gia đình họ là trí thức; con cháu họ có địa vị trong và ngòai nước…

 

Bác gái chỉ gợi ý để chồng suy nghĩ kỷ trước tánh khí nhỏ nhen của chồng. Bác Tư kéo một hơi thuốc lào, ngã vật xuống ghế sofa; Mỗi lần cần suy tính việc gì, bác thường mượn điếu cầy hổ trợ tinh thần; Những tiếng sùng sục của nước trong ống tre, làn khói mỏng manh từ ống điếu, vật vờ trong căn nhà ẩm tối, con thằng lằn quen hơi, bò đến thừa hưởng mùi nicotine quen thuộc. Giọng lè nhè, bác nói: Giàu có, địa vị, uy tín thì đã sao nào! luồn cúi mới được như thế; ta đây đếch cần, thà nghèo mà thanh thản; ta sẽ cho chúng nó biết tay…

Bác Tư gái vẫn im lặng. Thằng Cu Cỏn được ông nội cho qua giúp việc nhà bác Sáu, ngày nào cũng qua lại báo cáo nội tình sinh họat của gia đình bác Sáu; Từ hôm bác Tư hằn học, bác Sáu vẫn im lặng, ít giao tiếp; bác Sáu cũng dặn con cháu, kẻ ở người ăn không nên lời qua tiếng lại với người nhà bác Tư. Được thể, bác Tư nghĩ rằng bác Sáu sợ mình, bèn vu khống bác Sáu xúi con cháu hãm hại mình; Thằng Cu Cỏn cũng bịa chuyện bác Sáu bóc lột nó, hà hiếp nó. Nó xúi bác Tư: Ông nội đòi đất lại, đuổi họ đi, đất đó cho con ở, con sẽ cưới vợ, sanh con để phụng dưỡng ông bà nội. Bác Tư, sau một tuần thuốc lào, tươi tỉnh hẳn, nhiều phương án hiện ra trong đầu rõ như lằn chỉ trong lòng bàn tay: Ừ, thằng cu Cỏn nói thế mà phải, cứ xúi nó quậy phá trong nhà ông Sáu, tự khắc buồn chán mà bỏ đi; Mỗi ngày mình đứng trước cổng chửi đổng, cho đám con cháu gây áp lực suốt, có ma mà ở được. Hoặc  chặt bỏ nhánh cây, hoặc bảo thằng Cu Cỏn tưới nước sôi vô gốc cây cho bỏ ghét. Má nó thấy sao?

- Ông ơi, không dễ như ông tưởng đâu. Ông quậy kiểu đó thì an ninh khu phố đâu để yên cho ông? Giá đình bác Sáu từng được cấp bằng khen là gia đình gương mẫu của huyện. Cái nhánh cây ông còn không làm được thì đừng tính tới cái gốc. Ông không nhớ Tài Nguyên Môi Trường và câu lạc bộ cây cảnh đã ngắm nghía  vườn kiểng của  bác Sáu, họ muốn bao thầu  những lọai quý hiếm đó sao! Bác Tư gái tìm cách can ngăn. Thằng con cả của bác Tư cũng hết lời can gián bố nó. Bác Tư thịnh nộ: Mấy người không thấy nó lên giọng trịch thượng dạy đời mình sao. Dẫu sao, trước một ngày, hay một chuyện, tôi cũng lớn hơn mấy tuổi mà nó không kiêng nể, làm như trên đời nầy có mỗi mình nó khôn; Bà không nhớ ngày nó mới dọn về, chân ướt chân ráo đã biểu mình xây lại mặt tiền,vẽ lại bảng hiệu, thay cái nầy, đổi cái kia, còn đòi giáo dục dạy dỗ con cháu mình nữa chứ. khuyên mình không nên quản lý con cháu kiểu phong kiến; Làm như tụi mình  kém văn minh, thiếu hiểu biết. Xen sâu vào nội tình của mình, mấy người chịu được sao.

Bác Tư đánh trúng vào lòng tự ái gia môn của cậu con cả, cậu im lặng suy nghĩ, nhưng bác gái vẫn cố phân trần: Người ta xem mình như gia đình, họ góp ý mình thấy được thì chấp nhận. Họ ở nước ngòai nên cái hiểu của họ cũng thóang hơn mình; Họ nói có lợi cho mình chứ có lợi gì cho họ.

