Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .

Cuộc đời có biết bao điều mầu nhiệm

HT. Thích Huyền Diệu

Nguồn: Báo Người Lao Động CN, 13/7/2008 - Bích Diệp

 

Trở về nước sau nhiều năm xa cách, sư thầy Thích Huyền Diệu không giấu nổi xúc động: "Tôi thực sự vui mừng được trở về sau nhiều năm xa quê hương đất nước. Xa quê hương, song lúc nào chúng tôi cũng hướng về Tổ quốc, hướng về đạo Phật, muốn đóng góp một cái gì đó"

 

40 năm ở nước ngoài, thầy toàn tâm toàn ý mong muốn phụng sự cho sự phát triển của Phật giáo nói chung và Phật giáo VN nói riêng. Bằng nghị lực, trí tuệ và công sức của mình, với những khoản tiền cúng dường của tăng ni phật tử bốn phương, thầy đã xây dựng được hai ngôi chùa: Chùa Việt Nam Phật Quốc Tự ở Bodh Gaya (Bồ Đề Đạo tràng), ở bang Bihar - Ấn Độ - ngôi chùa Việt Nam đầu tiên trên đất Phật và Việt Nam Phật Quốc Tự Lâm-tì-ni (Lumbini, Nepal) ngôi chùa Việt Nam đầu tiên nơi Phật giáng trần.

 

Giản dị và minh triết, thầy Huyền Diệu cho rằng trong cuộc đời này vẫn còn rất nhiều điềm mầu nhiệm. Nếu tĩnh tâm ta sẽ thấy chúng và nên nhận biết và phải biết hành động ngay, nếu không điều mầu nhiệm đó sẽ mất đi mãi mãi. Trong cuốn sách "Khi hồng hạc bay về", thầy Huyền Diệu viết: "Tâm trí tôi thường hướng về quê cha đất tổ và luôn mong ước có cơ duyên làm việc gì tốt cho đất nước, để tri ân một đất nước mà tôi được sinh ra, để nhớ công ơn cha mẹ, thầy tổ và bạn bè".

 

Thầy kể, lúc nhỏ thầy rất mê truyện Tây du ký về chuyện đi thỉnh kinh gian nan vất vả của thầy trò Đường Tăng tới đất Phật xa xôi. Chính lý tưởng nhà Phật đã đưa thầy vào con đường tu hành. Có lần, thầy Huyền Diệu đọc được đoạn kinh về Đức Phật trước khi nhập niết bàn có nói rằng tăng ni phật tử một lần trong đời tới bái được một trong bốn thành địa nhà Phật thì sẽ lên được cõi cực lạc. Là người được đào tạo ở Mỹ, Châu Âu, nói thạo tiếng Anh, Pháp, thầy đã dành dụm được ít tiền sau nhiều năm giảng dạy, để thực hiện giấc mơ của mình. Đặt chân lên đất Phật, trong niềm vui nghẹn lời, thầy vẫn không giấu nỗi buồn khi nhìn thấy nhiều ngôi chùa của các nước mà không có chùa VN. Thầy đã cầu nguyện trước khi nhắm mắt được nhìn thấy một ngôi chùa VN mọc lên giữa cõi Bồ Đề.

 

TRIẾT LÝ VIỆT. – Năm 1987, thầy Huyền Diệu bắt tay vào xây dựng ngôi chùa Việt Nam Phật Quốc Tự (Vietnam Bouddha Bhumi Vihara) tại Bồ Đề Đạo tràng, thuộc thị trấn Gaya, bang Bihar, Ấn Độ. Món quà tinh thần này thầy dâng tặng lên quê hương xứ sở. Lúc đó thầy là người Việt đầu tiên đặt chân lên mảnh đất này, lại bị gièm pha sao không xây chùa nơi có nhiều người Việt sinh sống mà lại xây ở đây... Trải qua bao gian nan vất vả, nhờ hồn thiêng sông núi và sự cầu nguyện của thầy và phật tử khắp nơi, ngôi chùa đã hoàn thành. Ngôi chùa tuy không to hơn chùa của các nước khác nhưng cao hơn và được coi là chùa đẹp nhất ở đây, thu hút nhiều du khách viếng thăm.

 

Thầy Huyền Diệu cho rằng thầy đã biết áp dụng triết học VN với tầm nhìn xa trông rộng vào việc xây dựng chùa. "Chùa của các nước khác to lớn, nhưng khung cảnh không giống chùa Việt Nam mình. Tôi cất chùa nhỏ nhưng cao hơn, để từ ngôi chùa VN có thể thấy tất cả ngôi chùa khác. Ngôi chùa tọa lạc nơi đây vì đó là đất thiêng và cũng là biểu tượng của tinh thần Việt Nam"- thầy Huyền Diệu triết lý. "Trong cuộc đời nếu mình làm việc tốt mà bị nói xấu thì không nên bận tâm mà âm thầm làm. Làm xong hẵng nói. Đó là triết lý của VN" – thầy tâm niệm.