- Tôi đồng ý với bà, nhưng chuyện nhà, ông ta lại thuật  cho cả khu phố biết là sao? chẳng khác nào bêu rếu cho mọi người thấy gia đình mình dở, ông ta giỏi!

- Điều nầy ông tự ái là đúng, nhưng trong buổi họp tổ dân phố, người ta bảo ai có ý kiến đóng góp xây dựng khu phố Văn Hóa, từ giáo dục đến vệ sinh môi trường và cả kiến trúc… cho bộ mặt khu phố đẹp hơn, bác Sáu mới đưa ra ví dụ nhà mình như vậy thôi! Bác gái cố bênh vực bác Sáu.

- Cả cái con bé trốn học, chơi game, thế mà ông ta bảo đừng trừng phạt, đừng đánh đập nó, ông ta còn muốn mình sắm cái vi tính cho nó ở nhà chat và chơi games nữa chứ. chuyện lạ đời thế mà nghe được …

- Ba á, lối giáo dục bây giờ không phải  đánh đập, trừng phạt mà phải nghiên cứu khuyết điểm của con cháu để lái nó sang cái khuyết nhẹ hơn, từ từ làm mới cái sở thích của nó, điều đó đúng chứ không sai đâu.  Cậu con cả lên tiếng

 

Thằng Cu Cỏn chạy về, nói nhỏ vào tai ông nội: họ đã nhận đơn thưa của con, nay mai sẽ  đem ra tòa án nhân dân giải quyết nội à!

Bác Tư gật gù ra vẽ đắc ý: Được lắm, lần nầy cho mầy biết tay, giỏi mà cậy thần ỷ thế luồn lách.

 

Bác Tư gái ngày càng trầm lặng, ra chiều suy nghĩ mông lung; cậu con cả cũng ít nói; bầy  cháu như đoán được không khí nghiêm trọng, chúng ít ồn ào mỗi khi về thăm ông bà. Cuộc sống như chìm trong ngột ngạt; Mỗi mình cô dâu trưởng lo lắng nhiều bề: Kinh tế gia đình đang khủng hoảng, tài chánh cạn kiệt; khu phố cảnh báo nạn hư hỏng của bầy cháu; chuyện dồn dập như thế mà cha chồng không lo, lại lo cái chuyện vặt vảnh kỳ cục như thế. Cô dâu trưởng nhận thấy rằng, từ ngày Bác Sáu về, mấy đứa con của cô ít nhiều cũng biết nghe lời bác Sáu mà hiếu kính với cha mẹ ông bà. Bác Sáu cũng góp ý cho khu phố trong chương trình Hiếu học và Hướng nghiệp, bao nhiêu cái tốt đó không đủ khỏa lấp thành kiến nhỏ nhen của bố chồng.

 

- Ông Tư cho biết, theo đơn thưa của gia đình ông, bác Sáu đóng góp cho khu phố mục đích che đậy âm mưu phản loạn mà bác Sáu cấu kết với nước ngòai. Xin ông cho biết rõ và những chứng cứ để khu phố có cơ sở truy tố. ông khu phố trưởng hỏi

- Thưa ông, nếu mà có bằng cớ thì đâu cần phải thưa gửi làm gì. Nhân dân đóng góp, nhân dân kiểm sóat mà lịi thằng cháu nội tôi phụ giúp việc nhà cho ông ấy, biết rõ hành tung bí mật của ông ta có nguy hại cho an ninh đất nước. Nếu khu phố không tin chúng tôi thì sau nầy sự cố xẩy ra, khu phố chịu trách nhiệm. bác Tư cố phân trần

 

Ông khu phố trưởng nghe nói thế, sợ liên đới trách nhiệm, bảo bác Tư viết tờ tường thuật và cam đoan là sự thật. Biết đâu vụ nầy giúp mình có thêm công trạng bảo vệ an ninh khu phố. Ông khu phố làm tờ trình chuyển qua an ninh; Mấy hôm sau, một quyết định từ trên đưa xuống, buộc bác Sáu ra khỏi khu phố với lý do đơn giản: Theo đơn tố cáo của nhân dân, ông Sáu có hành vi đe dọa an ninh chính trị khu phố.

 

Bác Sáu không ngạc nhiên khi nhận được quyết định, bác mỉm cười, yêu cầu khu phố trưng bằng cớ kết tội; Lời vu cáo chưa đủ thuyết phục thì không thể là cơ sở để ra quyết định như thế. Ông khu phố không biết trả lời thế nào, thế là tình tạng nhùng nhằng. Xét hộ khẩu mỗi đêm, cũng bắng thừa, không có một lỗi nào để phải trục xuất, Bác Sáu vẫn bình chân như vại.

 

Bác Tư gọi bầy con lại để nghe ý kiến. Cậu con cả nói: Ba làm như thế thất bại, tại sao mình cứ phảivu khống, trục xuất người ta. Cách loại trừ xưa rồi, mình phải sống chung với kẻ thù để chuyển hóa và khống chế. Trước nay ba không chủ động được họ vì quan niệm “ cách sống chung”  thiếu cập nhật. Mình phải thấy cái tốt của họ, lợi dụng cái tốt của họ để làm lợi cho mình; đừng khống chế  đối phương như khống chế cây kiểng, hãy để cho nó tự phát, lái nó sang chiều hướng mình muốn. chúng ta quen chống kẻ thù vì ta kém họ nhiều mặt.Hơn nhau không phải giàu sang, quyền thế mà là tài năng chuyển hóa.

 

Bác Tư gật gù như có lối thóat.Bác gái nhìn thằng con trưởng ra vẻ thán phục. Cô con dâu hãnh diện về người chồng khôn ngoan. Bác Tư lên tiếng: Vậy cái nhành cây xuyên qua nhà, mình giải quyết bằng cách nào?

 

Thằng Cu Cỏn tiu nghỉu vì đơn thưa của nó không hiệu nghiệm. Cô dâu trưởng lên tiếng: Thưa ba, thưa má, chạy vòng vo, làm lớn chuyện, cuối cùng chúng ta trở lại nhánh cây. Khác nào Chủ Nghĩa xã Hội là con đường đi đến Tư Bản dài nhất! Nhành cây xuyên qua nhà mình, tuy cái gốc thuộc nhà bác Sáu, vấn đề là nhánh cây thuộc quyền quản lý của mình. Mình chặt bỏ là hạ sách, mình để nó tự do phát triển, xâm lấn không gian  là ta bất lực. Chúng ta phải tận dụng cái đẹp, cái quý của nó để làm lợi cho ta. Thưa ba má, ngày mai con sẽ bó đất cho nó đâm chồi để lấy giống; đồng thời con sẽ nhờ việnThực Vật cấy gen cho ra màu hoa và trái theo ý mình, và tìm lọai tương cận để tháp cành,  có như thế, gốc người mà nhánh ta, ai làm gì được nào. Hơn nhau cái trí mà không cần phải dùng thủ đọan quyền lực triệt nhau ba à. Đẹp người mà cũng đẹp ta.

Bác gái thở phào nhẹ lòng, trách yêu con dâu: sao lâu nay con không nói để khỏi mất lòng lối xóm, lại khỏi lao tâm khổ trí ba mầy. Tôi xin bổ túc ý nhỏ với ba mầy, khi chiết nhánh thành công, cây mới nên trồng ra đất cho nó đủ sức sanh trưởng tự nhiên. Còn nhánh biến đổi gen hay tháp cành gì đó cứ để tự nhiên phát triển bên không gian của mình, vừa đẹp mắt mà khỏi bận lòng như bấy lâu nay. Bác gái nói xong, ngúyt chồng như trêu cợt.

 

Cả nhà như vửa thóat khỏi cái không khí nặng nề. Cháu bé lên ba vẫn còn cầm miếng giấy bạc đưa cho ông nội đòi chọt lét. Bác Tư nghiệm ra rằng, bấy lâu bực bội, khổ tâm cũng bởi do chính ông tưởng tượng, gây khổ cho mình. Sinh họat bên nhà bác Sáu vẫn bình thường. Thằng cu Cỏn ái ngại nên tránh mặt bác Sáu. Bác Sáu vẫn gọi nó qua phụ giúp. Nhành cây lạ sau vườn vẫn xanh tươi đều đặn. Bác Tư không còn thấy nó chướng mắt mà trở thành nhành cây vừa lạ vừa quen. Bác Tư vói tay ghi vào tờ lịch: ngày đổi mới Tư Duy

 

                                                                             19/5/09

 

***

  http://www.buddhismtoday.com/viet/cuocsong/nhanhcayla.htm

 


Vào mạng: 21-05-2009

Trở về mục "Quà tặng cuộc sống"

Đầu trang