 

HUYỀN DIỆU Ở LÂM-TÌ-NI

Ngôi chùa tại Bồ Đề Đạo tràng tưởng như đã vắt kiệt công sức, trí lực của thầy Huyền Diệu. Vậy mà cơ duyên lại đến với thầy một lần nữa. Thầy kể lần đầu đặt chân đến Lâm-tì-ni ở Nepal, thầy bàng hoàng đến rơi nước mắt vì sự điêu tàng của nơi Đức Phật giáng trần. Thầy phát tâm cầu nguyện, xin Đức Phật phù hộ để trước khi thầy nhắm mắt được nhìn thầy Lâm-tì-ni phát triển. Ở bất cứ đâu thầy cũng đem Lâm-tì-ni ra thuyết giảng. Thầy so sánh Lâm-tì-ni của Phật giáo cũng giống như thánh địa Mecca của Hồi giáo, Vatican của Thiên Chúa giáo hay Jarusalem của Do Thái giáo.

 

Câu chuyện khiến vua Nepal Birendra xúc động. Nhà vua đã cho máy bay riêng chở thầy tới Lâm-tì-ni và cấp đất để thầy dựng chùa. Vậy là ngôi chùa VN thứ hai được dựng lên vào năm 1993 tại nơi Phật gián trần. Không dừng lại ở đó, thầy Huyền Diệu ra sức bảo vệ và phát triển Lâm-tì-ni bằng cách thuyết phục mỗi nước trên thế giới tới đây cất một ngôi chùa giống hình mẫu tổ chức Liên Hiệp Quốc vậy. Thầy thành lập ủy ban Quốc tế phát triển Lâm-tì-ni. Trong 15 năm qua, đã có 25 nước trên thế giới đến xây dựng chùa và chùa Việt Nam là chùa đầu tiên. Hễ nghe đến hai từ Việt Nam, người dân Lâm-tì-ni, từ chức sắc đến dân thường đều kính phục. Mỗi lần Thầy Huyền Diệu ra đường, thường kéo theo một đoàn người đi theo mong được thầy sờ vào đầu để chúc phúc. Trong nhiều năm sống tại Nepal, thầy Huyền Diệu còn đóng góp cho tiến trình hòa bình ở nước này. Không muốn nhìn thấy cảnh chiến tranh tương tàn đổ máu, thầy đã dũng cảm đem lời nói và tình thương bao la đi đàm phán với các phe tham chiến, mong họ hạ vũ khí. Các phe chủ chiến cũng bị những lời nói của thầy thuyết phục và họ đã buông súng.

 

BỐN BÍ QUYẾT SỐNG AN LẠC

Nguyện ước của thầy Huyền Diệu là được nhìn thấy đất nước VN giàu mạnh, là một trong những nước tiên tiến trong thế kỷ 21. Muốn thế, người Việt phải đoàn kết, yêu thương chia sẻ, cùng nhau đóng góp vào xây dựng đất nước quê hương. Là người tu hành, thầy xa lánh sự nổi tiếng, có người đề nghị đưa thầy vào danh sách được trao tặng giải thưởng Nobel vì hòa bình, đầy đã từ chối. Thầy mong muốn tìm được người hòa bình, thầy đã từ chối. Thầy mong muốn tìm được người có tâm trụ trì hai ngôi chùa ở Ấn Độ và Nepal để thầy được thanh thản dưỡng tâm tu luyện trên núi Himalaya hùng vĩ, được hòa mình vào thiên nhiên, chăm sóc những con chim hồng hạc yêu quý, viết sách, giảng đạo.

 

Theo thầy Huyền Diệu, vạn vật đều ẩn chứa sự bí mật huyền diệu trong đó. Bí quyết sống an lạc và hạnh phúc của thầy là phải tin thuyết nhân quả, để không bao giờ làm chuyện sai trái, kính Phật và thực hành, tránh xa kẻ xấu, ác, tri ân những người giúp đỡ mình, tôn kính bậc đáng kính. Dù bận rộn đến đâu cũng phải dành thời gian an tĩnh tâm hồn và giữ gìn sức khỏe vì có sức khỏe thì mới làm được nhiều việc.

 

phatphap.wordpress.com & phatphapnhiemmau.com

                                                                                                                        
 

 

http://www.buddhismtoday.com/viet/cuocsong/maunhiem.htm

 


Vào mạng: 11-08-2008

Trở về mục "Quà tặng cuộc sống"

Đầu trang